T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Con Người và Cuộc Sống (hiện đại)

Sóng – Tranh: Mai Tâm

1.

Tôi may mắn là một trong số hiếm hoi những người ưa thích công việc làm kiếm sống của mình. Điều thú vị nhất trong những điều thú vị của công việc là thỉnh thỏang tôi được sở cử  đi công tác ở những thành phố nhỏ phụ cận. Những chuyến đi đó luôn tạo cơ hội cho tôi được nhìn cuộc sống ở những góc cạnh đơn giản, trung thực, không che đậy, không màu mè, không đánh lừa (kể cả tự đánh lừa mình). Như dạo tháng 5 vừa rồi, tôi có dịp đặt chân đến thành phố Greensburg, cách Wichita (nơi tôi sinh sống và làm việc) khỏang 100 dặm về phía Tây. Chỉ vài ngày sau chuyến công tác ngắn ngủi mấy  tiếng đồng hồ ở Greensburg, một đêm mưa gió bão bùng, cơn gió xóay (tornado) quái ác đã cuốn sạch thành phố như đứa trẻ trong cơn giận dữ hất đổ sạch bát đũa trên bàn xuống đất (có lẽ vì vậy mà người xưa đã dùng chữ Trẻ Tạo Hóa để chỉ ông Trời chăng?). Để rồi những trang viết của tôi lại được là chứng nhân cho những ý tưởng rất thật:

“ . . . Cơn lốc 30 tháng 4 không cuốn chết nổi tôi thì chỉ có cơn lốc nào hung dữ hơn may ra mới làm cho trần gian này nhẹ bớt đi một người thừa nữa. Buổi trưa hôm đó, đứng từ một vị trí tuy xa nhưng đủ cao để tôi nhìn được bao quát thành phố vừa tạm thời bị xóa mã số (Zip Code) trong danh sách nhận thư của bưu điện thành phố, tôi không hiểu có một ranh giới thực sự giữa sống và chết, giữa xây dựng và hủy hoại hay không. Mới hôm trước, trong một chuyến công tác ngắn ngủi tại thành phố chết mà tôi đang đứng trước mặt, tôi còn đi bộ tới lui mấy con đường bây giờ đã mất dấu nhìn không ra, còn giơ tay chào hỏi vài cư dân lớn tuổi bước ra từ cửa hàng cà phê duy nhất của khu phố. Nhà cửa, phố xá đã bị biến mất rồi nhưng trong số hơn chục người chết và mấy chục người bị thương phải nằm bệnh viện có những ông gìa tôi gặp hôm trước không? Và, nếu như, cơn lốc xóay hôm qua ngừng lại trên đầu tôi (với vị trí là một chấm rất nhỏ trên bản đồ thành phố), ai trong số những ông gìa mà tôi chào hỏi hôm trước sẽ đứng vào vai trò của tôi hiện giờ, và tự hỏi trong số người chết vì gió xóay liệu có gã đàn ông người châu Á lạ mặt xuất hiện trên đường phố cổ kính chưa hề biết đến bóng dáng của bất cứ người châu Á nào hay không? . . . “ (T.Vấn – Cơn bão dữ tháng 5 và tôi)

Tất nhiên là gã  đàn ông châu Á lạ mặt  ấy chưa bị lốc cuốn đi, để một buổi chiều thứ sáu chớm thu của tháng 10 vừa rồi  lại đập những bước chân háo hức của mình trên một thành phố khác, cũng cách Wichita hơn 100 dặm và lần này thì ở phía Đông, phía của mặt trời mọc. Qua tấm bảng nhỏ bằng đồng đen gắn trên một bức tường bên hông tòa thị chính, tôi biết được số tuổi của thành phố vốn gìa gấp đôi tuổi tôi. Vẻ cố kính tóat ra từ từng nét kiến trúc ở khu vực downtown, ở những viên gạch lót trên con đường chính Main Street (cái tên quen thuộc mà du khách sẽ bắt gặp tại bất cứ downtown nào của các thành phố nước Mỹ), và cả ở nét thân thiện, chân tình của cư dân đang nhàn tản hưởng cái không khí thanh bình một buổi chiều cuối tuần. Vì đã cố ý thu xếp mọi chuyện để có thể có mặt tại địa điểm công tác sớm cả tiếng đồng hồ, nên tôi đã lợi dụng thời gian “ăn chận” ấy để thả bước chân trên những hè phố, vừa đi vừa ngắm nhìn những cửa hàng buôn bán, những quán xá, những khuôn mặt gìa trẻ qua lại. Với tôi, đi dạo trên đường phố vào buổi chiều là một cái thú tuyệt vời, nhất là sau khi đã được nghỉ ngơi chút đỉnh sau giờ làm việc, đã được tắm rửa sạch sẽ và mặc trên người bộ quần áo vừa được là ủi tươm tất. Không khí đầu mùa thu vừa đủ lạnh để tôi phải kéo cao cổ áo, càng làm ấm áp thêm cảm gíac hạnh phúc được là thành viên của một quần thể những con người hiền hòa thân thiện chung quanh, những con người của một thành phố tỉnh lẻ mà trên nét mặt của họ khi chào hỏi, tôi tin rằng họ đều đã quen biết nhau, và tất nhiên, phải lọai trừ gã đàn ông châu Á lạ mặt đang bước những bước chân thật chậm rãi, như sợ rằng nếu mình đi nhanh quá thì con đường sẽ ngắn lại, và cái hạnh phúc đang chóang ngợp trong lòng sẽ tan biến đi theo với sự tĩnh mịch của buổi chiều đang dần dần tắt lịm những giọt nắng cuối cùng.

Cuộc sống ở những thành phố lớn vốn chộn rộn, hối hả, nên những khỏanh khắc bình yên như thế này thật hiếm hoi, hầu như là không bao giờ có. Cái mê mải của những công việc phải làm trong ngày đã đóng khung con người phố thị vào những thói quen mà dần dà đã biến họ thành kẻ bị lệ thuộc mà họ vẫn không hề hay biết, cứ tưởng rằng đó là những vận hành cần thiết để cuộc sống có hơi thở của sự sống. Và kết quả, những con người bị lệ thuộc ấy, cứ loay hoay với những thứ gọi là bổn phận hàng ngày, như con chuột bạch loay hoay trên chiếc vòng quay trong chiếc lồng sơn son thếp vàng, cho đến một ngày nó không còn đủ sức mà chơi cái trò chơi nhàm chán ấy nữa. Trong thần thọai Hy lạp cổ có câu chuyện truyền thuyết về một vị vua tên Sisyphus đã dám thách đố quyền lực thống trị của Thần Zeus, tự cho mình là thông minh hơn hết thảy nên đã bị Thần của các vị Thần (Zeus) bắt phạt phải ngày ngày lăn một tảng đá từ dưới một chân đồi lên đến đỉnh đồi. Hễ tảng đá vừa được Sisyphus đẩy lên mấp mé đỉnh đồi, nó lại vuột khỏi tay của Sisyphus, lăn xuống về  vị trí cũ. Cứ thế, ngày lại ngày, năm lại năm, thiên niên kỷ lại thiên niên kỷ, ông vua Sisyphus tội nghiệp phải làm đi làm lại công việc vô vọng ấy. Từ đó, người ta thường dùng điển tích vua Hy lạp Sisyphus để diễn tả cái vô vọng của những thói quen nhàm chán được lập đi lập lại hàng ngày của đời sống. Cũng may, như Sisyphus, chúng ta đã không nhận ra điều “tuyệt vọng” ở cuối ngày khi nằm xuống nhắm mắt tìm  một giấc ngủ nghỉ ngơi, lấy lại sức cho ngày mai lại bắt đầu công việc lăn tảng đá lên đỉnh đồi. Nếu không, chắc là có khối kẻ tự tử.

Thực ra, trong lúc háo hức ghi chép từng khỏanh khắc tuyệt vời của một buổi chiều êm ả nơi thành phố nhỏ xa lạ vào trong từng tế bào não bộ của mình, tôi đã nhận ra cái vô lý của sự sợ hãi những đổi thay trong cuộc sống hàng ngày của mình, của những người chung quanh. Một sự việc xảy ra nào đó, đi chệch thời khóa biểu cố định của ngày làm việc, hay tệ hơn làm xáo trộn cái “quy củ” đã được thiết lập từ nhiều năm, luôn luôn làm cho người ta khó chịu, bực bội. Chúng ta gọi đó là mầm mống bất an, đang có âm mưu phá vỡ cuộc sống an bình đang lặng lẽ trôi qua mỗi ngày. Dẫu nhàm chán lặng lẽ, nhưng quen thuộc và an bình, nên bản năng sợ sự thay đổi đã chiến thắng, và cứ thế, trói buộc con người vào vòng luẩn quẩn không thể dứt ra được. Như con chuột bạch trên chiếc vòng quay muôn thuở. Như anh chàng Hy lạp Sisyphus vã mồ hôi giữa lưng chừng đồi. Như những con người phố thị sáng sáng cần mẫn đến sở làm, buổi chiều lại lê tấm thân xác mệt mỏi trở về nhà với những công việc chờ sẵn, và tâm trạng mong cho ngày thứ sáu hàng tuần đến nhanh, cầm tờ ngân phiếu lương đi ký thác ở ngân hàng, lâng lâng với ý nghĩ được ngủ nướng buổi sáng thứ bảy và cuộc gặp gỡ bên bàn rượu cuối tuần với dăm ba người bạn thân sơ. Để rồi sáng sớm ngày thứ hai lại uể ỏai bắt đầu vòng quay mới cho đến một ngày nào đó không còn sức để thức dậy nữa.

2.

Trong cảm giác ngầy ngật vì hạnh phúc bắt gặp thật bất chợt giữa một không gian xa lạ, tôi nghĩ đến việc chia sẻ niềm vui đơn sơ mà hiếm hoi ấy với một người bạn thân. Đứng dựa lưng vào cái đồng hồ to tướng ngạo nghễ ngay giữa phố, tôi nghe rõ mồn một tiếng chuông điện thọai bên kia đầu dây reo nhiều lần, rồi một giọng nói máy móc vô hồn cho tôi biết rằng chủ nhân của nó hiện đang bận không thể trả lời điện thọai được, tôi có thể để lại lời nhắn nếu muốn. Anh chàng này là một mẫu người bận rộn suốt ngày, lúc nào cũng kè kè bên mình cái điện thọai, vật bất ly thân của anh ta. Thường thì hiếm khi nào tôi gọi cho anh ta mà không có sự trả lời. Vì thế, tôi hơi ngạc nhiên về sự “bất thường” ấy. Mãi mấy hôm sau, tôi mới biết rằng trong thời gian đó anh bạn thân của mình bị “ép buộc” đi tĩnh tâm 3 ngày ở một nhà dòng. Trước khi bước chân vào khu vực “chân không” ấy, người ta buộc anh phải bỏ lại bên ngòai tất cả những gì là biểu hiện của cuộc sống hiện đại: điện thọai di động, laptop, pager, quyển sổ ghi chép những việc phải làm trong ngày . . . Và tất nhiên, cả những lo toan trong đầu về các dự tính cho tương lai, những buồn phiền, thương ghét trong tim gây ra bởi những người trong quan hệ tiếp xúc hàng ngày. Thế là, một cách thật đột ngột, những người tham dự tĩnh tâm bị tước đọat hòan tòan thế giới quen thuộc của mình và bị ném vào một thế giới khác. Tôi có thể hình dung ra cảm giác hụt hẫng (vì bước giữa “chân không”?), trống vắng (vì không có những vật thể quen thuộc: laptop, điện thọai?) và câu hỏi nôn nóng trong đầu: làm sao con người ta có thể tồn tại được nếu không có những thứ thật cần thiết ấy hàng ngày? Xao xuyến ư? Bồn chồn ư? vô ích thôi. Giữa cái im lặng mênh mông của 4 bức tường tòa nhà tĩnh tâm, những tiếng kêu trầm thống ấy của con người hiện đại chỉ như viên sỏi nhỏ ném vào lòng đại dương hùng vĩ. Nó sẽ chìm nghĩm như hàng ngàn năm nay nó đã chìm nghĩm. Hãy tưởng tượng một người chết đi trong 3 ngày. Anh ta không còn tấm thân xác để cảm nhận sự sống quen thuộc, nhưng hồn anh ta lạc vào một thế giới thật mới lạ. Ở đó, mọi sự bắt đầu lại từ đầu mà tuyệt nhiên không có một chút gì dấu vết của quá khứ. Không kinh nghiệm, không vọng tưởng, không thành kiến, không cảm gíac yêu ghét đã định hình. Rồi 3 ngày sau, anh ta sống lại bằng cái xác phàm của mình. Giả sử như linh hồn anh ta còn ghi nhớ nguyên vẹn cảm thức trong 3 ngày anh ta sống trong thế giới nguyên sơ ấy, tôi tin rằng, giờ đây anh ta sẽ nhìn cuộc sống hàng ngày bằng một cái nhìn hòan tòan mới mẻ. Nhưng tôi e rằng, những điều anh ta kể lại về kinh nghiệm 3 ngày của mình, sẽ chẳng có ai nghe. Cuộc sống hàng ngày của mỗi người có những cái vòi quái ác của con bạch tuộc, một khi nó đã vươn cái vòi ra bám vào một khỏanh khắc nào đó trong dòng sống miên man bất tận, thì chắc hẳn không một ai có thể thóat ra được. Và những điều kể lại của một người vừa từ thế giới khác trở về, cũng chẳng gợi lên được cảm gíac háo hức muốn “thử một lần cho biết” của người nghe.

Ai cũng sợ phải lìa bỏ thế giới quen thuộc của mình. Cảm gíac sợ hãi ấy nó mãnh liệt hơn cả niềm khao khát muốn vươn tới những gì tốt đẹp hơn trong đời sống.

3.

Để nhìn một vật gì cho thật trọn vẹn với đầy đủ góc cạnh, người ta phải đứng từ xa, hay ở trên cao. Để nhìn cho kỹ cuộc sống hàng ngày cũng vậy, người ta phải ra khỏi nó. Nhưng ra khỏi bằng cách nào? như người bạn lúc nào cũng bận bịu của tôi “chọn” (hay bị ép?) sự “tự cô lập” vài ngày? hay như một anh bạn khác của tôi cứ đêm đêm ngồi khoanh tay khoanh chân nín thở đợi giờ hòang đạo xuất hồn lên đỉnh mùng, ngó xuống thấy cái xác phàm của mình khom khom nhắm nghiền đôi mắt trông đến tội nghiệp? hay may mắn như tôi, lâu lâu được dịp bứt ra khỏi những thói quen hàng ngày, những nơi chốn quen thuộc để đắm mình trong sự tịch mịch, hòa bản thể nhỏ bé của mình với thiên nhiên hùng vĩ mênh mông?

Nhưng, vấn đề còn là sau đó, người ta rút ra được những gì để có thể thay đổi những gì cần thay đổi cho cuộc sống riêng mình. Hay lại đâu vẫn hòan đấy, vẫn những thói quen chết người cũ được lập đi lập lại, với một ý thức mạnh mẽ về sự bất lực của chính mình, của con người hữu hạn.

Dầu vậy, tôi vẫn muốn chứng kiến sự bất lực của mình hơn là sống với ảo tưởng mình đang làm chủ đời sống.

Ít ra, tôi không bị chính mình đánh lừa.■

 

T.Vấn

(Trích CÕI NGƯỜI, sắp xuất bản)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search