T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoà giải dân tộc?

(Nguồn: Báo Tiếng Dân)

Nguyễn Thùy Dương

Tôi đã chứng kiến, đã tiếp xúc với rất nhiều ông bà, cô bác kiều bào về nước ở tuổi xế chiều. Tôi hỏi họ: “Tại sao lại quay về trong khi ở nước ngoài điều kiện y tế tốt hơn ở VN, chăm sóc, cho tới phúc lợi đều hơn hẳn?” Câu trả lời của họ luôn rất dài nhưng luôn luôn kết câu sẽ là: “Được chết trên quê hương mình. Nằm hay tan vào dòng nước quê hương, được nghe tiếng nói quê hương, nhìn thấy bầu trời quê hương trước khi nhắm mắt”.

Họ chính là những con người từng chạy trốn khỏi đất nước, bị mang cái danh xưng Việt gian vượt biên trái phép. Họ từng là những thuyền nhân chấp nhận đánh đổi hạnh phúc, tính mạng để mưu cầu hạnh phúc mới tốt đẹp hơn. Họ từng mất đi gia đình, con cái người thân khi quay lưng nước mắt rấm rứt. Tôi dám chắc họ chạy trốn nỗi sợ hãi chứ họ chưa bao giờ, chưa bao giờ chạy trốn đất nước.

Dù cuộc chạy trốn có đau khổ, có mất mát. Có những mất mát cắn rứt suốt đời khi người mẹ chứng kiến con gái bị cướp hiếp dâm tập thể rồi vứt xác xuống biển. Đau thương, ám ảnh, dằn vặt đến cùng cực nhưng họ vẫn muốn trở về. Trở về nhìn đất nước nơi họ sinh ra, trở về để vằn vặt, để tự tổn thương rồi đem uất nghẹn chôn vào nấm mộ hay lò hỏa thiêu. Chỉ cần có cơ hội, còn kịp thời gian, tôi biết họ sẽ trở về.

Có những người trở về không phải là đu bám, là nịnh nọt, là gì cả, mà đôi khi để lắng lại một vùng kí ức, tìm lại tiếng vọng tiềm thức về quê hương, về gia đình. Đừng đánh đồng hoài niệm yêu nước với bất kì một chế độ nào để mạ lị người trở về. Cũng đừng đánh đồng điều đó để tự hào rằng mình đủ giàu, đủ đẹp để họ trở về. Đối với người già, dù cho Đất nước có đổ nát thì trong tâm thức của họ cũng mong được quay về chỉ đơn giản là để ôm mặt đất quê hương cũng, mãn nguyện.

Ông Vũ Thành An, người cầm cờ vàng 3 sọc đỏ, từng là thuyền nhân, tại một cuộc biểu tình ở Đức ngày 16/7/2011. Ảnh: Gocomay

Quá khứ đã trôi qua, nỗi đau còn đó. Nặng nề, ám ảnh, phân hóa một dân tộc vốn dĩ có truyền thống đoàn kết. Cái giá phải trả ngoài sự đoạn trường của Nhân Dân còn là sự chậm tiến của Đất nước. Bao nhiêu đó còn chưa đủ để những người lãnh đạo biết nhận lỗi và sửa lỗi hay sao?

Hòa hợp dân tộc liệu có khó không? Khó khăn hay dễ dàng đều nằm trong cái tôi của con người. Các vị có bỏ được cái tôi xuống để nhận sai, để xin lỗi, để tiếc thương cho “Đồng Bào” đã bỏ mạng hay không mới là vấn đề.

Tôi biết các vị cũng có nỗi sợ của mình. Sợ xin lỗi vì khi xin lỗi thì phải chấp nhận một quá khứ sai phạm nghiêm trọng. Vậy thì rạch vết u ra để lấy hết “nhân mủ” đang khoét sâu hay chọn cách chịu đựng nó rồi tự hào tôi là một cơ thể khoẻ mạnh? Quyết định nằm trong tay những người lãnh đạo. Còn Nhân Dân mãi mãi đều là những người muốn vá lại vết thương.

Tôi mong một ngày 27/7 nào đó hoa sẽ nở khắp các đài tưởng niệm, khắp các nghĩa trang liệt sĩ của hai bên. Những đền vọng hương sẽ được xây dọc bờ biển VN để tiếc thương cho Thuyền Nhân xấu số, để ghi nhớ bài học khi thực hiện chính sách máy móc đi ngược lại với lòng dân.

Và tôi xin nhắc lại câu nói quen thuộc của mình: Ai sẽ người trả giá cho sai phạm của quan chức, của người lãnh đạo. Xin thưa! Mãi mãi là Nhân Dân.

Bài Mới Nhất
Search