T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 154)

 

Chữ nghĩa làng văn

Ở đâu nhà văn và nhà giáo cũng có quan hệ khá chặt chẽ với nhau. Cả hai loại người này đều sinh hoạt trong thế giới sách vở.

Hậu quả là phần lớn các nhà văn đều có khuynh hướng viết văn như một nhà giáo. Một biểu hiện khác của việc viết văn như một nhà giáo là khuynh hướng diễn giải. Cứ thế, nhà giáo phải giảng đi giảng lại những điều cực kỳ căn bản. Rất tiếc, không ít người đem cả thói quen diễn giảng ấy vào văn chương.

Trong bài viết của họ, mỗi câu văn phải cõng trên lưng nó năm bảy câu giải thích. Chuyện mới, giải thích đã đành. Ngay cả những chuyện xưa như trái đất cũng vẫn giải thích. Lặp lại những kiến thức sơ đẳng và cũ rích, cách viết như thế là một sự xúc phạm đến sự hiểu biết của người đọc. Giọng văn làm nhàm và lảm nhảm, cách viết như thế là một sự xúc phạm đến tính chất thẩm mỹ của văn chương.

 (Nhà văn…không là ai – Nguyễn Hưng Quốc)

 

Ra đi gặp vịt thì lùa

Gặp duyên thì kết, gặp chùa thì tu

 Câu thành ngữ chỉ những người không định hướng, mặc cho

dòng đời cuốn trôi đến đâu thì đến.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

 

Một trong triệu chứng nhận ra mình đã…”già”

Nhìn gương thường xuyên, để ý đến chân dung nhiều hơn.

 

 Đền Hùng Vương

Đền Hùng thờ 18 đời Hùng Vương ở núi Nghĩa Lĩnh, thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Vĩnh Phú (Phú Thọ). Theo Đại Nam nhất thống chí, sau khi Hùng Vương mất, theo văn bia, thần tích, ngọc phả thì chính An Dương Vương vì cảm kích được Hùng Vương nhường ngôi, đã lên núi Nghĩa Lĩnh dựng miếu thờ. (1) & (2).

Tuy nhiên những thần tích và ngọc phả khi được viết lại bởi các nhà nho sau ghi chép đầy đủ 18 đời vua với đầy đủ duệ hiệu, phả hệ các vua Hùng với tên tuổi cùng thời gian trị vì vào thời An Dương Vương là một điều chắc chắn không xảy ra: Vì tập quán này chỉ xuất hiện vào đời Lý. Hầu hết những thần tích, ngọc phả được ghi chép vào khoảng thế kỷ 18 dưới thời Lê Trung Hưng.

Lại nữa, hiệu các vua Hùng trong ngọc phả toàn bằng chữ Hán, một điều không xẩy ra được nữa: Vì vào thời vua Hùng, chúng ta hoàn toàn chưa tiếp xúc gì với người Hán cả.

(1) Có người còn sửa lại bản “Cổ Việt Hùng thị thiên thế thánh vương ngọc phả cổ truyện” được cho làm từ thời Lê Thánh Tông (1470) nay còn để ở đền Hùng.

(2) Cho đến nay, không có sử liệu dẫn chứng đền Hùng được dựng năm nào? Chỉ biết rằng đền Hùng ngày nay được xây cất lại thời Pháp, trước thời kỳ Đại khủng hoảng kinh tế thế giới hay sau Thế chiến thứ nhất thời Pháp thuộc. (Nguồn: Tạ Chí Đại Trường)

(Lê Mạnh Hùng – Nhìn lại sử Việt)

 

Cơm – Phở (2)

 Vợ là…“cơm nguội” của ta

Nhưng là…“phở tái” của cha láng giềng!!!

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

 Tại sao

-Tại sao có tục đặt một bát cơm úp, một quả trứng, dựng đôi đũa trên bát cơm, cài quả trứng vào giữa hai chiếc đũa rồi thắp hương đặt lên trên đầu người chết suốt trong thời gian chưa nhập quan?

-Tại sao người ta cắm một cái cọc bằng kim loại suốt chân giường người chết?

-Tại sao khi chưa nhập quan, người ta luôn luôn thắp hương nến (nếu không có nến thì thắp ngọn đèn dầu) cho đến khi hạ huyệt không để tắt hương đèn?

-Tại sao hai bên hương án, phía gần kề áo quan, người ta đặt hai cây chuối con?

-Tại sao có tục dựng bó đuốc to ở giữa sân vào ban đêm trước lễ an táng (nếu để qua đêm), con cháu và thân nhân túc trực quanh linh cữu (lễ “Chúc thực” ban đêm, nghĩa là “lễ trồng bó đuốc”?)

-Tại sao có tục kiêng ngăn người nhà không được đứng cạnh thi hài mà khóc, tránh nhỏ nước mắt vào thi hài?

– Tại sao sau lễ nhập quan phải đốt lỗ hung (lỗ đào ở chính giữa giường người mới chết nằm khi chưa nhập quan. Chất đốt có thể dùng trấu, than, củi hoặc giẻ rách…).

-Tại sao lễ tang là việc buồn lại đốt pháo? (Tục này chỉ có ở thành phố đối với người già).

-Tại sao phải nhốt mèo khi nhà có người mới chết ?

-Tại sao khi người chết trong nhà, người ta phải trèo lên mái nhà dỡ một vài viên ngói, hoặc lá tranh (đối với nhà bịt nóc và ít cửa)?

 

Rao mõ không bằng gõ thớt

 Nếu như làng vật trâu bò ra cúng lễ, dao thớt khua chí chát,

thì không cần mõ rao người ta cũng kháo nhau ra cả sân đình.

Câu thành ngữ “rao mõ không bằng gõ thớt” ám chỉ những

người háu ăn.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

 

Tưng tửng là tự nhiên, giản dị

Trở lại với Nguyễn Ngọc Tư cho biết để văn có giọng tưng tửng người viết cần dùng những lời “dân dã, không quan cách”.

Thế nào là lời quan cách?

Đại khái, nói cách quan thì lời không để lồ lộ ý, lời trịnh trọng, cầu kỳ bao bọc ý lại như áo mũ cân đai hia hốt bao bọc da thịt tóc tai quan! Lời quan dài, lắm chữ, nghe rồi phải… lột phẩm phục mới hiểu được ý.

Còn thế nào là lời “dân cách”?

Hình như quan cách ba miền không khác nhau: hễ đã làm quan thì đều nói năng một lối.  Nhưng dân cách mỗi miền mỗi khác. Người dân trong Nam quen lối sống hồn nhiên, nên nghĩ sao là nói thẳng ra vậy chứ không vòng vo, úp mở, rào trước đón sau.  Lời nói dân dã Nam bộ tự nhiên, giản dị.

Vậy tưng tửng là tự nhiên, giản dị.

(Tưng tửng và tửng – Thu Tứ)

 

Phở (2)

Có giả thuyết cho rằng phở bắt nguồn từ món pot-au-feu của Pháp. Phở là  cách nói tắt của pot-au-feu (nói trại âm tiết feu). Quan điểm này được củng cố bằng quyển Dictionnaire Annamite-Chinois-Français của Gustave Hue (1937) với định nghĩa: “Cháo phở: pot-au-feu” (trang 745).

Chúng tôi thật sự không hiểu: pot-au-feu là món thịt bò hầm của Pháp, nước có thể làm súp, chế biến nước sốt, nấu rau hay mì ống, tại sao lại có thể ghép món này với cháo phở của Việt Nam, cho dù trong giai đoạn ấy, do ảnh hưởng người Pháp, người Việt đã bắt đầu làm quen với việc ăn thịt bò và đã biết nấu món cháo thịt bò. Trên thực tế, xét về nguyên liệu, cách chế biến và cả cách ăn  thì phở và pot-au-feu là hai món hoàn toàn khác nhau.

Theo Wikipedia, pot-au-feu là  món thịt bò hầm với cà rốt, củ cải, tỏi tây, cần tây, hành tây; kết hợp với rau thơm, muối, tiêu đen và đinh hương… Thịt bò sử dụng cho món này thường dầy và to (chưa kể đuôi, xương sườn, sụn, cổ chân…), trong khi đó thịt bò trong phở lại mỏng và nhỏ; mặt khác, những thứ như cà rốt, củ cải, tỏi tây… không phải là nguyên liệu để làm phở, mùi vị pot-au-feu cũng không giống như phở. Người Pháp ăn món này với bánh mì, khoai tây, dùng muối thô, mù tạt Dijon, đôi khi cũng ăn với dưa chuột ri ngâm giấm chứ không ăn với bánh phở. Do đó, thật sai lầm khi cho rằng phở có nguồn gốc từ món pot-au-feu.

(Vương Trung Hiếu – Nguồn gốc phở)

 

Muổi

 Muổi: quả chín

(chín muổi)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 

Một trong triệu chứng nhận ra mình đã…”già”

Nói chuyện hay kể chuyện bệnh và chỉ nhau thuốc trị bệnh.

 

Giai thoại làng văn xóm chữ

Ngưu là con bò tót

Truyện dân gian có nhiều, lâu nay bị thất lạc. Muốn cho đầy đủ thì quả là khó khăn, và cũng chưa biết đến bao giờ mới đạt được. Nên phải góp nhặt từng phần từng mảng, nhưng chúng tôi vẫn bằng lòng hàng chục năm nay với sự thu góp ấy.

Xưa, có một anh rất rành về khoa nói láo. Những câu chuyện anh ta bịa ra thần tình, khéo léo đến nỗi nhiều người đã biết tính anh ta rồi mà vẫn mắc lừa.

Một thầy đồ dốt, ngồi dạy học ở nhà nọ. Có nhiều chữ thầy không biết, nên phải đi hỏi người ngoài rồi mới về dạy lại.
Một hôm dạy đến chữ “bôn” nghĩa là chạy, chữ không in lối thường mà in lối cổ, thấy ba chữ “ngưu” chồng lên nhau, đoán mãi không ra chữ gì, mới hỏi dò người ta:
– Có giống gì khoẻ bằng ba con trâu không nhỉ?
Có người bảo:
-Có giống bò tót.
Thầy về dạy học trò:
-Ngưu là con bò tót.

Hôm khác, thầy lại dạy đến chữ ” đinh”, mặt chữ thì biết, mà nghĩa thì lại không hay, nhưng vội quá không kịp đi hỏi. Thấy chữ viết giống như cái giằng cối xay, thầy bèn dạy:
-Đinh là giằng cối xay.
Nhà chủ thấy thầy dốt quá, đành mời thầy cắp tráp ra cửa và đọc tiễn thầy một bài thơ:
Ngưu là con bò tót
Đinh là giằng cối xay
Thầy dạy hay chữ quá !
Xin thầy về đi cày….
(Vũ Ngọc Khánh – Kho tàng truyện dân gian)

 

 Ngộ chữ với Thiền

Chữ

Trong Kinh thi thể Đại nhã có chép rằng:

“Say là tại uống rượu…?

(nguồn sách Mạnh Tử)

 

Tiêu sơn tráng sĩ

 Tiêu sơn tráng sĩ  là cuốn tiểu thuyết lịch sử hay nhất của văn học Việt Nam từ Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm (1659-1736), Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái đến ngày nay. Tiểu thuyết lịch sử luôn luôn lôi cuốn, làm cho chúng ta thích thú, bởi các biến cố dồn dập, các tác động vũ bão, các nhân vật từ trong chính sử bước ra với những cử chỉ, ngôn ngữ của một thời khác, được sinh động lại dưới mắt ta. Sự thành công đầu tiên của một tiểu thuyết lịch sử là gây lại được không khí lịch sử của thời mà truyện xẩy ra. Trong những tác phẩm kinh điển như Đông Chu Liệt Quốc, Tam Quốc Chí, của Tàu, hoặc Hoàng Lê Nhất Thống Chí của ta, các tác giả xây dựng không khíấy bằng ngôn ngữ và hành động của nhân vật. Đối thoại và hành động rất cần thiết nhưng chưa đủ để tạo dựng lại một triều đại, còn phải nhờ vào tình tiết éo le, và nhất là phải biết cách ép thời gian lại, tức là dồn rất nhiều biến cố chặt ních trong một trang sách. Nói tóm lại tiểu thuyết lịch sử cổ điển dựa trên ba nguyên tắc: tình tiết ly kỳ, đối thoại đốp chát và hành động xuất thần.

(Khái Hưng 1896/1947 – Thụy Khuê)

 

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Cách đây mấy ngàn năm, ngoài tiếng Tàu ra, ông bà ta còn dùng và xài không biết bao nhiêu là tiếng nước ngoài ở Đông nam Á châu mà ta cứ tưởng đâu là tiếng Việt, không ngờ đó là tiếng nói của biết bao ngôn ngữ láng giềng, mà lại không phải là tiếng Tàu.

Như cụ Nguyễn Trãi cách đây gần 600 năm nói:

Tuy rằng bốn bể cũng anh tam,

“anh tam” là tiếng Mã lai hiện nay, có nghia là thằng em trai

(Nguyễn Hy Vọng – sưu tầm & tản mạn)

 

Độ rượu Cognac

 Người Pháp dùng loại cân rượu Gaylussac, độ ghi 40 độ G.L. (Gaylussac) nghĩa là 40 độ alcohol. Người Anh họ dùng chữ “proof” nghĩa là rượu mạnh đến độ nào đó (?). Bằng cách

họ pha thêm chút diêm sinh, tức thuốc súng, gốc là ‘Sulfur”. Họ tính đúng theo cân lượng rồi bật diêm cháy cái bùm. Trên vỏ chai họ ghi 100 proof British tương đương với 57% alcohol.

(Ví dụ: Pháp ghi 40 độ G.L. thì Anh ghi 70 proof British)

Qua tới Mỹ 70 proof British thì được ghi là….80 proof U.S.A.

(Nguồn: Nhật Vy)

 

 Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Yêu nhiều thì ốm, ôm nhiều thì yếu.

 

Sự phát triển của tiếng Việt

 Ðại Nam Việt Quấc Triều Sử Ký (1879)

Ðây là một tác phẩm sử học viết bằng chữ quốc ngữ, in lần đầu năm 1879 tại Sài Gòn, do các linh mục địa phận Nam kỳ ở Tân Ðịnh biên soạn và sửa chữa ở những lần in lại (lần 5, 1909).

Tập sử này là dấu tích chữ quốc ngữ và việc học sử ở Nam kỳ vào cuối thế kỷ XIX. Ðặc biệt, tác phẩm này cung cấp nhiều tài liệu giá trị, mới mẻ về Tây Sơn và vua Gia Long chưa từng được các sách sử khác nói đến. Tựa sách và ở nhiều nơi gọi Tây Sơn là nguỵ hay giặc, nhìn chung các tác giả có quan điểm gần với các sử quan nhà Nguyễn, nhưng Gia Long hay Nguyễn Ánh đều “được” gọi là Ông. Khen chê Tây Sơn và nhà Nguyễn khách quan hơn và khác với quan điểm của sử thần nhà Nguyễn. Một đoạn nói lên nỗi khổ của người dân giữa hai lằn “đạn”:

“Sau nữa, dầu quân Tây Sơn, dầu ông Hoàng Tôn (cháu đích tôn Vũ Vương) thì cũng lấy điều dữ mà nộ nạt thiên hạ và bắt người ta theo mình bằng như nói lời bảo không thì chẳng ra ích gì. Bởi đó cho nên thiên hạ cực khổ lắm phải còn giặc hai bên chỉ đánh nhau mãi. Khi thì bên nọ được khi thì bên kia, mà người ta chẳng biết vâng ai, chẳng biết mình thuộc về ai. Hoặc bên nọ được xứ nào một ít lâu, mà đến sau phải thua lui thì nhường chỗ, thì bên kia liền bắt tội những người xứ ấy, vì khi trước đã giúp quân giặc”

(Nguyễn Vy Khanh – Tiếng Việt một số tác phẩm mới phát hiện)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search