T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NHẠC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (83) – NHẠC PHIM – The Green Leaves of Summer, Tiomkin & Webster (Lá Xanh Mùa Hè)


Trong bài 82, chúng tôi đã viết về bản Never on Sunday, nguyên là ca khúc Hy-lạp Ta Pedia tou Pirea trong phim Never On Sunday, đoạt giải Oscar cho ca khúc trong phim năm 1961, bài này chúng tôi viết về một ca khúc khác cũng được xướng danh Oscar cùng năm, tuy không đoạt giải nhưng cũng rất phổ biến và được đặc biệt ưa chuộng tại Hoa Kỳ, đó là bản The Green Leaves of Summer trích trong phần nhạc phim The Alamo của hai tác giả Dimitri Tiomkin và Paul Francis Webster, do ban Brothers Four trình bày, được Tuấn Dũng và Phạm Duy đặt lời Việt với cùng một tựa đề Lá Xanh Mùa Hè.

Theo suy luận của chúng tôi, có ba yếu tố đã góp phần vào mức độ phổ biến của The Green Leaves of Summer: tính cách lịch sử của Trận Alamo, tài năng xuất chúng của hai tác giả Dimitri Tiomkin và Paul Francis Webster, và nghệ thuật trình bày của ban Brothers Four.

Trước hết viết về tính cách lịch sử: Trận Alamo (Battle of the Alamo) diễn ra từ ngày 23/2 tới ngày 6/3/1836 giữa quân dân Texas và quân đội Mễ-tây-cơ, được ghi nhận là diễn tiến bi thảm mang tích cách xoay chiều trong cuộc Cách mạng Texas (Texas Revolution).

Trước đó hơn 10 năm, sau khi Mễ-tây-cơ giành độc lập từ tay đế quốc Tây-ban-nha vào năm 1822, vùng đất Texas trở thành một tỉnh thuộc địa của Mễ-tây-cơ, dân cư gồm người gốc Mễ (Tejanos: Texas Mexican), người da đỏ, và người Mỹ tới khai phá vùng đất này.

Năm 1835, trước chính sách hà khắc, phân biệt của nhà cầm quyền trung ương, dân chúng Texas đã nổi dậy tách rời khỏi Mễ-tây-cơ. Cuộc nổi dậy này được sử sách gọi là Cách mạng Texas, khởi sự vào ngày 2/10/1835 và kết thúc ngày 21/4/1836.

Sau khi Texas tuyên bố tách rời, Quốc Hội Mễ-tây-cơ đã thông qua Sắc Lệnh Tornel, nội dung khẳng định “những người ngoại quốc không phải công dân một quốc gia đang có chiến tranh với Mễ-tây-cơ mà chiến đấu chống lại quân đội Mễ-tây-cơ sẽ bị xem là thảo khấu, hải tặc, và sẽ bị xử lý như thảo khấu, hải tặc”. Có nghĩa những người  chiến đấu chống lại quân Mễ-tây-cơ ở Texas dù bị bắt hay đầu hàng cũng sẽ bị hành hình!

Tháng 2/1836, Tổng thống Mễ-tây-cơ là Đại tướng Antonio López de Santa Anna đích thân cầm quân chinh phạt và thề sẽ thu hồi Texas về cho lãnh thổ Mễ-tây-cơ. Kết quả, vào ngày 6 tháng 3 năm 1836, đại quân Mễ-tây-cơ đã tiêu diệt toàn bộ lực lượng quân dân Texas tử thủ tại Đồn Alamo.

* * *

Đồn Alamo có tên gọi “Alamo Mission” (Viện Thừa Sai Alamo) vì đây nguyên là cơ sở giáo dục “San Antonio de Valero Mission” của các linh mục thừa sai Tây-ban-nha ở San Antonio, được xây dựng vào đầu thế kỷ 18.

Tới cuối thế 18, cơ sở này bị bỏ hoang. Năm 1803, Đoàn Kỵ Binh

Álamo de Parras Company của đế quốc Tây-ban-nha tới trú đóng tại đây, xây thêm doanh trại với tường thành vây quanh. Từ đó, San Antonio de Valero Mission mới có tên “Alamo Mission”.

Khi cuộc Cách mạng Texas nổ ra, quân Mễ-tây-cơ đồn trú tại Alamo đã đầu hàng quân dân Texas vào tháng 12/1835. Từ đó, Alamo được một lực lượng chưa tới 100 quân dân trấn giữ, đặt dưới quyền chỉ huy của Đại tá James Neill.

Tháng 1/1836, khi biết chắc chắc Mễ-tây-cơ sẽ đem đại quân tái chiếm Texas mà Alamo là tuyến đầu, Đại tá James Neill đã viết thư cầu cứu chính phủ lâm thời Texas, cho biết nếu không có tiếp viện, Alamo sẽ không thể đứng vững quá bốn ngày. Nhưng lúc đó quân đội Texas vừa mới thành lập, không có khả năng chi viện, và thay vào đó, tướng Sam Houston ra lệnh triệt thoái khỏi Alamo. Nhưng Đại tá James Neill không chấp nhận việc để đại quân của Santa Anna tiến vào Texas như chỗ không người, ông quyết định tử thủ.

Tính tới đầu tháng 2/1936, tất cả những gì chính phủ lâm thời Texas có thể tăng viện cho Alamo chỉ là một toán quân khoảng 30 người do Trung tá James Bowie dẫn đầu, và một toán kỵ binh cũng khoảng 30 người của Trung tá William Travis.

Tới ngày 8/2/1836, có thêm gần 100 dân quân tình nguyện tới Alamo, trong số này có 32 người từ thành phố Gonzales do Đại úy Almaron Dickinson cầm đầu (Gonzales là nơi đã nổ phát súng lệnh trong cuộc nổi dậy của Texas vào ngày 2/10/1835), và một số thợ săn tới từ Tennessee do cựu dân biểu quốc hội sau trở thành “người hùng rừng xanh” đầy huyền thoại David “Davy” Crockett lãnh đạo.

Tuy nhiên, ai cũng có thể thấy trước lực lượng chưa tới 300 quân dân  này không thể chống trả với đại quân hơn 6.000 người của tướng Santa Anna. Vì thế, vào ngày 11/2/1836, Đại tá James Neill đã trao quyền chỉ huy Alamo lại cho Trung tá William Travis để đích thân đi xin tăng viện.

Thế nhưng, viện binh chưa kịp tới nơi thì Alamo đã bị tràn ngập, không một binh sĩ hay dân quân nào sống sót!

* * *

Trận Alamo bắt đầu vào ngày 23/2/1836, khi tướng Santa Anna và tiền quân khoảng độ 1.500 người, trong đó có lực lượng kỵ binh thiện chiến, tiến vào San Antonio, dàn quân phía trước đồn Alamo. Trong hơn 10 ngày đầu chỉ có những cuộc giao tranh nho nhỏ quanh đồn. Hầu hết phụ nữ và trẻ em trong đồn được cho di tản.

Sáng sớm ngày 6/3/1836, quân Mễ-tây-cơ mở cuộc tổng tấn công nhưng đã bị dội lại trước sự chống trả mãnh liệt của lực lượng trú phòng. Đợt tấn công thứ hai cũng bị thất bại. Phải tới đợt ba, quân Mễ-tây-cơ mới công phá được tường thành, mở đường cho kỵ binh tiến vào tàn sát.

Đa số binh sĩ và dân quân Texas đã bị giết trên đường chạy vào công sự phòng thủ cuối cùng. Trung tá William Travis hy sinh đầu tiên; kế tới là Davy Crockett, sau cùng là Trung tá James Bowie, bị thương nằm trong công sự, khi quân Mễ-tây-cơ tiến vào, ông đã dùng súng ngắn hạ sát được hai tên trước khi bị đâm chết bằng lưỡi lê.

Theo các nhân chứng sống, có từ 5 tới 7 người đầu hàng nhưng sau đó đều bị tướng Santa Anna ra lệnh xử tử.

Theo các sử gia, có ít nhất 182 binh sĩ và dân quân Texas hy sinh (có tài liệu ghi tới 257 người), và từ 400 tới 600 quân Mễ-tây-cơ bỏ mạng trong Trận Alamo.

Sau đó, xác các quân nhân Mễ-tây-cơ được chôn trong những mồ tập thể, còn xác binh sĩ và dân quân Texas thì bị chất đống rồi đốt, bỏ mặc cho mưa nắng gió sương. Chỉ trừ một xác duy nhất của Gregorio Esparza, có người anh Francisco là một sĩ quan trong đoàn quân của tướng Santa Anna, đã được viên tướng cho phép chôn cất tử tế.

[Gần một năm sau, ông Juan Seguin, một trong những nhà lãnh đạo cuộc nổi dậy, đã tới Alamo lấy số di cốt còn sót lại, bỏ vào một quan tài, trên ghi tên của ba người hùng William Travis, James Bowie, và Davy Crockett, “đại diện” cho tập thể quân dân Alamo. Di cốt này hiện được an vị bên trong Nhà thờ chánh tòa San Fernando ở San Antonio]

Trong số những người sống sót có Sue Dickinson, vợ của Đại úy Almaron Dickinson, và Juana Navaro Alsbury, em dâu của Trung tá James Bowie.

Sue, Juana và các phụ nữ khác được tướng Santa Anna thả về để loan truyền tin Alamo bị thất thủ trước “sức mạnh vô địch” của đoàn quân của ông ta.

Santa Anna đã đạt được mục đích: “Cộng hòa Texas” mới được chính thức thành lập cách đó mấy ngày (2/3/1836) đã bị hoảng loạn, các nhà lãnh đạo, viên chức chính phủ, thường dân, và cả một số không nhỏ binh sĩ lũ lượt bỏ chạy về miền Đông, sát biên giới Hoa Kỳ.

Nhưng có một điều tướng Santa Anna không ngờ là chính sự tàn ác của ông ta đã khiến nhiều thanh niên Texas, và cả một số người có máu phiêu lưu và tinh thần nghĩa hiệp tới từ lãnh thổ Hoa Kỳ, đã tình nguyện tham gia đoàn quân Tây tiến của tướng Sam Houston, quyết một sống một còn với quân Mễ-tây-cơ.

Mặc dù chỉ được huấn luyện cấp tốc trong một vài tuần lễ, nhưng với ý chí phục thù sôi sục, đoàn quân chưa tới 900 người của tướng Sam Houston đã đánh tan đoàn quân hùng hậu của Santa Anna tại San Jacinto vào ngày 21/4/1836, và bắt sống ông ta. Chiến thắng này đã kết thúc cuộc nổi dậy của quân dân Texas.

Như chúng tôi đã viết ở phần đầu, những diễn tiến bi thảm ở Alamo “mang tích cách xoay chiều trong cuộc Cách mạng Texas” bởi nó có tác dụng khích động tinh thần quân dân Texas, đặt họ vào cái thế phải một mất một còn với quân Mễ-tây-cơ. Bởi vì, như nội dung “lá thư lịch sử” của Trung tá William Travis viết ngày 24/2/1836 – ngày thứ hai của Trận Alamo – gửi nhân dân Texas và người Mỹ khắp nơi trên thế giới, ông và hơn 180 quân dân dưới quyền chỉ có một sự lựa chọn: Chiến thắng hoặc Chết (Victory or Death).

* * *

Ngày nay, Alamo Mission với mặt tiền và ngôi nhà thờ nhỏ còn đứng vững đã được UNESCO liệt vào danh sách di sản quốc tế, thuộc khu di sản “San Antonio Missions World Heritage” ở San Antonio, Texas.

Phương danh của Trung tá William Travis được đặt cho vùng Travis County, Texas và công viên Travis Park ở San Antonio.

Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, địa danh Alamo đã trở thành đề tài của biết bao tác phẩm thuộc đủ mọi thể loại. Riêng về âm nhạc, ngoài bản The Green Leaves of Summer chúng tôi sẽ giới thiệu còn có ba ca khúc nổi tiếng sau đây:

The Ballad of Dave Crockett của nam ca nhạc sĩ Tennessee Ernie Ford, đứng No.4 trên danh sách nhạc country năm 1955.

The Ballad of the Alamo của hai tác giả Dimitri Tiomkin và Paul Francis Webster, do nam ca sĩ western & country Marty Robbins thu đĩa, đứng trên Top 50 trong 12 tuần trong năm 1960.

Remember the Alamo của nữ ca nhạc sĩ dân ca Jane Bowers của Texas (1921 – 2000) được nhiều ca sĩ, ban nhạc thu đĩa trong thập niên 1960, trong số này có Johnny Cash và Donovan (Anh quốc)

VIDEO:

Marty Robbins – Ballad Of The Alamo

Remember The Alamo – Johnny Cash

 Về phim ảnh, truyền hình, bên cạnh vô số phim mang tính cách tài liệu lịch sử, hướng dẫn du lịch, Alamo đã được đưa vào tập phim truyền hình ăn khách Davy Crockett (1954-55) của hãng Disney và cuốn phim điện ảnh The Alamo chúng tôi đề cập tới trong bài viết này.

Phim The Alamo được diễn viên kiêm đạo diễn John Wayne thực hiện năm 1960, tuy nhiên công việc đã được ông khởi sự trước đó 15 năm!

 

John Wayne (1907 – 1979)

 John Wayne (1907 – 1979), nickname “Duke”, là một trong những khuôn mặt lớn nhất của nền điện ảnh Hoa Kỳ từ thời tiền chiến cho tới cuối thập niên 1960. Các cuốn phim do ông thực hiện và/hoặc thủ vai chính đều là những cuốn phim ăn khách trong ba thập niên 1940, 50, 60.

Những năm đầu sự nghiệp, John Wayne không gặp nhiều thuận lợi cho lắm; trước khi tạo được tên tuổi qua cuốn phim Stagecoach (1939) của đạo diễn John Ford, John Wayne chỉ được xem là một diễn viên hạng B, chuyên xuất hiện trong những cuốn phim cao-bồi nhẹ vốn.

Thế chiến thứ hai xảy ra, John Wayne khi ấy đã 34 tuổi và có vợ con (gia cảnh A-3) nên được miễn dịch, nhưng do lòng ái quốc ông đã tình nguyện gia nhập quân đội, quyết noi gương anh bạn Henri Fonda.

[Henry Fonda (1905 – 1982), tức thân phụ của cô đào phản chiến Jane “Hanoi” Fonda, là một trong những diễn viên Mỹ nổi tiếng đã tình nguyện gia nhập quân đội và trực tiếp chiến đấu trong Đệ Nhị Thế Chiến. Ông được ân thưởng hai huy chương cao quý Bronze Star Medal (cho cá nhân) và Navy Presidential Unit Citation (cho cả đơn vị)]

Tài liệu của Thư Khố Quốc Gia Hoa Kỳ (U.S. National Archives) sau này cho biết ngày ấy John Wayne đã nộp đơn tình nguyện vào Office of Strategic Services (OSS), tiền thân của CIA, được chấp thuận và đã được cấp thẻ OSS Certificate of Service. Tuy nhiên, vì lúc đó John Wayne đang là nam diễn viên hạng A duy nhất còn lại của hãng phim Republic Studios, ông Herbert J. Yates, Giám đốc hãng phim, một mặt hăm dọa sẽ kiện chàng diễn viên về tội bỏ ngang hợp đồng, một mặt can thiệp với Sở Tuyển Mộ (Selective Service) để việc nhập ngũ của John Wayne bị đình lại.

Theo những người viết tiểu sử John Wayne, ân hận lớn nhất trong đời ông là đã “ở nhà” trong khi các nam công dân Mỹ khác phải ra tuyến đầu trong cuộc Đệ Nhị Thế Chiến. Theo vợ ông, trong những năm sau này, niềm ân hận đó trở thành mặc cảm tội lỗi.

Rất có thể vì mặc cảm ấy, trong suốt cuộc đời còn lại, John Wayne đã làm tất cả những gì có thể làm để cổ súy lòng yêu nước. Hầu hết phim do ông thực hiện đều có nội dung đề cao tinh thần ái quốc; ông trở thành một đảng viên Cộng Hòa bảo thủ hăng say nhất, ông chống cộng triệt để, hết lòng ủng hộ việc Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam…

Các tài liệu mật của Liên Xô sau này được bạch hóa cho biết ngày ấy trùm đỏ Josef Stalin mặc dù là một người ái mộ John Wayne qua những vai người hùng trên màn bạc, đã ra lệnh cho mật vụ tìm cách ám sát ông vì lập trường chống cộng triệt để.

Năm 1944, John Wayne là một trong những người sáng lập Liên Minh Phim Ảnh Bảo Tồn Lý Tưởng Mỹ Quốc (Motion Picture Alliance for the Preservation of American Ideals), và tới năm 1949 giữ chức Chủ tịch Liên Minh này.

Trước kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1968, giới tài phiệt ở Texas đã thuyết phục John Wayne ra tranh cử (trong nội bộ đảng Cộng Hòa) nhưng ông đã từ chối để ủng hộ ông Richard Nixon. Một năm trước đó, để thể hiện lập trường chống cộng và ủng hộ việc Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam, John Wayne đã thực hiện và thủ vai chính trong cuốn phim The Green Berets (Lực Lượng Đặc Biệt)…

* * *

Trở lại với việc thực hiện phim The Alamo. Năm 1945, John Wayne thuê James Edward Grant viết kịch bản cho cuốn phim. Hai người bắt tay vào việc nghiên cứu lịch sử để có một bản thảo “nháp” cho truyện phim. Nhưng rồi xảy cuộc đụng độ nảy lửa giữa John Wayne và chủ tịch hãng phim Republic Pictures vì ông ta chỉ chấp thuận ngân khoản 3 triệu Mỹ kim cho cuốn phim, trong khi theo ước tính của John Wayne cần ít nhất là 10 triệu. Tức giận, John Wayne bỏ ra đi, để lại bản thảo kịch bản.

Sau đó, John Wayne đã tự thành lập một hãng sản xuất phim với mục đích duy nhất là thực hiện cuốn phim The Alamo do ông sản xuất và đạo diễn.

Tuy nhiên, vì John Wayne không xuất hiện trong cuốn phim này, đã không có hãng nào nhận phát hành vì cho rằng một cuốn phim của John Wayne mà không có John Wayne thì chẳng ai đi xem!

Cuối cùng, để hãng United Artists nhận phát hành và ứng 2.5 triệu Mỹ kim tiền vốn, John Wayne đã đồng ý sẽ thủ một vai trong The Alamo. Tiếp theo, John Wayne nhận được sự đóng góp tài chính của giới tài phiệt ở Texas với điều kiện toàn bộ cuốn phim sẽ được quay tại tiểu bang này. Sau cùng, chính John Wayne đã trút hết vốn liếng của cá nhân (khoảng 150,000) vào tác phẩm để đời của mình…

Sau khi đã có đủ 10 triệu, John Wayne bắt tay vào việc sắm vai. Trước hết, vì hãng United Artists yêu cầu ông phải thủ vai một trong ba nhân vật chính, John Wayne đã chọn vai Davy Crockett để nhường vai Trung tá William Travis cho nam diễn viên Anh nổi tiếng Lawrence Harvey mà ông cho là thích hợp nhất. Vai Trung tá James Bowie được trao cho nam diễn viên gạo cội của thể loại Viễn Tây Richard Wildmark, còn nam diễn viên Viễn Tây đầy huyền thoại Richard Boone thì tình nguyện thủ vai tướng Sam Houston.

Mấy chục vai (có diễn xuất) còn lại được trao cho các diễn viên tên tuổi, trong số đó có nam ca sĩ kiêm diễn viên trẻ Frankie Avalon, hoặc bạn bè, người thân, trong đó có người con trai lớn Patrick Wayne thủ vai Đại úy James Butler Bonham, và cô con gái Aissa Wayne thủ vai bé Lisa Dickinson, con gái của Sue Dickinson và Đại úy Almaron Dickinson.

Về cảnh trí (settings), lẽ dĩ nhiên John Wayne không thể sử dụng khu di tích lịch sử “San Antonio Missions World Heritage” đã được UNESCO liệt vào hàng di sản thế giới, mà ông phải cho xây dựng nguyên một ngôi làng (Alamo Village) ở vùng Brackettville ở Texas. Trên một triệu viên gạch làm bằng tay đã được sử dụng để dựng lại tường thành của Đồn Alamo và những vị trí diễn tiến trận đánh với mặt tiền giống hệt di tích ở San Antonio (chỉ nhỏ hơn một chút với tỷ lệ ¾). Công việc xây dựng kéo dài trên 2 năm.

Hai sử gia Randy Roberts và James Olson, đồng tác giả cuốn sách A Line in the Sand: The Alamo in Blood and Memory (2002), đã mô tả cảnh trí của phim The Alamo là “trung thực nhất trong lịch sử điện ảnh”.

Từ đó tới nay đã có trên 100 cuốn phim Viễn Tây sử dụng “Alamo Village” để quay ngoại cảnh.

Tới giữa tháng 12/1959, việc quay phim hoàn tất, gồm 566 cảnh (scenes) với 560,000 feet phim. Sau khi ráp nối (edited, còn gọi là phân cảnh), The Alamo dài 3 tiếng 13 phút (chỉ thua phim Ben Hur năm 1959); về sau ấn bản chiếu tại các rạp hát đã được cắt bớt, chỉ còn 2 tiếng 47 phút.

Cùng với Ben Hur, The Alamo là một trong những cuốn phim 70mm đầu tiên, và hiếm có của nền nghệ thuật thứ bảy.

Xét về mặt nghệ thuật, The Alamo chỉ được các nhà phê bình đánh giá từ trung bình tới trên trung bình; trang mạng Rotten Tomatoes cho 50%, trang mạng IMDb 6.9/10. Nhưng với khán giả nói chung, The Alamo là một cuốn phim khá hay, nếu không muốn nói là rất hay (86% theo người sử dụng Google).

Nhưng dù khen hay chê, đa số các nhà phê bình đều đồng ý với nhau ở một điểm: hơn bất cứ cuốn phim nào khác của ông, The Alamo đã thể hiện lập trường chính trị vững chắc của John Wayne.

Trang mạng Wikipedia nhận xét:

“…Rất nhiều lời phát biểu của nhân vật do ông thủ diễn (Davy Crockett) đã phản ánh lập trường chống cộng của ông. Hai chủ đề nổi bật là tự do và quyền tự quyết của cá nhân. Người ta có thể thấy rõ điều đó qua câu nói của Davy Crockett (trong phim):

“Cộng Hòa. Tôi yêu hai tiếng ấy. Có nghĩa là người ta có thể sống tự do, tự do ăn nói, tự do đi hay đến, tự do mua hay bán, tự do tỉnh hay say, hay bất cứ những gì người ta lựa chọn…” (ngưng trích)

Sau này, hai tác giả Randy Roberts và James S. Olson viết trong cuốn sách đã dẫn:

“Kịch bản (của The Alamo) cho thấy sự tương đồng giữa chế độ Mễ-tây-cơ của Santa Anna với Liên Xô của Khruschchev và Đức Quốc Xã của Hitler; cả ba đều dẫn đưa tới phản ứng dứt khoát lập trường và kháng cự cho tới chết”.

Về phần cô con gái Aissa của John Wayne thì nhận định:

“Theo tôi nghĩ, việc thực hiện The Alamo là một hình thức chiến đấu (vì tổ quốc) của cha tôi. Không chỉ là một nỗi ám ảnh mà còn là dự án ông quan tâm nhất trong suốt sự nghiệp của mình.”

Về mặt tài chính, The Alamo được liệt vào danh sách những cuốn phim có số thu cao nhất trong năm, tuy nhiên chỉ có hãng phim United Artists được hưởng lợi. Nguyên nhân là vì phí tổn thực hiện cuốn phim lúc đầu được dự trù 10 triệu Mỹ kim sau này lên tới 12 triệu; để có thêm số tiền hai triệu, John Wayne đã phải bán trước bản quyền cho hãng phát hành. Viết cách khác, John Wayne chỉ có “tiếng”, còn United Artists có “miếng”!

* * *

Tại giải Oscar năm 1961, The Alamo được xướng danh tranh bảy giải: phim hay nhất (Best Picture), hình ảnh (Cinematography), phân cảnh (Editing), nhạc phim (Original score), ca khúc trong phim (Original song), âm thanh (Best sound), diễn viên vai phụ (Chill Wills, vai Beekeeper), nhưng chỉ đoạt một giải cho âm thanh.

Phần nhạc phim của The Alamo do Dimitri Tiomkin soạn.

Dimitri Tiomkin (1894 – 1979)

 Dimitri Tiomkin (1894 – 1979), chúng tôi đã có lần nhắc tới khi viết về cuốn phim cao-bồi Viễn Tây High Noon, là nhà soạn nhạc phim Mỹ gốc Nga nổi tiếng bậc nhất kinh đô điện ảnh.

Ông được xướng danh Oscar tổng cộng 24 lần và đoạt 4 giải, nhưng rất tiếc trong số lần đoạt giải lại không có phim The Alamo. Nguyên nhân: trong năm 1960, có một cuốn phim nổi tiếng quốc tế khác, với phần nhạc phim xuất sắc, độc đáo, chỉ cần nghe qua một đoạn của nhạc khúc chủ đề, người ta đã bị chinh phục ngay, đó là cuốn phim Exodus (Về Miền Đất Hứa) với phần nhạc phim của nhà soạn Ernest Gold.

VIDEO:

Ernest Gold: Exodus – Theme of Exodus

Nhạc khúc chủ đề của Exodus sau đó đã được ca nhạc sĩ Mỹ Pat Boone đặt lời hát với tựa đề This Land Is Mine, đem lại thành công cho nhiều ca sĩ.

Nhưng The Alamo không chỉ “đụng” nhạc phim (original score) mà còn “đụng” cả ca khúc trong phim: bản The Green Leaves of Summer trong phim The Alamo đã “đụng” bản Never on Sunday trong cuốn phim có cùng tựa đề mà chúng tôi đã giới thiệu trong bài 82.

Tuy The Green Leaves of Summer không đoạt giải, và về mức độ phổ biến quốc tế cũng không thể so sánh với Never on Sunday, nhưng với không ít người Mỹ, ca khúc này có một giá trị tinh thần đặc biệt, bởi mỗi lần nghe, họ lại bùi ngùi tưởng nhớ tới trận chiến bi hùng ở Alamo năm xưa.

Lời hát của The Green Leaves of Summer do Paul Francis Webster đặt.

Paul Francis Webster (1907 – 1984)

Dimitri Tiomkin nổi tiếng như thế nào trong lĩnh vực soạn nhạc phim

thì Paul Francis Webster (1907 – 1984) cũng nổi tiếng thể ấy trong việc đặt lời hát cho ca khúc trong phim. Ông được xướng danh tổng cộng 16 lần và đoạt Oscar ba lần cho các ca khúc Secret Love (1953), Love is a Many-Splendored Thing (1955), và The Shadow of Your Smile (1965).

Điều đáng nói là nội dung lời hát The Green Leaves of Summer không nói về Alamo, cũng không nói về một trận chiến nào đó, cũng chẳng vinh danh những người con yêu của Texas đã hoặc sẽ hy sinh, mà chỉ là sự hoài niệm về một thời còn trẻ đã qua trong đời (trước khi đón nhận cái chết).

Trong phim, The Green Leaves of Summer được hát lên (do ban hợp xướng của dàn nhạc Dimitri Tiomkin) vào buổi tối cuối cùng trước ngày xảy ra cuộc tử chiến… Một người hỏi Davy Crockett (John Wayne) đang nghĩ gì, người hùng đáp “không nghĩ gì cả, chỉ hồi tưởng mà thôi…”

The Green Leaves of Summer 

 Woo, woo,
A time to be reaping
A time to be sowing
The green leaves of summer

Are calling me home ”
Twas so good to be young then
In the season of plenty
When the catfish were jumping

As high as the sky
A time just for planting
A time just for ploughing
A time to be courting

A girl of your own ”
Twas so good to be young then
To be close to the earth
And to stand by your wife

At the moment of birth, woo
A time to be reaping
A time to be sowing
A time just for living

A place for to die ”
Twas so good to be young then
To be close to the earth
Now the green leaves of summer
Are calling me home “

Twas so good to be young then
To be close to the earth
Now the green leaves of summer
Are calling me home

 VIDEO:

 The Green Leaves of Summer – The Alamo Original Soundtrack by Dimitri Tiomkin

The Brothers Four – The Green Leaves Of Summer (1960) (Stereo / HD… 

 Green Leaves Of Summer – Movie Theme~The Alamo

Ngoài ban Brothers Four, The Green Leaves of Summer còn được rất nhiều ca sĩ cũng như ban nhạc của Mỹ thu đĩa; về phiên bản lời Pháp Le Bleu de l’été, trước năm 1975, người yêu nhạc tại miền Nam VN đã được thưởng thức qua sự trình bày của Maya Casabianca (nổi tiếng với bản Oui Devant Dieu).

Về phiên bản lời Việt, trước năm 1975 The Green Leaves of Summer đã được Tuấn Dũng đăt với tựa Lá Xanh Mùa Hè.

Lá Xanh Mùa Hè (LV: Tuấn Dũng)

Hè sang lá cây xanh màu
Hè sang vang tiếng ve sầu
Hè sang phượng tươi thấm màu
Ru say hồn thi nhân…
Làn mây trắng lững lơ ngang trời
Dòng suôi mát lắng trôi êm đềm
Chìm trong nước xanh cá tung tăng
Nô đùa với rong vàng…

Hè sang lá cây xanh màu
Hè không mang đến âu sầu
Hè cho tình yêu bắc cầu
Se tơ hồng nhân duyên ..
Hè gieo nắng trên những cánh đồng
Và mưa tưới khắp thôn trang
Làm cây lúa sớm lên bông
Cho nhà nông bớt cần lao…

Hè sang lá cây xanh màu
Hè sang vang tiếng ve sầu
Hè sang phượng tưới thấm màu
Nơi ngôi trường thân yêu ..
Hè mang đến thôn quê xa vời
Hè đem đến chốn xa hoa
Hè gieo khắp quê hương thân yêu
Bao nguồn sống triền miên …

.. Hè mang đến thôn quê xa vời…

…(Repeat last Refrain)….

Trước năm 1975, Lá Xanh Mùa Hè của Tuấn Dũng đã được ban Mây Trắng thu vào băng nhựa. Sau khi ra hải ngoại, phiên bản này đã được Duy Quang thu vào băng cassette của Trung tâm ASIA, và gần đây qua tiếng hát của Lê Anh Quân & Mai Thanh Sơn.

VIDEO:

Lá xanh mùa hè (The Green Leaves of Summer) – (Cassette) – Duy Quang

Phụ lục 1: Lá Xanh Mùa Hè, Lê Anh Quân & Mai Thanh Sơn

Cũng tại hải ngoại, The Green Leaves of Summer đã được Phạm Duy đặt lời Việt, cũng với tựa Lá Xanh Mùa Hè:

Lá Xanh Mùa Hè (LV: Phạm Duy)

 (1)

Hè sang nắng lên huy hoàng

Cỏ cây hoa lá mơ màng
Còn đang ngủ yên trong rừng

Nay bỗng ngoảnh cổ lên
Ngẩng nhìn lên thấy xanh trên trời!

Ngoảnh nhìn ra suối trong xanh ngời
Một mầu xanh êm trôi

Xuôi về đưa tình tới xa vời

(2)

Mầu xanh đã lên cao rồi,

Mầu xanh cho lá yêu đời
Mầu xanh còn lên cao hoài

Lên mãi, và còn lên
Mầu xanh ngát lá hoa tưng bừng,

Lả lơi theo trong gió xanh rờn
Mầu xanh mãi lên cao hoài,

Muôn đời mãi còn lên

(3)

Mầu xanh đã lên cao rồi,

Mầu xanh cho lá yêu đời
Mầu xanh còn lên cao hoài

Lên mãi, và còn lên

Người yêu ơi, mỗi khi Thu về,

Mầu xanh lá hoa chưa phai mờ
Mầu xanh ấy mắt em long lanh

Xanh rờn tới nghìn thu.

 Phụ lục 2: Lá Xanh Mùa Hè (LV: Phạm Duy), Ngọc Lan

 

HOÀI NAM

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search