T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Giới thiệu sách vạch trần dối trá lịch sử cận đại của Trung Quốc

(Bìa sách Out Gobi của Weijian Shan)

(Nguồn: Báo Tiếng Dân)

Tác giả: Bùi Mẫn Hân

Dịch giả: Đỗ Kim Thêm

Hai cuốn hồi ký mới kể lại cuộc đời ở Trung Quốc đã soi sáng đáng giá về tình trạng tăng trưởng của Trung Quốc từ một nền kinh tế trì trệ chuyển  thành siêu cường hiện đại. Trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn kiên định che giấu và viết lại quá khứ, nhiều người Hoa bình thường quyết tâm trình bày tương lai của đất nước.

Ngay sau khi Tập Cận Bình, vị chủ tịch đầy bản lĩnh của Trung Quốc, lên nắm quyền vào cuối năm 2012, ĐCSTQ đã cho lưu hành Văn Kiện số 9 mà hiện nay quá khét tiếng, và trong đó có cấm đoán tranh luận công khai bảy chủ đề. Hiển nhiên, ngoài các vấn đề dân chủ hiến định, xã hội dân sự, các quyền cá nhân, ĐCSTQ còn cấm mọi phát ngôn hoặc văn bản thuộc về chủ nghĩa hư vô lịch sử.

Ban Lý luận của ĐCSTQ không đề cập đến công trình của Friedrich Nietzsche, triết gia Đức, là người đã du nhập khái niệm chủ nghĩa hư vô, mà là về quá khứ của chính ĐCSTQ. Khi đọc tài liệu cho thấy, Tập và các quan chức lo rằng khi tường thuật trung thực về các sự kiện đã định hình cho Trung Quốc đương đại sẽ phơi bày những dối trá của ĐCSTQ. Do đó, chủ nghĩa hư vô lịch sử đặt ra bất kỳ thách thức nào đối với các tự sự lịch sử chính thức và huyền thoại của Đảng.

Cải tạo giáo dục vô cảm

Bất cứ ai đọc tác phẩm Xa Sa mạc Gobi (Out of The Gobi) của Weijian Shan sẽ hiểu tại sao chế độ độc đảng lớn nhất thế giới lại muốn cho những sự thật lịch sử bị chôn vùi và không bị xáo trộn. Shan, một nhà đầu tư thành công ở Hương Cảng, thời thiếu niên đã sống như một trong những thanh niên bị lưu đày ở sa mạc Gobi, thuộc Nội Mông, trong cuộc Cách mạng Văn hóa (1966-1976). Vì thế, Shan trở thành nạn nhân của một trong những thập niên đau thương nhất.

Sau khi đưa đất nước rơi vào cảnh hỗn loạn, Mao Trạch Đông không thể tìm được việc làm cho giới trẻ ở thành phố Trung Quốc, vì vậy ông đã tống xuất khoảng 16 triệu người trẻ về nông thôn để cho các nông dân cải tạo giáo dục. Chấn thương gây ra cho Shan và những người cùng thời (gồm có cả Tập lúc thanh xuân) không thể nào kể xiết. Giáo dục của họ bị cắt ngắn và cuộc sống bị gián đoạn, nếu không nói là bị hủy hoại. Hầu hết đều lâm cảnh nghèo đói và làm các công việc tạm bợ ngay cả sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc. Hàng chục ngàn phụ nữ trẻ bị các quan chức địa phương hãm hiếp.

Shan, lúc đó chưa tròn 16 tuổi và chỉ nặng 50 kg, đã được đưa lên một chuyến tàu đến một nông trại nhà nước ở vùng sa mạc Gobi vào tháng 9 năm 1969. Trong suốt sáu năm sau, Shan đã đào mương, trồng khoai, làm nghề thầy thuốc trong nông thôn và làm gạch. Không có nghi ngờ gì khi các điều kiện môi trường khắc nghiệt, nạn đói liên tục và cưỡng bức lao động sẽ nhắc nhở độc giả về việc Alexander Solzhenitsyn mô tả cuộc sống hàng ngày trong một trại Gulag điển hình của Liên Xô. Đây là điều xấu xa nhất có thể tưởng tượng được trong thiên đường của người lao động mà Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc hứa hẹn.

Vào một dịp, Shan và các đồng bạn được gửi đến một hồ nước đóng băng để cắt lau sậy trong mùa đông. Khi ở đó, họ sống trong những chiếc lều tạm không có lò sưởi với nhiệt độ đôi khi xuống tới -20° C. Chế độ ăn uống bao gồm chủ yếu là bánh nhạt nhẽo làm từ ngũ cốc thô và không có gì khác. Bị nạn đói hành hạ, họ thường trộm thức ăn của nông dân địa phương, dưa hấu, gà và bất cứ thứ gì mà họ có thể bắt được. Ngoại trừ các thứ như vậy, họ mơ ăn súp vi cá, dưa chuột, yến sào và các cao lương mỹ vị khác được phục vụ trong các nhà hàng ngon nhất ở Bắc Kinh và trong các buổi quốc yến.

Nhưng đối với Shan, một học sinh có tài năng, điều thiếu thốn tồi tệ nhất là thiếu thực phẩm dinh dưỡng cho trí tuệ và văn hóa. Trong cuộc Cách mạng Văn hóa, chế độ đã cấm gần như tất cả các loại sách. Nhưng Shan đã tìm được một số ít, bao gồm sách hướng dẫn sử dụng thuốc trừ sâu, Shan đọc từ bìa sách này đến bìa sách khác nhiều lần và trở thành một chuyên gia tự học về hóa học trong ngành này.

Cuối cùng, đau khổ và tổn thương không thể kể xiết được mà giới thanh niên bị đày ải không mang lại giá trị kinh tế. Khi ví dụ cho sự điên rồ của chủ nghĩa Mao, Shan kể rằng sau khi dùng 750.000 kg hạt giống gieo trồng, nông trại của Shan gồm khoảng 300 thanh niên nam nữ đã thu hoạch được 70.000 kg ngũ cốc. Không nản lòng, lãnh đạo đã lên kế hoạch  dùng 750.000 kg hạt giống khác và nâng mục tiêu sản xuất lên 90.000 kg cho năm sau. Không cần phải tìm đâu xa để hiểu tại sao chủ nghĩa cộng sản thất bại thảm hại ở Trung Quốc.

Màn hai của cuộc đời tại Trung Quốc

May mắn thay, sự thiếu thốn và điên rồ về kinh tế của nông trại quốc doanh đã không hủy hoại được Shan. Ngay cả trong những ngày đen tối nhất của Shan ở sa mạc Gobi, chẳng hạn như khi cấp trên nhỏ nhen và đầy thù hận, hai lần ngăn không cho Shan vào đại học, Shan vẫn nuôi hy vọng trốn thoát. Năm 1975, một cơ hội như vậy cuối cùng đã đến, khi Shan được chọn tham dự Học viện Ngoại thương Bắc Kinh, trường đại học cao cấp Trung Quốc dành đào tạo chuyên gia thương mại. Shan xuất sắc trong học tập, và vào tháng 8 năm 1980, Shan được chọn là một trong những sinh viên Trung Quốc đầu tiên sang Mỹ du học.

Không xét đến lý lịch cá nhân, có rất nhiều điều để học hỏi từ trong hồi ký của Shan về Trung Quốc. Đối với người phương Tây, một trong những chuyện bí ẩn nhất về Trung Quốc hiện đại là đất nước không chỉ sống sót qua thời kỳ theo chủ nghĩa Mao, mà còn sớm bắt tay vào một chuyển biến tạo ra phép màu kinh tế vĩ đại nhất được ghi lại trong lịch sử. Câu chuyện của Shan cho thấy những gì làm cho điều đó có thể. Khi xem tính kiên cường, làm việc chăm chỉ, tháo vát và tài năng được thể hiện bởi tất cả những người sống sót trong cuộc cách mạng văn hóa, thì sự năng động của Trung Quốc ngày nay không có gì đáng ngạc nhiên.

Shan kết thúc câu chuyện bằng việc học tập ở Mỹ. Giống như Trung Quốc trong những năm sau thời kỳ Mao, Shan được hưởng lợi từ tình thân hữu và hào phóng của đất nước và con người ở Mỹ. Một học bổng của Quỹ châu Á đã giúp Shan vào Đại học San Francisco và một nhà tài trợ ẩn danh đã trả học phí cho phép Shan tốt nghiệp chương trình cao học đặc biệt trong một năm. Tiếp theo, Shan theo học tại Đại học California,  Berkeley, nơi Shan được bà Janet Yellen dìu dắt, sau này bà là chủ tịch của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ. Vào năm 1986, Shan trở thành một trong những sinh viên đầu tiên từ Trung Quốc lục điạ được trao bằng tiến sĩ kinh tế của một trường tại Mỹ. Với lời mời làm việc của MIT và Trường Wharton tại Đại học Pennsylvania, Shan đã cộng tác với Wharton.

Không cần phải nói, đó là những thời gian hạnh phúc hơn trong quan hệ Mỹ-Hoa. Kinh nghiệm của Shan cho thấy Mỹ đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho Trung Quốc vươn lên từ một quốc gia nghèo khó sang nền kinh tế lớn thứ hai trong thế giới. Với việc hai nước đang hướng đến một cuộc chiến tranh lạnh mới, cuốn sách của Shan buộc chúng ta phải hỏi điều sai lầm gì đã xảy ra, và liệu một cuộc xung đột ngày càng leo thang có thể tránh được không.

Bìa sách Under Red Skies của nhà báo Karoline Kan

Giấc mộng của Trung Quốc thật sự

Trong tác phẩm Dưới Các Bầu Trời Đỏ (Under Red Skies), nhà báo Karoline Kan đưa ra lý do để hy vọng rằng những thay đổi đang diễn ra ở Trung Quốc, đặc biệt là khẳng định chủ nghĩa cá nhân của thế hệ trẻ có thể giữ giấc mơ dân chủ trong tầm nhìn và làm hoà dịu mối tương tranh về địa chính trị Mỹ – Hoa

Câu chuyện của Kan tập trung vào các cuộc   đời của ba thế hệ phụ nữ Trung Quốc: bà, mẹ và chính Kan. Kan, thuộc thế hệ khoảng năm 2000, hiện là biên tập viên Bắc Kinh của tạp chí Đối thoại Trung Quốc thuộc một tổ chức bảo vệ môi trường của Anh. Kan lớn lên trong một xã hội mà Shan và những người bạn đồng thời bị đày về nông thôn khó có thể tưởng tượng.

Dù là con của một gia đình nông dân ở trong một ngôi làng gần Thiên Tân và phải chịu đựng những khó khăn điển hình của cuộc sống nông thôn Trung Quốc, Kan đã tránh được những chấn thương đã xảy ra như cho thế hệ của Shan. Câu chuyện gia đình Kan là một trong những cuộc nổi loạn và năng động thăng tiến. Kan là bằng chứng sống động về những gì mà người Hoa bình thường có thể đạt được khi họ không bị cai trị bởi một chế độ độc tài giết người.

Câu chuyện về bà ngoại Kan là điển hình của phụ nữ trong xã hội nông thôn truyền thống: cuộc hôn nhân của bà đã được sắp xếp, bà sống một cuộc đời làm việc không ngừng và không có tự chủ. Nhưng mẹ của Kan đã có một trải nghiệm hoàn toàn khác. Dù lớn lên trong một xã hội do nam giới thống trị, nơi chính phủ quyết định những gì người dân nên có và có thể có, mẹ của Kan không cho phép một hệ thống khuất mặt đưa ra quyết định nào cho bà.

Trong phần kể chuyện của Kan, cuộc nổi loạn của mẹ Kan bắt đầu với những quyết định cá nhân nhất: có nên sinh con nữa hay không. Theo chính sách một con của Trung Quốc, phụ nữ thường xuyên bị buộc phải  triệt sản hoặc phá thai. Nhưng sau khi sinh con trai, mẹ Kan muốn có một con gái nên đã khéo léo tránh được thủ tục triệt sản. Khi mang thai Kan, bà đã trốn trong các cánh đồng ngô tránh cảnh sát đáng sợ của Trung Quốc theo kiểm soát sinh sản (các quan chức kế hoạch hóa gia đình ở địa phương chuyên chở phụ nữ mang thai trái phép đến các phòng khám phá thai). Sau khi Kan sinh ra, bà đã cùng tom góp được 6.000 đồng Nguyên – 6 lần thu nhập trung bình hàng năm – để trả tiền phạt vì vi phạm chính sách một con.

Sau đó, mẹ Kan đã bứng gốc toàn gia đình và chuyển tất cả đến một thị trấn nơi giới trẻ có thể nhận được một nền giáo dục tốt hơn. Dù chưa bao giờ điều hành doanh nghiệp, bà đã mở một cửa hàng trái cây, hải sản và hoa, cuối cùng tiết kiệm đủ để bắt đầu mở một trường mẫu giáo tư nhân và mua một ngôi nhà trong thị trấn. Tuy nhiên, dù là một nữ doanh nhân và chủ nhà, con của bà không đủ điều kiện đăng ký vào các trường công lập địa phương, vì gia đình không có hộ khẩu ở thành phố, giấy cho phép cư trú cần thiết để có quyền sử dụng các tiện ích công cộng. Cuối cùng, Kan và anh trai đã được ghi danh chỉ sau khi cha mẹ họ trả một khoản phí cắt cổ (bằng một phần tư giá trị căn nhà) và mua chuộc người trung gian liên lạc bằng cua và gạo.

Bên ngoài của lỗ hổng trong trí nhớ

Nhờ tính sáng tạo và thông minh của mẹ, Kan không chỉ sống sót sau chính sách một con của Trung Quốc mà còn hấp thụ một nền giáo dục mà mẹ và bà khó mơ ước. Trong những năm học đại học ở Bắc Kinh, nhận thức chính trị của Kan đã tăng lên và Kan tham gia phong trào đòi nữ quyền. Hành vi nổi loạn thầm lặng đầu tiên của Kan là đã tải phần mềm trên mạng để liên kết ảo riêng (VPN, virtual private network) xuống để phá bức tường lửa Trung Quốc, nơi che lấp vô số các thông tin bị cấm. Trong số những điều khác, Kan đã biết thêm về vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, một chủ đề bị cấm ở Trung Quốc, ngày càng trở nên bất mãn với ĐCSTQ và những lời dối trá của họ.

***

Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei): Giáo sư môn Công Quyền học tại Claremont McKenna College, tác giả sách Chủ nghĩa Tư bản thân tộc tại Trung Quốc.

Sách tham khảo:

Weijian Shan, Out of the Gobi: My Story of China and America, Wiley, 2019.

Karoline Kan, Under Red Skies: Three Generations of Life, Loss, and Hope in China, Hachette Books, 2019.

Bài Mới Nhất
Search