T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hòai Nam: NHỮNG CA KHÚC NHẠC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (84) – NHẠC PHIM – Moon River, Henri Mancini & Johnny Mercer (Dưới Trăng, Sông Trăng)

Bài này chúng tôi viết về bản Moon River do nữ minh tinh Audrey Hepburn hát trong cuốn phim Breakfast at Tiffany’s – ca khúc đã đoạt giải Oscar năm 1962, và được ít nhất ba tác giả đặt lời Việt với tựa Dưới Trăng, Sông Trăng.

Hiện nay, Moon River do Audrey Hepburn thu âm đang đứng hạng tư trong danh sách 100 ca khúc trong phim hay nhất xưa nay do Viện Phim Ảnh Hoa Kỳ (AFI: American Film Institute) bình chọn. Tuy nhiên trước năm 1975, so với những ca khúc Âu Mỹ khác được yêu chuộng tại miền Nam VN, Moon River không mấy phổ biến. Nguyên nhân: về giai điệu, Moon River được soạn thể loại nhạc jazz lúc đó đang bị rock-and-roll lấn lướt; về lời hát, ca từ của Moon River quá “thơ mộng” và tư tưởng tương đối “cao”, giới trẻ nghe nhạc ngoại quốc (vốn chiếm đa số) không phải ai cũng hợp cảm quan, cũng đủ trình độ để thưởng thức.

Quan trọng không kém, mặc dù ngày ấy không ít người trẻ yêu phim ảnh Âu Mỹ ở Sài Gòn đã tôn Audrey Hepburn làm thần tượng, không phải cuốn phim nào của Audrey Hepburn cũng được nhập vào Sài Gòn cho nên đa số đã không biết tới cảnh để đời trong cuốn phim Breakfast at Tiffany’s: Audrey Hepburn ôm đàn ghi-ta ngồi trên thành cửa sổ cạnh cầu thang hát bản Moon River.

Breakfast at Tiffany’s là một cuốn phim hài kịch lãng mạn của Mỹ, phỏng theo cuốn tiểu thuyết có cùng tựa đề của nhà văn Truman Capote xuất bản năm 1958, do Audrey Hepburn và George Peppard thủ vai chính, trình chiếu tháng 10/1961.

Cốt truyện Breakfast at Tiffany’s kể về Holly Golighly (Audrey Hepburn), một cô gái Texas với những nét đẹp độc đáo và duyên dáng, từ bé đã khao khát một cuộc đổi đời. Năm 13 tuổi, Holly trốn nhà ra đi với cậu em trai, sau đó lấy một người đàn ông thất học bằng tuổi cha mình.

Cuối cùng Holly bỏ trốn lên Nữu Ước với mong ước kiếm được một ông chồng giàu có để gia nhập vào xã hội thượng lưu chốn phồn hoa đô hội. Niềm vui duy nhất của cô trong ngày là vừa ăn sáng vừa “window shopping”: cứ vào lúc 6 giờ sáng, cô diện thật sang, đi tắc-xi mang theo cái bao giấy đựng thức ăn sáng tới trước cửa tiệm kim hoàn nổi tiếng Tiffany, vừa ăn bánh uống ca-phê vừa ngắm nghía những món trang sức lộng lẫy được trưng bày trong tiệm. Thói quen này được tác giả cuốn truyện gọi một cách khôi hài là “Bữa ăn sáng ở tiệm Tiffany’s  (Breakfast at Tiffany’s).

Holly kiếm tiền bằng cách làm “bồ câu đưa thư” cho Sally Tomato, một “bố già” đang bóc lịch trong nhà đá. Có tiền, cô tổ chức những party thâu đêm trong apartment của mình để mong được hòa nhập vào xã hội thượng lưu.

Cho đến một ngày nọ, Paul Varjak (George Peppard), một văn sĩ trẻ, tới mướn căn apartment ở tầng trên. Paul mê viết văn, nhưng không thể kiếm sống bằng ngòi bút cho nên phải làm “trai bao” cho một bà nạ dòng… Đồng cảnh ngộ, Holly và Paul tìm được một sự đồng điệu, rồi tình cảm nảy sinh…

Trước tình yêu chân thật của Paul, Holly, cô gái từng cặp kè và ao ước lấy bất cứ một người đàn ông giàu có nào, đã hiểu ra rằng cuộc đời còn nhiều thứ đáng quý hơn bạc tiền. Cuối cùng, sau bao sóng gió và hiểu lầm là một “happy ending”…

* * *

Audrey Hepburn không phải nữ diễn viên đầu tiên được mời thủ diễn vai trò Holly Golighly. Khi bán tác quyền cuốn truyện cho hãng phim Paramount Studios, văn sĩ Truman Capote cho biết ưu tiên lựa chọn của ông để thủ vai Holly Golighly là Marilyn Monroe; vì thế hãng Paramount đã yêu cầu nhà viết kịch bản George Axelrod chuyển thể tiểu thuyết thành phim sao cho phù hợp với nữ minh tinh này. Tuy nhiên, vị thầy diễn xuất của Marilyn Monroe là đạo diễn Lee Strasberg đã khuyên can, vì ông cho rằng việc thủ vai một cô gái thiếu đứng đắn sẽ phương hại tới sự nghiệp (một cách chính xác, Lee Strasberg đã gọi vai Holly Golighly là “lady of the evening”, đồng nghĩa với “lady of the night”: gái điếm).

Sau khi Marilyn Monroe từ chối, hãng phim đã mời Shirley McLaine, lúc đó vừa đoạt giải Oscar qua cuốn phim hài kịch lãng mạnThe Apartment (1960), tuy nhiên vào cùng thời gian, Shirley McLaine cũng nhận được lời mời đóng cuốn phim Two Loves của hãng MGM, và Shirley đã chọn đóng cuốn phim này – cuốn phim mà về sau bà mô tả là “Cuốn phim tệ hại khủng khiếp mà hầu như không có ai nghe nói tới!”

Sau đó, hãng phim Paramount mời Audrey Hepburn. Hay tin này, văn sĩ Truman Capote than trời: ”Họ đã hoàn toàn đi ngược lại với mong muốn của tôi”.

Ngày ấy, không ít người đã đồng ý với Truman Capote: Audrey Hepburn vốn là một nữ diễn viên khả ái chuyên thủ diễn những vai “nhà lành”, thì không thích hợp với vai trò cô gái “chịu chơi” Holly Golightly!

* * *

 

Audrey Hepburn (1929 – 1993)

Audrey Hepburn (1929 – 1993) tên thật là Audrey Hepburn-Ruston, là một nữ diễn viên Anh kiêm người mẫu, vũ công ballet.

Sinh thời, Audrey Hepburn không chỉ được xem là một nữ diễn viên hàng đầu của Thời vàng son của Hồ-ly-vọng (Hollywood’s Golden Age) mà còn là một thần tượng thời trang, được đưa vào Danh dự sảnh Ăn diện đẹp quốc tế (International Best-Dressed Hall of Fame).

Hiện nay, tên tuổi của Audrey Hepburn đang đứng hạng ba trong danh sách 100 nữ minh tinh của Thời vàng son do Viện Phim Ảnh Hoa Kỳ bình chọn, chỉ sau hai đàn chị Katharine Hepburn (1907 – 2003) và Bette Davis (1908 – 1989).

Audrey Hepburn-Ruston ra chào đời tại Brussels, thủ đô Vương quốc Bỉ, trong một gia đình thượng lưu; ông bố Joseph Victor Anthony Hepburn-Ruston, một công dân Anh từng giữ chức Tổng lãnh sự tại Semarang, một thuộc địa của Hòa-lan ở Nam Dương (Dutch East Indies); bà mẹ là nữ Nam tước Ella van Heemstra, ái nữ của Nam tước Asrnoud van Heemstra (của Đế quốc Áo trước kia), người từng giữ chức Thị trưởng Arnhem và Thống đốc Suriname, một thuộc địa của Hòa-lan ở Nam Mỹ. Trước khi lấy nhau, cha mẹ của Audrey Hepburn đều đã trải qua một cuộc hôn nhân.

Audrey Hepburn-Ruston sống buổi thiếu thời ở Bỉ, Anh quốc, Hòa-lan. Sau khi cha mẹ ly dị năm 1938, Audrey sống với mẹ; cô tỏ ra có năng khiếu đặc biệt về vũ ngay từ bậc tiểu học. Sau khi Anh quốc tuyên chiến với Đức quốc xã tháng 9/1939, bà Ella van Heemstra đưa con gái về Arnhem, Hòa-lan, vì hy vọng quốc gia này vốn giữ trung lập trong cuộc Đệ Nhất Thế Chiến nay sẽ không bị phát-xít Đức xâm lược.

Tuy nhiên chỉ mấy tháng sau, quốc gia này cũng bị xâm lược, toàn bộ tài sản của dòng họ van Heemstra ở Arnhem bị tịch thu. Một người dượng của Audrey bị quân Đức hành hình để dằn mặt “kháng chiến Hòa-lan” (Dutch Resistance), mặc dù ông không hề tham gia; hai người anh cùng mẹ khác cha của Audrey thì một người bị đưa vào trại tập trung lao động khổ sai, một người phải trốn chui trốn nhủi…

Audrey cùng bà mẹ Ella phải về miền quê tá túc ông ngoại (Nam tước Asrnoud van Heemstra), và từ đó bí mật tham gia các hoạt động yểm trợ kháng chiến chống phát-xít, thường là các buổi trình diễn vũ không có nhạc đệm (silence dance) để gây quỹ cho kháng chiến.

Sau cuộc đổ bộ của Đồng Minh lên Normandy tháng 6/1944, Hòa-lan đã gián tiếp hỗ trợ bằng các cuộc đình công của ngành hỏa xa. Để trả thù, phát-xít Đức đã phong tỏa tất cả mọi nguồn tiếp tế lương thực cũng như xăng dầu cho Hòa-lan, đưa tới nạn đói khủng khiếp “Dutch famine” vào mùa đông năm 1944. Trong nạn đói này, người dân của xứ sở hoa uất kim hương (tulip) trong đó có cả gia đình Nam tước Asrnoud van Heemstra đã phải “ăn hoa thay bột mì” (making flour out of tulip bulbs to bake cakes and biscuits).

Hậu quả, cô bé Audrey Hepburn-Ruston bị suy dinh dưỡng trầm trọng, đưa tới ba chứng bệnh sau đây: thiếu hồng huyết cầu, rối loạn hô hấp, và phù thũng. Về sau, cơ thể của Audrey không bao giờ hồi phục, vào lúc cân “nặng” nhất trong đời, cũng chỉ được 88 lbs (39.9 kg).

Thế Chiến kết thúc, Audrey được mẹ đưa lên thủ đô Amsterdam, thủ đô Hòa-lan. Vì tài sản đã bị mất hết trong chiến tranh, để kiếm sống “nữ Nam tước” Ella van Heemstra đã phải làm đầu bếp kiêm quản gia cho một gia đình giàu có.

Audrey được cho học vũ ballet với bà Sonia Gaskell (1904 – 1974), vị thầy ballet nổi tiếng, người có công sáng lập Học viện vũ ballet Hòa-lan và giữ chức Giám đốc nghệ thuật Đoàn vũ ballet quốc gia.

Năm 1948, Audrey xuất hiện lầu đầu tiên trên màn bạc qua vai một nữ tiếp viên hàng không trong cuốn phim giáo dục Dutch in Seven Lessons.

Cuối năm đó, Audrey được mẹ đưa về Anh quốc, tiếp tục theo học vũ ballet với Dame Marie Ramber (1888 – 1982), người sáng lập đoàn vũ Ballet Ramber nổi tiếng. Tại Luân-đôn, bà Ella van Heemstra phải làm đủ thứ công việc lặt vặt để kiếm sống, và Audrey đã phụ mẹ bằng cách làm người mẫu bán thời với cái tên đã được rút gọn: Audrey Hepburn.

Mặc dù Audrey tỏ ra có năng khiếu đặc biệt, Dame Marie Ramber cũng cho cô biết với thể lực yếu kém (hậu quả của suy dinh dưỡng trong Thế Chiến), cô không bao giờ có thể trở thành một nữ vũ công ballet hàng đầu (prima ballerina) được. Nghe lời khuyên của Dame Marie Ramber, Audrey bỏ ballet để theo đuổi kịch nghệ, khởi đầu với những vai ca viên (chorus girl) trên sân khấu West End, thủ đô kịch nghệ của Anh quốc. Trong thời gian này, Audrey Hepburn còn theo học hát với một vị thầy.

Năm 1950, Audrey Hepburn bắt đầu được thủ một số vai làm kiểng (cameo) trên màn bạc và truyền hình; qua năm 1951 được trao một vai phụ trong cuốn phim Anh – Pháp Monte Carlo Baby (Nous Irons à Monte Carlo), quay tại khách sạn Hôtel de Paris ở Monte Carlo, thủ phủ tiểu vương quốc Monaco.

Đúng vào thời gian này, nữ văn sĩ Pháp nổi tiếng Colette (1873 –  1954) đang ngụ tại khách sạn này và bà đã chấm Audrey Hepburn để thủ vai chính trong vở Gigi của mình trên sân khấu Broadway, Nữu Ước.

[Gigi là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Colette, trước đó đã được thực hiện thành phim năm 1948 với nữ diễn Leslie Caron trong vai chính. Tên “Colette” cũng được lấy để đặt cho một trường Pháp ở Sài Gòn]

Ngay trong buổi diễn ra mắt tại rạp Fulton trong đêm 24/11/1952,

Audrey Hepburn đã được khán giả Mỹ hoan hô nhiệt liệt, được tạp chí Life và tờ Nữu Ước Thời Báo hết lời ca tụng. Vở diễn này được diễn ở Broadway 219 xuất trước khi lưu diễn tại Pittsburgh, Cleveland, Chicago, Detroit, Washington D.C., Los Angeles và San Francisco.

Qua vai chính trong Gigi, Audrey Hepburn đã được trao giải Theatre World Award dành cho diễn viên thủ vai chính lần đầu tiên trên sân khấu xuất sắc nhất, đồng thời được đạo diễn William Wyler lừng danh của Mỹ chọn để thủ vai chính trong cuốn phim hài kịch lãng mạn Roman Holiday (1953).

Roman Holiday, ngày ấy chiếu tại miền Nam VN dưới tựa tiếng Pháp Vacances Romaines, kể chuyện nàng Công chúa Ann (hiểu ngầm là của Vương quốc Anh) trong chuyến công du Ý, chán ngán với những buổi lễ boring và sự ràng buộc, đã lén bỏ trốn khỏi sứ quán, gặp Joe, một chàng phóng viên Mỹ sống ở Ý (Gregory Peck thủ vai), và trải qua những cuộc phiêu lưu kỳ thú, để rồi trái tim rung động… Nhưng cuối cùng, Công chúa bắt buộc phải trở về với lầu son gác tía…

Thực ra lúc ban đầu, đạo diễn William Wyler muốn mời Elizabeth Taylor hoặc Jean Simmons (vai nữ chính trong phim Spartacus, chúng tôi đã nhắc tới trong bài viết về bản Sad Movies), nhưng vì cả đều bận đóng phim khác cho nên William Wyler mới phải tuyển một nữ diễn viên khác.

Không ngờ lựa chọn “second best” của William Wyler lại đem tới thành công ngoài sức tưởng tượng. Tại giải Oscar 1954, Roman Holiday đã đoạt ba giải: nữ diễn viên chính, kịch bản, và trang phục.

Đây là lần đầu tiên một nữ diễn viên đoạt Oscar vai chính trong cuốn phim đầu tiên (thủ vai chính) của mình; ngoài ra, qua cuốn phim này Audrey Hepburn còn đoạt giải nữ diễn viên vai chính xuất sắc tại các giải BAFTA (Điện ảnh Anh quốc), Trái Cầu Vàng, và giải của Các nhà bình phim Nữu Ước.

Năm 1999, Roman Holiday đã được đưa vào danh sách phim được bảo tồn của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ.

Cũng trong năm 1954, Audrey Hepburn đã đoạt giải Tony (kịch nghệ) qua vai chính trong vở Ondine trên sân khấu Broadway. Tiếp theo là những cuốn phim nổi tiếng khác, trong số đó có Sabrina (1954), The Nun Story (1959)…

Hiện nay, Audrey Hepburn được ghi nhận là một trong 15 diễn viên đã đoạt cả bốn đại giải của Hoa Kỳ: Oscar, Emmy (truyền hình) Tony và Trái Cầu Vàng.

* * *

Trở lại với Audrey Hepburn và cuốn phim Breakfast at Tiffany’s. Trước sự bất mãn của văn sĩ Truman Capote, tác giả cuốn truyện nguyên tác, và sự hoài nghi của những người cho rằng Audrey Hepburn là một nữ diễn viên sở trường về những vai “nhà lành” thì không thích hợp với vai trò cô gái “chịu chơi” Holly Golightly, người nữ diễn viên tài ba ấy đã cố gắng lột xác để chứng minh hãng phim biết chọn mặt gửi vàng!

 Mặc dù Audrey Hepburn chỉ được đề cử chứ không đoạt giải Oscar diễn xuất qua vai Holly Golightly, đa số nhà phê bình đã cho đây là vai trò khó khăn nhất trong cả sự nghiệp của cô. Nhưng Audrey Hepburn không chỉ thủ diễn một cách tuyệt vời mà còn có khả năng biến Holly Golightly trong phim trở thành một vật nhân vật khác hẳn Holly Golightly trong cuốn truyện nguyên tác!

Tuy chỉ được để cử năm giải Oscar – nữ diễn viên chính, kịch bản phóng tác, dàn dựng, nhạc đệm, ca khúc trong phim – và đoạt hai giải nhạc đệm, ca khúc trong phim – Breakfast at Tiffany’s  đã được đa số các nhà bình phim hết lời ca tụng (88% điểm Rotten Tomatoes), đặc biệt là tài nghệ của Audrey Hepburn, mà một nhà phê bình viết là “có sức khiến màn ảnh rực sáng”.

Năm 2002, Breakfast at Tiffany’s  đã được Viện Phim Ảnh Hoa Kỳ (AFI: American Film Institute) xếp hạng 61 trong danh sách 100 cuốn phim tình cảm hay nhất xưa nay; và tới năm 2012, được đưa vào danh sách phim ảnh được bảo tồn của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ.

 

* * *

Tới đây chúng tôi viết về nhạc phim của Breakfast at Tiffany’s  và bản Moon River.

Henry Mancini (1924-1994)

Nhạc phim của Breakfast at Tiffany’s  do Henry Mancini (1924-1994) soạn. Ông là một nhà soạn nhạc, nhạc trưởng, kiêm nhà soạn hòa âm phối khí nổi tiếng bậc nhất của Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực nhạc phim.

Trong sự nghiệp của mình, Henry Mancini đã soạn nhạc cho khoảng 150 cuốn phim và show truyền hình, phát hành trên 35 album, có trên 50 đĩa đơn (single) được lên Top.

Ông từng được trao tặng bốn giải Oscar và một giải Trái Cầu Vàng cho nhạc phim và ca khúc trong phim; ông giữ kỷ lục với 72 lần được xướng danh giải âm nhạc Grammy (và đoạt 20 giải).

Henry Mancini tên thật là Enrico Nicola Mancini, ra chào đời tại Little Italy, một khu của di dân Ý ở Cleveland, và lớn lên tại West Aliquippa, Pennsylvania, nơi cha ông là một công nhân trong nhà máy thép. Henry Mancini được cha dạy sáo (piccolo) từ năm lên 8, rồi hai cha con cùng chơi sáo trong ban nhạc Sons of Italy của di dân Ý ở Aliquippa. Năm 12 tuổi, Henry Mancini được học dương cầm. Sau khi tốt nghiệp trung học năm 1942, Henry Mancini được lên Nữu Ước theo học tại trường âm nhạc nổi tiếng Juilliard School of Music.

Nhưng chưa đầy một năm sau, Henry Mancini được lệnh gọi nhập ngũ, phục vụ trong Lục Quân Hoa Kỳ, tham chiến ở Âu châu.

Sau khi giải ngũ, qua đầu năm 1946 chàng nhạc sĩ 22 tuổi được chơi dương cầm và soạn hòa âm cho dàn nhạc nổi tiếng Glenn Miller Orchestra, lúc đó vừa được thành lập. Thời gian này, Henry Mancini may mắn được thọ giáo về hòa âm, đối điểm nơi hai vị danh sư từ Âu châu sang Hoa Kỳ tỵ nạn phát-xít là Ernst Krenek (Áo gốc Tiệp) và Mario Castelnuovo-Tedesco (Ý).

Năm 1952, Henri Mancini được hãng phim Universal Pictures ký hợp đồng soạn nhạc phim. Trong thời gian 6 năm kế tiếp, Henri Mancini đã soạn nhạc cho trên 100 cuốn phim, và được đề cử giải Oscar lần đầu tiên.

Năm 1958, Henri Mancini rời hãng bỏ Universal Pictures để trở thành một nhà soạn nhạc & soạn hòa âm phối khí độc lập. Công việc đầu tiên của Henri Mancini là soạn nhạc cho loạt phim truyền hình Peter Gunn của đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim Blake Edwards, bắt đầu cho một cuộc hợp tác tốt đẹp kéo dài 35 năm với 30 cuốn phim.

Năm 1959, nhạc phim của loạt phim truyền hình Peter Gunn đoạt giải âm nhạc Grammy lần đầu tiên dành cho cho thể loại nhạc phim. Rồi tới thành công của Breakfast at Tiffany’s và ca khúc Moon River năm 1961.

Cũng trong năm 1961, Henri Mancini còn soạn nhạc phim cho Hatari! (Danger), cuốn phim hài kịch phiêu lưu mạo hiểm lấy bối cảnh Phi Châu của đạo diễn Howard Hawks do John Wayne thủ vai chính. Nhạc khúc Baby Elephant Walk trong cuốn phim này đã đoạt giải Grammy về Hòa âm phối khí (Best Instrumental Arrangement) năm 1962.

Theo các nhà phê bình, nhạc phim Hatari! là một thành công điển hình của Henry Mancini trong việc sử dụng chất liệu “jazz” để đưa vào nhạc phim, công việc mà ông là một trong những người đi tiên phong.

VIDEO:

 The Baby Elephant Walk from “Hatari” by Henry Mancini

Qua năm 1962, Henri Mancini soạn nhạc phim cho cuốn phim được đánh giá cao nhất trong sự nghiệp của đạo diễn Blake Edwards: Days of Wine and Roses.

Days of Wine And Roses nguyên là một vở kịch có cùng tựa (1958) của kịch tác gia JP Miller được chính ông viết thành kịch bản cho cuốn phim.

Đây là một cuốn phim tình cảm u ám, nói về  ảnh hưởng tai hại do rượu gây ra cho một hôn nhân hạnh phúc. Ca khúc trong phim có cùng tựa đề Days of Wine And Roses  do Johnny Mercer đặt lời hát.

Tựa đề Days of Wine And Roses được kịch tác gia JP Miller lấy từ một bài thơ của thi sĩ Anh Ernest Dowson (1867–1900), cũng là gợi ý cho lời hát của Johnny Mercer.

Days of Wine And Roses

The days of wine and roses laugh and run away like a child at play
Through the meadow land toward a closing door
A door marked “nevermore” that wasn’t there before

The lone-ly night discloses just a passing breeze filled with memories
Of the golden smile that introduced me to
The days of wine and roses and you

The days of wine and roses
[more instrumental-rest of the first verse]

The lonely – the night discloses just a passing breeze filled with memories
Of the golden smile that introduced me to
The days of wine and roses and you…

VIDEO

 [andy williams] days of wine and roses (lyrics) – YouTube

Qua năm 1963, Henri Mancini soạn nhạc phim cho một tác phẩm để đời khác của Blake Edwards: The Pink Panther.

The Pink Panther là một cuốn phim hài kịch giả tưởng kể về cuộc phiêu lưu của viên kim cương lớn nhất thế giới có tên là “The Pink Panther” và chủ nhân của nó là Dala, một nàng công chúa Ấn-độ lưu vong…, với sự góp mặt của một dàn diễn viên quốc tế: David Niven, Peter Sellers, Robert Wagner, Capucine, Claudia Cardinale… và nhân vật hoạt họa “The Pink Panther”. Sự thành công của The Pink Panther đã được tiếp nối bằng 11 cuốn phim khác, và loạt phim hoạt họa ngắn với nhân vật chính là “The Pink Panther”.

Năm 2010, The Pink Panther (1963) đã được đưa vào danh sách phim ảnh bảo tồn của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ.

Mặc dù trong giải Oscar năm 1963, The Pink Panther đã phải nhường giải nhạc phim cho Mary Poppins, cuốn phim hài kịch ca nhạc bất hủ, nhưng nếu chỉ kể nhạc khúc chủ đề (movie theme) thì The Pink Panther được yêu chuộng, phổ biến hơn.

VIDEO:

The Pink Panther (1963) – Main Title [720p]

Tới đây, chúng tôi trở lại với Moon River, ca khúc Audrey Hepburn hát trong cuốn phim Breakfast at Tiffany’s và đã đoạt giải Oscar cho ca khúc trong phim năm 1962.

Nhạc phim của Breakfast at Tiffany’s do Henri Mancini soạn gồm 38 tiểu khúc (hoặc đoạn nhạc) và 11 ca khúc, trong đó có một ca khúc do nữ nhân vật chính Holly Golightly (Audrey Hepburn thủ vai) hát.

Lúc đầu, để khỏi phải bận tâm, hãng phim đề nghị để một nữ ca sĩ hát thế, Audrey Hepburn chỉ việc nhép miệng.

VIẾT THÊM: Việc lồng tiếng hát của một nữ ca sĩ chuyên nghiệp thay cho nữ diễn viên trong phim rất phổ biến trong hai thập niên 1950, 1960. Công việc này nghe qua thì đơn giản nhưng với những nhà làm phim cầu toàn, tôn trọng khán giả lại khá phức tạp. Yếu tố quan trọng nhất là sự giống nhau, dù chỉ tương đối, giữa giọng của nữ ca sĩ hát thế và giọng của nữ diễn viên trong phim.

Chúng tôi còn nhớ trước năm 1975 tại miền Nam VN, trong cuốn phim Chân Trời Tím, khi Kim Vui hát hai bản Nửa Hồn Thương Đau Người Đi Qua Đời Tôi của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, thì khán giả lại được nghe tiếng hát của… Thái Thanh! Hai giọng hát, cách hát khác nhau một trời một vực, ai xem phim cũng phải bực mình, khó chịu.

Ngay tại Hoa Kỳ ngày ấy (1950-60), cũng chỉ có một vài nữ ca sĩ có khả năng sửa giọng và thay đổi cách hát cho phù hợp với giọng và cách hát của nữ diễn viên.

Trong số này, Mani Nixon (1930 – 2016), một nữ ca sĩ nhạc giao hưởng và opera, ca nhạc kịch với giọng soprano cao vút, được xem là người hát thế tài ba, hoàn hảo nhất.

Từ năm 1950 tới giữa thập niên 1960, Mani Nixon đã hát thế cho hàng chục nữ diễn viên, như Marilyn Monroe (phim Gentlemen Prefer Blondes), Deborah Kerr (The King and I, và An Affair to Remember), Janet Leigh (Pepe), Natalie Wood và Rita Moreno (West Side Story), Audrey Hepburn (My Fair Lady), Sophia Loren (Boy on a Dolphin), v.v…

Để giữ bí mật với khán giả, tên tuổi của người hát thế không được ghi ra trên màn ảnh, cho nên những ca sĩ này được gọi là “ghost  singer”.

* * *

Trước đề nghị của hãng phim lồng tiếng hát của một nữ ca sĩ thay cho Audrey Hepburn, Henri Mancini đã phản đối kịch liệt, bởi ông cho rằng nếu để Audrey Hepburn hát nhép, cảnh này sẽ không có “hồn”.

Nhưng Audrey Hepburn lại không phải một ca sĩ thực thụ, những gì thu thập được qua những buổi học hát hồi trẻ chỉ giúp cô hát đúng tông đúng nhịp, còn giọng hát với một âm vực giới hạn của cô trước sau vẫn thế; nói cách khác, cô không thể lên cao quá mà cũng không thể xuống thấp quá!

Vì thế, Henri Mancini đã phải xem lại cuốn phim Funny Face (1957) trong đó Audrey Hepburn thủ vai chính và hát bản How Long Has This Been Going On trước khi soạn một ca khúc với cung bậc nằm trong âm vực của cô. Theo lời kể lại của vợ ông, Henri Mancini đã mất tới sáu tuần lễ để viết ba nốt đầu; và khi đã tìm được ba nốt ấy, ông hoàn tất phần còn lại chỉ trong vòng 30 phút!

Phần nhạc không lời này cũng sẽ là nhạc khúc chủ đề (main theme) của cuốn phim, được sử dụng trong cảnh mở đầu, do dàn nhạc hòa tấu với tiếng khẩu cầm (harmonica) là chính.

VIDEO:

Breakfast at Tiffany’s Opening Scene – HQ

Soạn phần nhạc xong, Henri Mancini trao Johnny Mercer, một nhà đặt lời hát vào hàng tiền bối rất nổi tiếng nhưng nay đã bớt ăn khách vì bị xem là “người của quá khứ”!

 

Johnny Mercer (1909 – 1976)

 Johnny Mercer (1909 – 1976) là một nhà soạn nhạc, đặt lời hát kiêm ca sĩ quê quán ở Savannah, tiểu bang Georgia, hành nghề tại Hồ-ly-vọng. Ông nổi tiếng nhất với việc đặt lời hát, được xem là một trong những người cuối cùng còn sót lại của thời “Tin Pan Alley”.

[“Tin Pan Alley”, như chúng tôi đã viết trong bài Dẫn Nhập của Nhạc Phổ Thông, là nơi quy tụ của các nhà soạn nhạc và xuất bản nhạc tiên phong trong nền nhạc phổ thông Hoa Kỳ, nằm ở một vị trí ngày nay là West 28th Street, giữa Fifth và Sixth Avenue, Nữu Ước]

Từ năm 1933 tới đầu thập niên 1950, Johnny Mercer đã đặt lời hát cho rất nhiều ca khúc trong phim nổi tiếng và trong hai vở ca nhạc kịch trên sân khấu Broadway. Ông được đề cử giải Oscar cho ca khúc trong phim 18 lần, và đoạt giải bốn lần vào các năm 1947, 1952, 1962, và 1963.

Tổng cộng, trong sự nghiệp của mình Johnny Mercer đã đặt lời hát cho trên 1,500 ca khúc!

Năm 1956, một lần hiếm hoi trong đời, Johnny Mercer đã soạn cả nhạc lẫn lời hát cho hai ca khúc trong cuốn phim ca nhạc Bernardine do nam ca sĩ kiêm diễn viên Pat Boone thủ vai chính. Mặc dù không được đề cử trong giải Oscar hay bất cứ giải ca nhạc quan trọng nào, ca khúc chủ đề Bernardine do Pat Boone thu đĩa đã đứng No.1 trong danh sách đĩa bán chạy nhất do tạp chí Billboard thiết lập.

Chúng tôi còn nhớ sau khi cuốn phim Bernardine được chiếu tại Việt Nam vào khoảng năm 1961, 1962, bản Bernardine đã được đông đảo người yêu nhạc ngoại quốc ở Sài Gòn ưa chuộng, và Pat Boone đã trở thành “thần tượng nhà lành” của không ít cô gái ở Hòn Ngọc Viễn Đông.

VIDEO:

BERNARDINE – PAT BOONE

Như chúng tôi đã viết ở một đoạn trên, Henry Mancini là một trong những người đi tiên phong trong việc sử dụng chất liệu “jazz” để đưa vào nhạc phim, vì thế ông đã mời đàn anh Johnny Mercer hợp tác trong việc viết lời hát cho ca khúc chủ đề của cuốn phim mà ông vừa soạn nhạc.

Henry Mancini chỉ cho Johnny Mercer biết ca khúc này sẽ được sử dụng trong cảnh Audrey Hepburn ôm đàn ghi-ta ngồi hát trên thành cửa sổ cạnh cầu thang, còn nội dung ca từ, ông để Johnny Mercer toàn quyền.

Sau đó, Johnny Mercer đã viết ba lời hát khác nhau, và cuối cùng chọn lời hát mà ông lấy cảm hứng qua hoài niệm một buổi đi dạo chơi trên sông gần ngôi nhà thời thơ ấu của ông ở Savannah, tiểu bang Georgia trong một đêm trăng. Bởi ông cho rằng đây cũng là tâm trạng của nhân vật Holly Golightly (Audrey Hepburn), một cô gái gốc Texas sống ở Nữu Ước, ngồi ôm đàn hồi tưởng những ngày ấu thơ…

Lời hát chỉ có 10 câu ngắn ngủi, không cầu kỳ nhưng kết hợp với dòng nhạc một cách tuyệt vời:

Moon River

 Moon river, wider than a mile

I’m crossing you in style someday

Oh dream maker, you heart breaker

Wherever you’re going

I’m going your way

Two drifters off to see the world

There’s such a lot of world to see

We’re after the same rainbow’s end

Waiting round the bend

My huckleberry friend

Moon river, and me

VIDEO:

 Breakfast at Tiffany’s – Audrey Hepburn Sings Moon River – BEST QUALITY

Trong giải Oscar năm 1962, Moon River đã đem lại giải Oscar đầu tiên cho Henri Mancini và thứ ba cho Johnny Mercer. Tại giải âm nhạc Grammy cùng năm, Moon River đã đoạt hai giải quan trọng nhất: Ca khúc trong năm (Song of the Year) và Đĩa hát trong năm (Record of the Year).

Riêng với Johnny Mercer, Moon River đã đưa tên tuổi của ông trở lại vị trí hàng đầu. Về sau, để vinh danh “người con yêu của Savannah” người ta đã đặt tên cho một cái vịnh nhỏ ở Savannah, Georgia là “Moon River”, để rồi cả vùng này được gọi là “Moon River District”, nơi có nhà hàng “Moon River Restaurant”, hãng bia  “Moon River  Brewing Company” với một “beer garden” cho du khách (kiêm tửu khách) thập phương…

Tính tới nay, Moon River đã được trên 500 ca sĩ nổi tiếng thu đĩa. Từ Andy Williams, Louis Armstrong, Frank Sinatra tới Elton John, Rod Stewart…, từ Judy Garland, Barbra Streisand… tới Sarah Vaughan, Sarah Brightman, Amy Winehouse…

Trong số này, phiên bản của Andy Williams, thu âm năm 1961, và được ông hát trong giải Oscar 1962, được nhiều người yêu chuộng nhất.

Riêng Andy Williams, ông đã xem Moon River như ca khúc “cầu chứng” của mình. Đây là ca khúc mở đầu mỗi tập của show truyền hình The Andy Williams Show (1962 – 1971) của ông, và được sử dụng làm tựa đề album tập hợp những tình khúc hay nhất của ông, cũng như cuốn hồi ký “Moon River” and Me, và tên của công ty sản xuất âm nhạc, tên nhà hát do ông làm chủ ở Branson, Missouri.

Phụ lục 1: Moon River, Andy Williams

VIDEO:

Moon River (From The Andy Williams Show) – Amazon.com

Sarah Brightman – Moon River – YouTube

Trước năm 1975 tại Sài Gòn, Moon River được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Dưới trăng, được Tuấn Ngọc trình bày trong băng Nhạc trẻ 3.

 Dưới Trăng

Ngồi dưới trăng, lắng im nghe lòng ta

Thổn thức bao chuyện ngày qua sầu đau

Hỡi người dấu yêu, sao đành lỡ quên

Sao đành vỡ tan như cánh chim lìa bay

Lòng đắm say những khi ta gần nhau

Ngồi dưới ánh trăng dịu êm cùng mơ

Con thuyền trôi về đâu dưới trăng vàng

Cớ sao một mình ta

Ngồi dưới ánh trăng lẻ loi

Buồn vấn vương, chán chường

Phụ lục 2: Dưới Trăng, Tuấn Ngọc

Ngoài ra, theo tạp chí Trẻ (Trẻ Magazine) xuất bản tại Texas, Hoa Kỳ, trước năm 1975 Nguyễn Ðình Toàn cũng đặt lời Việt cho Moon River với tựa Sông Trăng, tuy nhiên tác giả bài báo cho biết không tìm ra bản gốc và cũng không biết đã có ca sĩ nào thu âm hay chưa. Lời hát của Nguyễn Ðình Toàn được tạp chí Trẻ ghi lại như sau:

Sông Trăng

Dòng nước trôi, cuốn theo muôn vạt trăng

Thầm nhắc ta hãy vượt sông một ngày

Ði tìm bóng xưa êm đềm

Ngẩn ngơ, hỡi dòng sông

Trôi tới đâu ta cũng theo mà đi

Còn nhớ chăng, hỡi em muôn trùng xa

Ngày chúng ta đôi trẻ thơ nhìn đời

Ôi đời vui trăm lối, có ai ngờ

Dưới chân cầu vồng kia

Còn chốn nào cho người xa

Tìm thấy nhau một lần…

Cuối cùng, trên YouTube, chúng tôi cũng thấy phổ biến một video clip lời Việt của tác giả Nguyễn Hoàng Đô, do “Quỳnh Dao Paris” trình bày.

VIDEO:

Sông Trăng (Moon River)

 

HOÀI NAM

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search