T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan Tấn Hải: Thơ Như Lời Kêu Cứu

Abraham Sutzkever (1913 –2010)

 

Abraham Sutzkever (1913 –2010) là một thi sĩ nổi tiếng trong ngôn ngữ Yiddish – một tiếng nói sử dụng trong các cộng đồng Do Thái ở Trung Âu và Đông Âu thời kỳ trước Holocaust, cuộc diệt chủng bằng các lò thiêu do Đức phát xít thực hiện. Báo The New York Times viết rằng Sutzkever là nhà thơ vĩ đại của trận diệt chủng Holocaust.

Sutzkever sinh ngày 15/7/1913, tại Smorgon, Vilna Governorate, thuộc Đế Quốc Nga, bây giờ là quốc gia Belarus. Trong Thế Chiến 1, gia đình ông dọn sang Omsk, Siberia, nơi đó thân phụ ông là Hertz Sutzkever từ trần. Năm 1921, mẹ ông đưa cả gia đình sang định cư ở Vilnius, nơi đây Sutzkever vào trường giành cho trẻ em gốc Do Thái. Những bài thơ đầu tiên của ông viết trong tiếng Hebrew, một cổ ngữ  dùng trong Kinh Thánh và Do Thái Giáo và rồi chuyển hóa để trở thành quốc ngữ của nước Israel thời mới.

Báo The Jerusalem Post trong ấn bản ngày 28/7/2019 có bài viết tưởng niệm thi sĩ Sutzkever, ghi nhan đề bài với câu nói của ông: Thơ đã cứu đời tôi.

Ruth Wisse, học giả về ngôn ngữ Yiddhish, nói rằng có thể xem cuộc đời của Sutzkever từ khởi đầu cho tới cuối và đó chính là những khoảnh khắc bi kịch nhất trong lịch sử dân Do Thái trong thế kỷ 20.

Sutzkever kết hôn với Freydke trong năm 1939, một ngày trước khi Thế Chiến 2 bùng nổ.

Năm 1941, sau khi Đức phát xít chiếm Vilnius, Sutzkever và vợ bị đầy vào khu phố tập trung Vilna Ghetto. Sutzkever và các bạn giấu một cuốn nhật ký của Theodor Herzl, những bản vẽ của họa sĩ Marc Chagall và Alexander Bogen, và các tác phẩm quý giá khác giữa các bức tường trong khu ghetto. Mẹ của ông và đứa con trai sơ sinh của ông bị quân Đức giết. Ngày 12/9/1943, ông và vợ trốn vào rừng, cùng với nhà thơ Shmerke Kaczerginski tham gia quân du kích chống Đức phát xít. Sutzkever tham dự một đơn vị các du kích gốc Do Thái, trong khi vợ ông giữ công việc nữ y tá trong đơn vị. Khi bài thơ Kol Nidre năm 1943 của Sutzkever chuyển được tới Ủy Ban Do Thái Chống Phát Xít ở Moscow, trong các thành viên có nhà văn và là nhà cách mạng Nga kỳ cựu Ilya Ehrenburg, cũng như Tổng Thống tương lai của quốc gia Lithuania thời Xô viết là  Justas Paleckis. Họ thúc giục các lãnh tụ Liên Xô cứu ông. Và một phi cơ tìm đón Sutzkever và Freydke vào tháng 3/1944, chở hai vợ chồng tới Moscow, nơi con gái của họ là Rina sẽ chào đời.

Chuyến bay vượt thoát cũng gian nan. Năm 1944, phi cơ Hồng quân Liên Xô đầu tiên tới gần mật khu du kích để sẽ đón hai vợ chồng Sutzkever thì bị phòng không Đức bắn rớt. Hai tuần sau, một phi cơ thứ nhì gửi tới. Hai vợ chồng Sutzkever phải băng qua bãi mìn để tới phi cơ.

Thi ca đã cứu đời ông thực ra đã có lúc cận thực tế hơn là chúng ta có thể hình dung: năm 1944, Sutzkever và vợ là cô Freydke phải đi bộ xuyên qua một bãi mìn để tới một phi cơ để chở họ sang bờ tự do. Để làm như thế, họ đã bước dè dặt theo nhịp điệu một thể thơ – ngắn, ngắn, dài và đôi khi dài, ngắn, dài.

Những bài thơ của ông về Holocaust tại Vilnius và vai trò của ông trong việc cứu các văn bản Do Thái vô giá ra khỏi bàn tay hủy hoại của Phát xít Đức đã làm cho các quan chức chính phủ Xô viết – nhiều phần là chính Joseph Stalin – đã gửi tới, không phải một, mà là hai toán đặc nhiệm nhảy toán vào vùng Lithuania, nơi Phát xít Đức đang chiếm đóng, để dùng phi cơ đưa gia đình Sutzkever tới Moscow. Hai năm sau đó, ông thay mặt Liên Bang Xô Viết ra trước tòa án Nuremberg ở Đức để kể tội diệt chủng của Phát xít Đức. Năm 1947 ông sang định cư ở Palestine, nơi này sau đó biến thành lãnh thổ Israel.

Những bài thơ của Sutzkever rất mực đau đớn. Đó là lời thơ viết cho những người đã chết, cho những người sẽ không bao giờ được ra đời vì tiền nhân họ đã bị thảm sát.

Cuộc diệt chủng bằng lò thiêu do Đức phát xít thực hiện từ 1941 tới 1945, giết khoảng 6 triệu người gốc Do Thái và 11 triệu người thuộc các sắc tộc Poles, Roma, tù binh Xô viết, người đồng tính luyến ái, người bệnh không chữa được, và các nhóm tôn giáo và chính trị bị cho là đối nghịch.

Thơ của Sutzkever mang những câu hỏi siêu hình trong ngôn ngữ thơ mộng. Nơi đây sẽ dịch thơ ông qua các bản Anh dịch của học giả Maia Evrona.

Trong bài thơ “I Owe You an Answer to Your Letter” (Tôi Nợ Em Lời Phúc Đáp Lá Thư Của Em),  Sutzkever nói rằng ông nhận lá thư kia từ trước khi “em ra đời”… Như thế, bài thơ có thể hiểu là viết cho thế hệ tương lai, cũng có thể hiểu là viết cho con gái chưa chào đời của ông. Nếu như thế, có thể dịch là “Cha Nợ Con Một Phúc Đáp Lá Thư Của Con”… Nơi đây, chúng ta hiểu là nhà thơ mang nợ (hay Thượng Đế mang nợ?) các thế hệ lẽ ra có thể ra đời trong tương lai – đặc biệt, khi chúng ta nhớ tới hoàn cảnh khu tập trung Vilna Ghetto ở Lithuania, nơi ông sáng tác các bài thơ mang tính kể truyện này, nơi đó có khoảng 40,000 tù nhân và chỉ 1% trong đó sống sót. Nhà thơ viết rằng nhân vật ông mang nợ mặc bộ áo choàng in hình hoa anh túc đỏ (red poppies), loài hoa được thế giới chọn để tưởng nhớ các nạn nhân vô danh của Thế Chiến Thứ Nhất, và sau đó để tưởng niệm những người tử trận trong tất cả các cuộc chiến. Và như thế, cũng có thể hiểu rằng bài thơ này viết cho người tình đã chết trong cuộc chiến, mà những lá thư tình không được phúc đáp [khi sinh tiền].

Bài thơ dịch như sau.

.

TÔI NỢ EM LỜI PHÚC ĐÁP LÁ THƯ CỦA EM

 

Tôi nợ em một lời phúc đáp lá thư của em, được viết
trước khi em ra đời, trước khi em mặc y phục cho hè,
xuân, thu và đông, các mùa của chúng ta. Áo choàng của em
với hoa anh túc đỏ mọc hoang ước muốn tôi ghi lời tưởng nhớ.

 

Tôi nợ em một lời phúc đáp cho các lọn tóc ngọt ngào của em:
một dấu hiệu đã lạc mất với dòng sông, khoảng cách xa đối với tôi.
Hoàng hôn bị bóng người đắp mộ tối đen phủ ngập
Chỉ còn là gió nhẹ chở theo hương tóc em và đó là ngọt ngào với tôi.

 

Và tôi có tội, vì tôi cũng đã quên địa chỉ của em
ngay cả em đã vượt xa những phong bì và địa chỉ.
Ngay cả dù không ai tiết lộ nơi ở kia của em,
Tôi phải phúc đáp một thư em gửi, dù chỉ một cho tất cả.

 

Tôi sẽ cắt một mạch máu và viết thư không chữ,
để em có thể đọc.  Và chúng ta sẽ một lần nữa thể hiện chính mình.
Và khi dòng sông mang chúng ta gần nhau trong đêm:
ngay cả Thượng Đế cũng sẽ ganh tỵ với niềm vui của chúng ta.

 

Avraham Sutzkever đã chứng kiến nhiều cảnh bi thảm, và ông đã ghi vào thơ mang tính truyện kể.

Một trong các bài thơ có nhan đề “The Teacher Mira” (Cô Giáo Mira) kể chuyện cô giáo Mira Bernstein chăm sóc cho các trẻ mồ côi trong khu ghetto; các em này có ba mẹ bị quân Đức giết. Về sau, Sutzkever đặt tên một trong hai đứa con gái của ông là Mira để tưởng nhớ cô giáo kia.

Một bài thơ khác kể chuyện các bản chữ bằng kim loại chì  trong nhà in Jewish Rom Printing House tại Vilnius được du kích nâu lên thành vũ khí, vì “lòng can đảm Do Thái nằm trong chữ phải vang vọng trên thế giới bằng đầu đạn  chì,” như Sutzkever đã viết trong một bài thơ.

Một bài thơ khác của ông kể chuyện viên sĩ quan Đức Bruno Kittel, người chỉ huy cuộc tàn sát trong khu tập trung Vilna Ghetto, trong khi một tay chơi đàn dương cầm và dùng tay  kia cầm súng lục xử tử một tù nhân.

Một bài thơ của Sutzkever kể về đứa con trai đầu tiên của ông và Freydke, ra đời trong bệnh viện sản khoa trong khu tập trung, em bé sơ sinh này bị quân Đức đầu độc tức khắc khi ra đời vì trong ghetto cấm sinh nở. Nhà thơ ghi lại hình ảnh ôm xác bé sơ sinh:

Ba muốn nuốt trọn thân xác con
khi ba cảm nhận xác con bé bỏng lạnh dần giữa các ngón tay ba
như một tách trà ấm…

Sau này, Sutzkever kể cho nhà văn Dory Manor về cách ông và vợ đi từ chiến khu du kích chống Đức băng qua bãi mìn để tới nơi phi cơ Hồng quân chờ đón. Ông đi trước, dò từng bước, và Freydke đi sau, đạp theo vết chân của ông. Ông kể rằng ông đi theo cách gieo vần thơ anapests, và một phần theo cách gieo vần thơ amphibrachs, cứ theo nhịp điệu này, đi bộ 1 kilômét băng qua bãi mìn.

Bài thơ sẽ dịch sau đây có nhan đề “I Want to Simply Say…” (Tôi Muốn Nói Đơn Giản Rằng…). Ba chữ “tôi yêu em” được ông xem là ba chữ “đầy ơn phước” – và do vậy, có thể có ẩn dụ rằng đó là lời nhà thơ bày tỏ yêu Thượng đế (“Tôi yêu Ngài” trong khi Thượng đế đã chết trước các cuộc thảm sát diệt chủng). Hình ảnh chim bồ câu trong thơ ông cũng là biểu tượng của Thượng đế.

.

TÔI MUỐN NÓI ĐƠN GIẢN RẰNG…

 

Tôi muốn nói đơn giản: Tôi yêu em. Nhưng làm sao có thể
yêu một người sinh ra để biến mất
và một người đã thực sự — biến mất rồi? Làm sao người ta biến mất không khuấy động?
Một chim bồ câu nhỏ, chói sáng chưa bao giờ khuấy động trong một người mù?

 

Tôi muốn nói đơn giản: Tôi yêu em. Tôi đang nói. Và em, huyền thoại,
bây giờ đây, hiện tại, như tôi ở đây, và như em đã từng ở đây.
Tôi có thể đâm các ngón tay của tôi trong ngạc nhiên
các giọt máu ước muốn các mũi kim từ dịu dàng của em.

 

Lời thốt lên, và không ai có thể đưa hình ảnh này thành tro
một ơn phước trên ba chữ ơn phước tuyệt vời này.
Chúng như một trận mưa hè, và rửa sạch, rửa
xuyên qua một đám mây cháy rụi, dẫn tới một tia chớp mới.

 

Một ơn phước trên ba chữ ơn phước đó. Tôi sẽ nói thế
và nói thế hoài thôi, nói rõ ràng vào buổi tối và vào rạng sáng.
Tôi có thể đâm các ngón tay của tôi trong ngạc nhiên
các giọt máu ước muốn các mũi kim từ dịu dàng của em.

.

Phan Tấn Hải

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search