T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Bàn tiếp chuyện hòa giải dân tộc

(Nguồn: Báo Tiếng Dân)

Tạ Duy Anh

Sau khi đăng bài VĂN HỌC VÀ SỨ MỆNH HÒA GIẢI DÂN TỘC, tôi đã nhận được nhiều sự đồng tình từ bạn đọc, cả trong và ngoài nước. Tuy thế cũng còn không ít ý kiến cho rằng tôi ảo tưởng; rằng khi còn chế độ cộng sản thì việc hòa giải dân tộc là không tưởng, mọi đề xuất đều chỉ vô ích.

Tôi tôn trọng tuyệt đối quan điểm cá nhân của người khác. Tôi chỉ muốn bàn tiếp chủ đề này theo cách suy nghĩ của mình (chưa có cơ hội nói trong bài trước).

Với tôi, quá trình hòa giải trong điều kiện Việt Nam sẽ diễn ra ở hai cấp độ: Hòa giải giữa Nhà nước hiện nay, với những người thuộc về Nhà nước Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975, và cấp độ hòa giải cao hơn là hòa giải giữa những người Việt.

Cấp độ thứ nhất tôi gọi là hòa giải chính trị, còn cấp độ thứ hai tôi gọi là hòa giải đồng bào.

Mặc dù mục tiêu tôi hướng tới là cấp hòa giải thứ hai, nhưng tôi không thể phớt lờ thực tế rằng, ở cấp độ hòa giải chính trị, nếu nó diễn ra một cách thực chất, sẽ tạo hiệu quả tích cực ngay tức thì và góp phần thúc đẩy quá trình hòa giải giữa các đồng bào Việt.

Chẳng hạn, bỗng hôm nào đó, Nhà cầm quyền hiện nay ra tuyên bố rằng, Tổ quốc Việt Nam, do các Vua Hùng lập ra, do các liệt tổ liệt tông gìn giữ suốt hàng ngàn năm, là của chung mọi con dân Việt, dù họ sinh sống ở đâu trên địa cầu này, không phân biệt giới tính, tôn giáo, nghề nghiệp, quan điểm chính trị; rằng bất cứ ai không gây hại đến người khác, không đe dọa tính mạng và quyền sinh sống bình yên của cộng đồng, đều mặc nhiên được quyền tự do đi lại, tìm nơi sinh sống trên toàn bộ lãnh thổ đất nước và mọi ngăn cản nào việc thực thi quyền hiến định đó đều bị nghiêm cấm… thì trường hợp như anh Nguyễn Hưng Quốc bị đuổi trở lại Úc khi đã về đến sân bay Nội Bài (tôi coi đó là một bi kịch văn hóa, bi kịch dân tộc) sẽ không xảy ra; chị Phạm Thị Hoài, anh Uyên Thao, anh Trần Phong Vũ, anh Mặc Lâm, anh Đinh Quang Anh Thái… những người bạn mà tôi kính trọng, có thể bay về Hà Nội uống bia hơi với bạn văn chương bất cứ lúc nào (tất nhiên là nếu các anh chị muốn).

Đất nước sẽ không phải mỗi năm dốc túi nhiều triệu USD cho việc trả lương đội ngũ an ninh trong và ngoài nước chỉ để theo dõi canh chừng những trí thức hàng đầu; thế giới khi đó sẽ ngả mũ Hello Vietnam nhiều hơn, tương lai đất nước vì thế sẽ tốt đẹp hơn.

Là nhà văn, đồng thời cũng là nhân chứng, là thủ phạm, là nạn nhân của một lịch sử chia cắt giữa những con dân Việt, tôi có nghĩa vụ phải gánh vác một phần trách nhiệm hòa giải. Tôi có quyền mơ điều đó lắm chứ. Và không chỉ mơ, ngay giờ phút này, tôi vẫn tha thiết kêu gọi, mạnh mẽ yêu cầu chính quyền hiện nay hãy hành xử cao thượng và trung thực, lời nói phải đi đôi với việc làm. Không thể cứ chơi mãi trò ban phát, biểu diễn trong chuyện hòa giải! Với tôi, không có người Việt nào là kẻ thù của đất nước, kể cả khi họ vẫn nuôi trong lòng niềm uất hận chế độ hiện hành.

Tôi biết còn nhiều người Việt ngoài nước, khi đọc đến đây sẽ nổi cáu nói rằng, “Mày nói cái gì đấy, ngay cả khi Nhà nước (của mày) dỡ bỏ mọi rào cản, chúng tao cũng không thèm về”. Tôi thấu hiểu và cảm thông sâu sắc với định kiến ấy. Lịch sử đã khiến người Việt đau thương đến mức mỗi người rời bỏ đất nước, đều có lý do chính đáng để quay về hay tuyệt tình tuyệt nghĩa với quê cha đất tổ.

Nhưng điều đó không ngăn được tôi vẫn rất sốc khi đọc trên trang cá nhân của một nữ nhà văn bạn bè rằng, khi nhà thơ Tô Thùy Yên biết người ngồi cạnh chị là thầy Hoàng Ngọc Hiến đáng kính của tôi, tác giả của bài thơ Trở về đã lịch sự xin phép bỏ ra ngoài (nói thẳng ra là không thèm gặp?). Rất tiếc là Tô Thùy Yên đã mất, vì thế không còn cơ hội để tôi hỏi ông: Vì sao ông lại hành động như vậy? Tôi rất muốn biết khi đó Tô Thùy Yên, một thi sĩ lớn, nghĩ gì về người đồng bào của mình, một nhà phê bình nổi tiếng và theo những gì tôi biết, rất hâm mộ ông? Nếu không phải là thầy Hoàng Ngọc Hiến, nếu không phải là Tô Thùy Yên, có lẽ tôi đã không đau buồn dai dẳng đến thế?

Chỉ cần nhìn MỘT VÀI CUỐN SÁCH MÀ TÔI TRƯNG BÌA RA DƯỚI ĐÂY, sẽ thấy có thể tôi hơi quá lạc quan nhưng chắc chắn không ảo tưởng như mọi người nghĩ. Cuộc chia rẽ dân tộc vẫn đang tiếp tục diễn ra, dưới muôn vàn hình thức, ngay trong lòng nước Việt. Nhưng tôi dám khẳng định, mọi thứ đang thay đổi. Chúng ta hãy cùng nhau khiến sự thay đổi diễn ra nhanh hơn.

Nhưng điều tôi muốn nói là có vẻ một số người đang quên mất rằng, ngay cả những kẻ đáng căm ghét nhất, cũng là đối tượng của cuộc đại hòa giải dân tộc. Hơn nữa, chế độ nào thì cũng chỉ là một chớp mắt, so với sự tồn tại mãi mãi của một Dân tộc, dù chế độ đó có khả năng sống sót cao đến đâu đi nữa (Chữ Dân tộc mà tôi dùng trong trường hợp này để chỉ những người có chung một cội nguồn địa lý).

Khi nói vậy, tôi không có ý nguyền rủa bất cứ thế lực nào, mà chỉ khẳng định tính quy luật của sự phát triển. Cờ đỏ hay cờ vàng, xét từ thực tế lịch sử nước Việt, rồi/sẽ chỉ là một thứ logo chính trị để nhận dạng chế độ! Hãy nhìn vào lịch sử tên các đường phố ở Việt Nam trong khoảng một trăm năm qua, cũng đủ cho chúng ta suy nghĩ về cái chốc lát và cái vĩnh cửu. Những tên tuổi rực rỡ hào quang một thời, bỗng chốc vào sọt rác trong chớp mắt và ngược lại? Lấy gì đảm bảo điều đó (và dù nhân danh điều gì thì cũng là bi kịch) không lặp lại?

Nhưng mảnh đất hình chữ S của chung mọi người Việt thì sẽ mãi trường tồn. Lịch sử đã xác quyết điều này. Chúng ta chỉ có một cội nguồn thôi. Vì thế, người Việt cần phải- và hoàn toàn có thể-hòa giải với nhau một cách phi chính trị.

Tôi mong muốn có thêm nhiều đồng nghiệp chia sẻ với tôi viễn kiến này và nếu không tán thành/không thể tán thành với ý kiến của tôi, cũng xin đừng miệt thị.

Bài Mới Nhất
Search