T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Thế nào là tự do, dân chủ và làm thế nào để có tự do ở chế độ toàn trị?

(Nguồn: Báo Tiếng Dân)

Dương Quốc Chính

Rất nhiều người đã nhầm lẫn hai khái niệm khá giống nhau này. Tự do là quyền của con người, không bị ép buộc để có cơ hội được hành động theo ý muốn của mình. Có các quyền tự do cơ bản như tự do kinh doanh, tự do ngôn luận, tự học giáo dục, tự do lập hội, tự do báo chí và xuất bản (1 phần của tự do ngôn luận), tự do tôn giáo, tự do đi lại…

Còn dân chủ là phương pháp ra quyết định tập thể, trong đó mỗi cá nhận được có quyền bình đẳng, thường thể hiện ở việc bầu cử để lựa chọn trực tiếp người lãnh đạo quốc gia (dân chủ trực tiếp), hoặc bầu ra người đại diện, thay mặt mình để bầu lãnh đạo quốc gia (dân chủ đại diện). Định nghĩa tóm tắt và tương đối phổ quát là như vậy.

Tự do và dân chủ có mối liên hệ chặt chẽ, nhưng không đồng nhất. Có những quốc gia hay lãnh thổ có sự tự do khá rộng rãi, nhưng lại không có dân chủ đầy đủ. Ngược lại, có nơi thì có dân chủ nhưng lại thiếu tự do. Thường những nước nào có cả dân chủ lẫn tự do song hành thì nền dân chủ sẽ rất bền vững và mới gọi là dân chủ đầy đủ. Dân chủ mà thiếu tự do thì là dân chủ không đầy đủ, thậm chí là giả cầy.

Tất nhiên dân chủ và tự do có nhiều cấp độ, khác nhau. Nếu dân chủ đạt được càng nhiều tiêu chí của tự do, thì càng được coi là dân chủ đầy đủ, bản chất. Dân chủ mà càng có ít tự do thì càng thiên về toàn trị, là dân chủ bịp bợm. Quyền tự do bầu cử và ứng cử là gần gũi nhất với dân chủ.

Nói cách khác, các quyền tự do là những viên gạch và vữa để xây lên ngôi nhà dân chủ. Gạch vữa mà ít và mềm thì nhà dễ đổ vỡ.

Ví dụ điển hình về tự do mà thiếu dân chủ là Hongkong thời thuộc địa Anh và Singapore. Hongkong thời thuộc địa có đầy đủ các quyền tự do như ở mẫu quốc, nhưng dân Hongkong không có quyền bầu cử thống đốc (toàn quyền) Hongkong. Tức là thiếu đi quyền dân chủ cơ bản nhất là lựa chọn lãnh đạo.

Singapore cũng có gần như đầy đủ các quyền tự do như Hongkong từ thời thuộc Anh và cả khi độc lập, nhưng đảng PAP cầm quyền tuyệt đối kể từ khi lập quốc, họ vẫn có những động thái o bế chính trị để các đảng khác không thể chen chân vào nghị trường. Tức là Sing cũng không hoàn toàn được dân chủ như phương Tây, nhưng vẫn hơn Hongkong thời thuộc địa.

Các nước đã từng hoặc đang có dân chủ phi tự do là Ấn Độ thời còn theo kinh tế kế hoạch (nhà Gandi), Nam Mỹ giai đoạn cánh tả cầm quyền (dễ thấy nhất là Venezuela) và điển hình nhất là Nga và Campuchia sau năm 91 đến nay. Ở các nước này, dân chúng được bầu cử tự do, có chế độ đa đảng, nhưng đảng cầm quyền vẫn kiềm chế sự tự do bầu cử 1 cách tương đối và họ bị thiếu rất nhiều quyền tự do mà điển hình nhất là thiếu tự do kinh tế (nhiều nước theo kinh tế kế hoạch hoặc tư bản thân hữu). Đa số các quyền tự do của họ là mang tính giả cầy, bề ngoài. Cũng có thể nói là các nước này có dân chủ không đầy đủ.

Có thể đánh giá tổng quan là các nước có tự do trước khi có dân chủ thì thường có kinh tế phát triển hơn là các nước có dân chủ trước tự do.

Ví dụ điển hình là Hàn quốc và Đài Loan thời độc tài là 1 dạng tự do phi dân chủ (tất nhiên tự do không đầy đủ, nhưng có tương đối, đặc biệt là có tự do kinh tế). Đến thập kỷ 197x họ mới dân chủ hóa và có bước nhảy vọt về kinh tế. Hiện nay họ có nền dân chủ tự do gần như phương Tây.

Còn các nước có dân chủ trước tự do là Ấn Độ, Campuchia, Nga, rõ ràng nhất là 2 nước đầu tiên được dân chủ “rơi vào đầu”. Ấn Độ được Anh trả độc lập, Campuchia được LHQ can thiệp để thoát CS, Nga được DC do LX sụp đổ. Hậu quả là các nước này đều có dân chủ giả cầy và kinh tế èo uột, Ấn Độ thì hơn chục năm gần đây mới có tự do kinh tế để có khởi sắc.

Lịch sử hình thành chế độ dân chủ kèm tự do ở các nước phương Tây đều cho thấy tự do là thứ được có trước 1 thời gian dài, rồi mới tiến tới dân chủ. Ví dụ rõ nhất là ở các nước Anh, Mỹ, Pháp.

Ở Anh và Mỹ thì CNTB phát triển rất sớm nhờ vào tầng lớp thương gia được tự do kinh doanh, từ đó xây dựng nên tầng lớp trung lưu đông đảo và họ đã gây sức ép lên chính quyền để ép buộc chính quyền phải chia sẻ quyền lực cho nhân dân. Ở Anh, ban đầu là vua chia sẻ quyền lực cho quý tộc (Viện Nguyên lão tức Thượng viện sau này) rồi sau đó quyền lực thuộc về Hạ viện (giới bình dân), nhà vua chỉ còn tính biểu tượng. Ở Mỹ thì giai cấp trung lưu lãnh đạo dân lật đổ chế độ thực dân.

Nhưng nước Anh mất khoảng 300 năm để vua bắt đầu chia sẻ quyền lực cho quý tộc cho đến khi phụ nữ Anh được đi bầu vào năm 1930, tức là mới có quyền dân chủ đầy đủ.

Ở Mỹ, năm 1824, 48 năm sau khi giành độc lập, thì mới có 5% dân số trưởng thành của Mỹ được quyền bỏ phiếu. Phụ nữ Mỹ được bầu cử vào năm 1920 và đến thập kỷ 197x thì người da đen mới được đi bầu, tức là Mỹ mới có dân chủ khá đầy đủ.

Dẫn lịch sử như vậy không có nghĩa là nước nào sau này cũng phải mất 300 hay 200 năm mới từ phong kiến hay thuộc địa thành dân chủ (bò đỏ hay bẻ lái như vậy để biện minh cho sự duy trì độc tài). Bởi vì thực tế Hàn Quốc và Đài Loan chỉ mất hơn 20 năm để từ độc tài thành dân chủ với nền tảng không khác VN là mấy. Còn Thái Lan và Nhật thì có dân chủ theo mô hình Anh mà không cần cuộc cách mạng nào (tức là tự diễn biến). Chính Anh và Mỹ đều phải có cách mạng.

Còn nước Pháp, chế độ chuyên chế độc đoán duy trì ở đây lâu hơn ở Anh khá nhiều, kể cả sau cách mạng Pháp xảy ra khá sớm (1789). Cuộc cách mạng cũng tạo ra 1 chế độ dân chủ phi tự do và nhanh chóng bị dập tắt, thay thế bằng chế độ chuyên chế tổng tài của Napoleon.

Chính vì Pháp thiếu dân chủ hơn Anh, nên các thuộc địa Pháp cũng thiếu dân chủ hơn Anh và đến khoảng 194x thì phụ nữ Pháp mới được đi bầu.

Nhưng, ở VN, người Pháp cũng đã copy mô hình dân chủ của mình sang vào giai đoạn thuộc địa. Nam Kỳ được hưởng dân chủ sớm hơn cả ở VN, vì được hưởng pháp luật gần như ở Pháp. Từ cuối thế kỷ 19, dân Nam Kỳ cũng đã được hưởng nền dân chủ hạn chế gần như ở Pháp. Đó là những người giàu, công chức, quân nhân đã được bầu cử hội đồng Nam Kỳ và hội đồng tỉnh.

Đây là cơ quan tư vấn cho chính quyền thuộc địa, giống như HĐND và QH hiện nay. Ban đầu thì quyền lực cũng hạn chế và thành viên hội đồng phải đa số là Tây, nhưng cũng chỉ chiếm tối 75%, vẫn ít hơn tỷ lệ đảng viên trong QH hiện nay. Người Pháp đương nhiên nắm chính quyền Nam Kỳ và nắm quyền “cố vấn” (gián tiếp nắm quyền) ở Bắc và Trung Kỳ, các TP nhượng địa HN, HP, ĐN thì quy chế như Nam Kỳ.

Vào thời Quốc gia VN thì tỷ lệ đó đảo ngược lại, người Việt trực tiếp nắm quyền hành chính và chỉ có 25% là dân biểu người Pháp.

Ở chế độ thuộc địa, người dân vẫn có quyền tự do tương đối, đặc biệt là tự do kinh tế, báo chí và xuất bản. Các quyền tự do không bị bóp nghẹt như dưới chế độ CS sau này.

Lịch sử dài dòng bên trên cho thấy, tự do luôn phải có trước dân chủ thì mới đúng quy trình. Nếu quy trình bị đảo ngược, thì dân chủ là giả tạo. Ví dụ gần gũi chính là nền dân chủ có được do CM tháng 8. Nó quá mong manh. VNCH cũng là nền dân chủ được rơi vào đầu chủ yếu do Pháp rồi Mỹ tác động, nên nó nhanh chóng biến thành tự do phi dân chủ. Tuy nhiên, đây là chính quyền thời chiến nên không phải là ví dụ chuẩn xác.

Như vậy, có thể kết luận được con gà hay quả trứng phải có trước. Tự do phải có trước dân chủ. Bởi vì, khi có tự do thì tầng lớp trung lưu sẽ dần dần nâng cao dân trí và có thể tích lũy kinh tế, nhờ đó mà gây sức ép được với chính quyền để chính quyền phải chia sẻ quyền lực. Tầng lớp trung lưu càng đông và mạnh thì quyền lực nhà nước càng giảm sút và đó là mầm mống của dân chủ.

Nhưng dưới chế độ CS thì sao?

Chế độ CS là chế độ toàn trị, nó triệt tiêu cả tự do lẫn dân chủ. Vì dân không có quyền tự do ngôn luận, không được tự do báo chí, xuất bản và giáo dục, chỉ được có thông tin 1 chiều, nên dân chỉ có tư duy 1 chiều. Vì thế người dân bị triệt tiêu khả năng phản biện và KHÔNG CÓ kiến thức về khoa học chính trị, hiểu lệch lạc về pháp luật và kinh tế vĩ mô, lịch sử. Nói cách khác là dân trí thấp về kiến thức kinh tế, chính trị, triết học và lịch sử. Mục tiêu là để không thể có tổ chức ngoài đảng nào mà có hiểu biết chính trị hòng cạnh tranh quyền lãnh đạo với đảng CS.

Làm thế nào để có thể nâng cao dân trí khi chính quyền cố tình ngu dân thông qua cấm đoán các quyền tự do?

Chỉ có cách duy nhất là tự học, tự khai trí thông qua giáo dục gia đình, du học và qua các kênh thông tin phi “chính thống”. Giai đoạn trước đổi mới thì điều này là khó, chỉ trông vào GD gia đình, cũng hạn chế. Nhưng hiện nay khả năng tự đào tạo khá đơn giản, nhờ mạng xã hội. Tất nhiên tự đào tạo sẽ rất chậm vì nguồn lực quá ít, nhưng còn hơn không. Qua đó, người dân có thể gây sức ép với chính quyền y như người Anh đã từng làm với vua từ mấy trăm năm trước mà không nhất thiết phải lật đổ chế độ quân chủ.

Việc này là khả thi, vì hiện tại chính quyền đang trên quá trình buộc phải thu hẹp phạm vi quản lý. Về logic, chính quyền càng nhỏ, thì PĐ càng đông, tức là DC sẽ gia tăng. Bởi vì nếu không thu hẹp thì chính quyền sẽ tự sụp đổ do phải ăn thịt chính mình. Quá trình đó có tiến độ nhanh hay chậm chính là phụ thuộc vào việc gia tăng dân trí về kinh tế, chính trị, pháp luật của người dân nhanh hay chậm. Điều đó phụ thuộc vào mỗi cá nhân và trí thức sẽ là đầu tàu.

Vậy quy trình nào để đi tới DC?

Mình cho là quy trình theo lịch sử nền DC phương Tây là không thể đảo ngược. Tức là dân chủ sẽ phải có cho tầng lớp tinh hoa trước, dần dần mở rộng cho tầng lớp trung lưu, rồi tới toàn dân. Chi tiết thế nào thì là câu chuyện dài khác và nên bắt đầu từ xã hội dân sự, quyền lập hội, công đoàn độc lập, tự do giáo dục và xuất bản.

Bài Mới Nhất
Search