T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Châu Thạch: BỐN CÂU THƠ THÔI MÀ NGHE TIẾNG ĐÀN KIỀU

Tranh: Mai Tâm

 

(Tản mạn với thơ Dư Mỹ)

Ta gửi đời theo khúc ngũ âm
Gọi quê trên phiếm lục huyền cầm
Sông trôi trăm nhánh – tình trăm ng

Ta gọi sao đời cứ lặng câm
                   Dư Mỹ

Xưa có câu “Thi trung hữu nhạc” (trong thơ có nhạc). Cụ Nguyễn Du đã lấy thơ tả nhạc, đã viết về tiếng đàn của Thuý Kiều với rất nhiều cung bậc cảm xúc, lay động lòng người. Trong truyện Thúy Kiều, thật sự Kiều phải gảy đàn tám lần tất cả. Thế nhưng có bốn lần tiếng đàn Kiều được mô tả kỹ, gây nhiều ấn tượng khi ta đọc thơ.
Lần thứ nhất, Kiều đàn khi băng qua nhà Kim Trọng. Kim Trọng tự tay cầm cây đàn “Cầm Trăng”, dâng đàn lên ngang mày rất trân trọng, rồi đưa đàn cho Thúy Kiều khảy để mình nghe:

Rằng nghe nổi tiếng cầm đài
Nước non luống những lắng tai chung kỳ
Thưa rằng: “Tiện kỹ sá chi
Đã lòng dạy đến, dạy thì phải vâng”
Hiên sau treo s
n cầm trăng
Vội vàng sinh đã tay nâng ngang mày.
. .

Khúc nhạc đầu của thiên truyện được cụ Nguyễn Du mô tả như sau :

Trong như tiếng hạc bay qua,  
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời.
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.
Ngọn đèn khi tỏ khi mờ,
Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu.
Khi tựa gối khi cúi đầu.
Khi vò chín khúc khi chau đôi mày…

Lần thứ hai Thúy Kiều đàn cho Hoạn Thư và Thúc Sinh nghe. Khi đó, Thuý Kiều bị Hoạn Thư bắt về làm con hầu và sai nàng phải đàn cho mình nghe: “Trúc tơ hỏi đến nghề chơi mọi ngày/ Lĩnh lời nàng mới lựa dây”. Tiếng đàn của Kiều lúc bấy giờ ai oán:

Bốn dây như khóc như than
Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng
Cùng trong một tiếng tơ đồng
Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm
Giọt châu lã chã khôn cầm
Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt Tương

Và đây là khúc thứ ba, Kiều hầu đàn cho Hồ Tôn Hiến. Hồ Tôn Hiến sau khi phục binh giết được Từ Hải thì mở tiệc mừng chiến thắng và ép Thuý Kiều gảy đàn giúp vui trong buổi tiệc: “Dở say lại ép cung đàn nhặt tâu“. Khúc đàn nầy Thúy Kiều đàn trong đau đớn:

Một cung gió thảm mưa sầu
Bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay
Ve ngâm vượn hót nào tày
Lọt tay Hồ cũng nhăn mày rơi châu

Lần thứ bốn, Thuý Kiều đàn cho Kim Trọng nghe lúc hai bên tái ngộ đoàn viên, “Phím đàn dìu dặt tay tiên/ Khói trầm cao thấp tiếng huyền gần xa”.
Cũng là người đàn ấy, cũng là người nghe ấy, nhưng mười lăm năm sau vật đổi sao dời, khúc đàn thứ tư vẫn hay nhưng đã khác xưa rất nhiều:

Khúc đâu đầm ấm dương hòa
Ấy là hồ điệp hay là Trang Sinh
Khúc đâu êm ái xuân tình
Ấy hồn Thục Đế hay mình đỗ quyên
Trong sao châu dỏ duềnh quyên
Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông
Lọt tai nghe suốt năm cung
Tiếng nào là chẳng não nùng xôn xao

Theo giáo sư Trần Văn Khê , Thuý Kiều đã sử dụng cây đàn Nguyễn Tỳ Bà tên thật là Nguyễn Cầm, có thùng đàn tròn như Mặt trăng và có 4 dây. Bốn lần Kiều đàn ở bốn hoàn cảnh, tâm trạng khác nhau, nhưng đều hay như nhau, yêu đương và đau khổ.

Ôn cố chuyện Thúy Kiều đàn ở một thời xa xưa và tri tân tiếng đàn của Dư Mỹ ngày nay, ta thấy như có cái gì tựa tựa giống nhau. Người ngày xưa và người nay cũng đều tài hoa. Nỗi đau ngày xưa và nỗi đau ngày nay cũng là nỗi đau thăng trầm cuộc sống, ly tán quê hương, lưu lạc xứ người. Khác chăng ngày nay Dư Mỹ đàn với cây đàn Lục Huyền Cầm, loại nhạc cụ độc đáo của Việt Nam, được biến cải dựa trên cây đàn Guitar của phương Tây, trong quá trình phát triển Âm Nhạc Tài Tử và Cải lương ở Miền Nam nước Việt. Đàn xưa và đàn nay đều dựa vào 5 loại âm điệu, 5 nốt nhạc chính Cung, Thương, Giốc, Chuỷ, Vũ gọi là ngũ âm để diễn đạt.

Đọc thơ tiếng đàn ngày xưa của Thúy Kiều, ta cảm kích với nỗi thăng trầm của Kiều nữ, nhưng ta không thấy một chút đau lòng. Đọc thơ tiếng đàn ngày nay của Dư Mỹ, cõi lòng ta như quặn thắt, con tim ta như nhói đau, ta thật sự thấy “Bốn dây nhỏ máu” trên năm đầu ngón tay của thi nhân. Đàn Kiều ai oán, bi ai vì thất tình, vì thương cha nhớ mẹ. Đàn Dư Mỹ ai oán, bi thương vì những điều cao trọng hơn nhiều:

Ta gửi đời theo khúc ngũ âm
Gọi quê trên phiếm lục huyền cầm

Năm cung đàn của Dư Mỹ bây giờ không có “Khúc đầm ấm dương hòa”, không có khúc “Hồ Điệp, Trang Sinh” đã đành, mà cũng không có khúc than van sầu não như Thúy Kiều thuở trước. Vì sao? Vì đây là khúc “gọi quê hương về trên phím đàn” của một chiến binh, của một anh hùng hảo hán, chứ không phải của một cô gái yêu kiều. Nỗi sầu của Thuý Kiều ngày xưa quá nhỏ bé khi đem so với nỗi sầu vong quốc ngày nay của một con người nuôi mộng gánh cả giang sơn trên vai. Nói thế có quá không? Không quá đâu. Với cấp bậc quân đội của nhà thơ Dư Mỹ trước đây, nếu không bị biến cố làm đổ nhào thì tương lai gánh giang sơn trên vai là điều có thể được. Hình tượng người chiến binh thích lấy da ngựa bọc thây phải ngồi bó gối để gọi hồn sông nước, trời mây và tất cả màu xanh của một giải đất quê hương hóa thành âm thanh, chảy về trên năm cung phím đàn, nó vừa buồn não nuột, nó vừa cao trọng biết bao, hình tượng nó lớn mênh mông giữa trời cao biển rộng.

Gọi quê hương trên phím lục huyền cầm”: Chỉ một câu thơ thôi mà cho tôi nghe vọng âm của cả bốn khúc đàn Kiều thuở xưa về trong hiện tại, có tình yêu có đau khổ, có chữ S quê hương, với chiến tuyến, với hỏa châu và cả tiếng ngâm thơ vọng từ chiếc Radio đặt phía trên đầu của cái thời tuổi trẻ mới đây.

Trong thơ Nguyễn Du, Kiều đàn tám lần và tám lần đều có người nghe. Trong thơ Dư Mỹ, nhà thơ đàn chỉ một mình không ai nghe cả:

Sông trôi trăm nhánh – tình trăm ng
Ta gọi sao đời cứ lặng câm

Nhà thơ đàn để gọi sông. Sông trôi trăm nhánh. Nhà thơ đàn để gọi tình. Tình đi trăm ngả. Không ai trả lời. Lặng câm vì không còn ai nghe. Cô đơn, cô đơn quá. Tiếng đàn của nhà thơ thành tiếng cầu cơ rồi. Cầu cơ còn có ma nhập. Ở đây nhà thơ cầu cơ bằng âm thanh. Với 5 khúc Lục Huyền Cầm, Dư Mỹ gọi đời nhưng đời đã quay lưng, lặng câm đến hồn ma năm xưa cũng không có. Tôi đọc câu thơ, tôi nghe tiếng trăm nhánh sông trôi, tôi nghe tiếng tình đi trăm ngả ẩn ngụ trong con chữ, nhờ đó mới biết thơ hay, nhưng tôi cũng cảm nhận đến vô cùng sự lặng câm của vạn vật khi nhà thơ ngồi một mình và đàn một mình để tìm nhớ những gì còn trong ký ức của mình, để sưởi lòng mình bằng một chút quá khứ, bằng một chút tình đã qua. Thế nhưng tất cả đã qua rồi, tất cả đã trôi mất, đã xa. Sự lặng câm làm cho tiếng đàn trong thơ càng bay cao, vắt vẻo lưng chừng núi, lưng chừng mây, réo rắt chạy trong không gian và có lẽ âm vọng trong thời gian bởi nỗi cô đơn cùng tận đó đã phả vào thơ, làm cho thơ bỗng có linh hồn.

Đọc bốn câu thơ của Dư Mỹ, không hiểu sao tôi cứ nghĩ về Nguyễn Du, về tiếng Đàn của Thúy Kiều. Hình như tiếng đàn ngàn xưa và tiếng đàn đời nay có sự khắn khít với nhau, hòa nhập nhau, vừa nung nấu lòng tôi vừa đang bay vào không gian vô tận./.

Châu Thạch

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search