T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khải Triều: CHUYỆN TÌNH CỦA AN (*)

Thử Thách – Tranh: Mai Tâm

Cách nay gần hai mươi năm, An nhận được một bức thư từ xa. Trong thư nói vắn tắt: “Chị… đã vào Tu viện”. Từ giây phút đó, An mới nhớ lại câu thơ anh đã viết: “Trên kia tiếng hát nữ tu đơn điệu” và bài thơ Ân Nghĩa. Anh giật mình thốt lên: “ Sao thế này !?”…Anh băn khoăn và lo lắng ngay từ giây phút đó. Phải chăng hai hình ảnh nữ tu kia đã nhập vào người thứ ba này, để trêu ngươi và thử thách anh! Bây giờ, hình ảnh nữ tu không còn phải là một ý tưởng chợt đến hay một ai đó có tính thích đùa, làm cả một bài thơ gửi cho anh, trách anh vô tình với một người con gái… mà cả hai người ấy, đã hoá thân thành một thân thể trinh nguyên, trước đó đã có những buổi sáng từng ngồi bên cạnh An, lặng lẽ khóc. Người nữ tu thứ ba này là Agnès, cũng chọn linh đạo của cùng một Hội dòng như Cung-nam-Thương.

Rồi có một ngày, hình như là vào  dịp lễ Giáng Sinh, An trở về thăm nhà, vì nhớ ngày còn nhỏ, anh đi bên cạnh mẹ và các chị, run rẩy trong chiếc áo len, đi lễ nửa đêm. An không sao quên được cái không gian lặng lẽ, êm đềm và thiêng liêng của một đêm thánh, đêm mầu nhiệm này… Khi lễ xong, mọi người ra về, mẹ anh mới cầm tay anh đứng dậy ra về sau. Vô tình điều này làm cho An thích thú trước sự vắng vẻ của đêm Giáng Sinh và khí lạnh của mùa Đông, trời mưa phùn. Có lẽ từ những dịp như thế này, cũng như trong các giờ kinh ban chiều tại quê nhà, sau hồi chuông tắt lửa, nó như có một sức hút lạ lùng, một sự hấp dẫn khó mà nhạt phai đối với An. Chính vì thế mà An đã trở về thăm nhà thường là vào các dịp lễ Giáng Sinh, Tết Nguyên đán hoặc vào mùa thu.

Một trong các dịp này, An đã gặp Agnès sau thánh lễ sáng sớm.

Lại nhớ về những năm trước khi An rời xa quê nhà, cũng có đến gần bảy chục năm rồi. Lúc đó An được cha xứ gọi vào Nhà  chung ở với ngài, có “Thầy giảng”  dạy hát lễ bằng tiếng La tinh. Sau đó vài năm, ông thoát ly, dấn thân vào con đường chính trị, đầy phiêu lưu và hiểm nguy. Thời thế buộc ông phải lựa chọn con đường này, hy sinh con đường của bậc thầy giảng trong Giáo hội. Con đường ông vừa bước vào đang đặt ra trước lương tâm của mỗi Kitô hữu, là họ phải đối diện với một thế lực rất mạnh và tàn độc. Một khi thế lực này có quyền bính trong tay, họ sẽ có những biện pháp và hành động chống lại Giáo hội, mà ông thầy của An vừa thoát ly nhà xứ, là những đối tượng mà họ phải khử trước tiên. Cho nên, những thành phần trong Giáo hội Việt Nam ngày đó phải chọn con đường bảo vệ Giáo hội, bảo vệ cả chính bản thân họ. Theo An, đó là một quyết định  của tình thế. Chỉ có điều, quyết định của ông đã ảnh hưởng đến giáo xứ, cách riêng các đứa em linh tông của ông. Sau ông thầy này, cha xứ cũng lần lượt gửi mấy anh em An đi học ở Trường Hoàng Nguyên, nơi đào tạo các Linh mục. An thuộc lớp cuối cùng, với giáo xứ cũng như với Hoàng Nguyên. Lúc còn ở nhà, An được cha xứ giao cho các công việc trên nhà thờ, trong đó có một việc là trước khi thánh lễ buổi sáng sớm kết thúc, ngày nào cũng vậy, An phải ra phía đầu nhà thờ, bước lên bậc thềm trên cùng, đứng nhìn về phía mặt trời mọc.Vừa thấy vầng hồng rực rỡ nhô lên ở phía chân trời là trở vào ngay trong nhà thờ, nhìn lên đồng hồ quả lắc treo trên tường, xem lúc mặt trời mọc là mấy giờ, mấy phút, rồi trình lại cha xứ. Ngài căn cứ vào đó điều chỉnh giờ.

Rồi khi kết thúc cuộc chiến Việt-Pháp (1945-1954), đất nước chia hai, An xin phép cha xứ và gia đình vào Sài Gòn, để tiếp tục học.

Năm sau, một cuộc chiến nữa lại xảy ra (1955-1975). Lần này là cuộc nội chiến, giữa hai miền Nam – Bắc. Sau ngày miền Nam lọt vào quyền cai trị của miền Bắc, đất nước thống nhất, An đã mấy lần trở về thăm nhà mà lần nào về An cũng vào nhà thờ dự thánh lễ sáng sớm. Sau lễ, An lại ra phía đầu nhà thờ, viếng mộ một Linh mục, người khởi xướng công việc xây dựng ngôi thánh đường lớn hiện nay ở làng. Những cây hoa đại ở đây trút hoa và lá xuống đầy sân. An thấy nao nao trong lòng, nhớ dĩ vãng, nhìn trời ở quê, nghe tiếng chim quý hót trong rặng nhãn ngoài vườn, phía ngoài là ao cá, mặt nước lặng im, thỉnh thoảng mới có tiếng cá đớp bóng. Một không gian êm đềm, thanh tịnh. An làm sao quên được! Nhất là, trong bối cảnh tuyệt vời này, những ngày về thăm nhà, An và Agnes thường gặp nhau ở đây, mỗi buổi sáng mai sau giờ kinh. Họ đi bên nhau, vai sát vai, tay trong tay, đôi khi ngả đầu vào nhau. Lặng lẽ. Có lúc An thấy Agnès mắt đẫm lệ, An không hỏi, tôn trọng trước một cõi lòng có lẽ nhiều u uẩn. An dẫn Agnès ra đứng ở bên hàng rào, ngăn cách sân nhà thờ, vườn nhãn và ao cá. Phía ngoài ao cá của nhà xứ là đồng ruộng, có một vài bóng người đang lom khom đi trong làn sương mù. An lại dẫn Agnès bước lên bậc thềm, nơi ngày xưa An vẫn ra đây đứng nhìn về phía mặt trời mọc. Họ ngồi bên nhau, đầu Agnès gục vào vai anh. Thấy nàng khóc, An lấy chiếc khăn len đang quàng cổ mình thấm nước mắt cho nàng. Chiếc khăn này là tặng vật mà chính tay Agnès đan tặng An trước đó. Cũng đã hơn một lần, Agnès từ Tu viện ra ga Hàng Cỏ tiễn An trở về Sài Gòn. Trong lúc đợi nhà ga cho hành khách lên tàu, An và Angès ngồi uống nước, Agnès ngồi bên cạnh An, đầu ngả vào vai An, hai bờ mi ướt đẫm nước mắt. An không dám hỏi, tôn trọng giây phút có lẽ là sung sướng nhất của đời nàng. An chợt nhớ một lời nói của cha nàng, trước khi Agnès vào Dòng mấy năm trước. Ông nói, cháu Agnès đòi vào thăm chú, nhưng vì không có việc gì, nên cháu không cho nó đi. Còn mẹ Agnès thì có lần vừa cười vừa nói với An, rằng lúc nào cháu nó cũng muốn được ở gần chú.

An là một lữ khách, thuộc cõi tục, còn Agnès là một nữ tu, thuộc thế giới thiêng liêng. Song có lẽ Agnès đã nhận ra, giữa hai người có chung một «cõi tâm». Cõi này nó mờ ảo lắm, lúc ẩn lúc hiện, người bên ngoài khó nhận ra được.

Một buổi sáng, ngày Agnès hết mấy ngày phép về thăm nhà, nàng  xuống nghĩa trang viếng mộ những người thân. An ngỏ ý muốn đi cùng, nàng bằng lòng ngay. Bầu trời hôm ấy có dấu hiệu mưa, nên khi đi, Agnès cầm theo cái ô. Hai người đi bên nhau, lặng lẽ. Một tay Agnès cầm ô, một tay nắm chặt tay An.Tới nơi, họ đốt nhang cắm lên phần mộ ông bà, cha mẹ và những mộ bên cạnh. Họ cầm tay nhau, đi len lỏi trong các lối đi chật hẹp. Họ dừng lại trước một dẫy mộ của người trong gia đình, đọc kinh cầu cho các linh hồn này và tất cả các linh hồn nằm tại đây, có người trên cả trăm năm. Một làn gió lạnh thổi tới. Agnès vội mở chiếc ô, che đầu An. Anh bảo Agnès đưa ô cho mình cầm. Chiếc ô nhỏ, không đủ cho hai người. An nói : “Đứng sát vào đây, kẻo ướt”. Agnès khẽ xích lại gần anh. Một tay An cầm ô, một tay nắm tay Agnès. Anh cảm thấy hơi ấm trong người Agnès truyền qua người anh. Để tránh cơn mưa, An kéo Agnès vào một ngôi mộ có mái che. Một cơn gió nhẹ mang hơi lạnh tới, An chợt nhớ đến một nghĩa trang chỉ có hơn mười ngôi mộ An đã đặt chân đến, cách nay đã rất lâu. Năm đó An mới 21 hay 22 tuổi gì đó.

Đó là năm An lên Ban Mê Thuột dậy học, từ năm 1957-1960.

An vẫn coi việc anh bỏ ngang việc học là một thất bại, một đau đớn của mình. Ngồi trên chiếc xe đò đi Ban Mê Thuột, cách xa Sài Gòn hơn 350 km, lúc xe chuyển bánh, An chợt khóc thầm, không phải vì tình cảm phải xa một cái ngõ hẻm có tiếng hát của cô học trò qua những bài thánh ca, làm xúc động lòng người bổn đạo, khi cô hát trong các thánh lễ tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, cũng như tại nhà cô lúc An đi tới xóm đạo này tìm nhà trọ. Và thật may, nơi đây có nhà cho học trò thuê. May hơn nữa người con gái có tiếng hát ấy là cháu ruột của chủ nhà, để rồi cô cũng là người học trò của An những ngày sau đó. Tuy nhiên, An đã khóc lúc anh rời cái xóm đạo này để lên Ban Mê Thuột, không phải vì xa cô học trò, mà An khóc vì nghĩ đến thân phận của mình. Bỏ trường, bỏ thầy và bỏ bạn bè cùng thế hệ, cùng cảnh ngộ. Có bao nhiêu người bạn là có bấy nhiêu tâm tư, bấy nhiêu nỗi trăn trở và thương đau về sự phải rời xa quê nhà, xa chốn kinh thành trong tuổi học trò. Tuy nhiên, những người bạn này còn có cha mẹ và những người thân khác đi cùng. Còn An, anh cô quạnh.

Thời gian đầu, ông Hiệu trưởng, người đã ngỏ lời mời An lên sống với ông, đã dành cho An một góc của phòng học, vốn là một gian hàng có chiều ngang khoảng 20m, chiều rộng bằng một nửa, nay mở trường thì ngăn ra, hơn một nửa gian nhà này làm lớp học, một nửa làm phòng ở. Mấy tháng sau, trường mở thêm hai lớp  vào buổi tối, lớp Anh văn và một lớp luyện thi Tiểu học. Ông Hiệu trưởng dạy Anh văn, Lớp luyện thi Tiểu học thì An dạy môn Việt văn, môn toán ông hiệu trưởng dạy. Lớp này phần nhiều là công chức và quân nhân. Phòng học cũ không đủ chỗ, nên rời trường sang phía đối diện, nằm trên đường Y Zut, gần chợ, gần rạp hát Lodo. Đây là khu trung tâm của Ban Mê Thuột ngày ấy. Có tiệm sách, báo, tiệm chụp hình, tiệm phở ngon…

Từ khi rời lớp học sang nhà mới, An thuê nhà ở ngoài, một gian nhà cất toàn bằng phên tre, mái lá. Mặt nhà phía trước qua cái sân đất, là con đường trải đá, đi từ ngoài đường cái vào mãi phía trong là một trại lính. Bên cạnh con đường này là một thung lũng người Rađê ở. Từ dưới đó, An thường được nghe tiếng khèn của họ vọng lên, nghe heo hút, bâng khuâng, xa vời và quạnh hiu. Dẫy nhà trọ An ở có ba gian. Gian đầu hai ông bà chủ ở. Họ đã già, cứ gọi An là thầy. Gian giữa, An ở. Gian bên cạnh An là cặp nam nữ còn trẻ, ở có mấy ngày rồi đi. Có lẽ vì trống trải. Phía ngoài đầu dẫy nhà ba gian này, kế bên gian của hai vợ chồng chủ nhà, là một nghĩa trang nhỏ, có khoảng hơn mười cái mộ, cái nào cũng đắp đất thôi, rất trơ trọi, thỉnh thoảng mới có vài chỗ mọc lên nấm cỏ. Những đêm có trăng, An ra đó đứng nhìn về phương Bắc, nhớ nhà, nhớ quê…Một cơn gió từ dưới thung lũng đưa lên, những ngôi mộ như có các vong hồn về, An chợt thấy lạnh. Nghĩ rằng mình nên tới viếng thăm họ, cho họ bớt lẻ loi. Có lẽ người thân của những người nằm dưới các nấm mộ này đã không còn, hoặc đã trôi dạt về một nơi nào thật xa trong cuộc chiến vừa rồi. An là nạn nhân của cuộc chiến ấy, nó đẩy anh rời bỏ quê cha đất tổ mà vào Sài Gòn. Mà sao bây giờ anh lại ở đây, heo hút quá thế này. Nghĩ thế, nên An đi một vòng qua các ngôi mộ, rồi mới trở về phòng ngủ. Căn phòng nhỏ bằng phên tre hứng đầy trăng, lan tỏa cả trên giường. An giật mình thiếp đi…

Một thanh niên dáng thư sinh, mặc áo dài xanh lam, quần lụa trắng, đẩy nhẹ cánh cửa phòng khép hờ đi vào, đến bên chiếc giường tre An nằm, lay anh dậy. An mở mắt ra. Thấy người lạ, anh đưa tay dụi dụi vào hai mắt để nhìn cho rõ. Nhưng hai mắt anh nhìn người đứng trước mặt và gian nhà lúc đó như qua màn sương mỏng, mong manh ánh trăng lạnh. Người thanh niên trẻ đưa hai tay ra, cầm tay An dẫn ra khỏi gian nhà trọ. An lặng lẽ theo anh ta, miệng không nói được lời nào. Suốt dọc đường đi, An không nhận được nẻo này sẽ đưa mình tới đâu. Nó không có thực thì phải.Tất cả, từ lúc ra khỏi gian nhà trọ, An chỉ thấy mờ mờ như trong giấc chiêm bao. Tất cả đều bao phủ một làn mây với khí lạnh. Người thanh niên dẫn An tới một cảnh trí rõ hơn. Nơi này có một dòng suối. Bên trên dòng suối là một khu vườn đầy hoa lạ. Giữa vườn có một cây, thân nó không cao lắm, lá lớn và dầy, hoa sắc trắng có nhụy vàng, giống như cây hoa đại ở phia đầu nhà thờ tại làng anh. Đặc biệt cây hoa này tỏa hương thơm ra khắp vườn. Đây là điều khác biệt với cây hoa  đại tại đầu nhà thờ ở làng An, mùi hương không lan tỏa ra xa như vậy. Bỗng có một làn gió nhẹ với mùi hương lướt qua mặt, An không nhìn thấy gì nữa. Rồi lại một làn gió nhẹ khác thoảng qua, vẫn mùi hương thơm ấy, nhưng ngạt ngào hơn. Mắt An nhìn lại được cảnh vật trong vườn. Lúc này người thanh niên thanh tú dẫn An đi dạo một vòng trong vườn, tới đâu An cũng chỉ muốn dừng chân tại đó, vì cảnh trí như trong mơ và chỉ có trong các truyện huyền thoại. Bỗng người thanh niên chỉ tay về phía trước mặt. Theo ngón tay chỉ, An nhìn thấy dáng một tiên kiều đang dạo bước trong vườn, hình như hướng về phía hai người. Nàng mặc quần áo dài trắng, nổi bật lên giữa những dẫy hoa trong vườn. An đứng lặng tại chỗ, mắt không rời khỏi nàng. Nhìn sang bên cạnh, An không thấy người thanh niên đâu nữa. Một cơn gió mạnh từ đâu đưa hương thơm tới cùng chiếc lá rơi xuống vai áo An. Anh choàng tỉnh dậy. Gian nhà trọ vắng lạnh. Ánh trăng đã nằm sâu dưới thung lũng trước mặt…

Những giọt mưa theo cơn gió hắt vào mặt An, anh sực nhớ mình đang đứng với Agnès. An nhớ lại hình dáng người con gái tại vườn hoa trong giấc chiêm bao, lúc này như đang hóa thân thành Agnès cầm tay anh.Vừa lúc ấy Agnès cũng nhận ra sự im lặng khó hiểu của An. Nàng ân cần hỏi:

-Chú sao thế?

-À, không. chú chợt nhớ cái năm chú ở Ban Mê Thuột cũng xa lắm rồi…

Ngay từ lúc đầu gặp Agnès, An đã biết anh đang “tự vác thập giá của thân thể mình”. Anh chấp nhận mang lấy vết thương tại cõi sâu của lòng mình, sống thinh lặng và khổ đau. Cho nên, lúc hai người đi bên nhau ở nghĩa trang như thế này, An nghĩ là đã đủ đối với anh.  Một lúc sau, Agnès dịu dàng nói:

“Theo dự tính, thì chiều nay, trước khi đi, cháu sẽ vào trong nhà chào chú. Nhưng gặp chú ở đây rồi, cháu rất vui và sau khi ở đây về, cháu sẽ lên nhà dòng luôn. Chú đừng đưa tiễn cháu. Vì lần trước chú đưa cháu lên tận cửa nhà dòng, cháu vừa bước vào trong sân là cháu chỉ muốn khóc, mà không dám khóc, chỉ nuốt nước mắt vào trong. Nhưng khi vào tới phòng ngủ để cất túi quần áo,  cháu đã bật khóc, vì nhớ đến chú, nhớ đến mấy ngày được ngồi bên chú, được gục đầu vào vai chú mà khóc. Có chị trông thấy, trêu trọc cháu, bảo “nhớ nhà hay nhớ ai thế?” Cháu xin chào chú. Tạm biệt chú. Mai chú cũng đi rồi ! (Agnes ngập ngừng như nghẹn ngào một lát, rồi nói tiếp),cháu rất tiếc là không được tiễn chú ra sân bay, nhưng cháu sẽ luôn ở bên chú qua lời kinh, nguyện. Cháu rất hạnh phúc và hãnh diện khi có một người chú như chú.  Chú không phải lo lắng quá cho cháu đâu. Cháu biết mình sẽ phải làm gì và tránh điều gì,…Cháu sẽ cố gắng sống thánh thiện, tốt lành, để không phụ lòng thương yêu của chú và mọi người. Chú à, cháu biết phía trước của cháu sẽ còn nhiều khó khăn, với sức tự nhiên, khó có thể vượt qua được, nhưng cháu tin Chúa sẽ luôn nâng đỡ, chở che, giúp sức cho cháu, vì tất cả cháu xin phó thác nơi Chúa, cậy dựa vào Ngài. Vì thế cháu tin Chúa sẽ luôn ban ơn cho cháu vượt qua mọi trở ngại. Chú cầu nguyện thêm cho cháu, đó là điều cháu cần nhất. Có một điều cháu nói vói chú là, chú giữ sức khỏe để ngày cháu khấn, chú về tham dự. Nếu vì một lý do nào đó ngày lễ của cháu mà chú lại vắng mặt thì cháu không biết sẽ ra sao!”.

An khẽ kéo nàng vào sát mình một chút. Anh nhìn lên mặt nàng, những giọt lệ vẫn đọng trên mi. Nhưng mặt nàng thanh khiết lạ thường. An ngỡ Agnès như nàng tiên kiều lúc đang đi trong khu vườn đầy hoa mà An đã gặp trong giấc chiêm bao ngày anh ở Ban Mê Thuột. Thời gian đã xa đến hơn nửa thế kỷ, vậy mà An lại gặp nàng tiên kiều ấy tại đây, quê hương yêu dấu của mình.

-Tiền định! Tiền định!

-Chú nói gì thế?

-À, chú lại nhớ ngày ở Ban Mê Thuột.

-Hôm nay chú sao thế! Có lần ngồi bên chú, cháu cũng đã nghe chú nói cái gì đó ở Ban Mê Thuột. Chắc có chuyện quan trọng chú không quên được, hả chú?

-Chỉ là một giấc chiêm bao thôi.

-Giấc chiêm bao đó làm sao, buồn hay vui, mà chú không quên được. Chú kể cho cháu nghe đi.

-Trong một giấc chiêm bao, chú được dẫn vào một vườn cây đầy hoa, bên cạnh có một con suối. Vườn hoa tràn ngập mùi hương quyến rũ, hai bên má chú như nóng lên bởi một chất men vừa uống…Rồi một tiên kiều xuất hiện, giống như…

An chợt nhận ra Agnès giống như nàng tiên kiều ấy đang đứng cạnh mình, nên An ngừng lại không kể nữa.

Agnès quay qua nhìn An, nở nụ cười hồn nhiên. An cũng nhìn nàng, thấy hai mắt nàng sáng long lanh như tiên kiều dưới ánh nước. An muốn hôn lên đôi mắt ấy. Agnès như đọc được ý nghĩ vừa rồi của An, nàng lại càng tha thiết nhìn anh như một biểu hiện của sự hài lòng, rồi khẽ xích lại gần An hơn một tý. Đây là lần thứ hai, Agnès nhìn anh như thế. Lần thứ nhất, cách nay cũng gần mười  năm, An trở về thăm nhà vào dịp Tết, đến ngày trở lại Sài Gòn, An lên Hà Nội, ghé vào một phòng trọ thăm đứa em của nàng, đang học ở đây, Agnès cũng được về nhà nghỉ Tết mấy ngày, nên đã đi theo mấy người trong nhà lên Hà Nội tiễn anh.Tại đây, em trai nàng đã đãi An một bữa bánh cuốn Thanh Trì. Bất chợt, An nhìn thấy Agnès đang nhìn mình rất tha thiết, một dấu hiệu của tình yêu thời con gái. Mắt Agnès và An chạm nhau, rồi kín đáo cúi đấu im lặng. Đến giờ chia tay, thay vì như những người khác, từ nhà trọ này, mọi người sẽ đưa An tới một địa điểm trên đường Đào Tấn, rồi từ đây, An sẽ đi xe bus của hãng máy bay này để lên Nội Bài, còn những người khác thì trở lại làng. Nhưng Agnès lại cùng với cậu em trai lên xe bus khác, tiễn An lên tận sân bay. Hai chị em họ đứng nhìn An làm thủ tục cuối cùng về an ninh, sau khi xong, An quay ra phía hai chị em đứng, vẫy tay chào. Hai chị em lặng lẽ và từ từ vẫy tay chào lại An cho tới lúc anh đi khuất vào phía trong. Ngồi ở ghế tại phòng đợi, An nhớ đến ánh mắt của Agnès nhìn anh lúc ở phòng trọ của em trai nàng. Nếu như cuộc chia tay không phải là nơi nhà trọ của em trai nàng có nhiều người thân đưa tiễn, mà là tại một ga xe lửa hay một bến xe đò, thì An sẽ chạy tới ôm Agnès vào lòng, đặt cái hôn lên đôi mắt quá diệu cảm ấy, cái diệu cảm chỉ có nơi một tiên kiều như Agnès dành cho An thôi.

Mấy năm sau, trong một thánh lễ long trọng được cử hành tại Nhà nguyện của Tu viện, Agnès dâng lời khấn lần đầu cùng với một số chị trong Hội dòng. An được mời về dự lễ. An lưỡng lự, nửa muốn về, nửa không. Sau cùng thì An cũng về vì nhớ đến lời nói của Agnès buổi sáng trời có mưa nhẹ  tại nghĩa trang ở làng. Agnès muốn anh về trong dịp này. Nếu như…Tâm tư anh bối rối. An không muốn nghĩ đến cái giây phút Agnès nhận ra rằng An không về dự lễ khấn của mình!

Trong dịp về lần này, An rất mừng vì thấy nàng đã vượt qua những khó khăn trước đó. Agnès vững vàng, tự tin, khôn ngoan và quyết tâm chọn con đường tận hiến. Sau lễ, Agnès được về nhà hai ngày. Buổi chiều ngày Agnès trở về dòng, An tiễn nàng lên tới đầu làng. Hai người đi sát bên nhau trên con đường quê. Cậu em trai của Agnès chở chị lên thẳng Hà Nội. Khi xe nổ máy chạy đi, Agnès quay đầu lại nhìn An cười, giơ tay vẫy chào anh mấy lần. Còn An thì đứng nhìn theo lặng lẽ, mãi khi bóng Agnès khuất xa dần… Anh hiểu là từ đây, Agnès sẽ xa cách anh mãi. Nàng có phải là người nữ tu ở trên kia với tiếng hát đơn điệu. Còn An, anh vẫn mãi là người ôm mặt khóc, như trong bài thơ của anh cách nay đã 49 năm? Anh đã  mất Agnès, người nữ tu đích thật chỉ thoáng đến trong đời anh… An đã nói với Agnès như thế lúc hai người đi bên nhau. Nàng đáp lại: “Sao lại mất! Nếu cháu lấy chồng thì có đi với chú như thế này được không?”

Sau ngày trở về Tu viện, Agnès viết một bức thư gửi cho An, kèm theo một hình thánh giá nhỏ, đề ngày 16 tháng 8 năm 201…. Trong thư Agnès viết:

“Chú ơi! Không hiểu sao, lúc chiều chia tay chú lòng cháu buồn quá. Cháu muốn nói với chú nhiều điều nhưng lại nghẹn ngào không nói được…Chú à! Mai chú đi rồi, cháu rất tiếc là không được tiễn chú ra sân bay, nhưng cháu luôn ở bên chú qua lời kinh, nguyện cầu. Chú hãy bảo trọng, giữ gìn sức khỏe, đừng làm việc quá sức, lúc nào thấy trong người mệt mỏi thì phải đi nghỉ ngay, kẻo chú ốm thì khổ lắm. Cháu rất hạnh phúc và hãnh diện khi có một người chú như chú…”

Buổi chiều ngày hôm sau, từ mái nhà xưa yêu dấu của An, anh cũng từ giã nó và mọi người thân yêu, trở về Sài Gòn, miền đất phồn hoa lắm bon chen và cát bụi.

Lần ra đi này, An không có Agnès đưa tiễn.

Những năm sau đó, An nghĩ nhiều đến sự trưởng thành của Agnès, nàng vững vàng trong các việc tông đồ, đi phục vụ ở đâu cũng được giáo dân thương mến, các chị trong cộng đoàn tín nhiệm. Còn các linh mục thì khen Agnès khéo léo. Tính cách này, một phần do bản tính tự nhiên, Agnès thông minh, lanh lẹ, ăn nói lưu loát kèm theo nụ cười rất có duyên. Thứ nữa, do việc đào tạo của Tu viện về đời sống tu trì ngày nay. Cuối cùng, trước ngày khấn lần đầu, Agnès đã trải qua những trạng huống thử thách, những hiểu lầm của bề trên, nhất là sau khi thân phụ của Agnès qua đời ở tuổi ngoài 40, khiến nàng có lúc đã toan buông xuôi, về nhà hoặc chuyển dòng, có lúc không biết mình đang làm gì nữa! Cũng vào lúc này, gia đình nàng gặp cảnh xáo trộn giữa mẹ nàng và mấy người bác, người cô trong nhà. Chuyện xảy ra mà người ta đã có thể biết trước, nếu thân phụ của nàng khi qua đời không để lại di chúc về tài sản phân chia cho các con mà ông bà đã để lại. Agnès đau đớn, lẻ loi, chán nản, thất vọng mà không thể tâm sự với ai. Agnès viết thư cho An, xin lời khuyên. Sau đó vào Sài Gòn thăm An, ở lại một tuần lễ. Trong mấy ngày này, sáng sớm nào An và Agnès cũng nắm tay nhau lên nhà thờ dự lễ, lúc trở về cũng vậy. Hai người như cặp thầy và trò.

An đã viết thư cho Agnès với những lời khuyên từ trong chính cuộc đời của anh, của các sách tu đức và Kinh thánh. An viết đơn sơ và chân thật, hiểu rõ tâm tư của nàng. Nhận được những lá thư của An, Agnès viết thư hồi âm. Nàng nói: “…Thưa chú, khi nhận được thư chú gửi về cho cháu, đọc đến đâu, cháu khóc đến đấy. Những trang thư của chú chứa đầy nước mắt của cháu. Chiều hôm ấy, vào nhà thờ, cháu khóc rất nhiều, khóc suốt giờ kinh. Khóc với Chúa, cảm tạ Chúa đã gửi đến cho cháu những lời khuyên bảo qua một người chú ở phương xa, gửi đến cho cháu một người chú mà cháu kính yêu.  Cháu cảm thấy hạnh phúc và sung sướng, vì biết mình được chú quan tâm, giữa lúc cháu như rơi vào trạng thái chân không của tâm hồn. Cháu đã mất một người cha, một người cha luôn thương yêu cháu, chấp nhận cho cháu dâng mình trong nhà Chúa. Người không còn sống để ủi an đứa con gái của người khi nó gặp buồn phiền, không một người thân nào ở bên cạnh thấu hiểu tâm tư của cháu. Chú thì ở xa!… Cho nên, cháu hoàn toàn trống trải. Khi chú gọi điện thoại về chia buồn với gia đình cháu, chắc chú còn nhớ, cháu đã không thể nói thành lời, giọng cháu lạc hẳn đi vì khóc than bố, khóc cho cả chính mình.Cháu còn nhớ rất rõ, khi bố còn sống, có dịp cháu được về quê, bố đã  đưa cho cháu tất cả những lá thư mà chú gửi về cho gia đình. Cháu rất mừng và sung sướng khi cầm trong tay những  thư ấy. Cháu đọc mà không sao cầm được nước mắt, như lá thư mới nhất của chú vừa rồi. Tất cả những lá thư ấy, cháu coi như một động lực giúp cháu vượt qua những lúc thử thách rất lớn. Có một lá thư chú gửi về mấy năm trước, chú đã nói đến những thử thách nơi chính bản thân mỗi người. Cộng đoàn tu trì, dù nam hay nữ, cũng đều thế thôi, và ở đâu cũng vậy, người tốt người xấu, lúa tốt và cỏ lùng, ánh sáng và bóng tối. Chú đã kể câu chuyện về một vị Đan viện trưởng nọ, trả lời câu hỏi: Thánh giá của ngài hiện nay ở đâu? Đan viện trưởng không chút do dự nói: “Thánh giá của tôi hiện nay là cộng đoàn”. Một lá thư khác, chú mượn lời sách Gương Chúa Giêsu: kẻ thù ở ngoài không đáng sợ. Kẻ thù đáng sợ nhất chính là bản thân mình. Đừng tâm sự nỗi lòng mình với bất cứ ai, vì con người thường thay đổi và phản bội. Rồi chú bảo, chỉ có Chúa Giêsu Thánh Thể là người bạn tuyệt đối nhất, trung tín nhất và luôn gần gũi với mình. Cháu không quên được những lời trong các thư ấy của chú. Nhờ ơn Chúa, các thư ấy giúp cháu có thêm nghị lực để vượt qua những thử thách trong đời tu. Cho nên, chú biết không, cháu đã thưa chuyện với Chúa thật sốt sắng mà có lúc cháu cảm thấy chính Chúa đang nói chuyện với cháu, chứ không phải là cháu nói với Chúa nữa. Cháu không biết những giây phút như thế này có ở lại mãi trong cháu không, hay những lo lắng trong công việc phục vụ, những sinh hoạt và những đố kị trong cộng đoàn, sẽ làm cho lòng sốt sắng như lúc này trước Chúa Giêsu Thánh Thể, phai nhạt hay nguội đi. Chính đây cũng là một thử thách rất lớn của cháu. Làm sao để ngọn lửa yêu mến luôn cháy lên trong lòng mình!

Sáu năm, sau ngày khấn lần đầu, Agnès lại chuẩn bị cho ngày khấn Trọn Đời. Mẹ nàng, mỗi lần gọi điện thoại cho An đều nhắc đến ngày này và không quên nhắc nhở An giữ gìn sức khỏe để đến ngày khấn của con gái lớn của bà thì An về dự lễ. An thấy có một cái gì đó trong nội tâm mình. Anh phải chuẩn bị những gì, gặp Agnès ra sao, nói những gì với nàng, những ngày ở nhà sẽ ra sao v.v…Agnès hỏi An, ngày nào anh về và ngày nào anh đi. An nói cho Agnès biết ngày về của anh giáp ngày nàng khấn, còn ngày trở lại Sài Gòn của anh thì sau đó mười ngày, vì về quê lần này, có lẽ là lần cuối cùng, nên An sẽ đi thăm mấy người anh em linh tông trên Hà Hồi, ra nghĩa trang của giáo xứ này viếng mộ Cha nghĩa phụ và đi thăm mấy linh mục trong họ đang phục vụ tại mấy giáo xứ trong vùng. Nghe An nói đến ngày anh trở lại Sài Gòn, Agnès nói sao anh về sớm thế, vì nàng được phép nghỉ ở nhà hơn mười ngày, kết hợp nghỉ hè và nghỉ sau lễ khấn nữa. Như vậy, An sẽ rời quê sớm hơn 3 ngày, trước ngày Agnès trở về Dòng.

Trước ngày lễ khấn Trọn Đời của Agnès, An đi hành hương bên Campuchia. Nơi dừng chân của An trong thời gian này là một trung tâm Tin Lành, chủ trì trung tâm là một Mục sư người Đức gốc Việt, quê Bến Tre.

Những ngày ở Campuchia, An đã đi lên núi cổ Bokor, viếng ngôi nhà thờ cổ. Lúc đứng bên cạnh nhà thờ này trên núi cao, An như đứng tại một khoảng chân không, cảnh trí mênh mang, bao la, quyến rũ và huyền hoặc. Những làn mây lướt qua trước mặt, An tưởng như nó sẽ mang anh đi. An nhớ đến Agnès và cầu nguyện cho nàng. Anh bồi hồi…Agnès đang ở Tu viện, thinh lặng, tĩnh tâm dài ngày để chuẩn bị cho ngày khấn. Nếu như nàng có mặt ở đây với anh, biết đâu hai người sẽ được những đám mây trắng đưa về trời. Ở đó hai người sẽ hưởng hạnh phúc vô biên.

Rồi ngày Agnès khấn Trọn đời cũng đã tới. Gia đình thuê một chiếc xe 45 chỗ ngồi, địa điểm diễn ra thánh lễ là Tiểu Vương Cung Thánh Đường SK, cách quê An khoảng hơn 30 km. Chủ sự thánh lễ và nghi thức tuyên khấn là vị Hồng y Tổng giáo phận Hà Nội, có sự hiện diện của Tổng Giám mục Dominique Lebrin Giáo phận Rouen, Pháp, nơi có bốn cộng đoàn MTG Hà Nội đang thi hành những công tác mục vụ.

Có một việc rất đặc biệt về Nữ tu Agnès trong ngày khấn Trọn đời này, là cộng đoàn “Gia đình Công giáo Xa quê”, tập hợp từ 8 giáo phận của TGP Hà Nội, đang sinh hoạt tại giáo xứ Thái Hà, do các cha dòng Chúa Cứu Thế coi sóc. Agnès được sai đến đây như một đặc trách, ngoài bổn phận chính trong dòng là dạy trẻ, để thi hành các việc tông đồ, gồm cả công tác mục vụ giới trẻ, người di dân. Cộng đoàn “Gia đình Công giáo Xa quê”, đã tặng Agnès một bài thơ, lồng trong khung kính 40cm x 60cm. Nội dung đơn sơ, giản dị như  phẩm chất của  người dân thôn quê còn nặng tình nghĩa như các bậc tổ tiên và cha ông họ.

Sau ngày lễ là những bữa tiệc, những chuyến đi của An, như thể đây là chuyến về quê lần cuối. An đi để thăm viếng và từ biệt. An cảm tháy đuối sức, nhuốm ho.

Những ngày về quê, An nghỉ ở nhà tổ. Ông anh của An dành cho An một tầng lầu. Buổi chiều ngay hôm lễ khấn, các nữ tu vừa khấn được về nhà nghỉ mấy ngày, Agnès đã vào thăm An. Lời đầu tiên An nói với Agnès là “lời xin lỗi”, vì hơn mười năm trước, lúc Agnès còn chưa khấn lần đầu, nàng đã vào Sài Gòn thăm An, ở lại với anh một tuần lễ. Ngày cuối cùng trước khi Agnès rời xa anh để trở về Tu viện, An đã có một vài cử chỉ và lời nói vụng về. Điều này làm An hối hận mãi, muốn được gặp Agnès một lần nữa để xin lỗi nàng. Nay mới có dịp. Nghe An “xin lỗi”, Agnès không nói gì, nhưng lại như muốn ngồi sát vào An hơn. Và cứ thế, trong suốt mấy ngày Agnès ở nhà, chiều nào nàng cũng đều mang thuốc và những lọ nước yến, những cốc nước rau má vào cho An. Hai người ngồi sát nhau, chẳng cần giữ khoảng cách. Rồi An kể lại cuộc đời cô đơn của mình trên những chặng đời gian lao anh đã trải qua…Hai người má kề má, chụm đầu vào nhau khóc. Một lần, Agnès tặng An một cục đá, màu nâu rất nhẵn, chiều cao cả đế là 8cm, chỗ rộng nhất là 3cm5. Trên cục đá này viết một dòng chữ: “Thánh ý Chúa là gia nghiệp đời con”, bên cạnh ghi là Cổ Nhuế, 20/12.

Kỷ vật thứ hai Agnès trao cho An là một hôm An ra nhà nàng chơi, lúc ra về, anh đã bước xuống sân thì Agnès ở trong nhà chạy ra, đứng sát vào bên trái người anh, vội vã cầm bàn tay trái anh, đeo vào cổ tay anh một vòng bằng đá, nàng nói “để chống gió”. Chiếc vòng có mười viên đá nhỏ và những viên nhỏ hơn xen vào giữa và một thánh giá ánh lên mầu vàng nhạt.

Hai kỷ vật này và thánh giá mà vị giám mục chủ sự ngày lễ khấn lần đầu của Agnès sáu năm về trước, Agnès đã trao tặng An luôn. Ngoài vòng đá chính tay Agnès đeo vào cổ tay cho An, còn thánh giá và cục đá kia thì An để bàn cầu nguyện và làm việc, ban đêm, lúc lên giường nghỉ, theo lời Agnès, An để trên đầu giường. Agnès muốn những kỷ vật này luôn luôn ở trước mặt An, mà như thế là nhìn thấy vật là nhớ đến người. An chẳng có một cái gì tặng Agnès, ngoài hai lần trở về dự lễ khấn của nàng. Nhưng Agnès có nhiều hơn thế. Suốt mấy chục năm gần đây, kể từ ngày hai người gặp nhau, cả những năm còn lại rất chông chênh của tuổi đời mình, An đã nguyện tặng hết cho Agnès rồi. Còn với An, cái tình cảm của nàng  dành cho anh, An coi như một làn gió nhẹ buổi đầu thu của quê nhà đất Bắc. Có êm dịu, nhưng cũng sớm có những cơn gió lạnh mùa đông lùa vào tâm can anh. An chấp nhận vì đây là “Thánh ý Chúa”. Có lẽ Agnès cũng nghĩ như thế, nên đã trao cho anh “Lời” này.

Ngày An trở về Sài Gòn đã đến. Lúc đầu An chỉ tính nhờ một đứa cháu trai chở anh lên ga Hà Nội, rồi từ đây An sang xe bus số 86 lên Nội Bài. Loại xe này rất tiện, cứ mỗi 15 hay 20 phút là có một chuyến, dù chỉ có ít hành khách. Nhưng Agnès nhất định tiễn anh. Nếu vậy, Agnès cũng phải đi xe máy. Điều này anh không muốn. An giận cái tính bướng bỉnh của nàng, khiến anh phải thay đổi phương tiện đi. An thuê một taxi 4 chỗ ngồi và chỉ một mình An đi thôi. Nhưng Agnès vẫn nhất quyết đi. Nàng bảo, “cháu ở nhà thì cháu phải đưa chú đi”. An chịu thua và phải nhờ một đứa cháu đi cùng, để lúc trở về có người bảo vệ nàng.

Ngay từ lúc lên xe, Agnès đã cầm tay An đặt lên đùi mình suốt chặng đường từ quê lên Nội Bài, dài khoảng 70 km. Có lúc đầu nàng gục vào vai An ngủ. An thấy Agnès liều lĩnh mà cũng thấy mình hạnh phúc. Vì thế mà An không muốn rút tay mình lại. Nếu không có tài xế và người cháu trai trên xe, có lẽ An sẽ trao cho Agnès một cái hôn lên trán nàng tiên kiều của Đấng Tạo vật này. Phải chăng đấy là những cử chỉ thân yêu cuối cùng Agnès dành cho An, vì biết anh không còn trở về quê nữa! Nàng rất khéo khi cắm lại cử chỉ tình ái này trong nội tâm An, khiến anh ngỡ ngàng nhìn nàng một lát, còn Agnès thì mỉm cười, vẻ như e thẹn vì biết mình liều lĩnh.

Rồi An phải rời xa Agnès cũng có nghĩa An phải từ biệt ngôi nhà tổ, nơi An đã chào đời trong vòng tay rất thương yêu của mẹ, nơi An để lại một núm ruột trong ngày này.

Trở lại nhà trong Sài Gòn, An chìm sâu vào những nỗi nhớ. Mười ngày ở quê là mười ngày đầy ắp những bàn tiệc, những nụ cười, những hình ảnh. Agnès luôn đứng cạnh An trong các dịp này, một tay nắm cánh tay An.Tuy nhiên, những tấm hình ghi lại bữa cơm chiều cuối cùng tại nhà Agnès đã tạo một cảm giác êm dịu trong anh. Gia đình dọn cho An và Agnès ngồi riêng một bàn. Có mấy tấm ghi Agnès dừng đũa, mỉm cười nhìn An. Anh thích những hình này và nụ cười của Agnès, vì gần gũi với đời thường.

Từ ngày An rời xa mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình, đã trên 60 năm trường, hình bóng quê anh hầu như vẫn còn là nét son trong trái tim anh. Khi gặp Agnès thì nét son này đỏ thắm hơn. Nhưng nay, sau nhiều lần về thăm nhà, gặp Agnès rồi cả hai như có duyên với nhau từ trước, tự nhiên tìm đến nhau, ngồi với nhau, đi đâu cũng tay trong tay. Bây giờ, lại một lần nữa An phải ra đi và không còn ngày trở về. Cho nên, An thấy nhớ những hình bóng cũ đã khuất, nhớ cả những người đương thời An đã gặp, đã trao đổi đôi lời trên những con đường làng, hay đường đến nhà thờ; những người anh đã thăm viếng, đã chuyện trò bên tách trà đậm đặc hoặc bên tách cà phê, có khi cả bên cốc rượu.

Bài thơ dưới đây An làm là để từ biệt quê hương trăm năm vàng đá và cũng để khóc một quê hương đã mất mát nhiều quá và nhiều thế hệ đã qua đi trong những giai đoạn đau thương của đất nước, nhất là những nỗi đau của một làng quê Công giáo. Có lúc An đã nghĩ một nửa thân anh là quê hương. Còn bây giờ, An mất luôn cả Agnès.

Cuối cùng, An viết bài thơ này cũng là lời từ biệt Agnès.

Ở đâu bây giờ, những người năm cũ?

Gió từ tha ma dưới kia thổi về

Bờ tre xơ xác, ao hồ hoang lạnh  

Cây đại ngoài sân có ai quét lá?

 

Một người cô đơn

Ngồi bên thềm đá

Tóc rũ gió lùa

Lệ ứa bờ mi

Lá vàng bay bay

Rơi trên bờ cỏ

Lá vàng rơi rơi

Rơi về cổ mộ

Nhớ người nằm đó

Trăm năm còn gì!

Lá rơi vào tim

Con tim rướm máu.

KT

——————-

(*) Truyện viết năm 2012. Năm 2018 sửa chữa và viết thêm

Sau khi truyện này được đăng tải trên trang web Việt Văn Mới NewVietArt.com, France, tháng 9 năm 2012, nhà văn Thế Phong đã có nhận xét và đưa lên trang văn học chuyên biệt Virgil Gheorghiu của ông. Thế Phong có nhắc đến những năm An  và ông là bạn của nhau, và hai người nữa là Cao Thế Dung(1933-2017) và Đỗ Ngọc Trâm (Đỗ Tất Phú)(+)

Thế Phong sống chân thật, viết thật dù điều này có gây ngộ nhận ở một số người. Ông là một nhà văn phóng nhiệm, ông viết cả những cái “xấu nhất” trong đời của một con người, một con người có cá tính, có nhân bản như chính ông. Có vẻ như Thế Phong “bất cần đời”. Qua những trang sách, báo, Thế Phong biểu hiện một thái độ, một quan điểm chống lại quan điểm cũ: “Văn tải đạo”. An thì khác. Anh chủ trương dùng văn thơ chống lại cái ác, dùng văn thơ chuyên chở “Đạo”. Vì chỉ có “Đạo” mới xây dựng được một xã hội ổn định, nhân bản và tiến bộ.

Dưới đây là bài viết của Thế Phong (lược trích):

 

một người nữ tu agnès

ẩn sau “người ôm mặt khóc” 

(THƠ KHẢI TRIỀU, ĐẠI NAM VĂN HIẾN XB, SAIGON 1963)

                                              THẾ PHONG
lời dẫn:


“Người ôm mặt khóc” + “Tiếng hát khuẩn trùng”, 2 thi tập in vào những năm 1963- 1964 (Đại Nam Văn Hiến xb, Saigon), dưới thời đệ 1 Cộng hòa.Thật bất ngờ, trên Newvietart.com (France), có bài viết:

“Chuyện tình của AN/ Khải Triều”— món ăn tinh thần, đã trên dưới 50 năm xưa, làm dấy động tâm hồn tôi:
                             TRÊN KIA TIẾNG HÁT “NỮ TU ĐƠN ĐIỆU”,                                                             

                             DƯỚI  NÀY “MỘT NGƯỜI ÔM MẶT KHÓC”

                                     (thơ Khải Triều “Người ôm mặt khóc”)

Con người tác giả nhỏ thó, hơi thấp, khuôn mặt vuông vắn, thánh thiện, ăn nói chuẩn mực, tốt nết, tử tế với bạn bè, giúp đỡ tận tình — phía sau, ẩn nấp cả một trái tim, nàng nữ tu có tên  AGNÈS. Sao anh ta không viết một tập thơ; chẳng hạn, lấy tựa, “Où est tu? ma belle AGNÈS”, như Louis Aragon từng viết về “đôi mắt Elsa Triolet” . ( Les yeux d’Elsa Triolet) chẳng hạn vậy. – lời thầm thì của tôi.  

Thời kỳ 1962; Khải Triều + Cao thế Dung,  từng thuê một căn gác nhỏ; khoảng 3 x 3 m2, trên đường Nguyễn Thông, (nay, đường Trần Văn Đang, phường 9, quận 3)  chạy dọc theo ga xe lửa Chí hòa, do dân tự ý chiếm dụng; làm nhà không cầu tiêu, bếp; thuê chỉ để ngủ. Chủ, một ý tá dạo tốt bụng, cho thuê 3 cậu học trò tự nhận, nhà ở xa; đến thuê trọ, để đi học.

Nguyễn văn Tuy khi ấy, nổi hơn bút danh Khải Triều;  tín hữu Công giáo trung tín; trước, cựu chủng sinh viện.

Còn tay Cao thế Dung  (hình như là sĩ quan đào ngũ), bút danh Cao Đan Hồ, cũng là tín đồ Công giáo “đi giẹo “.

Còn một tay nữa, tên  Đỗ tất Phú; tôi không rõ anh ta theo đạo gì; sau, bị động viên vào Thủ đức, thế là anh ta đã có quân đội nuôi cơm 2 bữa, ắc-ê sáng đêm, tối ngày; được gắn lon thiếu úy.  Ít năm sau, Phú lấy vợ;  rồi tử thương trên mặt trận sôi động vùng sông nước Cửu Long.   Một tác giả chỉ có một tập truyện ngắn “Ba mẹ con”, ký bút danh Đỗ Ngọc Trâm. (Đại Nam Văn Hiến xuất bản).

Bộ “tam chế”này; hình như có khi đói; chỉ đủ tiền mua bánh mì để gặm, nhấm; rồi nói chuyện văn chương, nghĩa lý, nào “phải thế này, thế kia”, tới chuyện “vá trời, lấp biển” sao cho gọn, cho đẹp; còn chuyện ái tình vụn thì không nói tới.

Khải Triều không bao giờ nói tới bản năng xác thịt, chỉ nói bản năng tinh thần + niềm lo âu:

Như tôi hôm nay một tuần buồn chán

          như tôi hôm nay đã một tuần không đọc báo

         sợ hôm nay ngày mai nhà tù tiếp nhận thêm người …

thơ   KHẢI TRIỀU

Còn Cao thế Dung giỏi tài ngoại giao, giỏi một cách thượng thừa; gặp ngay một tay người Công giáo thập thành, goá vợ;  anh được cho ở nhờ, sát nách  Nhà thờ Tân Chí Linh —  cơm  nuôi 2 bữa, trốn lính an toàn, còn chửi đổng .

Anh Cao thế  Dung rất ít liên lạc với bạn bè cũ ở Việt nam; có lẽ “tay văn sĩ làm chính trị” từng bị “ám sát hụt” (đạn trúng vào vai); anh rất đề cao cảnh giác; rất kín kẽ trong mọi giao dịch. Hình như ở Việt Nam (sau khi vượt biên qua Mỹ, KT), anh chỉ liên lạc vơi anh Nguyễn Văn Tuy thì phải ?

Nhưng, trong sự nghiệp văn chương+ sử học+ tôn giáo; phải thừa nhận:Cao thế Dung là tác giả nhiều đầu sách khảo cứu giá trị. Chẳng hạn, có một bộ sách Việt Nam Công giáo sử tân biên  1553- 2000 (3 tập) — thì ở Saigon, tại nhà sách Nhà thờ Chí hoà (quận Tân bình/ tp. HCM) có bày bán (bản “used”); sách được khá nhiều người đọc mua.

Cuối năm 2006,  anh Nguyễn văn Tuy báo tin cho tôi : “phu nhân anh Dung sẽ gửi tặng  anh TP 100 usd; nhưng  dưới tên một người khác” . Chẳng mấy ngạc nhiên; vì, giao dịch với ai; hoặc một việc gì; anh Dung rất “kín kẽ”.

Khải Triều- Nguyễn Văn Tuy, qua bút danh Nguyễn An Tôn , tác giả “Công giáo Nam Việt Nam sau 30/4/1975”, Dân Chúa  xb, Hoa Kỳ 1988.(Thánh Giáo Hoàng Gioan- Phaolo II ban phép lành, sách có hình này, trang cuối Lời nói đầu), linh mục Nguyễn Tự Do Dòng CCT đọc xong; đưa cho văn sĩ- cựu linh mục Dòng CCT Nguyễn Ngọc Lan đọc, khiến Nguyễn Ngọc Lan nhờ tôi,  tôi muốn được gặp tác giả viết cuốn sách ấy; viết về Công giáo Việt Nam, cực tốt; kể cái tựa  sách “cực kỳ chính xác, hấp dẫn độc giả .

(nhưng cho đến khi qua đời vào 27/2/ 2007 cố văn sĩ, linh mục Lan vẫn không có cơ may gặp mặt tác giả Nguyễn An Tôn/  Khải Triều – Nguyễn văn Tuy.) 

Hôm nay, đọc “Chuyện tình của An” / Khải Triều — nếu nước mắt còn, tôi chẳng tiếc gì,  không giỏ vài dòng nước mắt,  để khóc câu chuyện tình như thế  — một chuyện tình cao thượng, có tầm vóc từa tựa  “Hồn bướm mơ tiên”/ Khái Hưng, trong “Tự lực văn đoàn”.  Giá có tay nào được cảm động với chuyện tình này, phóng tay viết thành “Chuyện tình nàng Agnès”, là rất hay —  theo tôi, không ai làm tốt việc này hơn “chàng An Tôn’ đâu”.

Qua vài dòng về bạn Khải Triều, một thi nhân trong Đại Nam Văn Hiến xuất bản cục, cũng đã trên dưới 60 năm nay : Khải Triều- Nguyễn Văn Tuy, một cựu chủng sinh, sinh 1936 tại Hà Đông (nay sáp nhập vào một Hànội) — từng theo học trường đạo Công giáo Dũng Lạc ở Hà nội, tư thục Minh Tân (Hà Đông); di cư vào Nam, học tiếp ở trường Trung học Trần Luc; rồi đi dạy, làm báo, viết văn làm thơ, đi lính Không quân; sau giải phóng làm công nhân đường sắt xe lửa;   thôi việc về “làm thinh”; vợ góa, sống với con gái+ rể; chăm sóc 2 cháu ngoại; làm thơ tiếp, viết văn  thêm, xuất bản tự túc– nay mới nhất “Tuyển tập thơ Khải Triều” (1963- 2016) — chàng cựu sĩ quan chiến tranh chính trị , trang chủ  “T-Vấn+ Bạn hữu” xuất bản ở Hoa Kỳ. 

 bây giờ, hãy cùng đọc một đoạn văn trong “Chuyện tình Agnès” :


“… một tay An (nhân vật, kiểu “protagoniste” trong văn chương)  cầm ô, một tay nắm chặt tay Agnès.  Anh cảm thấy hơi ấm trong tay người Agnès truyền qua người anh.  Để tránh cơn mưa, An kéo Agnès vào bên ngôi mộ, có mái che … Họ lặng lẽ …”


còn Agnès, cô bé người yêu của Chúa, thì:


“… khi nhận được thư chú gửi cho cháu; đọc đến đâu, cháu khóc đến đấy … Những trang thư chú chứa đầy nước mắt của cháu.  Chiều hôm ấy, cháu vào nhà thờ; khóc nhiều hơn nữa, khóc suốt giờ [đọc] Kinh, khóc với Chúa; và, cảm tạ Chúa …”

hoặc:

” … trong lần về dự lễ “lễ khấn trọn đời của Agnès”, hai người lặng lẽ bên nhau… người nữ tu kia với tiếng hát đơn điệu … còn anh; và, là “người ôm mặt khóc”; như trong bài thơ của anh, cách đây 49 năm, anh đã mất Agnès : “người nữ tu đích thật, chỉ đến trong đời anh (như giấc chiêm bao ngày nào lúc anh ở Ban Mê Thuột), một linh hồn chứa nặng đau thương …”


thế phong  

đọc lại, tu chỉnh, thêm, bớt.

   (Saigon, Oct.  3rd,  2016)

 

Khải Triều

(Trích: Chuyện Nội Tâm Của An –Tự Truyện)

 

 

 

©T.Vấn 2019

 

Bài Mới Nhất
Search