T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Châu Thạch: BẠC TÓC HỒN CÒN XANH

 BẠC TÓC
VUI CÙNG CHINH CHIẾN XƯA

(Cảm hứng từ bức ảnh hai ông bạn già bạc tóc.)

Tặng Thế Lộc, Châu Thạch .

 Râu tóc đã bạc dần theo nỗi nhớ
Mà hồn còn xanh mãi với quê hương
Mượn chén rượu sưởi ấm niềm tâm sự
Kể lại nhau nghe chuyện cũ sa trường.

 Mơ ngựa hí vang rền “chiều quan ải”*
Hoà điệu buồn “lời dế”* gáy đêm sương
Bao kỷ niệm của một thời áo trận
Giữ trong hồn như một thú đau thương.

 Vui một thuở dọc ngang đời trai trẻ
Quên thân mình giữa khói lửa chiến chinh
Súng gối đầu đêm trăng vui chuyện g
u
Sưởi ấm ân tình huynh đệ chi binh.

 Buổi hoàng hôn tìm chút tình tri kỷ
Rượu khề khà dăm chén lãng quên đời
Ta gửi tiếng thơ ta về cố lý
Góp tiếng buồn chim vịt giữa chiều rơi.

DƯ MỸ

 *Chiều quan ải & Lời dế: Thơ của Thế Lộc và Châu Thạch .

 

Cảm nhận: Châu Thạch

Tôi đọc lui đọc tới bài thơ nầy 10 lần, 20 lần và có lẽ đến 100 lần trong ba ngày tết Kỷ Hợi (2019). Tôi biết đây chỉ là bài thơ thuộc loại “Mỳ ăn liền” mà tác giả cảm tác ngay khi nhìn bức ảnh tôi và Thế Lộc chụp chung với nhau. Thế nhưng tôi cũng biết đây là những câu thơ như tơ của con tằm đặc biệt, không chỉ ăn dâu mà nhả ra thành tơ được, nó còn ăn sương trên lối mòn biên giới, uống phong ba trong bão táp chiến trường và nhận chịu cái “thú đau thương” trong tâm hồn gần trọn cuộc đời làm tằm nhả tơ của mình. Người chiến binh miền Nam Việt Nam năm xưa không cầm súng ra sa trường với lòng hận thù đốt cháy cả Trường Sơn. Những chiến binh ấy ra sa trường với nỗi đau trong tim vì cuộc chiến anh em tương tàn. Họ mang tâm hồn thơ đi theo suốt cuộc chiến nên thi ca của họ phần nhiều nhìn hỏa châu rơi, nghe tiếng ru của bom đạn không phải để xông lên lấy máu quân thù mà để nhớ về em, về mẹ và gọi người bên kia chiến tuyến dừng cuộc say thù hận. Họ mang niềm đau ngay trong khi còn chiến đấu và mang tiếp niềm đau khi buông súng làm người thua cuộc. Họ không biến niềm đau thành sát khí, mà họ biến niềm đau thành thi ca chan chứa nỗi niềm, cho nên gọi niềm đau ấy là “thú đau thương”. Thú đau thương đó hình như có ở tất cả trong tâm hồn người lính miền Nam thưở ấy, từ anh binh nhì đến vị tướng chỉ huy. Những tâm hồn thơ đó cho đến bây giờ vẫn y nguyên như thế:

Râu tóc đã bạc dần theo nỗi nhớ
Mà hồn còn xanh mãi với quê hương

Màu xanh là màu của nước, da trời và cây lá. Hồn còn xanh là hồn còn tươi tốt. Hai câu thơ mở bài đã đưa râu tóc màu bạc và hồn màu xanh tá khách vào nhau, phác họa hình ảnh  vô thường và vĩnh cửu đối kháng nhau trên và trong người chiến binh năm cũ. “Tóc bạc dần theo nỗi nhớ” là hình ảnh vô thường. “Hồn còn xanh mãi với quê hương” là sự vĩnh cửu tồn tại trong tinh thần người chiến binh ấy. Đọc hai câu thơ, tự nhiên trong lòng ta cảm thấy xót thương và cảm phục. Xót thương vì nhìn thấy “Râu tóc bạc dần theo nỗi nhớ”. Cảm phục vì nỗi nhớ ấy là tâm hồn trung tín “xanh mãi với quê hương”.

Tiếp theo, nhà thơ giới thiệu một bức tranh sống động hay một hoạt cảnh hiện thực đầm ấm giữa cuộc đời:

Mượn chén rượu sưởi ấm niềm tâm sự
Kể lại nhau nghe chuyện cũ sa trường

Những người lính già ngồi bên chén rượu kể lại chuyện chiến trường xưa luôn là hình ảnh đẹp và hào hứng cho người nghe nó.

Toàn bộ khổ thơ tưởng như là phát ngôn bình thường, miêu tả một hình ảnh bình thường, nhưng sự thật nó lôi kéo người đọc ngay, vì nó hòa quyện sắc màu hiện tại và quá khứ, hứa hẹn những vần thơ tiếp theo sẽ bộc lộ sự kín nhiệm ở tận sâu trong con tim những người chiến sĩ về già.

Và đúng như vậy. Ta hãy đọc khổ thơ thứ hai:

Mơ ngựa hí vang rền ” chiều quan ải “*
Hoà điệu buồn ” lời dế “* gáy đêm sương
Bao kỷ niệm của một thời áo trận
Giữ trong hồn như một thú đau thương.

Ở khổ thơ nầy ta thấy có tiếng ngựa hý kiêu hùng, kỷ niệm cúa một thời áo trận hòa điệu trong tiếng dế rả rích trong đêm sương. Tất cả buồn vui trộn lẫn trong nhau, ngọt đắng thấm nhập trong nhau, tâm hồn thi nhân lắng xuống để nghe tiếng vọng lại từ bao năm về trước. Từ đó thi nhân vui trong nỗi buồn và buồn trong niềm vui. Tâm trạng khó hiểu  ấy được nhà thơ mô tả bằng cụm từ “thú đau thương”.

Đọc cụm từ “thú đau thương” ta nhớ nhà thơ Lưu Trọng Lư có một bài thơ “Thú Đau Thương” với những câu thơ cuối như sau:

Xin để gối nằm im chổ cũ

Hãy lịm người trong thú đau thương

Giờ đây ta đốt nén hương

Trên tay ta buộc dải tang cho tình

Trong bài thơ nầy Lưu Trọng Lư đã buông thả hết tất cả để đắm chìm trong thú đau thương, để thưởng thức mùi vị, cảm giác của đau thương. Như vậy nhà thơ say đắm với nỗi đau thương đó như say đắm người đẹp, say đắm tình yêu. Và cũng có thể nói rằng đó là một bệnh lý của thi nhân.

Khi nhà thơ Dư Mỹ dùng cụm từ “thú đau thương”để viết cho những người chiến binh năm xưa, thì anh đã hữu ý tán dương tâm hồn của họ, biến họ hết thảy thành những thi nhân biết yêu cả những điều đau khổ trong cuộc đời, nghĩa là anh cho tâm hồn họ “đi giữa nguồn trong trẻo vô biên, vây phủ bởi trăm giây quyến luyến” như nhà thơ Hàn Mạc Tử đã từng viết.

Ở khổ thơ thứ ba, chỉ là nhắc lại sự sinh hoạt của người chiến binh trong quá khứ:

Vui một thuở dọc ngang đời trai trẻ
Quên thân mình giữa khói lửa chiến chinh
Súng gối đầu đêm trăng vui chuyện gẩu
Sưởi ấm ân tình huynh đệ chi binh.

Tình chiến hữu năm xưa được nhà thơ nhấn mạnh trong khổ thơ nầy, chỉ phổ quát một vài điểm chủ yếu nhưng khơi dậy cho người đọc liên tưởng đến những gì nhiều hơn nữa, nhất là những lính già thường vọng về dĩ vãng trên dòng sông ký ức của đời mình.

Bước qua khổ thơ thứ tư, là khổ thơ cuối của bài thơ, Dư Mỹ đã xuống tông cho tiếng thơ trầm lắng, âm vang trong buổi hoàng hôn, khề khà trong cơn say quên đời và giá lạnh trong cơn gió buồn của tiếng thơ bên kia đại dương gởi về cố lý:

Buổi hoàng hôn tìm chút tình tri kỷ
Rượu khề khà dăm chén lãng quên đời
Ta gửi tiếng thơ ta về cố lý
Góp tiếng buồn chim vịt giữa chiều rơi.

Bốn câu thơ trác tuyệt! Trác tuyệt vì nó mang đậm đà tình tri kỷ, chén rượu hảo hán muốn quên đời, cơn say tỉnh táo, nổi buồn loan rộng đến phương trời và tiếng kêu bi ai của con chim vịt rớt trong tuổi hoàng hôn của lớp lớp chiến binh râu tóc bạc màu.

Trong đêm xuân, tôi đọc đi đọc lại bài thơ của Dư Mỹ, tôi không khóc đâu, vì tôi đã không khóc từ ngày buông súng làm tù binh. Thế nhưng bài thơ đã dìu tôi vào nỗi buồn thế sự, cho nỗi buồn tôi bay lên, bay lên và bay lên mãi cho đến khi nghe tiếng kêu của con chim vịt  trong thơ.  Câu thơ “Góp tiếng buồn chim vịt giữa chiều rơi” làm tôi thấy bầu trời quê hương mênh mang và dòng sông đời tôi ảo não chảy. Dòng sông đời tôi rồi sẽ tan trong biển lớn, ở đó sẽ hòa chung với biết bao dòng sông khác, rồi sẽ bốc hơi, rồi sẽ biến thành mây, rồi sẽ được về tắm mát cho quê hương mình một ngày nào đó biết đâu.

Châu Thạch 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search