T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngô Thụy Miên: Mắt Biếc

“. . .Bản tình ca “Mắt biếc” ra đời vào khoảng cuối thập kỉ 60 của thế kỉ trước và từ đó vẫn được hát tới tận ngày nay, bởi nhiều ca sĩ danh tiếng thuộc nhiều thế hệ. Điều gì làm cho ca khúc được cho là “đầu tay” này của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên được nhiều người yêu thích đến vậy?. . .”

Ngô Thụy Miên: Mắt Biếc

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

 Mắt Biếc – Sáng Tác: Ngô Thụy Miên

Trình bày: Tuấn Ngọc

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm, phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v..(T.Vấn: Dòng Nhạc Kỷ Niệm với Nhạc cũ miền Nam).

©T.Vấn 2018

Nghe Thêm:

Hòai Nam – 70 Năm Tình Ca (63)- Ngô Thụy Miên 1

Hòai Nam – 70 Năm Tình Ca (63)- Ngô Thụy Miên 2

Đọc Thêm:

Cảm âm ca khúc Mắt Biếc của Ngô Thụy Miên – một tình yêu đã qua nhưng sẽ chẳng phai nhòa

(Nguồn: DKN)

Bản tình ca “Mắt biếc” ra đời vào khoảng cuối thập kỉ 60 của thế kỉ trước và từ đó vẫn được hát tới tận ngày nay, bởi nhiều ca sĩ danh tiếng thuộc nhiều thế hệ. Điều gì làm cho ca khúc được cho là “đầu tay” này của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên được nhiều người yêu thích đến vậy?

Bài hát của một kỉ niệm tình yêu đã qua, nhưng sóng lòng vẫn còn cuồn cuộn.

Ca khúc được bắt đầu từ một nốt cao vút, rồi trải dần xuống từng bậc từng bậc, tràn trề như một dòng suối hiền hòa, tưới mát tâm hồn người nghe. Một lời tự sự như một tiết lộ riêng tư về một kỉ niệm tình yêu đã đi qua những ngày gió mưa mà vẫn chẳng phai nhòa, vì đã hằn sâu trong ký ức, dù người yêu đã mãi xa xôi:

Nhớ tới năm xưa bên nhau
Bước trong chiều mưa, phím ru nhẹ đưa

Nội dung của câu chuyện tình này không có gì quá đặc biệt, chỉ là tâm sự về một niềm nhung nhớ với một người yêu cũ, một mối tình cũ. Bản thân lời bài hát đã như một câu chuyện bằng thơ, trên  nền nhịp điệu Boston chậm rãi và tha thiết:

Dĩ vãng như bao cung tơ
Lướt theo chiều mưa, kết muôn bài thơ

Âm nhạc của Ngô Thụy Miên như một dòng chảy êm đềm mà mãnh liệt tràn trề cảm xúc thăng hoa. Đặc biệt, trong dòng sông nhạc cuồn cuộn của “Mắt biếc”, có những nốt trầm rơi xuống như thác đổ từ trên cao vút, hòa vào dòng sông rộng lớn mênh mang êm dịu phía dưới.

Chờ nhau trong tê tái…
Mắt biếc năm xưa nay đâu?
Bến ga tịch liêu, vắng xa người yêu

Tình yêu như con tàu đã rời đi, để lại sân ga vắng vẻ. Trong lời hát không có những kỉ niệm ngọt ngào làm nhân chứng cho tình yêu, mà chỉ còn lại trong tim hình bóng của một đôi mắt biếc trong chiều mưa miên man của một ngày xưa cũ.

Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Mắt biếc – mắt xanh – mắt của tuổi trẻ, tuổi thơ ngây, tuổi mà nhìn đời còn rất đẹp rất long lanh, đôi mắt như viên ngọc sáng chưa có tì vết của sự nhọc nhằn, uất hận, chán chường, vô cảm thường thấy trong những đôi mắt đã trải qua những sóng gió phong ba và thất bại của đời người. Sự trong sáng hồn nhiên trong đôi mắt ấy phải chăng đã làm tâm hồn chàng trai rung động, và nhớ mãi không quên?

Nuối tiếc yêu đương xa xưa
Tháng năm nào trôi để nhớ nhung buồn

Ai là người thể hiện “Mắt biếc” thành công nhất?

Ca sĩ Tuấn Ngọc được nhiều người thừa nhận là một ông hoàng trong dòng ca khúc trữ tình Việt ngữ nửa sau thế kỷ 20. Anh đã hát thành công rất nhiều bài ở mức độ “Top of the Song”, hiếm ai bì kịp. “Mắt biếc” trong giọng ca “trác tuyệt” của anh thậm chí còn trở nên biếc hơn nữa.

Nhưng trong bài hát này, anh cũng có một bậc tiền bối “đáng gờm”, đó chính là ca sĩ Sĩ Phú; nam danh ca với giọng ca nhẹ nhàng mà đậm đà sâu lắng; chàng phi công điển trai có bộ râu con kiến kiêm ca sĩ này khi hát “Mắt biếc” đã có thính giả trẻ nhận xét: “Mình nghe bản nhạc qua nhiều ca sĩ hát, nhưng chú Sĩ Phú vẫn là số 1”.  Có thính giả còn viết: “Mỗi ca sĩ hát bài này đều có một sắc thái riêng. Nhưng với Sĩ Phú, dường như nhạc sĩ Ngô Thụy Miên viết bài này là để riêng anh hát. Nó quá nhiều cung bật cảm xúc đan xen … Chất giọng nam tính lãng tử, quý phái nhưng rất liêu phiêu …”. Bản thân Sĩ Phú cũng từng chia sẻ trước khán giả rằng: “Tôi đã tìm được một quãng đời của chính tôi trong đó”.

Theo đánh giá của tác giả Quỳnh Giao, cả hai đều hay: “Giọng Sĩ Phú thủ thỉ tình tứ, giọng Tuấn Ngọc góc cạnh và mạnh mẽ hơn. Có lẽ chất giọng mạnh và cứng của Tuấn Ngọc thích hợp với ca khúc này nhất”.

Sau này ca sĩ Bằng Kiều cũng hát bài “Mắt biếc” với chất giọng nam cao trong trẻo đặc trưng của anh, ca từ sắc nét và cao vút, làm người nghe liên tưởng tới những cánh chim tình yêu bay không biết mỏi qua giông tố cuộc đời. Có thính giả trẻ đã khen ngợi: “Bài này mình thích nhất hơn 12 năm rồi, đặc biệt là chú Tuấn Ngọc hát, không ngờ Bằng kiều lại thể hiện bài này hay đến vậy”. Sánh vai được với các “cây đa cây đề” đâu phải chuyện dễ dàng! Ca sĩ Bằng Kiều chắc chắn cũng có thế mạnh riêng của anh.

Mỗi độ thu về, “Mắt biếc” lại sống dậy trong lòng thính giả yêu mến Ngô Thụy Miên

Mùa thu với không gian đầy mơ màng có thể là khởi đầu của những mối tình đẹp; nhưng mùa thu và lá rơi cũng có thể gợi nhớ đến những mối tình đã qua

Lá úa đơn côi bơ vơ
Cuốn theo chiều rơi, người xa vắng rồi

Nỗi buồn man mác nhẹ nhàng nhưng không dễ nhạt phai. Còn lại đôi chút những “tóc mây” trong “dáng xưa yêu kiều” mờ ảo. Nhưng chỉ vậy thôi cũng đủ cho những con tim nhạy cảm phải thổn thức rồi.

Tình yêu chỉ như mây như khói trôi qua đời người, nhưng có những lúc tình yêu mãnh liệt như giông bão trong hồn, vậy mới có điều để nhớ, để lòng thêm se sắt mỗi độ lá rơi. Theo tác giả Quỳnh Giao, nhạc sĩ đã dùng thủ pháp âm nhạc là “thay đổi rất nhiều hợp âm để diễn tả nỗi nhớ nhung dâng ngợp trời” của người trai với tình xưa.

Tình yêu như mây khói, thoảng nghe gió buồn mơ hồ
Tình yêu như giông tố qua phố đìu hiu

Trong tình yêu đôi lứa, hai người thường phải sống trong tâm trạng chờ đợi: chờ nhau đến; chờ được gặp mặt; những khoảnh khắc bên nhau dường như thật ngắn ngủi, trong khi những lúc xa nhau lại quá dài. Ngô Thụy Miên đã khai thác một cách tinh tế khía cạnh cảm xúc này cho bài hát, với nỗi nhớ dường như đã lên tới cao trào:

Nhớ dáng xưa yêu kiều
Trong chiều nhạt nắng, cung đàn mỏi ý
Chờ nhau trong tê tái…

Dù chàng trai trong “Mắt biếc” của Ngô Thụy Miên có phải chờ đợi người yêu đến bao lâu, thính giả yêu nhạc Việt ngữ có lẽ cũng chẳng phải đợi lâu để được nghe lại tình khúc bất hủ này, vì rằng các ca sĩ trẻ vẫn đang nối tiếp các thế hệ đàn anh để hát mãi lời ca:

Mắt biếc năm xưa nay đâu?

Trong những say mê và rung động tận cùng của âm nhạc và trái tim nghệ sĩ.

Hoài Ân

Bài Mới Nhất
Search