T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NHẠC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT(88) – NHẠC PHIM – (Where Do I Begin?) Love Story, Francis Lai & Carl Sigman (Chuyện Tình)

Tiếp tục phần Nhạc Phim, bài này chúng tôi viết về ca khúc (Where Do I Begin?) Love Story, nguyên là nhạc khúc chủ đề trong phim Love Story (1970) của Francis Lai, được Carl Sigman đặt lời hát; trước năm 1975, ca khúc này đã được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Chuyện Tình.

Có thể viết trong một, hai năm đầu của thập niên 1970, Love Story đã trở thành một hiện tượng trong cả ba lĩnh vực văn học, điện ảnh và ca nhạc, đã làm rung động hàng triệu con tim, cách riêng giới trí thức trẻ, qua một đề tài xưa như trái đất: Tình Yêu.

Trước khi viết về ca khúc (Where Do I Begin?) Love Story, xin có đôi dòng về cuốn tiểu thuyết và cuốn phim Love Story.

Thông thường, sau khi một cuốn tiểu thuyết ra mắt độc giả và được đông đảo quần chúng yêu chuộng, người ta sẽ phóng tác hoặc chuyển thể cốt truyện thành kịch bản (film script) để thực hiện cuốn phim. Thí dụ: War and Peace (Chiến tranh và Hòa bình), Gone With the Wind (Cuốn theo chiều gió), Farewell to Arms (Giã từ vũ khí), Dr Zhivago, v.v… Tuy nhiên, riêng trong trường hợp của Love Story thì ngược lại, kịch bản của một cuốn phim đang thực hiện đã được chuyển thể thành một cuốn tiểu thuyết, không ngoài mục đích quảng cáo cho cuốn phim. Kết quả, “cuốn tiểu thuyết bất đắc dĩ” ấy lại trở thành một best seller!

Tác giả của Love Story là văn sĩ Mỹ Erich Segal (1937 – 2010). Một cách đầy đủ, phải gọi ông là một văn sĩ, nhà viết kịch bản, nhà giáo dục, học giả nghiên cứu văn minh, ngôn ngữ, văn học cổ La-Hy (Ancient Greek and Classical Latin).

Erich Segal (1937 – 2010)

 

Là con trai của một giáo sĩ Do-thái giáo, Erich Segal học trung học  tại Midwood High School ở Brooklyn, Nữu Ước; tốt nghiệp trường nghệ thuật Harvard College (Harvard University) về thơ và cổ ngữ La-tinh năm 1958, và lấy bằng Tiến sĩ Văn học Thế giới vào năm 1965.

Sau đó ông trở thành giáo sư văn học Hy-lạp và La-tinh tại các trường Đại học Harvard, Yale, và giáo sư thỉnh giảng tại Princeton University, Dartmouth College ở Hoa Kỳ, Oxford University, Anh quốc, University of Munich, Đức quốc.

Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về nền hài kịch thời La-mã, và tới năm 1967 bắt đầu viết kịch bản cho phim ảnh với việc chuyển thể cuốn truyện Yellow Submarine thành cuốn phim ca nhạc có cùng tựa của ban The Beatles.

Cuối thập niên 1960, Erich Segal viết kịch bản cho cuốn phim Love Story, rồi chuyển thể thành cuốn tiểu thuyết có cùng tựa, đạt thành công rực rỡ.

Từ đó, Erich Segal viết thêm nhiều cuốn tiểu thuyết và truyện phim  khác, trong số này có hai cuốn The Class (1985) và Doctors (1988) cũng lấy bối cảnh đại học, đã lọt vào danh sách best seller của tờ Nữu Ước Thời Báo. Nhưng riêng cuốn Oliver’s Story (1977), tức “hậu Love Story” thì lại thất bại.

Ngoài công việc giảng dạy và viết sách, Erich Segal còn được biết tới như một tay chạy việt dã nhà nghề, bắt đầu từ thời trung học, và về sau trở thành nhà bình luận chuyên nghiệp về môn thể thao này, từng bình luận trực tiếp tại các Thế vận hội 1972, 1976 cho hệ thống truyền hình ABC.

Rất tiếc, trong mấy chục năm cuối đời, Erich Segal đã phải chống trả với hội chứng Parkinson, và qua đời sau một cơn đau tim vào năm 72 tuổi.

* * *

Tới đây chúng tôi viết về cuốn phim, cuốn truyện, và nhạc khúc mang tựa đề Love Story.

Trong năm 1969, Erich Segal viết một kịch bản cho phim mang tựa đề Love Story và bán cho hãng phim Paramount Pictures. Vì nội dung là một chuyện tình đẹp, và bi thảm, diễn ra trong khuôn viên đại học, hãng Paramount đã đề nghị Erich Segal khai triển kịch bản này thành một cuốn tiểu thuyết để ra mắt độc giả trước khi cuốn phim được trình chiếu, với mục đích thu hút sự chú ý nơi thành phần trí thức trẻ.

Kết quả, cuốn tiểu thuyết có tựa đề Love Story ra mắt độc giả đúng vào Ngày Tình Nhân (Valentine’s Day) – 14 tháng 2 năm 1970, lúc đầu được đăng từng phần trên The Ladies’ Home Journal, tạp chí phụ nữ uy tín và đông độc giả nhất nước Mỹ, sau đó được nhà xuất bản Harper & Row phát hành tại Hoa Kỳ và nhà xuất bản Hoddern & Stoghton ấn hành tại Anh quốc.

Chỉ trong một sớm một chiều, cuốn tiểu thuyết mỏng chưa từng thấy (131 trang) đã trở thành một best seller, đứng trong danh sách này của Nữu Ước Thời Báo trong suốt 41 tuần lễ và lên tới No.1, trở thành cuốn tiểu thuyết hư cấu bán chạy nhất trong năm 1970.

Cũng trong năm 1970, Love Story đã được dịch sang 20 ngôn ngữ.

Nội dung Love Story là một chuyện tình lãng mạn pha lẫn khôi hài với một kết cục bi thảm.

Oliver Barrett IV, một sinh viên luật Đại học Harvard, người thừa kế của dòng họ Barrett danh giá và giàu có, gặp gỡ Jennifer Cavilleri tại thư viện của trường Radcliffe College, một đại học trực thuộc Harvard, dành riêng cho nữ sinh viên. Jenny (Jennifer) là một sinh viên ngành âm nhạc cổ điển, con gái của một người thợ làm bánh ở Rhode Island, còn Ollie (Oliver) đang chờ ngày đảm trách đế quốc kinh doanh của dòng họ Barrett.

Mặc dù xuất thân hoàn toàn khác biệt, Ollie và Jenny đã thu hút nhau trong lần đầu gặp gỡ.

Khi hai người tốt nghiệp đại học, Jenny cho biết nàng sẽ sang Paris để học hỏi thêm về nhạc cổ điển, và cũng để được sống ở Kinh thành Ánh sáng như nàng hằng mơ ước. Để giữ Jenny ở lại, Ollie đã ngỏ lời cầu hôn rồi đưa nàng về biệt thự của dòng họ ở Massachusetts để ra mắt cha mẹ, nhưng tới khi biết thân thế của Jenny, gia đình đã tỏ thái độ lạnh nhạt. Sau đó Ollie đã bị ông bố cảnh cáo: nếu nhất quyết lấy Jenny, mọi nguồn trợ cấp tài chánh cho chàng sẽ chấm dứt.

Nhưng Olie và Jenny vẫn kết hôn. Không có trợ cấp tài chính của gia đình, đôi vợ chồng trẻ đã phải vất vả kiếm sống để trang trải học phí cho Ollie học tiếp Cao học tại trường Luật Harvard. Jenny đi dạy trẻ tại một trường tư, hai vợ chồng thuê một phòng trọ trên tầng cao nhất của một ngôi nhà cũ kỹ gần trường Harvard.

Sau khi tốt nghiệp hạng 3, Ollie được thu nhận vào một công ty Luật danh tiếng tại thành phố Nữu Ước. Không còn phải bù đầu với sinh kế và học hành, Ollie và Jenny quyết định có con. Sau một thời gian cố gắng mà Jenny không thể có thai, họ tìm tới chuyên gia để xét nghiệm. Kết quả, bác sĩ đã cho Ollie biết Jenny bị bệnh hoại huyết (leukemia, bệnh bạch cầu) và không sống được bao lâu nữa.

Theo lời khuyên của bác sĩ, Ollie không cho Jenny biết về tình trạng của nàng và cố gắng sống bình thường như không hề có chuyện gì xảy ra. Nhưng Jenny có linh cảm về một chuyện gì đó không bình thường, và đã mặt đối mặt với vị bác sĩ để được biết sự thật.

Sau đó, Ollie mua hai vé đi Paris với mục đích để Jenny được thấy Kinh thành Ánh sáng như hằng mơ ước, nhưng nàng đã từ chối, nói rằng chỉ cần được sống những ngày cuối đời bên nhau là đủ.

Để kéo dài những ngày cuối đời ấy, Jenny phải trải qua một cuộc điều trị tốn kém. Không còn đủ khả năng trang trải phí tổn, cuối cùng Ollie đã phải quay trở lại với cha mình, xin ông giúp đỡ tiền bạc nhưng không cho ông biết sự thật.

Ông hỏi con trai “Tặng bầu cho cô nào phải không?” Ollie đáp “Đúng vậy”, và ông bố ký cho con trai một tấm chèque.

Nhưng cũng chẳng kéo dài được bao lâu; Jenny yếu dần, nàng bàn bạc với cha mình về việc tổ chức tang lễ, rồi đòi gặp Ollie. Nàng khuyên chồng đừng tự trách bản thân, chỉ cần ôm nàng thật chặt khi nàng trút hơi thở cuối cùng…

Khi ông bố của Ollie biết được bệnh tình của Jenny và việc con trai xin tiền ông là để lo chữa trị cho vợ, ông đã tức tốc bay tới Nữu Ước mang theo một số tiền lớn. Nhưng đã quá muộn.

Khi Ollie rời bệnh viện, cõi lòng tan nát, thì gặp cha mình đang tiến vào. Chàng nói “Jenny chết rồi”. Ông đáp “Ba rất ân hận”. Ollie bất giác lập lại câu nói của Jenny trước đây khi chàng xin lỗi vì đã nổi giận với nàng: Love means never having to say you’re sorry (Yêu là không bao giờ nói lời hối tiếc), rồi bật khóc…

* * *

Vừa được tung ra, Love Story đã làm mưa gió trên thị trường sách. Mặc dù bị giới phê bình nghệ thuật chê không tiếc lời, nó đã đã trở thành một best seller và là cuốn tiểu thuyết hư cấu bán chạy nhất trong năm 1970.

Love Story được đề cử tranh giải National Book Award năm 1970 nhưng sau đó đã xin rút tên, vì các vị giám khảo hăm dọa sẽ từ chức để phản đối. Nhà văn nổi tiếng William Clark Styron Jr. (1925 – 2006), Trưởng ban Giám khảo của giải thưởng này, gọi Love Story là “một cuốn sách tầm thường tới mức không thể gọi là văn chương” và nói rằng chỉ nội việc nó được việc đề cử mà thôi cũng đã xúc phạm tới những tác phẩm khác cùng được đề cử!

Nhưng mặc cho ai chê cứ chê, Love Story đã trở thành một hiện tượng văn hóa, không chỉ ở Hoa Kỳ mà còn nhiều nơi trên thế giới; sinh viên học sinh mà chưa từng đọc cuốn sách nhỏ này sẽ bị xem như người mới từ cung trăng rơi xuống!

Riêng với thành phần trí thức trẻ ở Hoa Kỳ, Love Story với bối cảnh Đại học Harvard và Radcliffe College, chính là “khuôn viên đại học” có thực ở đời thường, nơi họ đã, đang, hoặc sẽ bước chân vào.

Trên thực tế, như sau này Erich Segal đã tiết lộ, một phần tính cách của nhân vật Oliver Barrett IV đã được ông dựa trên con người của Tommy Lee Jones, một một sinh viên Đại học Harvard về sau trở thành diễn viên điện ảnh nổi tiếng, mà ông mô tả là “một con ngựa nhạy cảm, một cầu thủ (footballer) đầy nam tính với tâm hồn của một thi sĩ.”

Trong khi đó, cuộc gặp gỡ giữa Ollie và Jenny lại được Erich Segal dựa trên chuyện tình của người bạn cùng phòng nội trú với Tommy Lee Jones là Al Gore, vị Phó tổng thống tương lai của Hoa Kỳ. Có khác chăng là trong truyện, Jenny là sinh viên trường Radcliffe College, còn ngoài đời Mary Elizabeth Aitcheson, vợ tương lai của Al Gore, thì học trường St. Agnes School ở gần đó; đồng thời hai người không gặp nhau tại thư viện của Radcliffe College mà tại buổi dạ vũ năm cuối trung học của Al Gore tại St. Albans High School, West Virginia năm 1965 (và dĩ nhiên, Mary Elizabeth Aitcheson không mệnh yểu như Jenny mà sống thọ; bà và Al Gore ly thân năm 2010 sau 40 chung sống).

Một số người đã liên hệ Love Story với cuốn Trà hoa nữ (La dame aux Camélias) và đi tới kết luận Erich Segal đặt nền tảng cuốn tiểu thuyết của mình trên tác phẩm nổi tiếng của Alexandre Dumas (Con) ra mắt hơn một thế kỷ trước. Chúng tôi xin dành quyền phê phán cho độc giả, chỉ xin lưu ý: ai nấy đều biết vở opera La Traviata của Verdi cũng đặt nền tảng trên cuốn Trà hoa nữ, vậy mà ngày nay La Traviata vẫn đứng hạng ba trong số những vở opera được trình diễn nhiều lần nhất, chỉ sau Madam Butterfly (Hồ điệp Phu nhân) và La Bohème của Puccini!

Trở lại với Tommy Lee Jones, sau khi tốt nghiệp Cử nhân Nghệ thuật và Anh ngữ năm 1969, chàng trẻ tuổi tới Nữu Ước theo đuổi sự nghiệp diễn xuất, bắt đầu với những vai trò trên sân khấu Broadway. Như một sự trùng hợp thú vị, vai trò đầu tiên của Tommy Lee Jones trên màn bạc là vai chàng sinh viên Harvard Hank Simpson, một nhân vật trong cuốn truyện (và phim) Love Story.

* * *

Tới đây viết về cuốn phim.

Khi mua kịch bản Love Story của Erich Segal, hãng phim Paramount Pictures đã có dự định mời đạo diễn Larry Peerce và cô đào trẻ Ali MacGraw của cuốn phim Goodbye, Columbus (1969) lúc đó đang làm mưa gió ở Mỹ. Truyện phim Goodbye, Columbus kể về một “mối tình mùa hè” ngắn ngủi giữa một chàng quản thủ thư viện với một nữ sinh viên con nhà giàu. Trong phim, cô sinh viên này (do Ali MacGraw thủ diễn) cũng theo học Radcliffe College.

Ali MacGraw, sinh năm 1939, sau khi tốt nghiệp Wellesley College ở Wellesley, Massachusetts, đã làm việc cho tạp chí Harper’s Bazaar, phụ tá đặc trách về hình ảnh và thời trang; sáu năm sau, Ali trở thành tư vấn (stylist) cho tạp chí thời trang thượng lưu Vogue đồng thời trở thành người mẫu nhiếp ảnh.

Giữa thập niên 1960, Ali bắt đầu đóng các màn quảng cáo trên truyền hình, và mãi tới năm 1968, khi đã 27 tuổi, mới được xuất  hiện làm kiểng (walk-on) trong cuốn phim tội phạm A Lovely Way to Die (do Kirk Douglas và Sylva Koscina thủ hai vai chính).

Chính nhờ màn xuất hiện ngắn ngủi ấy, Ali MacGraw đã được chú ý tới, và qua năm 1969 được đạo diễn Larry Peerce trao vai nữ nhân vật chính trong phim Goodbye, Columbus.

Tuy đây mới chỉ là lần thứ hai được xuất hiện trên màn bạc, và lần đầu tiên được thủ một vai có diễn xuất, Ali MacGraw đã tỏ ra rất xuất sắc, với kết quả là giải Trái Cầu Vàng dành cho diễn viên mới nhiều triển vọng, và sau đó được trao vai nữ nhân vật chính Jennifer Cavilleri trong phim Love Story.

Về nam nhân vật chính, chàng sinh viên luật Oliver Barrett của Đại học Harvard, hãng Paramount Pictures đã lần lượt mời ba nam diễn viên trẻ đã nổi tiếng hoặc đang lên là Beau Bridges (sinh năm 1941), Michael York (1942) và Jon Voight (1938) nhưng cả ba đều từ chối.

Sau đó Erich Segal đã giới thiệu Ryan O’Neal, nam diễn viên truyền hình mới xuất hiện một lần trên màn bạc qua cuốn phim The Games (1969).

Ryan O’Neal, sinh năm 1941 trong một gia đình văn nghệ sĩ, cha là văn sĩ kiêm nhà viết kịch bản truyền hình Charles O’Neal (1904–1996), mẹ là nữ diễn viên Patricia O’Neal (1907-2003), tuy nhiên ngay từ nhỏ, Ryan chỉ ôm mộng trở thành võ sĩ quyền Anh.

Trong thời gian ở University High School, Los Angeles, Ryan O’Neal đã được huấn luyện để trở thành một võ sĩ quyền Anh của National Golden Gloves (Hiệp hội quyền Anh tài tử Hoa Kỳ), và tỏ ra rất có triển vọng.

Nhưng bà mẹ Patricia là người có đầu óc thực tế, thấy Ryan O’Neal học hành không mấy tấn tới, vào năm 1960, bà đã vận động cho con trai được đóng những vai xuất hiện làm kiểng trước ống kính (walk-on), hoặc đóng thế (diễn viên chính) những màn khó khăn, nguy hiểm (stunt).

Nghề dạy nghề, Ryan O’Neal trở thành diễn viên lúc nào không hay. Sau một số vai trò rất phụ, năm 1964 nhờ bảnh trai, tướng tá ngon lành, Ryan O’Neal được trao một vai trong phim tập truyền hình Peyton Place của hãng ABC, vốn được xem là phim tập “tình, tiền, tội ác, sex (và loạn luân)” đầu tiên trên màn ảnh nhỏ xứ Cờ Huê.

Peyton Place đã trở thành bàn đạp tiến thân của nhiều nam nữ diễn viên trẻ, trong số đó ngoài Ryan O’Neal còn có Mia Farrow, Barbara Parkins, Christopher Connelly, David Canary, Mariette Hartley, Lana Wood (chị của Natalie Wood)…

Năm 1969, Ryan O’Neal được thủ diễn một trong bốn vai chính của cuốn phim Anh The Games nói về một chạy đua marathon giả tưởng giữa đại diện bốn quốc gia Anh, Mỹ, Úc và Tiệp Khắc, do Erich Segal viết kịch bản, và các diễn viên Michael Crawford (Anh), Ryan O’Neal (Mỹ), Charles Aznavour (Pháp gốc Armenia)) và Athol Compton (thổ dân Úc) thủ vai chính.

Vì đây là lần đầu tiên đóng phim điện ảnh, Ryan O’Neal được trả một thù lao khiêm nhượng là 25,000 Mỹ kim.

Cuốn phim được đánh giá “khá hay” (6.7 điểm của IMDb và 74% của Rotten Tomatoes) nhưng thất bại thê thảm về mặt tài chính, và chìm vào quên lãng. Chỉ tới khi kịch bản Love Story của Erich Segal được hãng Paramount thực hiện thành phim và ba chàng Beau Bridges, Michael York, Jon Voight từ chối vai trò Oliver Barrett, Erich Segal mới nhớ tới Ryan O’Neal và đề nghị hãng phim trao vai này cho chàng.

Tuy nhiên, Ryan O’Neal cũng phải trải qua một màn đóng thử cùng với 13 nam diễn viên trẻ khác, và cuối cùng nhà sản xuất Robert Evans của hãng Paramount đã quyết định chọn Ryan O’Neal. Sau này Robert Evans hồi tưởng “Trong số những người đóng thử, không một ai có thể so sánh với Ryan – một Cary Grant cho vai trò này: bảnh trai và đầy cảm xúc”.

Nhưng khi đã tìm được nam nữ diễn viên thủ vai hai nhân vật chính, hãng Paramount Pictures lại bị “kẹt” đạo diễn: đạo diễn Larry Peerce (của cuốn phim Goodbye, Columbus) đã từ chối lời mời đạo diễn Love Story, mà nhiều người cho rằng vì ông ta không mấy tin tưởng vào thành công của kịch bản của Erich Segal, và nếu ông thất bại, uy tín vừa mới tạo dựng được qua cuốn phim Goodbye, Columbus cũng sẽ tiêu tan.

Sau khi Larry Peerce từ chối, hãng Paramount Pictures đã mời Anthony Harvey, nhưng nhà đạo diễn trẻ gốc Anh này cũng từ chối!

Anthony Harvey nguyên là một nhà phân cảnh (editing, còn gọi là “ráp nối”) nổi tiếng, từng đoạt nhiều giải thưởng, lúc đó đã sang Los Angeles hợp tác với đạo diễn Stanley Kubrick lừng danh của Hoa Kỳ với mục đích học hỏi công việc đạo diễn.

Năm 1968, chỉ ít lâu sau khi bước vào nghề (đạo diễn), Anthony Harvey đã đạt thành công rực rỡ với cuốn phim bi kịch lịch sử Anh – Pháp The Lion in Winter, với hai diễn viên hàng đầu Peter O’Toole, Katharine Hepburn thủ vai hai nhân vật chính.

Tại giải Oscar năm 1969, The Lion in Winter được đề cử bảy giải thưởng (trong đó có đạo diễn) và đoạt ba giải, cho nữ diễn viên vai chính, kịch bản, và nhạc đệm.

Cuốn phim cũng được được đề cử bảy giải Trái Cầu Vàng và đoạt hai giải, bảy giải BAFTA (điện ảnh Anh quốc) và cũng đoạt hai giải.

Về sau, Anthony Harvey giải thích tại sao ngày ấy mình từ chối đạo diễn Love Story:

“Cho dù đạt thành công rực rỡ với The Lion in Winter, tôi cũng chỉ là một đạo diễn mới vào nghề, không hiểu biết nhiều. Tôi từ chối Love Story một cách vô ý thức. Quả thật đó là sai lầm khủng khiếp nhất trong đời!”

Sau khi Larry Peerce và Anthony Harvey từ chối, hãng phim Paramount đã mời đạo diễn Mỹ gốc Gia-nã-đại Arthur Hiller.

Arthur Hiller thuộc thế hệ đàn anh của Larry Peerce, Anthony Harvey, và đã sẵn nổi tiếng khi nhận lời đạo diễn Love Story.

Arthur Hiller sinh năm 1923 tại Edmonton, Alberta. Khi Đệ nhị Thế chiến xảy ra, ông gia nhập Không lực Hoàng gia Gia-nã-đại, trở thành hoa tiêu (navigator) trên oanh tạc cơ hạng nặng Halifax, đồn trú tại Âu châu, đã tham gia nhiều phi vụ oanh tạc đêm trên các vùng lãnh thổ do quân Đức chiếm đóng.

Sau khi thế chiến dứt, Arthur Hiller trở lại trường học, lấy Cử nhân Nghệ thuật tại University College, Toronto năm 1947, và Cao học Nghệ thuật & Tâm lý học năm 1950.

Công việc đầu tiên của Arthur Hiller sau khi rời đại học là làm đạo diễn cho đài truyền hình Canadian Broadcasting Corporation của Gia-nã-đại, qua đó ông được hãng truyền NBC của Mỹ chú ý và mời hợp tác.

Tới cuối thập niên 1950, Arthur Hiller bắt đầu đạo diễn phim điện ảnh, phần lớn là hài kịch, trong đó nổi tiếng nhất phải là The Americanization of Emily (1964), một cuốn phim khôi hài đen có nội dung phản chiến; hiện nay, The Americanization of Emily là một trong những cuốn phim hiếm hoi được điểm 100% của trang mạng phê bình Rotten Tomatoes.

Cũng trong năm 1964, Arthur Hiller đạo diễn bộ phim tập truyền hình hài kịch kinh dị The Addams Family (mà trước năm 1975 khán giả ở Sài Gòn đã được thưởng thức trên đài truyền hình quân đội Mỹ); sau đó ông trở lại với thể loại phim hài kịch trên màn bạc, đạt thành công đáng kể qua các cuốn phim Promise Her Anything (1965) với Warren Beatty và Leslie Caron, Penelope (1966) với Natalie Wood; và tới năm 1967 bước sang cả lĩnh vực phim hoạt động với Tobruk, một cuốn phim lấy bối cảnh Đệ nhị Thế chiến ở Bắc Phi, với Rock Hudson và George Peppard trong hai vai chính.

Thế nhưng thành công lớn nhất trong sự nghiệp của Arthur Hiller lại là một cuốn phim bi kịch: Love Story.

Như chúng tôi đã viết ở một đoạn đầu, mặc dù trở thành một best seller và là cuốn tiểu thuyết hư cấu bán chạy nhất trong năm 1970, Love Story của Erich Seagal đã không được giới phê bình nghệ thuật trân trọng, nếu không muốn nói là chê thậm tệ. Nguyên nhân chính là vì Love Story có cốt truyện khá bình thường, thậm chí tầm thường, và có diễn tiến nặng phần “cải lương, cường điệu” (cái chết trẻ của nữ nhân vật chính)!

Suy ra, thực hiện một cuốn phim với kịch bản có nội dung như thế không có nhiều triển vọng đạt thành công; vì thế hai đạo diễn Larry Peerce và Anthony Harvey mới từ chối lời mời của hãng phim Paramount.

Nhưng Arthur Hiller không phải một đạo diễn tầm thường. Roger Ebert (1942 – 2013), nhà bình phim kiêm sử gia điện ảnh uy tín bậc nhất nước Mỹ, người đầu tiên đoạt giải Pulitzer về Phê bình (1975), đã nhận định:

“Tại sao chúng ta không thể rơi lệ trước chuyện một đôi uyên ương trẻ bị thần chết phân ly? Arthur Hiller đã khiến chúng ta xúc động vì cung cách ông đạo diễn cuốn phim… Tuy nhiên, phần lớn nội dung cuốn phim nói về cuộc sống chứ không phải cái chết. Và vì Arthur Hiller đã trình bày đôi tình nhân như hai cá thể, kết cuộc đã khiến chúng ta phải xúc động. Tại sao lại không nhỉ?”

Roger Ebert đã không ca tụng Arthur Hiller quá lời. Về sau, nhà đạo diễn đã được bầu làm chủ tịch Hiệp hội Đạo diễn Hoa Kỳ (Directors Guild of America) từ năm 1989 tới năm 1993, và chủ tịch Hàn lâm viện Điện ảnh Hoa Kỳ từ năm 1993 tới năm 1997.

Love Story được trình chiếu vào ngày 16/12/1970 và lập tức tạo kỷ lục về số thu. Với số vốn thực hiện chỉ có 2.2 triệu Mỹ kim nhưng số thu lên tới 136.4 triệu, Love Story đã trở thành cuốn phim của năm 1970 có số thu cao nhất, và đứng hạng 6 tính từ xưa cho tới lúc đó.

Love Story được Viện phim ảnh Hoa Kỳ xếp hạng 9 trong danh sách “100 Years… 100 Passions” dành cho những cuốn phim về tình yêu hay nhất.

Tại giải Trái Cầu Vàng 1971, Love Story được đề cử 7 giải (phim hay nhất, đạo diễn, kịch bản, nam nữ diễn viên vai chính, nam diễn viên vai phụ, nhạc phim) và đoạt 5 giải (phim hay nhất, đạo diễn, kịch bản, nữ diễn viên vai chính, và nhạc phim).

Tại giải Oscar 1971, Love Story cũng được đề cử 7 giải tương tự nhưng chỉ đoạt được 1 cho nhạc phim.

Tuy không đoạt giải Oscar nữ diễn viên vai chính, sau đó Ali MacGraw cũng được tạp chí Time đưa lên bìa, về sau (1991) được nằm trong danh sách “50 Most Beautiful People in the World” của tạp chí People, và tới năm 2008 được tạp chí đàn ông Maxim đưa vào danh sách “Sexiest 25 Women in Film Ever”.

Về phần Ryan O’Neal, phải nhìn nhận việc ba chàng diễn viên trẻ Beau Bridges, Michael York, Jon Voight từ chối vai Oliver Barrett trong Love Story đã giúp Ryan cơ hội “đổi đời”: không bao giờ phải trở lại với những vai trò trên truyền hình mà chàng không muốn một chút nào.

Sau thành công của Love Story, Ryan O’Neal nghiễm nhiên trở thành một diễn viên hạng A, với những cuốn phim ăn khách như What’s Up, Doc? (1972, đóng chung với Barbra Streisand).

Năm 1973, Ryan O’Neal cùng với cô con gái Tatum O’Neal đóng chung phim Paper Moon, qua đó cô bé 10 tuổi đã trở thành diễn viên nhỏ tuổi nhất tính cho tới nay đoạt giải Oscar diễn xuất.

[Tatum O’Neal đoạt giải Oscar vai phụ; trước đó, cô chưa bao giờ xuất hiện trước ống kính; sau này Tatum kết hôn với danh thủ quần vợt John McEnroe, được 3 con, và ly dị sau 8 năm chung sống]

Cũng trong năm 1973, Ryan O’Neal đã được khán giả điện ảnh ở Hoa Kỳ bầu là nam diễn viên được ái mộ hạng nhì, chỉ đứng sau Clint Eastwood của cuốn phim cớm Dirty Harry (1971).

Trước thành công vượt bực của phim Love Story, tám năm sau (1978), hãng Paramount Pictures đã bổn cũ soạn lại, thực hiện cuốn phim tiếp theo (sequel) có tựa đề Oliver’s Story, nói về những tháng năm sau khi Jenny chết, Ollie cố gắng xây dựng một hạnh phúc mới với một vị tiểu thư môn đăng hộ đối, nhưng thất bại vì không thể quên được Jenny.

Oliver’s Story cũng do Erich Segal viết kịch bản và Ryan O’Neal thủ vai chính, vai vị tiểu thơ do Candice Bergen thủ diễn.

Lúc đầu, Ryan O’Neal đã từ chối trở lại với vai trò Oliver Barrett vì nhận thấy kịch bản chẳng có gì thu hút, nhưng sau đó vì hãng phim đã tăng thù lao lên tới 3 triệu Mỹ kim, Ryan O’Neal không thể chống cưỡng.

Kết quả, Oliver’s Story đã trở thành cuốn phim đáng quên nhất trong sự nghiệp của Ryan O’Neal với số điểm 20% của trang mạng bình phim Rotten Tomatoes.

Tới đây chúng tôi viết về nhạc phim của Love Story, do nhà soạn nhạc Francis Lai đảm trách.

Francis Lai sinh năm 1932 tại Nice, miền nam nước Pháp, cha mẹ là di dân Ý, làm nghề trồng rau để bán ở chợ. Say mê âm nhạc từ nhỏ, Francis Lai học accordéon và dương cầm, chơi cho các bạn nhạc địa phương một thời gian rồi tới cảng Marseilles, thành phố lớn thứ nhì của Pháp (chỉ sau Paris) và cũng là một “ngã tư quốc tế”. Tại đây, chàng trẻ tuổi mới biết trên đời này có một thể loại gọi là “nhạc jazz” và chuyên tâm học hỏi.

Sau khi gặp gỡ Claude Goaty, một nữ ca sĩ Pháp nổi tiếng trong thập niên 1950, Francis Lai theo bà lên Paris và trở thành một thành viên của khu nghệ sĩ Montmartre, chơi đàn thường xuyên ở quán rượu Taverne d’Attilio. Sau một thời gian ngắn chơi cho dàn nhạc Michel Magne, Francis Lai trở thành người đệm accordéon cho nữ danh ca Édith Piaf, và sau này soạn nhạc cho một số ca khúc do bà đặt lời hát.

Năm 1965, Francis Lai gặp gỡ đạo diễn trẻ Pháp gốc Algeria Claude Lelouch (sinh năm 1937), cũng là một diễn viên kiêm nhà sản xuất phim và nhà văn, và được ông nhờ soạn nhạc phim cho Un homme et une femme (A Man and a Woman), cuốn phim thứ hai do Claude Lelouch đạo diễn, với Jean-Louis Trintignant và Anouk Aimée trong hai vai chính.

Trình chiếu năm 1966, Un homme et une femme (A Man and a Woman) không chỉ trở thành một trong những cuốn phim ăn khách nhất ở Pháp mà còn ở cả Hoa Kỳ, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế trong đó có Cành Cọ Vàng tại Đại hội Điện Ảnh Cannes, Trái Cầu Vàng cho Phim nói tiếng ngoại quốc và cho Nữ diễn viên vai chính, Oscar cho Phim nói tiếng ngoại quốc và cho Kịch bản.

 Phần nhạc phim do Francis Lai soạn (trong đó có ca khúc Un homme et une femme do Claude Lelouch viết lời hát), cũng gây tiếng vang lớn cho chàng nhạc sĩ trẻ lần đầu soạn nhạc phim, được đề cử Trái Cầu Vàng cho nhạc phim và ca khúc trong phim.

 VIDEO:

 Paul Mauriat – Un homme et une femme (1966)

Sau khi đạt thành công ngay trong lần đầu soạn nhạc phim, Francis Lai tiếp tục hợp tác với Claude Lelouch trong hàng chục cuốn phim khác, trong đó có Vivre pour vivre (1967), Un homme qui me plaît (1969), Le voyou (1970), và La bonne année (1973), rất được yêu chuộng tại Pháp cũng như Anh quốc, Hoa Kỳ.

Nhưng thành công lớn nhất trong sự nghiệp của Francis Lai chính là nhạc phim Love Story, đoạt giải Oscar cho nhạc phim năm 1971.

Nhạc phim Love Story (Love Story soundtrack) được phát hành dưới dạng album và lên tới No.2 trên bảng xếp hạng album của Billboard, gồm 11 nhạc khúc, trong đó có 2 nhạc khúc cổ điển Sonata in F Major (Allegro) của Wolfgang Amadeus Mozart, Concerto No. 3 in D Major (Allegro) của Johann Sebastian Bach – và 9 nhạc khúc do Francis Lai soạn, trong đó có nhạc khúc chủ đề của cuốn phim (Theme from Love Story), được sử dụng trong phần mở đầu và kết thúc của cuốn phim.

Tuy nhiên, một tuần lễ trước khi phim Love Story được trình chiếu vào ngày Lễ Giáng Sinh năm 1970, hãng phim Paramount Pictures đã “sắp xếp” để dàn nhạc Henry Mancini tung ra đĩa đơn hòa tấu nhạc khúc chủ đề của cuốn phim, với mục đích tạo sự chú ý của công chúng, tương tự việc trước đây họ đã cho phát hành cuốn tiểu thuyết Love Story trước khi trình chiếu cuốn phim.

Kết quả, đĩa đơn Theme from Love Story của dàn nhạc Henri Mancini đã lên tới No.2 và nằm trong Top 10 Easy Listening của Billboard suốt 16 tuần lễ, và ở trong danh sách Billboard Hot 100 suốt 11 tuần lễ, lên tới hạng 12.

VIDEO:

 Henry Mancini – Theme from ”Love Story” 

Chỉ tới khi cuốn phim được phát hành, khán thính giả mới được thưởng thức Theme from Love Story của nhạc phim do Francis Lai phối khí và điều khiển dàn nhạc.

VIDEO:

 Francis Lai – Love Story Soundtrack – Theme From Love Story (1970)

Về phần ca khúc (Where Do I Begin?) Love Story do Carl Sigman đặt lời hát thì phải đợi hơn hai tháng sau ngày phim Love Story ra mắt khán giả, mới được gửi tới thính giả qua tiếng hát của Andy Williams.

Carl Sigman (1909 – 2000)

Carl Sigman (1909 – 2000) là một nhà đặt lời hát hàng đầu của Mỹ. Một trong những ca khúc rất phổ biến do ông đặt lời hát là bản A Day in The Life of a Fool, nguyên là ca khúc Manhã de Carnaval (Carnival Morning) của hai tác giả Luiz Bonfa và Antonio Araujo De Moraes, được hát trong cuốn phim Orfeu Negro (Black Orpheus, 1959) của Ba-tây. Phiên bản lời Pháp của ca khúc này, tựa đề La Chanson d’Orphée, cũng rất được ưa chuộng.

VIDEO:

 JACK JONES – A DAY IN THE LIFE OF A FOOL (MANHA DE CARNAVAL)

Trở lại với ca khúc (Where Do I Begin?) Love Story do Carl Sigman đặt lời hát.

Theo lời kể của một số người, lúc đầu, sau khi nghe qua phần nhạc phim của Love Story do Francis Lai soạn, hãng đĩa đảm trách việc phát hành nhạc phim (soundtrack) cho rằng nếu đặt lời hát cho nhạc khúc chủ đề Theme from Love Story thì sẽ có sức thu hút khán giả hơn, vì thế nhà sản xuất Robert Evans (của hãng phim Paramount) đã nhờ Carl Sigman đặt lời hát cho nhạc khúc này.

Carl Sigman nhận lời, dựa theo diễn tiến của chuyện tình buồn trong cuốn phim Love Story để viết lời hát. Nhưng, cứ theo lời thuật lại của Michael Sigman, con trai của Carl Sigman, sau khi Carl Sigman hoàn tất thì bị Robert Evans chê là quá sầu thảm, sẽ khiến khán giả… xuống tinh thần, và yêu cầu ông viết lời hát khác bớt bi lụy hơn.

Tự ái của một nhà viết lời hát tên tuổi đã khiến Carl Sigman nổi giận; ông từ chối viết lại. Vì thế khi cuốn phim chiếu ra mắt, nhạc khúc chủ đề trong phim (Theme from Love Story) vẫn được trình bày dưới hình thức hòa tấu.

Tuy nhiên sau đó, Carl Sigman đã nghĩ lại và nhận ra rằng lời hát có thể buồn nhưng không nên quá bi lụy. Nhưng nếu không dựa theo cốt truyện bi lụy ấy – Jenny xuất hiện, hai người yêu nhau, Jenny chết –  thì mình sẽ bắt đầu từ đâu – Where do I begin?

Carl Sigman vừa đi tới đi lui trong phòng vừa nói với bà vợ: Where do I begin? Where do I begin?… và thế là ca khúc (Where Do I Begin?) Love Story  ra đời.

[LƯU Ý: Ca khúc do Carl Sigman đặt lời có tựa đề chính xác là (Where Do I Begin?) Love Story. Rất tiếc, không phải ai cũng hiểu được ngụ ý của tác giả khi cho những chữ trong ngoặc đơn (Where Do I Begin?) đứng trước hai chữ không nằm trong ngoặc đơn Love Story, cho nên khá nhiều người, kể người Anh, người Mỹ, đã tự tiện sửa đổi thứ tự, viết thành Love Story (Where Do I Begin?); sai thì không sai nhưng không đúng ý của tác giả]

(Where do I begin?) Love Story


Where do I begin

To tell the story of how great a love can be
The sweet love story that is older than the sea
The simple truth about the love she brings to me
Where do I start

With her first hello
She gave new meaning to this empty world of mine
There’ll never be another love, another time
She came into my life and made the living fine
She fills my heart

She fills my heart with very special things
With angels’ songs, with wild imaginings
She fills my soul with so much love
That anywhere I go I’m never lonely
With her around, who could be lonely
I reach for her hand, it’s always there

How long does it last?
Can love be measured by the hours in a day?
I have…

Tuy nhiên, theo đa số tác giả, và chúng tôi cũng tin như thế, hãng phim Paramount đã có chủ ý từ trước trong việc để dàn nhạc Henry Mancini tung ra đĩa đơn trước khi cuốn phim được trình chiếu, và sau khi mọi người đã xem phim và thưởng thức nhạc khúc chủ đề trong phim (Theme from Love Story), mới tung ra ca khúc (Where Do I Begin?) Love Story.

Gần ba tuần lễ sau khi phim Love Story được trình chiếu, ngày 15/1/1971, hai đĩa đơn (Where Do I Begin?) Love Story, một của Andy Williams, một của Tony Bennett, được phát hành.

Phụ lục 1: (Where Do I Begin?) Love Story, Andy Williams

VIDEO:

 Andy Williams – (Where Do I Begin) LOVE STORY 1970 (High Quality)

(Where Do I Begin?) Love Story do Andy Williams thu đĩa đã lên tới No.1 trên bảng xếp hạng thể loại Easy Listening (ngày nay gọi là Adult Contemporary) của Billboard và đứng hạng 9 trong Billboard Hot 100 (tính mọi thể loại), đồng thời đứng hạng tư tại Anh Quốc (UK Singles Chart).

Về sau, để làm hài lòng thế hệ thính giả trẻ, Andy Williams đã thu âm thêm một phiên bản (Where Do I Begin?) Love Story dài hơn, với phần phối khí có sử dụng hiệu ứng âm thanh (sound effects).

Phụ lục 2: (Where Do I Begin?) Love Story, Andy Williams (extended version)

Sau Andy Williams và Tony Bennett, (Where Do I Begin?) Love Story đã được nhiều nam ca sĩ khác của Mỹ thu đĩa, trong số đó phiên bản của Johnny Mathis có lẽ được ưa chuộng nhất.

VIDEO:

Love Story ~ Johnny Mathis ~ (HD) – YouTube

Về phiên bản do các ca sĩ ở ngoài Hoa Kỳ thu đĩa, chúng tôi giới thiệu ba thể loại điển hình, do nữ danh ca Anh Shirley Bassey (Bossa Nova), nữ danh ca Pháp Patricia Kaas (jazz), và nam danh ca tenor Tây-ban-nha Placido Domingo (classical).

VIDEO:

Shirley Bassey – (Where Do I Begin) Love Story – YouTube

Patricia Kaas – Where Do I Begin (Love Story) – YouTube

Plácido Domingo – Love Story (Where Do I Begin) – YouTube

(Where Do I Begin?) Love Story phiên bản lời Pháp với tựa đề Une histoire d’amour được Mireille Matthieu thu đĩa, ngày ấy cũng rất được thính giả yêu nhạc Pháp ở miền Nam VN ưa chuộng.

Về phiên bản lời Việt, trước năm 1975, (Where Do I Begin?) Love Story đã được nhạc sĩ Phạm Duy chuyển ngữ với tựa đề Chuyện Tình. Có thể nói nghệ thuật chuyển ngữ của Phạm Duy qua ca khúc này đã lên tới đỉnh cao nhất.

Chuyện Tình (Love Story, LV: Phạm Duy)

Biết dùng lời rất khó, để mà nói rõ
Ôi biết nói gì, cuộc tình lớn quá
Chuyện tình đáng nhớ, tuy cũ như là biển già trắng xoá
Cuộc tình quý giá như những ngọc ngà nàng dành cho ta
Ôi biết nói gì ?
Với một lời quý mến, mà nàng nói đến
Khi bước chân vào cuộc đời vắng ngắt
Cuộc tình thứ nhất, muôn kiếp muôn đời là tình vĩnh viễn
Vì nàng đã hiến đôi cánh tay mềm nghìn đời quyến luyến
Lòng ta đầy kín, lòng ta đầy kín
Là muôn nghìn chuyện yêu đương, câu hát thần tiên
Và những mộng huyền mênh mang, đầy kín hồn hoang
Man mác tình duyên
Thôi hết cuộc đời im tiếng
Ðời lẻ loi đã tan, ta đã được nàng
Làm gì còn tiếng than, nắm đôi tay thiên thần
Ði suốt mùa Xuân…
Sẽ còn được biết mấy ? Một đời luyến ái
Yêu sẽ lâu dài hoặc là quá ngắn ? Thật là khó đoán
Nhưng vẫn cho rằng cuộc đời có hết, loài người có chết
Sao sáng trên trời ngày nào sẽ tắt
Em vẫn gần ta!

VIDEO:

Chuyện Tình – Duy Quang – YouTube

Chuyện tình (Love Story) – Quang Dũng

Phụ lục 3: Chuyện Tình, Ngọc Anh

Ngoài ra, còn một phiên bản lời Việt khác có tựa đề Tình Sử của Ngọc Chánh, trước năm 1975 đã được Thanh Lan trình bày trong băng Phạm Mạnh Cương 25: “Tiếng hát Thanh Lan – Hát cho Tình Yêu và Tuổi Trẻ”.

Phụ lục 4: Tình sử, Thanh Lan (pre 75)

Sau này tại hải ngoại, phiên bản lời Việt Tình Sử đã được Ngọc Lan hát chung với phiên bản lời Pháp Une histoire d’amour trong CD The Gold Collection 32 của MÂY PRODUCTIONS, tuy nhiên tựa đề tiếng Việt Tình Sử đã bị đổi thành Chuyện Tình.

Hiện nay, hầu như tất cả mọi trang mạng tiếng Việt trong nước cũng như hải ngoại đều sử dụng tựa đề Chuyện Tình cho cả phiên bản của Phạm Duy lẫn Ngọc Chánh.

Sau cùng, qua tìm tòi trên Internet, chúng tôi cũng bắt gặp một phiên bản lời Việt được ghi là Chuyện Tình (Phạm Duy) nhưng với lời hát khác hoàn toàn, cho nên chúng tôi tạm thời ghi tác giả “khuyết danh”.

Phụ lục 5: Chuyện Tình (LV: khuyết danh)  

 

HOÀI NAM

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search