T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Tác Giả Tác Phẩm – Bùi Giáng (2)

 

Tiểu sử tự ghi :

(Đây là tài liệu do cố thi sĩ Bùi Giáng ghi chép ngay trong cuốn sổ tay của chúng tôi vào một buổi trưa ngày mùng 10 tháng 11 năm 1993 tại chùa Pháp Vân, Gia Định, Sàigòn. Nay công bố nguyên văn để các nhà tiểu sử   học có thêm một tư liệu chân xác về cuộc đời của cố thi sĩ.(Thích Nguyên Tạng)

1926 – được bà mẹ đẻ ra đời
1928 – bị té bể trán, vết sẹo còn nguyên kỷ niệm,hai năm trời chết đi sống lại
1933 – bắt đầu đi học a, b, c… trường làng tại Thanh Châu với Thầy Cù Đình Qúy
1936 – học trường Bảo An với thầy Lê Trí Viễn
1939 – ra Huế học tư thục với những thầy Cao Xuân Huy, Trần Đình Đàn, Hoài Thanh Nguyễn đức Nguyên, Đào duy Anh, vân vân
1940 – về Quảng Nam chăn bò
1942 – trở ra Huế, vì nhớ nhung gái Huế
1949 – nhập ngũ , bộ đội công binh. Hai năm sau giải ngũ
1952 – vào Sài gòn, 1955 (57) khởi sự viết về Nguyễn Du và một vài nhận xét về Truyện Kiều và một vài nhận xét về Bà Huyền Thanh Quang, một vài nhận xét về Chinh Phụ Ngâm …(TÂN VIỆT xuất bản)
1957 – TÂN VIỆT xuất bản :giảng luận về Tản Đà Nguyên Khắc Hiếu, giảng luận về Chú Mạnh Trinh, giảng luận về Tôn Tho Trường và Phan Văn Trì
1962 – Tập thơ Mưa Nguồn – Tư Tưởng Hiện Đại
1963 – Lá Hoa Cồn (thơ) – Ngân Thu Rớt Hột (thơ) Màu Hoa Trên Ngàn (thơ)
Martin Heidegger và Tư Tưởng Hiện Đại (hai tập) (do đứa em ..)
1965 – nhà cháy mất trụi bản thảo In vội vàng Sa Mạc Phát Tiết (An Tiêm)
Dialogue (viết Avantpropos (viết giúp cho Nhất Hạnh, Lá Bối) và Letre à René char) (Lá Bối in)
Sa Mạc Trường Ca (An Tiêm in bản)
1968 – 68 : Dịch Martin Heidegger Erlauteninger gu Heidergger dich. Giảng giải về thơ.
(Lời, Cố Quận (An Tiêm) Lễ Hội Tháng Ba) (Quế sơn Võ Tánh)
Con Đường Ngã Ba (An Tiêm)
Bài Ca Quần Đạo (Nguyễn Đình Vương)
1969 – Bắt đầu điên rực rỡ
1970
1. Lang Thang Du hành Lục Tỉnh (Khách sạn Long xuyên Bà Chủ cho ở đầy đủ tiện nghi không lấy tiền)
2. Gái Châu Đốc Thương yêu và Gái Long Xuyên Yêu dấu
3. Gái Chợ Lớn Khiến bị bịnh lậu (bịnh hoa liễu)

1971 – 75 – 93
Điên rồ lừng lẫy chết đi sống lại vẻ vang
Rong chơi như hài nhi (con nít)
Được gia đình ông Phó Chủ Tịch (482) Lê Quang Định, Hội Đồng Thành Phố đối xử thơ mộng thênh.
Kính dâng Kim Thúy, Kim Hồng, Kim Hoa, đôi lời rốt cuộc…..
Bình sinh mộng tưởng vấp phải niềm thương yêu của Kim Cương Nương Tử, Hà Thanh Cố Nương và Mẫu Thân Phùng Khánh (tức Trí Hải Ni Cô) .

Do đâu mà ra được như thế ?
Đáp: Có lẽ đầu tiên kỳ tuyệt là do ân nghĩa bốn bề thiên hạ đi về tập họp tại Già Lam, Vạn Hạnh và Long Huê và Tịnh Xá Trung Tâm và Pháp Vân và xiết bao Chùa Chiền Miền Nam nước Việt, không biết nói sao cho hết.

Bùi Giáng ( Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng sao chép )

 

Mục Lục :

Đọc thơ Bùi Giáng

Viết về Bùi Giáng : Cuộc hoà giải vô tận: Trường hợp Bùi Giáng (Nguyễn Hưng Quốc); Bùi Giáng (Võ Phiến); Ðỉnh ảo, một đời thơ (Nam Dao); Buổi sáng Thị Ngạn Am (Nguyễn Đạt); Bùi Giáng, hồn thơ bị vây khổn (Thanh Tâm Tuyền); Bùi Giáng: Gã cuồng khấu cõi nhân gian (Nguyễn Hữu Hồng Minh)

 

Đọc thơ Bùi Giáng :

 

Chùm thơ Bùi Giáng

 

Ai đi tu

rời sầu đất muộn thế ru
Ban đầu em đã đi tu vội vàng
Chân trời oán hận tràn lan
Lỗi từ phương trượng u hàn niềm hoa
Bây giờ ngó lại người ta
Gẫm rằng thiên hạ ai là đi tu.

Tuy nhiên

Tuy nhiên em có mặc quần
Mà không ắt hẳn là quần thật xinh
Nếu như em chẳng mặc quần
Thì ông trời ắt càng mừng rỡ hơn
Kể ra lúc em còn bé
Mới lọt lòng ra
Trăm năm trong cõi người ta
Thì khi đó quả thật là em chưa mặc quần

Mắt buồn

“Dặm khuya ngắt tạnh mù khơi”
Nguyễn Du
Bóng mây trời cũ hao mòn
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay
Tấm thân với mảnh hình hài
Tấm thân thể với canh dài bão giông
Cá khe nước cõng lên đồng
Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một giêng
Tạ từ tháng chạp quay nghiêng
Ầm trang sử lịch thu triền miên trôi
Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng với lời hẹn hoa
Bỏ người yêu bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con

 

Bờ trần gian

Đường cong có cỏ mọc ven bờ
Đứng trong vườn lá chuối tơ
Chó sủa sớm chiều đi qua ngõ
Gà con mất mẹ chạy bâng quơ
Cá ở ngoài khe có ít nhiều
Cồn lau cỏ lách có hoang liêu
Em về có hỏi răng ri rứa
Nhắm mắt đưa chân có bận liều

Quán phở Huyền Trân

Hai cô bán phở dịu dàng
Đừng nên nói bậy hai nàng buồn ta
– Trẫm từ lịch kiếp phôi pha
Tái sinh bất chợt mà ra phụ lòng
Tình thương ẩn mật từ trong
Nội tâm vô tận mà long đong vì
Phong tao phấn đại tương nghi
Tuỳ thời thể dựng mà tuy nhiên là.

Chào nguyên xuân

 

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng
Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
Có trời mây xuống lân la
Bên bờ nước có bóng ta bên người
Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày ngón con
Thưa rằng những ngón thon thon
Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau
Xin chào nhau giữa làn môi
Có hồng tàn lệ không đời chưa cam
Thưa rằng bạc mệnh xin kham
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây
Xin chào nhau giữa bụi đầy
Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu
Hỏi rằng: người ở quê đâu
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà
Hỏi rằng: từ bước chân ra
Vì sao thấy gió đàng xa dặm dài
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào
Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngầu nhĩ mà chào đón nhau
Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân

Bao giờ

Bằng bút chì đen
Tôi chép bài thơ
Trên tường vôi trắng
Bằng bút chì trắng
Tôi chép bài thơ
Trên lá lục hồng
Bằng cục than hồng
Tôi đốt bài thơ
Từng phút từng giờ
Tôi cười tôi khóc bâng quơ
Người nghe cười khóc có ngờ chi không.

Trong vườn

Trong vườn mây gió lang thang
Niềm đau cố quận muôn vàn mòn hao
Ngõ ban sơ hạnh hôm nào
Cổng xô còn vọng điệu chào chỉn e

Gõ cửa tồn sinh

Suốt đời phải thức suốt đêm
Suốt ngày ngủ nướng mới nên con người
Tồn sinh quá khứ chôn vùi
Cơn say suốt kiếp – trận cười thâu canh
Bình sinh lao khổ đã đành
Cũng từ bình sử tựu thành mà ra
“Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh”

Uống rượu

Uống xong ly rượu cuối cùng
Bỗng nhiên chợt nhớ đã từng đầu tiên.
Uống như uống nước ngọc tuyền
Từ đầu tiên mộng tới phiền muộn sau
Uống xong ly rượu cùng nhau
Hẹn rằng mai sẽ quên nhau muôn đời

Em còn ở lại vui chơi
Suốt năm suốt tháng suốt nơi lan tràn
Riêng anh về suốt suối vàng
Trùng phùng Lý Bạch nghênh ngang Tản Ðà
Em còn ở với sơn hà
Anh còn mất hút gần xa mất hoài

 

Chân dung tự họa – tranh Bùi Giáng

Mai sau em về

Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy chăng
Ta đi còn gới đôi giòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù !

Những thương nhớ lạnh bao giờ
Đường Thu chia ngã chân trời rộng tênh
Đây phồn hoa của thị thành
Đây hồn thủy thảo khóc tình ngửa ngang
Càn khôn xưa của riêng chàng
Xưa đài vũ trụ thiếp mang riêng mình
Bây giờ đón bước em xinh
Sầu đau nhan sắc bất bình ra sao ?

Người con gái mặc quần

Người con gái hôm nay mặc quần đỏ
vì hôm qua đã mặc chiếc quần đen
đen và đỏ là hai màu rồi đó
cũng như đời, đường hai nẻo xuống lên

Người con gái hôm nay mặc quần trắng
vì hôm qua đã mặc chiếc quần hồng
hồng và trắng là hai màu bẽn lẽn
cũng như núi và rừng đều rất mực chênh vênh

Người con gái hôm nay mặc quần tím
vì hôm qua đã mặc chiếc quần vàng
vàng và tím là hai màu mỉm miệng
mím môi cười và chúm chím nhe răng

Người con gái hôm nay mặc quần rách
vì hôm qua đã mặc chiếc quần lành
lành và rách đều vô cùng trong sạch
bởi vì là lành rách cũng long lanh

 


Tóc bạc thưa rằng

Một bữa trăng sao
Xuống rừng rú dại
Một bữa trời trăng
Buồn không thể nói

Cầm gương lên hỏi
Tóc bạc thưa rằng
Trời đất cách ngăn
Đừng mê con gái

Bực quá liền quăng
Tấm gương xuống đất
Vẫn nghe mãi rằng
– Đó là sự thật!

Anh lùa bò vào đồi sim trái chín

Anh lùa bò vào đồi sim trái chín

Cho bò ăn cỏ giữa rừng sim

Anh nhìn lên trời xanh đỏ chín

Anh ngó bốn bề cây lá gió rung rinh

Anh nằm xuống để nhìn lên cho thỏa

Anh thấy lòng mở rộng đón trời xanh

Chim ngây ngất vào trong đôi mắt lả

Anh lim dim cho chết lịm hồn mình

Anh quên mất bò đương gặm cỏ

Anh chỉ nghe tiếng cọ rì rào

Có hay không ? bò đương gặm đó ?

Hay là đây tiếng gió thì thào ?

Hay là đây tiếng suối lao xao

Giữa giòng cỏ xuôi ghềnh chảy xuống ?

Mùi thoang thoảng lách lau sương đượm

Mùi gây gây gấy gấy của hương rừng

Mùi lên men phủ ngập mông lung

Không biết nữa mà cần chi biết nữa

Cây lá bốn bên song song từng lứa

Sánh đôi nhau như ứa lệ ngàn ngàn

Hạnh phúc trời với đất mang mang

Với bò giữa rừng hoang đương gặm cỏ

Với người ngó ngất ngây đương nằm đó

Không biết trời đất có ngó mình không

 

 

Viết về Bùi Giáng :

 

Cuộc hoà giải vô tận: Trường hợp Bùi Giáng

Nguyễn Hưng Quốc

Khi viết về thơ ở miền Nam trước 1975 cũng như thơ trong nước sau 1975, tôi ít nhắc đến Bùi Giáng. [1] Không phải vì tôi đánh giá ông thấp. Ngược lại. Tôi đồng ý với Mai Thảo: Bùi Giáng là một tài thơ trác tuyệt. “Có ông, thi ca mới đích thực có biển có trời”. [2] Càng đọc Bùi Giáng, tôi càng thấy ông lạ lùng. Con người ông lạ lùng: nói như Thanh Tâm Tuyền, qua lời kể của Mai Thảo, Bùi Giáng là người “ngủ ra thơ, thở ra thơ, đi ra thơ, đứng ra thơ. Chứ không phải nghĩ thơ, làm thơ”. [3] Thơ ông càng lạ lùng, lạ lùng đến nỗi ai cũng ngại ngùng khi viết về ông. Kể chuyện về ông: có; nhưng phê bình thơ ông: chưa.
Có lần, Thanh Tâm Tuyền gọi Bùi Giáng là “một thiên tài tự huỷ ghê gớm nhất của thi ca Việt Nam hiện đại’ và là ‘một hồn thơ bị vây khốn”. [4] Bị vây khốn bởi cái gì? Theo tôi, Bùi Giáng bị vây khốn, trước hết, bởi những hoài nghi, những dằn vặt. Thì một số khá đông các nhà thơ khác ở miền Nam thời kỳ 1954-75 cũng hoài nghi, cũng dằn vặt. Song, có điều, không ai sống đến tận cùng sự hoài nghi, sự dằn vặt như là Bùi Giáng. Thơ Bùi Giáng là những phún thạch phun lên từ hoả diệm sơn của hồn ông. Nhưng khác các nhà thơ khác, Bùi Giáng lại nguỵ trang thảm kịch của mình bằng một giọng cợt nhã, bông đùa. Trong một bài viết về Hàn Mặc Tử, sau khi ghi nhận thơ Hàn Mặc Tử là ‘một tiếng thét và một lời than. Tiếng thét đầy máu, tiếng than tràn ngập hư vô. Lúc hãi hùng khiếp đảm, lúc quạnh quẽ lạc phách xiêu hồn’, Bùi Giáng nhắc đến thơ của chính ông, như một sự so sánh:

Thơ tôi làm… là một cách dìu ba đào về chân trời khác. Đi vào giữa trung tâm bão giông một lúc thì lập thời xô ngôn ngữ thoát ra, phá vòng vây áp bức. Tôi gạ gẫm với châu chấu chuồn chuồn, đem phó thác thảm hoạ trần gian cho chuồn chuồn mang trên hai cánh mỏng bay đi. Bay về Tử Trúc Lâm, bay về Sương Hy Lạp, ghé Calvaire viếng thăm một vong hồn bát ngát, rồi quay trở về đồng ruộng làm mục tử chăn trâu. Làm mục tử chăn trâu không xong bỏ trâu bò chạy lạc, phá phách mùa màng khoai sắn, thì tôi chạy về bẩm báo với ni cô cho phép con chuồn chuồn của tôi cư lưu một phút giây trong linh hồn bao dung phương trượng. Ni cô xua đuổi tôi thì tôi ra bờ sông nằm ngủ khóc một mình thơ dại giữa chiêm bao. Trong chiêm bao, thơ về lãng đãng thì từ đó vần bất tuyệt cũng lãng đãng chiêm bao. [5]

Có dìu ba đào về chân trời nào khác thì ba đào vẫn cứ là ba đào, động biển vẫn cứ là động biển. Bay đi đâu cánh chuồn chuồn của Bùi Giáng cũng gặp giông bão. Giông bão dậy lên, trước hết, từ đôi cánh của nó: ngôn ngữ. Đã đành, làm thơ, ai cũng chú trọng đến ngôn ngữ. Song tôi có cảm tưởng ít có ai bị ám ảnh bởi vấn đề ngôn ngữ một cách nặng nề, triền miên như Bùi Giáng. Chữ ‘ngôn ngữ’ thường xuyên xuất hiện trong thơ ông, đặc biệt trong hai tập thơ mới xuất bản ở hải ngoại sau 1975, [6] ở đó, câu ‘Đường qua ngôn ngữ tuyệt trù’, ‘Đường qua ngôn ngữ điệp trùng’ và ‘Đường qua ngôn ngữ cuối cùng’ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong nhiều bài thơ khác nhau. Hãy để ý đến nhóm từ ‘đường qua ngôn ngữ’: với Bùi Giáng, dường như công việc làm thơ chủ yếu là một cuộc hành trình vượt qua ngọn đèo cheo leo của ngôn ngữ trước khi là bất cứ một cái gì khác. Ngọn đèo ấy không những cheo leo mà còn mù mịt, thăm thẳm. Phần lớn các câu thơ kế tiếp mấy câu vừa dẫn đều là bóng đêm (‘Mừng xuân viễn vọng đêm bù cho đêm’; ‘Mừng xuân viễn vọng đêm lừng lẫy đêm’; ‘Mừng xuân viễn tuyệt đêm từng từng đêm’). Xuân, ừ, thì xuân. Nhưng đêm vẫn mịt mùng đêm. Đêm vô tận. Ngôn ngữ không làm cho bóng đêm ấy tan biến. Trái lại.

Chấm ngòi bút sắt se vào mực
Viết ra câu thúc giục sương mù

(Mùa xuân chiêm bao)

Trong lúc hầu hết các nhà thơ khác, mặc dù nhận chân được vị thế hẩm hiu của nhà thơ trong xã hội, vẫn tin tưởng vào ngôn ngữ và vẫn tự hào về công việc sáng tạo của mình, nói như Thanh Tâm Tuyền, ‘cuộc hành trình hoàn toàn cô độc’ trên một ‘con đường chưa ai tới’, [7] Bùi Giáng, ngược lại, tuy vẫn làm thơ, hơn nữa, còn làm thơ cực kỳ nhiều, nhiều hơn bất cứ một người nào khác, lại có vẻ rất coi thường cái việc làm thơ ấy và chắc chắn là không mấy tin tưởng vào khả năng thể hiện của ngôn ngữ:

Người điên ngôn ngữ điệp trùng
Dở chừng như mộng dở chừng như mê
Thưa em ngôn ngữ quặt què
Làm sao nói hết nghiệp nghề người điên

(Người điên)

Trong quyển Mùa thu trong thi ca, Bùi Giáng viết:

một hôm mai thảo bảo rằng
làm thơ bê bối sao bằng đi rong
phố phường mọc cỏ quanh năm

(Sa mạc phát tiết)

Có người đọc câu thơ thấy đâm ra bực mình hỏi: ‘Phố phường đâu có cỏ nào mọc! Thằng thi sĩ ăn nói tầm phào, sai sự thật!’ Ấy thế là người ta cưỡng bức thi ca một cách không chính đáng. Và trầm trọng hơn nữa, người ta tưởng chừng như tin rằng ngôn ngữ có thể nói ra được sự thật. Tưởng chừng như người ta chẳng bao giờ suy gẫm về Kim Cương Kinh. Thế gian ngôn ngữ phi chân kinh. [8]

Ngôn ngữ không những quặt què, không những không nói ra được sự thật mà, hơn nữa, trong thời hiện đại, đặc biệt, khi cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối Tư bản – Cộng sản đang gay gắt, khi cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam và Bắc Việt Nam đang ác liệt, khi vấn đề thắng bại không những được quyết định ngoài chiến trường mà còn trên các bàn hội nghị quốc tế, ngôn ngữ còn có tác dụng ngược lại: nó che giấu sự thật và, thay vì đem lại sự cảm thông giữa loài người, nó lại làm cho con người ngộ nhận lẫn nhau, thù ghét lẫn nhau, say sưa chém giết lẫn nhau. Đó là lý do tại sao Bùi Giáng lại

Tôi gọi Mỹ Tho là Mỹ Thỏ
Mỹ Thọ muôn đời là Lục Tỉnh hôm nay
Tôi gọi Sóc Trăng là Sóc Trắng
Gọi người sương phụ gái thơ ngây

(Lẫn lộn lung tung)

Bùi Giáng xáo trộn chữ nghĩa để nói lên một sự thật: ngôn ngữ đang bị xáo trộn, đang bị tha hoá. Bùi Giáng gọi Mỹ Tho là Mỹ Thỏ, Mỹ Thọ, người ta cho là hài hước hoặc điên khùng, nhưng chẳng phải là trong cuộc sống người ta đã không từng gọi một kẻ bán nước là yêu nước, một kẻ giết người như ngoé là nhân đạo, một kẻ bắn súng vào anh em vào đồng bào vào đồng loại vì một thiên đường không tưởng nào đó là cách mạng đó ư? Chẳng phải là người ta đã không từng gọi nhà tù là trại học tập, độc tài là tập trung dân chủ, sự ngu đần là đỉnh cao trí tuệ, khố xanh khố đỏ là quốc gia, thái độ khom lưng trước ngoại bang là biểu hiện của tinh thần dân tộc đó ư? Thử thế chữ Mỹ Tho bằng bất cứ chữ nào trong từ điển chính trị Việt Nam hiện đại người ta sẽ thấy ngay cái điều mà Ionesco từng nói: ‘một nền văn minh của ngôn ngữ là một nền văn minh quẩn trí, hỗn độn’. [9] Ngôn ngữ mất linh hồn. Ngôn ngữ xác xơ, rách mướp, tơi tả. Nhiều người thuộc loại nhạy cảm nhất trong thời đại chúng ta đã thất vọng não nề. Sự thất vọng ấy, ở Tây phương, dẫn đến sự im lặng của một số người cầm bút, sự ra đời của loại kịch không lời; ở Bùi Giáng, tạo ra những vần thơ đại loại thế này:

– … Một hai hai một di hài
Dài hy hữu mộng an bài chẩm ma
Chả xin? Chả hỏi? Vịt gà?
Và thân thể máu me và thịt xương…
– Ma đên ỳ nẽ ô mà
Xơ tin ô đố đâu là đến đây
Xền nô đô thí xi đầy
Xè rê tê nến ngọn lầy lội cơn
A tin a tỷ oan hồn
Vong lưu lỳ lẫy cung đờn cợt trêu
Người ôi ô ướt dấu bèo
Ồ thôi thế vậy thu vèo sang thu
Lừng bay thân thế pha mù
Sương mây tuyết dậy thân bù cho thân

(Đạm Tiên)

Gắn liền với sự hoài nghi ngôn ngữ là sự hoài nghi lý trí. Trong lúc hầu hết các nhà thơ khác, mặc dù hoài nghi lý trí, luôn luôn khắc khoải tìm kiếm sự thật, với niềm tin, dù mơ hồ và mong manh, là sự thật ấy có, đâu đó, sẽ gặp được, một ngày, Bùi Giáng, ngược lại, tuy dịch và viết khá nhiều tác phẩm về triết học hiện đại Tây phương, lại hoàn toàn phủ nhận đầu óc duy lý của Tây phương, hoàn toàn mất niềm tin với mọi cái gọi là chân lý. Cuộc đời, với Bùi Giáng, là chuỗi dài những nghi vấn và phẫn nộ:

Đi vào giữa cuộc thị phi
Nửa tam bành tới nửa nghi vấn về

(Y ư mộng, du ư mê)

Làm thơ, với Bùi Giáng, là một hành động phản kháng, phản loạn. Như Từ Hải trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:

Sao bằng riêng một biên thuỳ
Cõi điên vũ trụ tuỳ nghi tung hoành
Xiết bao vô ngại ngọn ngành
Chọc trời khuấy nước tan tành thịt xương
Ấy như thể, ấy như dường
Đi vô tận ý đi đường chơn không
Đi mây gió đi phiêu bồng
Ngàn trăng ngậm bóng sương đồng ra đi
Đi về thể lệ lâm ly
Đi đi suốt cõi lời nghi vấn lời.

(Sao bằng)

Nghi vấn. Lúc nào cũng nghi vấn. Nghi vấn cả lời nói của mình. Bài thơ ‘Tặng Mã Giám Sinh’ là một bài thơ hay:

Hỏi tên, rằng biển xanh dâu
Hỏi quê, rằng mộng ban đầu đã xa
Gọi tên, rằng một hai ba
Đếm là diệu tưởng đo là nghi tâm.

Tôi đoán là Bùi Giáng rất tâm đắc bài thơ này: nó được in lần đầu trong Mùa thu trong thi ca với tựa là ‘Mã Giám Sinh’, sau, in lại trong Thơ Bùi Giáng xuất bản tại Canada năm 1990 với sự thay đổi nhỏ: thêm chữ ‘tặng’ ở tựa đề. Có hay không có chữ ‘tặng’, thật ra, cũng chả có gì quan trọng. Cũng như mọi cái tựa trong thơ Bùi Giáng: chả có gì là quan trọng. Lười, ông thường nhặt bất cứ từ hay nhóm từ nào trong bài dùng để làm nhan đề. Bài thơ trên được đặt tựa là ‘Mã Giám Sinh’ hay ‘Tặng Mã Giám Sinh’ có lẽ để ghi lại xuất xứ một nguồn cảm hứng: nó xuất phát từ mấy câu thơ trong Truyện Kiều có liên quan đến Mã Giám Sinh:

Hỏi tên, rằng: Mã Giám Sinh
Hỏi quê, rằng: huyện Lâm Thanh, cũng gần.

Trong bài ‘Chiều nguyên xuân’ in trong tập Mưa nguồn, xuất bản từ năm 1963, Bùi Giáng đã bị ám ảnh bởi vấn đề quê hương:

Hỏi rằng: người ở quê đâu
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà.

Từ ‘ở rất lâu quê nhà’ đến ‘mộng ban đầu đã xa’, tư tưởng của Bùi Giáng đã vượt biên, lấn sang một tầm khác. Với một sức oằn khác.
Dẫu sao, ở đây, điều quan trọng nhất là câu cuối cùng: ‘đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm’. Mọi sự phân biệt đều bị xoá nhoà. Tôi cho đây là đặc điểm nổi bật nhất trong phong cách thơ Bùi Giáng: thơ Bùi Giáng chính là sự xoá nhoà của mọi đường biên quen thuộc vốn được mọi người chấp nhận như là một quy ước, một luật lệ trong văn học từ xưa đến nay.
Thứ nhất là xoá nhoà những đường biên về giọng điệu. Những ai từng viết lách ít nhiều cũng đều hiểu cái khó nhất đối với người cầm bút là pha trộn giọng điệu, nghĩa là, chẳng hạn, vừa nghiêm túc lại vừa cười cợt, vừa uyên bác lại vừa bình dân, vừa suy tư lại vừa thích thảng. Bùi Giáng vượt qua tất cả những khó khăn ấy một cách nhẹ nhàng. Ví dụ dưới đây, tôi chọn một cách tình cờ:

Hai cô bán phở dịu dàng
Đừng nên nói bậy hai nàng buồn ta
– Trẫm từ lịch kiếp phôi pha
Tái sinh bất chợt mà ra phụ lòng
Tình thương ẩn mật từ trong
Nội tâm vô tận mà long đong vì
Phong tao phấn đại tương nghi
Tuỳ thời thể dựng mà tuy nhiên là.

(Tặng quán phở Huyền Trân)

Ai cũng thấy rõ hai câu đầu và sáu câu sau có giọng điệu khác hẳn nhau. Vậy mà, riêng tôi, thú thật, tôi không hiểu tại sao Bùi Giáng có thể chuyển từ hai câu đầu xuống sáu câu dưới một cách dễ dàng tự nhiên như vậy. Mà đây cũng lại là một đặc điểm rất phổ biến trong thơ Bùi Giáng. Nói một cách tóm tắt, thơ ông có hai loại từ vựng: một loại tạm gọi là bác học và một loại tạm gọi là bình dân. Bác học thì như thục nữ, thuyền quyên, cảo thơm, thượng thừa, miên trường, đoạn trường, băng tuyết, thập thành v.v… nghĩa là những từ Hán Việt lâu lắm không còn được sử dụng nữa. Còn bình dân thì như đại ca, Huê Kỵ, Liên Xồn, lai rai, nhậu nhẹt, máu me, số dzách, giấn bước, giấn liều v.v… nghĩa là những khẩu ngữ, còn lấm lem bụi bặm ngoài đường ngoài phố. Cả hai loại đều dễ khiến giới làm thơ chùn tay. Dùng loại trên thì dễ có nguy cơ trở thành sáo, cổ. Dùng loại dưới thì dễ có nguy cơ trở thành nhả nhớt, rẻ tiền. Bùi Giáng hoàn toàn thoát khỏi hai nguy cơ ấy. Hơn nữa, ông còn hoà trộn cả hai loại ngôn ngữ ấy lại với nhau một cách tài tình. Đọc, người ta không hề có chút cảm giác lấn cấn nào. Như một phép mầu.
Gắn liền với sự xoá nhoà trên là một sự xoá nhoà khác: xoá nhoà ranh giới giữa truyền thống và hiện đại. Không phải Bùi Giáng kết hợp truyền thống và hiện đại, như cái điều chúng ta có thể nói về một số nhà thơ khác. Nói đến sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại tức là thừa nhận chúng ta có thể ít nhiều khu biệt đâu là truyền thống và đâu là hiện đại. Ở Bùi Giáng, mọi nỗ lực khu biệt ấy đều trở thành vô vọng. Ở Bùi Giáng, tính chất truyền thống và tính chất hiện đại tan hoà vào với nhau. Là một. Thể thơ ông dùng: cũ; hình tượng ông dựng: cũ; ngôn ngữ ông viết: cũ; thế nhưng, rất lạ, toàn bộ bài thơ của ông thì lại mới, mới như chưa từng có ai viết được như thế. Mới đến độ tôi có cảm tưởng phần lớn những từ, những chữ nào đã được Bùi Giáng sử dụng một lần đều trở thành của riêng của Bùi Giáng, một thứ tài sản của Bùi Giáng, trên đó có dấu ấn của Bùi Giáng; sau đó, ai dùng lại những từ ấy, chúng ta cứ ngờ ngợ ngỡ như họ ăn cắp của Bùi Giáng. Đọc thơ của bất cứ người nào, hễ gặp chữ ‘giũ áo’, ‘rớt hột’, ‘đười ươi’, ‘chuồn chuồn’, ‘châu chấu’… chúng ta hay tri hô lên: Bùi Giáng! Ngay cả một số từ quen thuộc hơn, như ‘thập thành’, ‘máu me’, ‘lai rai’… chúng ta cũng lại tri hô lên: Bùi Giáng! Trong lịch sử thi ca Việt Nam hiếm có trường hợp nào lạ lùng đến như vậy. Phần lớn, tính chất độc đáo chỉ ở cấp độ bài hoặc cấp độ câu. Ở Bùi Giáng, tính chất độc đáo thể hiện ngay ở đơn vị từ. Với sự xuất hiện của Bùi Giáng, số phận của các nhà thơ đâm ra lao đao hẳn. Khi chọn chữ không khỏi có cảm giác e dè vì sợ dẫm vào dấu chân của Bùi Giáng.
Thứ ba là sự xoá nhoà ranh giới giữa cái gọi là thơ và cái gọi là phi thơ. Ngổn ngang trong thơ Bùi Giáng những chi tiết ngỡ như không bao giờ thành thơ được, ngỡ như mãi mãi thuộc thế giới của văn xuôi, của tiểu thuyết, của đời thường. Nhớ người yêu, có lẽ ai cũng nhớ như Bùi Giáng nhưng không có ai viết được như Bùi Giáng:

Bây giờ em đứng nơi đâu
Cỏ trong mình mẩy em sầu ra sao

(Gửi thôn nữ Vĩnh Trinh)

Bùi Giáng có tài hoá giải những tình thế oái oăm: cái đáng lẽ sàm sỡ, dưới ngòi bút ông, tự nhiên thành thơ mộng, thiết tha, tội nghiệp. Bùi Giáng cũng có tài làm cho những cái lắt nhắt trở thành mênh mang:

Sáng nay bao tử mơ mòng
Cà phê bên nọ, cháo lòng bên kia

(Sáng nay)

Tất cả những chi tiết ấy đều tầm thường đến độ nhảm nhí. Đi vào thơ Bùi Giáng, tự dưng chúng lại có một âm vang gì rất lạ, rất xa, tưởng như không còn là chuyện ‘cà phê” hay ‘cháo lòng’ nữa. Một nỗi phân vân giữa cuộc đời, chẳng hạn. Một niềm xót xa trong cảnh khốn cùng, chẳng hạn. Bùi Giáng còn có tài làm cho những cái linh thiêng trở thành bình thường. Những Thượng đế, Phật, thánh hiền… đi vào thơ ông, mất một chút hào quang song bù lại, dường như đẹp hơn. Bùi Giáng làm cho cái đáng kính biến thành cái đáng yêu. Hình tượng ni cô trong thơ ông là một ví dụ. Bùi Giáng cũng lại có tài làm cho cái thô và tục trở thành những cái thơ mộng, xôn xao.
Cuối cùng, thứ tư, tôi tạm gọi là sự xoá nhoà giữa cái lý và cái phi lý. Ít có ai để ý trong thơ Bùi Giáng có đặc điểm này: ông rất thích dùng những từ có tính chất lý luận như ‘mặc dù’, ‘càng… càng’, ‘vẫn là’, ‘và’, ‘vì’, ‘rằng’, ‘bởi chưng’, ‘chỉn e’, ‘té ra’, và đặc biệt, nhiều nhất là từ ‘tuy nhiên’… Chắc chắn là không có nhà thơ nào dùng các từ này nhiều bằng ông. Thế nhưng, cách Bùi Giáng sử dụng các liên từ này rất lạ lùng, không giống bất cứ người nào trước ông hoặc sau ông. Xin hãy đọc lại bài ‘Tặng quán phở Huyền Trân’ dẫn ở trên, và hãy chú ý đến ba câu cuối cùng: chữ ‘vì’ và chữ ‘là’ đứng hết sức lửng lơ. Chúng không nối kết cái gì cả. Chúng cũng không giải thích cái gì cả. Chúng hoàn toàn trái ngược mọi luật lệ ngữ pháp. Chúng thường xuất hiện ở những vị trí thật bất ngờ: ở cuối câu, thường là câu cuối bài:

– Em về – nhà cửa nhỏ nhoi
Buồn rầu khôn xiết em soi gương và…

(Em đi)

– Nối đuôi khởi sự từ đầu
Ví dù kết thúc trước sau vẫn là.

(Vẫn là là)

– Bá phương phảng phất rồi ra
Mùi hương xa vắng càng xa xôi càng

(Băng tâm)

– Mai sau dù có đi về
Xin nhìn gió rụng ngành tre thưa rằng.

(Em về)

Một điều vừa thú vị vừa khó hiểu là: người đọc thơ Bùi Giáng lại ít chú ý, không bị giật mình vì những cách dùng từ, đặt câu ngược ngạo như vậy. Mà, ở những trường hợp này, Bùi Giáng đều cố tình cả. Một mặt, tần số xuất hiện của những kiểu câu như thế ê hề; mặt khác, nhiều lúc Bùi Giáng đem những liên từ lý luận ra đùa nghịch:

– Nếu và nhưng vẫn ắt rằng
Tuy nhiên thế nọ thường hằng thế kia
Và nhưng tuy dẫu là chia
Lìa cha biệt mẹ bốc tia sinh tồn

(Tuy nhiên)

– Tuy nhiên đất quạnh sơn hà
Còn tuy nhiên mãi hoạ là nhiên tuy

(Ích dụng hung sự)

– Mầng răng ra rứa ví dù
Mầng ri thế nọ tịt mù thế kia.

(Mỗi ngày)

Một lần, Bùi Giáng giải thích:

Dù sao, tôi nói dù sao, bởi vì thiên hạ vốn ưa thích dù sao. Cho có mạch lạc. Chứ thật tình tôi chẳng rõ sao gọi là mạch lạc liên tục ngụ trong tính tình của ngôn ngữ dù sao dao sù. [10]

Cách phân tích như trên khá nguy hiểm: nó dễ làm cho người ta có cảm tưởng thơ Bùi Giáng là một cái gì tĩnh tại và cố định. Thật ra, không phải. Theo dõi thơ Bùi Giáng chúng ta sẽ nhận ra ông thay đổi không ít. Tập Mưa nguồn xuất bản năm 1962 rất trong sáng; từ tập Ngàn thu rớt hột (1963) về sau, thơ ông tối tăm hẳn; sau năm 1975, ở hai tập thơ xuất bản tại hải ngoại, thơ ông trong sáng trở lại, nhưng so với Mưa nguồn, đằm hơn, lắng hơn và chín hơn.
Mưa nguồn là niềm nhớ thương đồng ruộng không nguôi:

Viết thơ lạc dấu sai dòng
Viết trong tức tưởi sợ đồng lúa mong
[…]
Viết thơ là trở lại bên
Con người thôn nữ răng đen hai hàng

(Ca dao)

Sau này, ông vẫn bâng khuâng nhớ đồng quê. Chỉ bâng khuâng thôi. Nghĩa là rất man mác. Có một câu thơ có lẽ ông thích, cứ lặp đi lặp lại rải rác ở nhiều bài thơ khác nhau:

Trông về đồng ruộng đôi khi
Thị thành tâm sự hoài nghi trăng tà.

(Gấu buồn)

Nhưng tâm sự chính của ông là nỗi tuyệt vọng về khả năng giao cảm giữa người và người, niềm cay đắng trước một xã hội ngày một đảo điên. Ông hoàn toàn cô độc:

quay về một cõi riêng thôi
liệu trong tấc cỏ kiếm trời ba xuân

(Đời rộng đương chìm)

Ông làm thơ cho hư không:

Bây giờ xin ngó cụm cây
Chắp hàng viết nốt áng mây về trời

(Bây giờ)

Ông độc thoại:

Ngàn năm độc đối riêng hàng
Tờ xanh ứa lệ đẫm trang xuân đầu

(Khởi từ)

Có khi ông im lặng:

Từ đây đổi vịt thay gà
Chán chường đến thế là ta ngậm lời

(Nhà ma đi đời)

Sau 1975, cảm giác cay đắng và tuyệt vọng ấy, không hiểu tại sao, dường như nhẹ nhàng đi nhiều. Đời sống ông cơ cực hơn, những cơn điên đến với ông thường xuyên hơn, [11] song thơ của ông lại có vẻ thanh thản hơn. Ông bớt những thắc mắc siêu hình để quan tâm hơn đến khía cạnh cảm xúc, từ đó, nhấn mạnh đến yếu tố tâm hồn, coi đó là nguồn gốc của thơ:

Chợt mùa thơ vội đổi giòng
Cỗi nguồn cũng bởi tự lòng mà ra

(Từ bấy tới nay)

Với quan niệm như vậy, thơ không còn là trò đùa nghịch chữ nghĩa nữa mà là một sự bộc bạch tâm sự:

Lời tỉnh táo, lời mê man
Điệu thê thiết rống điệu bàng hoàng ca

(Y ư mộng du ư mê)

Do đó, ông khao khát được thông cảm:

Xổ bầu tâm sự điêu linh
Ai người chia xẻ với mình với ta

(Một giờ)

Bài ‘Bao giờ’ in trong tập Thơ Bùi Giáng do Thế Kỷ 21 xuất bản là một bài thơ hay:

Bằng bút chì đen
Tôi chép bài thơ
Trên tường vôi trắng
Bằng bút chì trắng
Tôi chép bài thơ
Trên lá lục hồng
Bằng cục than hồng
Tôi đốt bài thơ
Từng phút từng giờ
Tôi cười tôi khóc bâng quơ
Người nghe cười khóc có ngờ chi không.

Thơ, với Bùi Giáng, trước hết là một sự hiện hữu cụ thể với những màu sắc cụ thể nhất định: đó là một văn bản với những từ, ngữ, giấy, mực cụ thể. Văn bản ấy có đời sống riêng của nó: có sinh có tử. Nhưng đằng sau, ẩn náu phía trong cái hình thức cụ thể ấy lại là một tâm tình, là tiếng cười, là tiếng khóc. Tâm tình của người làm thơ oà vỡ bất chấp những giới hạn tự thân của ngôn ngữ:

Ngữ ngôn khép kín mặc dầu
Hùng tâm tim máu óc đầu mở ra

(Bé con ơi)

Bùi Giáng băn khoăn:

Tôi cười tôi khóc bâng quơ
Người nghe cười khóc có ngờ chi không?

Bùi Giáng lại năn nỉ:

Tặng nhau từ ngữ lạc lầm
Cũng xin hồng lệ hãy đầm đìa tuôn

(Tư mộng du ư mê)

Trong bài ‘Thuở chưa điên’ in trong tập Thơ Bùi Giáng do Việt Thường xuất bản tại Canada năm 1990, Bùi Giáng tự so sánh thơ mình ngày trước với thơ mình bây giờ:

Ấy là thơ thuở chưa điên
Ở trong dấu ngoặc quàng xiên reo cười
Bây giờ xoang điệu đười ươi
Điệu hoa lầu các ngậm ngùi dấn thân

Sự khác nhau không phải ở chỗ: có lúc ông ‘quàng xiên reo cười’, có lúc ông lại ‘ngậm ngùi dấn thân’. Ở Bùi Giáng cái cười và cái khóc đôi khi rất giống nhau. Theo tôi, chỗ khác nhau căn bản là: trước đây, Bùi Giáng loay hoay mãi trong ‘dấu ngoặc’ của ý thức, của cái tôi; sau này, ông tung hê hết, ông hoà nhập vào cái chung của cuộc đời: ‘Ta quên như thể mình ta quên mình’ (‘Tặng hai cháu Quỳnh và Na’). Ông trở thành dễ thương và tội nghiệp vô cùng:

Trái tim mỗi mới mỗi ngày
Mỗi giờ phút động mây trời rung rinh
Đường đi mất hút thình lình
Những khuôn mặt lạ những hình ảnh quen
Tạm nhờ men rượu nguôi quên
Niềm vui nỗi nhớ chênh vênh lạ lùng

(Đường quanh ngõ quẹo)

Ở khía cạnh này, có thể nói Bùi Giáng xoá nhoà ranh giới giữa cái tôi và cái ta, giữa cái riêng và cái chung:

Hoặc rằng người cũng là tôi
Hay là tôi cũng là tôi như người
Ấy rằng tinh thể đười ươi
Lời rằng quyết tuyệt và tươi vui và
Ấy rằng một cũng là ba
Là hai mai một mốt là hôm nay.

Xoá nhoà. Xoá nhoà ranh giới giữa các giọng điệu, giữa truyền thống và hiện đại, giữa thơ và phi thơ, giữa cái lý và cái phi lý, giữa cái tôi và cái ta, cái riêng và cái chung, xoá nhoà mọi sự phân biệt, biện biệt: theo tôi, đó là những đặc điểm nổi bật nhất trong thơ Bùi Giáng. Bằng những sự xoá nhoà ấy, Bùi Giáng xoá nhoà luôn cả ranh giới giữa cái gọi là văn hoá cao cấp và văn hoá bình dân. Đồng thời, Bùi Giáng cũng xoá nhoà luôn cả tính chất nghiêm nghị, nghiêm túc với những khẩu hiệu ồn ào như ‘vị nhân sinh’, ‘vị nghệ thuật’ vốn kéo dài rất lâu trong văn học Việt Nam. Khác với các nhà thơ khác lúc nào cũng nhăn mặt nhíu mày, lao vào thơ như lao vào một trận địa, kỳ khu và khắc khổ, lúc nào cũng khắc khoải sáng tạo ra cái mới, mà chưa chắc đã mới và chưa chắc đã hay, Bùi Giáng, ngược lại, làm thơ cứ như đùa như giỡn, như không phải đang làm thơ, vậy mà tự nhiên thơ lại trở thành bát ngát và lấp lánh và lộng sắc và lộng hương. Mai Thảo kể: “ba chữ ‘vui thôi mà’ là câu trả lời mơ hồ nghịch ngợm duy nhất của Bùi Giáng trước mọi tìm hiểu của (về ?) lực thơ và số lượng thơ không thể tưởng tượng được ở nơi ông”, rồi bình tiếp: “Thơ Bùi Giáng vui thật. Một vĩ đại vui”. [12] Theo Leslie Fiedler, sự xoá nhoà ranh giới giữa văn hoá bình dân và văn hoá cao cấp, và cùng với nó, việc đoạn tuyệt với chủ nghĩa đặc tuyển (elitism) và tính chất nghiêm cẩn (seriousness) là những đặc điểm chính yếu của chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism). [13]
Ở khía cạnh này, Bùi Giáng rất gần các nhà thơ hậu hiện đại. Bùi Giáng còn gần gũi các nhà thơ hậu hiện đại ở một khía cạnh khác nữa: một số khá nhiều những bài thơ của ông là loại thơ không thể giảng. Susan Sontag cho một trong những đặc trưng lớn của chủ nghĩa hậu hiện đại là tính chất phản-diễn dịch (anti-intepretation), là sự nhấn mạnh vào hình thức và sự trình diễn (performance) hơn là nội dung và ý nghĩa. [14] Chúng ta biết theo quan niệm của Ferdinand de Saussure, ngôn ngữ chỉ là một hệ thống ký hiệu, ở đó, mỗi đơn vị ký hiệu đều có hai mặt: cái biểu đạt (signifier) và cái được biểu đạt (signified). Cái biểu đạt là âm hoặc chữ viết. Cái được biểu đạt là ý niệm do âm hoặc chữ viết ấy gợi lên trong đầu chúng ta. Ví dụ: nghe âm ‘chó’ (cái biểu đạt), chúng ta nghĩ ngay đến giống vật thường được nuôi trong nhà (cái được biểu đạt). [15] Từ đó, người ta đi đến chỗ coi bài thơ cũng là cái biểu đạt. Đọc thơ là để tìm kiếm cái được biểu đạt, tức ý nghĩa, điều ẩn giấu phía sau bài thơ. Với Bùi Giáng, cũng như với các nhà thơ hậu hiện đại, ngược lại, bài thơ là cái được biểu đạt chứ không phải là cái biểu đạt. Nói cách khác, bài thơ là bài thơ. Không có ý nghĩa nào ẩn đằng sau bài thơ để chúng ta đào xới, tìm kiếm. Nó giống như một bức tượng đá. Bề mặt: đá; trong ruột: cũng là đá. Do đó, nếu hỏi ý nghĩa bài thơ ‘Đạm Tiên’ tôi dẫn ở trên là gì ư? Chịu! Ý nghĩa của nó là chính sự hiện hữu của nó, là bài thơ có nhan đề là ‘Đạm Tiên’, vậy thôi. Chúng ta không thể phân tích. Chúng ta chỉ cần nghiệm (experience). Đọc lần thứ nhất: chúng ta không hiểu gì cả. Đọc lần thứ hai: chúng ta vẫn không hiểu gì cả. Đọc lần thứ ba: chúng ta lại vẫn không hiểu gì cả. Nhưng càng đọc chúng ta càng nghe rõ, càng thấm, càng cảm cái nhạc điệu lầm rầm, lầm rầm của bài thơ. Nghe như thần chú. Như tiếng tụng kinh. Như lời cầu hồn. Chúng ta sống trong một không khí huyền bí, ma quái, không có gì rõ nét. Thì Đạm Tiên là một bóng ma mà! Ở nhiều bài thơ khác, điều chúng ta nghiệm được thường là sự bất lực của ngôn ngữ: chúng ta không hiểu vì chính nhà thơ cũng không thể diễn tả được những gì ông chỉ cảm nhận một cách mơ màng hoặc bằng trực giác hoặc bằng tiềm thức.
Chúng ta có thể gọi Bùi Giáng là nhà thơ hậu hiện đại được chăng? Khái niệm hậu hiện đại, mặc dù xuất hiện từ thập niên 30 và 40 với Frederico de Oníz, Dudley Fitts và Arnold Toynbee, được sử dụng khá nhiều tại Mỹ vào thập niên 50 và 60, trở thành thời thượng tại Âu Mỹ từ giữa thập niên 80 đến nay, [16] vẫn còn khá xa lạ với giới cầm bút Việt Nam. Điều đó dễ gợi cho chúng ta ấn tượng chủ nghĩa hậu hiện đại là cái gì rất mới, chỉ gần đây thôi, gắn liền với máy vi tính, chẳng hạn. Tuy nhiên, trên thực tế, khác hẳn. Danh sách các nhà thơ hậu hiện đại được Jerome Mazzaro phê bình trong quyển Postmodern American Poetry bao gồm W.H. Auden (1907-73), Randall Jarrell (1914-65), Theodore Roethke (1908-63), v.v… [17] Với Margaret E. Gray, ngay cả Marcel Proust (1871-1922) cũng là một nhà văn hậu hiện đại. [18] Chúng ta có thể gọi Bùi Giáng là nhà thơ hậu hiện đại hay hậu ‘iện’ đại (người vượt ra ngoài chủ nghĩa ‘iện’ đại tại Việt Nam) hay ‘ậu’ hiện đại (người ít nhiều – chứ chưa hoàn toàn – nhích ra khỏi chủ nghĩa hiện đại theo cách hiểu truyền thống tại Tây phương) được chăng?
Dù sao, vấn đề xác định danh xưng ở đây, tôi nghĩ, cũng không phải là điều quan trọng. Quan trọng hơn, chúng ta cần ghi nhận đóng góp lớn lao của Bùi Giáng: ông đã tiến một bước khá xa trên con đường hoà giải giữa thơ và hiện thực cũng như giữa nhà thơ và người đọc.

Nguyễn Hưng Quốc

 

 

 

 

Bùi Giáng

Võ Phiến

Mở đầu một bài báo được đăng trên tạp chí Giao Điểm cuối năm 1992, ông Phạm Xuân Đài viết: “Hiện nay có lẽ không có một người nào trong giới văn nghệ truớc đây ở miền Nam, và có lẽ cả nuớc, được yêu mến như Bùi Giáng.”
Tôi bất giác kêu thầm: “Đúng quá!”
Kêu xong, tôi bẽn lẽn. Ông Phạm không nói đến một cuộc trưng cầu dân ý, cuộc thăm dò, cuộc điều tra nào; mà tôi cũng không hề có lấy một chút căn cứ, biết đâu là đúng là sai. Vậy mà tôi vẫn không rời được ý kiến của ông Phạm.
Ai cũng biết mấy năm gần đây ngành xuất bản gặp khó khăn: Sách không bán được mấy nữa. Và trong các loại sách, khó bán nhất là thơ. Thậm chí nhiều hiệu sách dứt khoát từ chối, không nhận bán thi phẩm. Trong tình cảnh ấy lắm thi sĩ trong nước cũng như ngoài nước sinh ngán ngẩm, chính thơ mình viết ra cũng không dám nghĩ tới việc tìm được cơ hội cho nó chào đời. Vậy mà năm 1990, một nhà xuất bản ở Gia-nã-đại cứ cho ấn hành một tập thơ Bùi Giáng dày cộm, tung sách ra trong một buổi ra mắt quy tụ bao nhiêu là khuôn mặt quan trọng của văn giới hải ngoại.
Ai cũng biết việc mang văn hoá phẩm từ nước ta ra nước ngoài không tự do. Nhất là tác phẩm của những văn thi sĩ Miền Nam nổi danh trước 1975. Vậy mà thỉnh thoảng vẫn có những bà con khi thoát nước ra đi, cố cất giấu trong người, trong hành lí, hoặc dăm ba bài thơ, hoặc mấy câu thủ bút của Bùi Giáng. Thứ quốc cấm ấy lọt ra ngoài, gặp ngay sự đón tiếp nồng hậu. Báo này báo nọ đăng lên, in cả thủ bút thân yêu. Bà con Việt kiều bắt được, hoặc trong lúc thưởng thức miếng chocolat, hoặc đang nhâm nhi tách cà-phê, hứng chí mừng rỡ: “Đích thị Bùi Bàng Giúi chính cống rồi. Vẫn y nguyên giọng thơ trung niên ấy. Thích thật!” Và cười ha hả.
Thích thế nào? Đố biết. Cũng ông Phạm Xuân Đài bảo: “Có điều lạ là trong những người yêu mến và kính phục Bùi Giáng ấy không ít người chưa từng đọc thơ hoặc bất cứ thứ gì anh viết, hoặc đã đọc nhưng vị tất đã hiểu. Không cần.”
Không đọc, không hiểu, tại sao lại yêu lại mến? Yêu qua loa nhất thời hay yêu mãi nghìn năm, yêu vượt thời gian? Khó quá. Ai mà trả lời nổi. Chuyện xa vời không biết được. Chỉ biết người ta đã yêu Bùi Giáng suốt cuộc chiến tranh, yêu giữa những tháng năm tan tác vì bom đạn. Rồi lại yêu Bùi Giáng trong cảnh lưu lạc tha hương. Có gì trong Bùi Giáng liên hệ đến những hoàn cảnh ấy chăng? Hoặc giả có gì trong Bùi Giáng liên hệ đến những nét cố hữu nào đó trong tâm hồn chúng ta chăng? Chưa ai biết về những cái ấy. Chỉ biết cái yêu này là có, là thật, và rất hồn nhiên. Bùi Giáng không bè không cánh, không quảng cáo quảng kiếc, không khéo léo tranh thủ ai, cũng không thủ đoạn lôi kéo ai. Chẳng những không “khéo”, thường khi ông còn gây lúng túng cho kẻ khác: như những mẫu thân này mẫu thân nọ, những nhan sắc được ông mến mộ hẳn không khỏi có lúc bối rối về sự tung hô lớn tiếng của ông. – Mặc kệ. Ai nấy cứ yêu Bùi Giáng.
Rất có thể những cái kì cục của ông là một hiện tượng bệnh lí. Rất có thể cái yêu Bùi Giáng, mê Bùi Giáng, là hiện tượng tâm lí quần chúng, tâm lí xã hội, trong một hoàn cảnh nào đó; chứ không phải là sự kiện liên hệ đến văn chương nghệ thuật? – Mặc kệ. Vẫn nên suy nghĩ về Bùi Giáng, trong một tác phẩm nói về thơ.

Riêng tôi, tôi chịu cái lối ông phê bình thơ.
Ông đã phê bình nhiều thi sĩ, thi sĩ tiền bối trước chúng ta nhiều thế kỉ cũng như thi sĩ cùng thời, đang sống với chúng ta. Hãy xin cử ra trường hợp ông Bùi nói về tiền bối Nguyễn Du. Ông chọn một câu Kiều ai nấy đều biết (“phong lưu rất mực hồng quần”); từ câu ấy ông lại chọn khen cái chữ “hồng quần”. Ông đem “hồng quần” so với “quần hồng”, rồi so với đàn bà; ông đùa với chữ này, bỡn với chữ kia, cợt nhả với chữ nọ. Xong rồi, ông lôi bản dịch của Crayssac ra mà chế giễu đã đời. Ấy là chuyện Ngao du ngày tháng (1971) của ông Bùi.
Khi khác, Đi vào cõi thơ (1969) của các thi sĩ cùng thời với mình, Bùi Giáng càng tỏ ra tinh quái quá lắm. Chẳng hạn về trường hợp một thi sĩ nọ -đồng hương với ông- ông nói qua nói lại một hồi, rồi ông bảo trót đánh mất tập thơ của bạn nên không trích được bài nào. Sau này, có dịp cầm chính tập thơ nọ trong tay, tôi loanh quanh tìm mãi không thấy có bài nào trích được! Vậy Bùi Giáng có mất sách thực chăng? Và không tìm ra cuốn sách nào khác của bạn thực chăng? Lẽ nào ba muơi năm trước ở Việt nam thơ ấy khó tìm hơn ba muơi năm sau ở Mĩ?
Vả lại, không chỉ có trường hợp người bạn vừa kể. Chuyện như thế xảy ra đều đều. Nói về một thi sĩ khác, ông bảo khỏi cần trích thơ, chỉ cần nên ra các tên bài cũng đủ. Và ông liệt kê một loạt tên bài tùm lum; chỉ có tên bài thôi. Có nhiều thi sĩ, ông “đi vào cõi thơ” của người ta một hồi mà không thấy ông chọn được bài nào, thậm chí một ý hay một câu hay, một chữ đẹp cũng không! Như thể bận tâm chứng minh là một bận tâm nhỏ mọn quá, ti tiểu quá, không đáng lí đến. Đi vào bất cứ cõi thơ cõi văn nào của bạn bè quen biết xa gần là cái khó. Năm khi mười họa, gặp cõi đắc ý khen ầm lên, bốc nhau tận mây xanh, thì nhất. Còn như lâm vào cái thế phải nói về hết bạn này đến bồ kia, thì lắm lúc kẹt muốn chết. Thế mà ông Bùi cứ khơi khơi, tỉnh bơ, cười cười, “vui thôi”, tránh thoát mọi rắc rối phiền hà dễ như chơi. Gặp người tài tình như vậy mà ta cứ nhanh nhẩu xông vào đòi bình thơ của người ấy thì là một việc làm vô duyên và không thích hợp chút nào. Thích hợp nhất là nghe chính Bùi Giáng bình thơ Bùi Giáng.
Có việc ấy chăng? – Có đấy. Bùi Giáng từng làm việc ấy cách tuyệt vời. Hãy nghe:

“Những bài thơ chuồn chuồn châu chấu của ông (Bùi Giáng tự gọi mình như thế) quả thật là có ý nghĩa. Nó bay nhẹ vi vu quả có đúng như là phận mỏng cánh chuồn. Vào những buổi sáng mùa đông lạnh lạnh ở Trung Việt, vào những buổi chiếu mùa thu ở Bắc Hà, hình bóng những con chuồn chuồn bay lượn cuối ngõ, đầu sân, quả thật là tha thướt. Đôi phen cái tiết điệu riêng biệt ấy cũng còn tái hiện trong đôi vần phồn hoa, mặc dù ở phồn hoa không bao giờ có chuồn chuồn bay vòng múa lượn. (Đi vào cõi thơ, Ca Dao, 1969, trang 93)

Thế là phong cách thơ Bùi Giáng đã được xác định rõ ràng. Nhưng cũng có người thắc mắc: “Thơ chuồn chuồn châu chấu” là thơ gì? – Về chỗ thắc mắc ấy, Bùi Giáng cũng đã có lời giải thích. Giải thích rất mực bay bướm. Người đời tha hồ đọc đi đọc lại nghĩ tới nghĩ lui hết ngày này qua ngày khác, càng nghĩ càng thấm. Xin lược chép dăm ba câu:

“Bay lơ lửng loanh quanh, ấy là con chuồn chuồn. Bay mà cũng như không bay, ấy là con chuồn chuồn. Khiến người ta nhớ nhung mà chẳng rõ nhớ nhung cái gì, ấy là con chuồn chuồn. Hiện diện gần gũi mà xa vắng như trong lớp mù sương, ấy là con chuồn chuồn. Xa vắng thơ ngây hơn cả mây hay hạc lánh, ấy là con chuồn chuồn.(…) Vô khả vô bất khả, ấy là con chuồn chuồn. Mang vô lượng a tăng kì kiếp về trong mỗi sát-na, ấy là con chuồn chuồn. Muời phương quốc độ đi vào một lỗ chân lông, ấy là con chuồn chuồn. (…) Làm thơ hay hơn ông Nguyễn Du, ấy là con chuồn chuồn. Làm thơ dở hơn ông Nguyễn Du, ấy là con chuồn chuồn. Chẳng còn biết sao gọi là hay, sao gọi là dở, ấy là con chuồn chuồn. Dờ tức là hay, hay tức là dở, ấy là con chuồn chuồn. Hữu tức thị vô, vô tức thị hữu, hữu thị bất-hữu-đích-hữu, vô thị phi-vôđích-vô, ấy là con chuồn chuồn. Có tức là không, không tức là có, có tức là có-chẳng-có, không tức là không-chẳng-không, ấy là con chuồn chuồn. Ăn nói tục tĩu, ấy là con chuồn chuồn. Vì tục mà nên tiên, vì tiên mà nên tục, ấy là con chuồn chuồn. Tối-huyễn cố tối-chân, tối-chân cố tối-huyễn, tối-huyễn thị bất-tối-huyễn, tối-chân thị phi-tối-chân-đích-tối-chân, ấy là con chuôn chuồn…” (Ngày tháng ngao du, trang 81, 82)
Đến đây, tưởng Bùi Giáng trình bày về thơ ông đã rõ ràng đầy đủ.
Về việc chọn trích thơ ông, tôi cũng theo sát sự hướng dẫn của ông, tức chọn hai bài thí dụ về thơ chuồn chuồn châu chấu: bài “Giữa phố” và bài “Bóng dương buồn ngủ”. Ngoài ra, xin thêm mấy bài nữa. Cũng là thơ chuồn chuồn châu chấu, cố nhiên, nhưng tần mần ngắm nghía hồi lâu, xem chừng có tướng mạo đại bàng cũng nên.

Võ Phiến

 

 

Ðỉnh ảo, một đời thơ

Nam Dao

Nguyễn Bắc Sơn, nhà thơ của mai này đụng độ mà không chết, dẫn tôi đi tìm Bùi Giáng. Không về ghé sông Mao phá phách chơi, chẳng chia nốt nỗi sầu cùng gái điếm, và bụng dạ nào để nghĩ đến đốt tiền mua một thoáng ngày vui. Ðó là Sài Gòn đầu thập niên 80. Quần đen, áo bà ba. Nón cối gắn sao đỏ. Áo vàng thấp thoáng góc phố, mắt cay nghiệt rình rập, mặt lạnh như tiền. Như thế, dẫu là thánh cũng chẳng thể không mang mặc cảm phạm tội. Một thứ tội danh chưa biết nhưng có thể ụp xuống đầu bất cứ lúc nào, thậm chí ngay bây giờ, hoặc mai, hay mốt. Tội hay không, hên sui may rủi như lắc xâm xin quẻ, tung đồng chinh sấp ngửa cầu một quẻ hào dịch ê a niềm hy vọng từ miệng người thầy bói mù đang lén lút hành nghề dị đoan mê tín.
Chúng tôi đạp xe dưới nắng chang chang. Qua cầu Bông. Tìm, hỏi. Rồi hỏi, tìm. Không, không thấy. Vòng qua Tân Bình, cũng không. Mấy bữa rồi ông đi mất tiêu. Qua chợ Trương Minh Giảng, lại hỏi, cái ông ấy mà, râu tóc trắng xóa, con mắt rực màu tinh quái, áo vá chằng vá đụp thùng thình, thỉnh thoảng la hét gầm gừ, vai bị, tay gậy, nghe đâu dạo này lại có một chú tiểu đồng con con lẽo đẽo theo sau. Ờ, mới thấy bữa trước, giờ chắc ổng zìa Sè Gòn rồi. Chỗ nào? Trời biết, ổng như thần thánh, lúc biến lúc hiện…Chịu, thôi thì thôi, để mặc mây bay, chưa bén duyên thì gửi lòng yêu theo cơn gió lửng. Nào, đạp xe về, chỗ đám văn nghệ sĩ trú, số 160 Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Nguyễn Bắc Sơn ra chợ trời, tối hôm đó mang về một cuốn sách mất bìa, tơi tả buộc kiểu bó giò bằng hai sợi dây thun, thiếu 48 trang đầu, bảo …ta cho chú mày cuốn sách gối đầu giường. Tôi rón rén nhẹ tay mở ra, phía trên trang bên phải có chữ Tư Tưởng Hiện Ðại (TTHÐ), bên trái thì M. Heidegger, cứ thế giở, đến W. Faulkner, M. Camus. Ðến trang 478, tiếp Phụ Trương Thần Thoại Hy Lạp, với cước chú rất tếu:”…vì muốn hướng câu chuyện theo những viễn tượng nào đó được phơi mở nhiều trong tác phẩm của Homère – Euripide – Sophocle nên tôi kể chuyện Thần Thoại nghe ra có khác trong sách vở”…
Tếu thế, và thế được là rất ngông nghênh, nhưng ngông nghênh duyên dáng nên chẳng để ai mất lòng (trừ những học giả hàn lâm, nghiêm túc chỉ thuần trích, dịch, ghi chú, liệt kê sách biên khảo với số trang chính xác…để … làm tài liệu). Giở trang bìa sau nát bét, mọt nhá đã bươm tả, giấy nhăn nheo vàng ố, thấy ghi Giấy phép số 2715/XB cấp ngày 10-11-62, không có tên Nhà Xuất Bản. Trang trong ghi Lời Cuối Tập, rằng:

Vì điều kiện ấn loát quá khó khăn, nên ông chủ nhà in muốn chia cuốn sách ra làm hai tập. Tập thứ nhì sẽ in xong sau Tết Nguyên Ðán. Ðộc giả thông cảm cho. Ða tạ. (Ký) Năm Của- Năm Cao-Năm Lửa-Năm Giáng.

Nhưng Tết năm nào? In thế, ông chủ nhà in hẳn chịu chơi và rất chiều tác giả, để tên ký cũng cợt nhả, không phép tắc qui củ, bất cần nhân thế, cái thế nhân thường giữ cho bề ngoài có nét đứng đắn đến độ ảo não âu sầu! Tay nào viết cuốn này vậy? Nguyễn Bắc Sơn phá lên cười, thì Bùi Giáng chứ còn ai vào đấy được! À, và nếu ông chủ nhà in là ông Thanh Tuệ thì nhân đây tôi xin gửi ông một lời chào. Quả ông có con mắt xanh, chắc ông in năm 63, thời đệ nhất Cộng Hòa, mai hậu sách sử gọi là thời Tiền Ngụy để khỏi lẫn với thời sau 90.

*
Có sách, phải đọc. Thật kỳ lạ! Dĩ nhiên có các vị M. Heidegger, W. Faulkner, M. Camus nhưng tất cả qua cái lăng kính Bùi Giáng, trộn vào nào là Thu Trang, Kim Cương, Thúy Kiều, Brigitte Bardot và Marilyn Monroe, nhuần nhuyễn tồn hoạt với nhau trong một tồn sinh mà tại thể tạo ý nghĩa cho tồn thể. Nhưng tại thể là gì? Là Dasein trong ngôn ngữ Hết-Ðe-Ghè, …là thực tại người?…là cái thể đứng ra để đón mời tồn thể. Nếu không có thực-tại-người-tại-thể thì tồn thể sẽ thiên thu mất ý nghĩa, sẽ chỉ còn là lù-lù-vật-thể-lai-rai (Tựa thứ hai cho M.Heidegger và Tư Tưởng Hiện Ðại). Vậy Dasein là, Bùi Giáng cao giọng nghịch ngợm (TTHÐ, tr. 104), là Da (nghĩa thịt da) mà vì Sein (chỉ cái vú trong Pháp ngữ). Thế là, nữ lưu các vị ở trên, Bùi Giáng ký dưới cứ rên hừ hừ. Thơ kiểu lục bát thì tỉnh bơ ký BG và Tố Như, còn sang đường luật thì là văn xuôi, tuyên bố ngôn ngữ là ngôi nhà của tồn thể và cứ thế quậy cho… nát nhừ những nghĩa cùng ngôn, thò tay xem cái lò tôn (đọc lái kiểu Bùi Giáng, là tồn lo, là…) là gì. Tóm lại, đọc để hiểu tư tưởng Bùi Giáng quả là bất khả, nhưng có những thoáng thiên tài nhấp nháy ánh sao sa, và những phút giây khiến vỗ đùi cười phá lên vì không thể nhịn mà được. Tỉ dụ:
Những ánh sao sa:

Khoa học giết người …khoa học ngây thơ được phép không ngờ…đã hồn nhiên gây bóng tối. Triết học giết người …và ít ai hiểu rằng sở dĩ khoa học giết được nhiều con người đến thế là chính bởi triết học khốn nạn đã dọn đường, chính triết học hư tà đã phạm tội trước tiên… Sự lầm lẫn tai hại của các triết gia-học giả đã tàn phá triết học thi ca suốt bao nhiêu thế kỷ, và dẫn con người thời đại này tới đầu hàng cơ giới duy lý duy vật một cách nhục nhã. (trích Tựa thứ hai, sách dẫn ở trên).
Luận lý học là tạo phẩm lai rai của nhà trường, của học giả. Triết nhân nếu có sử dụng luận lý học thì bao giờ cũng sử dụng với những hậu ý, coi luận lý học như một phương cách tạm thời giúp ta đạt được một cái-gì-khác lung linh hơn…Từ bao nhiêu thế kỷ tư tưởng của tinh anh đã hao mòn trong vòng vây của luận lý. Người ta đo tư tưởng theo tiêu chuẩn lệch lạc. Buộc cá phải bò trên bãi cát? Buộc chim phải lội dưới dòng sông?…Tất cả vấn đề là: làm thế nào cho xoang điệu hào hoa đừng bị đánh chìm bởi luận lý cò kè đo đếm, bớt một thêm hai. .
Sau nghìn thế kỷ của ba trăm năm điêu tàn sa mạc, con người Trí Thức Trưởng Giả Da Vàng…vừa thống thiết tự xưng “ta Ðông phương da vàng” vừa lém luốc dòm dỏ theo đuôi “em Tây phương tiến bộ văn minh da trắng”…Ðông phương đã tiếp tục ngủ vùi giữa những trầm thống thất thanh kia. Và lúc sực tỉnh ra thì chỉ biết thống thiết chạy theo đuôi một cái đuôi hút heo tan nát, vừa chạy theo đuôi vừa gào to lên rằng mình vớ chộp được một cái đầu thật bự! (Trích Tựa cho Mùa Xuân Hương Sắc, An Tiêm,1990, tái bản lần1).

Vỗ đùi mà cười phá lên:

Nhưng tinh hoa của tư tưởng tồn sinh chính là ở chỗ chập chờn- tồn hoạt, hắt hiu -tồn động, lây lất- tồn lung. Luôn luôn phải xin mở những dấu ngoặc để nói chuyện đầu Ngô đuôi Sở, là cố công cố gắng để đi sát nhịp với tồn sinh…Và nói chuyện đầu Ngô đuôi Sở xong, thì xin phép đóng dấu ngoặc lại, để xuống dòng bàn đến chuyện đầu Sở đuôi Ngô khác. Bởi vì nếu không tiếp tục bàn chuyện khác cũng đầu Ngô đuôi Sở thì ta sẽ rơi vào cái lỗi của hệ thống ngu si dập dìu những Waelhens những Jean Wahl những Sartre cứ lục tục nối đuôi nhau – nhưng không nối đuôi được đẹp đẽ như chuồn chuồn – để tết dệt hàng hàng những lách lau bá láp (TTHÐ, tr 103).
Cuộc “cách mạng” tư tưởng của học thuyết Sartre chỉ mở đường cho tư duy xuống dốc (ta hết sức tàn nhẫn mặc dầu ta yêu Sartre gần bằng Trang Phượng. Và mến Sartre hơn bao kẻ hương nguyện. Và không muốn quên cái công của Sartre – không phải công với triết học mà là công với dế mèn – nhưng không thể nào không đậâp ngươi vì bổn phận đối với lá cỏ cồn mà ta yêu quí. Ðập ngươi, ta rất đau lòng). Chủ nghĩa hiện sinh theo điệu Sartre sẽ sớm chầy bắt tay với duy – vật và suy – tư – khoa – học – máy móc. ( TTHÐ,tr. 147).
Tại sao một đêm ăn trộm bằng ba năm làm? Những bọn cầm bút phê bình cha-chú, ru rú rúc rào, lấp lơ giả vờ đứng – đắn – ta – đây để bổ nhào đè lưng kẻ làm vườn mồ hôi nhuễ nhoại – vâng – những bọn đó nên suy gẫm kỹ một cái câu này.(TTHÐ,tr. 183).
TTHÐ, tr. 364:

“I’ve seed de fisst en de last”, Dilsey said, “Never you mind me”.

“First en last whut?” Frony said.

“Never you mind”, Dilsey said. “I seed de beginnin, en no I sees de endin”

Bùi Giáng dịch (giọng Quảng) :

Tôa đỏa thếy ké đòa ké cuếi.

Chớế ngeại chi têoa, Chớế lôô chi cho têao.

Ðêầu cuếi ké chi?

Chớế lôô ngeại chi chô têao hếếc.

*
Tết năm con khỉ cách đây hai giáp, tôi đến thăm Trịnh Công Sơn và gia đình thì Bùi Giáng đã ở đó, áo trắng (sạch sẽ, chắc để đi ăn Tết), nhưng mặt mũi thâm tím. Sơn vỗ vai tôi, bảo tên này cũng làm thơ. Giáng cười móm mém, vờn vờn đi kiểu hát bội, vòng quanh tôi hai vòng, mắt chằm chằm nhìn tôi như một con vật lạc loài nơi phố thị. Ðập đập lên vai, sờ sờ nắn nắn, Giáng làm điệu bộ đánh hơi, ước giá, miệng kêu khìn khịt, mắt hấp háy tinh quái. Thình lình, Giáng thò tay trái ra bắt, hố hố, “Ðười ươi thi sĩ, đích danh tại hạ!” rồi đưa tay lên trán chào kiểu nhà binh. Năm Dao hỉ! Giáng ré lên, chỉ trỏ cười, huyên thuyên nói thứ ngôn ngữ pha Anh Pháp Ðức Việt và ba lăng nhăng đủ loại âm thanh, nói liền năm bẩy phút, không cho ai cắt lời, chẳng cần ai hiểu. Tôi ngớ ra, lúng túng nhìn Giáng, chỉ biết cười cười. Sơn kêu, ông nội này phá quá trời quá đất. Giáng mặc, cứ tiếp tục, thình lình lăn cù xuống đất, lộn ngược đầu, xoay vòng vòng, lăn từ trong nhà ra sân, rồi lại từ sân lăn vào, tiếng da thịt đụng xuống nền đất bình bịch. Tôi kinh hoảng. Hình như cả nhà Sơn đã quen với cái cảnh này, chẳng ai lộ vẻ ngạc nhiên. Sơn đủng đỉnh, chút chả hết cơn, không sao đâu… Mươi phút sau, Giáng thôi ngọ nguậy, nằm thở hồng hộc. Một lát, Giáng lồm cồm ngồi lên, mặt mũi tươi rói, có vẻ không nhớ gì những giây phút vừa qua. Phải chăng, tôi tự hỏi, Giáng vừa tìm lại một thứ quân bình giữa cái thể và cái trí chừng như cái nọ làm lệch cái kia. Bất ngờ, anh nhìn chằm chằm vào mắt tôi, giọng Quảng đặc sệt, dịu dàng: “Có sống như thơ thì mới làm thơ được”.
Thơ Bùi Giáng. Phải nói, nhiều người đã xưng tụng thơ Giáng. Cũng nhiều người, nhăn mặt kêu, thơ đang hay bỗng trửng giỡn, mất hay. Nhưng nói gì thì nói, ai cũng nhận rằng Bùi Giáng là một nhà thơ. Và là một huyền thoại sống.
Tôi biết một đêm ăn trộm bằng ba năm làm, không chơi trò ru rú rúc rào, nhưng xin thưa với Ðười Ươi thi sĩ những bài thơ của anh mà tôi trân trọng. Trong tập Mưa Nguồn (1963), bài Người đi đâu, với

Trời vi vút én liệng vòng hớt hả.
Ði đi em nguồn giậy mộng chiêm bao.
Về thao thức canh chầy tìm trở lại.
Bốn chân trời người đứng ở nơi nao.

Rồi bài Phương Hà, nhất là đoạn:

Trời tuổi trẻ bụi nào về vây hãm.
Giữa mịt mờ trăng nước lạnh liên miên.
Hoài vọng uổng bên nỗi đời thê thảm.
Hờn núi sông anh lạc xứ xa miền.

Trong Mắt Buồn, hai dòng như thể chuỗi hạt trai, rằng:

Bây giờ riêng đối diện tôi.
Còn hai con mắt khóc người một con.

Cuối cùng, Mai Sau Em Về, trác tuyệt bất ngờ là hai câu:

Em về mấy thế kỷ sau.
Nhìn trăng có thấy nguyên mầu ấy không.

Ðến tập Lá Hoa Cồn (cũng 1963), tôi yêu lục bát Bùi Giáng, và nhận ra anh là đứa em cuối cùng của Tố Như Tử (chứ chẳng phải Nguyễn- Bính- ca- dao hay Phạm- Thiên- Thư- vô -thanh – vì- không- đủ -đoạn- trường). Với Dệt Áo, hãy nghe:

Áo vàng xin dệt cho em.
Tơ vàng ai lựa sợi mềm tay đan.
Mai sau để lại hoe vàng.
Cầm nghe có thịt da nàng ở trong.

Còn Sa Mạc Phát Tiết, đoạn cuối khiến châu thân lạnh toát rợn người:

Thưa em trời chẳng cho gần.
Ðường vô hạn trắng tử phần ban trưa.
Ðêm vần vũ bạc phau xưa.
Hồn sa mạc phát tiết mưa ra ngoài.

Bây giờ, lần dở Ngàn Thu Rớt Hột (lại cũng 1963) và nghe Bùi Giáng lên cơn tếu trong Gởi thôn nữ Vĩnh Trinh, kêu ca:

Tấm quần em rách đường tơ.
Cỏ trong mình mẩy bâng quơ mọc nhiều,

rồi sau lại hỏi:

Bây giờ em đứng nơi đâu.
Cỏ trong mình mẩy em sầu ra sao.

Chưa hết, làm xong mấy khổ lục bát, Giáng tái bút:

Gắng thu xếp gấp rồi vào. Tấm quần năm trước phai màu rồi phải không. Trong này thiên hạ rất đông. Ăn mặc thật đẹp nhưng trông không mặn mà bằng em.

Anh viết cứ như thật! Em nào chịu cho nổi cơ chứ?
Ðến Màu Hoa Trên Ngàn (lại 1963), Bùi Giáng vẫn cứ phong độ, thơ trào ra, có tệ thì thi thoảng xuống mức thường thường bậc trung, nhưng chỗ này chỗ kia vẫn lấp lánh những ánh sao băng kỳ diệu. Em về mấy thế kỷ sau lại được lập lại (sau đó thêm một lần nữa thì phải) trong bài Em Về Ra Sao. Xin chép:

Em về mấy thế kỷ sau.
Hồn ngân tiết điệu câu chào vọng qua.
Em đi lòng độ giang hà.
Cỏ mùa thu mọc chớm già chợt non.

A, cái tứ thơ lạ, em về nhưng lại mấy thế kỷ sau, tại sao hở em?
Chỉ nội một năm 1963, Bùi Giáng ra thêm Màu Hoa Trên Ngàn, tức là 5 tập thơ. Thêm vào, Martin Heidegger và Tư Tưởng Hiện Ðại I và II, rồi Sao Gọi Là Không Có Triết Học Heidegger, là hai cuốn sách lý luận biên khảo. Và chỉ một năm thôi, là thừa cho một đời văn: anh đã để dấu ấn Bùi Giáng trong văn học và thi ca. Từ 1955 đến 1975, Giáng viết khoảng 46 (47?) tác phẩm, đủ thể loại, từ sách Giáo Khoa đến Dịch Thuật. Sau 75, anh không sung sức như trước, nhưng thơ anh thấm thía trạnh lòng hơn, và cũng hoài nghi hơn, đôi khi có chút uỷ mị chua xót, nhưng gì thì gì, vẫn ngộ nghĩnh. Tôi chép ba bài tôi cảm:

Bao giờ

Bằng bút chì đen
Tôi chép bài thơ
Trên tường vôi trắng
Bằng bút chì trắng
Tôi chép bài thơ
Trên lá lục hồng
Bằng cục than hồng
Tôi đốt bài thơ
Từng phút từng giờ
Tôi cười tôi khóc bâng quơ
Người nghe cười khóc có ngờ chi không
Một đời
Một đời đâu chốn đâu nơi
Ðâu người đi kẻ ở đời đâu đâu
Em đi từ tỉnh mộng đầu
Một mình anh ở mang sầu trăm năm
Em từ vô tận xa xăm
Trùng lai chất vấn: từ trăm năm nào?
Gió
Gió qua đồi núi cheo leo
Gió chào em Mọi bên đèo đầu truông
Giữa đèo rốt cuộc một muôn
Bên giòng suối mát cởi truồng ngồi chơi
Nhân vì có việc qua đồi
Thấy em xinh đẹp tôi ngồi ngắm em
Thế rồi công việc bỏ quên
Chỉ còn có biết ngắm em thôi mà
Về sau khắp bến giang hà
Nơi nào cũng thấy ngọc ngà đèo truông

Phải nói, bài Bao Giờ hay, có chất Apollinaire, một nhà thơ người Pháp Giáng trân trọng. Bài Một Ðời trung trung, được câu chót, bất ngờ, nâng cấp bài thơ lên một tầng siêu hình. Bài chót, Gió, mới đọc thì thường, quá thường, loại thơ kể chuyện. Nhưng không hiểu sao nó ám ảnh. Em Mọi man sơ nay thay những kiều nữ môi son má phấn Kim Cương, Malyn MốngLồ, Bizít Bàđô? Sao thế nhỉ? Thơ lại thơi thới, hân hoan, giản dị, thực thà, ngộ nghĩnh và trẻ thơ. Nhất là vào những phút cuối đời! Sao trẻ thơ được thế nhỉ?
Sống như thơ thì mới làm thơ được!
Nhưng sống thế nào là sống như thơ, anh Giáng? Khà khà, là sống, thế thôi. Sống như anh là lang thang phiêu bạt, không cứ sở để cứ bàng hoàng nỗi niềm cố quận. Chẳng danh chẳng lợi, ôi chuyện phù hoa. Không quá khứ không vị lai, tại thể phải ngay đây, chốn này, tức thì, quyết liệt từng giây từng phút tồn lưu. Chân thành với cả hư vô và hữu thể, tránh màu mè uốn éo giả dạng này kia. Thôi ảo vọng, nhận mặt cuộc phù sinh như bạn đời chăn gối, và gối chăn là sao trời là huyễn mộng ta gắn cho cô em cái tên để thành hiện thực mầu nhiệm lung linh…
Thế thôi sao? Quay hỏi tiểu đồng, sao mặt mũi ổng thâm tím thế? Tiểu đồng đáp, ổng zô hẻm, lộn đầu trồng cây chuối chổng đít lên trời đi bằng tay, bên trên hẻm có căng biểu ngữ nền đỏ chữ vàng, kẻ “Không có gì quí bằng độc lập tự do…”. Công an kêu, ổng tỉnh bơ. Nó chặn nó uýnh, uýnh xong ổng lại lộn đầu chổng đít đi ra. Nó biểu, chống chính quyền hả. Ổng cười. Lại bị uýnh, lần này lết không nổi. Người bầm dập, mang về bóp thuốc, chưa khỏi thời ổng lại tới con hẻm, bắt đền, đòi quyền sống. Sống thế, cũng là sống như thơ à? Tức phải trung thực. Phải tự do, tự do tuyệt đối, bất kể bất cứ quyền lực nào vây bủa o ép, sẵn sàng sống chết đổi lấy một thứ giá trị người đời cho là trừu tượng viển vông…
Có phải có thế thì mới sống với và bằng những con chữ mà không mang thân phận mang kẻ bất lực chăn chiếu đang gượng leo lên giường rồi quay mặt không dám nhìn bà sồn sồn quyền thế nằm ngửa dạng chân? Khi Tố Hữu leo đến tuyệt đỉnh quyền lực, anh em văn nghệ kể, Bùi Giáng đến trước số 160 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, giữa trưa réo, ông Lành ơi, ông làm chi mà chúng nó đày đọa văn chương thế này? Nghe Giáng gào thét, ai nấy im lặng. Người đứng, đứng yên. Người ngồi, ngồi yên. Nhột và ngột. Giả tảng không hiểu, nhưng chẳng ai dám nhìn vào mặt ai. Chẳng ai xuống mở cổng mời ông vào, rót cho ông chén nước, mặc để ông cứ gào, ông gào như thế chóng chầy chắc sẽ rách toạc cuống cổ.
Một buổi tối năm 88, Trịnh Công Sơn đưa tôi đến chỗ cõi tạm Bùi Giáng, trong một khu vườn nhà cháu ông, một người tôi cũng quen biết. Chúng tôi mới mon men vào, đèn bỗng tắt ngúm. Sơn khe khẽ gọi, anh Giáng ơi, Sơn đây. Ðèn lại bật. Sơn hả? Bùi Giáng đẩy cửa, tươm tất, sạch sẽ, thậm chí đỏm dáng, áo quần râu tóc trắng tinh. Chiếc màn buông quanh chiếu, cũng trắng, và thoang thoảng trong không gian là mùi hương mới đốt. Bùi Giáng không điên như người đời tưởng. Anh điên cách của anh, có chọn lựa và rất ý thức. Anh dịch lời Pascal, người ta vốn điên, điên một cách thiết yếu đến nỗi không điên cũng là điên theo một lối khác. Và nói cho cùng, Nietzsche điên, Heidegger điên, Hölderlin điên… Trang điên, Lão điên, Thích Ca cũng điên… Thì anh, kẻ nòi tình đến sau, muốn về nơi họ chắc không điên chẳng được. Và khi anh tỉnh, rất uyên bác với một trí nhớ kinh điển khủng khiếp, thì ai mới là những người điên nhỉ? Năm đó, lần cuối tôi gặp anh là dịp ta cùng gặp Trần Dần. Cũng lần cuối.
Trở về chuyện Bùi Giáng, huyền thoại sống. Thiên hạ bốn phương cần huyền thoại vì phải chăng sống như thơ là một nhu cầu hằng tưởng nhưng bất khả đạt? Vì trung thực là một tất yếu của cuộc tồn sinh? Tự do, sự sống còn của tồn thể? Và nghịch ngợm, hóm hỉnh, hân hoan là cái hạnh phúc tồn hoạt. Nhưng những cái tồn (nọ, kia) theo chữ Bùi Giáng, ít người biết anh định nói chi. Ngược lại, người người biết anh sống cái gì và sống ra sao. Và có thế anh mới thành huyền thoại. Với bài thơ Gió và cô em Mọi, anh hoàn nguyên chất trẻ thơ. Anh thật may: trung niên thi sĩ gầm gừ tác phong mãnh hổ đã hoá thân ra đứa trẻ lúc cuối đời là giấc mơ của Nietzsche. Hình ảnh Bùi Giáng áo quần chằng đụp đủ mầu như một lão đạo sư nghễu nghện trên đỉnh ảo một đời thơ không là huyền thoại. Anh thực sự có đó khi xưa, và vẫn đây trong tâm tưởng tôi bây giờ, với nụ cười móm mém hiền hòa, ánh mắt tinh quái nhưng dịu dàng. Câu anh thốt, sống như thơ thì mới làm thơ được, vẫn đâu đó theo tôi đằng đẵng một thời.
Cứ nhớ bạn, lại mất ngủ. Nhớ anh, lại nhớ Sơn và căn vườn treo phố Duy Tân. Nhớ ánh nắng xế trưa hoe vàng đậu trên những tàn lá cây me dưới cái màu xanh ngăn ngắt của trời cao độ lượng. Bây giờ, đêm ở đây. Tôi lục lại dăm tấm ảnh, mấy bức thư còn ấp chút hương xưa một thời quá vãng. Một mảnh giấy nhỏ xíu mầu vàng rơi xuống. Không phải lá muà thu, dẫu ngoài kia, trời đã lạnh và rừng phong cạnh nhà đang chuyển sang màu đỏ.
Mảnh giấy đèo bồng hai hàng chữ nguệch ngoạc :

Người đâu gập Búi Giáng Bùi
Hỏi thiên thu, gió, buồn vui những gì?

Xin chào, anh Bùi Giáng. Mùa Xuân phía trước miên trường phía sau. Rồi sẽ một ngày tái ngộ, hẳn thế. Với anh, với bạn bè và những kẻ nòi tình.

Nam Dao

(gửi BG, 5 năm khuất mặt )

 

 

 

 

Buổi sáng Thị Ngạn Am

Nguyễn Đạt

 

Căn phòng đầu tiên, phía tay trái, khi vừa hết những bậc cấp dẫn lên tầng trên của một dãy phòng ốc trong chùa Già Lam, đấy là am của thượng tọa Tuệ Sỹ, được đặt tên là Thị Ngạn Am. Là Bờ. Hồi đầu thị ngạn, quay đầu nhìn vào là bờ. Nhìn thẳng vào tâm mình. Trực chỉ nhân tâm / Kiến tánh thành Phật.

Đã nhiều ngày tháng, cứ chiều chiều, tôi tới thăm, uống trà cùng thầy Tuệ Sỹ, ở ngoài hiên sau của Thị Ngạn Am, nhìn xuống khoảnh vườn trước đây là khoảng đất trống có vài ngôi mộ cổ. Hiển nhiên thầy là vị tu sĩ khả kính như mọi người đã biết, nhà Phật học uyên bác có một không hai, như Bùi Giáng từng bảo vậy. Và người thi sĩ độc đáo nhất Việt Nam còn viết trong “Đi Vào Cõi Thơ”, thầy Tuệ Sỹ là một nhà thơ vô cùng uyên áo. (Tôi không nhớ rõ nguyên văn, nên tạm nói ý Bùi Giáng như vậy.) Và tôi cùng thấy như Bùi Giáng, rằng điểm căn cốt ở vị tu sĩ khả kính, chính là: Tuệ Sỹ, một nhà thơ. Đến thăm thầy Tuệ Sỹ buổi sáng này, tôi nghe thầy nhắc tới một bài viết của Nguyễn Đình Toàn trên báo hải ngoại. Bài viết có ý nói rằng, hình như Tuệ Sỹ là một nhà thơ ẩn trong một nhà tu. Thầy Tuệ Sỹ nhắc tới ý đó của Nguyễn Đình Toàn, với niềm vui hiện rõ trên gương mặt. Nên, từ bấy lâu nay tới thăm thầy Tuệ Sỹ, thực chất là tôi tới thăm một người bạn văn nghệ, đặc biệt ở chỗ tôi gọi là nhà thơ là “thầy” một cách đầy kính yêu, thân thiết. Một nhà thơ sống ở nơi gọi là “Thị Ngạn Am”.Quá nhiều những buổi chiều “trà đạo” cùng thầy Tuệ Sỹ, một người từng bị cộng sản lên án tử hình, rồi bị giam giữ suốt quãng đời tuổi trẻ trong lao tù…

Nhưng buổi sáng này…

Nhìn lên vách tường Thị Ngạn Am treo trang giấy viết hai dòng thơ bằng chữ Nôm rất đẹp, thơ của Thị Ngạn (tức thầy Tuệ Sỹ), tôi xin thầy Tuệ Sỹ một bản chép lại để mang về. Thầy Tuệ Sỹ vui vẻ thực hiện ngay. Trải trên sàn gạch tờ giấy có in ba chữ “Thị Ngạn Am” ở đầu, thầy Tuệ Sỹ gò lưng như một ông đồ thưở xưa, nắn nót viết câu thơ Thị Ngạn bằng chữ Nôm: Năm chầy đá ngủ lòng khe / Lưng trời cánh hạc đi về hoàng hôn.

Nhưng buổi sáng này…

Tôi chẳng nhớ lúc ấy tâm trạng mình ra sao, đạp xe trên những con đường qua thị trấn. Tới nhà ga, quẹo vào. Quẹo xe, liền nhớ một câu thơ Viên Linh: À xe ta quẹo lối này. Vào nhà ga, tức thời nhớ hai câu thơ Bùi Giáng: Môi cười ở cuối sân ga / Phố là cố quận nay là tiễn nhau. Thi ca thần diệu thật, tôi vừa nhớ tới Bùi Giáng thì tôi nghe tiếng hét, ông Bùi Giáng kêu tên tôi: Dã quỳ đại ca! Ông Bùi Giáng xách bị tới nhà ga Thủ Đức. Ông Bùi Giáng lúc nào cũng mang theo cái bị, nó là cái bao tải bẩn thỉu, tôi chưa từng hỏi ông đựng những gì trong đó, ông cũng chưa từng tiết lộ mình đựng những gì trong đó. Có một lần tôi biết trong cái bao tải có chó con, không biết là mấy con, nghe tiếng chúng kêu, rên ầm ỹ. Tôi hỏi ông, có mấy con trong cái bao, ông nói quên chưa đếm, cũng may sau đó ông không trút ra để đếm.

Lần này ông Bùi Giáng tiết lộ: “Có một bao thuốc lá Điện Biên trong bị đây, đại ca cùng trẫm gạ bán lại cho hàng thuốc lá nào đó, lấy tiền uống rượu.”

Ông Bùi Giáng đi bộ, vai mang cái bị. Tôi cũng đi bộ, tay dắt cái xe đạp, nó cũ kỹ xộc xệch, không chở đôi được. Chúng tôi đi mời chào gạ bán bao thuốc lá Điện Biên cùng khắp dọc đường từ Thủ Đức về Bình Triệu chẳng ai mua. Ông Bùi Giáng bảo: “Đại ca chớ buồn, mà phải vui. Không ai mua thuốc lá Điện Biên, vì đây là thuốc lá Việt cộng, dân chúng tẩy chay thuốc lá Việt cộng.” Ông Bùi Giáng cùng ngồi xuống với tôi, trên lề đường, phía ngoài nhà ga Bình Triệu, chắc hẳn đôi chân ông cũng rã mỏi như đôi chân tôi. Ấy tuy nhiên, sau lưng hai người là một nhà ga, cuối sân ga có nụ cười.

***

Sau đó nữa, tôi gặp Vi Diệu, trong một hiệu sách quốc doanh gọi là Hiệu Sách Nhân Dân. Tôi vào đó để mua bộ sách Lê-nin toàn tập, gồm mấy chục cuốn, giấy trắng mịn mỏng như giấy sách Kinh Thánh, những người mua giấy cân kí trả giá rất cao, gấp nhiều chục lần giá mua từ hiệu sách nhân dân. Với tiền bán bộ sách này, tôi có thể chi tiêu rộng rãi cả tháng, nên tôi cố mua cho bằng được. Những người phụ trách bán sách ở các hiệu sách nhân dân tại Sài Gòn đều biết vụ việc đó, nên họ chỉ bán cho những ai có giấy giới thiệu của ngành văn hóa thông tin. Cái giấy quý giá này, thỉnh thoảng tôi mới xoay xở được.

Tôi vào Hiệu Sách Nhân Dân ở con phố gần nhà, nhà của cha mẹ, xem còn bộ sách Lê-nin toàn tập nào không. Nếu còn, tôi sẽ đi xoay xở giấy giới thiệu. Cô gái đứng sau quầy thu hút tôi ngay lập tức. Cô hơi cúi đầu xuống, đọc sách gì đấy, tóc thả hai bên khuôn mặt thanh tú trong trẻo. Dáng người thanh mảnh càng thêm vẻ rét mướt cao nguyên, cô gái thu mình thêm cho sự tập trung đọc sách. Thay vì hỏi về bộ sách Lê-nin toàn tập, tôi hỏi cô đang đọc cuốn sách gì.

Cô gái mỉm cười, nâng cuốn sách cho tôi thấy bìa sách: Ngàn Thu Rớt Hột.

Tôi bắt chuyện dễ dàng, nói về Bùi Giáng, cả về thơ lẫn về người. Tất nhiên sau đó tôi biết tên cô gái, Nguyễn Thị Xuân Diệu. “Chắc ba hay má cô thích thơ Xuân Diệu?” Cô gái lại mỉm cười, nói: “Có lẽ ba tôi chỉ thích cái tên đó, đặt tên cho tôi, trùng tên nhà thơ Xuân Diệu mà thôi.” “Còn cô có thích thơ Xuân Diệu?” Cô gái cười thành tiếng nhỏ, răng thật đẹp, có một chiếc răng khểnh, “Có lẽ tôi thích thơ Xuân Diệu nhiều hơn vì cái tên chứ không phải vì thơ Xuân Diệu.”

Tôi nhìn xuống mặt quầy, một bàn tay cô gái úp trên trang sách, những đường gân xanh hiện rõ. Tôi hỏi cô đọc thơ Bùi Giáng nhiều không, cô nói: “Tôi đọc thơ Bùi Giáng từ hồi học ở Đại học Vạn Hạnh. Hồi đó vẫn thường thấy ông Bùi Giáng với cái bị.”

Tôi kể chuyện ông Bùi Giáng gạ bán bao thuốc lá Điện Biên để lấy tiền uống rượu, cô gái hỏi: “Thế anh cũng không có tiền à?” “Thỉnh thoảng cũng có. Chẳng hạn khi nào có giấy giới thiệu mua Lê-nin toàn tập.” Cô gái nhìn tôi, cái nhìn lo lắng, “Bây giờ anh có giấy giới thiệu không?” Tôi lắc đầu, nói: “Khó là cái giấy giới thiệu.” Cô gái nghĩ ngợi một chút, nói: “Thế anh có tiền lấy bộ sách này không?” “Chẳng lẽ lại không có!” Cô gái bán cho tôi bộ sách Lê-nin toàn tập không cần giấy giới thiệu.

***

Tôi lại gặp ông Bùi Giáng, dĩ nhiên lại gặp cả cái bị, ở khu vực Viện Hóa Đạo cũ, một vài ngày sau khi tôi có tiền rủng rỉnh vì Lê-nin toàn tập. Ông vận chiếc áo khoác rất đẹp, ông nói của Công Thế Cường ở Mỹ về tặng. Tôi biết Công Thế Cường, một chàng rất đẹp trai, làm ở ngành ngoại giao thời tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, nghĩa là một chàng bảnh bao trăm phần trăm, chiếc áo khoác chàng tặng nhà thơ đẹp như xứ sở Hoa Kỳ.

Ông Bùi Giáng nhìn tôi, ánh mắt sáng lên một vẻ điên dại, “Chớ nhà ngươi tưởng ta vận áo đẹp khơi khơi như vầy hả? Đi với ta, tới gặp một trang quốc sắc.”

Ông dẫn tôi tới con phố nhỏ hẹp, đường Trần Văn Văn cũ, dừng lại trước một căn nhà nhỏ, cửa sắt đang đóng. Ông đặt cái bị xuống, mở cửa sắt, tiếng kêu rít vang lên, ông đứng giữa chỗ trống, ngang tàng như một hiệp sĩ thời Trung Cổ.

Cô gái đẹp, tôi cho rằng chỉ có khuyết điểm là vẻ mũm mĩm, và một vẻ tươi thắm quá tràn đầy, ông Bùi Giáng giới thiệu cô gái là Người Đẹp Hồng Ngự. Tôi liền nhớ tới (Nguyễn Thị) Xuân Diệu, quyết định sẽ dẫn ông Bùi Giáng tới, ngay sau khi rời nhà người đẹp Hồng Ngự.

(Nguyễn Thị) Xuân Diệu bối rối khi gặp nhà thơ Bùi Giáng bằng xương bằng thịt. Ông Bùi Giáng hỏi chuyện giọng oang oang, cô gái trả lời lí nhí trong cổ họng. Nhà thơ xé bao thuốc lá, lấy miếng giấy bạc bên trong, viết hai dòng thơ tặng: Gọi là Vi Diệu cô nương / Mùa Xuân hương sắc xin nhường cả hai.

Những ngày sau đó tôi tới thường xuyên, gần như ngày nào cũng tới Hiệu Sách Nhân Dân, không phải để rình mua bộ sách Lê-nin toàn tập, mà chỉ để gặp Vi Diệu, bởi từ lúc này, như thơ ông Bùi Giáng viết tặng cô (Nguyễn Thị) Xuân Diệu, cô là Vi Diệu của đời tôi. Cô luôn đứng sau quầy, tôi đứng trước quầy, một khoảng cách quá thân mật cho hai người đối diện thì thầm. Ấy tuy nhiên, dù đã thân thiết, dù tôi rất muốn nắm bàn tay gầy guộc nổi gân xanh của Vi Diệu, vẫn chưa một lần tôi chạm tới. Có một lần, chợt nhìn thấy một bàn chân của Vi Diệu phía dưới quầy, tôi thầm cảm ơn cái quầy hổng, không che kín sát đất, bàn chân ấy đặt trên chiếc hài, tôi rút chân tôi ra khỏi giày, đặt bàn chân ấy lên chân Vi Diệu.

Cô vội rút chân ra khỏi chân tôi, im lặng một lúc, hỏi tôi: “Anh có đọc truyện Mối Tình Chân của Nhất Linh rồi chứ?”

Một ngày sau đó không lâu, tôi không muốn nhớ: Vi Diệu cho tôi biết, cô đã đính hôn. Anh Phan Đình Mỹ Kim, và tôi được ai đấy cho biết, anh Kim sắp đi Mỹ, diện HO, bởi là con của ông tướng Lam Sơn – Phan Đình Thứ. Trước ngày thành hôn với con ông tướng Lam Sơn, Vi Diệu nói trả lại những gì tôi đã viết gửi cô, chỉ giữ lại miếng giấy bạc trong bao thuốc lá của ông Bùi Giáng. Tất nhiên tôi chẳng cầm lại những thứ ấy làm quái gì, tôi nói Vi Diệu muốn liệng đi đâu thì liệng. Vi Diệu nói: “Tôi không thể liệng đi được. Anh không chịu nhận lại, muốn tôi đốt thành tro rồi uống phải không?”

Tôi nói tất nhiên tôi không hề muốn như vậy, tôi chẳng muốn cái gì cả. Muốn như vậy cũng chẳng được, mà có được cũng chẳng để làm gì.

Bây giờ Vi Diệu ở Hoa Kỳ, rất có thể cô đọc báo mạng Tiền Vệ, nghĩa là cô có thể đọc những gì tôi viết ở đây. Anh Phan Đình Mỹ Kim cũng có thể đọc. Nếu thấy chi tiết nào làm anh Kim khó chịu, Vi Diệu hãy nói giùm tôi: Đây là văn truyện của một anh chàng tên là Nguyễn Đạt, muôn đời ở Việt Nam, bạn của cái ông nhà thơ điên Bùi Giáng ấy mà! Mấy ông ấy điên khùng lắm, có gì mà phải chú ý, để tâm…

***

Nhưng buổi sáng này…

Nhớ lại nhìn lên vách tường Thị Ngạn Am treo trang giấy viết hai dòng thơ bằng chữ Nôm rất đẹp, thơ của Thị Ngạn. Rồi thầy Tuệ Sỹ gò lưng như một ông đồ thưở xưa, nắn nót viết câu thơ Thị Ngạn bằng chữ Nôm: Năm chầy đá ngủ lòng khe / Lưng trời cánh hạc đi về hoàng hôn.

 

Nguyễn Đạt

 

 

Bùi Giáng, hồn thơ bị vây khổn

Thanh Tâm Tuyền

Đối với đa số, Bùi Giáng là một nhà thơ điên. Không nhắc đến bọn tục, bọn tỉnh, bọn khôn suốt cả đời chẳng một giây nào thèm “thơ” đến tuyệt vọng, nói ngay những người quí ông – nhìn được ông như một thiên tài, thiên tài tự huỷ ghê gớm nhất của thi ca Việt nam hiện đại – nhiều khi cũng né tránh, chẳng dám bước hẳn vào cõi thơ ông, hoặc có bước vào thì cũng theo cái lối “chân trong chân ngoài”, “mắt trước mắt sau”, cười cợt vui đùa hay nghiêm trọng lố bịch, tưởng như thế là làm thuận ý, vui lòng nhà thơ – người bầy trận nghiêm trọng và ta nên chiều người.

Chính thái độ của những kẻ yêu ông, những kẻ ghét ông chẳng đáng nói, càng khiến ông phát “bẳn”, càng khiến ông phát “điên” (điên tiết), càng khiến nhà thơ thêm lạc lõng, “một mình một cõi”, càng đẩy ông tới chốn hoang vu bờ bãi, chơi với mọi với beo, với gấu, với châu chấu, chuồn chuồn.

Không. Bùi Giáng không điên. Ông là một nhà thơ sáng suốt, cực kỳ. Ông là một nhà thơ “ngộ”. Đừng hiểu chữ “ngộ” trong cái nghĩa đơn giản của đạo giáo, Bùi Giáng sẽ nhăn mặt nổi quạu, ông có thể sẽ tông cửa chạy tuốt xuống Biên Hoà ngay lập tức. Hãy để cho tiếng ấy “phiêu bồng” từ Nam chí Bắc qua mọi nghĩa có thể có: (ngộ dại, giả ngộ, ngộ quá ta, ngồ ngộ, ngộ không, ngộ nhận, ngộ độc…)

Từ buổi đầu Bùi Giáng đã nói :

Tôi chấp thuận trăm lần trong thổn thức
Tôi bàng hoàng hốt hoảng những đêm đêm
Tôi xin chịu cuồng si để sáng suốt
Tôi đui mù cho thoả dạ yêu em

Tôi tự nguyện sẽ một lòng chung thuỷ
Qua những lần buồn tủi giữa đảo điên
Thân xương máu đã đành là uỷ mị
Thì xin em cùng lên thác xuống ghềnh

Em đứng mũi chịu sào có vững
Bàn tay bưng đĩa muối có chấm gừng
Tôi đã nguyện yêu trần gian nguyên vẹn
Hết tâm hồn và hết cả da xương

Xin yêu mãi mãi và yêu nhau mãi
Trần gian ôi! cánh bướm cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại
Con vi trùng sâu bọ cũng yêu luôn.

Còn ở lại một ngày còn yêu mãi
Còn một đêm còn thở dưới trăng sao
Thì cánh mộng còn tung lên không ngại
Níu trời xanh tay với kiễng chân cao.
(Phụng Hiến)

Bùi Giáng đó, Bùi Giáng của Mưa Nguồn “bát ngát” mặc dù những “đảo điên” không ngớt, còn nguyên vẹn đến giờ nếu chúng ta gặp Ông đúng lúc.

*

Muốn gặp Bùi Giáng hãy ngao du theo dấu chân Ông để lại, hãy đánh mất mình trong cuộc Lữ, hãy chịu cuồng si để sáng suốt. Nghĩa là hãy “thơ mộng” như Ông.

Chẳng khó khăn lắm đâu.

Hầu như Ông đã mở sẵn những cửa mời gọi kẻ đồng điệu.

“Thơ là cái gì không thể bàn tới, không thể dịch, diễn gì được. Người ta có thể diễn tả một trận mưa rào bằng lời thơ. Thì có lẽ muốn diễn tả một bài thơ, người ta chỉ có thể phát động một trận mưa rào, hoặc một cơn gió thu. Mà muốn thực hiện sự đó, thì ngoài việc làm thơ ra, con người không còn phép gì khác. Thế có nghĩa là: muốn bàn tới thơ, diễn dịch thơ, người ta chỉ có thể làm một bài thơ khác. Người xưa am hiểu sự đó, nên họ chỉ vịnh thơ, chứ không bao giờ điên rồ gì mà luận bàn về thơ. Người đời nay trái lại, họ buộc phải luận thơ có mạch lạc luân lý, không được “bốc đồng” vịnh lăng nhăng. Cái chỗ ngu si đó là điều bất khả tư nghị vậy.”

“Thơ tôi làm (…) trong mấy cuốn thơ của tôi chỉ là một cách dìu ba đào về chân trời khác.

Đi vào giữa trung tâm bão dông một lúc thì lập thời xô ngôn ngữ thoát ra, phá vòng vây áp bức. Tôi gạ gẫm với châu chấu, chuồn chuồn, đem phó thác thảm hoạ trần gian cho chuồn chuồn mang trên hai cách tay mỏng bay đi. Bay về Tử Trúc Lâm bay về Sương Hy Lạp, nghé Calvaire viến thăm một vong hồn bát ngát, rồi quay trở về đồng rộng, làm mục tử chăn trâu. Làm mục tử không xong bỏ trâu bò chạy lạc, phá phách mùa màng, khoai sắn, thì tôi chạy về bẩm báo với ni cô cho phép con chuồn chuồn của tôi cư lưu một phút giây trong linh hồn bao dung phương trượng. Ni cô xua đuổi tôi thì tôi ra bờ sông nằm ngủ khóc một mình thơ dại giữa chiêm bao. Trong chiêm bao thơ về lãng đãng thì từ đó vần bất tuyệt cũng lãng đãng chiêm bao…”

“Hãy để yên cho tôi điên tôi dại. Đừng ai nói đến tôi. Và nhất là đừng có bàn đến thơ tôi. Tôi không dám si mê, cũng không dám hoài vọng. Một mai tôi chết. Nghĩa là tôi không còn sống. Tôi sống trong cơn dại cơn điên. Tôi làm thơ trong cơn điên cơn dại. Nghĩa là tôi chết hai ba lần trong trận sống… Người yêu đừng bén mảng đến, bạn bè hãy đi xa. Để tôi một mình tha hồ tôi điên tôi dại. Ai có đến gần thì hãy thử điên dại cho như tôi…”

“…Ông Whitman ôi. Tại hạ làm thơ nửa phần giống thơ ông, nửa phần giống thơ ông Dylan Thomas, nhưng giống theo một thể thái bê bối đười ươi, chứ không có được cái phong đọ tiên thiên cốt cách. Vậy bây giờ tôi cố gắng làm một bài thơ rất mực cốt cách tiên thiên để tặng ông chơi một trận. Tuy nhiên càng hì hục bắt chước tiên thiên càng lộ ra cái nết na đười ươi phong thói. Vậy tôi xin ngậm ngùi dừng bút, chẳng dám ký tên dưới tờ thư cay đắng.”

Không có ai có thể nói về thơ Bùi Giáng hơn Bùi Giáng, bởi chẳng ai ở đây đã sống thảm hoạ trần gian thu trong thảm hoạ thơ hơn ông. “Chán chường thi ca mà cứ làm thơ hoài ấy là đạo vậy”.

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau

Đó là mở phơi hào hứng một thời – như Whitman, “kẻ rỡn như ông già bơi đua cùng lũ trẻ và chịu thua lũ trẻ”

Đường sông bóng đổ cơ trần
Gẫm chông gai ấy ai từng đạp qua
Ghì môi cơn mộng la đà
Tiêu giao suốt cõi mù sa trên rừng
Nửa vời trăng rộng mông lung
Đường hoa nghi hoặc tháp tùng ni cô

Đây là phiêu bông “thơ dại nhất và sầu u nhất” – như Dylan Thomas.

Whitman kẻ mở, Dylan Thomas kẻ đóng, một chân trời. Kẻ say với “lá cỏ”, với “phố thi”, với “ta”; kẻ say với cơn chết, giọt sầu, với huyễn hoặc.

*

Nhưng còn chúng ta? Chúng ta nghĩ gì về thơ ông?

Đừng có nghĩ, hãy buông mặc theo ông, như ông từng buông mặc trong trận đồ kẻ trước. Ông luôn luôn nhắc bảo nơi ông là những bóng vang ai khác. Và ta hãy là bóng vang của ông.

Hãy để ông nghĩ cho chúng ta về những gì chúng ta có thể nghĩ tới và cả những gì chúng ta không thể nghĩ tới.

“Chúng ta quen thói ngong ngóng chạy theo đuổi mọi thứ trào lưu chủ nghĩa, chúng ta tuyệt nhiên không còn giữ một chút tinh thể cỏn con nào cả để thể hội rằng lục bát Việt Nam là cõi thi ca hoằng viễn nhất, kỳ ảo nhất của năm châu bốn biển ba bảy sông hồ.”

“Cái thói học đòi vá víu thông thái đã âm thầm giết chết mất máu me thân thể chúng ta. Hết chạy theo đuổi ông Camus, tới chạy theo đít bà Simone Weil, rồi xô ùa chạy theo giò cẳng ông Krishnamurti… Đó chính là cái cõi của lai rai thượng thừa, của bê bối tối hậu. Tới bao giờ mới chịu đi về giũ áo đười ươi? Hỡi những thằng trung niên thi sĩ, và hỡi những đứa chẳng thi sĩ trung niên…”

“Nghĩ cũng dị kỳ thật. Người Việt nam vốn là người thơ mộng thi sĩ nhất thế giới (chỉ riêng cái màu da vàng Việt nam thôi cũng đã thơ mộng hơn mọi màu da đen hay trắng) thì người Việt nam lại chẳng bao giờ đọc thơ Việt nam, lại luôn luôn chút hết cõi lòng thơ mộng của mình cho những thứ sách vở hổ lốn tạp pí lù ở đâu đâu. Lại chạy đi si mê những da trắng Marilyn, những da đen Phi châu chiêm bao bờ cỏ. Làm bao nhiêu câu thơ thơ mộng lại đem gán hết cho châu chấu chuồn chuồn. Ẩn ngữ gì mà đoạn trường ra như thế”.

“Những bài thơ chuồn chuồn châu chấu của ông quả thật là có ý nghĩa. Nó bay nhẹ vi vu quả có đúng như là phận mỏng cánh chuồn. Vào những buổi sáng mùa đông lạnh lạnh ở Trung Việt, vào những buổi chiều mùa thu ở Bắc Hà, hình bóng những con chuồn chuồn bay lượn cuối ngõ, đầu xuân, thật là tha thướt. Đôi phen cái tiết điệu riêng biệt ấy cũng còn tái hiện trong đôi vần phồn hoa, mặc dù ở phồn hoa không bao giờ có chuồn chuồn bay vòng múa lượn”.

Chúng ta hãy chịu chói lọi trong tan nát giữa trận đồ của Bùi Giáng. Mọi điều Bùi Giáng đều nói, chẳng bao giờ hết, nhưng chẳng thể ngậm miệng, nên chúng ta cứ việc ngậm miệng, si mê và chúng ta sẽ được nghe. Nghe bát ngát, nghe phiêu bồng, nghe tới cõi im ông trốn lảng, lượn vòng.

Đừng tưởng Bùi Giáng điên, cũng đừng tưởng Bùi Giáng rỡn, mặc dầu có lần ông tuyên bố là ông thích bày “cuộc vui”.

Bùi Giáng là một nhà thơ trầm trọng:

“…Như Lai rỡn từ bi, Jesus Christ rỡn bác ái, Sophocles rỡn trang nhã, Thâm trầm kỳ nguyệt, Euripide rỡn ẩn ẩn hiện hiện, Ngoạ Long Sinh rỡn u rùng, Kim Dung rỡn bất tuyệt, Hồ Dzếnh rỡn nên thơ chân thiết, Tú Mỡ rỡn như đười ươi, Shakespeare rỡn như Phượng Hoàng, Nietzsche rỡn tan tành xương máu, Gide rỡn lúc giật lúc buông lúc chùng lúc thẳng, Tô Man Thu rỡn não nùng đốt cháy máu tim.”

Còn Bùi Giáng?

“Nhe răng cười trong bóng tối… Không bao giờ bắt chuồn chuồn và cứ bảo rằng mình luôn luôn bắt chuồn chuồn… Không thiết chi đọc sách mà vẫn cặm cụi đọc sách hoài… Suốt năm khắc khoải loay hoay mà tự cho mình thanh thoát phiêu bồng… Chán chường thi ca mà cứ làm thơ hoài, đêm tối trần gian đau đớn vô cùng mà vẫn bảo rằng trần gian lộng lẫy… chuốc sầu vạn đại thì bảo rằng mua vui cũng được một vài trống canh…”

Rỡn trầm trọng là Bùi Giáng, rỡn đầy thảm hoạ, rỡn khắp mặt thế giới như Tôn Ngộ Không – Ngộ Không nhảy trên bàn tay của Quan Âm (Quan Âm biến thành Phùng Khánh, Trì Hải, Marilyn, Brigitte, Kim Cương, ba cô mọi bên bờ Phi Châu…) chỉ vì “Người tư tưởng không còn dám viết gì về tư tưởng nữa.”

Bởi rỡn trầm trọng nên:

“Chúng ta phải để cho thơ Xuân Diệu rúc vào trong tuỷ xương mình. Vì y đủ thói bông lông thắm thiết của con người thượng đạt. Y trẻ dại, y lăng nhăng, y nói tới nỗi đời rồi y xoá đa đoan dâu biển. Y hồn nhiên giũ áo, nắm lấy cung cầm Tăng Điểm đánh lên giữa mùa Xuân…”

Nói vậy nhưng Bùi Giáng chẳng bao giờ là Xuân Diệu. “Tây Phương, Đông Phương cổ kim không có một nguồn thơ sánh kịp”. Cứ chịu khó theo ông “đi vào cõi thơ”, đi vào “thi ca tư tưởng” mà nghe ông bình thơ, mà nghe ông “Ngàn thu rớt hột” nghe “Sa mạc trường ca”. Và hãy nhớ lời dặn dò này:

“Đi vào cõi tư tưởng, chúng ta luôn luôn phải lưu ý tới cái lối ăn nói nghịch lý của người tư tưởng. Họ nói một đường để ta suy ra một ngả.”

Sở dĩ Bùi Giáng trầm trọng, bởi nơi ông cả cái kiếp hoạ của thơ đang diễn: hồn thơ đang bị vây khổn. Bị vây khổn bởi “tư tưởng”, bởi “văn”. Thơ muốn bay thoát, chấp chới như những cánh chuồn chuồn giữa trời. Nhưng đâu là tổ chuồn chuồn đây? Nào ai biết. Bùi Giáng cố muốn biết, cố săn đuổi tới cùng.

Nhưng chuồn chuồn báo hiệu trời sắp mưa. Một trận mưa nguồn thuở cũ, Bùi Giáng mơ màng chăng? Ông Bùi Giáng ơi, Tang Phượng đâu? Trang Phượng đâu? Sau trận mưa nguồn kiếm nàng giáp cúng trận đồ ông chẳng thấy. Chỉ thấy trở đi trở lại hoài đây đó hai câu của Hồ Dzếnh:

Thơ về nắng sáng lừng bay

Gấp đi cánh phượng cho ngày rạng ra.

Đến đây coi như tạm đủ, nói thêm đến bao nhiêu nữa rồi cũng vẫn là tạm. Tạm với Bùi Giáng. Tạm với chúng ta. Tạm hết.

Chỉ mong một lúc nào bạn “ngộ” cõi thơ kia.

“Đi vào cõi thơ”. Thế nghĩa là? Có một cõi và một cuộc đi, cuộc đi có nhiều thể thái. Có thể đi theo lối chu du của ông Khổng Tử. Có thể đi theo lối ngồi yên không rục rịch suốt bao nhiêu diên trường tuế nguyệt dưới một gốc cây bồ đề theo lối Như Lai. Cũng có thể đi theo lối anh lùa bò vào đồi sim trái chín…”

“Đi như vậy dù sao thì dù, cũng là trong ý hướng mở cõi ra chơi. Không ai buộc ai phải theo ý riêng độc đoán của ai.”

“Anh lùa bò vào đồi sim trái chín? Một mặt anh lưu tâm đến trái chiếu cố cho những con bò, đừng để chúng lạc lối vào sâu trong rú rậm rồi mất lối trở ra… Anh thong dong ngồi xuống một gốc cây sim. Anh có thể chọn một gốc cây sim già, hoặc sim trẻ, hoặc một cây sim sử lịch nào vốn đã từng chứng giám một u tình của một Hoàng hậu Phèdre xưa kia.”

“Rồi anh dần dần mở cõi. Đã gọi là mở cõi thì chẳng nên khép miền. Nghĩa là… tránh cái lối bưng bít…”

“Đó là điều kiện cần và đủ, không ai buộc ai phải đi qua miên bạc bình sinh.”

“Ta ngồi dưới gốc cây sim, lắng tai nghe bò đương gặm cỏ, thong dong đưa tay với một cành, hái một trái chín ăn chơi.”

“Bỗng dưng? Bỗng dưng nảy ra một sự tình kỳ bí: bàn tay ta vừa chạm với một trái sim riêng rẽ, thì suốt dãy rừng, toàn thể ngàn sim lục bỗng chấn động vang lừng. Đó là bí quyết lạ lùng. Một bí quyết bất khả truyền”.

Giai phẩm, Văn, Sài gòn 1973

Trích dẫn rút từ Mưa Nguồn, Đi Vào Cõi Thơ, Thi Ca Tư Tưởng, Mùa Thu Trong Thi Ca.

Thanh Tâm Tuyền

 

 

 

Bùi Giáng: Gã cuồng khấu cõi nhân gian

Nguyễn Hữu Hồng Minh

Gọi Bùi Giáng là “người thơ” tôi muốn xác tín hai điều: – Bản chất thuần Việt của thi ca, tác phẩm ông và tính cách dân dã, bụi bặm, “bùi bàng giúi”, “búi bàng giùi”, “vân mồng”, “đười ươi thi sĩ” gần gũi với quần chúng của ông.

“Sử lịch sai trang
Chạy quàng
Là lịch sử…”
(Lá hoa cồn – Bùi Giáng)

Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất Bùi Giáng (ngày 7/10/1998)

Có những từ chỉ cần nhắc chữ là đọc nghĩa. “Người thơ” có lẽ bao hàm trong nghĩa “thi nhân”. Nhưng “thi nhân” là từ Hán Việt. Còn “người thơ” lại là một từ thuần Việt. Tôi còn có cảm giác từ “thi nhân” đã mòn cũ hẳn đi kể từ khi nhà phê bình Hoài Thanh viết cuốn Thi nhân Việt Nam giới thiệu đưa ra một loạt những thi sĩ tên tuổi làm nên phong trào Thơ Mới. Từ ấy đến nay cũng đã xấp xỉ tròn thế kỷ. Chữ dùng nhiều cũng vẹt mòn. Chữ chuyên chở một dấu hiệu, một biểu tượng càng đóng khung bó hẹp nó trong một hàm nghĩa. Cũng như tầm quan trọng của Thơ Mới trong lịch sử phát triển thi ca Việt Nam là điều hiển nhiên, khó có thể phản biện nhưng việc kéo dài tầm ảnh hưởng nó qua nhiều thế hệ thơ Việt lại làm trì trệ, chậm lụt, thậm chí suy đồi, giảm hẳn tính sáng tạo. Là một lực cản đáng phê phán cho những đường bay nghệ thuật. Bùi Giáng “người thơ” vượt ra khỏi những quy chuẩn có tính áp đặt ấy!

Gọi Bùi Giáng là “người thơ” tôi muốn xác tín hai điều: – Bản chất thuần Việt của thi ca, tác phẩm ông và tính cách dân dã, bụi bặm, “bùi bàng giúi”, “búi bàng giùi”, “vân mồng”, “đười ươi thi sĩ” [1] gần gũi với quần chúng của ông. Trong lịch sử thơ ca Việt Nam hiện đại chưa từng sản sinh ra một trường hợp nào lạ lùng và độc đáo như vậy. Thơ với cuộc đời Bùi tiên sinh như đã được quán luận, được thực hành như một Đạo. Đạo Thơ. Hình ảnh còn lại của ông ngày nay được độc giả yêu thơ, yêu nghệ thuật khắc họa qua tranh, ảnh, thư pháp, điêu khắc… trên các chất liệu sơn dầu, mực tàu, rễ cây, rễ tre… lung linh tiềm ẩn một sức sống kỳ lạ. Nó cho thấy Bùi Giáng như một quan điểm, triết thuyết, một biểu tượng sống. Đôi lúc thấy ông ung dung, “nhi bất hoặc” giữa cuộc đời cũng như đôi khi cần thiết thì sẵn sàng tận hiến, đốt cháy bản thân mình, bày tỏ một thái độ. Đôi mắt với cái nhìn thẳng quắc thước không khoan nhượng vì sự thật và cái đẹp khiến ông như một Tế Điên hòa thượng hay Bồ Đề Đạt Ma trong điển cố.

Bởi thế, viết về Bùi Giáng thật khó. Nhiều giai thoại cuộc đời đã kể về ông cũng như sự cống hiến hết mình cho văn học, nghệ thuật thi ca của ông viết bao nhiêu cũng không đủ. Viết bao nhiêu cũng hóa thừa. Tôi tâm đắc lời dịch giả, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn khi ông nhận định về chuyện này: “Viết đôi lời hay nhiều lời về Bùi Giáng không bằng đọc Bùi Giáng. Đọc Bùi Giáng không bằng giao du với Bùi Giáng. Giao du với Bùi Giáng không bằng sống như Bùi Giáng. Mà sống như Bùi Giáng thì thật vui mà thật khó vậy!” [2].

Sự nghiệp của Bùi Giáng tỏa rộng qua nhiều lĩnh vực, từ thơ, nghiên cứu phê bình, bình giảng, làm báo và dịch thuật. Nhưng có thể khẳng định thơ đã “can thiệp”, xuyên suốt và xuyên thấu qua hết mọi địa hạt của ông. Nói cách khác, cái lõi của vấn đề Bùi Giáng là “lõi thơ”. Không những Bùi Giáng dịch hay như làm thơ (tiêu biểu như các cuốn Cõi người ta, Hoàng tử bé (Saint Exupéry), Mùi hương xuân sắc (Gérard De Nerval), Hòa âm điền dã, Khung cửa hẹp, Trường học đờn bà (André Gide), Ngộ nhận (Albert Camus), Nhà sư vướng lụy (Tô Mạn Thù)… mà ông viết nghiên cứu cũng dào dạt mê cuồng như làm thơ (Tư tưởng hiện đại, Tuyển tập luận đề, Thi ca tư tưởng)… Sự “nhập đồng”, thăng hoa ấy hiếm người có được!

Hãy thử khảo sát một vài đoạn trong các tiểu thuyết của André Gide, Gérard De Nerval “phổ” qua thơ của Bùi Giáng để thấy chuyện dịch thuật với ông là thân thuộc, biến hóa, là “ăn dầm nằm dề”, “nhiễm sâu vào máu”, ý vị, sâu sắc, gần gũi mà bay bổng thế nào. Cái thần kỳ của những câu lục bát: “Hỡi ôi! Quả thật là là / Song trùng đao kiếm đẩy qua đún về / Hở hang tồn lý ê chề / Lẳng lơ chết lịm trận đề huề gieo / Hỗn mang thị hiện ngặt nghèo / Cung giây so lệch thu vèo sang đông” là cảm hứng của ông khi đọc đoạn văn tiếng Pháp “ Je relis encore une fois tout le chapitre. C’est le depart d’une discussion infinite…” [3].

Một đoạn khác, ca ngợi thân xác, đầy âm hưởng tượng trưng của thơ Bích Khê: “Hương ngây tội lỗi rải mơ màng / Da thịt du dương của một nàng / Đã luống đời xanh trên gối lục / Linh hồn tĩnh dạ hận dư vang” từ tuyệt bút “Le tintement de la cloche du matin était encore dans mon Oreille et m’avait sans doute reveillé…” [4].

Và đây có thể xem là một bài thơ thể 6-8 toàn bích với gợi nhớ từ Truyện Kiều của Nguyễn Du. Sức hấp dẫn của Bùi Giáng không chỉ khẳng định tài năng xử dụng ngôn từ uyên áo của mình mà ông còn thuộc rất nhiều thơ, nói cách khác, sẵn sàng cúi đầu lĩnh hội những cái hay, cái đẹp từ thơ của các bậc tiền bối đi trước. Một thái độ học hỏi, nghiêm cẩn, thành tâm rất hiếm thấy ngày nay ở các nhà thơ trẻ: “Dư vang tiếng trống tiếng còi / Rập rờn đầu liễu mộng hoài xanh buông / Xa xôi thôn ổ ngậm buồn / Thanh xuân gái dệt từng guồng hoa bay / Còn nghe điệu hát nghiêng mày / Sử xanh lần giở bên ngày phù du / Tràng hoa thêu gấm khơi mù / Dòng tuôn thúy lục xuân thu lên ngàn / Ta về ngón lại dư vang / Rồi mai ly biệt lên đàng nhớ nhung” là lúc cảm hứng xuất thần, không thể kiềm chế với bến bờ phù trầm từ Carnets của Albert Camus: “Le cor et le tambour résonnaient au loin dans les hameaux et dans le bois les jeunes filles tressaient des guirlandes et assortissaient, en chantant, des bouquets ornés des rubans…” [5].

Dẫn chứng như thế để thấy rõ ràng Bùi Giáng đã lấy “thi tưởng” để “quán” hết mọi lẽ trong hành động. Vì thế mới có những nhận định về Bùi Giáng theo kiểu như của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, đó là “ngủ ra thơ, thở ra thơ, đi ra thơ, đứng ra thơ” [6].

Điều tôi quan tâm ở thơ Bùi Giáng cũng là thái độ về lẽ biến hóa, vô thường đó. Ông là người kết hợp được những lý lẽ uyên áo, trầm mặc của tinh thần Phương Đông với triết lý thực nghiệm, thực dụng của Phương Tây nên càng về cuối đời, thơ Bùi Giáng càng có những cuộc đảo lộn dữ dội về ngôn ngữ, lật nhào cả những hệ thống quan điểm thơ mà gần như cả một đời ông xây dựng. Từ cái thuở tinh khôi và căn nguyên như trong Mưa nguồn [7]:

“Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không?
Ta đi còn gởi đôi dòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù”

Hay Mùa màng tháng tư [8]:

“Đã đi đã đến cuối trời
Đã về như vẫn muôn đời đã đi”
cho đến khi xóa sổ, tung hê hết:

“Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi
Đi lên đi xuống đã đời du côn”

Triết lý trong cuộc chơi và kiếm tìm ngôn từ của Bùi tiên sinh cuối cùng chỉ còn lại mấy chữ “vui thôi mà!” cứ ngỡ rằng ai hiểu thế nào cũng được. Cao hơn, như Bồ Đề Đạt Ma giảng trong Tuyệt Quán Luận: “Vấn viết: Hà tâm chi tri? Hà mục chi kiến? Đáp viết: Vô tri chi tri, vô kiến chi kiến” (Vấn: Tâm nào thì hiểu được? Mắt nào thì thấy được? Đáp: Hiểu bằng vô tri, thấy bằng vô kiến) [9].

Nhưng theo ý tôi, “vui thôi mà” đó chính là khát vọng và bi kịch của một thi sĩ đã “tuẫn nạn trên lộ trình của chữ”. Dường như mỗi thi sĩ đích thực không thể lý giải hết khát vọng và sự có mặt của mình. Bùi Giáng viết:
“Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau”

Nhiều bài viết của các học giả cho rằng, ở văn học miền Nam một giai đoạn, nếu Phạm Công Thiện là đỉnh cao của trí tuệ thì Bùi Giáng chính là tinh hoa của trời đất [10].

Vì thế Bùi Giáng là kẻ hát rong giữa chợ đời hay kẻ vì yêu đời quá mà hóa điên, trở thành một gã cuồng khấu vô vọng? Không ai hiểu hết những con đường nào mà thi sĩ đã đi. Đường trần, đường thơ, đường định mệnh. Khi tôi biết Bùi Giáng và đến chơi với ông thì ông không còn đi rong nữa. Có lẽ ông đã thuộc lòng mỗi con đường, mỗi ngõ phố Sài Gòn. Ông dường như chỉ còn ngồi một chỗ trong căn nhà của một người cháu tên là Nguyễn Thanh Hoài trên đường Lưu Quang Định, quận Gò Vấp [11]. Trên trán ông, lớp băng trắng vẫn còn thấm máu bởi những vết thương đời do những kẻ ít hiểu thi sĩ gây ra. Chỉ riêng hai con mắt vẫn sáng bừng như muốn nhìn thấu, muốn ôm trọn hết mọi cõi. Đến lúc ấy tôi mới hiểu hai câu thơ:

“Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con”

(nhạc Trịnh Công Sơn lấy ý thơ Bùi Giáng)

Tôi có nhiều lần được tiếp xúc và gặp gỡ với Bùi Giáng nhưng không có một buổi trò chuyện nào ông chịu hết mình với tôi. Dường như ông muốn vô ngôn trước mọi cuộc đối thoại. Ông thường nằm đu đưa trên cánh võng trong khu vườn nhỏ tịch diệt cô đơn. Nhưng anh Hoài cho biết, ông vẫn âm thầm viết, âm thầm dịch thuật, ghi chú cho đến ngày cuối cùng. Ông thường viết chữ nắn nót rất đẹp trên những trang giấy nhàu nát, vỏ bao thuốc lá ông tình cờ nhặt đâu đó. Nhiều bài thơ trong di cảo ông, anh Hoài đã góp nhặt được bằng cách ấy. Một trong những bài trên giấy rác ấy, ông viết:

“Trước khi về chín suối
Em xin gửi đá vàng
Của trăm năm buồn tủi
Về trở lại nhân gian”

Cho thấy một nỗi niềm, một nỗi buồn nhân thế! Không ai có thể chia sẻ. Ở một góc nào đó, theo tôi, chính là niềm đau thân phận mà ông và các văn nghệ sĩ bạn bè cùng lứa ngẫu nhiên bị cuốn vào, tan tác lốc cuốn, quay cuồng trong bão loạn của thời đại. Và tôi cũng hiểu tài năng, cốt cách của những nghệ sĩ lớn thường được thử thách đến cùng qua những “điểm chết” hay biến cố của lịch sử. Và Bùi Giáng là một trong những tài năng lớn giữ được, bảo vệ được vẹn toàn nhân cách đó. Chính ông đã trở thành một biểu tượng cho chính những người yêu thơ ông vì thế!

Một điểm nữa mà tôi muốn nói trước khi kết thúc bài viết này là Bùi Giáng rất hay nổi điên khi có một người nào truy bức ông đến cùng. Cho dù đó là thi ca hay học thuật. Tôi cho rằng ông tránh các cuộc va chạm nảy lửa và tàn khốc ấy với hai lý do: Một, cuộc đời ông quá đủ đầy như một minh chứng; và hai, ông không muốn tái lặp bất cứ đặt đề, một định đề nào cho Nghệ thuật. Đi vào nó thì giống như đi vào “Sa Mạc Phát Tiết” [12]. Ước mơ của ông là tung hê hết chữ nghĩa để nhảy múa và hát ca. Mang tinh thần Lão Tử, hòng diễn giữa chợ đời hiện đại. Vì thế ở một góc chợ Bà Chiểu, hay giữa cầu Trương Minh Giảng, người ta từng thấy thi sĩ múa may quay cuồng hay “nhập đồng” phóng ào từ trên xích lô xuống diễn kịch, múa gậy vây giữa đám đông hồ hởi và cuồng nhiệt. Những hình ảnh thơ như thế sẽ không bao giờ còn nữa. Ông chính là “người thơ” cuối cùng của một thế kỷ và đã ra đi giữa một thời đại đang ngày càng xa vắng những tâm hồn và những tâm tình thơ.

Nguyễn Hữu Hồng Minh

(Café Hồ Huấn Nghiệp, Sài Gòn, 1/10/2008.)

 

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search