T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 156)

 

Thịt chó với Nguyễn Du

Nguyễn Du mê ăn thịt chó nên thúc giục giết thịt chó mà đánh chén. Trong bài thơ chữ Hán Hành lạc từ, câu ấy là “hữu khuyển khả tu sát” . Cụ Lê Thước diễn nôm cả đoạn thơ ấy như sau:

Tội gì ngàn năm lo

Có chó cứ làm thịt

Có rượu cứ nghiêng bầu

Trên đời được thua chưa dễ biết

Cần gì tiếng hão về sau

 

Cũng có thể vì vậy sau mới có câu:

Đàn ông biết đánh tổ tôm

Biết ăn thịt chó *, xem nôm Thúy Kiều

(Phụ chú: *Uống chè mạn hảo, ngâm nôm Thúy Kiều?)

(Trà Lũ – báo Văn Nghệ Tiền Phong)

Họ và tên

Ông Hồ Dzếnh khi sinh ra đời được bố mẹ làm giấy khai sinh với tên là Hà Triệu Anh. Nhưng vì ông bố là người Tàu lại nói giọng Quảng Đông nên phát âm ra là…Hồ Zếnh.

Ông Vương Hồng Sển cũng vậy, tên thật là Vương Hồng Thịnh, ông bố người Tàu phát âm trọ trẹ ra sao “Thịnh” thành “Sển”.

Ông thư ký làng cứ “dzậy” mà ghi vào sổ bộ.

(Trà Lũ – báo Văn Nghệ Tiền Phong”

 

Chữ và nghĩa

Tiếng Việt cùng nói cùng dùng chung của không biết bao nhiêu là ngôn ngữ anh em chung quanh ta, đến nỗi không có một tiếng Việt nào mà lại không có chung gốc gác với một vài ngôn ngữ khác ở miền Đông nam Á này như Khmer, Lào, Thái, Chàm, Malay, Indonesia, Nùng, Hmong Bahnar, v..v..

 Tiếng Việt có một điểm rất lạ, dễ thì dễ mà khó cũng thật là khó, vì  ta tưởng là ta viết đuợc tiếng Việt là ta hiểu được tiếng Việt.

Thật ra ta không hiểu tiếng mẹ đẻ của chúng ta nó ra làm sao cả :

Như “Nôm na” mà ai cũng cho là Nôm là Nam , vậy thì “na là gì?

Thật ra, nôm na  đều có nghĩa gốc là xưa, cũ, lâu đời…đã có từ lâu. Các tiếng Lào Thái Khmer đều có ghi hai tiếng “nôm na” và đều giải thích như vậy.

Tiếng Nôm là tiếng nói xưa của người nước ta, đã nói như vậy từ lâu, truớc khi ông bà ta gặp người Tàu.

(Nguyễn Hy Vọng – Cái tinh thần đặc biệt của tiếng Việt)

 

Keo

Keo: té ngã trong cuộc đánh vật

(vật một keo)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 

Tiếng Việt trong sáng

“Nhắc nhở” / “Nhắc nhớ”. Trước đây, có thể là trước cả thời điểm 1975, người ta dùng “nhắc nhở”; sau này, có người chợt thấy ra là “ý nghĩa nằm bên trong” của từ này là “nhắc” để cho người khác “nhớ”, đừng quên một chuyện gì đó, nên đã sửa lại là “nhắc nhớ”. Từ đó, “nhắc nhớ” lan tràn. Rất nhiều người đã dùng nó, có lẽ vì nghĩ rằng khi dùng như thế, mình cho người nghe thấy được là mình đã hiểu vào “cốt lõi” của từ “nhắc nhở”.

Thật ra, đúng là trong “nhắc nhở” có ý nghĩa của việc “nhắc” cho “nhớ”, nhưng qua biện pháp biến âm để làm cho từ được phát ra một cách mềm mại hơn (“nhắc nhớ” có hai âm trắc, không gẫy, nghe không êm tai), như “tím tím” được đổi thành “tim tím”, trắng trắng” thành “trăng trắng”, “mệt mệt” thành “mền mệt”, “đỏ đỏ” thành “đo đỏ”, v.v… , ông bà ta đã làm cho nhiều từ được dùng một cách mềm mại hơn. Tôi nghĩ, chính vì lý do vừa nói, ta không nên đổi từ “nhắc nhở” rất dịu dàng sang từ “nhắc nhớ” khá chói gắt. Cho dù, khi đổi như thế, ta bóc được cái “cốt lõi” của nó ra.

(Bùi Vĩnh Phú – Trên những đường bay của chữ)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Trèo cao ngă đau,
Trèo thấp ngă… cũng đau.

Tiếng Việt dễ và…dễ thương

Hỏi: Qua hai câu ca dao

Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân

Chẳng lẽ nụ của cây cà gọi là nụ “tầm xuân” ? Thưa ông thầy đồ?

Đáp: Theo very ngu ý của ông thầy đồ, hoa cà mí lỵ nụ tầm xuân là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Thật ra đây chỉ là…thơ nhớ đào của các cụ. Câu “Bước xuống vườn cà…” không để “hái cà” mà lại đi “hái nụ tầm xuân” là muốn giấu đi kín nhẹm cái tình cảm mình. Kể ra các cụ cũng nhiêu khê thật ấy chứ. Ai đời trong lúc nhớ “ghệ” mà các cụ cũng hì hục leo bố nó lên cây bưởi đặng hái hoa mà nhớ tới em. Các cụ thi vị và phong lưu thật chả bù cho tớ, đang lúc tớ nhớ tới cái con bồ nhí năm xưa thì nếu có cây bưởi trước mặt tớ cũng lục đục leo lên mà hái…hỏng phải hái hoa…mà hái hai trải bưởi bưng xuống ngắm nghía và nhớ em muôn vàn.

Đừng nghĩ bậy nhá, bởi vì ngày xưa em tôi học trường…bưởi nên lúc nào cũng đeo hai cái phù hiệu của trường trên ngực nên đã để lại trong lòng tôi một ấn tượng trăm năm hồ dễ mấy ai quên.

Thôi hỏng dám nhớ tới em nữa mà trở về cái nụ tầm xuân. Tui nghĩ là các cụ chơi chữ, các cụ muốn ngược dòng thời gian trở về dĩ vãng nên các cụ mới mượn cái nụ tầm xuân ra để gửi ý. Tầm là tìm nên tầm xuân chắc hẳn có nghĩa tìm mùa xuân. Mùa xuân của cụ đã một đi không trở lại rồi nên cụ đành ra ngồi dưới gốc cây bưởi trong vườn cà và nhớ tới cái thuở ban đầu lưu luyến ấy mà tầm xuân, tìm mùa xuân, nhớ tuổi thanh xuân và tiếc . Chắc cái vườn cà này ngày xưa cụ đã từng: “đưa em về dưới mưa, dẫn em ra gốc…cà” nên bây giờ nó vẫn mang lại cho cụ một trời tâm sự.

Như Phạm Thiên Thư “Trèo lên cây bưởi khóc người rưng rưng”.

(Đỗ Trọng Khơi – ĐatViet.com)

 

Kẽm

 Kẽm: thung lũng giữa núi

(kẽm Trống ở Ninh Bình)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Xem ngày kén giờ 2

 Đọc bài xem ngày, kén giờ của Phan Kế Bính, bạn đọc trẻ tuổi thời nay sẽ có một số thắc mắc:

Phan Kế Bính là một nhà trí thức (1875-1921) học vấn uyên thâm, đỗ cử nhân Hán học (1906). Lại am tường văn minh Đông Tây, đã có nhiều cống hiến trong công cuộc khảo cứu văn học và lịch sử. Ông khuyên ta không nên mê tín quá vào việc xem ngày kén giờ, nhưng tại sao không bài bác thẳng thừng mà còn hướng dẫn người đọc: cưới xin, làm nhà, khai trương, xuất hành, an táng nên tìm ngày gì, kị ngày gì và bày cách chọn giờ hoàng đạo.

 Trong bài có nói đến nhiều cát tinh (sao tốt), hung tinh (sao xấu), các ngày trực tốt trực xấu. Vậy sao không hướng dẫn cụ thể nên những người đọc muốn kén ngày, giờ vẫn phải đi tìm thầy. Theo thiển ý chúng tôi: Ông không đi sâu giải thích từng cát tinh hung tinh vì trong thời kỳ đầu thế kỷ đã có bản niên giám ban hành nhiều năm và nhiều người biết tiếng Hán xenm được.

Nhằm giải đáp những thắc mắc trên, chúng tôi dựa theo những tài liệu bằng tiếng Hán đã được lưu truyền như “Vạn niên lịch”, “Ngọc hạp kỷ yếu”, “Chư gia tuyển trạch nhật”, “Đổng công trạch nhật”, “Vạn bảo toàn thư” đối chiếu với lịch thế kỷ XX của nha khí tượng và một số bài viết của các nhà khoa học để làm nhiệm vụ biên khảo, dẫn giải tiếp bài viết của Phan Kế Bính.

Có những cách tính ngày tốt xấu như sau:

Tính theo tháng âm lịch và ngày can chi:

– Các sao tốt: Thiên đức, nguyệt đức (lục hợp), thiên giải, thiên hỷ, thiên quý (yếu yên), tam hợp (ngũ phú). Theo quan niệm xưa, những ngày có các sao này chiếu thì làm việc gì cũng tốt.

Ngoài ra còn có các sao: Sinh khí (thuận việc làm nhà, sửa nhà, động thổ), thiên thành (cưới gả giao dịch tốt), thiên quan (xuất hành giao dịch tốt), lộc mã (xuất hành di chuyển tốt), phúc sinh (được phúc tốt), giải thần (giải trừ các sao xấu), thiên ân (được hưởng phúc ân, làm nhà, khai trương)…

Các sao xấu khác tính theo tháng âm lịch và ngày can chi như: Thiên cương, thụ tử, đại hao, tử khí, quan phù (xấu trong mọi việc lớn), tiểu hao (kỵ xuất nhập, tiền tài), sát chủ, thiên hoạ, địa hoả, hoả tai, nguyệt phá (kiêng làm nhà), băng tiêu ngoạ giải (kiêng làm nhà và mọi việc lớn), thổ cấm (kiêng động thổ), vãng vong (kiêng xuất hành giá thú), cô thần, quả tú (kiêng giá thú), trùng tang trùng phục (kỵ hôn nhân, mai táng, cải táng).

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Cách đây mấy ngàn năm, ngoài tiếng Tàu ra, ông bà ta còn dùng và xài không biết bao nhiêu là tiếng nước ngoài ở đông nam Á châu mà ta cứ tưởng đâu là tiếng Việt của ta, không ngờ đó là tiếng nói của biết bao ngôn ngữ láng giềng, mà lại không phải là tiếng Tàu.

Thí dụ ta nói vẩn vơ vơ vẩn  thì “vẩn vơ vơ vẩn  ” đó là tiếng Lào.

Thí dụ ta nói chân tay, chân mây  thì “chân tay, chân mây” đó là tiếng Kmer.

(Nguyễn Hy Vọng – sưu tầm & tản mạn)

Giai thoại làng văn xóm chữ

Bà Chúa mắc lỡm

Một bà Chúa có nhan sắc mà tính kiêu ngạo, đi ra chơi phố phường thấy ai trái ý là sai lính bắt đánh liền. Quỳnh lững thững đi chơi, gặp kiệu Chúa. Gần đấy có cái ao bèo. Quỳnh vội vàng chạy xuống cầu ao đứng đá nước chơi.

Bà Chúa biết Quỳnh, thấy chơi lẩn thẩn như thế mới hỏi:

– Ông làm gì đó?

Quỳnh ngẩng lên thưa:

– Tôi ở nhà buồn quá, ra ao đá bèo chơi!

Bà Chúa đỏ mặt tía tai, bỏ đi.

(trích Giai thoại về Trạng Quỳnh)

 

Ăn nói

– Chị ơi, ông Võ Phiến nói về chữ “ăn” có tới 127 từ đơn, kép lận. Một đứa con nít đang tập nói cũng biết ăn là gì rồi. Ăn thì phải cắn, nhai và nuốt. Như “ăn bánh”, “ăn chuối”…

– Nhưng…cũng không phải hoàn toàn đúng như vậy. Nếu bảo rằng “ăn” là “cắn”, “nhai” rồi “nuốt”. Sao khi ta ăn cơm, ta lại không cắn mà chỉ “và”, nhai rồi nuốt?

– Ờ…hén!

– Nếu ta ăn cơm vắt, cơm cháy, ta không được mà chỉ “cắn”. Còn ăn cháo ăn canh ta chỉ “húp” và nuốt chứ không cắn, không nhai. Nói ăn mía, nhưng không bao giờ ta “nuốt” mía vào bụng được. Lạ nhất là các bà ăn trầu, họ không nuốt gì vào bụng hết ráo cả mà chỉ “nhai” rồi “nhả” bã và nhả luôn cả cốt trầu. Vậy chứ tại sao gọi là “ăn”!

– Ngộ…hén. Thôi em dzìa, hết chuyện…ăn nói rồi.

– Ừa, đi coi chừng té, kẻo lỗ mũi…“ăn trầu” nghe nhỏ!

(Huyền Nga – Ý nghĩa của chữ ăn)

Hàn nho mãi tự và Vũ Đình Liên

 Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Tú Sót thăm viếng phần mộ Vũ Trọng Phụng gặp Vũ Đình Liên và được ông kể chuyện cuộc gặp gỡ ông đồ (1936) để thành thơ:

“…Cụ Liên khi đó là anh chàng thư sinh học trường Bưởi ngày nào cũng ghé qua gánh hàng kim chỉ của cô hàng xén ở phố Hàng Bồ. Bên cạnh cô hàng xén là ông đồ viết chữ. Lúc ấy cậu Liên chỉ làm được hai câu : “Hàng Bạc đi lên Hàng Bồ – Trên đường đi học, ông đồ buồn thiu”. Vì lúc ấy cậu Liên đang phải lòng cô hàng xén.

Nhưng rồi, có một ngày xuân, nhà thơ đi qua phố thân thuộc đó, bỗng thấy trống vắng vì không thấy ông đồ đâu nữa. Nhìn phố xá và dòng người thờ ơ vô tình với kẻ “hàn nho mãi tự” nhà thơ bỗng bật lên bốn câu thơ đầu: “Năm nay đào lại nở – Không thấy ông đồ xưa – Những người muôn năm cũ – Hồn ở đâu bây giờ”.

Sau bài thơ mới thành hình. Chỉ một bài thơ không thôi, Vũ Đình Liên đã thành danh. Ngoài ra, nhờ ông đồ,  cụ Liên có thêm người vợ tần tảo là…cô hàng xén năm xưa.

Tục ngữ Tầu

Phật tại tâm đầu tọa, tửu nhục xuyên trường quá

(Phật ở lòng ta, còn rượu thịt thì tuôn qua ruột)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Phượng ta, phượng tây

Tên cây phượng vĩ là chữ ghép Hán Việt.  “Phượng vỹ” có nghĩa là đuôi của con chim phượng. Phượng vĩ là tên thường thấy trong văn chương là phượng ta.

Tên phượng tây là tiếng dùng để gọi một loại phượng khác, loại nầy cao chỉ mới quá đầu người. Đây cũng là loài cây mộc, nhưng cành và thân nhỏ, bông cũng mọc chùm, cánh hoa màu đỏ, viền vàng. Những bông hoa phía trong thì đã nở trong khi những bông hoa đầu ngọn còn búp. Loại phượng nầy thường được trồng trong sân các đình, chùa, miếu, để lấy hoa chưng trên bàn thờ.

Tuy nhiên, loại nầy không phổ biến như hoa phượng. Trong một cuốn sách của ông Nguyễn Tường Bách, người gốc Huế, cũng cho biết rằng loài phượng vĩ gốc gác từ Madagascar. Pháp đô hộ Madagascar trước, sau đó tới các nước Đông Dương.

(Hoàng Long Hải – Phượng)

Giai thoại làng văn xóm chữ

Dòm nhà quan Bảng

Một tối, Quỳnh lợi dụng cơ hội thuận lợi đột nhập vào phòng Điểm và leo lên giường nằm trước. Lúc quay vào, vì trời tối om om nên Điểm không thấy và quờ tay trúng phải …của Quỳnh. Điểm thắp sáng đèn lên và đọc một câu đối rồi dọa rằng nếu đối không được sẽ mách thầy về tội sàm sỡ.

Điểm đọc:

Trướng nội vô phong phàm tự lập

(Trong màn không có gió mà tự nhiên buồm dựng nên)

May cho Quỳnh lần ấy xuất khẩu ngay tức khắc:

Hưng trung bất vũ thủy trường lưu
(Trong bụng không có mưa mà nước vẫn chảy)

 Câu đối khá chỉnh, Điểm không mách chuyện với quan Bảng nữa.

(trích Giai thoại về Trạng Quỳnh)

 

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search