T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyên Lạc: ĐỂ TRẢ LỜI MỘT CÂU NÓI

Gã Biết Chữ – Tranh: Thanh Châu

VỀ MỘT CÂU NÓI

Trong bài thơ CHUYỆN THÁNG TƯ QUÊ TÔI : MỘT THỜI EM TÔI, liên hệ đến “thân phận” các gia đình bị xếp vào thành phần “ngụy quân”, tôi có dùng các câu ca dao như quotes (lời trích dẫn) – “câu dẫn” – để giới thiệu; và khổ 1 – “phục bút”- dùng để “dẫn dụ” đưa vào nội dung rồi khổ cuối; một bạn thơ XYZ (xin được dấu tên) đã nói với tôi, đại ý : “Cải lương”, “sến” đưa vào làm chi?”.

Đây là bài viết tôi trả lời bạn.

Xin được dẫn ra đây bài thơ liên hệ:

CHUYỆN THÁNG TƯ QUÊ TÔI

 MỘT THỜI EM TÔI

.

Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi

Buôn bán không lời, chèo chống mỏi mê (ca dao)

.

Nhánh lục bình trổ chùm bông tím biếc

Vướng bãi bùn khóc dòng xiết trôi xa!

Con thòi lòi trố mắt nhìn thương tiếc

Bỗng giật mình trái bần rụng chiều tà

 

***

Người về đâu lệ lưng tròng rưng rức

Bỏ lại sau bờ bến khói sương và…

Xuôi về đâu chiều bóng ngả bờ xa?

Buồn con nước bìm bịp kêu đôi tiếng!

.

Người năm cũ đâu còn áo lụa!

Trên dòng kinh bờ lở bờ bồi

Đôi mái chèo cùng đứa con côi

Vạt tóc khét lưng còng đời cô phụ!

.

Người năm cũ đâu còn cười nụ

Bên dòng đời khóc nỗi tàn phai!

Người “chinh phu” trên ngàn đẵn gỗ [*]

Ngày khổ sai lệ đổ đêm dài!

.

Ai gây chi đớn đau dâu bể?

Để em tôi cơ khổ phận người!

Để héo hon tuổi mộng đôi mươi

Trang đài cũ tả tơi theo năm tháng!

 

***

Tháng Tư chi?

Nhân sinh đầy khổ nạn

Ký ức ơi!

Chứng tích đến khi nào?

Làm cách gì?

Biết làm sao?

Ai níu được mây trắng bay… bay…

Mãi…!

………

[*] Trại “cải tạo”

Chém tre, đẵn gỗ trên ngàn

Hữu thân, hữu khổ phàn nàn cùng ai?!

(Ba năm trấn thủ lưu đồn – Khuyết danh)

Nguyên Lạc

 

  1. Nhà thơ XYZ, bạn tôi đã “phê”:

—  2 câu ca dao quotes và khổ 1 “Hoa lá cành”, “Ầu ơ ví dầu”. Văn chương Nam bộ sao “trầu cau” quá [Theo tôi nghĩ, có lẽ ý anh nói Nam bộ “quê mùa”, không “hàn lâm, bác học” như các vùng khác (?)].

Rồi anh “khuyên”:

— Giữ các câu dẫn này làm chi? Hãy bỏ chúng đi! [*]

  1. Tôi đã trả lời câu nhận xét của anh bạn nhà thơ:

— Khổ 1 trong bài thơ này là “khổ dẫn” “đạt” nhất, tâm đắc nhất trong các khổ dẫn của những bài thơ tôi đã làm; nó đưa đến nội dung buồn thảm và nhất là đoạn kết nói về “mây trắng bay” cùng chữ MÃI, chữ đầy chủ ý của tôi.

Dưới đây là những lời giải thích tại sao tôi đưa các câu này vào.

Trước hết, xin giải thích về 2 câu ca dao – “câu dẫn” (quotes):

 

GIẢI THÍCH HAI CÂU DẪN

 

Tôi mượn 2 câu ca dao dưới đây để dẫn đến chuyện tháng Tư buồn:

Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi

Buôn bán không lời, chèo chống mỏi mê!

— Chồng đi cải tạo, đói thảm, nhắn về nhà gởi sữa, gởi đường, gởi thịt bò khô… mà đâu có biết trong nhà, ngoài chợ chẳng còn gì. Vợ đã phải bán nhà, dắt con (có thể có cả cha mẹ chồng) về quê ở nhờ, ở đậu; hoặc hiến nhà đi “kinh tế mới” để được “nhận xét” tốt, giúp cho chồng mau về như các lời “hứa” của chính quyền “nhân dân cách mạng”. Người ở ngoài húp cháo, gặm khoai… chắt mót từng gói đường, từng lon sữa… để lặn lội đường xa, nhọc nhằn cơ khổ, mang lên “trại cải tạo” thăm nuôi chồng.

Nuôi con ngấn lệ đợi chồng/ Đợi bao năm nữa? “Tù” không có ngày (Ra Đi. VTìm – Nguyên Lạc)

— Bìm bịp cũng là hình ảnh người vợ hiền, chỗ trú ẩn cuối cùng cho cả người còn bên ngoài, cho cả người đã bên trong hàng rào “trại cải tạo”.

Người vợ “ngụy” đã khổ cực, tảo tần buôn bán, mong tìm chút gì nuôi con côi và “tiếp tế” cho chồng trong “trại cải tạo” đang đói thảm, mong chờ. Than ôi, buôn bán lại “không lời”.

Cái chuyện lỗ lã nầy tuy thảm, nhưng chưa thảm bằng cảnh bị thuế vụ tịch thu “cả vốn lẫn lời”, của các “cô phụ” buôn chuyến, thời buổi “ngăn sông cấm chợ” vừa sau 1975. Chắc các bạn có biết hoặc nghe về chuyện các “cô phụ” này: – Để có chút lời, đã quấn dấu những miếng thịt heo/lợn quanh đùi, ẩn dưới chiếc quần, để mong qua mặt được các trạm thuế vụ. Họ đã khóc than thảm thiết, hết nước mắt; năn nỉ, lạy lục khi bị phát hiện và bị tịch thu, nhưng vẫn không được tha. Các hiện vật này sau sẽ vào túi riêng của bọn cán bộ thuế vụ.

Nhờ các luật lệ “siêu việt” này, nhân dân và đất nước Việt Nam mới mau đạt đến “thiên đường”! [*]

Thời đó có câu:

Công an kẻ giết kẻ chừa

Thuế vụ giết hết cho vừa lòng dân

(Ca dao dân gian thời sau 75)

 

GIẢI THÍCH KHỔ 1 – PHỤC BÚT

  1. Nhánh lục bình trổ chùm bông tím biếc

— Người dân quê còn gọi cây bông lục bình là “bèo lục bình”: Bọt bèo, phận bọt bèo… chắc các bạn biết thế nào rồi?

— Màu tím là màu buồn thảm, sầu thương…

Câu thơ này ý muốn nói đến “thân phận bọt bèo” và “thảm sầu” của người cô phụ, vợ  “ngụy quân”.

  1. ớng bãi bùn khóc dòng xiết trôi xa!

Vướng bãi, phận bọt bèo, phận “vô loài”  (theo nghĩa “xướng ca vô loài”- Dưới tận cùng của hệ thống phân chia giai cấp của người CS) bị ném ra bên lề, buồn thảm nhìn dòng đời xuôi trôi . Dòng đời này còn trôi nhanh (xiết) theo lời của Đảng :”Tiến nhanh, tiến mạnh…”

  1. Con thòi lòi trố mắt nhìn thương tiếc

Cá thòi lòi là loại cá có 2 mắt to lòi ra, là loại cá thường gặp ở các bờ sông, kinh rạch Nam bộ. Nó là loại cá lưỡng thế: Vừa sống dưới nước, vừa sống trên bờ. Ý tác giả muốn nói là rất dễ thích ứng với cuộc sống: Tượng trưng cho người dân quê mộc mạc, tốt bụng. Hai con mắt lòi nói đến sự nhạy bén của người dân quê trong việc nhìn sự vật; chính họ là người hiểu rõ sớm nhất “sự thật” của người CS, chứ không phải là dân thành thị “trí thức”. Các bạn nào sống với dân quê thời đó sẽ hiểu điều này, nhất là các phát biểu của những “mẹ nuôi cán bộ”. Trong lúc đó, ở thành thị, các “trí thức yêu nước” đang “hồ hởi, phấn khởi”.

Chính những cắp mắt này, chính những người dân quê bình dị nầy nhìn rõ số phận “bọt bèo” của những người cô phụ, mà thương tiếc giùm. Giúp được không? Qua câu kế tiếp sẽ rõ.

  1. Bỗng giật mình trái bần rụng chiều tà

Giật mình, nghe tiếng trái bần rụng rơi, nghe tiếng động, con thòi lòi/ người dân quê vội phóng chạy đi, không dám thương tiếc nữa, nói chi đến giúp đỡ.

Vừa sau 75, hệ thống “tai mắt” của “công an nhân dân” như thế nào chắc các bạn rõ: Rình rập, xoi mói để báo cáo…  Người dân, chỉ một tiếng rù rì, chỉ một tiếng động nhỏ, chỉ một ánh mắt liếc xéo cũng sợ. Sợ nhất là liên lụy đến dân “ngụy quân, ngụy quyền”. Thương tiếc thì thương tiếc, nhưng phải đành làm ngơ.

Bạn nghĩ thế nào về thảm cảnh của người cô phụ?

Đó là tất cả ý của các câu phục bút, đưa đến phần nội dung thảm sầu của người cô phụ. Cái cảnh chở con côi theo, tức nhiên là hoàn cảnh neo đơn, không ai giúp đỡ (Nếu có cha mẹ chồng theo về quê thì chắc những người nay đã qua đời vì sự buồn thảm, cơ cực và đợi chờ con) nên phải chở con theo, dù sáng nắng chiều mưa. Thảm cảnh của người một thời “trang đài”!

Chắc ai cũng biết, chẳng thà trước và sau đều khổ thì không nói chi; trước sung sướng, sau khổ thì mới tận cùng nỗi thảm, phải không?

Khổ 1 – khổ phục bút- với những ý của tác giả như vậy thế mà ông bạn nhà thơ “có tiếng” của tôi chê là “trầu cau”, “cải lương”, “sến”… bảo phải bỏ đi. Chắc ông chê tôi vì dùng chữ quá “quê mùa”, quá giản dị, thiếu những cụm chữ “trí thức, hàn lâm” như: Hư không, miên khê, miên trường, miên du, phiêu bồng, cát bụi, nguyên sơ, vô thường, vô vi, phù ảo, hư ảo, vân vân và vân vân.

Theo chủ quan tôi: Sự dùng những chữ “hàn lâm”, “cao” thì cũng tốt, nhưng cái quan trọng là các nhà thơ có hiểu chính xác cái nghĩa của nó không, hiểu chính xác vị trí cần đặt nó vào không? Không nên tuỳ tiện, không nên “sắp xếp chữ” để tạo dáng.

Tôi nhớ đến câu tục ngữ: “Thùng rỗng kêu to“. Càng “kêu to” thì cái thùng phải càng “rỗng”

Dùng những chữ “dị thường” mà không có nghĩa, sáo rỗng thì đâu bằng dùng những chữ “bình thường” mà tạo cho nó một nghĩa “dị thường”, đa nghĩa. Thường thì nội dung quan trọng hơn hình thức.

[… Dùng những chữ đời thường đôi khi nghe ngô nghê, tưởng chừng như không thể là ngôn ngữ thơ, nhưng nếu biết đặt đúng vị trí nó sẽ trở thành những “viên ngọc” sáng lóng lánh, làm nổi bật ý nghĩa của câu thơ…] (**)

GIẢI THÍCH KHỔ CUỐI

  1. Ai níu được mây trắng bay… bay…

Mây trắng bay, ý tác giả nói đến sự vô tình của thời gian: Đau khổ hay sung sướng của nhân sinh thời gian đâu biết. Thời gian vẫn vô tình trôi đi, ai “bạc đầu” thì mặc kệ. Ở đây thì mặc kệ sự thảm sầu của người cô phụ.

  1. Mãi…!

Chữ “Mãi” tác giả dùng là muốn độc giả dự phần vào, đưa cảm xúc riêng mình vào. Bài thơ này tôi muốn là bài “thơ mở”:

Thơ muốn “hay” phải là thơ mở, nghĩa là bài thơ tác giả mở ngõ, mời độc giả dự phần, đưa tâm tư của riêng mình vào. Độc giả bây giờ không còn là người bàng quan và sẽ nghĩ rằng thơ viết cho mình, nên rất thích thú, thấy bài thơ hay thêm.

Chữ “Mãi” này có thể có những nghĩa sau:

– Mây trắng bay mãi: Thời gian vô tình trôi mãi

– Cảnh thảm sầu của người có phụ nầy sẽ mãi

– Chứng tích thời nầy mãi mãi không quên, không phai nhòa…

Tùy theo cảm nhận riêng, tâm trạng riêng của độc giả.

Nguyên Lc

……………….

[*] Xin ghi ra đây những lời góp ý của anh Đỗ Phú – xem như phụ lục – để các bạn hiểu rõ thêm về thơ cũng như về thân phận của các thân nhân “ngụy quân ngụy quyền” thời sau tháng Tư, 1975:

— Có lẽ nhà thơ XYZ đã quen với bố cục tam Nhất trong thơ: Nhất Thời, tức khoảng thời gian xác định; Nhất Sự, tức một sự việc cụ thểNhất Sở, tức địa điểm xác định cụ thể.

Vậy nên anh ấy có lẽ hơi ngỡ ngàng với đoạn “phục bút” sau câu ca dao dẫn ở đầu bài; đoạn phục bút” này cũng nương vào một câu ca dao khác: Nó nói lên nỗi niềm ly biệt. Người nơi này, người phương đó, nào biết ai xót hơn ai.

Có thể đó là lý do mà anh XYZ cho rằng đoạn này có vẻ “cải lương” và thừa. Riêng tôi thì nghĩ đoạn này rất đạt.

— Cũng có th nhà thơ XYZ cho rằng đó nên là 1 đoạn thơ cho 1 bài khác, với nội dung khác với phần sau của bài thơ. Nghĩa là anh ấy đánh giá bài thơ tác giviết thuộc loại Nhất Thời, Nhất Sự (nhị Nhất): Tức là cho rằng 2 nội dung ở “phần dẫn” và “phần chính” không liên quan đến nhau. Tôi thì nhận định là nhờ 2 câu ca dao và đoạn 1 -“phục bút” – này mà phần sau có hồn hơn.

Anh XYZ có lẽ không trải nghiệm ở thời gian đó, hoặc đã quên các sự kiện đã xảy ra vừa sau 1975:

    – Khởi đầu từ chỉ thị 111, và họ phát động 3 chiến dịch X1, X2, X3. Từ năm 1976 kéo đài đến năm 1989 mới coi là tạm chấm dứt. Trong số người ở lại sau 1975, đã có khoảng 950 ngàn người bị đoạt mất nhà cửa, tài sản; bị xua đi lên vùng kinh tế mới. Rồi sau đó, hơn một nửa trong số 950 ngàn người đó dắt díu nhau ăn xin để về lại Sài Gòn, đêm về ngủ gầm cầu, xó ch!

   – Còn riêng thảm cảnh thuyền nhân thì tôi không nhắc lại.

[**] VÀI KHÁI NIỆM VỀ VIỆC DÙNG CHỮ TRONG THƠ – Nguyên Lạc:

https://t-van.net/?p=38655

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search