T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lê Hữu: Những “con suối mùa xuân” trong truyện Võ Hồng

 

Cuộc đời thường không tốt quá,

cũng không xấu quá như ta tưởng.

~ Võ Hồng

 

“Cứ vào tối ba mươi Tết mỗi năm là tôi đón đợi nghe bài thơ được phổ nhạc của anh. Có một cái gì dịu dàng trong đó. Có không khí của mùa xuân trong đó, mùa xuân trong lòng người xưng em.  ‘Anh cho em mùa xuân’.  Tôi liên tưởng đến bài Sonnet của Arvers.  Nhất định là nó sẽ sống như Sonnet d’Arvers, như Valses của Johann Strauss…”

Những dòng trên được trích trong thư của nhà văn Võ Hồng (ngày 8/7/1971) gửi nhà thơ Kim Tuấn, in trên trang bìa sau một thi tập của nhà thơ, “Thời của trái tim hồng”.

Tôi chắc Võ Hồng hẳn có tâm hồn thơ lắm khi viết những dòng ấy. Ông không nói đón đợi để nghe bài nhạc phổ thơ mà nói để “nghe bài thơ được phổ nhạc”. Ông yêu bài thơ ấy và yêu không khí mùa xuân dịu dàng trong bài thơ, cũng tựa không khí Tết và ngày xuân trong  những truyện ngắn của ông như “Xuất hành năm mới”, “Mùa xuân nghe tiếng chim”, “Ngày xuân êm đềm”, “Cánh thiệp đầu xuân”…

Trong số những “truyện mùa xuân” ấy, có một truyện mà ngoài cái tựa ra đố tìm thấy một chữ “xuân” nào trong suốt câu chuyện, và là một trong những truyện mang dấu ấn đậm nét nhất của “truyện ngắn Võ Hồng”. Tên truyện là “Con suối mùa xuân”.

Lolita và “Con suối mùa xuân”

Dấu ấn ấy hiện rõ từ những dòng đầu tiên của truyện, một câu chuyện tình.

Chúng tôi bắt đầu yêu nhau một cách tình cờ.  Hôm đó nàng bế đứa cháu nhỏ con của người anh, đứng trước cổng.  Thấy tôi, nàng hỏi:

– Anh Tịnh này, anh xem có dễ thương không?

Tôi nhìn nàng, nhìn đứa cháu. Nàng mặc chiếc áo dài mới màu xanh thêu hoa. Có đánh tí hồng nơi má. Nên tôi hỏi lại:

– Cô định hỏi ai dễ thương?

Nàng đỏ mặt không nói. Tôi yêu nàng lúc đó.

“Tôi yêu nàng lúc đó”, câu dẫn truyện thật gọn gàng, thật tự nhiên như chiếc chìa khóa xoay nhẹ một cái, mở rộng cánh cửa bước vào không gian truyện.

Tịnh, tên nhân vật chính xưng “tôi” trong truyện, là nhân viên một sở kế toán. Chàng đã yêu và được yêu. Chàng yêu bằng “trái tim thật thà” của một kế toán viên chân chỉ, cần mẫn. Thật như đếm. Thật thà thì dễ thua thiệt, “thật thà chịu nhiều xót xa” như lời một bài hát “không tên” nào. Kết quả là anh chàng bị tình phụ. Mỹ Khuê, người yêu của Tịnh, lặng lẽ chia tay chàng để đi theo tiếng gọi của biển cả, nói đúng hơn, tiếng gọi của một sĩ quan hải quân bảnh trai, văn minh, lịch sự hơn chàng.

Ngày nào nàng nói “Em yêu anh” khi đỏ mặt đứng bế cháu, hôm nay nàng nói “Giã từ anh” khi tôi đến thăm mà chỉ có Me ra tiếp. Me nói:

– Con Khuê nó vừa xuống nhà bạn nó ở dưới… Sinh Trung.

Me phải chọn hơi lâu tên một địa điểm.

Lần sau đến thăm thì chị Sâm ra tiếp:

– Con Khuê nó vừa đi phố gội đầu.

Đàn bà có nhiều lý do để đi phố, mà lịch sự nhất là đi gội đầu… Chợt, sau nhà có tiếng nói to của Annie (cô em kế của Mỹ Khuê):

– Chị Khuê ơi, cái dĩa hát “Catch a Falling Star” của anh Phan cho chị mượn hôm trước chị đã trả chưa? Em tìm không thấy.

Có mấy tiếng “Suỵt!” khe khẽ… Tôi nhìn đồng hồ rồi cáo từ chị Sâm.

Những tiếng “Suỵt, suỵt…” khe khẽ ấy lại là tiếng nói mạnh mẽ nhất bày tỏ sự dứt khoát và lạnh lùng quay lưng với tình yêu.

Thế là tôi đã mất Mỹ Khuê.  Thật dễ dàng như khi tôi được nàng. Tình yêu đến và đi không có báo trước, không giống như những chuyến máy bay chở hành khách có ghi rõ nhật kỳ, ghi giờ hạ cánh và cất cánh. 

Tịnh đã có lúc tự ví mình như anh chàng Quách Tĩnh xấu trai, chậm chạp, tính tình đôn hậu bên cạnh cô nàng Hoàng Dung xinh đẹp, nhanh nhẹn và thông minh trong tiểu thuyết kiếm hiệp Anh Hùng Xạ Điêu của Kim Dung. Đôi trai tài gái sắc kết hợp và bổ sung cho nhau như một “cặp đôi hoàn hảo”. Tiếc một điều là Hoàng Dung ngoài đời của chàng lại không được thủy chung như là trong truyện nên chàng Quách “Tịnh” đành lầm lũi đếm bước độc hành trên bước đường hành hiệp giang hồ.

Sau đó là những ngày buồn bã, nhớ nhung một tình yêu đã vuột mất:

Tôi tha thiết nhớ Mỹ Khuê trong những ngày mưa và nhất là những đêm thức giấc cô đơn nghe mưa rơi ngoài trời. Nhưng Mỹ Khuê, nàng có một quả tim bằng cẩm thạch. Là đối với tôi, chứ còn về phía Phan thì tôi chắc nàng đang mơ màng một ngày nào làm nội tướng ông Tư Lệnh đập vỡ chai rượu vào sườn tàu để làm lễ hạ thủy một chiếc tàu mới.  Mỹ Khuê có nhiều tham vọng. Thích được đăng ảnh trên báo và trả lời những câu phỏng vấn. Vĩnh biệt Mỹ Khuê!

Không dễ gì “vĩnh biệt tình em” khi mà trái tim chàng vẫn còn vấn vương tơ tưởng đến người tình phụ phàng và đầu óc chàng vẫn còn nhiều… tưởng tượng:

Mỹ Khuê bao giờ cũng bắt tôi đợi năm phút trước khi nàng từ phòng riêng bước ra. Màu da trắng mát và đôi mắt đầy đặn nhờ một giấc ngủ trưa yên tĩnh. Mùi nước hoa thơm ngọt khiến trông nàng ngon như một cái bánh… Giờ này thì chắc chắn là Phan đang ngồi vào cái ghế của tôi và Mỹ Khuê lại cứ ngon như một cái bánh.  Hoặc:

Hiện giờ Mỹ Khuê đang tiếp Phan ở phòng khách, cửa kính hạ xuống để che gió, âm nhạc rơi từng giọt nhẹ từ chiếc Hi Fi đặt ở góc phòng… Hai người đang thủ thỉ cho nhau nghe những chuyện êm đềm, trong khi tôi ngồi độc thoại ở bãi biển màu xám này.

Gã đàn ông thất tình một mình lò dò ra bờ biển vắng để tâm sự với biển, người bạn dễ tính và cũng lặng lẽ, cô đơn như mình. Điều bất ngờ, chàng “đụng” phải người quen là cô em gái của người yêu đã chia tay.

Tiếng chân đến sát gần. Một người ngồi xuống chụp vào vai tôi.

– Anh ngồi làm gì ở đây?

Tôi giật mình quay lại.

– Annie!

Annie mỉm cười ngồi sà lại gần tôi.

– Em đến đây làm gì vào giờ này? Biển vắng và trời sắp tối…

Annie mặc váy ngắn, áo len dài tay màu đỏ, giày escarpin trắng.

– Em biết anh thất tình phải không?

Tóc Annie bay phất phơ theo gió tạt vào mặt tôi. Mùi nước hoa ngọt ngọt–À, mùi hoa violet, tôi sực nhớ ra rồi–tỏa từ mái tóc, từ áo len.  Đôi mắt sáng. Cái mũi hếch lên một chút.

Cuối truyện là mẩu đối thoại giữa anh chàng bị tình phụ và cô bé tuổi mộng mơ. Đây có lẽ là đoạn văn ở lại lâu nhất trong lòng người đọc:

– Anh đã đọc Lolita chưa?

– Rồi.

– Anh có thích truyện đó không?

Tôi gật đầu.

– Anh kể cho em nghe truyện Lolita đi.

– Dài quá. Vả lại truyện không đứng đắn.

– Kệ nó. Truyện bắt đầu như thế nào?

Tôi gãi cằm, ngần ngừ một lát:

– Bắt đầu thì thật hay. Như là tiếng kêu thổn thức của một tâm sự: “Lolita, ánh sáng của đời tôi, lửa của…” Chà chà, khó nói quá: “feu de mes reins…”

– Em hiểu rồi, anh khỏi cần phải dịch. Anh nói tiếp đi.

– “Tội lỗi của tôi, linh hồn của tôi. Lolita: đầu lưỡi nhảy ba cái chạm nhẹ vào vòm khẩu cái, chạm ba lần vào răng. Lo. Li. Ta.”…

– Tình yêu giữa Lolita và Humbert anh có cho là tội lỗi không?

Tôi ngạc nhiên quay nhìn thẳng Annie.

– Sao em biết tên Humbert?

Annie cười:

– Vì em đã đọc hết quyển Lolita rồi.

– Đó không phải là quyển truyện dành cho em.

Photo courtesy of Võ Thị Diệu Hằng

Cái lối rẽ của câu chuyện là đây. Truyện cần được kết thúc cách nào đó để còn đọng lại chút gì trong lòng người. Nếu cứ để cho người đàn ông tiếp tục đi lang thang trên bờ biển vắng, gọi tên người yêu lẫn trong tiếng sóng, hoặc tạt vào quán bar nào đó nốc rượu tì tì cho đến lúc quên đường về… thì e người đọc khó mà nhớ được cái tên truyện.

– Em muốn hỏi anh điều này nhé?

– Gì?

– Humbert so với anh, ai lớn tuổi hơn?

– Cố nhiên là Humbert lớn tuổi hơn anh nhiều.

Annie gật gật đầu.

– Anh trẻ hơn Humbert… Còn em thì lớn hơn Lolita… Annie ngừng lại không nói tiếp. Tôi mở to mắt nhìn Annie, ngạc nhiên vì câu nói vừa rồi.

– Đó là truyện tiểu thuyết…,–tôi chậm rãi nói.

Đúng là tiểu thuyết. Thế nhưng cuộc đời lắm lúc cũng gay cấn ly kỳ đâu có thua gì tiểu thuyết.

Nhưng Annie không nghe tôi. Nàng đăm đăm nhìn ra chân trời xa. Sương đã xuống mù. Vài ánh đèn thuyền câu chói sáng… Tôi lay vai Annie:

– Annie về đi. Tối rồi. Me và chị Mỹ Khuê đang đợi ở nhà.

Annie vẫn bám hai tay vào vai tôi, lắc đầu:

– Anh có khinh Lolita không?

– Anh chưa nghĩ đến điều đó…

Annie chợt cười rồi bẹo má tôi:

– Trông bộ anh ngớ ngẩn, đúng là anh chàng thất tình. Sao ngày xưa anh vui vẻ nhanh nhẹn thế?

À, đố anh biết tại sao em gặp anh ở đây?

Tôi lắc đầu:

– Chịu.

– Em lại đằng nhà tìm anh… Em biết thế nào anh cũng lò mò ra biển. Thất tình mà.

– Thầy bói đoán giỏi. Em lại tìm anh có việc gì?

– Để giã từ anh ngày mai đi Đà Lạt. Em biết anh không xuống nhà nữa, từ ngày anh thôi với chị Khuê. Tình yêu là thế đó. Anh có giận lây em không?

– Không.

– Vậy thì bắt tay em đi.

Tôi siết chặt tay Annie. Bàn tay mềm và ấm. Annie giữ tay tôi lại và không bỏ ra. Ngón tay trỏ và ngón tay giữa của nàng vuốt nhẹ trên lưng bàn tay tôi, gây một cảm giác êm êm rợn rợn.

Sau “cảm giác êm êm rợn rợn” ấy là… chia tay, tất nhiên.

Nàng bỏ tay tôi ra rồi bấu vào vai tôi đứng dậy. Tôi đứng dậy theo.

– Anh không chúc em điều gì sao?

– Có chứ,tôi vội nói. Chúc em đi đường bình an, học giỏi.

– Cám ơn anh. Còn em chúc anh sức khỏe, vui vẻ. Nhé? Mon péché,… mon âme.

Nàng nói xong, thoăn thoắt đi. Ánh đèn đường chiếu nghiêng xuống mái tóc tỏa sáng. Váy ngắn. Áo len dài tay màu đỏ. Nàng bước lên một chiếc xích lô đậu gần đó, quay lại giơ tay vẫy tôi. Tôi cũng giơ tay vẫy theo. Chiếc xe vun vút chạy, mất hút sau dãy phi lao thấp.

Hai tiếng cuối cùng Annie nói cho ai? “Tội lỗi của tôi. Linh hồn của tôi”. Thật khó mà phân biệt nàng muốn ám chỉ tôi hay chỉ nhắc lại lời của Humbert.  Tôi đứng lặng, ngẩn ngơ, ngờ vực, thậm chí không tin rằng điều vừa xảy ra là có thật. Tôi đưa bàn tay lên mũi: rõ ràng là mùi nước hoa violet từ bàn tay Annie chuyển sang.

Mùi nước hoa có thật. Mẩu đối thoại là có thật. Thế nhưng câu nói ấy, “Mon péché, mon âme” lại như cái dấu ba chấm lửng lơ (…). Như câu chuyện kết thúc lửng lơ.

Cô bé tuổi dậy thì trò chuyện tự nhiên với người đàn ông từng là người yêu của chị mình trong cuộc gặp không có hẹn hò, sắp đặt gì trước. Phần đối đáp qua lại giữa hai nhân vật đầy kịch tính như trong một màn kịch nói. Câu nói kết thúc phần đối thoại cũng là kết thúc vở kịch trong lúc màn từ từ hạ.

Sau cùng chỉ còn lại mình chàng trên bờ biển vắng. Đêm xuống dần. Không còn Mỹ Khuê, không còn Phan, không còn Annie…, không còn ai nữa. Tất cả đều bỏ đi, tất cả đều tan biến, như từng lớp sóng xóa nhòa những dấu chân trên cát. Chỉ còn lại một không gian tĩnh lặng, một tâm hồn trống vắng, chơ vơ.

Câu chuyện tình mở đầu thật tình cờ và kết thúc cũng bất ngờ như thế.

Annie! Nàng đột nhiên hiện đến chiều nay nhí nhảnh, bất ngờ như một dòng suối nhỏ hát róc rách giữa một vùng hoa lá, nhưng cũng đủ làm xáo trộn hồn tôi.  Rồi thoáng chốc nàng vụt bỏ đi, để tôi trầm ngâm đứng giữa bãi bể vắng này như con suối đã bỏ xa một vũng nước sâu nằm lặng yên trên bờ lau sậy, mang nặng trong lòng nó những lớp lá úa và những dải rong rối ren chằng chịt.

Hóa ra “con suối mùa xuân” là đây. Annie, cô bé hiện thân của Lolita ấy đã cứu rỗi linh hồn u ám của nhân vật chính trong truyện. Thật khó mà ngờ câu chuyện lại rẽ sang hướng ấy, chuyển từ cái buồn bã nặng nề sang cái bâng khuâng nhẹ nhàng, làm dịu tâm hồn người đọc.

Võ Hồng là vậy. Ông không chịu để nhân vật của mình phải chết chìm trong khổ đau, tuyệt vọng hay đầu hàng số phận mà luôn đi tới, vươn lên để tìm kiếm những đổi thay và ý nghĩa cho cuộc sống. Trong bất kỳ cảnh ngộ nào, sau những mất mát, thua thiệt người ta vẫn có thể vớt vát được chút an ủi và hạnh phúc nhỏ nhoi. Những nỗi thất vọng, những điều bất như ý không làm người ta mất niềm tin vào cuộc sống mà vẫn thấy lòng thanh thản, nhẹ nhàng và bằng lòng đón nhận, vì đấy là cuộc sống.

Truyện ưng ý nhất của một nhà văn

“Con suối mùa xuân” đăng lần đầu trong tạp chí Văn  Xuân Ất Tỵ (số 26 & 27, ngày 15/1/1965), được in lại trong tập truyện cùng tên, Nxb Lá Bối (1966), không hẳn là truyện ngắn hay nhất của Võ Hồng, mặc dù ông từng nói đấy là một trong những truyện ông ưng ý nhất. Những người từng đọc ông có thể “tự chọn” cho mình truyện nào mình thích nhất, thường là những truyện đọng lại lâu dài trong ký ức người đọc.

Võ Hồng viết nhiều thể loại: truyện dài, truyện vừa, truyện ngắn, tự truyện, hồi ký, tùy bút và cả thơ nữa, trong số ấy truyện ngắn vẫn là thể loại được độc giả yêu chuộng hơn cả. Người đọc dễ nhận ra giọng văn bình dị, tự nhiên với óc quan sát thật tinh tế, với lối ví von và liên tưởng giàu hình ảnh pha chút hóm hỉnh nhẹ nhàng. Văn ông có khí hậu riêng, trong sáng, tươi vui như dòng suối mát, bên cạnh những nét thơ mộng, lãng mạn trong những câu chuyện tình vẫn ẩn chứa nhiều ý tưởng thâm thúy của một nhà văn từng trải.

Văn chương Võ Hồng là sự thách thức những lối hành văn bóng bẩy, cầu kỳ kiểu cọ theo trào lưu thời thượng, chuộng hình thức mà ý tưởng nghèo nàn tựa cách trình diễn của những cô ca sĩ chất giọng xoàng xoàng, chỉ chú trọng vào trang phục màu mè và điệu bộ nhún nhảy cốt làm vui mắt khán giả. Dấu ấn Võ Hồng thể hiện rõ nét trong nhiều truyện ngắn được người đọc yêu thích.

Những sôi nổi, háo hức trong tình yêu:

Tôi nuôi tình yêu không phải chỉ bằng đôi mắt nhìn và bằng vòng tay ôm. Tôi còn yêu bằng những sự tinh nghịch, dí dỏm… Tôi ưa sự đột ngột, bất ngờ. Như một con suối nhỏ chảy len giữa khe đá, trốn dưới một lùm cây rồi bất ngờ chảy vọt ra, hát róc rách bên một chùm hoa dại. Có tình yêu, tâm hồn tôi nhanh nhẹn vui tươi như con suối tinh nghịch đó.  (“Con suối mùa xuân”)

Những diễn biến “tâm lý tình cảm”:

Dung Nghi đứng tựa bao lơn tàu nhìn xuống sóng nước. Mái tóc cắt ngắn vừa mới uốn để lộ một đoạn cổ trắng như mỡ đặc. Nét mặt nghiêm trang và kiêu kỳ. Cái nốt ruồi dưới khóe mắt. Ngày mai tôi sẽ xa Dung Nghi nhưng nàng đâu có biết. Tình yêu của tôi vụng dại và âm thầm. Tôi không đẹp trai, không có tài đặc biệt và không giàu. Một hoa mai vàng gắn trên quân phục kaki không đủ sức mời mọc những cái nhìn và làm nở những nụ cười. Những người tôi có thể yêu dường như đều hướng cái nhìn về một nẻo khác… Giã từ Dung Nghi! Vài ba tháng sau nàng sẽ đi dự những cuộc du ngoạn khác như hôm nay, ra thăm Bãi Miếu, Bích Đầm, hòn Yến. Nàng đẹp và dáng nàng đứng tựa bao lơn tàu đẹp rực rỡ như trong một huyền thoại. Như một hành khách quí phái trongi chuyến viễn du trên những hàng hải thương thuyền hạng sang chạy đường Nữu Ước sang Luân Đôn…  (“Bọt trắng”)

“Những người tôi có thể yêu dường như đều hướng cái nhìn về một nẻo khác,” nhân vật của Võ Hồng thường ít gặp những may mắn trong tình trường, vì tầm thường, vì “không đẹp trai, không có tài đặc biệt và không giàu”, đành cam chịu những lỡ làng của “kẻ đến sau” hay bị “phỗng tay trên” vì tình địch bản lãnh hơn…

Ngày cưới Nguyệt, Long đáp tàu lửa rời bỏ thành phố. Anh tránh nghe tiếng pháo, tránh chứng kiến một cuộc rước dâu long trọng. Con tàu lùi lũi chạy và đôi đường sắt sau đuôi tàu như kéo dài theo mãi nỗi buồn không dứt của anh.  (“Người thứ ba”)

Tôi tập hạn chế hi vọng, lúc nào cũng chuẩn bị đón nhận những sự bất như ý thật lớn, chịu đựng những sự thiệt thòi quá mức để mong rằng sự thật không đến nỗi tồi tệ như vậy.  (“Tháng năm sương mù”)

Những dí dỏm, diễu cợt trước những hoạt cảnh của đời sống:

Ông Cự Quang hùn với một bà bạn mở snack-bar có ban nhạc sống do thằng em trai của Thanh Phương tên là Tony Út thành lập với lũ bạn chuyên môn trốn học của nó. Tôi đã có lần chạm trán với vị nhạc trưởng này, mặt mày ốm nhom, tóc để dài vừa uốn như tóc đàn bà. Nếu không nhìn ngay xuống cặp đùi tong teo dài ngoẵng và cái ngực mỏng như tấm bìa lịch thì tôi có thể tưởng lầm đó là một người đàn bà già và xấu… Tony Út chào tôi và khoe liền ban nhạc của hắn.
– Em vừa tuyển được một tay trống cừ lắm. Đêm qua bọn em mới trình diễn dưới câu lạc bộ Neptune.
– À, khá quá nhỉ,– tôi nói vẩn vơ.

– Em đổi tên ban nhạc lại rồi. “The Blinds”–những thằng mù–thầy nghe có được không?
– Được lắm. Chỉ sợ người ta tưởng lầm là ban nhạc của trường mù.
  (“Đôi ngả”)

Có khi là chút trầm tư, chút bâng khuâng triết lý trong tình yêu và cuộc sống:

Tôi cảm động ôm vai nàng nói:

– Bây giờ anh mới hiểu em, mới biết em, mới thưởng thức được em.  (“Khoảng trống sau lưng”)

Phụ nữ như một bông hoa mà không phải người đàn ông nào cũng biết thưởng thức. Hoặc:

Hạnh phúc ở đời, theo em nghĩ, như là cảm giác của người đi giày. Một đôi giày làm mình dễ chịu khi mang nó vào chân rồi mà mình không nghĩ rằng mình đang mang giày.  (“Khoảng trống sau lưng”)

Không có một cuộc đời hạnh phúc, chỉ có những ngày, những giờ hạnh phúc.  (“Trầm tư”)

Đừng ân hận vì đã yêu, yêu một bài thơ, một loài hoa, một người đàn bà… Cho dẫu hôm nay anh đã đổi thay, thì chúng cũng đã làm êm đềm tâm hồn anh trong thời gian anh yêu.  (“Trầm tư”)

Tủ sách thật huyền diệu. Những gì loài người thấy và biết đều bị xếp nằm im lặng trong đó. (“Trầm tư”)

Thử đọc lại một, hai đoạn văn rất “Võ Hồng”: chuyện một nạn nhân bị chó cắn đang nổi quạu với người chủ con chó dữ bất ngờ đổi giọng thành… hòa nhã, lịch sự khi bắt gặp ánh mắt dịu dàng của cô con gái xinh đẹp của chủ nhà.

Tôi nói một hơi thì cơn giận nổi lên. Ông Sử Cẩm Hưng coi tôi như một ông Xã nhà quê nên đem việc thử máu ra để trấn an tôi. Máu nóng hừng hực ở mũi, ở tròng con mắt, tôi không giữ được nữa:

– Thú y chỉ giữ con chó lại để xem xét trạng thái bên ngoài của nó mà thôi. Chẳng hạn nó bỏ ăn, chẳng hạn nó bị bại. Khám xét nó chỉ có bên Viện Pasteur. Phải chặt đầu nó, chặt đầu nó, ông rõ chưa, phải chặt đầu nó, phải…

Chợt có một bàn tay nhỏ, trắng, gạt nhẹ bàn tay tôi ra và nặn máu hộ tôi. Khuôn mặt cúi xuống, tôi thấy đôi hàng mày dài, cánh mũi và hàng mi cong. Những ngón tay trắng hồng nặn nhè nhẹ lên vết thương của tôi. Tôi ngừng nói nhìn xuống. Đôi mắt đen ngước nhìn lên tôi dịu dàng. Tôi hạ giọng:

– Nhưng xin ông an tâm. Tôi sẽ đi chích ngừa. Chả sao đâu.  (“Lương mai”)

Hoặc câu chuyện về cô nữ sinh là tiểu thư con nhà giàu, có “cảm tình đặc biệt” với thầy giáo của mình, quá vui mừng vì vừa thoát nạn sau chuyến du hành nhiều bất trắc, bất ngờ xô cửa nhảy xổ vào ôm chầm lấy ông thầy–y hệt một scene táo bạo trong phim Lolita–trong lúc người thầy hết sức bối rối, vừa cố gỡ những ngón tay bám chặt của cô học trò vừa len lén đưa mắt nhìn ra “chiếc Hillman màu vàng nhạt đậu ngay trước cổng”, chỉ sợ người tài xế của cô chủ bắt gặp. Thế nhưng chỉ thấy một dáng đàn ông ngồi bất động trước tay lái, mắt nhìn thẳng về phía trước, hai tay đặt trên vô-lăng, “ngồi một mình mà vẫn ngồi thật ngay thẳng y như trước mặt có một ông Tổng Trưởng”.  (“Giọt sương long lanh”)

Trong số những truyện ngắn Võ Hồng, truyện nào được tác giả ưng ý nhất, câu hỏi nhiều người muốn biết. Tôi nhớ ông từng nhắc đến những tên truyện “Trầm mặc cây rừng”, “Nhẹ hơn cơn gió thoảng”, “Con suối mùa xuân”…

Tôi cũng nhớ, có lần để đi tìm câu trả lời này, tôi tìm đến một tuyển tập khá dày dặn tập hợp nhiều truyện ngắn của gần năm mươi tác giả, được cho là những truyện ngắn hay nhất của hai mươi năm văn học miền Nam thời kỳ 1954-1973, trong đó mỗi tác giả bày tỏ “quan niệm về truyện ngắn” và cũng tự chọn ra truyện ngắn ưng ý nhất của mình. Điều bất ngờ là, không có tên… Võ Hồng trong số những tác giả ấy, trong lúc không ít tác giả trong tuyển tập này sở trường về các thể loại văn chương khác hơn là truyện ngắn.

Chàng Samurai cuối cùng

Những truyện ngắn nói trên đều là truyện trước năm 1975 của Võ Hồng, và là những truyện ít được nhắc tới sau cuộc “đổi đời”. Không ngạc nhiên, vì truyện vẽ ra những bức tranh sinh động trong bối cảnh một miền Nam “ấm no hạnh phúc” với đời sống yên bình, hiền hòa của người dân và một nền văn hóa, giáo dục đầy tính nhân bản. Một đất nước tươi đẹp, một bầu trời mênh mông tự do và những con người sống và yêu đất nước mình với một phong cách sống khác hẳn người dân miền Bắc. Đến cả những người lính cũng không thiếu nét hào hoa và nghệ sĩ tính.

Phan là sĩ quan Hải quân cùng đeo đuổi theo Mỹ Khuê như tôi. Có mấy lần chạm trán nhau tại nhà nàng. Phan đẹp trai, nhanh nhẹn, chân bước chuệnh choạng không thẳng. Ban đầu tôi tưởng là do thói quen đi đứng ở dưới tàu bị sóng đánh chao qua nghiêng lại. Sau vài lần nói chuyện tay ba thì tôi biết là tôi đã lầm một cách ngây thơ. Phan khiêu vũ giỏi và đang dạy Mỹ Khuê nhảy Twist nên lúc nào anh ta cũng như đi trong sóng nhạc.  (“Con suối mùa xuân”)

Áo kaki là thẳng nếp và khi đi ngang qua nghe mùi xà phòng Evening in Shanghai.  Hành quân tảo thanh mà trí óc phảng phất giọng ca Lệ Thanh, Connie Francis… (“Tháng năm sương mù”)

Kể từ sau năm 1975, miền Nam đã “không còn như trước nữa” và người ta cũng không còn đọc được những truyện ngắn như thế của Võ Hồng, cho dù ông là một trong số rất ít nhà văn miền Nam ở trong nước vẫn tiếp tục viết và vẫn được người đọc yêu chuộng. Có ít nhất ba thế hệ độc giả gắn bó với ông. Ngoài số độc giả cũ ở miền Nam từng đọc và từng yêu văn Võ Hồng, còn có thêm độc giả miền Bắc và số người đọc trưởng thành sau ngày chiến tranh kết thúc.

Những tác phẩm của Võ Hồng xuất bản trong nước vào thời kỳ này được ông cho biết hầu hết là những sáng tác từ trước năm 1975. Sau cái mốc thời gian này, những sáng tác của ông hầu hết xoay quanh các đề tài về văn hóa giáo dục, về tình cảm gia đình, về tình yêu quê hương. Ông cũng viết những truyện dành cho tuổi học trò và cả truyện loài vật nữa. Điều này có thể hiểu được, để một nhà văn tên tuổi của miền Nam như ông vẫn tiếp tục viết và vẫn có được một chỗ đứng vững vàng, một vị thế luôn được tôn trọng đúng mực.

Thế giới của “nhà văn, nhà giáo Võ Hồng” (người trong nước quen gọi ông bằng danh hiệu này) hầu như thu gọn trong căn gác đìu hiu của ngôi nhà số 53 đường Hồng Bàng, một con đường nhỏ yên tĩnh nằm gần bờ biển Nha Trang. Trong cái thế giới thu hẹp của ngôi nhà đóng kín ở thành phố ven biển ấy, ông sống lặng lẽ, khép kín, gần như tách biệt hẳn với dòng chảy lao xao của cuộc sống bên ngoài. Từ cuộc sống trầm lặng và “trong vùng rêu im lặng” (*) ấy, ông viết nên những truyện, những tùy bút “Một bông hồng cho cha”, “Lời sám hối của cha”, “Nghĩ về mẹ”, “Một ngày cho mẹ”, “Nhớ thầy cũ”, “Tay cầm viên phấn”, “Thương mái trường xưa”, “Nửa chữ cũng là thầy”, “Thơm ngát hương cau”, “Vùng trời thơ ấu”, “Tuổi thơ ngọt ngào”…

Võ Hồng, ông làm người đi gieo những hạt mầm nhân ái trên những trang sách ông. Ngày nào vẫn còn những cô cậu học trò nhỏ biết kính thầy yêu bạn, vẫn còn những đứa con ngoan biết thảo kính cha mẹ, vẫn còn những độc giả trẻ tìm đọc những truyện ngắn, những tùy bút đầy tính nhân bản của Võ Hồng thì con người vẫn còn chút niềm tin vào cuộc sống, như tên một tập truyện ngắn của ông, “Niềm tin chưa mất”.

Nhà văn Võ Hồng có cái nhìn thẳng thắn, thực tế và khá thoải mái về cuộc sống. Ông tìm kiếm những cái tốt, cái đẹp trong mỗi con người, mỗi sự việc để từ đó thấy cuộc sống ở quanh mình dễ chịu hơn. Ông sẵn sàng và dễ dàng thỏa hiệp với mọi nghịch cảnh, như ông đã quen sống, quen làm bạn với nỗi cô đơn thường trực và tìm vui trong cuộc sống đơn độc. Người đọc vẫn thú vị bắt gặp những nụ cười hóm hỉnh, nhẹ nhàng mà thâm thúy hệt như tính cách con người ông trong những trang sách Võ Hồng.

Trong những truyện ngắn của ông, có những hy vọng nhen nhúm, rồi tắt ngúm, rồi lại hy vọng, và người ta vẫn cứ sống, và cuộc sống vẫn cứ trôi đi từng ngày. Những nỗi buồn, những điều bất như ý trong cuộc sống rồi sẽ tan như bọt biển như những dấu chân trên cát sóng biển sẽ xóa nhòa, không để lại dấu vết gì.

Trong cái nhìn của Võ Hồng, không có con người nào xấu xa, tồi tệ hết mức, cũng không có con người nào hoàn hảo. Cuộc sống không hẳn lúc nào cũng tươi đẹp nhưng cũng không hẳn là bức tranh xấu xí, lem luốc. Trong những trái tim tưởng như chai cứng, vô cảm, trên những mảnh đất tưởng như cằn cỗi, khô cạn tình người, vẫn nở ra những bông hoa của lòng nhân ái. Đâu đó trong đời sống vẫn còn rải rác những tấm lòng.

Khi nhắc tên Võ Hồng, người đọc ngày trước thường nhắc tên những truyện ngắn của ông hơn các thể loại văn chương khác. Truyện dài của Võ Hồng ít gây được tiếng vang, hiểu theo nghĩa ít được người đọc tìm đến cho dù là những công trình dài hơi và tâm huyết, như các truyện “Hoa bươm bướm”, “Như cánh chim bay”… viết về thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945-1954. Lạ một điều, những truyện này lại được những người làm công tác văn hóa văn nghệ trong nước “đánh giá cao” với dụng ý chính trị rõ rệt, trong một cố gắng kéo nhà văn về phía mình như là “một nhà văn tiến bộ và dũng cảm, có những đóng góp đáng kể vào dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam”.

Trong lúc đề cao các tác phẩm ấy như một lối tuyên truyền vụng về, những cán bộ văn hóa này lại không nhắc gì đến những tác phẩm, những truyện ngắn tiêu biểu của Võ Hồng, trong đó không thiếu những trang phơi bày thực trạng của thảm cảnh chiến tranh trên quê hương tội tình:

Huế trong những ngày gần đây là tượng trưng cho những tàn phá ghê gớm, những chết chóc rùng rợn, những rên siết quằn quại. Bao nhiêu nét thơ mộng êm đềm và vàng son lộng lẫy tạo dựng qua hàng hai, ba thế kỷ cần cù, đã trong thoáng chốc, bị xóa nhòa để thay thế bằng những hình ảnh tang thương.  Đói. Lạnh… Hầm chôn người được khai quật lên, người sống sót đi rảo từ hầm này sang hầm khác tìm nhận tử thi của họ hàng. Máu. Thịt vữa. Mùi hôi thối. Thật khác xa với những hình ảnh mà tôi vẫn giữ về Huế. Những thiếu nữ thân hình mảnh dẻ tóc xõa trên vai, e thẹn giấu mặt dưới vành nón bài thơ. Những thiếu phụ bán đậu bán chè môi thoa son, má đánh phấn nụ, mặc áo dài vá quàng, hai vạt áo màu tím mà đôi vai đôi tay thay bằng vải phin trắng mỏng…  (“Đôi ngả”)

Một “thực trạng” khác, là “người thật việc thật” sau cuộc bể dâu năm 1975, cũng được nhà văn ghi lại như “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”: Hoạt cảnh thầy giáo già Võ Hồng được người học trò cũ ghé thăm. Cậu học trò bỏ trường bỏ lớp biền biệt đi theo kháng chiến, nay trở về có tí chức quyền trong “chính quyền cách mạng”. Đổi đời cũng làm… đổi thay cách xưng hô:

“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, vậy mà tôi gặp trường hợp có người học trò cũ xưng hô với tôi bằng “anh”. Tôi hoàn toàn không cảm thấy bị xúc phạm mà chỉ thấy thương hại cho anh ta. Rõ ràng là anh ta có tỏ ra lúng túng khi sắp phải chọn giữa hai tiếng “thầy” và “anh”. Tôi muốn vỗ vai thân mật an ủi: “Sao em khổ chi vậy?” Tiếng “thầy” có gì là cao giá đâu mà em phải đắn đo, cân nhắc? Xung quanh ta thiên hạ dùng tiếng “thầy” khỏe ru mà: thầy thuốc, thầy cúng, thầy võ, thầy phù thủy, thầy địa!…  (“Nửa chữ cũng là thầy”).

Trong lúc người thầy vẫn thần thái ung dung thì cậu học trò lại lấn ca lấn cấn, lúng ta lúng túng. Một mặt anh ta muốn “lên gân” với ông thầy, một mặt vẫn cứ “gờm” ông thầy cũ. Anh ta ghé thăm ông thầy chỉ để tỏ ra rằng anh ta đã khác xưa, đã “trên chân” ông thầy chứ không còn là học trò của ông nữa. Anh ta chẳng thèm nhớ gì những bài học về đạo lý làm người của ông thầy giáo quèn. Anh ta không dám thốt ra tiếng “Thầy”, sợ mất thể diện trước mặt các “đồng chí” và mất cả “khí thế cách mạng”.

Không rõ “nhà văn, nhà giáo” Võ Hồng còn phải đối đầu với bao nhiêu học trò trả hết chữ nghĩa cho thầy sau cuộc đổi đời đảo điên ấy.

Võ Hồng, ông là một trong số rất ít những mẫu người thầy giáo “classic” hiếm hoi còn sót lại của một thời nào “tôn sư trọng đạo” đã phai tàn. Ông như người lính già kiên cường, cố đem hết sức tàn ra chống chọi để mong vớt vát được chút gì. “Một bông hồng cho cha”, “Một ngày cho mẹ”, “Thương mái trường xưa”, “Thơm ngát hương cau”… và còn những gì gì nữa, để giữ cho những giấc mơ ngọt ngào không bao giờ tắt hẳn.

Võ Hồng, ông như chàng Samurai cuối cùng trên cái nền văn hóa cũ của miền Nam đã ngậm ngùi dứt áo ra đi, không biết có bao giờ trở lại.

Võ Hồng, trong bức ảnh chân dung nhà văn trên trang báo nào trong nước gần đây, ông như cội mai già trải bao mùa sương tuyết lạnh lùng, còn in đậm những “vết hằn năm tháng”. (*)

Đầu xuân, đọc lại những trang sách cũ của Võ Hồng, gập cuốn sách lại, thấy cuộc sống như dễ chịu hơn, nhẹ nhàng hơn, như bao muộn phiền được thả trôi theo dòng suối mát. Một nhà văn có cái “tâm” trong sáng và nhân hậu như ông, có lẽ cũng chỉ mong được ở người đọc đến như vậy.

Võ Hồng, văn chương ông là “khoảng mát” (*) của tàn cây rợp lá, là dòng nước mát của “con suối mùa xuân” (*), là chùm “hoa khế lưng đồi” (*) trong câu thơ nào của Phạm Công Thiện, một lần nào đến thăm ông, và trên đường về giữa cơn mưa chiều lất phất không hiểu nghĩ ngợi gì đã viết ra những câu thơ ấy.

Mưa chiều thứ Bảy tôi về muộn

Cây khế đồi cao trổ hết bông

 

Lê Hữu

(*) Tên một truyện ngắn của Võ Hồng

Ảnh internet

 

 **Chú Thích (của TV&BH): Lê Hữu hòan tất bài viết này trước khi nhà văn Võ Hồng qua đời ( 31.3.2013 tức 20 tháng 2, Quý Tỵ).

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search