T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trịnh Bình An: Chuyện Tình Lúc 12 Giờ

Em Tôi – Tranh: Thanh Châu

Bạn ơi, đừng bị cái tựa làm lên ruột nha. Mười hai giờ ở đây là 12 giờ trưa chớ không là 12 giờ khuya đâu.

Đó là giờ ăn trưa, và tôi có tật vừa ăn vừa đọc. Lúc đang ăn thì không thể đọc những thứ “nặng ký” như thời sự, chính trị, văn học, triết học, kỹ thuật, v.v. Lúc đang ăn thì tôi chỉ có thể đọc một thứ: truyện nhảm.

Truyện nhảm ở đây là chuyện…”tâm tình phụ nữ”.

Nói nghe cũng tội. Chỉ có người ngoài cuộc mới thấy những chuyện đó là nhảm chứ với người trong cuộc –những người lấy hết can đảm ra để viết thư hỏi ý kiến – thì chắc chắn không thể nhảm nhí. Những điều gần như “sống-chết” ấy làm cho một ngày trôi đi chỉ thấy toàn phiền muộn, in hệt câu hát “Ta lần mò leo mãi không qua được vách sầu. Ta tìm một tiếng yêu thấy toàn là sầu đau.”

Tôi luôn luôn chia sẻ tâm tư với những người trong chuyện.

Thôi thì, đủ mọi “sắc mầu”. Từ chuyện “vườn mới thêm hoa”, tới chuyện “quỵt tình quỵt cả tiền”. Từ chuyện “chồng chăm chút bạn bè còn hơn săn sóc vợ con”, tới chuyện “chồng yêu vợ tới mức ghen quá cỡ thợ mộc”. Nếu như có người than van “Tại sao tới nay tôi vẫn ‘chông chừa’?”, thì lại có người rầu rĩ “Tại sao ông ấy cứ ở lì trong nhà, không chịu đi ra ngoài, để tôi còn… thay ổ khóa cửa!” v.v. và v.v.

Khiến cho lời mở đầu tác phẩm “Anna Karenina” của Leo Tolstoy trở nên vô cùng hữu lý:

Những gia đình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng những gia đình bất hạnh thì lại muôn màu muôn vẻ”.

Phải công nhận một điều, rất nhiều tâm sự hết sức lâm lỵ tới mức khiến ta ngẩn ngơ, không ngờ trên đời lại có thể xảy ra những chuyện éo le đến thế. Nếu khai triển những tình huống đó ra thành tiểu thuyết sẽ chẳng hề thua các truyện lõng bõng nước mắt của nữ sĩ Quỳnh Dao.

Sau một thời gian đọc những tâm tình ấy, tôi rút ra được vài điều như sau:

Thứ nhất, đa số những người lên tiếng hỏi về “love story” của chính mình đều là phái nữ.

Cho tới thế kỷ 21 này, nghĩa là sự phân biệt nam nữ đã bớt đi rất nhiều so với trong quá khứ, thì phái nữ vẫn là những con người đau khổ về tình ái hơn hẳn phái nam.

Những cô gái thời đại a còng được trang bị bởi smart phone thì không thể rơi vào tình cảnh “xa xôi ai có thấu tình chăng ai” của nàng Kiều khi không cách chi liên lạc được với chàng Kim lúc cần kíp. Thế nhưng, họ vẫn trải qua những lúc sầu thương không kém Thúy Kiều, từ cảnh “dấm chua lại tội bằng ba lửa nồng” khi trở thành “người thứ 3” trong mối quan hệ tình ái, cho đến cảnh “lúc tàn canh, mình lại thương mình xót xa” khi người đàn ông họ yêu đang từ nồng nàn bỗng quay ra hững hờ, v.v. và v.v.

Điều này không có nghĩa nam phái không bị thất tình!

Tôi có một anh bạn làm chung công ty. Cô bạn gái của anh, – sau hơn 10 năm chung sống – một ngày (đẹp trời) nọ, dưng không… biến mất. Té ra, cô nàng khăn gói đi qua nhà… ông hàng xóm!

Bạn đang cười đó à? Tôi cũng cười nữa – dĩ nhiên chỉ dám cười lén với mấy gã bạn trong nhóm. Còn với “chàng” thì dĩ nhiên tôi phải giữ “bẻn mẹt” nghiêm và buồn. Sau đó trân mình, cho “chàng” mượn cái lỗ tai để lắng nghe mọi lời than thở, đúng tinh thần “That’s what friends are for“.

Anh bạn tôi lúc ấy tâm trạng không khác gì người đàn ông trong bài hát “Yesterday“, cứ thắc mắc hoài “Why she had to go I don’t know, she wouldn’t say…

Wrong! Chỉ tại vì anh không (thèm) biết thôi chứ tôi biết tỏng tại sao “nàng” phải cuốn gói ra đi.

It takes two to tango” cũng giống như ông bà mình nói “Tại anh tại ả – Tại cả đôi bên“. Phải có hai kẻ “iu” nhau mới có cuộc sống chung, thì in hệt, cũng phải có 2 người… “oánh” nhau thì mới dẫn đến chia ly.

Tại sao chị ấy lặng lẽ ra đi?

Tôi biết lý do nhưng không thể nói cho anh bạn tôi hiểu vì anh ta sẽ… chẳng bao giờ hiểu nổi. Vả lại, gương đã vỡ rồi, có hàn gắn cũng mang vết nứt. Vả lại, sau 10 năm chung sống mà dứt tình thì phải là đến mức trầm trọng, chứ không phải chỉ vì một hai việc làm, một hai câu nói, như anh chàng Yesterday ngớ ngẩn hỏi câu đơn giản: “I said something wrong?

Anh bạn tôi người Mỹ trắng, cao ráo, không đẹp trai nhưng cũng không xấu xí, lại có công việc ổn định, nhà cửa trả đứt, tiền bỏ rổ này lại bỏ rổ kia dám lên đến cả triệu chứ chẳng chơi, lại không hề rượu chè, cờ bạc, gái gủng… thật là một mẫu người đàn ông khó kiếm. Thế nhưng…

Anh ta cho rằng mình có đủ mọi tính tốt thế, mà vẫn bị tình phụ thế, thế thì không tức, không buồn sao được. “Người ấy” ra đi, không chỉ là lấy đi tình yêu, lấy đi sự êm ấm, mà đó còn là lấy đi sự tự tin của một con người! Để cho người ở lại với nỗi đắng cay, và, day dứt mãi với câu hỏi chết người: “Tôi có điểm gì tệ đến mức em phải chọn người đàn ông khác?” Nôm na:”Thằng ấy có gì hay hơn tui mà cô mê nó?”

Thưa bạn, và đó là điểm thứ hai tôi rút ra được qua những câu chuyện tâm tình.

Bề ngoài của những trái tim tan vỡ là mất đi người yêu, nhưng bề trong là sự xúc phạm cùng cực đến “cái tôi”.  Từ nào giờ, mình cứ ngỡ nhờ “cái tôi” đó người ấy mới yêu mình. Rồi cũng “cái tôi” đó người ấy lại không yêu mình. Thế là thế nào?

Để rồi từ đó, “khổ chủ” hoang mang cùng cực, tự hỏi “mình đã làm gì nên tội?” hay “mình đã sai ở chỗ nào?”

Không, anh bạn tôi không nói với tôi những câu hỏi đó – tôi chỉ tự chế ra thôi. Nhưng tôi biết rất nhiều phụ nữ có người yêu bỏ đi đã tự trách bản thân như thế. Họ cứ tự dằn vặt mình tới mức các chuyên viên tâm lý phải thét to lên: “Phụ nữ ơi! Đừng tự trách mình nữa. Đừng rầu rĩ nữa. Anh ta đã ra đi rồi. Hãy để mặc anh ta đi. Còn bạn, hãy đứng lên. Hãy đi con đường riêng của bạn“.

Làm được thế thật không dễ, nhưng oái oăm thay, đó là việc duy nhất có thể làm được.

Nhưng, “Chuyện Tình Lúc 12 Giờ” là những chuyện tình oái oăm, nếu không thì đã chẳng lên báo để tới mắt tôi, mắt bạn.

Có một điều những chuyện tình ấy không thỏa mãn được tôi. Đó là, tôi không biết nguyên nhân nào đã làm thay đổi con người từ lúc này qua lúc khác.

Sông có khúc – Người có lúc“.  Nhưng tại sao?

Giòng sông chảy chậm hay nhanh là vì tính chất địa lý của khúc sông ấy. Còn con người, thay đổi là do đâu?

Đa số, những người trải lòng thường chỉ đưa ra hiện tình sau cùng chứ không trình bày được diễn tiến. Nhưng, nếu biết được tường tận diễn tiến thì chắc họ đã chuẩn bị cho cái kết tốt hơn rồi.

Điều này không khác gì việc điều hòa giòng sông. Muốn chuyển đổi giòng sông nước chảy siết thành động cơ đòi hỏi rất nhiều công sức cùng với kiến thức. Cũng thế, để tránh những va chạm xung đột và để giữ được hòa thuận bình yên cũng cần nhiều thứ, tình thương chưa đủ, còn phải có sự hiểu biết và thật nhiều, thật nhiều… kiên nhẫn.

Tôi gọi “Chuyện Tình Lúc 12 Giờ Đêm” là những giây phút lãng mạn nhất, tình tứ nhất. Còn “Chuyện Tình Lúc 12 Giờ Trưa” là những lúc suy nghĩ gay go, nhức đầu nhất. Nhưng, giữa người nam và người nữ, nếu không giải quyết được những chuyện nhức đầu thì sẽ không có những giây phút nồng nàn.

Bạn cũng đừng để hai chữ “nồng nàn” làm lên ruột nha.

Một đoản văn “chớp” tôi đọc được như sau.

Một cụ bà tâm sự với một cô gái. Bà vừa mỉm cười sung sướng vừa thì thầm vào tai cô: “Hai vợ chồng tôi đêm nào cùng ân ái với nhau“. Đang khi cô gái trợn mắt, miệng hả ra tính hỏi bí quyết phòng the của cặp vợ chồng đã tám bó thì cụ bà nói tiếp: “Đêm nào chúng tôi cũng nằm cạnh nhau và nắm… tay nhau“.

Và, đó là điểm thứ ba tôi rút ra được: Hạnh phúc là biết vui với điều gì mình làm tốt nhất.

Tôi có nhiều điều không vừa ý về bản thân. Ví dụ, giọng đọc của tôi khi làm chương trình phát thanh nghe quá chậm, nếu đọc nhanh hơn lại nghe hấp tấp. Tôi thật sự không vui chút nào. Nhưng biết rằng không vội vã được mà phải cần một thời gian khá dài để “tập đọc” may ra chất giọng rồi sẽ khá hơn chăng. Hiện tại, tôi chỉ có thể tự an ủi rằng, may quá mình không cần dùng cái giọng để kiếm cơm, nếu không chắc… chết đói (haha).

Vậy nên, nếu bạn có những “Chuyện Tình Lúc 12 Giờ” làm bạn không vui, thì xin hiểu cho rằng bạn không hề cô đơn. Hãy rà soát lại coi, có những việc gì bạn từng làm tốt nhất? Hãy chú tâm vào làm những việc đó. Hãy tạm quên đi những muộn phiền khác để tâm trí bình tĩnh lại.

Trong lúc chờ đợi sự việc khá hơn, tại sao không… đọc những “Chuyện Tình Lúc 12 Giờ. Biết đâu, bạn sẽ rút ra thêm nhiều bài học hay ho, thú vị để so chiếu với trường hợp chính bản thân mình. Tin tôi đi, vì chính tôi, đã nhờ những câu chuyện của biết bao người khác mà gỡ rối được cho chính mình.

Hỏi nhỏ, bạn có muốn biết “love story” của tôi không nào?

Không lo, rồi sẽ có lúc tôi sẽ kể bạn nghe CTL12G của tôi. Lúc đó, bảo đảm, bạn sẽ thấy nó… nhảm hết biết luôn (haha). Tới lúc đó, bạn sẽ đồng ý với điểm thứ tư này:

Rồi mọi sự cũng sẽ qua đi, đúng như câu danh ngôn: “This too, shall pass”.

 

 

Trịnh Bình An

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

 

Bài Mới Nhất
Search