T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: Thụy Khuê, trở lại quê hương để làm gì?!

Mẹ Việt Nam – Tranh: Thanh Châu

 [(LTS) Chuyên mục Ghi Chép của trang TV&BH đã xin phép Văn Việt được đăng lại loạt bài “Quê Hương Ngày Trở Lại” của nhà nghiên cứu văn học Thụy Khê (ở Pháp), Đây là một bút ký đăng nhiều kỳ nhân dịp bà Thụy Khê quay lại Việt Nam thăm quê hương. Trang Ghi Chép đã giới thiệu được hai kỳ (kỳ 1 và 2). Ở hai kỳ trước, đoạn “Chúng tôi đi thăm mộ Phạm Duy”, câu kết luận ở cuối đoạn của bà:

“Phạm Duy là người Nghệ Sĩ: Nghệ sĩ cần tự do như khí trời để thở, để sáng tác. Nghệ sĩ cần khán thính giả, nếu không có khán thính giả, sẽ không còn nghệ sĩ. Không nên buộc Phạm Duy phải làm giống ta, bởi ta chưa sáng tạo được một tác phẩm nào, một lời ca nào, cho quê hương, đất nước, con người.. .”

đã khiến cho một cây bút của TV&BH (nhà báo Hoài Nam) phải nhướng mày thắc mắc.

Đến kỳ 3, chúng tôi quyết định không tiếp tục giới thiệu loạt bài này trên TV&BH nữa.

Lý do tại sao, xin kính mời quý độc giả cùng theo dõi bài viết dưới đây của nhà văn Khuất Đẩu, người có gốc gác ở Khánh Hòa Nha Trang, hiện đang sinh sống ở Việt Nam.]

Khuất Đẩu: Thụy Khuê, trở lại quê hương để làm gì?!

Kính thưa bà Thụy Khuê,

Tôi xin mạn phép được viết những dòng này, sau khi đọc xong bài bút ký của bà nhan đề là: Quê hương ngày trở lại (kỳ 3)

Tôi xin nói ngay rằng, đó không phải là một bài viết ca ngợi quê hương, như tôi lầm tưởng, mà chỉ để chửi và dạy khôn người dân Việt Nam (trong đó có tôi).

Những dòng đầu khiến cho ai đọc cũng phải choáng. Xin trích:

Trước khi về nước, tôi đã được đọc những bài báo mạng vô cùng khẩn cấp báo động việc người Tầu đang chiếm miền Nam, họ đã chiếm hết Nha Trang rồi, có một “phóng viên tại chỗ” chụp hình những cửa hàng trên bờ biển Nha Trang 100% là Tầu, y hệt như ở Hồng Kông hay Thượng Hải, vị “phóng viên” này còn cho biết, Nha Trang hiện đã cho tiêu tiền Trung Cộng. Ngoài những thông tin giật gân này lại còn có bài báo (vẫn trên mạng) mô tả chuyện người Hoa ăn thịt người, với chứng cớ đầy đủ: chụp hình mâm cỗ thịt người có món xào, món rán, món nấu ninh rựa mận, kèm bên cạnh là ảnh cô kiểu mẫu chân dài tóc mượt, mắt bồ câu, trước khi bị chặt làm cơm.(hết trích)

Là một nhà nghiên cứu và phê bình, tôi nghĩ bà không nên đọc những thứ vớ vẩn đó mới phải. Đàng này bà đọc, rồi dành cả mấy trăm chữ để chứng minh rằng người Tàu không ăn thịt người. Mà có ăn như trong Thủy Hử cũng chỉ là do tác giả Thi Nại Am hư cấu mà thôi. Và bà khuyên không nên tin các nhà văn, họ nói vậy mà không phải vậy.

Nhưng, theo chỗ tôi biết, dưới thời đại nhảy vọt của Trung Quốc, vì nạn báo cáo láo, cả mấy chục triệu người chết vì đói. Phải ăn cả thịt người. Nhiều đứa trẻ phải chết để cho người lớn sống. Không nỡ ăn thịt con, họ phải trao đổi con lẫn nhau để ăn.

Nạn đói năm Ất dậu, hai triệu người miền Bắc chết, trong đó có những xác người đã được ăn để người khác còn có cơ may mà sống sót.

Việc phải ăn thịt người trong những hoàn cảnh như thế, chỉ thương chứ không thấy ghét. Và, người Việt Nam nói chung và Nha Trang nói riêng cũng không ai ghét những người khốn khổ đó.

Nếu bà về thăm lại quê hương mà chỉ cốt để chứng minh cho ông bạn “trí thức nhớn” của bà ở bên Pháp, rằng Tầu không chiếm Việt Nam, không có chuyện xẻ thịt một cô gái mắt bồ câu ra làm bảy món và vân vân, thì thưa bà thật uổng công và mất tiền một cách không đáng có.

Bà lại còn khen nhờ người Tầu mà bây giờ Nha Trang tiến bộ và sang hơn cả Tây.Xin trích:

Ngoài cát trắng, miền Trung còn dẫy Trường Sơn chạy dọc bờ biển, tạo những vũng, những khe, những cồn cát, những mỏm đá… phong cảnh tuyệt vời, trùng trùng điệp điệp, như thể trời đất ban cho vùng quê nghèo đất cầy lên sỏi đá đầy bão táp lụt lội này một nguồn lợi thứ hai để sinh sống. Và dường như người mình hiện nay đã nắm bắt được nguồn lợi thiên nhiên đó: Những khách sạn và những resort mọc lên như nấm. (hết trích)

Rất nhiều người đi xa về cứ chê Việt Nam này nọ. Riêng bà thì ngợi khen ngất trời. Xin trích: những cô gái không phải nhúng chân xuống ruộng bùn đầy đỉa, cấy lúa dưới nắng mưa, cũng không phải chạy sang Hồng Kong Ma Cao để kiếm chồng. Họ làm việc trong phòng lạnh của các khách sạn đắt tiền, thường thường mỗi em làm hai job, ở hai khách sạn khác nhau lương đủ sống (hết trích)

Nhưng thưa bà, thử hỏi cả Nha Trang được bao cô gái như thế? Còn những cô khác phải ngồi tước bẹ chuối, phơi lục bình làm ghế, còm cõi dưới nắng mưa bụi mù trong các phiên chợ quê, giỏi lắm kiếm chưa tới 100 bạc. Và những chàng trai làm gì? Xếp chõng bố, căng dù, rửa bát…dù đang là sinh viên cũng chỉ để kiếm 100 bạc mỗi xuất 8 tiếng.

Ngành du lịch có tổ chức như các nước tiên tiến thì may ra mới có thể gọi là công nghiệp không khói. Chứ làm ăn chụp giựt, ba hồi thế này ba hồi thế khác, như du lịch Việt Nam thì hãy còn lâu mới đổi đời.

Nhưng cái điều bà đau đáu nhất, ngay cả khi đặt chân xuống đất Pháp rồi, tức là đã về đến nhà, ấy là bà không hiểu tại sao dân Việt Nam lại căm thù Tàu đến như vậy.

Tôi thật không hiểu từ đâu phát xuất sự căm thù người Tầu hiện nay. Nói rằng từ vụ Hoàng Sa, Trường Sa ư? Chắc không hẳn thế. Tôi có người bạn quen biết đã hơn bốn mươi năm, anh vẫn thường chuyển cho tôi những thông tin giật gân, kiểu miền Nam đã bị Tầu xâm chiếm, trong nước bây giờ họ bán gạo plastique, Tầu đã chiếm xong Nha Trang, về nước ăn xoài thấy ngọt, hoá ra bên trong hột bằng plastique, đừng có dùng nước mắm Phú Quốc, làm toàn cá thối Formosa, phải ăn nước mắm Thái Lan; chớ ăn bún, bánh tráng của Việt Nam bây giờ làm bằng plastique…

Khi cao trào chống Tầu lên đến cực điểm, ở trong nước có người đưa ra ý kiến bất hủ: vì tổ quốc, kêu gọi bỏ học chữ Hán. (hết trích)

Những chuyện tầm phào đó người Nha Trang chúng tôi chỉ cười  thôi, thưa bà. Ai lại đi tin để rồi thắc mắc, rằng sao lại phải căm thù này nọ.

Bà còn đặt giả thiết là tại Tầu chiếm Hoàng Sa, rồi bà lý giải. Xin trích:

… Dĩ nhiên ta không quên việc người Tầu chiếm Hoàng Sa, nhưng một vùng có dầu hoả thì làm sao cản được lòng tham của con người? Côn Đảo chỉ có vị trí chiến lược và hải sản quý mà còn bị Anh chiếm.

Đây là những luận điểm hết sức ấu trĩ, ngớ ngẩn, nếu không muốn nói cho chính xác là phản động.

Bà bảo, vì Hoàng Sa một vùng có dầu hỏa thì làm sao cản được lòng tham của con người. Đồng ý là không cản được, nhưng đâu có phải cứ có sức mạnh cọng với lòng tham là muốn chiếm bất cứ vùng nào có dầu hỏa (và tài nguyên khác) là chiếm được sao? Đâu phải là thời của đế quốc Anh thế kỷ thứ 17.

Thế thì, biển Đông là của Tầu rồi cần gì phải thưa kiện ra tòa án quốc tế!

Và bà dạy khôn:

. Hiện nay, ta không có phương tiện làm một cuộc chiến với Tầu, vậy phải tìm cách khác, tức là khai thác khả năng tiêu dùng của những du khách rủng rỉnh đến từ lục điạ Trung Hoa. Người Pháp đã làm và dường như Nha Trang cũng đang nhìn thấy khiá cạnh ấy, ta nên khuyến khích hơn là đạp đổ, tẩy chay. (hết trích).

Nha Trang không đạp đổ, tẩy chay người Tầu, thưa bà. Từ xưa đã có người Minh hương, có trường học Tàu lên đến cả bậc Trung học (tên Khải Minh). Có các hội quán thường gọi là chùa Tàu của người Hải Nam, Triều Châu, Quảng Đông.

Tuy không được tổ chức bài bản nhưng ở Nha Trang vẫn được coi là nơi khách du lịch Tây và Ta ưa thích nhất. Vì biển Nha Trang sạch đẹp, vì chợ Đầm nhiều hàng hải sản, vì người Nha Trang hiền hòa, ăn nói dịu dàng, dễ nghe.

Nha Trang đâu có căm thù Tầu mà bà phải bận tâm thắc mắc. Nha Trang chỉ ghét Tầu cộng thôi. Từ khi Tập Cận Bình lên ngôi hoàng đế, đâu chỉ có Nha Trang, mà cả thế giới đều ghét (ngay cả Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan).

Vì sao ư? Vì cái mộng bành trướng, mộng bá chủ thế giới. Mà bước thứ nhất là chiếm hoặc kéo Việt Nam vào vòng đai sắt của Tầu. Như Tân Cương, Như Tây Tạng.

Cái mộng đó được Tập ngày đêm nhồi nhét vào đầu óc của cả hơn một tỷ dân, khiến cho họ cứ tưởng mình giàu nhất, sang nhất, mạnh nhất thiên hạ, muốn gì được nấy. Muốn có Hoàng Sa là có ngay. Muốn có Gạc Ma là đưa tàu chiến vào bắn bùm bùm trong khi lính công binh Việt Nam tay không có súng. Rồi đưa giàn khoan khổng lồ vào vùng đặc quyền. Rồi dòm ngó Vân Đồn, Văn Phong, Phú Quốc.

Hoàng đế Tập còn tham hơn cả Mao Trạch Đông, tàn bạo hơn cả Tần thỉ hoàng, thì người Việt Nam dù có yêu Lý Bạch, Đỗ Phủ tới đâu, cũng biến yêu thành ghét được, chớ sao không?

Bà đâu biết cái đám du khách rủng rỉnh tiền mà bà bày kế định moi, thực ra họ khôn bỏ mẹ. Họ mua “tua” từ các hãng của Tầu, đi xe Tầu, mọi chi phí trên đường hãng Tầu lo. Đến Việt Nam , hoặc vào khách sạn của các đại gia (tư bản đỏ) hoặc của người Tầu ẩn danh. Chỉ có ăn, tắm, chơi (không nói tới gái), nếu không cà phê, hoặc nhậu thì chẳng tốn thêm đồng nào. Nghĩa là không rơi rớt một đồng chinh nào cả.

Vậy mà, bà nào ông nào cũng như thái thú Tô Định hay Tôn Sĩ Nghị, coi dân bản xứ như cỏ rác, mặt lúc nào cũng vênh vênh, bụng thì núng nính như thùng nước lèo, chỉ khác thời Mỹ là không ôm eo ếch một em nào không chịu xuống ruộng mà chỉ muốn nằm ké giường nệm có máy lạnh mà thôi.

Thế thì thương sao được, đành phải ghét vậy thôi.

Khi bà đặt tiêu đề “quê hương ngày trở lại”, tôi nghĩ hai chữ “quê hương” đối với bà và nhiều bà con Việt kiều khác trên khắp thế giới đều rất thân thương, rất thiêng liêng. Vì vậy bà đã lặn lội lên tận Diên Khánh để chụp hình chứng minh cho người Pháp biết thành do vua Việt Nam xây chứ không phải Pháp xây theo kiểu Vaubal.

Nói đến tài liệu, thì bà là nhất.

Nhưng nói tới tình cảm, nhất là tình yêu quê hương thì, xin nói thực, bà hãy còn “hô khẩu hiệu” lắm.

Là người cho dù không sinh trưởng ở Nha Trang, nhưng là nhà nghiên cứu, lại là nhà văn, bà phải biết ít nhiều về một vài di tich ở Nha Trang chứ.

Như lầu ông Tư, tức nhà riêng của bác sĩ Yersin ở xóm Cồn, vừa là nhà bác học vừa là ân nhân của dân nghèo Nha Trang. Bà có biết khi ông chết dân Nha trang đã để tang ông như tang cha? Sao bà không thắc mắc cái lầu ấy nằm ở đâu, giờ có còn không?

Hay cầu sông Cạn, gần Thành, là nơi nhà chí sĩ Trần Quý Cáp bị triều đình Huế vâng lệnh Pháp chém ngang lưng. Khi lên Diên Khánh sao bà không dừng lại chụp một tấm hình?

Hay con đường ven biển  đẹp nhất Nha Trang, giờ đổi tên Trần Phú. Bà có biết trước 75 con đường ấy mang tên một ông vua trẻ yêu nước bị Pháp bắt đi đày. Bà có biết đó là vua Duy Tân và có thắc mắc ông có bị tội gì với đảng cộng sản không mà bị lấy mất tên?

Là một người yêu nước, xa quê hương trở về, sao bà không thắc mắc những điều đó, mà lại đi thắc mắc sao người Việt lại căm thù Tầu trong khi họ rủng rỉnh tiền bạc, sao không moi tiền họ để làm giàu mà đạp đổ tẩy chay?

Những người xa quê hương không nhiều thì ít, ai cũng thắc mắc này nọ. Bà thắc mắc cũng phải thôi. Chỉ tiếc là hơi trật bản lề.

Thắc mắc tại sao lại thù Tầu, có lẽ để cho những người như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống thì đúng hơn.

Mong bà bớt đọc những gì quàng xiên trên mạng và cẩn thận hơn khi nói về cái mà bà gọi là căm thù Tầu của người Việt Nam .

Xin trân trọng chào bà

 

19/5/2019

KHUẤT ĐẨU

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search