T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

HOÀI NAM: NHỮNG CA KHÚC NHẠC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (81) -NHẠC PHIM – Que Será Será (Whatever will be, will be), Jay Livingston, Ray Evans (Biết ra sao ngày sau)

Bài thứ nhì trong phần viết về những ca khúc trong phim, hoặc từ nhạc phim được đặt lời Việt, chúng tôi xin giới thiệu bản Que Será Será (Whatever will be, will be) của hai tác giả Jay Livingston và Ray Evans, được nữ ca sĩ kiêm diễn viên Mỹ Doris Day hát trong cuốn phim The Man Who Knew Too Much (1956), được đặt lời Việt với tựa Biết ra sao ngày sau.

Trở lại với những năm đầu thập niên 1950, thời gian mà thể loại phim cao-bồi Viễn Tây (Western) không còn bị xem là “những cuốn phim rập theo một khuôn mẫu đơn thuần để giải trí, xem xong rồi quên”, Hồ-ly-vọng đã sản xuất nhiều cuốn phim Viễn Tây có giá trị nghệ thuật cao. Trong số này, High Noon (1952) đã được liệt vào hàng bất hủ.

Cốt truyện của High Noon kể về sự lựa chọn giữa hạnh phúc cá nhân và danh dự của vị cảnh sát trưởng một thị trấn nhỏ: đúng ngày ông mãn nhiệm, cùng người vợ trẻ mới cưới ra đi về một khung trời bình yên hạnh phúc, thì được tin tên đại anh chị mà ông đã đưa vào tù, được thả và đang trên đường về thị trấn, nơi các tay đàn em đang chờ đợi, tìm ông để phục hận. Trước tối hậu thư của người vợ trẻ, vị cảnh sát trưởng quyết định để nàng một mình ra đi trên chuyến xe lửa đúng ngọ (high noon), còn mình ở lại đương đầu với băng anh chị…

Ba tên tuổi hàng đầu của kinh đô điện ảnh đã góp phần vào cuốn phim này là nhà sản xuất Stanley Kramer, đạo Alfred Zinnemann, và nam diễn viên Gary Cooper.

Stanley Kramer (1913 – 2001) đã góp phần vào 16 cuốn phim

đoạt giải Oscar, Alfred Zinnemann (1907 – 1997) đoạt bốn giải Oscar với tư cách đạo diễn, còn Gary Cooper (1901 – 1961) nam diễn viên được xưng tụng “ông vua cao-bồi” từ cuối thời phim câm, đã đoạt giải Oscar diễn xuất thứ nhì trong sự nghiệp qua vai trò vị cảnh sát trưởng trong cuốn phim này.

High Noon cũng là cuốn phim đã giới thiệu nữ diễn viên trẻ

Grace Kelly (1929 – 1982) tới khán giả (sau này, Grace Kelly trở thành Bà hoàng Monaco vào năm 1956).

High Noon đoạt bốn giải Oscar trong đó có giải cho nhạc phim và ca khúc trong phim.

Nhạc phim High Noon do nhà soạn nhạc Mỹ gốc Nga lừng danh Dimitri Tiomkin (1894 – 1979) soạn; ông cũng là người soạn nhạc cho ca khúc trong phim, Do not forsake me, My Darling với lời hát của Ned Washington, được trình bày qua tiếng hát của Rex Ritter.

Hiện nay, Do not forsake me, My Darling  đang đứng hạng 25 trong danh sách 100 ca khúc trong phim hay nhất của Viện Phim Ảnh Hoa Kỳ (AFI: American Film Institute).

VIDEO:

Do Not Forsake Me O My Darlin , High Noon

Qua năm 1953, một cuốn phim Viễn Tây khác đã đoạt giải Oscar cho ca khúc trong phim, Calamity Jane với bản Secret Love. Tuy hình thức là một cuốn phim Viễn Tây nhưng nội dung Calamity Jane chỉ là một cuốn phim ca nhạc, và Secret Love là một tình khúc êm dịu.

Chúng tôi sẽ trở lại với Secret Love ở một phần sau, khi viết về sự nghiệp của nữ ca sĩ kiêm diễn viên Doris Day, còn ở đây xin được nhắc tới một ca khúc trong phim khác cũng trong năm 1953, tuy không đoạt giải nhưng về sau còn nổi tiếng hơn nhiều ca khúc đoạt giải, đó là bản Diamonds Are a Girl’s Best Friend trong phim Gentlemen Prefer Blondes. Nổi tiếng chỉ vì đã được nữ minh tinh Marilyn Monroe “hát nhép” trong phim (được lồng tiếng hát của Marni Nixon).

Cảnh Marilyn Monroe mặc bộ áo màu hồng hở ngực hát ca khúc này đã trở thành hình ảnh “cầu chứng” của người nữ minh tinh hồng nhan bạc mệnh, về sau đã được nhiều hậu bối diễn lại, trong số này có Beyonce, Madonna, Geri Halliwell, Kylie Minogue, Nicoke Kidman, Anna Nicole Smith, Christina Aguilera…

Qua năm 1954, sự việc lại tái diễn: ca khúc Three Coins in the Fountain trong cuốn phim có cùng tựa đề đã đoạt giải Oscar cho ca khúc trong phim, nhưng một ca khúc do Marilyn Monroe hát trong một cuốn phim khác cũng đã được nhiều người biết tới, đó là bản River of No Return trong cuốn phim Viễn Tây có cùng tựa đề. Lẽ dĩ nhiên, trong phim Marilyn Monroe cũng chỉ nhép miệng, còn người hát là  nữ ca sĩ Tennessee Ernie Ford.

Theo ký ức của chúng tôi, ngày ấy phim Gentlemen Prefer Blondes (1953) không được chiếu tại Sài Gòn, cho nên River of No Return (1954) chính là cuốn phim đã giới thiệu Marilyn Monroe và chàng kép bảnh trai Robert Mitchum với khán giả tại Hòn Ngọc Viễn Đông, dưới tựa đề tiếng Pháp Rivière sans retour (Dòng sông một chiều).

Ngày ấy, River of No Return còn nổi tiếng vì là cuốn phim màu đầu tiên sử dụng kỹ thuật màu Technicolor và màn ảnh rộng Cinemascope.

VIDEO:

River of No Return- Robert Mitchum/Marilyn Monroe- Rivière sans retour (Lyrics)

Qua năm 1955, cả năm ca khúc trong phim được xướng danh giải Oscar đều là những ca khúc để đời, trong đó có ba bản rất quen thuộc với người yêu nhạc Anh Mỹ tại miền Nam VN trước năm 1975, là Love Is A Many Splendored Thing, I’ll Never Stop Loving You, Unchained Melody.

 Love Is A Many Splendored Thing được hát trong cuốn phim có cùng tựa đề, I’ll Never Stop Loving You được hát trong phim Love Me or Leave Me, Unchained Melody được hát trong phim Unchained.

 Ngày ấy, Love Is A Many Splendored Thing đã đoạt Oscar cho ca khúc trong phim. Riêng bản Unchained Melody, 35 năm sau, khi được đưa vào một cuốn phim mới, đã trở lại Top 10 ở Hoa Kỳ và làm mưa gió trên khắp thế giới (chúng tôi sẽ trở lại với Unchained Melody trong một bài sau).

VIDEO:

 Matt Monro: Love Is A Many Splendored Thing Lyrics

Tới năm 1956, Que Será Será (Whatever will be, will be), ca khúc chủ đề của bài viết này, đoạt giải Oscar cho ca khúc trong phim.

Nhân nhắc tới năm 1956, chúng tôi cũng xin đi ra ngoài đề để viết về cuốn phim ca nhạc có tựa đề Rock Around the Clock cũng được phát hành trong năm này. Thực ra đây chỉ là một cuốn phim hạng B, được nhắc tới chỉ vì trong đó có ca khúc Rock Around the Clock, được ghi nhận là bản nhạc rock đầu tiên được đứng No.1 trên bảng xếp hạng Billboard tại Hoa Kỳ.

Rock Around the Clock do hai tác giả Max C. Freedman và James E. Myers soạn vào năm 1952, sau đó được nhiều ca sĩ, ban nhạc trình diễn nhưng không gây tiếng vang. Phải đợi tới khi ban Bill Haley & His Comets thu đĩa vào năm 1954, Rock Around the Clock mới nổi tiếng, và nổi như cồn.

Tháng 7 năm 1955, Rock Around the Clock đã đứng No.1 trên bảng xếp hạng nhạc Pop của Billboard, và ở vị trí này trong suốt tám tuần lễ. Rock Around the Clock  cũng lên Top ở nhiều quốc gia Âu Châu, riêng  tại Anh quốc, Rock Around the Clock là đĩa 45 vòng đầu tiên đạt được số bán trên một triệu.

Một điều đáng nói nữa là về sau Rock Around the Clock (do Bill Haley & His Comets thu đĩa) đã nhiều lần trở lại Top 10 trong hai thập niên 1960, 1970.

Hiện nay, Rock Around the Clock đang đứng hạng 50 trong danh sách 100 ca khúc trong phim hay nhất do Viện Phim Ảnh Hoa Kỳ (AFI) bình chọn.

VIDEO:

Bill Haley & His Comets – Rock Around The Clock (1955) HD

Tới đây, chúng tôi viết về Que Será Será (Whatever will be, will be), ca khúc đoạt giải Oscar cho ca khúc trong phim năm 1956.

Que Será Será (Whatever will be, will be) là một sáng tác của Jay Livingston và Raymond Evans, được nữ ca sĩ kiêm diễn viên Doris Day hát trong cuốn phim nghẹ thở The Man Who Knew Too Much của đạo diễn Anh Alfred Hitchcock.

Jay Livingston (1915 – 2001) và Raymond Evans (1915 – 2007)

 Jay Livingston (1915 – 2001) là nhà soạn nhạc người Mỹ mà tên tuổi đã đi liền với đồng hương Raymond Evans (1915 – 2007), nhà viết lời hát nổi tiếng cùng thời. Trong số các ca khúc do hai ông hợp soạn có tới ba bản đoạt giải Oscar cho ca khúc trong phim:

Buttons and Bows, phim The Paleface, 1948

Mona Lisa, phim Captain Carey, U.S.A., 1950

Que Será Será (Whatever will be, will be), phim The Man Who Knew Too Much, 1956

Về phần (Sir) Alfred Hitchcock (1899–1980) mà chúng tôi đã từng nhắc tới trong bài Dẫn Nhập, là đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim gốc Anh nổi tiếng bậc nhất, thường được xưng tụng là “ông vua phim nghẹt thở, kinh dị”.

Ông cũng được ghi nhận là người đầu tiên trên thế giới thực hiện một cuốn phim có đủ cả nhạc đệm, đối thoại và hiệu ứng âm thanh (sound effects), đó là cuốn phim Blackmail, được trình chiếu tại Luân-đôn vào cuối tháng 6 năm 1929.

The Man Who Knew Too Much (1956) là tác phẩm thứ hai của Alfred Hitchcock mang cùng tựa đề.

The Man Who Knew Too Much nguyên là tựa đề loạt truyện trinh thám của tác giả Anh G. K. Chesterton xuất bản năm 1922, về sau được Alfred Hitchcock mua bản quyền.

Năm 1934, khi còn ở Anh quốc, Alfred Hitchcock đã thực hiện cuốn phim trinh thám mang tựa đề The Man Who Knew Too Much nhưng với một cốt truyện khác hẳn truyện của tác giả G. K. Chesterton. Cuốn phim này đã được xem là đỉnh cao sự nghiệp của ông trước khi sang Hoa Kỳ.

Cuốn phim The Man Who Knew Too Much thứ hai (1956) – ngày ấy chiếu tại Sài Gòn dưới tựa tiếng Pháp L’Homme qui en savait trop, Người biết quá nhiều – cũng có cốt truyện giống cuốn phim The Man Who Knew Too Much thứ nhất nhưng với một số tình tiết đã được thay đổi.

Hai vai nhân vật chính trong phim được trao cho nam diễn viên James Stewart (1908 – 1997) và nữ diễn viên kiêm ca sĩ Doris Day.

Doris Day tên thật là Doris Mary Kappelhoff, ra chào đời ngày 3/4/1922 tại Cincinnati, Ohio, gốc di dân Đức, ông bố là thầy giáo dạy nhạc kiêm trưởng ban hợp xướng.

Ngay từ nhỏ, cô bé Doris đã say mê bộ môn vũ, và tới giữa thập niên 1930 đã cùng cậu bé Jerry Doherty trở thành cặp vũ thiếu niên, trình diễn tại địa phương Cincinnati. Nhưng tới tháng 10 năm 1937, Doris Day bị gẫy xương chân trong một tai nạn xe hơi, phải bỏ mộng trờ thành một vũ công nhà nghề.

Trong thời gian bị “cấm cung” dài đằng đẵng, để giải khuây, cô bé 15 tuổi thường nghe radio và hát theo suốt ngày. Sau này Doris Day cho biết ngày ấy cô thích nhất Ella Fitzgerald và cố gắng bắt chước, từ cách phát âm chính xác, cách gọt dũa ca từ, cho tới cách ngân cách láy của thần tượng.

[Ella Fitzgerald (1917-1996) là đệ nhất nữ danh ca nhạc jazz của Hoa Kỳ, thường được xưng tụng là First Lady of Song, Queen of Jazz, hoặc ngắn gọn hơn, Lady Ella]

Thấy con gái vừa đam mê vừa có khiếu, bà mẹ cho cô học hát. Sau ba tuần (mỗi tuần một buổi), cô giáo dạy hát Grace Raine nhận xét Doris có rất nhiều triển vọng, và cô tự nguyện dạy Doris mỗi tuần ba buổi nhưng chỉ lấy học phí một buổi!

Doris theo học cô giáo Grace Raine trong thời gian tám tháng, và chưa học xong đã có job: vừa hát trên đài phát thanh địa phương 700 AM vừa hát tại nhà hàng Tàu Charlie Yee’s Shanghai Inn.

Chính trong thời gian hát trên đài phát thanh địa phương 700 AM, Doris đã được Barney Rapp, trưởng ban nhạc jazz nổi tiếng ở Ohio chú ý tới đúng vào lúc nữ ca sĩ trong ban là cô vợ Ruby của ông có bầu, và ông đã mời Doris thay thế, chọn cho cô nghệ danh “Doris Day” thay tên cúng cơm Doris Kappelhoff! (Barney Rapp cho biết lấy chữ “Day” là vì ông rất thích nghe Doris hát bản Day After Day).

Một thời gian ngắn sau khi hát cho ban Barney Rapp, Doris Day được mời hát cho các nhạc jazz có tầm vóc quốc gia, như Jimmy James, Bob Crosby, Les Brown… Đầu năm 1945, ca khúc Sentimental Journey, một sáng tác của Les Brown và Bud Green do Doris Day thu đĩa đã trở thành ca khúc đầu tiên đứng No.1 trên bảng xếp hạng Billboard trong sự nghiệp ca hát của Doris Day (với tư cách là một thành viên trong ban Les Brown).

Thời gian này cũng là lúc Đệ Nhị Thế Chiến tại Âu Châu kết thúc, vô hình trung ca khúc Sentimental Journey đã trở thành bài hát nằm lòng của những quân nhân đang chờ đợi lên đường trở về quê hương.

Từ đó cho tới cuối năm 1946, Doris Day đã có thêm sáu ca khúc khác đứng trong Top 10 của Billboard. Tới đầu thập niên 1950, Doris Day đã trở thành một trong những ca sĩ được ái mộ nhất, có thù lao cao nhất tại Hoa Kỳ.

Về sự nghiệp điện ảnh, sau khi trở thành ca sĩ chính trong ban Les Brown, năm 1941, Doris Day bắt đầu được mời xuất hiện trên màn bạc, thường là qua những vai phụ trong các cuốn phim ca nhạc hài kịch.

Năm 1948, với sự khuyến khích của nhà viết ca khúc Jule Styne, Doris Day đã “xâm mình” thủ vai chính trong cuốn phim Romance on the High Sea. Ca khúc It’s Magic cô hát trong cuốn phim này đã lên tới No.2 (với tư cách ca sĩ hát solo).

Hai tháng sau, bản Love Somebody do Doris Day song ca với Buddy Clark đã lên No.1. trên Billboard.

Năm 1949, Doris Day được hãng phim Warner Bros. ký hợp đồng độc quyền 5 năm, và thủ vai chính trong cuốn phim My Dream Is Yours, trong đó cô hát ca khúc Someone Like You.

Năm 1950, Doris Day được các binh sĩ Mỹ phục vụ tại Triều Tiên bình chọn là nữ nghệ sĩ được ái mộ nhất.

Trong hai năm 1952-1953, Doris Day còn được hãng CBS mời thực hiện chương trình The Doris Day Show trên hệ thống phát thanh toàn quốc.

Song song, Doris Day đã đóng thêm nhiều cuốn phim ăn khách khác cho hãng Warner Bros mà đỉnh cao là Calamity Jane, một cuốn phim ca nhạc cao-bồi Viễn Tây, trong đó cô thủ vai nữ nhân vật chính Calamity Jane.

[Calamity Jane (1852-1903) là một nhân vật đầy huyền thoại. Bà là một nhà thám hiểm kiêm hướng đạo chuyên nghiệp, chiến đấu chống người da đỏ, bạn thân của “người hùng” Wild Bill Hickok]

Trong cuốn phim này, Doris Day đã hát bản Secret Love, đoạt giải Oscar cho ca khúc trong phim năm 1953, và là ca khúc thứ tư của Doris Day đứng No.1 trên bảng xếp hạng Billboard.

Phụ Lục 1: Secret Love, Doris Day

VIDEO:

1954 #1. Secret Love – Doris Day

Mặc dù thành công rực rỡ, nổi tiếng và giàu có với thể loại phim ca nhạc hài kịch, Doris Day vẫn mong muốn bước sang thể loại bi kịch, hoặt ít ra cũng là bi hài kịch, để chứng tỏ khả năng diễn xuất của mình. Vì thế, trước việc hãng phim Warner Bros. cứ tiếp tục “bổn cũ soạn lại”, khi mãn hợp đồng vào năm 1954, Doris Day ra đi đầu quân cho hãng Paramount Pictures.

Cuốn phim đầu tiên của Doris Day tại hãng phim mới, Love Me or Leave Me (1955), một cuốn phim bi kịch đóng chung với nam diễn viên gạo cội James Cagney, đã thành công rực rỡ về cả mặt nghệ thuật lẫn thương mại. Đa số các nhà phê bình đều cho đây là vai trò diễn xuất đạt nhất của Doris Day kể từ ngày bước sang lĩnh vực điện ảnh.

Nhờ đó, qua năm sau (1956) Doris Day đã được đạo diễn Alfred Hitchcock chọn để thủ vai nữ nhân vật chính trong cuốn phim nghẹt thở The Man Who Knew Too Much của ông.

 Lúc đó, Alfred Hitchcock đang đảm trách việc sản xuất phim cho hãng Paramount Pictures, và theo hợp đồng thì ông còn thiếu một cuốn phim cho năm 1956.

Vì không còn nhiều thời gian, Alfred Hitchcock đã lấy cốt truyện của

cuốn phim trinh thám The Man Who Knew Too Much mà ông đã thực hiện năm 1934 khi còn ở Anh quốc, thay đổi một số chi tiết và thêm nhiều ngoại cảnh quốc tế để có cuốn phim The Man Who Knew Too Much thứ hai.

Hai vai nhân vật chính được Alfred Hitchcock trao cho James Stewart và Doris Day.

James Stewart lúc đó đang là một trong những nam diễn viên nổi tiếng nhất, đắt giá nhất kinh đô điện ảnh, mới đóng phim Rear Window (1954), cuốn phim nghẹt thở được nhiều người xem là đạt nhất của Alfred Hitchcock. Nhưng riêng Doris Day thì lại bị ông Herbert Coleman, vị phụ tá sản xuất đại diện cho hãng phim, chê. Với Herbert Coleman, Doris Day là một nữ ca sĩ không hơn không kém!

Herbert Coleman muốn Alfred Hitchcock chọn một trong những nữ minh tinh đã sẵn nổi tiếng của hãng, tóc vàng như Lana Turner, Grace Kelly, Kim Novak, hay tóc nâu như Jane Russell, Gene Tierney, Ava Gardner… Nhưng Alfred Hitchcock quyết định chọn Doris Day vì trước đó ông đã chú ý tới cô qua một vai phụ trong cuốn phim nghẹt thở Storm Warning (1951) của đạo diễn Stuart Heisler, do Ronald Reagan (tổng thống tương lai) và Ginger Rogers thủ vai chính. Cuối cùng hãng phim đã đồng ý với sự lựa chọn của Alfred Hitchcock.

[Ít nhất có một tác giả người Việt đã viết rằng đạo diễn Alfred Hitchcock không hề muốn trao vai trò cho Doris Day nhưng phải chịu thua áp lực của hãng phim. Chúng tôi không hiểu vị tác giả này căn cứ vào nguồn tài liệu nào?]

Vì lúc đó Doris Day đã là một nữ ca sĩ được ái mộ bậc nhất, Alfred Hitchcock đã khai thác bằng cách yêu cầu cặp bài trùng Jay Livingston & Raymond Evans soạn một ca khúc để cô hát trong phim. Kết quả là bản Que Serà Serà (Whatever will be, will be).

The Man Who Knew Too Much được trình chiếu tại Đại Hội Điện Ảnh  Quốc Tế Cannes, Pháp Quốc, vào ngày 23/5/1956 để dự tranh giải Cành Cọ Vàng (Palme d’Or) nhưng không đoạt giải. Hơn một tuần sau, khi cuốn phim được chiếu trên toàn quốc Hoa Kỳ thì lại đạt thành công rực rỡ về mặt tài chính: phí tổn thực hiện chỉ có 1,2 triệu Mỹ kim nhưng đã thu vào hơn 11,3 triệu tiền vé.

Về mặt nghệ thuật, trong khi được đa số nhà bình phim ca tụng thì The Man Who Knew Too Much (1956) đã bị một số người cho rằng thua xa cuốn phim trước đó (thực hiện năm 1934).

Hiện nay, The Man Who Knew Too Much (1956) đang được trang mạng Rotten Tomatoes cho điểm 91%, tức là thuộc hạng “rất hay”, nhưng ngày ấy, tại giải Oscar năm 1957, cuốn phim đã chỉ được xướng danh một giải duy nhất cho ca khúc trong phim, Que Será Será (Whatever will be, will be), và đoạt giải.

Mặc dù chỉ lên tới hạng No.2 trên bảng xếp hạng Billboard của Hoa Kỳ (No.1 ở Anh Quốc), Que Será Será (Whatever will be, will be) đã trở thành ca khúc “cầu chứng” của Doris Day không chỉ ở Hoa Kỳ mà còn khắp nơi trên thế giới, kể cả ở những quốc gia không hề chiếu cuốn phim The Man Who Knew Too Much. Có thể nói từ cuối thập niên 1950 đầu thập niên 1960, đa số thính giả trên thế giới yêu thích bản Que Será Será (Whatever will be, will be) nếu không đọc chi tiết trên nhãn đĩa (label ) đều không hề biết đây là một ca khúc trích từ một cuốn phim.

Que Será Será (Whatever will be, will be)  là một ca khúc độc đáo, từ tựa đề cho tới nội dung.

Trước hết nói về tựa đề “Que Será Será”, mặc dù được cấu tạo bởi sự phối hợp “phi nguyên tắc văn phạm” giữa ba ngôn ngữ Ý, Tây-ban-nha, và Pháp, câu tục ngữ này đã chỉ đươc sử dụng trong tiếng Anh, với với ý nghĩa “whatever will be, will be” (việc gì phải đến, sẽ đến).

“Que Será Será” là tiếng Tây-ban-nha viết sai, còn “Che sarà sarà” là tiếng Ý viết trật! cả hai đều xuất hiện vào thế kỷ thứ 16.

Hàng chữ “Che sarà sarà” được John Russell, Bá tước Bedford I (1485-1555) và con trai ông, Francis Russell, Bá tước Bedford II, sử dụng trên phù điêu của gia đình (family motto).

Còn “Que Será Será” được ghi nhận lần đầu vào giữa thế kỷ 16 trên một tấm plaque bằng đồng trong nhà thờ Thánh Nicolas ở Thames Ditton, vùng Surey, Anh Quốc.

Tới cuối thế kỷ thứ 16 đầu thế kỷ thứ 17, trong đối thoại của vở Doctor Faustus, Christopher Marlowe là tác giả Anh đầu tiên sử dụng câu tục ngữ “Che Será Será” (phát âm nửa Ý nửa Tây-ban-nha). Từ đó, Che Será Será dần dần trở nên phổ biến…

VIẾT THÊM:

Điều thú vị, tạm gọi như thế, là về sau chính người Ý cũng sử dụng câu tục ngữ “Che sarà sarà” do người Anh “chế” ra. Năm 1971, José Feliciano, nam ca nhạc sĩ khiếm thị nổi tiếng Mỹ gốc Puerto Rico, và ban nhạc Ý lừng danh Ricchie e Poveri đã trình bày một ca khúc có tựa đề “Che Sarà” tại cuộc thi ca khúc Ý Sanremo Song Festival.

Nhân tiện, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới những độc giả thích nghiên cứu, tìm hiểu Anh ngữ và các ngôn ngữ gốc La-mã (nhưng không bị bệnh “nhức đầu”) một tập tài liệu hơi dài nhưng rất thú vị về câu tục ngữ “Que Será Será”, hiện đang được phổ biến trên Internet:

“Que sera sera”: The English Roots of a Pseudo-Spanish Proverb

Lee Hartman (Southern Illinois University – Carbondale)

* * *

Nhưng tại sao Jay Livingston và Raymond Evans lại lấy Que Será Será  làm tựa đề cho một ca khúc viết bằng tiếng Anh?

Tất cả cũng vì “đơn đặt hàng” của Alfred Hitchcock. Trong phim, Doris Day thủ vai phu nhân của một vị đại sứ, và nhà đạo diễn muốn “phu nhân” hát bản này trong cảnh ru cậu con trai của mình ngủ; đồng thời, một vị đại sứ thì thường đi nhiều nơi và sống ở hải ngoại, cho nên Alfred Hitchcock muốn ca khúc này mang tựa đề bằng tiếng ngoại quốc.

Trước yêu cầu của Alfred Hitchcock, nhà soạn nhạc Jay Livingston bỗng nhớ tới cuốn phim The Barefoot Contessa rất nổi tiếng 2 năm trước đó, do Humphrey Bogart và Ava Gardner thủ vai chính, và trong cuốn phim này trên phù điêu của dòng họ Bá tước Vincenzo Torlato-Favrini của Ý (do Rossano Brazzi thủ vai) có hàng chữ “Che Serà, Serà”, ông bèn… mượn đỡ!

Chỉ có một thay đổi nho nhỏ là Jay Livingston đã đổi chữ “Che” (tiếng Ý) thành chữ “Que” (tiếng Tây-ban-nha, có cùng ý nghĩa) là vì ở Hoa Kỳ, dân gốc Mỹ la-tinh (nói tiếng Tây-ban-nha) chiếm một tỷ lệ không nhỏ.

Rồi từ ý nghĩa của tựa đề Que Será Será (Whatever will be, will be)  cùng với “tiền đề” Doris Day hát ru ngủ cậu con trai, Jay Livingston và Raymond Evans đã cống hiến cho đời một ca khúc thật dễ thương, và độc đáo.

Về hình thức, Que Será Será (Whatever will be, will be) được viết theo thể điệu valse chậm vừa, tiết tấu nhẹ nhàng, khoan thai. Về nội dung, ca khúc này gồm ba phiên khúc và một điệp khúc, là lời kể của nữ nhân vật qua ba giai đoạn của đời người: tuổi niên thiếu, tuổi biết yêu, và tuổi làm mẹ, với điệp khúc là câu trả lời “Que será será – Whatever will be, will be”

Que Será Será (Whatever will be, will be)

 (1)

When I was just a little girl
I asked my mother what will I be
Will I be pretty will I be rich
Here’s what she said to me

Que Sera Sera
Whatever will be will be
The future’s not ours to see
Que Sera Sera
What will be will be

(2)

When I grew up and fell in love
I asked my sweetheart what lies ahead
Will we have rainbows day after day
Here’s what my sweetheart said

Que Sera Sera
Whatever will be will be
The future’s not ours to see
Que Sera Sera
What will be will be

(3)
Now I have children of my own
They ask their mother what will I be
Will I be handsome will I be rich
I tell them tenderly

Que Sera Sera
Whatever will be will be
The future’s not ours to see
Que Sera Sera
What will be will be
Que Sera Sera.

Phụ Lục 2: Que Será Será (Whatever will be, will be), Doris Day

 VIDEO:

Doris Day – Que Sera Sera – YouTube

Nghe kể lại, khi được Jay Livingston và Raymond Evans trao cho ca khúc Que Será Será (Whatever will be, will be), Doris Day đã tỏ ra không mấy sốt sắng vì lời hát hoàn toàn trái ngược với những ca khúc trữ tình vốn là sở trường của cô, như Secret Love, Three Coins in the Fountain… Vì thế, cô chỉ thu âm một lần duy nhất, không cần nghe lại, rồi để mặc cho dàn nhạc và các chuyên viên kỹ thuật (mixer) muốn làm gì thì làm!

Những gì xảy ra sau đó chúng tôi lại phải sử dụng nhóm từ “the rest is history” để diễn tả: nhắc tới Doris Day là người ta nhớ ngay tới ca khúc này; và ngược lại, nói tới ca khúc này, người yêu nhạc sẽ liên tưởng tới Doris Day trước tiên.

Thực vậy, tính tới nay đã có 24 ca sĩ hoặc ban nhạc thu đĩa Que Será Será (Whatever will be, will be) lời Anh nhưng không một ai vươt trội hơn tiếng hát (và cách hát) của Doris Day. Người hát đạt nhất trong số này, theo nhận xét của chúng tôi, là nữ danh ca Connie Francis thì cũng chỉ để… nghe cho đỡ nghiền khi không có đĩa của Doris Day!

VIDEO:

Que Sera Sera (1962) Connie Francis

Về ảnh hưởng văn hóa và mức độ phổ biến trong mọi lĩnh vực sinh hoạt, Que Será Será (Whatever will be, will be) đã được sử dụng trong hàng trăm cuốn phim điện ảnh và phim tập truyền hình, tại Hoa Kỳ cũng như các nơi khác trên thế giới.

Riêng phim tập hài kịch hoạt họa The Simpsons đã sử dụng hai lần, lần thứ nhất vào năm 1994 trong tập (epidsode) 14 của mùa (season) thứ 6, có tựa đề Bart’s Comet.

Trong tập này, thị trấn Springfield sắp sửa bị sao chổi Bart’s Comet (do Bart Simpson khám phá) hủy diệt, mọi người cùng nắm tay nhau hát bản Que Será Será để… chờ chết; nào ngờ sao chổi đó chỉ là một vẩn thạch (asteroid), khi bay vào bầu khí quyển đã bị vỡ nát, chỉ còn đủ sức phá sập quán rượu Moe’s Tavern của nhân vật Moe Szyslak…

VIDEO:

Barts Comet Simpsons

Về lời hát bằng các ngôn ngữ khác, có tới hàng trăm phiên bản. Chỉ tính riêng tiếng Hoa đã có bốn phiên bản, và trong số ca sĩ thu đĩa có cả Đặng Lệ Quân (Teresa Teng).

 Riêng phiên bản lời Việt Biết ra sao ngày sau đã được phổ biến tại miền Nam VN khá sớm, khoảng cuối thập niên 1950 nhưng không ai biết đích xác tác giả là ai. Hiện nay, đa số các trang mạng đều ghi tác giả là Phạm Duy, thế nhưng trong danh sách trên 250 ca khúc  nhạc ngoại quốc lời Việt mà ông ghi ra trong hồi ký của mình, không hề có Que Será Será/Biết ra sao ngày sau.

Trong một bài viết chúng tôi đọc được ở đâu đó (không nhớ tựa đề và tên tác giả), có đoạn nói rằng hai ca khúc trong phim nổi tiếng của thập niên 1950 là River of No ReturnQue Será Será đã được đặt lời Việt, ký tên tác giả “cô Hằng”; mà người bạn đời của “chú Cuội” Phạm Duy chính là nữ ca sĩ Thái Hằng, rất có thể vì vậy mọi người đã suy ra tác giả không ai khác hơn là Phạm Duy!

Nhưng dù sao đi nữa, với sự dè dặt thường lệ, tên tác giả chúng tôi tạm thời để trống.

Biết ra sao ngày sau

(1)

Ngày em còn thơ lòng vương mộng mơ
thường hay hỏi má em má ơi ngày sau
con sẽ thắm tơ duyên và vui sướng không
rồi nghe má khuyên bảo rằng 

 Điệp khúc:

Biết ra sao ngày sau
đời luyến lưu vui tươi khổ đau
vì sắc duyên là sông bể dâu
nào ai biết ngày sau
Đời ta sẽ về đâu 


(2)

Ngày em tròn đôi lòng vương tình yêu
thường hay hỏi khẽ anh hỡi anh ngày sau
ta sẽ mãi bên nhau và vui sướng không
thì anh nắm tay bảo rằng 

 Điệp khúc:
Biết ra sao ngày sau
mình có nhau hay thêm khổ đau
tình có phai nhạt hay bền lâu
nào ai biết ngày sau
đời ta sẽ về đâu… 

Trong khi trong nguyên tác tiếng Anh chỉ có một điệp khúc duy nhất được lập đi lập lại ba lần, thì trong phiên bản lời Việt nói trên, tác giả vừa cố gắng “dịch” các phiên khúc, vừa đặt lời khác nhau cho từng điệp khúc, sao cho phù hợp với nội dung phiên khúc, tức là có nội dung phong phú, thú vị hơn nguyên tác.

Chỉ có điều hơi đáng tiếc là trong khi nguyên tác có tới 3 phiên khúc thì phiên bản lời Việt được phổ biến chỉ có 2. Không hiểu vị tác giả lời Việt đã chỉ dịch 2 phiên khúc, hay đã dịch cả 3 nhưng không được ghi lại đầy đủ.

Chỉ biết trước năm 1975, khi thu vào băng nhựa, Thanh Lan cũng chỉ hát 2 phiên khúc + 2 điệp khúc. Còn tại hải ngoại sau này, cả Kiều Nga lẫn Thanh Mai chỉ lập đi lập lai phiên khúc 1 và điệp khúc 1 mà thôi.

Phụ lục 3: Biết ra sao ngày sau, Thanh Lan (pre 75)

 

Phụ lục 4: Biết ra sao ngày sau, Kiều Nga

HOÀI NAM

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search