T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 153)

 

Chữ nghĩa làng văn

 Trong bài Khen vợ của Trần Tế Xương hai câu mở đầu:

Quanh năm buôn bán ở “ven” sông

Nuôi đủ “đàn” con với một chồng

Thực ra hai câu này là:

Quanh năm buôn bán ở “mom” sông

Nuôi đủ “năm” con với một chồng

Mom đây là phần đất ở bờ nhô ra sông.

Mom khác với “mỏm” vì mỏm vì mỏm nhô lên cao như mỏm núi.

(Nguồn: Nguyễn Văn Ý)

 

Triết lý củ khoai 

Lúc bé, tưởng đóng đinh thì đóng đinh, không thích thì có thể nhổ, bây giờ cảm nhận được đinh có thể nhổ nhưng vết sâu vẫn còn.

Giai thoại làng văn xóm chữ (5)

Ả đào

Nhân nói đến xóm chị em, chúng tôi nhớ đến bạn Hoàng Tích Chu, chủ báo Đông Tây, vốn không biết nghe hát và đánh trống nhưng hay lui tới nơi đây, chỉ vì quen thân với bà Đốc là chủ nhà hát ả đào xóm Khâm Thiên, cũng là người không từng biết xử dụng đến sênh phách. Giai thoại rằng: họ Hoàng giơ roi chầu vừa đánh bốn tiếng trống dạo ý nói : Đông Tây! Đông Tây

Bà Đốc gõ dịp phách như đối lại: Vắng Khách! Vắng Khách!

Câu đối dí dỏm ở chỗ dùng khách là khách hàng hay chú khách đối với tây là phương tây mà cũng là người Pháp; đông là phương đông, dùng nghĩa đông là trạng từ (đông đúc đông đảo) để đối lại bằng chữ vắng, thật là đột ngột .

(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc – Chơi chữ 1960)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Chê thằng một chai, lấy thằng hai nậm

(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao, thành ngữ)

 

Tục sùng bái cây 

Đây là một tín ngưỡng có tính cách hợp hóa mầu nhiệm của đá với cây. Bình vôi là một quyền năng huyền bí mật thiết quan hệ đến mệnh vận trong nhà.

Nếu vôi bám thành bờ trên miệng bình thì trong nhà làm ăn thịnh vượng. Bình vôi bể vỡ là một điềm gở. Bởi thế nên mỗi khi có bình chẳng may bể vỡ ngừơi ta kiêng không dám vứt đi vào chỗ tạp uế, phải đem chồng chất dưới gốc cây vì gốc cây là nơi đặc biệt hình như có duyên nghiệp với chất đá vôi, và bình vôi ở gốc cây lại càng tụ được nhiều sinh khí hay thần linh (prana = mana).

Vì thế mới phát xuất ra tục thờ cây vậy.

Hoặc tục thờ cây có từ trước vì lý do huyền bí mầu nhiệm của sức nẩy nở sinh sôi ở thảo mộc.

(Văn hóa đình làng – Nguyễn Đăng Thục)

 

Om thòm

 Om thòm: ầm ỹ

(gì mà om thòm vậy)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 

Nhà máy bia Sài Gòn

Văn phòng BGI nằm trên đường Hai Bà Trưng cạnh hãng nước đá Brasseries Glacières d’Indochine. Đấy là tên cúng cơm. Sau năm 1954, sau khi hết Indochine (Đông Dương), BGI bèn biến chữ “I” thành Internationales (Quốc tế). Còn nhà máy nấu La De ở Chợlớn, cạnh sân vận động Cộng Hòa.

BGI phát xuất từ một nhà máy nước đá do một kỹ sư Công Nghiệp (Arts et Métiers -Paris) sĩ quan hàng hải, Victor Larue, giải ngũ tại Sài gòn năm 1875 thành lập.

Còn chai bia lớn gọi La De Con Cọp, hay La De lớn (vì dung tích 66 phân khối). Nói thì La De, nhưng viết LA Ve, cũng vì một anh Tây ở hãng đã viết và cho in trên cuốn lịch phát hằng năm, màu vàng với con cọp nằm ngang màu đen và viết LA VE LARUE.

Tên ông Victor Larue chủ Hãng BGI, ông đẻ ra hãng nước đá, nhưng tên ông lại đặt cho La De.

(Phan Văn Song)

 

Bình vôi
Ở Bắc Việt có tục sùng bái cây. Dưới gốc cây người ta hay đặt những bình vôi mẻ sứt là thứ đồ gia dụng của gia đình Việt Nam có tục cổ truyền ăn trầu. Bình vôi chứa đựng vôi tô lá thứ đồ dùng được trọng đãi cho nên khi nào bể vỡ, người ta không vứt đi mà phải tàng trữ lại ở gốc cây. Vứt đi là một điều tối kỵ.

(Văn hóa đình làng – Nguyễn Đăng Thục)

 

Về một cái tên

Trong những truyện viết thời tiền chiến, tên người gọi…“Đỏ” xuất hiện rất nhiều như trong Anh Đỏ Phụ, Sáng trăng suông của Hồ Dzếnh, Nằm vạ, Ma đậu của Bùi Hiển.

Lý do ở nhà quê ta, khi sinh con thấy con đỏ hon hỏn là mừng, là vui. Nên vì vậy các cụ ta xưa đặt tên con là Đỏ chăng?

 

Tế thông gia

Đời sống tinh thần của người Việt ở miền Nam còn lưu giữ nhiều mỹ tục xoay quanh các vấn đề quan, hôn, tang, tế. Trong đó, tế thông gia còn được bảo tồn ở nhiều địa phương như Tiền Giang, Long An.

Khái lược về hậu sự

Cổ lệ về hậu sự, qua một số nghiên cứu cho biết có rất nhiều lễ: phục hồn (chiêu hồn), mộc dụcphạn hàm, … Hiện nay vấn đề hậu sự được tiết giản rất nhiều. Tuy nhiên, một số lễ sau vẫn được tiến hành.

Sau khi người quá cố đã tắt thở, tang chủ (thường là người thân trong gia đình như vợ/chồng, con/cháu, …) làm lễ an bài thi hài. Dùng nước thơm lau rửa, sau đó thay quần áo mới cho người chết. Một số trường hợp, tang chủ mua bộ đồ vãng sanh gồm áo dài màu vàng có in bài chú vãng sanh bằng chữ Phạn và Hán tự trên áo, mặc cho người thân với quan niệm được siêu thoát về thế giới Tây phương của các chư Phật. Trên mặt người quá cố được đắp tấm vải màu vàng, đồng bộ với đồ vãng sanh.

(Tế thông gia – Đỗ Kim Trường)

 

Viết hoa (6)

Những năm tháng chính xác phải được viết hoa. Thí dụ như:
năm Nhâm Thìn, năm Ất Dậu…

(Viết hoa hay không viết hoa? – Mathilde Tuyết Trần)

Gặp những trường hợp ngoại lệ, không nên lạm dụng viết hoa quá nhiều, vì hình thức viết hoa là phương cách nhắm vào thị giác của người đọc, làm tăng thêm sự chú ý đến những khái niệm trong một câu, hay một cụm từ.

Thí dụ:
Nếu viết hoa tất cả “Nhà Hát Tuồng Đào Tấn“ thì người đọc sẽ không hiểu ý chính nằm ở đâu. Nếu viết Nhà hát Tuồng Đào Tấn thì có nghĩa là, nhà hát này chỉ trình diễn duy nhất tuồng của Đào Tấn. Nếu viết “Nhà hát tuồng Đào Tấn“ thì người đọc sẽ hiểu là nhà hát tuồng này mang tên Đào Tấn.

Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao

Từ điển thuật ngữ văn học gọi chơi chữ là “lộng ngữ” và giải thích là một biện pháp tu từ có đặc điểm: người sáng tác sử dụng những chỗ giống nhau về ngữ âm, ngữ nghĩa, văn tự, văn cảnh để tạo ra sự bất ngờ thú vị trong cách hiểu, trong dòng liên tưởng của người, người nghe. Các hình thức của lộng ngữ rất phong phú, trong đó có:nói lái, dùng từ đồng âm hoặc gần âm, dùng từ gần nghĩa, tách một từ thành các từ khác nhau.

Công dụng của nét chơi chữ “thanh cao” nhưng không tránh khỏi cái bản năng bình thường của con người, dân gian chơi chữ “đồ” để mỉa mai thâm thuý trong bài ca dao sau đây, nhưng gợi lên một ý nghĩa khác “tục” mà thanh:

Nhân lúc đồ ngồi nhàn hạ

Ra hồ sen xem ả hái hoa

Ả hớ hênh ả để đồ ra

Đồ trông thấy ngắm ngay tức khắc

Đêm năm canh đồ nằm khôn nhắp

Những mơ màng đồ nọ tưởng đồ kia

“Đồ nọ” tưởng “đồ kia” là hai từ đồng âm nhưng một từ với nghĩa là thầy đồ – một hạng người trong xã hội, và một từ “đồ” cũng là danh từ nhưng để chỉ sinh thực khí của phụ nữ!

(Trần Minh Thương – Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao Việt Nam)

 

Triết lý củ khoai 

Lúc bé, tưởng mình có thể thay đổi cả thế giới, giờ thấy được ngay cả một người còn chẳng có khả năng thay đổi. Có chăng, vẫn chỉ là tự thay đổi mình.

 

Chữ nghĩa làng văn

 Trong bài Thương về 5 cửa ô xưa của Tạ Tỵ có câu:

Tôi đứng bên này vỹ tuyến
Thương về 5 cửa ô xưa

Ô ngoài nghĩa là đen, là vật che mưa che nắng, v…v…

Ô còn có nghĩa là khu ngoại thành Thăng Long hồi xưa.

Như nhà ở đầu ô hay ngoại ô.

 (Nguồn: Nguyễn Văn Ý)

 

Bài thơ Qua Đèo Ngang

 Trong Contes et Légendes du Pays d’Annam của Lê Văn Phát, viết năm 1913, có bài “Le Râle d’eau ”  . Trong ” Le Râle d’eau ” lại có bài “Đèo Ngang”, vô danh, rặt chữ Nôm, văn phong rất mộc mạc, còn nội dung thì giống hệt nội dung bài “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan.

Bài  ” Le Râle d’eau ” kể chuyện ngày xưa. Chuyện vua La Hoa (?) nước Chiêm Thành đem quân đánh Giao Chỉ. Môt cận thần tên Quốc đã hết lời can gián và xin hoãn lại cuộc viễn chinh, nhưng nhà vua không nghe. Biết rằng trận chiến này thế nào cũng đem lại thất bại, Quốc xin theo, hầu quyết tâm bảo vệ an toàn cho chúa. Cuộc chiến xảy ra ở Đèo Ngang. La Hoa, quá hiếu chiến, quá chủ quan, tiến thẳng đến trận tiền, nên bị trúng tên mà chết. Quá đau đớn, Quốc liều xông ra chém giết giữa muôn tên ngàn giáo để báo thù. Nhưng đơn thương độc mã, nên Quốc đã chết dưới làn sóng của địch quân. Quá uất ức, hồn của Quốc không siêu thoát được, cứ phảng phất quanh Đèo Ngang để tìm xác chủ, nhưng vô hiệu quả. Sau đó Quốc tái sinh dưới dạng con chim Cuốc để đêm đêm rít lên những tiếng kêu bi ai của một vị trung thần khóc quốc vương tử trận: “Quốc Quốc, La Hoa “, Quốc ở  đây, còn La Hoa ở  đâu ?

Một văn nhân vô danh, đi qua Đèo Ngang, nhớ lại chuyện xưa, đã làm bài thơ ” Đèo Ngang ” (theo ông Lê Văn Phát) :

Qua ải Đèo Ngang bóng ác tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen ba.
Non cao rải rác tiều vài lão,
Đất rộng lai rai xóm mấy nhà.
Nhớ chúa đau lòng con Quốc-Quốc,
Kêu người mỏi miệng tiếng Hoa-Hoa.
Dừng chơn ngóng cổ miền non nước,
Một tấm lòng riêng ta với ta.

(Vô danh)

Vậy phải chăng Bà Huyện đã lấy bài đó, đã có từ lâu, và trau chuốt lại thành một bài thơ bất hủ “Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà – Cỏ cây chen đá, lá chen hoa” như ta đã biết?
(Nguyễn Vĩnh-Tráng – Chimviet.free.fr)

 

Tam Tự Kinh

“Nhân chi sơ Tính bản thiện. Tính tương cận Tập tương viễn. Cầu bất giáo Tính nải thiên. Giáo chỉ đạo Quí dĩ chuyên. Tích Mạnh mẫu Trạch lân xứ. Tử bất học Ðoạn cơ chữ, v……”

(Người lúc đầu Tính vốn lành Tính giống [thì] gần Thói khác [thì] xa Nếu không dạy Tính thay đổi Chuyên cần [là] quí Chuyện mẹ thầy Mạnh Chọn xóm giềng Con không học Chặt khung cửi…)

(Viên Linh – Những ông thầy thời niên thiếu)

 

Chữ nghĩa làng văn…hàng xóm

Lão Tử, Trang Tử, Khổng Tử (2)

Đó là mối quan hệ của ba học phái và cũng chính là những nghịch lý dễ nhận ra thuyết Vô vi mà Đạo đức kinh ra sức đề cao thì nói khác đi, Thì Vô vi mà không…vô vi vậy.

Ngoài ra Nam Hoa kinh trình bày khái niệm đạo của mình cũng tương tự như Đạo đức kinh. Nếu trích lục những câu viết về “Đạo” của hai tác phẩm này để so sánh thì quả thật khó mà phân biệt được câu nào của Nam hoa kinh, câu nào của Đạo đức kinh..

(Tiến tình văn hóa Việt Nam – Nguyễn Khắc Thuần)

 

Giai thoại làng văn xóm chữ

Ả đào

Thời xưa, các cụ những lúc cao hứng, hay lui tới “xóm chị em” thường được gọi văn vẻ là “quán Sở lầu tân”. Ả đào là những người vì cảnh ngộ xui nên mà phải làm cái nghề buôn phấn bán son. Nhiều cô lấy làm vạn bất đắc dĩ, là vì đã từng theo đòi bút nghiên, nên những lúc cảm thương thân thế, thường viết ra những vần ai oán:
Chốn ca lâu đèn dong một ngọn,
Đêm năm canh hao tổn tinh thần.
Ngủ ngày thức tối hư thân,
Biết đâu quán Sở lầu Tần thế gian!
Thân như thể hoa tàn nhị rữa,
Bỏ bên đường làm của chơi chung.
Sang hèn có bạc thì xong,
Tha hồ vợ vợ chồng chồng chén son.
May gặp khách nha môn quyền quý,
Chẳng may ra, gặp kẻ ngu hèn.
Tháng ngày ẻo ọe chè men ,
Bẻ hành bẻ tỏi chị em đến điều …

Nhưng, khi gặp khách tri âm, thì đến lúc chia tay có cô níu “anh” lại mà ngâm:
Anh về, em chẳng cho về,
Em níu vạt áo, em đề câu thơ …

Thơ rằng:
Ta chửa xa nhau đã nhớ nhau,
Nhớ nhau vì nỗi phải xa nhau.
Xa nhau chi để cho nhau nhớ,
Mà có xa nhau mới nhớ nhau!
(Tản Đà ?)

(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc – Chơi chữ 1960)

 

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search