T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 163)

 

Phùng Quán

Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã xuất bản “Nhà văn Việt Nam hiện đại”, dày 1200 trang khổ lớn, tập hợp chân dung trên một ngàn nhà văn các thế hệ, từ các cụ Ngô Tất Tố, Phan Khôi… cho đến lớp nhà văn vừa được kết nạp như Nguyễn Danh Lam, Phan Huyền Thư…

Tuy vậy, ở một số tác giả có quá trình “phức tạp” (như Hữu Loan, Phùng Quán, Trần Dần, Lê Đạt…) bạn đọc không thể thoả mãn với cách lược ghi, đại thể như với Phùng Quán, “quá trình học tập, công tác, sáng tác” chỉ vẻn vẹn một dòng: “Tham gia quân đội trong thời kỳ chống Pháp, sau chuyển sang làm công tác văn hoá”. 

Đã đành, đây là một sự chọn lựa khó khăn của Ban biên tập, nhưng vụ “Nhân văn” đã qua nửa thế kỷ (thời gian cho phép “giải mật” nhiều loại hồ sơ…), một số tác giả lại vừa được tặng “Giải thưởng Nhà nước”, thiết nghĩ Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam không nên tránh né một sự thật mà thiên hạ đều đã biết.

(Nguyễn Khắc Phê – Nhà văn hiện đại)

 

Miếu

Miếu là một cái cung nhỏ, có khi chỉ có mấy cái bệ trên một nền gạch ở giữa đồng, dứơi gốc cây để thờ thần canh nông thổ thần hay nhân vật bất đắc kỳ tử.

(Văn hóa đình làng – Nguyễn Đăng Thục)

 

Chữ và nghĩa

“Khôn sống bống chết” thì bống đây là vụng (vụng về).

Theo ngôn ngữ học, xưa kia hai mẫu tự “b”“v” thường hay thay thế cho nhau như “vua” nói là “bua”.

 

Nhà máy bia Hà Nội

Nhà máy bia Hà Nội là nhà máy Bia Hommel cũ, công xuất chỉ bằng một phần mười nhà máy Sài Gòn làm bia hơi nhạt. Tên Bia 33 khai sanh tại Hà Nội năm 1949.

Ngày nay Bia 33 cũng tỵ nạn tại Đan Mạch (do Hãng Carlsberg – ĐanMạch sản xuất). Bia 33 vì sanh ở Hà Nội nên dân Sàigòn vẫn gọi «Bia 33», hay vắn tắt «Băm Ba».

(Nguồn: Phan Văn Song)

 

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Cúng giao thừa ngoài trời

Dân tộc nào cũng coi phút giao thừa là thiêng liêng. Các cụ ta quan niệm: Mỗi năm Thiên đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom công việc dưới hạ giới, đứng đầu là một ngài có vị trí như quan toàn quyền. Năm nào quan toàn quyền giỏi giang anh minh, liêm khiết thì hạ giới được nhờ như: Được mùa, ít thiên tai, không có chiến tranh, bệnh tật… Trái lại, gặp phải ông lười biếng kém cỏi, tham lam… thì hạ giới chịu mọi thứ khổ. Và các cụ hình dung phút giao thừa là lúc bàn giao, các quan quân quản hạ giới hết hạn kéo về trời và quan quân mới được cử thì ào ạt kéo xuống hạ giới tiếp quản thiên hạ.

Các cụ cũng hình dung phút ấy ngang trời quân đi, quân về đầy không trung tấp nập, vội vã, thậm chí có quan, quân còn chưa kịp ăn uống gì.

Nhưng phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả, toàn đồ ăn nguội ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới. Vì việc bàn giao gấp gáp nên các vị không thể vào trong nhà khề khà mâm bát mà chỉ có thể dừng vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà. Ví cứ tưởng tượng thêm thắt các hình ảnh nhà trời theo mình như vậy nên nhiều nhà có của đua nhau cúng giao thừa rất to và nghĩ cách làm mâm cúng giao thừa nổi lên bởi những của ngon vật lạ, trang trí cầu kỳ để các quan chú ý, quan tâm đến chủ hảo tâm mà phù hộ cho họ với dốc lòng phù hộ.

 

Nút

Nút: mút

(nút lưỡi)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 

Truyện chớp: Cải táng (7)

 Trước khi qua đời chiều nào ông nội tôi cũng uống rượu. Ông mặc bộ đồ trắng, đi thong thả đến tiệm tạp hóa, làm vài ly đế. Khi về, ông đi loạng choạng, chân nọ xọ chân kia, nhưng không bao giờ ngã té. Những chuyến đi diễn ra đều đặn mỗi ngày trong nỗi buồn vô hạn vì cái chết đột ngột của cha tôi, vì thời thế đổi thay, vì gia đình chúng tôi phải từ thành phố về sống ở thôn quê trước con mắt dò xét của lũ người thô lỗ và xu thời. Chẳng bao lâu ông tôi chết vì rượu, khi tôi ở xa.

Vài năm sau tôi về cải táng mộ. Khi đào lên, người ta dùng rượu rửa sọ ông, rửa rất lâu cho đến khi linh hồn ông say khướt. Trên cánh đồng cát không người, tôi thấy ông nội đi loạng choạng về phía chân trời.

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Dạy đĩ vén xống, dạy ông cống vào tràng, dạy bà lang bốc thuốc

(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao, thành ngữ)

 

Viết hoa (4)

Nhưng nếu các khái niệm này được sử dụng để chỉ:
1. Một nhân vật chính xác và duy nhất, gắn liền với tên người, thì âm tiết đầu phải được viết hoa. Thí dụ: Giáo sư Nguyễn Nhiều Ý, Họa sĩ Phan Trừu Tượng, Hòa thượng Thích Luân Hồi,
2. Một tên kép, ghép bởi chức vị, địa vị, học vị, đẳng cấp…với tên người, thì cả tên kép đều phải viết hoa, vì nó chỉ chính xác và duy nhất một nhân vật, thí dụ như: Đề Kiều (Đề đốc Kiều), Lý Mão (Lý trưởng Nguyễn văn Mão), Tú Xương….
3. Một tên kép, ghép bởi tên và cá tính nhân vật thì mọi âm tiết đều phải viết hoa, vì nó cũng chỉ chính xác và duy nhất một nhân vật, thí dụ như: Út Thôi, Cả Móm, Xuân Tóc Đỏ…
4. Một cấu trúc đặc biệt, ngoại lệ, thí dụ như tên của dòng hoàng tộc, tên ghép…gây ra một số phân vân, viết hoa hay không, và viết hoa như thế nào ?! Thí dụ:
·  Công tằng tôn nữ thị Mỹ Đường ?
·  Công tằng Tôn nữ thị Mỹ Đường ?
·  Công Tằng Tôn Nữ Thị Mỹ Đường ?
Theo ý tôi thì cách viết thứ hai là có lý hơn cả, vì khái niệm “Công tằng“ chỉ định thế hệ của người mang tên, không nhất thiết phải viết hoa cả hai chữ, khái niệm “Tôn nữ“ chỉ định giới tính của người mang tên là con gái trong họ nhà vua (Mỹ Đường có thể là tên của phái nam cũng như phái nữ, thí dụ như Nguyễn Phúc Mỹ Đường là tên con trai của Hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh) cho nên cũng không nhất thiết phải viết hoa cả hai chữ, trong khi Mỹ Đường là tên chính xác và duy nhất của một người nên phải viết hoa cả hai chữ.

(Viết hoa hay không viết hoa? – Mathilde Tuyết Trần)

 

Chữ nghĩa làng văn…hàng xóm

Trang Tử (3)

 Nhan Hồi nghe Tử Lộ nói với Tử Cống nói xấu Khổng Tử, bèn vào thưa lại với Khổng Tử. Khổng Tử liền gạt cây đàn sang một bên và nói: “Tử Lộ và Tử Cống là bọn tiểu nhân thiển lậu. Hãy gọi chúng vào đây ta giảng giải cho”. Tử Lộ và Tử Cống vào được Khổng Tử giảng giải cho, xong, Khổng Tử vẫn tiếp tục đàn hát…

Nhưng điều quan trọng là trong Nam Hoa kinh đã để cho trò dám nói thầy là…“vô liêm sỉ”.

Còn thầy mắng trò là…“bọn tiểu nhân thiển lậu”.

(Tiến tình văn hóa Việt Nam – Nguyễn Khắc Thuần)

 

Sai hay đúng?

 Trong câu “da chết bọc thây coi cái chết tựa như lông hồng”.

Có sách cho là lông hồng đây là…lông ngựa!

Hồng là ngỗng trời. Xưa, có thể dùng để thông tin tức phương xa, nên nói đến chuyện gửi thư từ thì gọi là hồng tiện, tin hồng.

Nên lông hồng đây là…lông ngỗng.

(Tôn Thất Lương – Xuân mộng)

 

Ca dao và lịch sử

Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ thứ 17 đến đầu thế kỷ thứ 19, suốt 200 năm là một chuỗi biến cố đẫm máu. Hết cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn, đến cuộc tương tranh Nguyễn – Tây Sơn. Từ lúc anh em Tây Sơn khởi nghĩa, vua Quang Trung lập nên một triều đại huy hoàng với nhiều võ công oanh liệt, nhưng khá ngắn ngủi:

Ðầu cha lấy làm đuôi con
Mười bốn năm tròn hết số thì thôi

Tương truyền đây là một câu sấm ứng vào việc triều Tây Sơn mất nghiệp sau 14 năm. Ðầu chữ Quang (- Quang Trung) lấy làm đuôi chữ Cảnh ( – Cảnh Thịnh).
Một câu ca dao khác, cũng cùng ý nghĩa:

Cha nhỏ đầu con nhỏ chân
Ðến năm Nhâm Tuất (1802) thì thân chẳng còn

Chữ “tiểu” ở trên đầu chữ Quang, ở chân chữ Cảnh.

(Phương Nghi – Tạp chí Tài hoa trẻ)

 

Triết lý củ khoai

 Lúc bé, tưởng yêu là tất cả, là mọi thứ, lớn rồi mới biết sau yêu còn có chia tay.

Chữ nghĩa làng văn

–  Truyện ngắn của chị có nhiều chữ lạ như ngõi, ngẫn ngẫn, to hó, nhảo, nhuôm nhuôm , chỉn chu. Như thế, có cần một chú thích cho các độc giả miền Nam và hải ngoại?

–  Không có từ nào thật lạ, thật sáng tạo của riêng tôi trong số những từ chị vừa dẫn. Những ngõi, nhảo, nhuôm nhuôm, tôi học từ các bà các chị ở quê tôi. To hó, từ này tôi mượn của ông Tô Hoài từ trước năm 45. Ngẫn ngẫn tôi học được từ mấy anh chị đi từ miền Nam. Chỉn chu thì có trong tự điển. Và nói chung, nhiều chữ tôi dùng hiện vẫn được sử dụng hàng ngày ở VN, chỉ không thông dụng ở hải ngoại. Vậy thì đâu có cần chú thích. Chúng ta phải tự làm giàu có vốn từ cho mình bằng cách đọc và học.

(Lê Quỳnh – Phỏng vấn nhà văn Lê Minh Hà)

 

Tam Tự Kinh

“Nhân chi sơ Tính bản thiện. Tính tương cận Tập tương viễn. Cầu bất giáo Tính nải thiên. Giáo chỉ đạo Quí dĩ chuyên. Tích Mạnh mẫu Trạch lân xứ. Tử bất học Ðoạn cơ chữ, v……”

(Người lúc đầu Tính vốn lành Tính giống [thì] gần Thói khác [thì] xa Nếu không dạy Tính thay đổi Chuyên cần [là] quí Chuyện mẹ thầy Mạnh Chọn xóm giềng Con không học Chặt khung cửi…)

(Viên Linh – Những ông thầy thời niên thiếu)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Tại sao có bà phù thủy mà không có ông phù thủy?
Câu trả lời: Không có người đàn ông nào độc ác hơn đàn bà!

 

Lê Xuyên, Dương Nghiễm Mậu

Thời gian gần đây, Công ty văn hoá Phương Nam và Nhà xuất bản Văn nghệ TPHCM cho in lại 4 tập truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu, và truyện dài Nguyệt Đồng Xoài của Lê Xuyên.

Có dư luận trong nước, sớm nhất là một cô giáo tên Lê Ánh Ðào, đã phản đối nhà xuất bản và Công ty Phương Nam. Cô giáo này cho rằng: “Ðọc sách Dương Nghiễm Mậu – Thú vật hóa con người và lưu manh hóa hình tượng văn học”. Trình độ đọc sách của “giới giáo chức” trong nước thì tôi (Trần Nghi Hoàng) đã có biết qua! Thậm chí có giáo viên cho cái tên Nhất Linh có liên quan tới “cải lương” chi đó!

Nhưng đáng kể là, tôi lại cũng tình cờ đọc được bài viết “Đâu là tiêu chí của người xuất bản” của Vũ Hạnh, một nhà văn có chút tên tuổi xưa ở miền Nam, “đấu tố” nhà xuất bản và Công ty Phương Nam và hai tác giả Dương Nghiễm Mậu, Lê Xuyên.
Tôi dùng chữ “đấu tố”, vì ngôn từ và cung cách viết bài này của Vũ Hạnh sặc mùi “đấu tranh giai cấp” và loảng xoảng sắt máu hận thù, không thua sút chút nào với những bài của các “văn công” đã “đấu tố” nhóm Nhân văn-Giai phẩm hơn năm mươi năm về trước. Nào là “tha hóa lớp trẻ hầu đưa đẩy họ vào sự chống phá cách mạng, chống lại sự nghiệp giải phóng dân tộc…”, nào là “sách của Dương Nghiễm Mậu nổi bật là tính phản động thì sách của Lê Xuyên là tính đồi trụy…” Và Vũ Hạnh… ngậm ngùi thêm: “… và các tác giả – Dương Nghiễm Mậu, Lê Xuyên – sống lại ở thành phố này vẫn được đối xử bình đẳng, không hề gặp bất cứ sự quấy phiền nào.”

Chúng tôi, những văn nghệ sĩ lưu vong đều biết rất rõ những văn nghệ sĩ miền Nam còn ở lại sau tháng Tư 1975 “vẫn” được đối xử bình đẳng và… “vẫn” không bị “sự quấy phiền” như thế nào… Thậm chí, Dương Nghiễm Mậu “sung sướng” quá phải bỏ viết, đi học nghề làm tranh sơn mài… Và Lê Xuyên thì “rất an vui” ngày ngày ngồi bán thuốc lá lẻ, quần áo vá chằng đụp sống ngậm tăm trên hè phố!

(Trần Nghi Hoàng – Vũ Hạnh: Con đường thứ ba)

 

Điện

Điện là một cái đền nhỏ thờ quan binh hầu đức Thánh Trần Hưng Đạo, hay thờ các quan âm binh của pháp sư.
Tĩnh để thờ chư vị thì thường cũng như cái điện nhỏ của tư nhân.

(Văn hóa đình làng – Nguyễn Đăng Thục)

 

Giai thoại làng văn xóm chữ (3)

Mặt chữ điền

Đây thôn Vĩ Dạ, bài thơ được in trong tập Thơ điên có những câu:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?

Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Gần đây có nhiều người cho rằng “mặt chữ điền” chẳng phải để tả người mà chỉ là tiếp nối các câu tả cảnh ở đầu bài thơ:  sau khi tả nắng hàng cau, tả vườn cây xanh lá.

Và câu thứ tư tả nét kiến trúc đẹp: lá trúc che ngang …tấm chữ điền (chấn môn) trước cửa nhà. Vì kiến trúc xưa thường xây bức chấn môn chắn trước cửa ra vào. Tấm chắn này có khi được trang trí hoa lá, hổ phù, có khi đắp nổi nguyên hình một con hổ. Đơn giản hơn, có khi chỉ đắp nổi một hình chữ thập ở giữa khiến nó giống hệt “chữ điền” Ở vùng Thừa Thiên, Quảng Ngãi, Bình Định, vào cho đến các tỉnh nam Trung phần xưa vẫn gọi tấm chắn trước cửa ấy là “mặt chữ điền”. Hai bên chấn môn lại thường có trồng thêm hai bụi trúc, phía sau có hòn non bộ…

(Nguyễn Cẩm Xuyên – Lá trúc che ngang mặt chữ điền)

 

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search