T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 160)

Truyện cực ngắn – Chiến tranh

Ði lính hơn ba năm, hắn khoe hắn đã bắn chết đúng tám tên địch. Sang Úc, mỗi lần nhậu ngà ngà, hắn lại khoe khoang thành tích ấy. Bạn bè không tin. Hắn cởi áo và xắn quần lên khoe: trên lưng và dưới chân hắn còn thấy rõ tám vết sẹo. Bạn bè hắn cười: “Ông bị tám vết thương đâu có nghĩa là ông giết được tám tên địch.”

Hắn vẫn khăng khăng: “Thì có gì khác nhau đâu?”

Nhà to…to nhà

Một dị biệt căn bản giữa tộc Hán và tộc Việt về phương diện ngôn ngữ là trong cú pháp thông thường người Việt đặt định từ sau bị định từ (mettre le déterminant après le détermmé). Ta nói: “Nhà tôi có sân lớn” thì Người Tầu nói: “Ngã gia hữu đại đình”.

Nói một cách khác, để so sánh, thì cú pháp của người Việt tương đương với cú pháp của người Pháp. Còn cú pháp của người Tầu tương đương với cú pháp của người Anh.

 (Thái Văn Kiểm)

Tiếng Việt mình quá,,,khó!?

 Miền Trung Việt Nam thường nói:

– Có ai tong nhà khôn?
– Có tôi. Ai hỏi chi đó

– Có vợ con tui tong ni khôn?
– Ai hỏi chi lạ rứa? Vợ con ông mô có ở đây?
– Vợ con đây nì!

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Nói điêu

Điêu chữ Hán là gian giảo, gian ngoa. “Nói điêu” là tiếng Việt vay mượn từ chữ Hán.

Ngay cả tiếng gọi của nhà nông cũng…vướng mắc và chữ Hán, như: Cái ách là miếng gỗ cong quàng lên lưng trâu bò để buộc vào cái cày.

(Đào Duy Anh – Hán Việt từ điển)

Hôn phu, hôn thê

Người trong nước dùng những chữ vô nghĩa như “hôn phu” và “hôn thê”.

Tiếng Việt chỉ có “phu” là chồng và “thê” là vợ. Nguyên chữ Hán là “vị hôn phu” (chồng sắp cưới) và “vị hôn thê” (vợ sắp cưới).

(Nguyễn Ngọc Phách – Chữ Nho & đời sống mới)

Chữ và nghĩa

Phiêu bạc – Người ta hay viết lầm ra phiêu bạt, không có nghĩa. Phiêu là trôi nổi không biết đi đâu, bạc là cái bến thuyền đậu.(Ngô Nhân Dụng – Phiếm khảo)

Cửa và ô

Thành có khi đắp bằng đất, có khi xây bằng gạch, cũng có khi bên ngoài tường đất. Ngoài tường thành, người ta còn đào hào rộng và sâu có cắm chông để cản trở được hơn nữa sự công phá của đối phương. Vòng ngoài cùng thường được đắp bằng đất và có trồng tre bên ngoài nên còn được gọi là lũy.

Vì thành có nhiều người ở, nên ngoài thành, tự nhiên phải hình thành một khu vực bao gồm đủ mọi thành phần dân cư như thợ thủ công, người khuân vác, khiêng võng, kiệu, thầy lang, thầy đồ v.v. ở ngoài các phố. Khi xưa nói đến thànhthị (chợ) hay thànhphố (phố chợ như thành Bắc Ninh, thành Sơn Tây, thành Nam Ðịnh v.v.) Khu thị rộng hơn nhiều, bao gồm nhiều khóm phố thành phố chợ. Vòng ngoài, như trên đã nói, thường được gọi là lũy.

Những nơi có cả thành lẫn lũy thì lối ra vào thành được gọi là cổng hay cửa, cửa đông, cửa nam…

Lối ra vào chỉ có lũy không thôi thì lại được gọi là ô như ô Cầu Giấy, ô Cầu Dền…

(Nguyễn Khắc ÐạmThành lũy, phố phường trong lịch sử)

Giai thoại làng văn

Theo Đại Nam Liệt Truyện: “Nguyễn Du là người tự phụ, song bề ngoài tỏ vẻ cung kính, mỗi lần vào chầu vua thì ra dáng sợ sệt như không biết nói năng gì…”

Năm 1820, Minh Mạng lên ngôi, cử ông đi sứ lần nữa, nhưng lần này chưa kịp đi thì ông đột ngột qua đời. Đại Nam Liệt Truyện viết: “Đến khi đau nặng, ông không chịu uống thuốc, bảo người nhà sờ tay chân. Họ thưa đã lạnh cả rồi.

Ông nói: “Được” rồi mất; không trối lại điều gì.”

Hát bội hay hát bộ

Người Tiều (Minh Hương) vì hoài cố quốc nên tối tối thường qua nhà nhau hát vài khúc ngắn, múa may theo điệu bộ của những tuồng tích cũ từ bên Tầu nên kêu là “hát bộ”.

Theo cụ Vương Hồng Sển thì có khi kêu là “hát bội”, nhưng vì nhóm diễn viên lúc ấy đa số là thợ bạc. Họ kiêng cử hai chữ “bội” và “bạc” nên họ đổi thợ bạcthợ vàng. Và hát bộihát bộ.

Cụ cử Trịnh vịnh hát bội: “Hèn chi chúng nói bội là bạcBôi mặt đánh nhau cú lại thoi “.

(Vương Hồng Sển)

Chữ nghĩa trong câu đối

“Xuất đối dị, dị đối nan” hiểu theo nghĩa là Ra đối dễ, đối lại khóthế nên từ cổ chí kim, từ Bắc vào Nam chưa ai đối chỉnh dăm ba câu đối dưới đây:

– Da trắng vỗ bì bạch

– Vợ cả, vợ hai, hai vợ đều là vợ cả

– Gái Củ Chi chỉ cu hỏi củ chi

(Nguyễn Kiến Thiết – báo Thời Báo)

Báo chí miền Nam 54-75

 Ngoài Thanh Nam, Hoàng Hải Thủy vào Nam trước. Năm !954 Thanh Tâm Tuyền ra báo ngay trong trại tiếp cư thì ngay từ năm 1956, tuần báo Văn Nghệ Học Sinh mà tòa soạn ở đường Trần Hưng Đạo do một nhóm văn sĩ thi sĩ 15, 16 tuổi vừa cà phê, thuốc và làm báo là Nguyễn Thụy Long (Mạc Lan Giao), Đỗ Qúy Toàn (Đỗ Quý), Lê Đình Điểu (Lê Phi Điểu), Lê Tất Điều, (Ái Nhân), Dương Nghiễm Mậu (Hương Việt Hương), Viên Linh, Tú Kếu (Hoàng Bình Sơn)..v..v…

Nhờ hệ thống báo chí phát triển, quần chúng độc giả đông đảo đủ mọi thành phần. Tổng quát về báo chí, thành phần nhà báo, biên tập, bình luận thì quá nhiều và họ là những người viết chuyên nghiệp (feuilleton). Ngoài ra phóng viên và nhiếp ảnh báo chí miền Nam 54-75 khá đông như Nguyễn Hoàng Đoan, Vũ Ánh, Đỗ Ngọc Yến, Lý Dại Nguyên, Đường Thiên Lý, Lê Thiệp, Dương Phục, Nguyễn Tiến Sơn, Lê thị Bích Vân, Anh Điển, Nguyễn Tân Dân, Chóe Nguyễn Hải Chí, Nguyễn Tú, Điệp Mỹ Linh, Nguyễn Bá Quyền, Hùng Phong, Nguyễn Tuyển, Thục Viên, Triều Giang, Chu Vi Thủy, Dương Phục, Lê Phú Nhuận, Vũ Ngọc Long, Trùng Dương, Nguyễn Kinh Châu, Nguyễn Quý, Nguyên Thanh, Ngy Thanh, Đoàn Kế Tường, Phan Nhật Nam, Trần Ngọc Tự, v..v..

Tiếng Việt mình… khó quá!?

Miền Trung Việt Nam thường dùng từ “nẫu”.
Nẫu có nghĩa là họ, người ta, chúng nó… (ngôi thứ 3 số nhiều)

Có ai rành về từ này hông?

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Viết văn, viết báo

Theo William Zinser, lịch sử báo chí cho thấy ngành viết không hư cấu đã trở thành văn chương mới và báo là loại văn chương mới và văn chương hay.

Người viết văn hay viết báo căn bản chỉ là người kể chuyện. Nhà văn kể chuyện ngắn, truyện dài qua sách. Nhà báo tường thuật sự việc trên báo. Nếu văn là chữ viết được trau chuốt, thì viết văn, viết báo đều là văn chương, là nghệ thuật. Và đừng quan tâm đến việc được gọi là nhà văn hay…nhà báo.

(Vũ Thụy Hoàng – Múa bút)

Ca dao trữ tình

Cơm chín tới, cải vồng non, gái một con, gà nhảy ổ.
Cau phơi tái, gái đoạn tang, chim ra ràng, gà mái ghẹ.

Văn Nam, văn Bắc

Quan sát sinh hoạt, còn thấy người Nam chịu ảnh hưởng Tầu rất rõ, nhưng là Tầu bình dân, như thích màu sắc thật tươi: xanh, vàng, đỏ. Nhiều món ăn gốc Tầu. Ngôn ngữ của người bình dân Nam bộ một mặt hết sức nôm na, chất phác ( ruột, vỏ xe, hộp quẹt…vv…) một mặt lại hay pha chữ Hán (nóc gia, con lộ, quá giang, khổ qua, đau bao tử, làm đại đi..v…v…). Chùa chiền đặt ngay bên đường cái, quét vôi xanh xanh đỏ đỏ. Tượng Phật Bà đứng, nằm lồ lộ không kín đáo gì cả.

Tiểu thuyết Tầu (Tam quốc, Thuỷ hử, Chinh Đông chinh Tây…) và các loại truyện võ hiệp Tầu ảnh hưởng rất sâu vào văn chương Nam Bộ. Nhiều cây bút đầu thế kỷ XX phỏng theo truyện Tầu, viết về Phàn Lê Huê, Tiết Nhân Quý, Tiết Đinh San, v v.. Tiểu thuyết của Bửu Đình, Phú Đức thì bao giờ cũng xen vào những pha võ hiệp ly kỳ, giật gân. Các nhân vật tiểu thuyết Tầu còn nhập hẳn vào văn chuơng bình dân Nam Bộ thành nhân vật trong vè, dân ca…

Miền Bắc cũng ảnh hưởng Tầu nhưng không phải văn chương bình dân, tiểu thuyết bình dân, mà khai thác văn chương bác học, đặc biệt là thơ Đường, thơ Tống…Như thế là, về sự tiếp nhận văn hoá Trung Hoa, từ Bắc vào Nam, vẫn có sự khác biệt.

(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

Văn hóa

Từ văn hóa có rất nhiều nghĩa khác nhau:

Theo nghĩa hẹp và thông dụng chỉ học thức, trình độ văn hóa…

Văn hóa theo nghĩa rộng chỉ những kiệt tác, tư duy, sáng tạo của con người về tư tưởng, học thuật (văn học nghệ thuật, khoa học, giáo dục). Tín ngưỡng, phong tục tập quán của dân tộc này khác với với dân tộc khác.

Từ văn hóa Đông phương “văn” có nghĩa là vẻ đẹp hay có giá trị.

(Trần Ngọc Thêm – Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Chữ nghĩa của một nhà văn học thời danh ở Hà Nội:

“Chớ dại mà hợm mình nói hết ra những gì mình biết, phải học “giả ngu” thì mới khôn ra được.

Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao

Từ điển thuật ngữ văn học gọi chơi chữ là “lộng ngữ” và giải thích là một biện pháp tu từ có đặc điểm: người sáng tác sử dụng những chỗ giống nhau về ngữ âm, ngữ nghĩa, văn tự, văn cảnh để tạo ra sự bất ngờ thú vị trong cách hiểu, trong dòng liên tưởng của người, người nghe.

Các hình thức của lộng ngữ rất phong phú, trong đó có:nói lái, dùng từ đồng âm hoặc gần âm, dùng từ gần nghĩa, tách một từ thành các từ khác nhau.

Dân gian đôi lúc dùng một tiếng Việt đồng nghĩa với một từ Hán Việt để chơi chữ:

 răng nói thật đi nha

Lúc trăng đang tỏ thì hoa đang thì.

Nha” là từ Hán Việt tương đương với từ thuần Việt “răng“!

(Trần Minh Thương – Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao Việt Nam)

Am, miếu, đền

– Ðình là nơi thờ thành hoàng đồng thời là nhà chung của làng xã.
– Miếu dành cho các thần được thờ cúng đều đặn, liên tục;
– Ðền, phủ là nơi thờ cúng của đạo giáo;
– Chùa hay am là nơi thờ cúng của Phật giáo.

(Tạ Chí Đại Trường –  Thần, người và đất Việt)

 

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search