T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Huyền Chiêu: ÔI TA BUỒN TA ĐI LANG THANG BỞI VÌ ĐÂU (*)

Tranh (Ngungon.com)

Cho  đến khi chết bà tôi chưa từng nhìn thấy một thỏi son môi.

Nhưng trong ký ức của tôi, bà cũng như các phụ nữ trong làng đều rất đẹp với làn môi đỏ tươi nhờ họ đều ăn trầu.

Đàn ông nông nỗi giếng khơi

Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu

Ngày nay, các bạn trẻ có lẽ  chưa bao giờ nhìn thấy cái cơi đựng trầu.

Cơi đựng trầu là đồ vật ưa thích nhất của tôi thuở ấu thơ. Suốt ngày tôi quanh quẩn bên bà tôi, ngắm nghía không chán những vật dụng lỉnh kỉnh trong chiếc khay vuông mà bà tôi gọi là cơi trầu.

Trong cơi luôn có một xấp lá trầu xanh, vài trái cau tươi, một bó giún.

Giún là một loại vỏ cây rừng phơi khô. Khi được nhai, giún làm miếng trầu thêm dẻo và tất nhiên không thể thiếu cái bình sành đựng vôi, bên trong có cắm một con dao kỳ lạ. Con dao ấy có một đầu nhọn để quệt vôi, một lưỡi dao để bổ cau và một cái đinh nhọn để xoi một lổ trên miếng trầu têm trước khi cắm cuống trầu, giữ cho miếng trầu khỏi bung ra.

Cơi trầu được đật trên bộ ván thấp, nơi bà tôi thường ngồi và dưới chân bộ ván luôn có cái ống nhổ đựng bã trầu. Nhưng đồ vật mà tôi thích nhất trong cái cơi trầu là cái ống ngoáy bằng đồng.

Trước khi quệt một chút vôi lên lá trầu bà tôi ngắt bỏ phần đuôi nhọn của lá trầu. Bà kể:

“ngày xưa có  một người con trai và một người con gái thường hẹn gặp nhau bên một vườn trầu. Hai người thường trò chuyện và ngắt lá trầu thơm nhai. Một lần sau cuộc hẹn trở về, người con trai ngã ra chết. Quan bắt cô gái để xét tội. Nhìn thấy cô gái thùy mỵ, đoan trang, quan không thể bắt tội cô nhưng quyết tìm ra nguyên nhân. Quan cho lính đào hết gốc trầu nơi hai người thường hò hẹn.  Và mọi người kinh hãi khi thấy dưới gốc trầu là ổ của một con rắn độc. Buổi tối rắn bò lên ngọn trầu và nọc độc của rắn đã rơi trên vài lá trầu. Từ đó người ăn trầu bao giờ cũng ngắt bỏ phần chót của lá trầu để tránh chất độc.”

Vừa kể chuyện bà tôi vừa bỏ một miếng cau, một miếng giún nhỏ  vào lá trầu và khéo léo gói miếng trầu lại tròn trịa, gọn gàng vừa đủ bỏ vào ống ngoáy. Tôi luôn xin bà được lãnh phần ngoáy trầu. Dùng một cái chìa bằng đồng có đầu nhọn, tôi giã trầu cho bà, trong khi bà ngâm nga:

“Thương nhau cau sáu bổ ba

Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười

Bài toán chia trái cau thương ghét từ đó in vào trí óc non nớt của tôi.

Khi cối trầu đã nát, tôi sung sướng trao cho bà và ngắm nhìn bà móm mém nhai miếng trầu từ từ tươm quết trầu đỏ thắm lên viền môi .

Đây là giờ phút  tôi trông chờ nhất. Sau khi nhổ chút quết trầu vào cái ống nhổ có mùi thơm rất lạ, bà bắt đầu kể chuyện cho tôi nghe.

“Ngày xưa có hai anh em giống nhau như  đúc.  Cha mẹ mất sớm, hai anh em thương yêu đùm bọc nhau sống chung trong ngôi nhà  cha mẹ để lại. Khi lớn lên cả hai đều thầm yêu một cô gái trong làng. Thương hai anh em con nhà  nề nếp, tướng mạo đĩnh đạc, cha cô gái đồng ý gả nàng cho người anh.

Một hôm nhìn thấy người em đi làm đồng về sớm, người vợ chạy ra ôm lấy vì tưởng nhầm là chồng mình. Từ đó người em cảm thấy  không thể sống chung trong ngôi nhà này nữa, chàng âm thầm bỏ nhà ra đi. Đi mãi không biết về đâu, lòng buồn rầu không ăn không uống, chàng kiệt sức ngã quỵ biến thành tảng đá vôi bên vệ đường. Người anh chờ hoài không thấy em về, lòng buồn vô hạn, chàng  quyết ra đi tìm em, đến bên tảng đá, chàng chết và hóa thành cây cau.  Bỏ nhà đi tìm chồng, người vợ  đến bên cây cau hóa thành dây trầu quấn quýt bên thân cau.

Câu chuyện trầu cau trẻ em cùng thế hệ với tôi ai cũng thuộc lòng nhưng khi bà tôi đã mất và khi tuổi của tôi đã gần bằng tuổi của bà, nhớ bà,  nhớ câu chuyện bà kể  tôi mới ngạc nhiên hiểu  ra đây là một câu chuyện nói lên nhân cách  quá đẹp của người Việt thuở xưa.

Thuở xưa ấy người Việt không có thư viện với hàng đống sách dạy sống đẹp, dạy học làm người, không có những buổi thuyết giảng về luân lý đạo đức trên TV trên internet của các tiến sĩ, thạc sĩ  nhưng con người sống rất coi trọng  luân thường đạo lý. Chuyện anh thương em, vợ thương chồng là lẽ thường nhưng tôi muốn nói đến lý do người em phải bỏ nhà ra đi.

Tại sao chàng phải rời bỏ ngôi nhà êm ấm, rời bỏ mảnh ruộng trăm năm  của ông bà, cha mẹ để lại, rời bỏ người anh mà chàng thương nhất trên  đời cùng người chị dâu mà chàng vừa yêu vừa kính. Theo tôi chàng phải ra đi vì chàng sợ không thể thắng được lòng mình, chuyện loạn luân có thể xãy ra một cách dễ dàng vì  người chị dâu không phân biệt được chồng và em chồng.

Câu chuyện quá đẹp nói lên không chỉ tình nghĩa mà là lễ nghĩa của người Việt xưa.

Và tôi vô cùng xúc đông khi hiểu ra nỗi lòng của người:

“Ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu”

Thật oan nghiệt cho chàng và chàng đáng yêu, đáng kính xiết bao. Cho nên trời đã cho chất vôi bạc của chàng  trở thành  màu đỏ tươi đằm thắm khi đoàn tụ với vong hồn người anh, người chị  chàng yêu quý mà không thể sống cùng nhau trên dương thế bao la sầu.

Bà tôi không còn trên cõi đời này, cơi trầu không còn hiện diện trong cuộc sống thường ngày. Đáng thương cho  các em bé ngày nay  không còn có bà bên cạnh để kể chuyện đời xưa, chúng được tập trung trong các nhà trẻ có những bảo mẫu không biết ăn trầu.

Tiếc một thế hệ người Việt hàng mấy ngàn năm gắn bó với miếng trầu đã biến mất.

Tháng giêng 2019

Huyền Chiêu

 

(*) Trong ca khúc Trầu Cau- Phan Huỳnh Điểu

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

 

Bài Mới Nhất
Search