T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hòai Nam: NHỮNG CA KHÚC NHẠC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT – (86) – NHẠC PHIM – Somewhere, My Love (Hỡi người tình Lara/Người yêu tôi đâu), Maurice Jarre & Paul Francis Webster

Bài này chúng tôi viết về bản Somewhere, My Love, nguyên là nhạc khúc Lara’s Theme trích trong nhạc phim Doctor Zhivago (1965) của Maurice Jarre, do Paul Francis Webster đặt lời hát, được Phạm Duy và Trường Hải đặt lời Việt với tựa Hỡi người tình Lara Người yêu tôi đâu.

 Có thể viết, năm 1965 là một trong những năm “được mùa” nhất của nền nhạc phim. Trước hết, ca khúc The Shadow of Your Smile (phim The Sandpiper) đoạt giải Oscar cho ca khúc trong phim mà chúng tôi đã giới thiệu trong bài kỳ trước. Kế tới, cả hai cuốn phim ăn khách nhất, The Sound of Music và Doctor Zhivago, đều đoạt giải Oscar cho nhạc phim: The Sound of Music đoạt giải Nhạc phim phóng tác (Scoring of Music – Adaptation or Treatment), và Doctor Zhivago đoạt giải Nhạc phim nguyên tác (Original Score).

Trước hết viết về The Sound of Music, cuốn phim phóng tác từ vở ca nhạc kịch có cùng tựa đề, do Richard Rodgers soạn nhạc và Oscar Hammerstein II viết lời hát. Kịch bản của The Sound of Music dựa theo cuốn hồi ký The Story of the Trapp Family Singers  của Maria von Trapp, cũng là nhân vật chính trong truyện.

Maria nguyên là một tập sinh với tính tình hồn nhiên và thích ca hát trong một nữ tu viện Công giáo ở Salzburg, Áo quốc, vào năm 1938 được gửi tới làm gia sư tại biệt thự của Georg von Trapp, một vị sĩ quan hải quân về hưu khó tính, góa vợ với 7 đứa con.

Với sự kiên nhẫn, tận tụy và tình thương, Maria mau chóng thu phục được tình cảm của những đứa trẻ. Sau khi trình bày với Mẹ bề trên về tình cảm giữa cô và von Trapp, Maria và vị thuyền trưởng kết hôn.

Cuối cùng, nhờ sự giúp đỡ của Mẹ bề trên và các xơ ở tu viện cũ của Maria, gia đình von Trapp đã vượt thoát khỏi vùng Đức quốc xã chiếm đóng tới vùng núi Alps ở Thụy-sĩ, từ đó thành lập một ban hợp ca “gia đình” để trình diễn.

Năm 1956, hãng phim Mỹ Paramount Pictures mua bản quyền cuốn hồi ký The Story of the Trapp Family Singers rồi mướn Richard Rodgers và Oscar Hammerstein II viết các ca khúc cho vở ca nhạc kịch có tựa đề The Sound of Music.

Richard Rodgers (1902 – 1979) không chỉ được xem là một trong những nhà soạn nhạc quan trọng nhất của nền âm nhạc Hoa Kỳ trong thế kỷ thứ     20, mà còn tạo ảnh hưởng sâu đậm trong nền nhạc phổ thông.

Qua sự nghiệp gồm trên 900 ca khúc, 43 vở ca nhạc kịch và phim ảnh, chương trình truyền hình…, Richard Rodgers đã trở thành người đầu tiên (trong tổng số 15 người, tính tới nay) đã đoạt cả bốn đại  giải của Hoa Kỳ, gồm Emmy (truyền hình), Grammy (Âm nhạc), Oscar (Điện ảnh), và Tony (Sân khấu kịch nghệ), viết tắt là EGOT.

Bên cạnh đó, Richard Rodgers còn được trao tặng giải thưởng cao quý Pulitzer Prize dành cho âm nhạc; tính cho tới nay mới chỉ có thêm một người khác được trao tặng cả năm giải thưởng nói trên là nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng Marvin Hamlisch (1944 – 2012).

Trong việc soạn ca khúc, Richard Rodgers thường hợp tác với hai nhà viết lời hát Lorenz Hart và Oscar Hammerstein II.

Oscar Hammerstein II (1895 – 1960), chúng tôi đã nhắc tới trong bài viết về ca khúc One Day When We Were Young (Khúc hát thanh xuân), là nhà viết lời hát, nhà sản xuất, đạo diễn sân khấu kịch nghệ nổi tiếng của Hoa Kỳ. Riêng trong lĩnh vực viết lời hát, ông chuyên về ca từ nhạc kịch cổ điển (opera, operetta) và jazz tiêu chuẩn.

Trong sự nghiệp của mình, Oscar Hammerstein II đã được trao tặng tám giải kịch nghệ Tony và hai giải Osar cho ca khúc trong phim. Ông đã viết lời hát cho trên 850 ca khúc, thành công nhất là những bản hợp soạn với nhà soạn nhạc Richard Rodgers; cho nên hai ông được xem là một cặp bài trùng với bút hiệu cầu chứng “Rodgers and Hammerstein”.

Vở ca nhạc kịch The Sound of Music do Richard Rodgers và Oscar Hammerstein II hợp soạn ra mắt tại Nữu Ước ngày 16/12/1959, diễn liên tục 1,443 buổi trong khoảng thời gian 3 năm, đoạt 6 giải Tony trong đó có giải Ca nhạc kịch hay nhất. Tại West End, thủ đô kịch nghệ Anh quốc, The Sound of Music diễn 2,385 buổi.

Từ đó tới nay, hầu như trong mỗi thập niên, The Sound of Music lại được dựng lại trên các sân khấu Broadway, West End, và nhiều quốc gia Âu Mỹ khác…

Năm 1960, hãng phim Mỹ 20th Century Fox mua tác quyền của The Sound of Music với giá 1.25 triệu Mỹ kim (tương đương 10,600,000 vào năm 2018) để thực hiện thành phim điện ảnh.

Vai Maria được trao cho nữ diễn viên Anh Julie Andrews, vai Hải quân Đại úy Georg von Trapp được trao nam diễn viên Gia-nã-đại Christopher Plummer.

Phần nhạc đệm và các ca khúc nguyên tác của “Rodgers and Hammerstein” trong vở ca nhạc kịch được nhạc trưởng Irwin Kostal (1911 – 1994) soạn lại hòa âm phối khí cho phù hợp với một cuốn phim điện ảnh.

The Sound of Music được quay dưới dạng DeLuxe Color 70 ly (tương tự phim Ben Hur trước đó mấy năm), âm thanh nổi 6 track ( six-track stereo sound).

Phát hành tại Hoa Kỳ ngày 2/3/1965, sau bốn tuần lễ, The Sound of Music đã lên tới hạng No.1 và trở thành phim có số thu cao nhất trong năm 1965; qua năm 1966, The Sound of Music đã qua mặt phim Gone With the Wind (Cuốn theo chiều gió) để trở thành cuốn phim có số thu cao nhất xưa nay tại Hoa Kỳ và ở vị trí này trong suốt 5 năm liên tục, đồng thời phá kỷ lục tại 29 quốc gia khác.

Tại giải điện ảnh Oscar năm 1966, The Sound of Music nhận được 10 đề cử và đoạt năm giải – Phim hay nhất, Đạo diễn, Phân cảnh (Editing), Nhạc phim phóng tác, và Âm thanh.

Năm 1998, The Sound of Music được Viện Phim ảnh Hoa Kỳ (American Film Institute) xếp hạng 55 trong danh sách 100 cuốn phim hay nhất của mọi thời đại, và hạng 4 trong số những cuốn phim ca nhạc hay nhất.

Năm 2001, The Sound of Music được đưa vào danh sách phim được bảo tồn của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ.

VIDEO:

The Sound of Music (4/5) Movie CLIP – Do-Re-Mi (1965) HD

Trong giải Oscar năm 1966, Doctor Zhivago, cuốn phim “đối thủ” của The Sound of Music, cũng nhận được 10 đề cử và đoạt năm giải –  Kịch bản phóng tác, Nhạc phim nguyên tác (Best Original Score), Hình ảnh (Cinematography, Quay phim), Dựng cảnh (Best Art Direction), và Y phục.

Cả hai đều nằm trong Top 10 những cuốn ăn khách nhất xưa nay, cùng được Viện Phim ảnh Hoa Kỳ đưa vào danh sách 100 cuốn phim hay nhất của mọi thời đại – Doctor Zhivago hạng 39, The Sound of Music hạng 55 – cùng được trang mạng tổng kết phê bình IMDb xếp hạng “phim hay nhất”.

Việc Doctor Zhivago  phải nhường giải Oscar phim hay nhất cho The Sound of Music được một số người giải thích như sau:

(1) The Sound of Music là một cuốn phim Mỹ, được hãng 20th Century Fox tận dụng mọi phương tiện truyền thông để quảng cáo; nữ diễn viên Julie Andrews trở thành khuôn mặt được xuất hiện nhiều nhất trong suốt mấy tháng trời, trong khi Doctor Zhivago, một sản phẫm hỗn hợp Anh – Ý, lẽ tất nhiên không được truyền thông Mỹ dành cho những sự “ưu ái” như The Sound of Music.

(2) The Sound of Music  là một cuốn phim giải trí thuần túy, đối tượng khán giả gồm đủ “nam phụ lão ấu”, trong khi Doctor Zhivago, ít nhiều chuyển tải những tư tưởng chính trị và thân phận con người, đối tượng khán giả vì thế bị hạn chế.

* * *

Phim Doctor Zhivago lấy cốt truyện từ cuốn tiểu thuyết có cùng tựa của Boris Pasternak.

Boris Pasternak (1890 – 1960) là một nhà thơ, nhà văn Nga từng đoạt Giải Nobel Văn học năm 1958. Tại Nga nói riêng, ông nổi tiếng và được yêu chuộng chủ yếu qua những tập thơ của mình, nhưng với thế giới nói chung, nhắc tới tên tuổi Boris Pasternak mọi người sẽ nhớ ngay tới cuốn tiểu thuyết Doctor Zhivago.

 Boris Pasternak sinh trưởng trong một gia đình gốc Do-thái, cha là   một họa sĩ kiêm viện sĩ Hàn lâm viện Nghệ thuật Saint Petersburg, mẹ là một nhạc sĩ dương cầm.

Từ nhỏ, Boris Pasternak đã sống trong một bầu không khí của văn chương, âm nhạc với vị khách họa sĩ, nhạc sĩ, thi văn sĩ nổi tiếng thường xuyên lui tới nhà, như nhà soạn nhạc Sergey Rahmaninov, văn hào Leo Tolstoy…

Năm 13 tuổi (1903), Boris Pasternak bắt đầu học nhạc, nhưng sáu năm sau ông bỏ dở để chuyển sang thơ văn. Tới đầu thập niên 1930, Boris Pasternak đã được xem nhà thơ hàng đầu của Liên Xô.

Boris Pasternak còn là một dịch giả có tài. Ông chuyên dịch thơ cổ điển của Anh, Pháp, Đức…, đặc biệt các bản dịch các tác phẩm bi kịch của William Shakespeare của ông đã được đánh giá hay nhất trong số những bản dịch sang Nga ngữ.

Khi Cách mạng tháng Mười (1917) của phe cộng sản xảy ra, trong khi hầu hết bạn bè và người thân bỏ nước ra đi, Boris Pasternak đã tự nguyện ở lại với “cách mạng”. Nhưng tới đầu thập niên 1930, ông bị thất sủng vì “tư tưởng và phong cách cá nhân” không thích hợp với chế độ cộng sản.

Trong khoảng thời gian 10 năm từ 1945 đến 1955, Boris Pasternak viết cuốn tiểu thuyết quan trọng nhất trong sự nghiệp của ông – Doctor Zhivago (Bác sĩ Zhivago), mà nhiều học giả đã so sánh với Gone With the Wind (Cuốn theo chiều gió) của Margaret Mitchell (Hoa Kỳ) – một chuyện tình bất tử lồng trong bối cảnh lịch sử đổi đời.

Boris Pasternak đã dựa vào những gì xảy ra cho bản thân ông và mối tình gian khổ với Olga Ivinskaya để xây dựng hai nhân vật chính là Bác sĩ Zhivago và nguời tình Lara Antipova.

Bối cảnh của cuốn Doctor Zhivago là cuộc Cách mạng Nga năm 1917, từ thời Đệ Nhất Thế Chiến cho tới khi Cách mạng tháng 10 xảy ra, tiếp theo là cuộc nội chiến giữa Hồng Quân và Bạch Vệ.

Sống trong giai đoạn bất an, trong bầu không khí khủng bố và nghi kỵ của thời đại Stalin, Bác sĩ Zhivago tự tìm lối thoát trong cuộc sống và đi tìm hạnh phúc trong tình yêu để xoa dịu bản thân.

Cuốn truyện mở đầu với phần giới thiệu cậu bé Yuri Zhivago 10 tuổi trong đám tang của bà mẹ. Lớn lên Yuri theo học y khoa, làm thơ, và cưới cô vợ Tonya Gromeko. Đệ Nhất Thế Chiến nổ ra, Yuri Zhivago tòng quân trở thành bác sĩ quân y.

Lara Antipova là một cô gái trẻ từng bị luật sư Komarovsky, tình nhân của mẹ cô, cưỡng hiếp. Sau đó, Lara kết hôn với Pasha, người tình đầu, có một con gái trước khi Pasha phải tòng quân và được ghi nhận mất tích. Lara tình nguyện trở thành y tá với hy vọng tìm kiếm tông tích chồng. Yuri Zhivago vào bệnh viện thăm vợ khi nàng sanh đứa con trai đầu lòng và gặp cô y tá Lara. Ngay từ những giây phút đầu ấy, hai người đã thầm yêu nhau.

Rồi cuộc Cách mạng Nga nổ ra, tiếp theo là cuộc nội chiến đưa tới xung đột, đói khổ, bệnh tật, chết chóc. Cuộc đời của các nhân vật trong truyện bị lôi cuốn vào dòng lịch sử bi thảm ấy, và cũng chính những tình cờ của lịch sử đã tạo cơ hội cho mối tình thơ đẹp nhưng không kém phần cuồng nhiệt giữa Yuri và Lara nảy nở…

Trong những phần cuối của cuốn truyện, vợ con của Yuri bị thất lạc, Pasha, chồng của Lara trở về trong cương vị một tay trùm Đỏ khét tiếng với cái tên mới Strelnikov, lão luật sư Komarovsky (kẻ đã cưỡng hiếp Lara) tái xuất hiện, Yuri đồng ý để Lara theo lão vượt thoát ra ngoại quốc, còn chàng ở lại một mình, vùi đầu trong men rượu…

Cuối cùng, Yuri trở lại Mạc-tư-khoa, lấy một người vợ khác, có hai con. Với sức khỏe ngày càng suy yếu, Yuri bỏ đi sống một mình với mục đích hoàn tất những tác phẩm dở dang của mình. Đúng vào thời gian này, tướng Yevgraf Zhivago, anh em cùng cha khác mẹ với Yuri, phục vụ trong cơ quan mật vụ KGB, tìm gặp được Yuri, kiếm cho em trai một chân bác sĩ trong bệnh viện và mua cho một bộ đồ mới. Nhưng ngày hôm sau, trên đường đi làm Yuri lên cơn đau tim, gục chết trên hè phố.

Cùng thời gian, Lara trở lại Nga, được tin chồng (cựu trùm đỏ Strelnikov) đã bị thanh trừng. Sau khi dự đám tang của Yuri, Lara nhờ tướng Yevgraf Zhivago giúp nàng tìm đứa con gái, kết quả của cuộc tình với Yuri, bị thất lạc trong chiến tranh.

Việc chưa thành, Lara bị bắt trong cuộc Đại thanh trừng của Stalin, và có lẽ chết trong trại lao động khổ sai (gulag).

Mười mấy năm sau, trong thời gian Đệ Nhị Thế chiến, hai người bạn thân của Bác sĩ Zhivago gặp lại nhau; và cả hai đều tin rằng cô thợ giặt Tanya Komarova, một cô gái mồ côi mang rất nhiều nét giống Yuri Zhivago và Lara Antipova, chính là con gái của cặp tình nhân bạc mệnh.

* * *

Boris Pasternak hoàn tất cuốn truyện Doctor Zhivago vào năm 1956, tức là 3 năm sau ngày bạo chúa Joseph Stalin qua đời, và Nikita Khrushchev đã lên làm Bí thư thứ nhất Đảng Cộng Sản Liên Xô kiêm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Về sau, Khrushchev được mọi người nhớ tới như một nhà cải cách (chủ nghĩa xét lại) nhưng vào những năm giữa thập niên 1950, cao điểm của cuộc Chiến Tranh Lạnh, một cuốn tiểu thuyết có nội dung như Doctor Zhivago dứt khoát không thể chấp nhận.

Thực ra, cũng như bản thân tác giả (Boris Pasternak), nhân vật Yuri Zhivago không chống lại “Cách mạng” nếu không muốn nói là ủng hộ. Nhưng Yuri Zhivago cảm nhận được những bất hạnh của những nạn nhân trong cuộc chiến do cách mạng gây ra, và bất mãn trước tư tưởng cực đoan, hành động vô nhân tính của những người đi theo cách mạng.

Vì thế, cuốn Doctor Zhivago đã bị chế độ CS Liên Xô lên án là “đưa ra một cái nhìn lệch lạc về cuộc Cách mạng tháng 10, và xuyên tạc những cố gắng xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân Liên Xô.”

Trước việc Doctor Zhivago bị cấm xuất bản tại Liên Xô, cuối năm 1956, một bản sao được lén lút chuyển ra ngoài và được nhà xuất bản Feltrinelli của Ý xuất bản vào năm 1957 bằng nguyên tác tiếng Nga, bất chấp sự can thiệp của cộng sản Liên Xô.

[Nhà xuất bản Feltrinelli do ông Giangiacomo Feltrinelli (1926 – 1972), một doanh gia kiêm đảng viên Đảng Cộng sản Ý, sáng lập, là cơ sở ấn loát, phát hành sách báo, tài liệu của các lực lượng thiên tả. Năm 1957, trước việc bị Đảng CS Liên Xô và không ít thành viên Đảng Cộng sản Ý lên án về việc xuất bản cuốn truyện Doctor Zhivago, ông Giangiacomo Feltrinelli xin ra khỏi Đảng. Năm 1972, ông chết tan xác vì chất nổ, và các thành viên của Lữ Đoàn Đỏ (Brigate Rosse = Red Brigade), tổ chức khủng bố của cộng sản Ý, bị nghi ngờ là thủ phạm]

Đầu năm 1958, Doctor Zhivago được xuất bản bằng tiếng Ý, tiếng Anh, và tới cuối năm cuốn sách đã được dịch sang 18 ngôn ngữ, trong số này, phiên bản tiếng Anh của Max Hayward và Manya Harari đã đứng đầu bảng best-seller của tờ Nữu Ước Thời Báo trong 26 tuần lễ liên tục.

Cũng trong năm 1958, Boris Pasternak được Hàn lâm viện Hoàng gia Thụy-điển trao tặng giải Nobel Văn học “vì những thành tựu đạt được trong nền thơ trữ tình hiện đại, và công lao tiếp nối truyền thống của nền tiểu thuyết sử thi Nga” – mà mọi người hiểu ngầm là cuốn Doctor Zhivago.

Boris Pasternak trở thành công dân Nga thứ hai đoạt giải Nobel Văn học; người trước đó là văn thi sĩ Ivan Bunin (1870 – 1953), một khuôn mặt chống cộng nổi tiếng, sống lưu vong và qua đời tại Paris.

Tuy nhiên, vì áp lực của chế độ CS Liên Xô, trong đó có việc hăm dọa sẽ đưa Olga Ivinskaya, người tình của Boris Pasternak, trở lại trại lao động khổ sai (gulag) nơi bà đã sống nhiều năm dưới thời Stalin, đồng thời bản thân ông một khi ra đi (lãnh giải) sẽ không bao giờ được trở lại quê hương, ông đã phải gửi điện tín cho Hàn lâm viện Hoàng gia Thụy-điển để từ chối giải thưởng!

Hai năm sau (1960), Boris Pasternak qua đời vào tuổi 70 vì ung thư phổi. Và phải đợi thêm 28 năm nữa (1988), sau khi cuốn Doctor Zhivago đã được phép xuất bản tại Liên Xô dưới thời Gorbachev, nhà văn Evguenii Pasternak, con trai của tác giả, mới được phép tới Thụy-điển để nhận giải Nobel Văn học của cha mình.

Sau khi chế độ cộng sản Liên Xô sụp đổ, tới năm 2003, cuốn Doctor Zhivago đã được đưa vào giáo trình lớp 11 của bậc trung học tại Cộng Hòa Liên Bang Nga.

* * *

Từ năm 1959 tới nay, Doctor Zhivago đã được dựng thành phim điện ảnh, phim tập truyền hình, và đưa lên sân khấu kịch nghệ nhiều lần, trong số này, cuốn phim Doctor Zhivago, một sản phẩm Anh – Ý thực hiện năm 1965 phải được xem là một trong những tác phẩm bất hủ của nền nghệ thuật thứ bảy, và cũng là cuốn phim được yêu chuộng nhất của đạo diễn Anh David Lean.

David Lean, CBE (1908 – 1991)

 

(Sir) David Lean, CBE (1908 – 1991) là đạo diễn, nhà sản xuất, nhà viết kịch bản nổi tiếng nhất của Anh quốc mà chúng tôi đã có lần nhắc tới tên tuổi khi giới thiệu Hành khúc Cầu sông Kwai.

Trong danh sách the Top 100 British films của Viện Phim ảnh Anh quốc, có tới bảy cuốn phim của David Lean, và trong danh sách của Viện Phim ảnh Hoa Kỳ cũng có ba cuốn:The Bridge on the River Kwai (1957) hạng 36, Lawrence of Arabia (1962) hạng 7, và Doctor Zhivago (1965) hạng 39.

Sau khi cuốn truyện Doctor Zhivago được xuất bản và làm mưa gió khắp nơi, nhà sản xuất Carlo Ponti của Ý quyết định thực hiện thành phim. Ông mướn nhà viết kịch bản Robert Bolt của Anh quốc (hai lần đoạt giải Oscar cho kịch bản phóng tác) chuyển thể cuốn tiểu thuyết để cô vợ trẻ của ông, nữ diễn viên Sophia Loren, thủ vai Lara.

Năm 1995, đánh dấu 30 năm ngày trình chiếu Doctor Zhivago, ký giả kiêm sử gia Roger Ebert, nhà bình phim uy tín bậc nhất nước Mỹ từng đoạt giải Pulitzer Prize về phê bình, đã viết yếu tố thành công chính của Doctor Zhivago là kịch bản của Robert Ebert và cách thể hiện của David Lean, đã khiến chính trị chỉ còn là hậu cảnh cho chuyện tình, như những gì người ta đã làm trước đó với cuốn phim Gone With the Wind (Cuốn theo chiều gió).

Tới phần sắm vai (casting), trước hết đạo diễn David Lean đã ra sức thuyết phục nhà sản xuất Carlo Ponti rằng cô vợ trẻ Sophia Loren (đời vợ thứ hai) của ông ta không thích hợp một chút nào với vai Lara, vì vừa quá cao, vừa quá sexy để thủ vai nàng “trinh nữ” Lara trong phần đầu phim!

Sau đó David Lean đã nhắm tới một trong ba nữ diễn viên Yvette Mimieux (Pháp), Sarah Miles (Anh) và Jane Fonda (Mỹ), tuy nhiên đạo diễn Mỹ John Ford đã đề nghị ông chọn Julie Christie, nữ diễn viên trẻ của Anh quốc vừa đóng xong cuốn phim Young Cassidy của ông. Sau khi xem lại cuốn phim Billy Liar (1963) mà Julie Christie đóng khi mới bước vào nghề, David Lean đã nghe lời John Ford.

Về vai Bác sĩ Zhivago, David Lean đã lưỡng lự trước bốn nam diễn viên Max von Sydow (Pháp gốc Thụy-điển), Paul Newman (Mỹ), Michael Caine (Anh), và Omar Sharif (gốc Ai-cập), người thủ vai Sherif Ali trong cuốn phim Lawrence of Arabia của ông vào năm 1962. Cuối cùng David Lean đã chọn Omar Sharif mà ông tin là xứng đôi với Julie Christie nhất; sau đó, Omar Sharif đã xin cho cậu con trai Tarek của mình thủ Yuri Zhivago lúc còn nhỏ, và chính ông đã đạo diễn những cảnh này.

Về vai cô vợ Tonya của Bác sĩ Zhivago, lúc đầu David Lean dự tính trao cho Audrey Hepburn, nhưng sau khi gặp cô con gái Geraldine của Charlie Chaplin, lúc đó đang hành nghề người mẫu tại Paris, ông đã bị thu hút, và thuyết phục cô đổi nghề!

Kết quả sau đó cho thấy David Lean đã không chọn lầm người: lần đầu tiên xuất hiện trên màn bạc, Geraldine Chaplin đã đoạt giải Trái Cầu Vàng cho diễn viên mới xuất sắc nhất.

* * *

Vì không thể thực hiện Doctor Zhivago – một cuốn phim chống Liên Xô – tại Liên Xô, đạo diễn David Lean đã chọn Tây-ban-nha để quay cuốn phim này, vì ông đã quen thuộc với cảnh trí ở đây trong thời gian thực hiện cuốn phim Lawrence of Arabia. Một “thành phố Mạc-tư-khoa giả” được dựng lên ở ngoại ô Madrid.

Không may cho David Lean, các nhà tiên đoán thời tiết đã sai bét: năm đó Tây-ban-nha được “hưởng” một mùa đông “ấm” nhất trong nửa thế kỷ qua! Vì thế, ngoài việc sử dụng tối đa kỹ thuật làm tuyết giả, ông đã phải sang Gia-nã-đại và Phần-lan để quay một số ngoại cảnh mùa đông.

Bù lại, chính những ngoại cảnh tuyệt vời này đã góp phần không nhỏ vào việc đem lại giải Oscar hình ảnh đẹp (cinematography, tức quay phim).

* * *

Trong khi tốn quá nhiều thì giờ, công sức và đắn đo trong việc sắm vai và tìm kiếm ngoại cảnh, David Lean lại không phải lo nghĩ gì về phần nhạc phim, bởi ông đã có sẵn Maurice Jarre, nhà soạn nhạc tài ba người Pháp trước đó 3 năm đã soạn nhạc phim cho cuốn phim Lawrence of Arabia của ông, và đoạt giải Oscar.

Maurice Jarre (1924 – 2009)

Maurice Jarre (1924 – 2009) là nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng nổi tiếng bậc nhất của Pháp. Mặc dù có khá nhiều sáng tác soạn cho dàn đại hòa tấu, với đa số người yêu nhạc, tên tuổi Maurice Jarre thường được nhắc tới cùng với những cuốn phim bất hủ do ông soạn nhạc phim.

Khi Maurice Jarre qua đời, tờ Nữu Ước Thời Báo đã xưng tụng ông là  “một trong những cây đại thụ trong nền nhạc phim của thế kỷ thứ 20”, “một trong những nhà soạn nhạc phim được mời mọc săn đón nhất”, “nhà sáng tạo của cả những khúc nhạc đơn giản nhẹ nhàng đi vào lòng người lẫn những chủ khúc (theme) hoành tráng, không chỉ viết cho dàn nhạc cổ điển truyền thống mà về sau còn cho cả âm thanh điện tử”.

Maurice Jarre ra chào đời tại Lyon, con trai của một vị giám đốc kỹ thuật đài phát thanh. Sau bậc trung học, Maurice Jarre theo ngành kỹ sư trên Đại học Sorbonne nổi tiếng, nhưng chẳng bao lâu sau đã bỏ dở để vào Nhạc viện Paris (Conservatoire de Paris) bất chấp sự phản đối của thân phụ.

Năm 1951, sau khi tốt nghiệp, vào tuổi 27, Maurice Jarre được trao chức giám đốc âm nhạc của nhà hát Théâtre National Populaire, đồng thời soạn nhạc phim đầu tiên trong sự nghiệp.

Mười một năm sau (1962), Maurice Jarre được nhà sản xuất Darryl F. Zanuck của Mỹ mời soạn nhạc phim cho cuốn phim lịch sử The Longest Day, và cùng lúc được người Anh mời soạn nhạc phim cho Lawrence of Arabia của David Lean, và đoạt giải Oscar nhạc phim thứ nhất trong sự nghiệp của mình.

Từ đó, David Lean đã mời Maurice Jarre soạn nhạc phim cho tất cả mọi cuốn phim của ông trong tương lai, đem lại cho nhà soạn nhạc thêm hai giải Oscar nữa: Doctor Zhivago (1965) và A Passage to India (1984).

Ngoài ba cuốn phim đoạt Oscar nói trên, Maurice Jarre còn soạn nhạc phim cho trên 90 cuốn phim thuộc đủ mọi thể loại, từ dã sử tới hoạt động, từ tình cảm tới khoa học giả tưởng, trong số đó có The Train (1964), Grand Prix (1966), Ryan’s Daughter (1970),  Mohammad, Messenger of God  (1976), Lion of the Desert (1981), Firefox và The Year of Living Dangerously (1982), Dreamscape (1984), Witness (1985), Mad Max Beyond Thunderdome (1985), Fatal Attraction và No Way Out (1987), Gorillas in the Mist (1988), Dead Poets Society, Ghost (1990), v.v…

Ngoài ra, Maurice Jarre còn soạn nhạc phim cho hai phim tập ngắn kỳ trên truyền hình (miniseries) rất nổi tiếng là Jesus of Nazareth (1977), và Shogun (1980).

Trong sự nghiệp của mình, Maurice Jarre đã được đề cử giải Oscar 9 lần và đoạt 3 giải, cùng với 4 giải Trái Cầu Vàng, 2 giải BAFTA (điện ảnh Anh Quốc) và 1 giải âm nhạc Grammy của Hoa Kỳ, nơi tên tuổi của ông đã được khắc trên một ngôi sao trên Walk of Fame ở Sunset Boulevard, Hồ-ly-vọng.

* * *

Tới đây chúng tôi viết về Nhạc khúc Lara (Lara’s Theme) trong nhạc phim của Doctor Zhivago.

David Lean không chỉ được xem là một đạo diễn tài ba mà còn nổi tiếng là một người cầu toàn, khó tính. Chính vì thế, thời gian thực hiện một số phim nổi tiếng của ông đã bị kéo dài, có khi mất tới 2 năm, chẳng hạn The Bridge on the River Kwai (1957), Lawrence of Arabia (1962).

Riêng về nhạc phim, trong một số trường hợp đặc biệt, ông đã gợi ý cho Maurice Jarre soạn theo giai điệu truyền thống của địa phương được sử dụng làm bối cảnh truyện phim. Thí dụ điển hình và rõ rệt nhất là cuốn phim Ryan’s Daughter (1970), phóng tác từ cuốn “dâm thư” Madame Bovary của văn sĩ Pháp Gustave Flaubert, lấy bối cảnh Ái-nhĩ-lan cuối Đệ Nhất Thế Chiến, đã tràn ngập âm hưởng nền nhạc dân gian của hòn đảo này.

Với Doctor Zhivago, một cuốn phim nói về mối tình thiên thu trong bối cảnh lịch sử bi tráng trải dài một phần tư thế kỷ trên đất nước Nga, phần nhạc phim lại càng được David Lean quan tâm hơn.

Sau khi Maurice Jarre đã soạn xong phần nhạc phim với trên 40 khúc nhạc chủ đề (theme) cho từng đoạn phim, phần lớn soạn cho dàn nhạc đại hòa tấu, mặc dù được xem là tốn nhiều công sức nhất trong sự nghiệp của ông, David Lean vẫn muốn Maurice Jarre phải soạn thêm một khúc nhạc riêng cho nhân vật Lara, và phải mang âm hưởng dân gian Nga!

Mà “âm hưởng dân gian Nga” thì bắt buộc phải có tiếng đàn balalaika.

Như chúng tôi đã nhắc tới trong các bài viết về hai ca khúc Those Were The Days (Tình ca du mục) và Moscow Nights (Chiều Mạc-tư-khoa), balalaika là nhạc cụ chính trong nền nhạc dân gian Nga, cùng họ với đàn mandoline nhưng có cấu tạo khác thường: thùng đàn hình tam giác và chỉ có 3 dây. Tiếng đàn balalaika tương tự mandoline, nhưng nghe rất buồn.

Vì thế, David Lean đã phải tìm nhiều đĩa nhạc có tiếng đàn balalaika trao cho Maurice Jarre để nghe cho “nhập tâm”.

Theo lời thuật lại của Maurice Jarre sau này, “bản nháp” nào của ông cũng bị David Lean chê là không có hồn; cuối cùng nhà đạo diễn đã khuyên ông (lúc đó sắp làm đám cưới với nữ diễn viên Pháp Dany Saval, kém ông 18 tuổi):

“Cuối tuần này bạn hãy đưa Dany về miền núi, tạm quên Lara đi để vui hưởng hạnh phúc bên người yêu, và… viết cho nàng một tình khúc”.

Kết quả là khúc nhạc để đời được hậu thế biết tới qua tựa đề Lara’s Theme (Khúc nhạc chủ đề Lara).

Đạo diễn David Lean vô cùng hài lòng, ông yêu thích Lara’s Theme tới mức đã sử dụng nhiều lần trong nhạc phim của Doctor Zhivago.

Hiện nay, nếu ta mua một đĩa nhạc phim (soundtrack) của Doctor Zhivago thì sẽ thấy trong danh sách 42 nhạc khúc chủ đề không hề có tên “Lara’s Theme”, bởi vì theo yêu cầu của David Lean, Maurice Jarre đã đưa nhạc khúc này (toàn bộ hoặc một phần) vào năm chủ đề sau đây:

2- Main Title: sau một khúc mở đầu ngắn (Overture), trong dạo khúc (Prelude) dài gần 6 phút trong phần giới thiệu các tên tuổi, Lara’s Theme được đưa vào dưới hình thức đại hòa tấu mà vĩ cầm là nhạc cụ chính, có điểm một khúc balalaika.

VIDEO:

Dr. Zhivago: Lara’s theme (ORIGINAL) Maurice Jarre / Hermosa melodía – música para meditar.

14- Lara Says Goodbye To Yuri: trong cảnh này, Lara’s Theme được trình tấu toàn phần với nhạc cụ chính là đàn balalaika, với sự phụ họa của vĩ cầm.

LƯU Ý: Hình ảnh được đưa vào hai video clips sau đây không nhất thiết nằm trong chủ đề liên quan, mà đã được người post thu thập từ nhiều cảnh khác trong cuốn phim.

Doctor Zhivago – Lara’s Theme

27- Yuri and the Daffodils: trong cảnh hoa thủy tiên vàng nở rộ sau mùa đông, Lara’s Theme được trình tấu toàn phần bởi dàn đại hòa tấu:

Doctor Zhivago – Lara’s Theme (Stereo / HD) daffodils

33- Yuri Is Escaping: một đoạn trong Lara’s Theme được chen vào một khúc quân hành ảm đạm để đạt tới đỉnh cao của sầu thảm.

42- Then It’s A Gift (End Title): trong đoạn kết của cuốn phim, Lara’s Theme đã được trình tấu toàn phần với giai điệu hùng tráng, phấn khởi.

Cũng xin được viết về cảnh kết trong phim (kịch bản phim khác với cốt truyện nguyên tác):

Cuối thập niên 1940 đầu thập niên 1950, tức là nhiều năm sau khi Yuri Zhivago chết và Lara Antipova biệt tích, Trung tướng Yevgraf Zhivago gặp Tanya Komarova, một cô gái mồ côi mang rất nhiều nét giống Yuri và Lara; sau khi tìm hiểu mà không được biết chút gì về lý lịch của Tanya, ông vẫn tin cô chính là con gái của cặp tình nhân bạc mệnh. Tới khi Tanya rời bước cùng vị hôn phu, nhìn cây đàn balalaika trên lưng cô, ông liên tưởng tới cây đàn xưa kia bà mẹ của Yuri (một người sử dụng balalaika nhuần nhuyễn) để lại cho Yuri, rồi được Yuri trao cho Lara khi giã biệt, và ông càng có thêm linh cảm Tanya chính là cháu gái của mình.

Đúng lúc đó, Lara’s Theme trổi lên qua tiếng đàn balalaika réo rắt…

[Tiếng đàn balalaika trong nhạc phim Doctor Zhivago là của các tay đàn tuyển từ ban nhạc của các nhà thờ Chính thống giáo Nga trong vùng Los Angeles] 

VIDEO:

 Then It’s A Gift (End Title)

Trong giải Oscar năm 1966, phim Doctor Zhivago nhận được 10 đề cử và đoạt năm giải, trong đó có giải Nhạc phim nguyên tác (Best Original Score) cho Maurice Jarre.

Ngay sau đó, nữ danh ca Mỹ Connie Francis đã yêu cầu Paul Francis Webster đặt lời hát cho nhạc khúc Lara’s Theme để cô thu đĩa.

[Paul Francis Webster, như chúng tôi đã nhiều lần nhắc tới, là nhà soạn lời hát nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ, từng ba lần đoạt giải Oscar với các ca khúc Secret Love, Love is a Many-Splendored Thing, và The Shadow of Your Smile]

Kết quả là một tình khúc với tựa đề Somewhere, My Love, nhưng Connie Francis lại chê lời hát là quá trần trụi, tầm thường và bỏ ý định thu đĩa. Vài  tuần lễ sau, khi Connie Francis nghĩ lại thì đã bị ban hợp xướng và dàn nhạc Ray Conniff chớp mất dịp may.

Somewhere, My Love do Ray Conniff thu đĩa đã đứng No.1 trên bảng xếp hạng nhạc nhẹ (Easy Listening) trong bốn tuần lễ, và lên tới hạng 9 trong danh sách Billboard Hot 100 (tính tất cả mọi thể loại).

Qua năm 1967, Somewhere, My Love do Ray Conniff thu đĩa đã đoạt giải âm nhạc Grammy cho Ban hợp xướng hay nhất. Somewhere, My Love cũng được đề cử Grammy cho ca khúc hay nhất trong năm, tuy nhiên đã phải nhường giải này cho bản Michelle của John Lennon và Paul McCartney (ban The Beatles).

Somewhere, My Love

 Somewhere, my love there will be songs to sing

Although the snow covers the hope of spring

Somewhere a hill blossoms in green and gold

And there are dreams all that your heart can hold

 

Someday we’ll meet again my love

Someday whenever the spring breaks through

 

You’ll come to me out of the long ago

Warm as the wind, soft as the kiss of snow

Lara my own, think of me now and then

God speed my love till you are mine again

 

You’ll come to me out of the long ago

Warm as the wind soft as the kiss of snow

Till then my sweet think of me now and then

God speed my love ’til you are mine again.

 

VIDEO:

Ray Conniff – Somewhere, My Love (Lara’s Theme From “Dr. Zhivago”)

Trước thành công của Ray Conniff, Connie Francis vẫn quyết định thu đĩa Somewhere, My Love, và tuy không lọt vào bất cứ bảng xếp hạng nào tại Hoa Kỳ, đã trở thành một trong những ca khúc được yêu chuộng nhất của cô trên trường quốc tế, đứng trong Top 5 tại vùng Scandivania và Á châu. Riêng tại Ý, nơi xuất thân của dòng họ Franconero (được “Mỹ hóa” thành Francis), Somewhere, My Love do Connie Francis thu đĩa bằng tiếng Ý với tựa Dove non so đã đứng No.1.

VIDEO:

Connie Francis – Somewhere My Love – YouTube

 Somewhere, My Love cũng đem lại thành công cho nhiều danh ca Mỹ khác, như Frank Sinatra, Tony Bennett, Al Martino, và nhất là Andy Williams, người được mệnh danh là “ông vua nhạc tình trong phim”.

Phụ lục 1: Somewhere, My Love, Andy Williams

Thế nhưng ngày ấy, những năm giữa thập niên 1960 tại miền Nam VN, người yêu tiểu thuyết tây phương lại biết tới Bác sĩ Zhivago qua tên gọi bằng tiếng Pháp: Le Docteur Zivago. Nguyên nhân là vì hầu hết các tác phẩm bằng tiếng Anh khi ấy đều được dịch sang tiếng Việt từ phiên bản tiếng Pháp.

Rồi tới khi cuốn phim Doctor Zhivago được chiếu tại rạp REX ở Sài Gòn vào năm 1972 thì cũng là ấn bản nói tiếng Pháp với tựa đề Le Docteur Zivago, và nhạc khúc Lara’s Theme cũng mang một cái tựa tiếng Pháp: La chanson de Lara (Bài hát của Lara).

La chanson de Lara cũng chính là tựa đề phiên bản Pháp ngữ của ca khúc Somewhere, My Love do tác giả Hubert Ithier đặt lời, được phổ biến tại miền Nam VN qua sự trình bày của nam ca sĩ John William (không phải nhà soạn nhạc phim John Williams) và ban hợp ca Les Compagnons de la chanson.

VIDEO:

La chanson de Lara (Docteur Jivago) – John William (Lyric)

La chanson de Lara được nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Hỡi người tình Lara.

 Hỡi người tình Lara

Người tình thương nhớ
Hãy lắng nghe lời mặn mà
Dù mùa Xuân đã chôn vùi bởi làn tuyết kia
Ngọn đồi trắng xoá sẽ có hoa mọc đầu mùa
Mộng đẹp như cũ, ân tình còn về với ta
Người yêu ! Chúng ta còn yêu nhau nhiều
Còn theo mùa Xuân vào tình yêu, tình yêu.
. . . . . .
Người tình sẽ đến
Người đến quên cả lạnh lùng.
Và nụ hôn ấm như là từng làn tuyết hôn
Chờ ngày sẽ tới tìm đến bên người bạn đi
Người em yêu hỡi
Nhớ thương đi đi chớ phai.

Trước năm 1975, Hỡi người tình Lara được thu vào băng nhựa với tiếng hát Thanh Lan, và sau này tại hải ngoại, được Ngọc Lan thu vào CD.

Phụ lục 2: Hỡi người tình Lara, Thanh Lan

 

Phụ lục 3: Hỡi người tình Lara, Ngọc Lan

Về sau, có thêm một phiên bản lời Việt của nhạc sĩ Trường Hải với tựa Người yêu tôi đâu, có lẽ được ông soạn sau khi ca khúc nguyên tác (Somewhere, My Love) đã trở nên phổ biến tại Việt Nam. Ngày ấy, Người yêu tôi đâu đã được Mỹ Hòa (ban tam ca Ba Con Mèo) thu vào băng nhựa.

Người Yêu Tôi Đâu


Nhìn dòng sông sâu
Lờ lững uốn quanh nhịp cầu
Lòng nghe bâng khuâng
Mơ những ngày xưa ái ân…

Thuyền tình rong chơi
Lạc lối trôi theo dòng đời
Hồn nghe chơi vơi
Nhớ đến người yêu xa xôi…

Ngày xưa…
Lúc ta gặp nhau trong vườn.. mộng…
Ngập ngừng…
Hồn anh tỏ đôi câu thương nhớ…

Rừng cây xôn xao
Lạnh lẽo gió heo may về
Hồ gương gợn sóng
Nhớ ai lệ dâng.. mắt trong…

Người yêu tôi đâu
Để đến chia xẻ nỗi sầu
Người tôi yêu dấu
Nỡ để hồn tôi quạnh hiu…

Người tôi yêu dấu
Nỡ để hồn tôi quạnh hiu…

 

VIDEO:

Ca Sĩ M Hòa hát Ngưi Yêu Tôi Đâu (Dr Zhivago)

 

HOÀI NAM

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search