T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nước mắt của ai?

(Nguồn: Báo Tiếng Dân)

Đoàn Bảo Châu

Xin hãy đọc bằng cả con tim chứ đừng đọc hời hợt.

Mấy ngày qua, sau khi đọc cái kết luận thanh tra về những sai phạm của quan chức TP HCM ở Thủ Thiêm, tôi rơi vào trạng thái bí bách, bực bội.

Lý do là bởi tôi đã viết khá nhiều về Thủ Thiêm nơi sai phạm của quan chức khiến mấy vạn người của 15.000 hộ dân rơi vào cảnh khốn cùng trong suốt 20 năm qua.

Viết lại tôi sợ rằng mình sẽ lặp lại cùng một giọng văn thống thiết, thương xót những nạn nhân, căm thù bọn cướp ngày dưới cái mác cán bộ. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng dẫu có phải nhắc lại 1000 lần thì vẫn phải làm.

Chúng ta, những người có tự cho mình có khả năng viết lách, ta có thể tặc lưỡi viết hay không viết, ta có thể cho phép mình đắm chìm trong một bài luận đẫm nước mắt đau xót, cuộn trào máu căm thù bọn cán bộ đểu, nhưng khi bài luận kết thúc, ta lại xem phim với con, nâng li bia chén rượu cùng bạn bè và nỗi đau và lòng căm thù kia đã được bộ phim hay bia rượu rửa trôi.

Có thấy xấu hổ với chính mình bởi cái nỗi đau xót kia, lòng căm thù kia có vẻ như là một thứ giả tạo cốt để tô mầu rằng ta đây cũng biết đau với nỗi đau đồng loại.

Rồi vài trăm, vài triệu kêu gọi ủng hộ bà con như thể một loáng mưa bóng mây trên mặt đất nứt nẻ toang hoác vì hạn hán lâu ngày, nước sẽ bị mặt đất nứt nẻ làm bốc hơi, phả lên hơi nước nóng bỏng, khiến cỏ cây vừa bừng tỉnh đón nhận lại rũ gục quằn quại.

Cảm giác bất lực xâm chiếm trong tôi và tôi chẳng biết phải viết gì để lột tả hết được sự khốn nạn của những thằng cán bộ lưu manh, những con quỷ uống máu dân, nhai nuốt xương thịt của mấy vạn người dân.

Nếu không đặt mình vào hoàn cảnh của họ, chỉ gõ mấy câu cảm thán, kêu gọi mấy đồng từ thiện thì tôi sẽ cảm thấy mình không phải là một con người với đúng nghĩa đẹp nhất của từ này. Vậy phải làm gì nếu không phải là bền bỉ tố cáo sự dã man của bọn cướp ngày?

Câu chuyện ở Thủ Thiêm còn hơn là tham nhũng, tham nhũng thông thường là lấy tiền từ ngân quỹ, hành động ấy sẽ làm chậm phát triển của đất nước, cũng là máu, là thịt là xương của dân nhưng của gần 90 triệu người dân (không có đảng viên, cán bộ nhé) nên sự đau đớn không trực tiếp tập trung cho một số nạn nhân. Sự tham nhũng ấy không dã man như ở Thủ Thiêm, nơi mấy vạn người dân bị hất ra đường. Họ không chết ngay mà còn hy vọng tìm được công lý, để mấy chục năm qua họ khản cổ rát họng gào thét tố cáo, gào thét bầy tỏ sự căm phẫn và đau đớn của những người bị cướp một cách trắng trợn.

Cuộc đời chỉ có mấy chục năm, họ đã tốn 20 năm và còn nhiều hơn nữa để gào thét và đa phần cán bộ đều giả điếc không nghe thấy, giả ngu không hiểu hay chỉ buông mấy lời an ủi hay hứa hẹn đểu giả.

Và điều đáng buồn hơn nữa là những người dân khác chỉ quan tâm tới câu chuyện đẫm nước của họ một cách hờ hững. Điều đáng buồn là đa phần con người ở xứ xở này chỉ thực sự quan tâm tới công lý khi chính thân xác của họ bị dày vò, khi người nhà hay bản thân họ phải chịu bất công, khi ngôi nhà mảnh đất của họ bị cướp. Đấy là một sự vô cảm hèn hạ và ích kỉ, y như cái clip đôi nam nữ bị tai nạn lúc 3 giờ sáng, người qua đường đứng bình luận, mặc kệ đồng loại một kẻ chết, một kẻ bị thương đang lê lết trên hè đường. Đừng mang mấy cái ví dụ bị người nhà nạn nhân đánh nhầm ra để biện minh cho sự hèn hạ. Cứ lý luận kiểu ấy thì cuộc đời này còn điều gì đẹp đẽ để đáng sống nữa?

Đã có nhiều bài biết với đầy đủ với những dẫn chứng số liệu về sai phạm ở Thủ Thiêm, tôi xin không nhắc lại. Tôi viết ở đây chỉ để muốn nói duy nhất một điều rằng chúng ta cần quan tâm hơn nữa tới những vụ việc cướp trắng trợn thế này. Câu chuyện Thủ Thiêm chưa xong thì đã có Đồng Tâm, Văn Giang, Vườn Rau Lộc Hưng và mới đây là ở Biên Hoà, Đồng Nai, cả một xã bị xoá xổ, bị doanh nghiệp câu kết với chính quyền, “đền bù” cho dân chỉ với giá trị xấp xỉ 1/500 giá trị doanh nghiệp bán ra.

Chính quyền này vẫn tự xưng là chính quyền “do dân vì dân” nhưng những gì xảy ra thì có thể nói rằng họ đang nhai xương dân, nuốt thịt dân, uống máu dân. Tất nhiên, không phải là toàn bộ chính quyền như vậy, nhưng nếu công luận không quan tâm đủ, lương tri không cất tiếng nói và với mặt bằng đạo đức của quan chức như ngày nay, sự cướp bóc sẽ còn trắng trợn hơn nữa và số nạn nhân sẽ còn đông hơn nữa.

Nước mắt Thủ Thiêm không chỉ là nước mắt Thủ Thiêm, ấy là nước mắt của tất cả mọi người có lương tri trên mảnh đất chữ S này.

Bài Mới Nhất
Search