T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: MIẾNG MO CAU

(Truyện ngắn)

 Trong những kỷ vật hiếm hoi mà cô tôi để lại, ngoài đôi bông tai màu đỏ bằng đồng, một chiếc kẹp tóc bằng bạc, những thứ trang sức dành cho một cô gái nghèo, còn có một miếng mo cau hình tam giác to bằng bàn tay, mỗi góc nhọn đều có cột sợi dây dài chừng nửa mét. Tất cả đựng trong một chiếc hộp phủ khăn nhiễu đỏ, chỉ đến ngày giỗ cô, bà tôi mới mở ra lau chùi một cách nâng niu trìu mến.

Vào cái thời mà một miếng trầu cay được đưa vào miệng thường ngày sau miếng cơm, thì cây cau cũng được coi như một loại cây thân thiết của dân quê chỉ sau cây lúa.

Nhà tôi, nhờ vườn rộng nên bà tôi trồng đến cả trăm cây cau. Khi tôi được sinh ra, chúng đã lớn lên cao vút. Những thân cau xám bạc, mảnh mai, đội trên đầu những tàu lá xanh đen, trông từ xa cứ như có hàng trăm người khách đội dù đang đi cà khêu đến thăm nhà tôi vậy.

Vườn cau đối với bà không chỉ vui mắt, phong nhã, đẹp thanh tao mà còn là một nguồn lợi đáng kể trong số thu nhập ít ỏi của gia đình.

Dù đã nhịn ăn đến nỗi cả nhà, ngay cả khi đau bệnh cũng không một ai dám động đến hạt gạo, mà lúa vẫn không đủ để đóng thuế nông nghiệp, vì ông tôi bị quy là địa chủ.

Thực ra, ruộng ông tôi chưa đến hai mẫu ta, dù công cấy và công cày phải trả đến hai mươi công. Nhờ chút danh của ông anh con người bác làm thơ lại ở huyện, mà trong một lần bầu lý trưởng, ông tôi đã được dân làng dồn phiếu cho.

Cái gốc rễ đôn lên địa chủ là từ đó.

Nhưng, nguồn cội sâu xa là từ cái đầu óc đen tối của một tay bần cố nông cốt cán. Hắn ở sau lưng nhà tôi, trong một cái lều xập xệ nhỏ như lỗ mũi. Ngoài cái rẻo đất đó ra, hắn chẳng còn có cục đất nào nữa để ném chó ỉa như cách người ta mỉa mai.

Hắn sống bằng cái nghề mà ai cũng ghét nhưng chẳng dám nói ra. Người ta sợ, cũng đúng thôi, vì hắn thông thuộc hết mọi ngõ ngách của từng nhà, biết chỗ nào cất giữ của quý, biết ai nằm đâu ngủ đâu…

Dù phải tiết kiệm dầu đèn, nhưng mỗi tối bà và mẹ tôi vẫn phải thắp lên soi rọi khắp nhà, vì trong lúc chạng vạng hắn có thể lẻn vào đu người trốn dưới gậm giường, đợi cả nhà ngủ say là khoắng sạch những thứ đồ thờ và nồi chảo làm bằng đồng thau.

Ngoài ra, hắn còn có cái tật ban đêm thích lẻn vào vườn sau nhà tôi để rình xem cô tôi tắm. Cô tôi rất ghét, dù khi tắm vẫn để nguyên cả quần áo. Trong một lần thấy hắn thập thò sau bụi chuối, cô tôi đã lôi cả ông bà tổ tiên nhà hắn ra mà đổ cả xuống sông xuống biển.

Đó là lúc chưa có chính sách thuế nông nghiệp và chưa phát động cải cách ruộng đất. Khi được đảng ủy đưa vào ngồi một trong năm cái ghế chủ tịch đoàn, thì người đầu tiên mà hắn quy địa chủ chính là ông tôi.

Chuyện đó hãy nói sau, giờ xin trở lại với những cây cau của bà tôi. Dù những năm kháng chiến, chẳng còn mấy ai ăn trầu nữa, ngay cả những người già, nhưng cau khô vẫn được mua rất đắt. Người ta bảo cau có thể trị sốt rét và nhất là cầm máu khi bị thương. Ngoài cau sấy khô, bà tôi còn tước tàu cau bó thành chổi để bán cũng khá được tiền. Mo cau kết thành gàu múc nước, cắt thành quạt mo hay đựng cơm vắt đem ra đồng, rất tiện lợi. Thế nhưng cái miếng mo cau be bé của cô tôi dùng để làm gì, hỏi thì bà chỉ mếu máo cười không nói, ra dấu bảo đi chỗ khác chơi.

Trở lại chuyện trả thù của tay bần cố nông cốt cán.

Dạo ấy là cuối năm 54. Cả làng rùng rùng trống mõ, không đêm nào là không học tập phóng tay phát động quần chúng, tố khổ địa chủ. Ông tôi và cả chục địa chủ phú nông trong làng bị đem ra cho mọi người mắng nhiếc, chửi rủa…tức là đấu lý trước khi đấu lực. Mà đấu lực là bị đánh cho dập mình dập mẩy, ngoan cố thì bị đánh cho đến chết!

Pháp đi càn, đốt nhà hãm hiếp, mổ bụng trẻ con, sợ lắm! Nhưng chưa sợ bằng những cảnh đấu lực khủng khiếp sắp diễn ra! Vì vậy, trong một đêm, ông tôi đã leo lên cây cau cao nhất, định nhảy xuống tự tử. Nhưng khi trông thấy cô tôi đứng dưới gốc gào khóc thảm thiết, ông không còn lòng dạ nào mà chết nữa, đành phải tụt xuống và cả hai cha con cùng ôm nhau ngồi khóc.

Cô tôi, người rất thuộc Kiều, đã nói với ông tôi:

“Thôi xin cha, hãy để cho con bán mình mà chuộc cha!”

Mãi một lúc, ông tôi mới hiểu ra cớ sự, hỏi:

“Bán à, nhưng bán cho ai?”

Cô tôi nói: “bán cho thằng Còn!”

“Thằng Còn nào?”

“Thằng Còn sau nhà chứ còn thằng nào nữa!”

“Thằng ăn cắp đó à?”

“Dạ!”

“Không đời nào! Thôi để cha chết phứt cho rồi! Cha chết là hết chuyện!”

“Không đâu cha! Cha chết, hãy còn mẹ và con. Nhất là con. Nó thèm muốn con từ lâu, nếu lấy được con làm vợ, chắc nó sẽ tha mạng cho cha!”

“Không được! Vậy thì cả cha và con cùng chết, sống như thế nhục nhã lắm!”

“Không sao đâu cha, con có cách sống được mà!”

Ngay từ sáng sớm, cô tôi đã qua báo cho hắn biết cái tin không bao giờ hắn ngờ được, là sẽ lấy hắn làm chồng, thì ngay tối hôm đó, ông tôi đã không bị điệu ra đứng trước nhân dân nữa.

Và, liền hôm sau là động phòng mà không cần cưới hỏi.

Trước cái quyết định như đi vào hang cọp của cô con gái út, thay vì khóc lóc than thở, bà tôi bỗng trở nên im lặng như đất trời trước cơn bão lớn. Bà lấy một cái mo cau còn mới, gọi cô tôi vào buồng, rồi hai mẹ con rầm rì làm những gì trong đó mãi đến chiều tối mới bước ra.

Cô tôi mang theo một bọc áo quần, lặng lẽ ra sau vườn, vạch rào chui qua nhà hắn. Hồi đó chó đã bị giết sạch, nên khi thấy cô tôi bước vào, hắn giật mình kêu ớ ớ, lúng túng không biết gọi cô bằng gì.

Không đèn lồng, không pháo nổ, không đưa dâu, không đón dâu, một đời con gái mà lấy chồng trốn chui trốn nhủi như thế, ông bà tôi rất xấu hổ đau lòng. Ông thì nằm dài trên phản như chết đã ba ngày mà chưa chôn, bà thì cứ ngồi ngoáy mãi cái cối giã trầu đến nỗi làm nó thủng một lỗ mà chưa chịu đưa miếng trầu lên miệng.

Suốt đêm hôm đó hai ông bà không hề ngủ, nín thở chờ đợi mà chẳng biết chờ gì. Có thể là tiếng khóc, cũng có thể là tiếng thét, để cả hai có cớ mà ôm nhau khóc cho đứa con tội nghiệp của mình.

Mặc dù đảng ủy bảo như thế này là sai quan điểm lập trường, là không đúng với đấu tranh giai cấp, nhưng hắn bảo các nữ bần cố có ai chịu làm vợ hắn đâu!

“ Thưa thiệt với các đồng chí, hắn vừa nói vừa cười, con nít thì em biết, nhưng lớn lên thành đàn bà thì em không biết cái đó nó nằm ngang hay nằm dọc, thôi hãy nhắm mắt thông qua giùm cho. Mà nhà đó chiếu theo tiêu chuẩn thì cũng chỉ là trung nông thôi. Địa chủ là do em đẩy lên đấy!”

Vì cần một tên trơ khấc có lý lịch đến bảy đời là cố nông để cơ cấu vào trong đội cải cách, nên đảng ủy cũng đành phải bớt cố chấp mà gật đầu. Một trong các vị liền vỗ vai nháy mắt, bảo sắp lên tiên rồi đấy nhé. Sướng thế!

Suốt buổi chiều hắn ngâm mình dưới sông kỳ cọ và vuốt ve cái của nợ, rủ rỉ nựng nịu: “mày sắp sướng ngất trời rồi đấy con ạ. Dài ra hơn nữa đi, to ra hơn nữa đi, cứng lên nào! Đấy, thế đấy, chưa chi đã thấy sướng điên lên rồi!”

Khi cô vợ bước vào, hắn liền đóng kín cửa, và như bọn trai làng cười cợt, chắc là hắn đè nghiến ra như hổ đói vồ mồi. Nhiều người, mặc dù sợ hắn như sợ cọp, nhưng vẫn tỏ ra bất bình và xót xa thương cảm cho cô tôi hoa nhài cắm bãi cứt trâu. Họ bảo bị Tây đen hiếp mà còn ít nhục hơn là làm vợ hắn!

Sáng ra, ai cũng tưởng vớ được con gái nhà địa chủ da trắng tóc dài, là  coi như giai cấp vô sản đã chiến thắng, thế nào mặt hắn cũng câng câng, đã dễ ghét lại càng dễ ghét hơn nữa. Rồi thừa thắng xông lên, hắn sẽ đấu cho các nhà khác cũng phải nôn ra hết của cải vòng vàng, nếu muốn giữ lại chút danh tiết của vợ con.

Nhưng không, mặt hắn bỗng trở nên ỉu xìu như một miếng giẻ lau vừa mới đem nhúng nước. Thay vì vác mặt lên hiu hiu tự đắc thì hắn cụp đuôi tiu nghỉu như chó mất chủ. Đêm đấu lý hôm đó, hắn ngồi im re bỏ cả hai chân lên ghế, không còn xỉa xói hò hét, đánh đánh, giết giết như mọi đêm trước nữa.

Chẳng ai hiểu vì sao, nên khi tan buổi đấu lý, nhiều kẻ tò mò liền đi theo hắn về nhà để rình xem. Cả bọn vô cùng kinh ngạc khi thấy hắn bò xuống sàn nhà, vừa van xin vừa rên rỉ như một tên đầy tớ đang chịu tội, trong khi cô vợ nằm lặng thinh trên giường như một bà chủ uy nghiêm khó tính.

Người ta xì xào nhỏ to bàn tán. Có kẻ bảo hắn đã từng đào mồ lên lấy trộm đồ, giờ cùi tận mạng nên bị cô vợ hất xuống giường là phải lắm. Nhưng cũng có người thâm trầm hơn thì bảo, cái giống lưu manh bần tiện nó hùng hùng hổ hổ là vậy, nhưng khi đứng trước một nhan sắc trời cho lại run bắn lên. Làm bậy thì dễ chứ làm chồng một người cách xa mình cả một trời một vực đâu có dễ.

Chẳng biết đâu mà lần. Nhưng cô tôi dù đã sa chân vào hang cọp, cũng vẫn không mất đi cái cốt cách đằm thắm tự nhiên của một người đã được bà tôi dạy dỗ một cách cẩn thận. Mặc cho thằng chồng mặt lúc nào cũng nhăn như khỉ ăn ớt, cô tôi vẫn bình thản, coi như không có chuyện gì xảy ra.

Thế rồi, mấy tháng sau, xệch xạc như một manh chiếu rách, hắn thất thểu bước lên tàu Ba Lan đi tập kết ra Bắc. Cô tôi trở lại nhà, coi như vừa mãn hạn tù.

Khi chính quyền quốc gia đến tiếp thu, có một trung úy muốn ra tay nghĩa hiệp cưới cô làm vợ, nhưng cô lắc đầu từ chối. Cô tâm sự với mẹ tôi: “dù gì, em cũng đã mang tiếng chung chạ với một thằng cán bộ bẩn thỉu, thì chồng và con em nếu có sau này, cũng sẽ chỉ xấu hổ lây mà thôi. Em nhất định ở vậy, thề sẽ không lấy ai nữa!”

Cô sống đến năm ba mươi tuổi thì mất vì một căn bệnh hiểm nghèo.

Phải nhiều năm sau, trong một bữa giỗ cô, cha tôi vừa nhìn lén mẹ tôi vừa giải mã cái bí mật của miếng mo cau do cô tôi để lại.

“ Có gì khó hiểu đâu, ông nói, cô mày đeo cái miếng mo cau ấy vào, giống như cái đai trinh tiết của lính La Mã thời xưa đeo cho vợ trước khi ra trận, thằng Còn chỉ có nước ngồi khóc mà thôi! Nó héo ruột héo gan là vì thế!”

Mặc dù mẹ tôi nguýt dài tưởng chừng vung một đường dao sắc hơn cả dao cau, cha tôi vẫn đưa ly rượu lên môi, uống cạn. Xong, ông khà một tiếng, vuốt chòm râu lơ thơ một cách đắc chí, nói lớn:

“Giỏi thiệt! Chống cộng mà bản lĩnh mưu trí như bà nội và cô mày, đúng là giỏi hơn cả Mỹ!”

Khuất Đẩu

Đầu năm 2019

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search