T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 155)

 

Câu đố

Xét trong quan hệ với vật đố, tức cách biểu thị vật đố ra sao, hình ảnh ở lời đố thường được sử dụng theo kiểu tên riêng.

Kiểu tên riêng được dùng theo lối cùng âm: tên riêng, tên người, tên đất được dùng theo cách cùng âm, cùng nghĩa cũng có thể xem chúng thuộc lối lạ hoá hình ảnh. Thí dụ:
“Gia Cát đánh nhau với Đông Ngô,
Đông Ngô thua, Đông Ngô bỏ chạy,
Gia Cát dồn quân đánh lại trận sau”

(Rang ngô)

Các tên người, tên đất ở câu đố “rang ngô”, nhằm mượn các hình ảnh “cát”, “ngô” theo cách cùng âm.

(Triều Nguyễn – Cách sử dụng hình ảnh trong câu đố)

Bụng như tang trống

Tang trống: sườn trống, còn gọi là bộng trống. Bụng như tang trống là bụng to mà rỗng – ý nói người hiền lành, không thâm độc.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Phép đối

Phép đối thường hay dùng trong văn thơ của Tàu cũng như của ta, nhất là trong một bài thơ Đường luật bát cú – thể thơ chính và thông dụng nhất – thì luật thơ qui định hai câu thực và hai câu luận phải đối nhau (câu 3 đối với câu 4, câu 5 đối với câu 6):

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.

Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.

Nước còn cau mặt với tang thương.

(Thăng Long Thành Hoài Cổ – Bà Huyện Thanh Quan)

Trong thể phú, câu đối còn chia thành nhiều lối: song quan, cách cú, gối hạc nên người làm thơ cần phải dụng công nhiều hơn.

Chẳng hạn trong lối gối hạc: mỗi vế có ba đoạn trở lên, đoạn ngắn xen giữa hai đoạn dài (như đầu gối giữa hai ống chân con hạc), thí dụ:

Áo vải thô nặng trịch, lạnh làm mền, nực làm gối, bốn mùa thay đổi bấy nhiêu;

Khăn lau giắt đỏ lòm, giải làm chiếu, vận làm quần, một bộ ăn chơi quá thú.

(Hàn Nho Phong Vị Phú – Nguyễn Công Trứ)

Lối cách cú: mỗi vế chia thành một đoạn ngắn và một đoạn dài, thứ tự trước sau không bắt buộc:

Đất chẳng phải chồng, đem gửi thịt xương sao lợi?

Trời mà chết vợ, thử xem gan ruột mần răng?

Lối song quan: mỗi vế có từ 5 đến 9 chữ đặt thành một đoạn liền:

Con ruồi đậu mâm xôi đậu;

Con kiến bò đĩa thịt bò.

(T. V. Phê – Câu đối)

Chữ nghĩa làng…nhậu

Rượu ngon chắt để bàn thờ

Ba bốn năm không lạt (nhạt), sao giờ lạt đi?

Chữ nghĩa làng văn

Cũng giống như Thơ Bút tre hiện nay, từ văn phong thơ “Bút Tre thật” dân gian đã sáng tác cả trăm, ngàn câu thơ “Bút Tre mới”…Thơ nôm Hồ Xuân Hương đi vào cuộc sống dân Việt Nam ta đã ngót 200 năm với bản in sớm nhất là “Xuân Hương di cảo” in năm 1914; các bản khắc ván “Xuân Hương thi tập” in năm 1921và 1923. Thời điểm xuất hiện”Xuân Hương thi tập” là thời vua Minh Mạng (1820-1840)

Bản chép tay “Quốc Văn Tùng Ký” soạn vào thời Tự Đức đến đầu Duy Tân; các bản chép tay “Xuân Hương thi sao”, “Tạp thảo tập”, “Quế Sơn thi tập”, “Xuân Hương thi vịnh”, “Liệt truyện thi ngâm” và “Lĩnh Nam quần hiền văn thi văn diễn âm tập”.

Vậy bài nào là chính gốc thơ Hồ Xuân Hương trong số 213 bài đang được lưu hành khá rộng rãi? Sau hơn 40 năm nghiền ngẫm…Ông Kiều Thu Hoạch, một chuyên gia về chữ Nôm đã công bố cuốn “Thơ Nôm Hồ Xuân Hương”, sau khi dịch nghĩa, dịch thơ, chú giải, chú thích đã loại trừ được một số bài thơ bị gán cho bà chúa thơ Nôm như các bài: “Đánh cờ người”, “Tát nước”, “Cái nợ chồng con”, “Đánh đu”, “Bà đanh”, “Đồng tiền hoẻn”, “Ông Cử Võ”, v…v…. thì chỉ còn với 84 bàii.

(Nguồn Nguyễn Khôi)

Bút Nam Tào, dao thầy thuốc

Nam Tào giữ sổ sách ở thượng giới, có nhiệm vụ giữ sổ thiên mệnh, quyết định sống chết con người ta, còn dao thầy thuốc là con dao sắc bén, xắt thuốc bén ngót. Ám chỉ việc sắc bén, rõ ràng, không có chuyện khuất lấp hay che dấu.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Bàn thờ vọng 1

Bàn thờ vọng ngày nay khá phổ biến, áp dụng cho con cháu sống xa quê, hướng vọng về quê, thờ cha mẹ ông bà tổ tiên, hương khói trong những ngày giỗ, tết. Ngày xưa, với nền kinh tế nông nghiệp tự cung, tự cấp, người nông dân suốt đời không rời quê cha đất tổ, chuyển cư sang làng bên cạnh cũng đã gọi là biệt quán, ly hương, vì vậy bàn thờ vọng chỉ là hiện tượng cá biệt và tạm thời, chưa thành phong tục phổ biến.

“Vọng bái “, nghĩa là vái lạy từ xa. Ngày xưa, khi triều đình có những điển lễ lớn, các quan trong triều tập trung trước sân rồng làm lễ, các quan ở các tỉnh hoặc nơi biên ải, thiết lập hương án trước sân công đường, thắp hương, nến, hướng về kinh đô quỳ lạy Thiên tử. Khi nghe tin cha mẹ hoặc ông bà mất, con cháu chưa kịp về quê chịu tang, cũng thiết lập hương án ngoài sân, hướng về quê làm lễ tương tự. Các bàn thờ thiết lập như vậy chỉ có tính chất tạm thời, sau đó con cáo quan xin về cư tang ba năm (xem bài Lễ Cư tang). Các thiện nam tín nữ hàng năm đi trẩy hội đền thờ Đức Thánh Trần ở Vạn Kiếp, đức Thánh Mẫu ở Đền Sòng v.v… dần dần về sau, đường sá xa xôi, cách trở, đi lại khó khăn, cũng lập bàn thờ vọng như vậy. Nơi có nhiều tín đồ tập trung, dần dần hình thành tổ chức. Các thiện nam tín nữ quyên góp nhau cùng xây dựng tại chỗ một đền thờ khác, rồi cử người đến bàn thờ chính xin bát hương về thờ. những đền thờ đó gọi là vọng từ (thí dụ ở số nhà 35 phố Tôn Đức Thắng Hà Nội có “Sùng Sơn vọng từ” nghĩa là Đền thờ vọng của núi Sòng, thờ thánh Mẫu Liễu Hạnh).

Bàn thờ vọng ông bà cha mẹ chỉ được tập trung trong trường hợp sống xa quê. Những người con thứ, bất cứ giàu nghèo, sang hèn thế nào, nếu ở gần cánh cửa trưởng trên đất tổ phụ lưu lại, thì đến ngày giỗ, ngày tết, con thứ phải có phận sự hoặc góp lễ, hoặc đưa lễ đến nhà thờ hay nhà con truởng làm lễ, cho dù cửa trưởng chỉ thuộc hàng cháu, thì chú hoặc ông chú vẫn phải thờ cúng ông bà tại nhà cửa trưởng. Do đó không có lệ lập bàn thờ vọng đối cửa thứ ngay ở quê nhà. Nếu cửa trưởng khuyết hoặc xa quê, thì người con thứ 2 thế trưởng được lập bàn thờ chính, còn bàn thờ ở nhà người anh cả ở xa quê lại là bàn thờ vọng.

Phong tục rất hay và rất có ý nghĩa. Bởi lẽ chữ Hiếu đi đôi với chữ Đệ. Khi sống cũng như đã mất, ông bà cha mẹ bao giờ cũng mong muốn anh chị em sống hòa thuận, một nhà đầm ấm. Thỉnh vong hồn về cầu cúng lễ bái, mà anh chị em ở gần nhau không sum họp, mỗi người cúng một nơi, thì đó là mầm mống của sự bất hoà, vong hồn làm sao mà thanh thản được.

Triết lý củ khoai

Ta cứ ngỡ xuống trần chơi một chút
Nào ngờ đi.. hun hút đến hôm nay!
(Thích Tánh Tuệ)

Rượu đế và Volka

Rượu đế (miền Nam) hay rượu trắng (miền Bắc) là một loại rượu truyền thống của người Việt được làm từ nguyên liệu gạo nếp lên men và được đem đi chưng cất để lấy rượu.
Đặc biệt khâu cuối của quá trình là chưng cất rượu nếp không sử dụng tháp cao cất cồn mà dùng thiết bị chưng cất rượu để thu rượu khoảng 40-50 độ rượu. Toàn bộ hương thơm của nguyên liệu do quá trình lên men vẫn giữ được gần như trọn vẹn chất lượng của rượu sau.

Vodka là loại rượu chưng cất có nguồn gốc ở Đông Âu như Nga, Balan, v.v. Có khác biệt lớn giữa rượu Vodka và rượu nếp dù chúng có độ rượu xấp xỉ nhau cũng như màu sắc trong suốt giống nhau. Sự khác biệt rượu đế làm từ gạo nếp còn rượu Vodka có thể được làm từ nhiều nguồn nguyên liệu gốc khác nhau như gạo, sắn, ngô, khoai. Về hương vị thì rượu Vodka là sản phẩm không có hương vì đây thực chất là cồn tinh chế sau khi chưng cất nguyên liệu gốc lên men được pha loãng thành rượu nên không còn giữ lại hương thơm của nguyên liệu và không có hậu vị. Đối với rượu đế vẫn giữ được hương thơm của nguyên liệu nếp sau quá trình chưng cất, và do làm từ gạo nếp nên khi nâng chén rượu lên đã cảm nhận được hương nếp hòa quyện với hương thuốc bắc, khi nhấp vào miệng là vị ngọt rượu với hậu vị đậm đà.

Liễn

Liễn ; hai câu đối nhau

(liễn đối – liễn cú)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chữ nghĩa làng văn (1)

Từ lâu nay, nhiều người cho rằng Chiêu Hổ với bà Hô Xuân Hương là Phạm Đình Hổ (1768 – 1839) với Vũ trung tùy bút. Theo tôi, Chiêu Hổ không phải Phạm Đình Hổ.

Phạm Đình Hổ, có tên chữ là Tùng Niên và Bình Trực, tên hiệu là Đông Dã Tiều, người làng Đan Loan huyện Đường An, nay là huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương. Ông sinh trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, nhưng bản thân ông chỉ đỗ tú tài. Biết ông là người tài xứ Bắc, trong dịp ra Hà Nội, vua Minh Mạng nhà Nguyễn cho mời ông lên gặp và chỉ sau ít phút tiếp kiến, đã đặc cách phong ông làm Tế Tửu Quốc Tử giám Thăng Long – Hà Nội, tức Hiệu trưởng trường, chức này chỉ dành cho các tiến sĩ mà bài thi thấy được tính uyên bác hơn người. Xin nhớ rằng, tài giỏi như Chu An, thời Trần, cũng chỉ là Tư nghiệp, tức Hiệu phó, để thấy sự liên tài của vua Minh Mạng và cái thoáng, rất trọng thực tài, trong quan chế của nhà Nguyễn.

(Nguồn Trần Nhuận Minh)

Cửa thiền

Cửa thiền là nhà chùa. Thiền là yên lặng. Nhà Phật lấy thanh tịnh làm gốc nên mọi sự, mọi cái về Phật đều gọi là thiền.

Cửa thiền vừa cữ cuối xuân

Bóng hoa đầy đất vẻ ngân ngang trời

(Kiều – Nguyễn Du)

(Nguyễn Thạch Giang – Văn học tập giải)

Chữ nghĩa làng văn (2)

Phạm Đình Hổ có nhiều trước tác, nhưng nổi tiếng nhất là Vũ trung tùy bút. Vũ trung tuy bút, tác phẩm duy nhất Phạm Đình Hổ nói về mình, về chuyện đời mình, cho thấy ông là một ngưởi “trầm lặng, mực thước, khắc khổ, nhạt nhẽo”, đặc biệt, ông “rất ghét thanh sắc, nghề cờ bạc, và những chuyện rủ rê chơi đùa”– lời Phạm Đình Hổ – thì không thể có chuyện ông ( quan Tế Tửu – hiệu trưởng – Quốc Tử giám Thăng Long, Hà Nội ) là tác giả của các bài thơ đối đáp với bà chúa thơ Nôm “ghẹo nguyệt giữa ban ngày”, cho Hồ Xuân Hương, “cho cả cành đa lẫn củ đa”, và:Rày thì đù mẹ cái hồng nhan…( và Hồ Xuân Hương, một nhà thơ“đúng phép mà văn hoa “, bao giờ cũng biết “dừng lại ở phạm vi lễ nghĩa” ( tựa thơ Hồ Xuân Hương trong Lưu Hương kí – khắc in năm 1814 ), cũng không thể là tác giả của những bài thơ trên).

Phạm Đình Hổ nói, suốt đời ông, ông chỉ có “mỗi một cái tội là nghiện… nước chè”, do ông tự pha lấy cho mình. Xin nhớ cho, Bộ Luật Gia Long thời Nguyễn ghi rõ: “Phàm quan văn võ ở đêm với con hát, hay đem con hát vào tiệc rượu, phạt 60 trượng”, nghĩa là giải ra công đường, lột mũ áo, đánh cho 60 gậy rồi đuổi về vườn.

(Nguồn Trần Nhuận Minh)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Lòng em muốn lấy thợ bào

Ảnh khom lưng ảnh đẩy cái nào cũng sâu!

Chữ nghĩa làng văn

Cảnh thu (1)

Thánh thót tầu tiêu mấy giọt mưa,
Bút thần khôn vẽ cảnh tiếu sơ,
Xanh om cổ thụ tròn xoe tán,
Trắng xoá tràng giang phẳng lặng tờ.
Bầu dốc giang sơn say chấp rượu,
Túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ
Cho hay cảnh cũng ưa người nhỉ,
Thấy cảnh ai mà chẳng ngẩn ngơ.

1 – Có sách gán cho Bà huyện Thanh Quan. ở văn bản Landes 1893, bài thơ này không có đầu đề. Câu thứ hai là “Đố ai vẽ được cảnh tiếu sơ”  và có lời dẫn: “Ngày xưa Xuân Hương đi chơi gặp mưa, vào chơi thăm làng Văn Giáp, thấy có một chùa xưa, Xuân Hương và chùa lậy Phật, rồi đi xem ngoài chùa. Thấy bên chùa có cây đa. Ngửng lên xem thì cao ngút không biết tới đâu, cho nên làm bài thơ này (cây đa này đến này còn)”.

Bản Đông châu 1917, có lời dẫn: “Một ngày kia đang mùa quý thu, giời lún phún dăm ba hạt mưa, hơi ngăm ngăm rét, quan phủ nhân vô sự, mới sai bày cuộc rượu, cho gọi cô hai ra cùng ngồi uống rượu để vịnh thơ. Xuân Hương vâng lời ra ngồi hầu rượu để vịnh thơ. Xuân Hương vâng lời ra ngồi hầu rượu. Đương khi chén quỳnh đầu vơi, chiều thu hiu hắt, quan phủ liền bảo Xuân Hương vịnh bài tức cảnh. Thơ rằng…”.

Chữ nghĩa làng văn

Hò, xử, xang, xê, cống, líu là từ ngữ của cổ nhạc Nam phần. Nguyên gốc Hán Việt đọc là “Hà, sĩ, thượng, xích, công, lục”.

(Nguyễn Hữu Phước – đặc san Phù Sa Sông Cửu)

Chữ và nghĩa

Rất nhiều từ ngữ mà chúng ta cho là của người trong nước sau 75, thực ra là của Việt Nam trước đó. Vậy tiếng nào là tiếng của người Việt trước hay sau 75?

Bồi dưỡng – được dùng ở cả hai miền (Miền Nam, xin coi Việt Nam Tự điển Lê Văn Ðức, chẳng hạn). Người trong nước nói “kỳ hè giáo viên đi bồi dưỡng” nghe kỳ cục, nhưng nếu nói “bồi dưỡng chính trị” thì về phương diện ngữ pháp, không có gì sai cả. Vì “tẩm bổ” là từ tương đương; những chữ còn lại (nghỉ ngơi, săn sóc, chăm nom, ăn uống đầy đủ) là mô tả chi tiết chứ không phải danh từ tương đương với “bồi dưỡng”.

(Tâm Thanh – Chiêu hồi ngôn ngữ)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search