T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trần Yên Hạ: Cái Ô Trầu của Mẹ

Rổ Rau – Tranh: Thanh Châu

      Không biết mẹ tôi ăn trầu từ bao giờ, nhưng mỗi lần nhớ đến những ngày còn lẽo đẽo theo mẹ, tôi lại nhớ đến hình ảnh mẹ mặc chiếc quần lãnh đen và chiếc áo bà ba sậm màu, ngồi trên thềm gạch hiên nhà trước  -thường gọi là hàng ba-  têm miếng trầu vàng, cuốn lại rất vén khéo. Những lá trầu luôn luôn được xếp cẩn thận trong một cái ô trầu đan bằng mây có ba ngăn, đựng vài qủa cau, con dao nhỏ và bình vôi trắng. Tôi là người được mẹ tín cẩn nhất để sai đi lấy và cất cái ô trầu cho mẹ. Đó là những buổi chiều nắng đã tắt sau đọt cây cau gầy xa xa ở cuối sân nhà, nhưng trời vẫn còn đủ sáng và mát mẻ cho hai chị tôi chơi lò cò xủi trên khoảng sân rộng dùng để phơi lúa, cũng là sân banh mà chỉ có tôi là cầu thủ duy nhất, với trái banh là quả bưởi non. Phía  góc sân trái, dưới gốc cây cam xum xuê  lá, trái nặng trĩu cành, đứa em gái nhỏ hai tuổi của tôi đang cầm cành cây khô, đùa giỡn với đàn gà con cùng bà vịt xiêm già nặng nề, chậm chạp đi từng bước mà tôi có cảm tưởng sắp té ngã về phía sau.

Đôi khi, mẹ sai tôi đi hái cho mẹ vài lá trầu.Vườn trầu sát bờ ao, trên một khu đất chừng bốn, năm mét vuông được rào bằng tre xung quanh, bên trong có năm thân cây khô chôn xuống đất cho những dây trầu leo quanh. Hình như mẹ tôi chỉ có hai việc chính phải làm hằng ngày là chăm sóc chúng tôi, nấu cơm và tưới vườn trầu. Những lúc mẹ ngồi ăn trầu, tôi thường ngồi bên táy máy cái ô trầu và nhìn đôi môi đẹp nhuộm đỏ của mẹ mà thán phục, vì có lần tôi lén ăn trầu đã bị cay và say đến chóng mặt. Có lẽ, thời gian hạnh phúc an lành nhất của mẹ là những ngày còn sống ở miền quê thanh bình, lúc tôi còn thơ ấu. Mẹ ở quê nhưng chưa hề làm việc lam lũ ngoài đồng. Ba tôi đã sắp xếp thế nào đó để có tiền thuê người giúp việc đồng áng mà gia đình vẫn có lúa ăn dư dả quanh năm.

Ba tôi là một người lịch thiệp. Ông bà nội mất sớm. Mới mười tuổi ba đã trở thành một đứa trẻ mồ côi. Ông lưu lạc nhiều nơi khi sống cùng bác tôi, là một thầy giáo phải đổi chỗ vì nghề nghiệp. Đến năm hai mươi tuổi, người tự lập và đi theo đoàn tàu buôn bán từ tỉnh nầy qua tỉnh khác. Cho đến một ngày -ngày định mệnh  an bài-  tàu bỏ neo tại làng ngoại tôi và người thanh niên lãng tử đã dừng bước giang hồ vì đôi mắt đẹp và nụ cười duyên dáng. Đó là mẹ tôi!

Tôi không biết rõ mối tình của ba mẹ bắt đầu ra sao. Mẹ tôi chỉ kể rằng, ông bà ngoại rất dễ, không đòi hỏi lễ nghi khó khăn như thời đó.  Ngoại nói, ba tôi là người có ăn học, thông minh, tháo vát và ông bà tin ba sẽ mang hạnh phúc đến cho mẹ tôi. Những ngày chiến tranh, mẹ tôi rất khổ cực với năm đứa con còn nhỏ dại, mà ký ức non nớt của một đứa bé chẳng hề lưu lại một chút gì trong tôi. Nhưng từ khi bắt đầu có trí khôn thì  tôi biết rằng tôi đang sống trong một gia đình rất hòa thuận, êm ấm. Thường, sau những bữa ăn chiều, mẹ tôi hay ngồi trước hàng ba ăn trầu, ba tôi vừa nhâm nhi tách nước trà, vừa đọc báo, thỉnh thoảng người ngừng lại trao đổi với mẹ vài câu gì đó rất dịu dàng, mà cũng rất tương đắc.

Thưở bé, ngày đau khổ nhất của tôi lúc có lẽ là ngày đầu tiên đi học. Lúc lên sáu, ba muốn tôi phải đi học vỡ lòng tại trường thầy Chu, một ông thầy bé tí teo, lúc nào cũng đội cái nón nỉ màu nâu. Gọi là trường tư, nhưng thật ra chỉ là một căn nhà lá sơ sài với vài cái bàn đóng bằng tre và chỉ có khoảng mười lăm đứa nhóc tì như tôi. Buổi chiều, ba tôi nói với mẹ:

-Ngày mai mình sửa soạn quần áo cho thằng Hiếu đi học. Anh đã mua cho con tập vở và viết rồi.

Nghe vậy, tôi hoảng hốt chạy đến ôm cổ mẹ mếu máo:

-Con hổng chịu đi học đâu, con muốn ở nhà.

Mẹ kéo tôi ngồi vào lòng, xoa đầu, hỏi bằng giọng ngọt ngào:

-Con ở nhà làm gì?

Tôi đưa tay quẹt nước mắt, nói gọn gàng:

-Con muốn đi cỡi bò như thằng Khuyên.

Nhưng dù có khóc lóc thế nào thì tôi cũng phải đi học. Mẹ cho tôi mặc bộ đồ mới, lại thêm đôi guốc dông dành cho người lớn. Nhìn đôi mắt nghiêm nghị của ba, tôi không dám khóc, mặt xụ lại như cái rổ méo -mẹ nói vậy. Ba ôm tôi, âu yếm dỗ dành:

-Con ráng đi học để biết chữ đọc báo cho ba nghe.

Nói xong người lên chiếc xe đạp đi làm việc ở làng. Ba tôi là xã trưởng mà thời đó nghe người ta gọi là ông Quản. Tôi nhìn theo ba, tấm tức khóc:

-Mẹ ơi! Con không muốn đi học đâu.

Mẹ quỳ xuống ôm hôn tôi, vỗ về:

-Con đừng khóc, mẹ sẽ đưa con đi học, con trai mà khóc người ta cười chết.

Dần dần rồi cũng quen. Thỉnh thoảng tôi hay trốn học đi cỡi bò với thằng Khuyên. Mỗi lần mẹ có dịp đi đâu xa thì tôi cũng xin nghỉ học cho bằng được để theo mẹ, với lý do là mang cái ô trầu cho mẹ.

Những năm tháng êm đềm trong thanh bình thời thơ ấu lặng lẽ trôi đi và khi lên đến bậc trung học tôi phải rời gia đình lên tỉnh học. Cũng thời gian đó, Việt cộng nổi lên đánh phá làng xã. Vùng tôi ở gọi là vùng xôi đậu. Một tai họa lại giáng xuống gia đình tôi. Ba tôi bị Việt cộng bắt đi trong một đêm về đánh phá làng. Mẹ gầy guộc hẳn đi. Ngày nào cũng khóc vì không biết số phận của ba tôi ra sao. Đến khi được một người quen thân đi theo du kích cho biết ba tôi vẫn còn sống và đang bị giam ở một nơi nào đó, mẹ tôi mới tạm an tâm.

Năm sau, tôi về thăm nhà vào dịp hè. Một buổi trưa, cả nhà đang quây quần bên mâm cơm ở gian sau thì có tiếng chó sủa dữ dội. Mọi người nhìn ra ngõ, thấy một người đàn ông cao lớn, mặc bộ quần áo đen, đội nón lá đang lầm lũi bước vào. Tưởng là ba, tôi mừng quá chạy ùa ra. Nhưng không phải, đó là người cậu họ ở một làng xa đến thăm. Cậu đi thẳng vào nhà, nắm tay mẹ kéo ra sân sau, thì thầm gì đó trước sự ngơ ngác của mấy chị em tôi. Nói xong, cậu quay đi vội vàng, không kịp trả lời mấy câu hỏi vớ vẩn của tôi. Mẹ bước trở vào, với khuôn mặt thoáng nét rạng rỡ lẫn lo âu. Mẹ cho biết, ba tôi đang bị giam lỏng ở vùng Việt cộng không xa lắm, đêm nay sẽ có người bạn giúp ba trốn thoát, do đó, chúng tôi phải rời nhà ngay, để đón ba tôi tại công sở của quận vào ngày mai.

Mẹ sai tôi chạy sang nhà dì Bảy báo tin  gấp, còn chị Tư thì sắp xếp các đồ dùng cần thiết. Mẹ và dì Bảy ôm nhau trong nước mắt chia tay đầy nghẹn ngào đau xót. Đối với mẹ, sắp gặp lại ba là một niềm vui sướng, nhưng phải bỏ lại nhà cửa, sản nghiệp mà ba mẹ đã gầy dựng hơn hai mươi năm cũng là một quyết định thật đau lòng. Để tránh sự tò mò của hàng xóm, chúng tôi chia làm hai nhóm. Mẹ và em tôi sẽ đi trước bằng đường ruộng. Chị Tư cùng tôi sẽ đi sau bằng đường trong xóm và hẹn gặp nhau tại đồn dân vệ ở Cống Đá. Mẹ vội vã dắt em tôi đi giữa tiếng khóc não nuột của dì Bảy. Chị tôi vừa xếp hành trang, vừa khóc thút thít. Tôi nhìn quanh căn nhà, chợt thấy ô trầu của mẹ còn ở trên tấm phản, vội chạy nhanh ra sau vườn, hái vội một nắm trầu vàng nhét vào ô trầu và mang đi.

Gia đình tôi được đoàn tụ trong nước mắt nghẹn vui mừng. Chúng tôi dắt dìu nhau lên thành phố. Bỡ ngỡ. Lạc loài. Và ba mẹ tôi lại bắt đầu vất vả lập nghiệp với đôi bàn tay trắng. Một hôm, sau bữa ăn tối, trong căn nhà chật hẹp vừa mới thuê, mẹ tôi mang ô trầu ra, vừa têm trầu vừa nói với giọng đầy xúc động:

-Nếu không có thằng Hiếu thì không còn ô trầu này. Đây là kỷ niệm duy nhất trong nhà mình còn sót lại, cho tới chết mẹ cũng vẫn giữ cái ô trầu này.

Tôi nhìn ô trầu đan cẩn thận bằng mây, nay đã lên nước nâu bóng láng với chút hãnh diện. Phải công nhận cái ô trầu đẹp thật, tính ra, nó đã cận kề với mẹ ít nhất là mười hai năm.

Lúc ấy, gia đình tôi sống nhờ vào một cửa hàng nhỏ bán thức ăn sáng. Mỗi sáng, tôi thức dậy từ bốn giờ để đến lò mổ heo, lấy bộ lòng ngon nhất đem về cho chị  tôi nấu cháo. Xong, vội vàng ra mở cửa hàng, nấu một nồi nước sôi thật to, pha một bình cà phê, rồi trở về nhà sửa soạn đi học. Có khi ngồi chờ nước sôi tôi ngủ gà, ngủ gật trên ghế, cho đến khi chị tôi mang cháo ra, nhéo vào tai  một cái đau điếng tôi mới giật mình.

Cuộc sống tuy khó nhọc nhưng chúng tôi rất hài lòng, chỉ có ba tôi thường hay trầm ngâm thả hồn về dĩ vãng. Ba thường ao ước cất được một căn nhà nơi thành phố cho gia đình, rồi trở về xây dựng lại ngôi chợ ở làng xưa thì  mới an lòng nhắm mắt. Và mơ ước này của ba tôi đã được toại nguyện. Sau khi theo đoàn quân về bình định làng xưa, cất xong chợ, trường học, ba tôi trở về nhà nghỉ ngơi một thời gian rồi người rời bỏ chúng tôi vĩnh viễn sau cơn bệnh ngắn ngủi trong lúc tôi đang thụ huấn quân sự ở một quân trường xa xôi, không kịp về để nhìn thấy người cha thân yêu lần cuối cùng. Những nghiệt ngã của cuộc đời từ đó lại đổ trên vai mẹ tôi, làm cho mắt mẹ mờ, tóc mẹ bạc và nụ cười như tắt hẳn trên môi. Nhất là từ khi tôi bị bắt vào trại cải tạo, vượt trại và ra đi biền biệt.

Hai mươi năm sau, ngồi trên phi cơ trở lại quê xưa, tôi cứ miên man tưởng tượng ra nụ cười nhòa lệ của mẹ khi bất ngờ ôm thằng con trai vào lòng sau bao năm dài xa cách mà tưởng chừng như giấc mơ. Chắc mẹ sẽ vuốt từng sợi tóc bạc màu của tôi và mẹ sẽ khóc, như một chiều xa xôi nào đó, mẹ tìm đến thăm khi tôi vừa trốn khỏi trại giam và đang lẩn tránh vào một nơi hẻo lánh. Hai mẹ con gặp nhau được ba ngày, đêm nào mẹ cũng ôm tôi vào lòng như hồi còn bé và tóc tôi đã ướt  đẫm nước mắt của mẹ. Những  giọt nước mắt đau xót, muộn phiền như cõi lòng tan nát của mẹ, khi nhìn thấy tương lai của con mình đang chìm vào tăm tối tuyệt vọng.

Tôi thầm cám ơn nhà tôi đã sắp xếp cho tôi chuyến đi này trong hoàn cảnh gia đình còn khó khăn. Khi thấy hình ảnh mẹ tôi lom khom với chiếc gậy trong cuốn video do người chị họ đi về Việt Nam mang qua, nhà tôi nói:

-Em không muốn mình phải hối hận cả đời vì không còn dịp để gặp mẹ.

Tôi nghe lòng quặn đau, nhớ đến hai con gái thương yêu bật khóc khi tôi cúi xuống hôn từ giã để bước lên phi cơ. Rồi tôi tự hỏi, không biết mẹ đã bao lần quặn đau trong cuộc đời vì những gánh nặng phân ly sinh tử. Hai người anh và đứa em trai của tôi qua đời khi còn nhỏ. Ba tôi vĩnh biệt ngàn thu. Tôi vẫn còn sống nhưng đã nghìn trùng biệt xứ.

Khi về ngang bến phà Cần Thơ, chợt nhớ đến cái ô trầu của mẹ, tôi tự nhủ, lần nầy nhất định tôi sẽ ghé chợ mua một xấp trầu ngon nhất và tự tay sắp vào ô trầu cho mẹ như những ngày còn bé, một điều mà tôi đã quá vô tình trong những năm tháng thưởng thành ở quê nhà.

… Sau nỗi vui mừng đoàn tụ, tôi sực nhớ gói trầu tự nãy giờ bỏ quên trong đám hành lý ngỗn ngang. Nhìn quanh quất, chẳng thấy ô trầu của mẹ đâu, tôi hỏi:

-Cái ô trầu mẹ đâu rồi?

Mẹ lặng thinh ngơ ngác.

-Hình như mẹ đã quên mất với cái tuổi tám mươi hai. Mẹ quên nhiều chuyện lắm em ạ!

Chị Hai trả lời rồi kể tiếp:

-Em còn nhớ không, sau tháng tư bảy mươi lăm, em bị đưa đi cải tạo ở Chi Lăng một năm rưỡi. Không thư từ tin tức, mẹ buồn lo gầy sút người, tóc bạc hết. Khi nhận được lá thư đầu tiên của em, chị mới thấy mẹ nở một nụcười.

Tôi chợt lặng hồn nhớ về dĩ vãng nghiệt ngã trong những năm bị tù đày. Giọng chị tôi vẫn đều đều như tiếng vọng từ một quá khứ xa xôi.

-Chị còn nhớ, trong thư em viết Mẹ và các chị đừng lo, lúc này nhờ cách mạng chăm sóc tốt nên em mập lắm, nặng tới bốn mươi ký. Em còn nằm mơ thấy mẹ cầm một tán đường thẻ vàng cười với em. Chị biết, em nói vậy có nghĩa là đã ốm đi mười tám ký. Lúc đó, nhà mình không có tiền, chị Tư bán chiếc nhẫn cưới, chị bán mấy cái áo dài để mua thức ăn và có tiền xe để mẹ và chị đi thăm em. Đến chiều, kiểm lại đồ đạc lần cuối, mới chợt nhớ chưa có đường thẻ cho em. Tiền thì không còn đủ mà cũng không biết mượn ai, mẹ liền sai thằng Vũ đem ô trầu sang bà Tám đổi một ký đường thẻ vàng, vì có lần bà trầm trồ cái ô trầu của mẹ và hỏi mua ở đâu…

Tôi bước tới, lấy gói trầu đặt lên bàn tay khô cằn của mẹ mà không ngăn được những dòng nước mắt nghẹn ngào:

-Mẹ ơi!

Trần Yên Hạ

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search