T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Theo khói thuốc…

   

Dấu Chân Ngày Cũ – Tranh: Thanh Châu       

                                                                                                                            (tên cũ Tình giữa)

Nhằm vào tuổi lục tuần nhi nhĩ thuận viết chuyện tình cũng có hơi trái nắng trở trời. Thế nhưng với ngày trời tháng Bụt, một tôi vẫn gõ chữ để mõ sớm chuông chiều về những người tình cũ với một thương hai nhớ…Nhớ ra trong ngõ nhỏ thâm u của ký ức lờ mờ như khói, lãng đãng như sương, một tôi lại…nhớ lộn tên. Vì vậy thêm một lần, bước qua tuổi thất thập cổ lai hy, một tôi đành còm cõi trở lại đường xưa lối cũ ngắm chừng xem có đánh rơi hạt mận bên đường, xuân sau mọc giữa chân thường cội hoa không (Phạm Thiên Thư) hoặc giả có cỏ hoa lạc lối trên con đường tình ta đi chăng.

Số là người ta tuổi dậu tuổi mùi, còn một tôi lận đận một đời tuổi thân. Năm 75 miền Nam gợn sóng, bèo dạt nổi trôi qua đây, ngỡ yên bờ yên bến, vợ hiền nửa đường đứt gánh. Rồi một ngày ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời, chợt hãi hùng hoàng hôn chờ tới. Thế nên với người xưa năm ấy, một tôi đốt lò hương cũ qua những bài viết ngắn, dài:

Tình cuối với cỏ hoa lạc lối, thề trước bóng đèn hột vịt, một tôi kỳ óc nghĩ không ra tên một người tình. Số ruồi. Bởi ngỡ tình cuối chấm hết như cái chấm than ở…một. Trăm tội ở cái nợ văn chương, số là bạn đọc…nữ nhi thường tình, thường trước là bạn văn, sau hoá thân là…bạn tình. Vì chỉ có một nên đi coi bói để lấy ngắn nuôi dài được chăng. Thầy dậy rằng chỉ lo bò trắng răng, vì sau cuộc tình này còn thêm một hai cuộc tình khác nữa. Thầy làm như có gì suy nghĩ lung lắm rồi chép miệng: “Nghiệp rồi”.

Tình giữa với một mai vẫn còn đó, có đó trong ngõ ngách của ký ức, một tôi giữ như chó giữ xương nên nhốt vào cũi ký ức, lâu lâu nhấm nháp quá khứ từng mẩu một. Vì nó được cấy vào tế bào chuyên về khoái cảm ẩn nấp trong da thịt của một tôi. Bao năm rồi, các tế bào ấy vẫn nhắc lại khoái cảm chất ngất trong tôi. Lúc này đóng dầy thành những hoài niệm lay lắt trên những trang giấy.

 

***

Đất sinh cỏ già sinh tật, chả đợi đến già, khởi đầu từ cái tuổi nhầng nhầng, khởi đi bằng vào một đồng ba điếu Ruby (Queen), một tôi theo khói thuốc tìm thằng bạn nào có em gái, là tìm đến tận nhà để kết thân. Năng nhặt chặt bị thi chạy trời không khỏi nắng, tơ vương với tình đầu của bất cứ ai ở tuổi mới lớn thường là…em bạn hay…bạn của em gái mình hoặc xa hơn nữa bên kia vách tường có…cô hàng xóm là hêt đất.

Vì vậy một tôi vớ được thằng bạn có cô em gái tên Thịnh, ăn ngay nói thật thì “thịnh” vì từ…“hưng thịnh”, nên cái gì của Thịnh cũng thừa thãi, dư thừa đến ngốt người, ngộp thở. Thịnh có giọng nói rất Hà Nội, thơm mùi cốm non, một thoáng Tây Hồ thơm mùi hoa sữa. Ấy là một tôi sa đà với chữ nghĩa, cưỡi gió vờn mây nên hoang tưởng vậy, vì chưng bằng ngần ấy tuổi đầu, nào một tôi biết quái gì…giọng nói rất Hà Nội. Tết Trung thu, tôi đến nhà Thịnh, mưa từ đầu phố đến cuối ngõ, với đường mưa ướt đất, một tôi tự hỏi chẳng hiểu sao con đường tình ta đi, mưa nhiều hơn nắng, hay không nắng thì mưa. Thịnh mở cửa, trừng mắt: “Mưa mà cũng đến, ốm đấy”.

Chỉ một chữ “ốm” nhắng nhít không thôi, nhưng đầy âm hưởng, một tôi đê mê, canh khuya đèn tàn dệt mộng và mơ. Và ớ ra mình không mết cô em bạn ở mùi hoa sữa, mùi cốm non, mà một tôi mê mệt cái trừng mắt ra lườm, chẩu môi ra nguýt. Mắn chữ thì một tôi bị cô em bạn hớp hồn ở cái trán dô. Tận cùng của chữ là nghĩa, con người ta đôi khi yêu vì con mắt, nụ cười để khổ cả một đời. Mà cũng lắm lúc vì yêu cái trán bướng bỉnh, đôi môi dẩu để cuộc đời không biết đi về đâu.

Nghỉ hè, tôi theo gia đình Thịnh ra Vũng Tầu, bữa cơm chiều, Thịnh rình rình dấu dưới bát cơm những món ngon của lạ, Thịnh háy mắt ra dấu ngập ngụa những chứa chan mặn mà. Nửa khuya, Thịnh rủ tôi ra bãi trước, ngồi dưới bãi cát nhìn mông lung xa xa, gió thổi man mác, sóng vỗ rì rào. Giữa biển xa bãi vắng, trên trời tối thui, dưới nước tối đen và tôi thì…tối dạ, vì chả biết đong đưa tình tự. Cái tuổi học trò tập yêu, ngu ngơ và…ngu đần như vậy đấy…Về lại Sài Gòn, âm vọng của biển khuya vẫn vật vờ, lên xuống như nước thủy triều. Mối tình câm của tôi và Thịnh như con đom đóm đêm, lập lòe đuổi bắt, khi chớp khi tắt kéo dài hai ba năm. Một tôi vẫn mò mẫm đi tìm lá diêu bông giữa phố thị ở cái tuổi mới lớn, lá diêu bông như lẩn quẩn đâu đây.

Đang lờ đờ như đom đóm đực vậy đấy thì…Thì một ngày, Thịnh réo tới dự sinh nhật của người chị họ tên Lý, để giới thiệu Lý với tôi. Tôi ngớ ngẩn nhận lời. Mãi đến bây giờ một tôi mới hiểu được các cụ ta dậy cấm chả sai bao giờ là “có tình thì rình trong bụi, tình lúi cúi mà đi”. Thế nên Thịnh muốn thăm chừng cái tình dấm dớ bờ bụi của tôi có yêu em đốt cháy cuộc đời, vàng tay khói thuốc vẫn còn yêu em chăng. Bởi nhẽ con người ta vì yêu cũng rối trí lắm, nên phân loại tình yêu rối rắm làm năm kiểu cọ: Một là yêu vì mình. Hai là yêu vì người. Ba là yêu cho mình. Bốn là yêu cho người. Năm là yêu vì mình, vì người và yêu cho mình, cho người.

Theo khói thuốc ba đồng bốn điếu Ruby gặp buổi mây chiều gió sớm, trời đất lung liêng, tôi và Thịnh tới nhà để “ăn” sinh nhật Lý, tôi gần như lạc lõng, mỗi người mỗi góc. Gặp Lý không ngoài gật đầu chào, dòm mà không nói, muốn nói cũng khôn cùng.

Tơm tởm tối hôm sau, điện thoại reo, bốc lên, có tiếng cười khúc khích:

– Lý đây anh.

Tôi như rách giời rơi xuống, một lát sau mới…hoàn hồn và trò chuyện. Cuối cùng Lý thì thầm sẽ gọi lại tối mai (đúng ra tên là Cam Ly, vì sinh ở Đà Lạt). Một ngày dài lê thê, một đêm mất ngủ với mơ trong mộng…Và thót người có tiếng chuông reo, có tiếng cười tinh nghịch, rúc rích như chuột trong cót thóc. Tôi như lạc nẻo đường trần:

– Em là Thu Hà, em của chị Lý. Hôm qua em nghịch anh…

Lần đầu tiên trong đời tôi hẹn hò, thêm một tuần mong đợi, đợi mong và để rồi tôi đã gặp Thu Hà. Chưa bân bịu với chữ nghiã, nên chẳng biết diễn tả gì hơn ngoài mái tóc thề, áo dài mầu mỡ gà, rất áo lụa Hà Đông và cũng từ đó, tôi gần gũi với Nguyên Sa, bỏ lại đằng sau một Nguyễn Tất Nhiên với cô em gái Bắc kỳ nho nhỏ.

Thu Hà không thích gần đám đông, tôi cũng chỉ muốn ngày đó chúng mình hai đứa, Thu Hà ưa bóng tối, tôi yêu bóng đêm. Với tối như hủ nút thì chui vào rạp “ci-nê”. Thế là mặc cao bồi, mọi da đỏ bắn nhau chí chát. Trong bóng tối mờ nhân ảnh tôi có được nụ hôn đầu đời mùi ngô non, như một dấu ấn để chẳng bao giờ quên. Ấy là sau này tôi căng óc nặn chữ, vặn óc véo câu cho văn vẻ với tha nhân. Còn như dấu ấn để mưa thương nắng nhớ là trong tối đen đèn mờ, tôi đè người tình cốm non ra hôn thì Thu Hà nhắm tịt mắt, và cắn chặt răng lại. Được thể hai hàm răng đụng nhau một cái cốp đến ê răng. Vậy mà người tình của tôi thỏ thẻ nũng nịu: “Mới gặp lần đầu đã hôn người ta”.

Tìm về “người ta” qua ký ức tối mù để chẳng quên Sài Gòn một nhớ hai quên với một thóang ngày cũ, một chút cảnh xưa của bóng tối đồng loã từ Rex qua Eden. Nhất là ở cái tuổi tập làm người lớn với thuốc lá. Theo khói thuốc Salem về lại qua năm tháng: “Sao anh làm em mệt”. (đọc ngược: “Mà em làm anh sướng”). ở rạp Eđen…

(…) Nó không nghe được vì phim đang chiếu có tiếng đại bác bắn ì oành…ì oành…

Bỗng em oằn oại:

–  Chết mất anh ơi…ơi…

Tại em chứ đâu phải tại nó. Em cầm tay nó đưa vào rồi lại đẩy ra trong giằng co, bấn loạn. Em buông tay nó ra. Trên lầu rạp Eden chia từng ngăn riêng biệt. Rạp “ci-nê” vắng như chùa bà Đanh. Vì cái ghế lớn hơn người em nên em chườn người xuống như nằm. Em kéo cái “mi-ni jupe” ngắn cũn cỡn lên một chút để cả bàn tay nó chui vào. Em buông xuôi, run lẩy bẩy, thở rốc ra, tay bắt chuồn chuồn như sắp chết đến nơi.

Em thở như người…hấp hối. Năm ngón tay nó thong dong mầy mò vào sâu hơn…mò mẫm sâu…và sâu hơn nữa…Giờ ạ! Và nó giật thót người vì…Vì…cùng lúc, tay này em kéo nhẹ cái “phẹc-mơ-tuya” quần nó xuống, tay kia chui vào. Hơ! Nó ú ớ…Nó muốn “hơ” thêm cái nữa. Vì bụng dạ nó ấm ức quá lắm. Thế là không ổn rồi. Nó thần ra…nghĩ. Vì nó…buồn. Nghĩ thêm một chút nữa… Hóa ra nó buồn…đái.

Vừa lúc trận chiến The Longest Day trên màn ảnh vừa hiện lên hai chữ: “The End”.

Cả hai nắm tay nhau về, em cọc cạch với nó là mắc chứng gì lại dẫn đi xem phim bắn súng đùng…đùng… Nó lại ú ớ nữa vì chính em chọn cái rạp Eden thổ tả này mà. Và nó chỉ biết rằng hôm ấy với phim The Longest Day là…ngày dài nhất của nó. (…)

Nếu mảng chữ trên một tôi có vụng câu, vụng chữ thì dường như hơn một lần, một tôi vặn vẹo với chữ nghĩa viết chuyện tình nên viết thật với chính mình. Trở lại với Sài Gòn hết nắng thì mưa ở thập niên 60-70 ai đấy chả qua khúc đoạn trường sào khô sào ướt trong rạp “ci-nê-ma”. Thảng như ai đó con nhà lành không đa mang thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn le lói suốt trăm năm để mất mát cái thú đau thương ấy! Ấy là chưa kể cái khổ nạn không chui vào rạp “ci-nê” để học lóm hôn có hai thể loại: ngậm chặt mồm lại hay há hốc mồm ra. Thêm hai dạng: nhắm mắt hay mở mắt.

Với những nhiễu sự ấy…ấy là chuyện sau với cô Tít cười…tít mắt.

 

***

Từ đó, hai đứa ngụp lặn trong mê lộ, đâu đó cũng mấy năm, càng ngày càng sâu đậm, càng ngày càng gắn bó. Tôi và Thu Hà bỏ lại đằng sau những quán nước bên đường đi tìm những vùng đất lạ, những nơi chốn để đong đầy kỷ niệm, một thời để yêu một thời để nhớ. Tất cả những “mi-ni jupe”, những Eden, Rex. Ngay cả thuốc lá cũng vậy, một tôi một mình về thăm ký ức, ngồi gõ vào trí nhớ để mang vào bài viết không ngoài để đánh dấu thời gian nào đó, ở một cuộc tình nào đấy. Như trên đã bộc bạch, những gì một tôi muốn nhắc tới là một thóang ngày cũ, một chút cảnh xưa của Sài Gòn trong trí nhớ ở cái tuổi dựa cột đèn, mây giăng giăng cuối phố. Mây vẫn bay qua, ngày vẫn trôi đi, ai chẳng có dấu ấn đang ẩn nấp ở một nơi chốn nào đấy theo khói thuốc Capstan về lại ngày là lá, tháng là mây với “Chiếc áo phong sương tình anh nặng”. Mặc dù chả phong sương giãi dầu cho mấy, nhưng tình tôi nặng vào một buổi chiều tới nhà thằng bạn cùng lớp chơi. Cổng vừa mở, nó cũng vừa xách xe ra và ào ào:

– Tao phải dọt, mày đưa con em tao đi học dùm.

Tôi gật đầu và cũng vừa lúc Thu Vân từ trên gác bước xuống, Vân có khuôn mặt trái soan, ẩn hiện một chút nào ngổ ngáo, bướng bỉnh của Thịnh đã đi vào quá vãng. Vân quần jean, áo polo, vừa thoáng thấy tôi, là thót lên xe. Trên xe, tôi nói chuyện về Thu Hà, ý đồ khoe mẽ người yêu “mi-nhon” và “híp-py” của một thời một thuở. Chuyện thì dài, con đường lại ngắn, phải đợi đến hôm sau. Ngày qua tháng lại mưa thương nắng nhớ là mỗi lần tôi thắng chiếc xe Nhật thì ngực cô em gái bạn lại “gây sự” với cái lưng nên tôi phải thắng nhiều hơn. Một lần trên đường về, thắng xe ở cổng nhà Thu Hà có chuyện gì đó không nhớ. Chỉ nhớ Thu Hà vừa thấy Thu Vân vênh váo ngồi trên xe đợi.

Thu Hà lừ lừ đi tới và phay một câu:

– Cô là ai ?

Vân trừng mắt, hất mái tóc lên .

– Em họ có được không?

Lâu ngày chày tháng thì tôi đến với em bạn cũng lâu lắm rồi, ở cái tuổi chanh cốm (11 hay 12 tuổi), cùng những vu vơ, vụn vặt. Như con chuồn chuồn, khi vui thì đậu khi buồn thì bay, một ngày vừa “đậu” xe trước cửa nhà, bà cụ Vân bước ra, đon đả:

– Em nó đi Châu Đốc, anh rảnh xuống chơi với em.

Ngay tối hôm ấy, một tôi ngồi trên chuyến xe đò đêm, vừa bước vào cổng đã thấy cô em bạn, trong bộ đồ ngủ hoa cà, đang ngồi nhặt rau ngoài sân. Thấy tôi, Vân ngẩng đầu lên, khuôn mặt tươi roi rói: “Anh…”. Buổi sáng hôm ấy, nắng thủng thỉnh, mây lang thang, hai đứa ra vườn lùa gà, cắt tiết, nhổ lông. Tiếp, vừa ăn vừa chuyện trò miên man.

Buổi tối trước khi về Sài Gòn…Vân nằm trên giường, tôi ngồi bên cạnh vun chuyện này chuyện kia. Tôi ngồi như cú dòm nhà bệnh và bắt mạch bằng cách nhè hỏi con bệnh có người yêu chưa. Vân mắt giương như mắt ếch nhòm tôi lắc đầu. Chả hiểu trời sui đất khiến thế nào tôi cúi xuống hôn nhẹ lên trán con bệnh. Trên xe đò, một tôi để hồn đi hoang với câu thơ của người Thanh Tâm Tuyền ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới. Mặc dù chưa ôm, chỉ hôn phớt lên cái trán…dô thôi, vậy mà một tôi đã lận đận với những ngày đong đưa sắp tới, bởi sắp: Vướng nghiệp rồi.

Mười năm sau có hơn, tôi dẫn Vân đi coi tử vi, giữa con đường Nguyễn Phi Khanh là nhà Thịnh, gần đầu đường này là nhà thầy bói mù Ba La. Thầy dậy không làm đám cưới ngay thì…tiền dâm hậu thú. Nghe hãi quá thể nên ngay năm ấy một tôi có…vợ.

 

***

Từ Châu Đốc về Sài Gòn, thoáng chốc một tôi là người lớn lúc nào không hay…

Nhằm vào cái tuổi sinh lầm thế kỷ với tuổi trẻ phải làm một cái gì. Chưa biết làm gì cho ra hồn, một tôi ngồi đồng ở quán cà phê cái đã. Lúc này một tôi tóc tai bù xù, mặt mũi mệt mỏi ra dáng bương trải qua những cuộc tình thuộc thể loại làm sao em biết bia đá không đau. Nói dối phải tội chứ, với những cuộc tình bỗng không hẹn mà đến, rồi đột dưng bỏ đi mất tiêu. Ắt vì chứng nào tật nấy của một tôi gặp thì bâng khuâng, yêu thì bâng quơ nhưng một tôi chắc mẩm ngày mai sỏi đá cũng cần có nhau. Vì vậy ngày ấy một tôi ngất ngừ với dòng nhạc lười biếng cỡ…đại bác đêm đêm vọng về.. Với những âm hưởng này, một tôi đến quán với một chút “cát bụi” cùng…đàn bò vào thành phố. Cứ vậy, bập môi kéo thuốc nhả khói, mà phải Bastos xanh để một ngày như mọi ngày, đời nhẹ như mây khói. Một tôi cứ thế trầm ngâm thiêu đốt cuộc đời, đốt cháy thời gian. Thế nhưng một tôi chưa đủ…”trình độ” vãng lai tới những quán Broda, La Pagode, Givral có những Jean Paul Satre, Albert Camus da vàng mũi tẹt đeo kính cận vuông đồi mồi to tổ bố, ngậm ống vố dài ngoằng và ngồi đồng luận về thuyết hiện sinh hay dấn thân…vào cái tách cà phê sữa to bằng cái bát ăn cơm. Đến năm tao bảy tiết này, thì…

Thì một tôi gặp một người con gái ngang tuổi tên Đương, tính cũng…ngang ngang, rất hiện sinh với buồn nôn và phi lý. Số là một tôi đang bát phố trên đường Catinat, là đang đi bên lề cuộc đời nhìn vào đám đông để hãy nhìn anh thật rõ, trước khi nhìn đám đông, hãy nhìn sâu chút nữa, trước khi vào đám đông. (Nguyễn Tất Nhiên) Vừa lúc qua cửa kính của La Pagode, đập chát vào mắt một tôi là một Simone de Beauvoir da vàng mũi tẹt, tóc “demi-garcon”. Dòm kỹ hơn xem em có nhìn thấy anh không, trong đám đông, hoá ra Simone de Beauvoir/Đương là chị của cô em…bạn của em gái tôi. Nhưng đó là chuyện sau ở khúc cuối…cuối một chuyện tình.

Ngồi quán cà phê cuối phố miết một tôi quên Vân hồi nào không hay. Sau đó như rắn ôm cây, ôm đồm cô Tít lúc nào cũng cười…tít mắt. Để thành chuyện

Chuyện cứ như thật như ở trên một tôi đã luộm thuộm: Tình đầu thường là cô hàng xóm bên kia vách tường nhà mình. Nhưng đây lại cô hàng xóm nhà thằng bạn. Và còn thật hơn nữa như các cụ ta xưa có câu ca dao đợi đến ngày mai, dòm sang kẻ liếp là dòm thấy cô láng giềng đang…tắm. Chuyện của một tôi một ngày tới nhà bạn chơi, hai nhà cũng cách nhau một mảnh liếp nứa thật. Bất chợt nghe tiếng ho ậm ừ…Tưởng bở, bèn nhìn mảnh liếp xem các cụ dậy có đúng chăng. Hoặc giả như cụ Hoàng Cầm cũng qua cánh liếp tình tình ơi chớ động mành thưa, bờ ao sáo tắm bao giờ…hả em. Nhưng chả thấy tắm táp gì sất cả mà lòi tói ra mảnh giấy cuốn tròn bằng đầu đũa.

Thề nói láo ông táo đội nồi cơm, đang ngồi gõ những dòng chữ này một tôi mới nhớ ra tên thật cô. Và nhớ rạp Văn Hoa vì người Nguyễn Đình Toàn làm thơ đầu đời lần đầu ta ghé môi hôn, những con ve nhỏ hết hồn kêu vang để nhớ đời khi một tôi lấy hai bàn tay…“vặn” xoay đầu cô 90 độ để hôn. Cái đầu bị vặn quay sang mắt mở to như mắt rắn ráo và há hốc mồm không biết chuyện khỉ gì sẩy ra. Từ đó một tôi trộm hiểu không cứ hôn là…nhắm mắt. Và hiểu thêm chả chuyện tình nào cũng ngon cơm…Vì gần đây mới hay cô Nhỡ (tên thật là Chính) chị của Tít cũng mê tôi tít thò lò. Vì Tít cứ cười tít nên tôi mê tít,…để hai chị em giận nhau. Cũng vì tính một tôi lêu bêu gặp thì bâng khuâng, yêu thì bâng quơ nên chỉ mấy năm sau một tôi cũng quên ngay cô láng giềng của Nguyễn Bính giá đừng có dậu mùng tơi, thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng. Nhưng cũng may, vì cô mà tôi xuýt tí nữa rớt tú tài anh đi trung sĩ, em ở nhà lấy Mỹ nuôi con…nhằm vào người Mỹ có mặt ở thập niên 60, theo khói thuốc Pallman với ngày tháng đắp đổi “Phải anh là lính mời anh lên liền” (hay “Phòng anh lạnh lẽo, mình anh lạnh lùng”)

Sau đám hỏi, trước đám cưới với Vân đâu đó cũng ba bốn năm. “Vì cây dây quấn” tôi lại quấn quýt với em tan trường về, đường mưa nho nhỏ để đa mang với người yêu nhỏ bé tên Ngà, với cái thú đau thương vụng trộm, day dứt khôn nguôi. Ngà là bạn em gái tôi, đến nhà hàng tuần để học thi, thoáng gặp có đôi mắt buồn vời vợi. Lâu lâu tôi chỉ cho cô em và Ngà về toán như hai đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau.

Vậy mà găp nhau ở phòng ngủ, tôi bước vào, Ngà đi ra, hai đứa…ôm chầm lấy nhau. Tiếp đến là màn “toát mồ hôi lạnh” như phim “ci-nê-ma” của Alfred Hitcock vào thập niên 60 là giằng co, giẫy giụa,…vật vã trong câm nín rồi…vật nhau ngã lên giường. Đến trần ai khoai củ này, một tôi vụng câu, vụng chữ trang trải trên giấy khô mực nẻ…

(…) Hồi nhớ lại, gã nhớ như in là cô nằm dài ra giường, hai tay dang ra bị hai bàn tay gã áp chặt. Cô nằm thênh thang trên giường và nhắm mắt. Cái im ắng của căn phòng, sự im lặng của cô như đồng lõa. Tất cả trôi qua trong thoáng giây. Hồi nhớ lại, gã nhớ như in là cô nằm dài ra giường, hai tay dang ra như chúa Giê su bị đóng đinh trên thập tự giá. Chỉ khác một nhẽ chúa Giê su bị dán chặt lên hai thanh gỗ dựng đứng, còn cô nằm trải dài trên giường. Cái im ắng của căn phòng, sự câm lặng của cô như đồng lõa. Nếu như có ai đấy hỏi gã chuyện gì đã xẩy ra. Gã chỉ biết u ơ rằng là tại…cái cúc áo ngực. Cái cúc áo bị tuột ra khi giằng co vật lộn phơi bày một khoảng ngực lồ lộ và cấu vào mắt gã là một nốt ruồi son. Theo tiếng gọi của cái nốt ruồi, gã…“ngoạm” nguyên trái chanh mọng nước ngập của chua trái đắng. Trong khi thân xác này úp lên thân xác kia. Và gã vẫn mặc cái quần “dra-gông” không cần ủi cũng thẳng nếp. (…)

Chuyện nào khác gì một tôi nằm cái tuổi lông ben, trứng cá gặp nữ thập tam (nam thập lục) ở trại di cư Tân Chí Linh đâu đó gần ngã ba Ông Tạ.

(…) Một ngày Còi chạy ra cái cầu gỗ của ao cá tra để…đi cầu thì đâm sầm vào “gái thập tam” thế là quen…để thành chuyện. Cô em gái Bắc Kỳ của Còi thân hình như con cá trắm, da bánh mật, lông mày dậm, môi dầy cong cớn dẩu lên như con cộp cộp. Con gái gì mà nghịch tinh như con trai, chỉ thích vật nhau với Còi ở trên cái chõng tre. Một lần hai đứa nghịch nhau, cắn nhau, véo nhau, cái nan tre ọp ẹp, rung rung kêu “cọt…cọt…”. Rồi hai đứa đè lên nhau giống hai cái thìa úp, lăn qua lăn lại, cái cúc áo tuột ra…Lạy Chúa tôi! Lần đầu tiên Còi mới thấy cái của nợ của cái Sửu cồm cộm cứng như mo nang, trắng hếu, trắng như ếch lột. Còi thề với “đức Chúa giời có ba ngôi” là: Không có chuyện tòm tem. Mà nếu có muốn Còi cũng chả biết tí tóay ra sao. (…)

Trở lại với Ngà, thêm một lần gặp thì bâng khuâng, yêu thì bâng quơ nên một tôi va chạm đến nỗi niềm nếu như trời không mưa, có ai cần tôi đưa… Hình như ở một khoảng thời gian nào đó, mỗi người mỗi hệ lụy với một dòng nhạc của ký ức, cái gạch nối của một quãng đời đứt đoạn cùng những tiếc nuối…Bằng vào buổi tôi đám cưới của Ngà, nằm nhà một tôi vật vờ với những tà áo cưới tiễn em đi…em đi lấy chồng. Em gái tôi cho hay Ngà lấy một người cũng tên Hùng với ẩn dụ, ẩn ức nào đó.

Đến tao đoạn này, một tôi phải “ẩn dụ” qua một chuyện tình khác. Chả là chuyện tình nào đó viết rồi, cất kín, nhưng cũng bị vợ sau vớ được và…đọc ngấu nghiến và sau đó…nghiến cho một trận. Thêm gặp Đương với hiện sinh, hiện thực, lại ngang tuổi, ngang ngạnh. Vì vậy một tôi vay mượn cô làm hình nhân thế mạng cho Ngà:

(…) Cô trở ra, cả hai đứng trong vòm cửa bé con con. Tôi với cô đứng sát nhau, nắng hắt qua song sắt, đổ những vệt dài trên áo, như xé cô ra làm hai, ba mảnh. Tôi thoáng bắt gặp một chút bụi trần vướng mắc trên áo cô, ẩn dấu dòng luân chuyển của thời gian, bánh xe quay vòng của đời thường với…ngày mai: Ngày mai hạ đến, thu sang, đông tàn…và xuân tận chẳng trở về. Trong một khỏanh khắc, cô bần thần và bịn rịn nắm tay tôi. Tôi tự hiểu, đó là cái nắm tay của quá khứ lâu ngày không gặp lại.

Để rồi với thóang buồn, cô nói…Tôi nghĩ cô muốn gửi gấm nồi niềm nào đó:

– Mày biết không. Tao lấy chồng vì…mày.

Rồi cô ngập ngừng:

– Tao lấy thằng chồng này chỉ vì cái tên…Hùng. (…)

Từng ấy chuyện cỏ hoa lạc lối cùng những chuyện tình. Một tôi lếch thếch với chữ nghĩa qua những trò ma tịt, ma bùn…Thế nhưng một tôi láo ngáo, lớ ngớ ở cái tuổi bập bập thuốc lá để tập làm người lớn. Vậy mà lớn rồi chưa hề biết nói: “Anh yêu em”.

Thêm gặp Đương, một Simone de Beauvoir với buồn nôn, phi lý của La Pagode.

(…) Lên đệ nhất, cô hay nói chuyện phi lý với buồn nôn, thực tình tôi chả biết cô nhúm đâu ra mớ hiện sinh hỗn độn này. Chỉ biết mỗi lần cô nói, khuôn mặt đờ đẫn, man dại nên tốn thuốc lá của tôi khá bộn. Mây vẫn bay, ngày vẫn qua đi đến bây giờ tôi vẫn nhớ là ngồi trên sân thượng, dòm tôi gõ gõ điếu thuốc, cô nói: ”Mày hút được. Tao hút được”. Tôi châm cho cô điếu thuốc…Dòm cô bất cần đời, mắt lim dim, ngửa mặt lên trời nhả khói i xì như…Francois Sagan đầy hoang dã, hoang đời trong…hoang lạnh. (…)

Như ở trên một tôi vặn chữ véo câu, yêu có 5 thể loại lung tung trống kèn với yêu cho mình, yêu vì người, v…v…Thì chuyện tình cũng sống đèn dầu, chết kèn trống với tình chết, tình ngắc ngoải, v…v…Nay với Đương thêm “tình vờ” như hồ ly tinh trong cổ thư Liêu trai chí dị hay với tân hình thức, hậu hiện đại hôm nay là “tình nháp” là yêu thử. Thế nhưng chả như người thơ Hàn Mặc Tử với người đi một nửa hồn tôi khoái, một nửa hồn kia hớn hở cười. Bởi chưng cô yêu tôi…thật trong ngày cưới của tôi mới đau…

(…) Gặp ngày lành tháng tốt, tôi lấy vợ để ông cụ tôi có con nối dõi tông đường. Trước ngày cưới một tuần, gần như sáng đêm chiều tối, cô có mặt ở nhà tôi, lo sắp sếp cái này, thu vén thứ kia như một người trong gia đình. Ngày đám cưới cô đến, tôi lặng người. Vì rằng chuyện này, sau họ hàng hang hốc có lời ong tiếng ve…

Vì quần áo của cô giống y hệt cô dâu, từ vải vóc đến mầu sắc cùng kiểu cách, chỉ thiếu…cái khăn hòang hậu. Đi ngang qua mặt tôi, cô nói nhỏ:

– Tao là người tới trước.

Tôi hiểu câu nói ấy. Giữa đám cưới cô bỏ về sớm. Em cô nói lại hôm đó, cô hút thuốc lá và uống rượu hơi nhiều. Và thêm: “Với anh, chị em tông tốc làm sao ấy”. (…)

 

***

Tới Mỹ, đến một ngày, thêm một ngày cho quá khứ…

(…) Trước 75, nhà tôi có mang khoảng bảy tháng. Qua Mỹ, hai tháng sau tới ngày sinh bồn lúc chưa có chương trình giúp đỡ cho người tị nạn. Vào nhà thương nằm chờ đó đợi thằng bảo trợ chạy đôn chạy đáo để làm giấy tờ. Đến tơm tởm tối về lại nhà thương, nhân viên văn phòng đợi sẵn và nói…“OK”. Tôi hiểu ngay đơ là mình đã có…con rồi. Đến tiết mục họ hỏi đặt tên con. Vì cả ngày chạy tới chạy lui mệt khờ người, lại bối rối như sư đẻ vì tiếng Tây tiếng u nên tôi…nhớ tới tên người xưa. Lát sau nhà tôi hỏi: “Anh vẫn nhớ Thu Hà?”. Thôi thì cũng đành gật đầu. (…)

Bốn tháng sau, cháu Thu Hà mất trong giấc ngủ…giấc ngủ dài của trẻ thơ. Hơn mười năm sau nhà tôi đi vào cõi vô cùng. Dẫn con gái út lên thăm mộ mẹ và chị, cháu ngây thơ hỏi: “Bố ơi, Thu Hà là ai?”. Vậy là một tôi đã “chôn” cái tên Thu Hà ở ngoài nghĩa trang. Một ngày không có mây sao có mưa, Thu Hà đội mồ chui lên và gặp lại một tôi. Một Thu Hà ngày nào với “mi-ni jupe”, với nụ hôn đầu đời ngày nào. Một tôi chớ phở ra tên “cúng cơm” của Thu Hà là…Cẩm Hà.

Sau này đôi khi một tôi ngẫm nguội sao là Thu Hà mà không là Ung Thị Ngà. Vì sau 75, tôi lâu lâu lại nằm mơ tới người con gái có nốt ruồi son, có nỗi buồn u uẩn. Sau khi Vân, nhà tôi mất. Tôi hoang tưởng một ngày nào đó gặp Ngà ở phố thị. Trong giấc mơ đêm, qua giấc mộng ngày với Ngà, tôi như Tú Uyên đi tìm Giáng Kiều qua tranh. Để rồi tôi đã gặp lại “hình bóng” Ngà qua cô bạn học của Ngà. Ấy là năm 2015 ở một đám cưới. Ngồi cạnh tôi, cô nói nhỏ: “Anh Hùng có con rơi với Ngà”. Cô đây là người đàn bà có khuôn mặt chữ điền của đàn ông nên những mẫu người này thường có cung cách nghiêm nghị, ít cười nói. Nhìn khuôn mặt nghiêm túc của cô một lần nữa, tôi không nghĩ cô đùa. Vì cô còn cho biết con của Ngà và tôi là con trai, tên với chữ đầu là: “H…”.

Nhưng tôi không cho là thật. Vì cái ngày “toát mồ hôi lạnh” như phim “ci-nê-ma” của Alfred Hitcock ấy: Tôi vẫn mặc cái quần “dra-gông” không cần ủi thẳng nếp. Bỗng dưng tôi chợt thèm một hơi thuốc, tôi muốn ra ngoài gậm nhấm ký ức, từng mẩu một…

Bước ra ngoài tiệm ăn của đám cưới, đứng dưới tàng cây “Màu cây trong khói” của Hồ Dzếnh, tôi đốt một điếu thuốc để nhớ “người” châm điếu thuốc, khói huyền bay lên cây qua đôi mắt lơ đãng, xa vắng để lại đằng sau là khoảng không vắng xa, vời vợi

Và tôi gậm nhấm ký ức, từng mẩu một…theo khói thuốc cùng nhang đèn hương khói về lại dưới mái chùa xa biền biệt ở đâu đó có bộ áo nâu sòng: Ở đấy tôi có người yêu đầu tiên tên Hường hơn tôi hai tuổi khi tôi biết yêu ở tuổi mười hai. Người yêu đầu đời mà qua một bài viết tôi đã lụi cụi: “Nay tuổi đời còm cõi, tóc bạc da mồi, thả hồn về cõi hư không ai khóac áo nâu sòng, ai chân trời biền biệt, tên ai còn tha thiết, trong tiếng chuông chiều đưa “ (Du Tử Lê). Khi Hường xuống tóc gửi thân xác vào nhà chùa đã lấy pháp danh chữ đầu là “Diệu”, chữ sau có mẫu tự đầu là “H…” tên tôi. Theo tôi với một dài hai ngắn, cũng như Ngà, Hường ngập chìm trong tục lụy:đêm đêm tôi nhớ khuôn mặt cũ, và thấy trong kinh đủ bóng hình (Du Tử Lê).

Bỏ nước ra đi…sau khi nhà tôi mất, gặp bạn cũ trường xưa nên nhập hồn nhập vía vào chữ nghĩa. Khởi đầu là viết thư tình. Từ đó một tôi kỳ óc ra viết truyện tình, viết hùng hục như trâu húc mả hết Tình đầu, tới gõ chữ lộp bộp như gà mổ mo đến Tình giữa và ngơ ngác như bò đôi nón tới Tình cuối. Chuyện viết thư tình như thế này đây:

Một tôi tới tuổi theo khói thuốc với khói lam cuộc tình, gặp cô Tít cười tít mắt xém nữa rớt cái tú đơn, rồi chả hiểu sao cuỗm được cái tú kép. Thế là một tôi xuất dương tầm sư học đạo, mang theo hai quyển cổ thư để viết thư tình: Ấy là Thơ Nguyên Sa với Paris có gì lạ không em, mai anh về mắt vẫn lánh đen….Đời phi công của nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh qua những lá thư tình bắt đầu với tên: Phượng. Đến tay một tôi hết Thu Vân yêu tới Tít em, rồi quay lại với Thu Hà yêu và ngừng lại với Đương. Đúng là bị giời đầy ở Ga Lyon đèn vàng cầm tay em muốn khóc, nên viết mỏi tay muốn…khóc luôn. Vì ngày ấy chưa có máy “phô-tô-cop-py”, vì vậy một tôi phải viết bốn cái thư giống in hịt nhau từng dấu chấm, dấu phẩy chỉ khác…cái tên.

       Từ tình đầu, đến tình giữa, tới tình cuối về lại với năm tháng qua những trang giấy cùng một thoáng u uẩn, u hoài qua 50 năm thì ngắn, nhưng với nửa thế kỷ lại quá dài…

(…) Tôi thoáng nghĩ viết chuyện tình nên dùng tên thật, nếu không sẽ mất đi những hoài cảm, chân tình vì đằng nào cũng một lần, thành thực với nhau, thành thực với chính mình: Tất cả đều đã ở cái tuổi bóng ngả đường chiều, một mai tóc đã điểm sương, con đàn cháu đống…Nếu ai đấy, ở một góc trời nào đó, gần cũng như xa, âm hưởng được những giấy khô mực cạn này hãy hiểu dùm tôi là, không phải bây giờ mà mãi mãi, cho suốt những ngày tháng còn lại, tôi vẫn nhớ, vẫn thương và vẫn yêu những người tình cũ của tôi. Hỡi em yêu dấu…Hường, Tít (Thức), Thịnh, Thu Hà (Cẩm Hà), Ngà, Đương, Châu, Nam, Hạnh lớn, Hạnh nhỏ, Hậu…hãy nhận cho tôi như một lời tạ lỗi, ai cũng một lần với muôn nghìn chữ nếu, như định mạng đã an bài. (…)

Ngay lúc này đây, bóng dáng những người tình được xem như không thiếu một ai. Vì u uẩn lại muốn thêm vào một cái tên: “Hạnh trẻ thơ”, người đã nằm xuống mộ sâu.

Hạnh trẻ thơ không phải là người tình. Nhưng tôi muốn đốt nén hương lòng cho một người nằm xuống, người đi qua đời tôi. Hạnh không yêu tôi. Tôi không yêu Hạnh. Chuyện là những ngày ở Hà Nội, hai gia đình hứa hẹn gả bán với nhau. Vào Nam, tôi vẫn thường tới nhà Hạnh biếu xén trong dịp tết nhất. Ngày ấy Hạnh có mái tóc “búp-bê” Nhật, má lúm đồng tiền, mỗi lần gặp tôi là lý lắc, sắng sẻ. Ngày tôi đi Tây, Hạnh ở nhà tôi hai ba ngày để mua cái này sắm cái kia để đợi một ngày võng anh đi trước, võng nàng theo sau. Năm nào không nhớ, ông bác Hạnh qua Mỹ ghé nhà báo cho tôi hay sau 75, vì cùng quẩn nên Hạnh, người đi qua đời tôi, đã tự tử. Hôm ấy, tôi nhớ nhìn ra vườn, đất trời mang mang, âm hưởng đâu đó dòng nhạc người đi qua đời tôit, vàng xưa đầy dấu chân, đen tối vùng lãng quên, đường xưa đầy lá úa.

Với “đường xưa đầy lá úa, vàng xưa đầy dấu chân” có Vân, nhà tôi, và Ngà, nghe nói dường như cũng đã nằm xuống mộ sâu. Nay thêm Hạnh, ai nấy đã theo nhang khói trong một cõi đi về đã đi đã đến cuối trời, đã về như vẫn muôn đời đã đi. (Bùi Giáng)

 

***

Chuyện là ai đó trước khi có hiện tại đều có quá khứ, quá khứ nhiều lúc muốn cởi bỏ không phải là dễ. Vì vậy trong những tối như đêm, dày như đất, một tôi vẫn thường u hoài về những người tình cũ. Với tuổi già cám cảnh cùng ngày trời tháng Bụt, một tôi để hồn đi hoang viết lại…Viết lại nữa để mõ sớm chuông chiều về một ai với mưa thương nắng nhớ lá rơi hàng xóm lá bay sang, vàng bay mấy lá năm già nửa. Đến tuổi tóc bạc, da mồi, một tôi lại viết thêm…Viết thêm cho trọn vẹn chuyện tình về một ai mà chớp mắt chỉ là giấc mộng lá bay tường bắc lá sang đông, hồng bay mấy lá năm hồ hết. Nói cho ngay một tôi lang thang với chữ nghĩa viết để dối già. Viết cho tuổi vắng gió đìu hiu với ngày là gió tháng là mây, theo mây trời quan hoài với một ai đời xin có nhau…dài cho mãi sau, nắng không bị sầu, áo xưa dù nhầu…cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau…

Ấy vậy mà chưa kịp “bạc đầu gọi mãi tên nhau” lại dàng dênh tới chuyện nằm ở một khúc một nào đó đã bương trải theo các cụ ta xưa chồng chị là ai, chị nào có biết, đợi đến ngày mai, dòm sang kẻ liếp. Hoặc ở một đoạn một nào đấy với cái nợ văn chương, một số là bạn đọc, trước là bạn văn, sau là bạn tình nằm trong tình cuối. Theo khói thuốc vương vấn từ ngày một đồng ba điếu Ruby gần đển tuổi chín tầng mây mười tầng trời này, đếm sổ nợ đời nếu in ấn thành sách cũng co cụm được mấy trăm trang.

Mươi năm sau, cũng vẫn ở chỗ cũ, tay điếu thuốc, tay ly rượu. Một tôi ngồi rị mọ đọc lại dăm trang giấy cũ đã vàng ố để đi tìm thời gian đã mất. Cho đến lúc bóng ngả đường chiều phủ lên vườn nhà, nắng quái chiều hôm chụp xuống tuổi vàng bay mấy lá năm già nửa. Một tôi nhẹ dần theo mây khói với ngày qua tháng lại, không còn biết mình đang ngồi đây hay là mây đang bay trên trời cao trong những ngày nhạt nắng…

 

Thạch trúc gia trang

    Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

              

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search