T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 8)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ta về ta tắm ao ta

Dù trong dù đục vẫn là…cái ao

Văn học cổ

Văn học cổ viết bằng tiếng Hán: Kiến văn tiểu lục (Lê Quý Đôn), Vũ trung tùy bút (Phạm Đình Hổ), Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn), Hịch tướng sĩ (Trần Hưng Đạo), Bình ngô đại cáo (Nguyễn Trãi) Văn tế trận vong tướng sĩ (Nguyễn Văn Thành).

Văn học cổ bằng tiếng Nôm: Đoạn trường tân thanh (Nguyễn Du), Hoa tiên (Nguyễn Huy Tự), Nhị độ mai (Khuyết danh), Bích câu kỳ ngộ (Vũ Quốc Trân), Lục vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu).

(Tạ Quang Khôi – tạp chí Tân Văn)

 

Ca dao trữ tình

Chuối khoe chuối hãy còn trinh

Chuối ở một mình sao chuối có con?

 

Chữ nghĩa khó khăn

Hỏi :Tử sĩ sờ đầu rùa, đi lễ để cầu may” là họ đi coi bói ở Văn Miếu lấy hên phải hôn? Ai biết làm ơn chỉ dùm nghen.

Đáp : “Sĩ tử sờ đầu rùa…” cha nội.

Hiểu rồi, cám ơn vì sỉ là sỉ diện. Còn tử là thừa chết thíu sống.

Sỉ tử chỉ vì sỉ diện mà nhào dzô thi đại! Dễ ẹc….clip_image002

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Giấc Nam Kha

Giấc Nam Kha kể chuyện Lý Công Tá cũng người đời Đường. Trong lúc say rượu ngủ mơ thấy mình đậu cao, được vua gả công chúa cho. Lại được là thái thú đất Nam Kha,

Lúc tỉnh dậy thấy ổ kiến dưới gốc cây hòe. Bèn nghĩ tổ kiến chính là đất Nam Kha.

Giấc phù sinh Nam Kha còn gọi là giấc hòe.

Trong dân gian người Việt cũng có chuyện tương tự như Lý Công Tá nằm mơ rồi làm quan, giầu sang phú quý.

Ấy là ông Trạng Lợn.

Truyện cực ngắn – Tiếng ve

Tôi đã sống qua bao mùa hạ, vẫn không hiểu được tiếng ve kêu.

Chữ nghĩa thập niên 20

Xuân mộng – Nói về giấc mộng diễm tình vào mùa xuân. Đường thi có câu “Xuân tiêu nhất khắc tri, thiên kim”, nghĩa là đêm xuân một khắc đáng giá ngàn vàng

Xuân mộng còn dùng lẫn nghĩa với chữ “xuân mộng bà” như giấc mộng hoàng lương.

Một hôm, ông Tô Thức đi thăm đồng, gặp một bà lão trên 70 tuổi ở ngoài ruộng. Bà nói rằng: bao nhiêu công danh của cụ trước, có phải nay xem như giấc xuân mộng chăng?. Ông bảo: phải lắm. Từ đó người ta gọi bà ấy là “xuân mộng bà”.

(Tôn Thất Lương – Xuân Mộng)

 

Giai thoại làng văn

Chính nhờ được gần gũi các cụ, tôi học thêm được ít chữ nho trong thời đó. Nói là học chữ nho cho oai, chớ thực ra bao nhiêu chữ học được lúc lên mười, mười một tuổi, tôi đã trả lại hết cho các bực thánh hiền ngay khi cắp sách học “a b c dắt dê đi ỉa”.

Học chữ nho là tôi muốn nói học mót chữ nho, những chữ học dớ da dớ dẩn, hoặc nghe lỏm được, mà suốt đời tôi không quên:

– Đại khái như chữ “kích thích”, cụ Sở Bảo chữa là “khích thích”.

– Nói ảo mộng là sai, chính ra phải nói là “huyễn mộng”.

– Chia buồn với nhà người ta có đàn bà qua đời thì phải viết “Xin cầu chúc cho “hương hồn” bà (hay cụ) phiêu diêu nơi cực lạc”.

– Nhưng nếu là đàn ông mà viết như thế, người ta cười cho thối óc, phải viết là “cầu chúc cho “anh hồn” ông… mới đúng.

Có một chữ mà cụ Tú Nguyễn Đỗ Mục bảo tôi, nhưng đến bây giờ tôi vẫn bán tín bán nghi, không biết sai hay đúng. Chữ đó là công nhận. Theo cụ Tú Mục, một người chỉ có thể nói là nhận, thừa nhận, và chỉ khi nào có nhiều người mới có thể dùng chữ công nhận mà thôi, ý giả muốn hiểu rằng chữ công đây chỉ một số đông. Nhưng người khác cho rằng nói như thế là hiểu sai chữ công, công nhận cũng như, công tâm, công bằng; công nhận tức là nhận một cách thực tâm, nhận một cách đầy thiện ý.

Đại khái, tôi học lỏm chữ nho của các cụ như thế đó.

(Vũ Bằng – Bốn mươi năm nói láo)

Giàu sang, tế nhị

Tôi cảm thấy thấm thía cái giàu sang, cái tế nhị của tiếng Việt:

– Tôi chẳng cần! (có thể cần, mà không cần),

– Tôi bất cần! (không thèm cần tới).

Chúng ta đã mượn chữ Tàu để Việt hóa chữ đó để thổi vào chữ đó một sắc thái khác. Nói tóm lại, chúng ta đã đồng hóa những chữ ngoại lai để phong phú hóa tiếng Việt.
Nói về tế nhị, trong văn chương thế giới hình như không nước nào có được chữ “ai” của ta. Và “nghìn” và “ngàn”: “nghìn” như đi vào chiều sâu, “ngàn” như tỏa ra chiều rộng.
G.Meillon người Pháp cho rằng tiếng Việt là thứ tiếng vừa văn chương vừa giàu nhạc điệu nhất thế giới. Một người Pháp có nói rằng chỉ cần nghe câu đầu bản dịch bài Tì Bà Hành cũng đủ biết là đôi bạn đã tiễn đưa nhau tại một bến sông, ta cứ việc theo nhịp điệu xô dồn của câu thơ mà vẽ thành hình ảnh chiếc thuyền bằng… âm thanh.


(Doãn Quốc Sỹ – Người Việt đáng yêu)

Gạch ngan giữa hai chử kép
Trước kia các nhà văn, như trong nhóm “Tự Lực Văn Đoàn” đều viết có gạch ngan (-) danh từ kép, ví dụ : tiền-nhân, dân-quốc…

Hiện tại, củng nhửng danh từ kép đó, mà lại các nhà văn viết không có gạch ngan.
Xin hỏi:
Tại làm sao có những thay đổi gạch ngan như vậy? Và sự thay đổi đó phát hiện ra lúc nào? (vào khoảng năm nào?).

Ai hiểu rỏ, xin chỉ giáo dùm. Cám ơn trước.

Đáp : Gạch ngang chứ không phải là gạch…ngan!

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Giai thoại làng văn

Tôi đến thăm Nguyên Hồng ở nhà. Ông nói: “Chỗ này giống hệt như nơi ngày xưa tôi viết Bỉ vỏ.

Chỗ viết Bỉ vỏ như thế nào? – Đây, ông viết trong lời Tựa : “Bỉ vỏ đã viết xong trên một cái bàn kê bên khung cửa trông ra vũng nước đen ngầu bọt của một bãi đất lấp dở dang và một chuồng lợn ngập ngụa phân tro. Bỉ vỏ đã viết xong trong một căn nhà cứ đến chập tối là ran lên tiếng muỗi và tiếng trẻ con khóc…”.

Có lẽ số Nguyên Hồng thế thật. Sống cũng khổ, chết cũng khổ.

Khi Nguyên Hồng chết, nhà còn có năm bơ gạo, một con gà nhỏ. Trong túi còn đúng 20 đồng. Hàng xóm cho vay cỗ quan tài. Nguyên Ngọc báo anh em lên đưa ma, nói, Nguyên Hồng nghèo lắm đấy, không có gì thết đãi đâu.

Chưa làm điếu văn vội, Nguyên Ngọc trước lo chạy lên tỉnh, lên huyện, lên đảng uỷ xã bàn với họ cho tiền, cho lợn, cho gạo để làm ma. Hôm đưa ma Nguyên Hồng, tôi không lên được. Ngô Thảo có tả quang cảnh đám ma thật là tội nghiệp: xe tang từ trên đồi đi xuống dốc, phải hò nhau đẩy trở lại làm phanh. Phường kèn toàn là thương binh cụt tay cụt chân…Phải là thương binh mới được vào hội kèn, ăn công điểm của hợp tác xã.

(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

Sinh lầm thế kỷ

Câu “sinh lầm thế kỷ” ngoài trong thơ Vũ Hòang Chương, còn thấy trong bài viết Chén rượu vĩnh biệt khi Nguyễn Tuân nói chuyện với Tản Đà: “Tiên sinh…sinh nhầm thế kỷ.

Viết và nói tiếng Việt

Cuối năm 1979, đầu năm 1980, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam đã phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục tổ chức một số cuộc hội thảo về vấn đề chuẩn hoá tiếng Việt.

Bộ Giáo dục cũng thông qua một số quy định về chính tả trong sách giáo khoa cải cách giáo dục. Ngày 01/7/1983, Quyết nghị của Hội đồng chuẩn hoá chính tả và Hội đồng chuẩn hoá thuật ngữ đã được ban hành và áp dụng cho các sách giáo khoa, báo và văn bản của ngành giáo dục.

Khi tiếng Việt thống nhất và chuẩn hoá, toàn quốc sử dụng chung một thứ ngôn ngữ theo một tiêu chuẩn, mẫu mực nhất định.

Hãy thử “rà xoát” một từ dưới đây xem sao:

Buổi đêm. “Buổi đêm tôi có gặp đồng chí ấy”.

Từ xưa đến nay người Việt không bao giờ nói “buổi đêm” cả, chỉ nói “ban đêm”, “ban ngày”. “Ban” được hiểu như là một thời gian khoảng 12 giờ, ban đêm 12 giờ, ban ngày 12 giờ.

Còn “buổi” thì chúng ta có “buổi sáng”, “buổi trưa”, “buổi chiều”, “buổi tối”. Ban ngày có 12 giờ và tạm coi như có 4 buổi, như vậy mỗi buổi có 3 giờ đồng hồ. Chúng ta thường nói: ‘Chờ ông ấy mất cả buổi’. Buổi ở đây là khoảng ba giờ. Câu nói: “Thế là mất một buổi cày”. Buổi ở đây lại có nghĩa mất cả một ngày công.

Chế ra từ buổi đêm là làm hỏng tiếng Việt..

(nguồn Chu Đậu)

 

Chữ nôm


Cái ý mượn chữ Hán để viết tiếng Việt rất có thể xưa hơn Bố Cái Ðại Vương nhiều, chẳng hạn ngay từ đầu thời Bắc thuộc. Nhưng trong hoàn cảnh đất nước bị ngoại nhân cai trị, làm sao nó phát triển được? Nếu ta không giành lại được độc lập, rốt cục ngay chính cái tiếng nói của ta cũng phải mất, nói chi đến một cái cách viết. Trong tư cách một phát minh, chữ nôm thật khó ca ngợi. Tuy vậy, đối với văn học Việt Nam nó vẫn có công to. Có nó chắc chắn vẫn hơn không! Chữ nôm là thứ chữ hoặc dùng nguyên hình chữ nho hoặc lấy hai ba chữ nho ghép lại, để viết tiếng Nam.
Chữ nôm đặt ra tự bao giờ và do ai đặt ra, đó là một vấn đề còn trong nghi vấn. Nhiều người thấy sử chép: Hàn Thuyên là người bắt đầu biết làm thơ phú bằng quốc âm, vội cho rằng chữ nôm cũng đặt ra từ đời ông, nghĩa là vào thế kỷ thứ XIII đời nhà Trần. Ðó là một sự sai lầm, vì sử không hề nói ông đặt ra chữ nôm.
Hiện nay, gốc tích chữ nôm, chỉ có hai điều sau này là xác thực:
1. Theo sử chép, cuối thế kỷ thứ VIII (năm 791), Phùng Hưng được dân tôn lên là “Bố Cái đại vương”. Hai chữ Bố Cái là tiếng Nam thuần túy.
2. Người ta đã tìm thấy ở Hộ Thành Sơn thuộc tỉnh Ninh Bình một tấm bia đề năm 1343 trên có khắc hai mươi tên làng bằng chữ Nôm.
(Dương Quảng Hàm – Việt Nam văn học sử yếu)

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search