T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Tại sao đạo đức tan hoang?

(Nguồn: Báo Tiếng Dân)

FB Mạnh Kim

Sự tuột dốc đạo đức không có điểm dừng. Không chỉ những giá trị căn bản nhất của đạo đức đang thoái hóa mà thậm chí tình người cũng cạn kiệt. Sự khủng hoảng đạo đức đang trở nên điên loạn. Chừng nào nguyên nhân sâu xa cuộc khủng hoảng làm tê liệt và tàn phá xã hội này còn chưa dám thừa nhận thì vấn đề “chấn chỉnh” đạo đức không bao giờ có thể khôi phục.

Đạo đức rơi từng mảng như một bức tường mục nát. Đạo đức đang lao xuống vực như chiếc xe không phanh. Chưa bao giờ xã hội Việt Nam tan nát đến nhường này. Mọi cái xấu và cái ác tuôn ra ào ạt với mức độ vô phương kiểm soát. Cái xấu này kéo theo cái ác khác. Cái ác đang rất thèm khát thể hiện hung tính của nó. Cái ác trở thành đặc tính nổi trội trong một xã hội hỗn loạn không kỷ cương.

Chỉ vì “nhìn đểu”, nạn nhân có thể bị chém chết tức thì. Con giết cha, trò đánh thầy, cô giáo “tra tấn” học sinh, bệnh nhân nện bác sĩ, “quan làng” hà hiếp người dân…, tất cả xảy ra như cơm bữa. Một xã hội ngày nào cũng được cung cấp một “thực đơn” như vậy thì con người sẽ biến thành gì?

Con người sẽ chỉ trở nên ác hơn. Cứ sau một sự việc kinh thiên động địa, chẳng hạn cô giáo cho học trò uống nước giẻ lau bảng hoặc cô giáo phạt “bạt tay hội đồng”, phản ứng xã hội luôn kinh khủng. “Giết chết cả họ nhà con mụ ấy đi! Con này mà rơi vào tay tao thì tao băm từng mảnh!…” – đó là “ý kiến” của đa số dư luận. Tại sao hiện tượng “ác mồm, ác miệng” mỗi lúc mỗi phổ biến? Tại sao con người lại trở nên hung dữ hơn?

Lý do trong mọi lý do là công lý đã bị chính quyền chà đạp đến mức chẳng ai còn tin vào sự phán xét và trừng trị của pháp luật. Trong một xã hội “vô pháp, vô thiên”, người dân sẽ có khuynh hướng cho mình quyền phán xét và quyền trừng phạt. Trong một xã hội mà công lý thường xuyên đóng vai một tên hề trơ trẽn thì quyền phán xét không còn thuộc về những kẻ ngồi xổm lên đầu nhân dân và đùa bỡn với công lý.

Trong một đất nước mà ngày càng có nhiều trường hợp chết trong đồn công an mà không bao giờ được điều tra và xử tội trong khi công an chẳng khác gì một tổ chức côn đồ khoác áo chính quyền thì tâm lý giận dữ và thù hằn càng thêm dồn nén. Trong một đất nước mà kẻ trộm con vịt bị xử 7 năm tù trong khi vô số kẻ cắp hàng tỷ lại được “phê bình kiểm điểm” thì sự phẫn nộ người dân trút lên đầu bất cứ ai gây ra bất kỳ hành động tàn ác nào là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Đó là sự xả tràn của vô số ức chế thường trực và luôn trong trạng thái chực chờ nổ tung.

Dầu dường như chưa bao giờ thiếu để châm vào lửa trên đất nước này. Xã hội và những gì xảy ra hàng ngày luôn “cung cấp” thừa ngòi nổ, từ những tiêu cực trong giáo dục đến những tai ương môi trường, từ những phát biểu nhảm nhí đến thái độ im lặng trong những trường hợp mà người dân cần chính quyền lên tiếng. Còn nữa, trong một đất nước mà chính quyền thường xuyên thể hiện bộ mặt đạo đức giả của nó thì làm sao có thể kỳ vọng xã hội tử tế và đạo đức?

Sự tan nát đạo đức xã hội thật ra không thể loại trừ yếu tố chính trị. Nếu không dám đề cập đến chính sách giáo dục trong đường lối cai trị – đề cao “con người mới XHCN” hơn là văn hóa và đạo đức, đề cao việc trung thành với Đảng hơn là gắn bó với những giá trị đạo đức truyền thống – thì những “mổ xẻ” về việc đạo đức xuống cấp chỉ là hành động tương tự vớt lớp váng trên bề mặt của một cái ao tù nước đọng gây ô nhiễm xã hội từ những cặn bã hôi thối nằm sâu dưới đáy.

Đừng tránh né mà phải thừa nhận rằng chính đường lối cai trị cộng sản đã đập nát các giá trị đạo đức truyền thống, ngay từ những ngày đầu của lịch sử cộng sản. Những trận mưa dầm rỉ rả tuyên truyền cùng chính sách xây dựng “xã hội mới XHCN”, trong khi phủ nhận và triệt tiêu nhiều giá trị đạo đức căn bản, đã làm trốc gốc và gãy đổ những giá trị đạo đức vốn ngạo nghễ cả ngàn năm.

Khi mọi thứ được “Đảng trị” và “Đảng hóa”, kể cả tôn giáo, thì vị trí của những giá trị khác, trong đó có giá trị đạo đức, phải lùi lại và thậm chí bị vất đi. Cộng sản và cái gọi là “XHCN” của họ chẳng khác gì đám sâu đục khoét và tàn phá những cây cổ thụ đạo đức. Chẳng phải tự nhiên mà sự xuống cấp đạo đức của xã hội Việt Nam hiển hiện y hệt xã hội của “nước anh em” Trung Quốc.

Chính quyền làm gì để chấn chỉnh đạo đức? Trong phiên chất vấn Quốc hội ngày 30-10-2018, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu: “Bộ Văn hóa đã tham mưu Trung ương Đảng ban hành nghị quyết 33 về xây dựng phát triển văn hóa con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Bộ cũng trình Chính phủ ban hành nghị định 110 về quản lý tổ chức lễ hội; nghị định 122 quy định xét tặng danh hiệu gia đình, thôn, bản, ấp văn hóa… Bộ Văn hóa cũng đề ra nhiều giải pháp để phát huy sứ mệnh của văn học nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sĩ; tăng cường phối hợp liên ngành trong giáo dục đạo đức lối sống…”. Đó chẳng phải là giải pháp. Những điều đó chưa bao giờ là giải pháp. Mô hình “làng văn hóa”, “phường văn hóa”… chưa bao giờ đóng góp cho việc xây dựng đạo đức xã hội. Sự xuống cấp của đạo đức xảy ra cùng thời với sự bùng nổ những mô hình và cách thức “xây dựng văn hóa” này, từ Bắc xuống Nam…

Sau năm 1975, băngrôn quen thuộc của các trường học miền Nam “Tiên học lễ, học hậu văn” đã được thay bằng “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Người ta đã trồng ra những gì? Với đà tuột dốc thê thảm này, mất bao lâu nữa mới có thể khôi phục lại đạo đức, trong khi “trăm năm trồng người”, chỉ trong vài thập niên, đã mang đến những kết quả kinh khủng, tạo ra vô số cỏ dại và cỏ độc gây ung nhọt lở loét khắp cơ thể xã hội, trong khi một trong những thủ phạm chính gây ra việc hư hỏng đạo đức lại đang được trông chờ và “tham mưu” để cứu vãn đạo đức. Trong cái tổ chức gọi là “Trung ương Đảng” mà Bộ Văn hóa đang cần “tham mưu”, có bao nhiêu người đủ phẩm chất đạo đức và tư cách đạo đức để điều chỉnh lại sự sụp đổ đạo đức? Nóc còn hỏng làm sao có thể chữa nhà dột!

Điều mà Bộ Văn hóa cần “tham mưu Trung ương Đảng” là phải thay đổi chính sách giáo dục, phải lột bộ da chính trị ra khỏi cơ thể giáo dục, phải đập nát bộ máy giáo dục để xây lại hệ thống giáo dục từ đầu, lấy triết lý nhân bản làm trung tâm chứ không phải “con người XHCN”.

Bộ Văn hóa cũng cần “tham mưu Trung ương Đảng” việc cần giảm liều lượng sợ hãi trước cái gọi là “suy thoái tư tưởng và đạo đức cách mạng” trong cuộc chấn chỉnh Đảng, vì chẳng đảng cai trị nào có thể đứng vững và chẳng đất nước nào có thể đứng lên nếu nền giáo dục của nó bất thành trong việc tạo ra những cái phanh chặn lại sự tuột dốc của đạo đức.

Bài Mới Nhất
Search