T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Dương Thiệu Tước: Một Chiều Đông

“. . .Tính đến năm 1953, Nhà Xuất bản Tinh Hoa đã thống kê ra đến 41 ca khúc ông viết từ thuở bình minh tân nhạc Việt Nam đến thời điểm đó. Sau Hiệp định Genève, ông vào Sài Gòn. Ở đây, những ca khúc của ông vẫn tiếp tục được tái ấn hành và được Thái Thanh, Minh Trang và cô con gái Quỳnh Giao trình diễn nhiều năm tháng. . .”

Dương Thiệu Tước: Một Chiều Đông

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

 

*Chú Thích: Kể từ entry Những Ngày Tàn Mơ trong loạt bài Dòng Nhạc Kỷ Niệm, sẽ không có phần audio của bài nhạc (dạng MP3, hoặc Youtube). Lý do: dù đã bỏ rất nhiều thì giờ nỗ lực tìm kiếm, chúng tôi đành phải chịu thua và quyết định cho công bố phóng ảnh các bài nhạc với hy vọng, một ngày nào đó, sẽ có các độc giả ưa chuộng chuyên mục DNKN tiếp tay gởi đến chúng tôi phần audio còn thiếu sót. Mong lắm thay! (T.Vấn & Bạn Hữu)

*

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm, phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v..(T.Vấn: Dòng Nhạc Kỷ Niệm với Nhạc cũ miền Nam).

 

©T.Vấn 2019

Nghe Thêm:

Hoài Nam – 70 Năm Tình Ca (5)-Dương Thiệu Tước

Đọc Thêm:

(Trích)

Dương Thiệu Tước mỉm cười trong bóng chiều xưa

(Theo NLĐ)

Nguyễn Thụy Kha

Gửi hồn dân tộc trên âm điệu phương Tây

Khi bắt đầu sáng tác, Dương Thiệu Tước có chủ trương soạn nhạc theo âm điệu Tây phương. Ông nghĩ nếu đã có nhà văn, nhà nghiên cứu Việt Nam viết tác phẩm bằng tiếng Pháp thì nhà soạn nhạc Việt Nam cũng rất có thể viết được những bản nhạc có âm điệu phương Tây. Và cứ thế, từ ông đã tuôn trào ra những “Tâm hồn anh tìm em”, “Một ngày mà thôi”, “Ngọc Lan”, “Bóng chiều xưa”, “Ôi quê xưa”… chịu ảnh hưởng nhạc nhẹ cổ điển phương Tây. Nhưng dù có quan niệm như thế, Dương Thiệu Tước vẫn cho rằng khi ông đã là người Việt Nam thì những gì ông viết ra là đã mang hồn vía dân tộc Việt Nam rồi. Điều ấy cũng thể hiện rõ khi ông viết “Tiếng xưa”, “Chiều” (phổ thơ Hồ Dzếnh) và vượt lên hơn cả là đã sử dụng rất tinh tường ca Huế vào “Đêm tàn bến Ngự”.

Từ cảm xúc với nữ ca sĩ Minh Trang đẹp đến nao lòng, Dương Thiệu Tước đã thả hồn vào những luyến láy “rất Huế”, những biến phách, những đảo phách dìu dặt của nhạc cung đình và lời ca như nhập với giai điệu: “Nam Bình sầu than, như nức nở khóc duyên bẽ bàng…” hay “Thuyền mơ trong khúc Nam ai – Đàn khuya trên sóng ngân dài…” man mác đượm buồn như bài thơ “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế” của Văn Cao.

Giống như Phạm Văn Ký, Phạm Duy Khiêm trong văn chương hay Nguyễn Văn Huyên trong nghiên cứu, Dương Thiệu Tước là nhạc sĩ viết ra những cảm xúc Việt bằng “ngữ pháp Tây” nhưng lòng trắc ẩn về một bản sắc dân tộc vẫn giúp cho ông biến những giáo huấn khô khan “Ơn nghĩa sinh thành” thành một bài ca hấp dẫn, biến những hồn nhiên thơ ngây thành những đồng dao đầy chất Việt như “Nhạc ngày xanh”, “Dưới nắng hồng”…

Nhân nhắc đến Nguyễn Văn Huyên, điều không ngờ là cả hai ông đều đem lòng yêu một thiếu nữ Hà Nội kiều diễm là con Tổng đốc Vi Văn Định – bà Vi Kim Ngọc. Khi Nguyễn Văn Huyên còn học ở Pháp, Dương Thiệu Tước đã đem lòng yêu thiếu nữ này. Song duyên đời lại không cho hai người se lại. Khi Nguyễn Văn Huyên về nước và gặp duyên với nàng, Dương Thiệu Tước mới lấy bà Lương Thị Thuần. Nhưng mối tơ duyên thì còn vấn vương. Đó là cảm hứng để ông viết “Ngọc Lan”.

Cái nhìn riêng về chiến tranh

Chiến tranh bùng nổ, Dương Thiệu Tước vẫn ở Hà Nội theo đuổi sự nghiệp sáng tác của mình. Ông từng khẳng định “Âm nhạc cải cách đã trỗi dậy và đã gieo vào tâm hồn ta những ý niệm tươi đẹp của một nền âm nhạc Việt Nam tương lai, cái ảnh hưởng mãnh liệt sâu xa của nó đan xen với mạch sống hằng ngày của mỗi người”.

Sự khẳng định ấy dành cho cả những nhạc sĩ dấn thân vào cuộc trường kỳ kháng chiến với những thành tựu đáng ghi nhận. Dương Thiệu Tước có cái nhìn riêng của mình về chiến tranh qua “Ôi quê xưa”: “Rồi một chiều thu – Tôi về chốn xưa – Nhìn cảnh làng quê – Vết tro tàn đìu hiu gió sương – Nhìn mái nhà xác xơ – Mơ chốn đây năm nào – Chiều chiều bao người hẹn nhau – Đến bên nhịp cầu…” Ông cứ cảm nhận cuộc đời tha thiết và sang trọng trong tình yêu.

Tính đến năm 1953, Nhà Xuất bản Tinh Hoa đã thống kê ra đến 41 ca khúc ông viết từ thuở bình minh tân nhạc Việt Nam đến thời điểm đó. Sau Hiệp định Genève, ông vào Sài Gòn. Ở đây, những ca khúc của ông vẫn tiếp tục được tái ấn hành và được Thái Thanh, Minh Trang và cô con gái Quỳnh Giao trình diễn nhiều năm tháng. Ông hướng về giáo dục âm nhạc là chủ yếu. Bởi vậy, sau ngày 30-4-1975, ông vẫn được trọng dụng để giảng dạy ở Nhạc viện TP HCM bằng một cuộc sống đạm bạc trong căn nhà có chái bếp lợp lá ở giữa con hẻm gần chùa Hành Thiên. Ông tạ thế ngày 1-8-1995, khi ấy ca khúc Dương Thiệu Tước đã được hát khắp nơi. Trong chương trình “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam” hồi cuối Xuân 1994, “Ngọc Lan” đã vang lên qua giọng hát Thu Hà.

Bài Mới Nhất
Search