T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Đức Nhì: CỤM TỪ “HỌA DẦN VƠI” TRONG BÀI THƠ “PHƯƠNG XA”

Ảnh (Phay Văn)     

Lời Nói Đầu

 Bài viết Đọc Bài Thơ “Phương Xa” Bằng Đôi Mắt Bình Phẩm Nghiêm Túc của tôi trên Hải Ngoại Phiếm Đàm (và vài trang web khác) đã được anh Nguyễn Minh Tuấn (nhà văn Mai Tú Ân) copy và đăng lại trên FB. Dưới bài copy này hai anh Trần Nông Dân và Nguyễn Minh Tuấn có viết mấy bình luận khá dài. Tôi ghi nhận được 7 điểm chính, 5 của Trần Nông Dân và 2 của Nguyễn Minh Tuấn.

Trong 7 điểm chính chỉ có một điểm về cụm từ “họa dần vơi” là hơi đơn giản, 6 điểm còn lại đều là những đề tài “lớn” của công việc bình thơ. Định viết chung một bài nhưng như thế thì dài quá, sợ bạn đọc FB ngán nên mỗi kỳ tôi chỉ bàn đến một điểm để vừa miếng, dễ nuốt.

 

ĐÚNG HAY SAI

Trong bài thơ Phương Xa của Vũ Hoàng Chương, ở khổ đầu, thi sĩ viết:

Nhổ neo rồi thuyền ơi! Xin mặc sóng
Xô về Đông hay giạt tới phương Đoài
Xa mặt đất giữa vô cùng cao rộng
Lòng cô đơn cay đắng, họa dần vơi.

Khi bình bài thơ, tôi cho rằng cụm từ “họa dần vơi” đã “tạo một khoảng tối trong khung cảnh thơ trong sáng.” Bạn Trần Nông Dân, trên FB có viết một bình luận về cụm từ này:

Theo tôi ông dùng cụm từ “họa dần vơi” là khá chính xác mang tư tưởng triết lý phương Đông. Nghĩa là khi con thuyền xa mặt đất ra đến biển khơi thì vẫn không chắc chắn gì là tai họa từ biển lại không đổ ập xuống? Ai có thể biết được biển khi nào lặng yên còn khi nào là bão tố? Đó là “họa đơn vô chí” vẫn có thể rình rập bất cứ lúc nào đối với cuộc đời.”

 “Họa dần vơi” nghĩa là thuyền càng xa đất liền thì cái “họa” phải chung đụng với cuộc đời kiêu bạc càng dần dần vơi bớt.

Như vậy, anh Trần Nông Dân đã hiểu sai lạc ý của tác giả. Riêng câu nói “họa vô đơn chí” anh đưa vào không những trật lất mà lại còn ngây ngô nữa.

GIẢI THÍCH

Sau đây là lý do tôi nói cụm từ ấy tạo một khoảng tối trong một bài thơ mà ngôn ngữ thơ rất trong sáng.

1/ Lẽ ra câu trước phải làm cầu để dẫn đến câu sau, đoạn trước phải cung cấp thông tin để có thể hiểu đoạn sau. Trong Phương xa, chữ “họa” ở đoạn đầu nhưng độc giả phải đọc hết hai đoạn giữa mới có thể vỡ nghĩa. Lối dàn xếp thế trận kiểu này hơi “ngược đời”, làm độc giả bối rối.

2/ Khi chiếc thuyền vượt biên bắt đầu nhổ neo, rời bến, khách trên thuyền (trong đó có tôi) thường cúi đầu cầu nguyện. Thuyền càng xa bờ thì nỗi lo sợ càng vơi, nỗi vui mừng càng lớn. Cụm từ “họa dần vơi” dùng trong trường hợp ấy thì hợp lý. Thuyền của Vũ Hoàng Chương là “thuyền tưởng tượng”. Ông bịa ra để diễn đạt cái ý muốn lánh xa cuộc đời của mình. Bởi thế, thuyền vừa

“Xa mặt đất giữa vô cùng cao rộng”

là “họa” đã không còn nữa, chứ đâu còn “dần vơi” như cái “họa” bị công an bắt lại của người vượt biên. Hai chữ “dần vơi” dùng không chính xác trong bài thơ làm giảm phần nào cái đẹp lộng lẫy, cao sang của ngôn ngữ thơ.

Kết Luận

Anh Trần Nông Dân không hiểu nổi cụm từ tiếng Việt “họa dần vơi” lại đưa vào phần sau của câu tục ngữ Hán Việt “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí” rồi giải thích lung tung nên từ cái sai này dẫn đến cái sai khác. Mà lại là những cái sai “rất không nên sai” mới đáng buồn.

 Phạm Đức Nhì

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search