T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NHẠC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (90) – NHẠC PHIM – Speak Softly, Love (Thú Đau Thương), Nino Rota & Larry Kusik

Tiếp tục phần Nhạc Phim, bài này chúng tôi viết về ca khúc Speak Softly, Love, nguyên là nhạc khúc chủ đề tình yêu trong phim The Godfather (1972) của Nino Rota, do Larry Kusik đặt lời hát; trước năm 1975, ca khúc này đã được Trường Kỳ đặt lời Việt với tựa Thú Đau Thương.

Trước khi viết về Speak Softly, Love, chúng tôi cũng xin giới thiệu một trong những ca khúc nổi tiếng đã được đề cử giải Oscar cho ca khúc trong phim trong những năm đầu thập niên 1970, đó là bản Ben.

Ben là một sáng tác của nhà soạn nhạc Walter Scharf (1910 –2003) và nhà viết lời hát Don Black (1938-) viết cho cuốn phim có cùng tựa.

Ben (1972) là cuốn phim kinh dị tiếp theo phim Willard (1971), nói về con chuột giết người tên “Ben” và cậu chủ của nó. Ben được Lee Montgomery và Michael Jackson hát trong phim, đoạt giải Trái Cầu Vàng (Golden Globe) và được đề cử giải Oscar năm 1972.

Trong buổi lễ trao giải Oscar, Michael Jackson, khi ấy 13 tuổi, đã hát live ca khúc Ben, và sau đó phiên bản này đã lên No.1 trên bảng xếp hạng ở Hoa Kỳ (Billboard Hot 100) và Úc-đại-lợi, được ghi nhận là bài hát solo đầu tiên của Michael Jackson đứng No.1 (những bản No.1 trước đó cậu hát chung với anh em trong ban The Jackson Five).

Phụ lục 1: Ben, Michael Jackson (live)

Sau đây chúng tôi viết về ca khúc Speak Softly, Love, tức nhạc khúc chủ đề tình yêu (love theme) trong cuốn phim The Godfather (1972) sau đó được đặt lời hát.

Nói về cuốn phim The Godfather không thể không nhắc tới cuốn truyện nguyên tác The Godfather của Mario Puzzo, trước năm 1975 được Ngọc Thứ Lang dịch với tựa Bố Già.

Mario Puzzo (1920 – 1999) là một nhà văn, ký giả, và nhà viết kịch bản Mỹ gốc Ý. Ông ra chào đời và lớn lên tại  khu Hell’s Kitchen ở Nữu Ước trong một gia đình di dân Ý nghèo tới từ miền Campania, Ý-đại-lợi, và “di sản” này sẽ được thể hiện trong nhiều tác phẩm của ông.

Sau khi tốt nghiệp tại City College of New York, Mario Puzzo gia nhập Lục Quân Hoa Kỳ trong Đệ nhị Thế chiến, tuy nhiên vì thị lực quá kém, ông không phải đi tác chiến mà được cử giữ chức sĩ quan giao tế cho một đơn vị đồn trú tại Đức.

Sau Thế chiến, Mario Puzzo trở về Nữu Ước theo học tại New School for Social Research, tiếp theo là Columbia University.

Trong thập niên 1950 và những năm đầu thập niên 1960, công việc kiếm sống của Mario Puzzo là, cùng với nhiều nhà văn chưa nổi tiếng khác, viết những truyện “hư cấu kém giá trị” (pulp fiction) cho các tạp chí dành cho nam giới. Song song, Mario Puzzo còn viết truyện ngắn, truyện dài.

Hiện nay, nhắc tới tên tuổi Mario Puzzo, mọi người sẽ nhớ ngay tới cuốn The Godfather (1969), nhưng trên thực tế cuốn truyện này chỉ là một bản sao đã đươc “mafia hóa” của cuốn truyện The Fortunate Pilgrim của ông viết trước đó 4 năm.

The Fortunate Pilgrim được Mario Puzzo tự đánh giá là tác phẩm hay nhất, nhiều chất thơ nhất, có giá trị văn chương cao nhất của mình. Truyện kể về nhân vật Maria Santa mà Mario Puzo cho biết là dựa trên hình ảnh của mẹ ông, một phụ nữ di dân lương thiện đã phải phấn đấu nơi xã hội mới cũng như lòng can đảm và tình yêu thương bà dành cho các con.

Trong The Fortunate Pilgrim, nhân vật Maria Santa là một góa phụ đã lãnh đạo hai gia đình di dân Ý hòa nhập vào cuộc sống mới tại thành phố Nữu Ước, trải qua cuộc Đại khủng hoảng và những năm đầu của Thế chiến.

Một cuốn truyện với nội dung như trên, dù hay tới mức nào, cũng chỉ phổ biến rộng rãi trong cộng đồng di dân gốc Ý (mãi tới năm 1988, hơn 15 năm sau khi The Godfather được dựng thành phim, The Fortunate Pilgrim mới được thực hiện thành phim tập ngắn kỳ trên truyền hình (miniseries) do Sophia Loren thủ vai chính).

Vì thế ngày ấy, nhà xuất bản đã khuyên Mario Puzzo nên viết lại The Fortunate Pilgrim thành một cuốn truyện về anh chị mafia, chắc chắn sẽ ăn khách hơn. Việc này không khó, bởi vì trong thời gian viết những truyện thuộc thể loại “pulp fiction” cho các tạp chí đàn ông,

Mario Puzzo đã được nghe các đồng nghiệp kể vô số chuyện ly kỳ rùng rợn về hoạt động của các băng đảng mafia ở Mỹ.

Mario Puzzo nghe thấy cũng có lý nhưng để cho chắc ăn, ông muốn tìm một nhà xuất bản có tầm vóc ứng trước một số “vốn” để ông yên tâm bắt tay vào việc. Kết quả, G. P. Putnam’s Sons, một nhà xuất bản ở Nữu Ước đã đồng ý ứng tiền trước.

Đầu tháng 3/1969, cuốn tiểu thuyết tội phạm hư cấu The Godfather – viết về gia đình mafia Corleone do “Bố Già” Vito Corleone lãnh đạo – được phát hành, và được độc giả trên toàn quốc nồng nhiệt đón nhận, nằm trong danh sách bestseller của tờ Nữu Ước Thời Báo suốt 67 tuần lễ liên tiếp, và chỉ trong thời gian hai năm đã bán ra trên chín triệu ấn bản.

Yếu tố thu hút chính của The Godfather là cuộc sống của xã hội đen, hay chính xác hơn là của mafia – anh chị Ý tại Hoa Kỳ.

Lẽ dĩ nhiên, Hồ-ly-vọng đã không bỏ qua một cuốn truyện ăn khách như The Godfather. Trên thực tế, ngay từ lúc cuốn truyện vừa được phát hành, hãng phim Paramount Pictures đã tiên liệu đây là cơ hội nghìn năm một thuở, thương lượng mua bản quyền để thực hiện thành phim với giá chỉ có 80,000 Mỹ kim! Dĩ nhiên, Mario Puzzo được mướn để chuyển thể thành kịch bản phim.

Nhưng nhân vật quan trọng nhất, nhiều công lao nhất trong việc  biến cuốn tiểu thuyết hư cấu The Godfather thành một kiệt tác điện ảnh phải là Francis Ford Coppola.

Francis Ford Coppola

Hiện nay, người yêu chuộng bộ môn điện ảnh đều biết Francis Ford Coppola (1939 – ) là một trong những tên tuổi lớn nhất của điện ảnh Hoa Kỳ, với những tác phẩm nổi tiếng như The Godfather (1972), The Godfather Part II, The Great Gatsby (1974), The Conversation (1974), Apocalypse Now (1979), The Outsiders (1983), Rumble Fish (1983), The Cotton Club (1984), Peggy Sue Got Married (1986), Bram Stoker’s Dracula (1992)…, nhưng ngày ấy, đầu thập niên 1970, ông còn là một đạo diễn trẻ trong nhóm “New Hollywood”, quy tụ những nhà làm phim chủ trương “đổi mới”, trong số đó có Steven Spielberg, Martin Scorsese, Robert Altman, Woody Allen, George Lucas…

Trước đó Francis Ford Coppola chỉ được biết tới qua cương vị một nhà viết kịch bản, vừa tạo được chút tên tuổi qua việc đoạt giải Oscar kịch bản cho cuốn phim chiến tranh Patton (1970), viết chung với Edmund H. North.

Sau khi được trao phó công việc đạo diễn cuốn phim The Godfather, Francis Ford Coppola đã cùng với tác giả Mario Puzo chuyển thể cuốn tiểu thuyết thành một kịch bản phim lột tả trắng trợn, bắn giết tàn bạo nhưng có chiều sâu.

Bối cảnh thời gian là từ năm 1945 tới 1955, đồng thời có những đoạn đưa khán giả về buổi thiếu thời của nhân vật chính Vito Corleone.

Bối cảnh không gian là thành phố Nữu Ước, nơi “thế giới ngầm” bị thao túng bởi những gia đình mafia, trong số đó, gia đình Corleone do Don Vito (Ngài Vito) lãnh đạo được xếp vào hàng năm gia đình quyền lực nhất.

Don Vito có ba người con trai và cô con gái út Connie. Cậu cả Sonny mạnh mẽ nhưng nóng tính, cậu kế Fredo thì ốm yếu và nhút nhát; cậu út Michael tỏ ra xuất chúng hơn cả lại không muốn thừa kế cái đế chế tội ác mà cha anh đã mất cả một đời để gầy dựng.

Khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc, Đại úy Michael Corleone giải ngũ với mộng bình thường là xây dựng gia đình với người tình Kay Adams, nhưng đúng vào thời gian này Don Vito bị một gia đình đối địch cho tay chân mai phục ám sát. Don Vito không mất mạng nhưng bị tàn phế, gia đình Corleone bị suy yếu vì không ai đủ sức đứng ra thay thế vị trí “Bố già” của Don Vito. Vì thế Michael Corleone không còn lựa chọn nào khác hơn là đứng ra lãnh đạo gia đình trước sự bành trướng, lấn lướt của những gia đình mafia khác.

Theo thời gian, với sự trợ giúp của “Cố vấn” Tom Hagen cùng các tay chân thân tín, Michael Corleone đã trở thành một “Bố Già” mới, thống trị xã hội đen của Nữu Ước.

Phân loại một cách chung chung, The Godfather thuộc thể loại “phim hành động”, chi tiết hơn, đây là một cuốn phim “gangster Mỹ”, và muốn chính xác hơn, phải gọi đây là một kiệt tác trong thể loại  “gangster Mỹ”.

Francis Ford Coppola không chỉ có công hợp tác với với tác giả Mario Puzo trong việc chuyển thể cuốn tiểu thuyết thành kịch bản phim mà còn phải “tranh đấu” với hãng phim để được quyền sắm vai theo ý mình.

Lúc đầu, hai diễn viên thủ hai vai quan trọng nhất – Marlon Brando vai Vito Corleone (Don Vito) và Al Pacino vai Michael Corleone – do Francis Ford Coppola đề nghị đều bị hãng phim Paramount bác bỏ. Marlon Brando nổi tiếng là một con người khó chịu, còn Al Pacino thì vừa thiếu chiều cao (1m70) vừa chưa có tên tuổi!

Cuối cùng, hãng Paramount chỉ đồng ý Marlon Brando trong vai Don Vito, còn vai Michael Corleone, họ nói Francis Ford Coppola phải chọn một trong những nam diễn viên đã có tên tuổi gồm Jack Nicholson, Robert Redford, Warren Beatty, và cả anh chàng Ryan O’Neal vừa vụt nổi qua phim Love Story; thậm chí họ còn đề nghị cả chàng  Robert De Niro vô danh chỉ vì Robert trông cao ráo hơn.

Nhưng Francis Ford Coppola đã quyết chí chọn Al Pacino, và vì không bên nào chịu thua trong khi mọi việc đã sẵn sàng, Francis Ford Coppola đã phải cho thực hiện những cảnh không có nhân vật Michael Corleone xuất hiện!

Cuối cùng hãng phim đành phải chịu thua nhà đạo diễn: vai Michael Corleone được trao cho Al Pacino.

Những gì xảy ra sau đó cho thấy Francis Ford Coppola quả có mắt nhận xét: nhân vật Michael Corleone do Al Pacino thủ diễn đã được giới phê bình cũng như người ái mộ (trong đó có chúng tôi) xem là “nhân vật số 1 trên màn bạc” từ xưa tới nay!

The Godfather ra mắt khán giả Mỹ vào giữa tháng 3/1972, trở thành  cuốn phim ăn khách nhất mọi thời đại; kỷ lục này chỉ bị phim Jaws  phá vào ba năm sau đó. Hiện nay, The Godfather đang đứng hạng 23 trong danh sách những cuốn phim ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh.

The Godfather được các trang mạng phê bình và thăm dò dư luận chấm điểm gần như tối đa: IMDb 9.2/10, Rotten Tomatoes 98% (các nhà phê bình), 9.27/10 (khán giả), còn Metacritic (tổng hợp phê bình quôc tế) cho tới 100%.

Riêng nhà bình phim nổi tiếng Roger Elbert (1942 – 2013) của tờ Chicago Sun-Times cho 4/4 sao, với lời bình “đây là tác phẩm điện ảnh hiện thực nhất của nền nghệ thuật thứ bảy.”

Tại giải Oscar năm 1973, The Godfather dẫn đầu danh sách được đề cử với 11 hạng mục, và đoạt ba giải, cho Phim hay nhất, nam diễn viên vai chính xuất sắc nhất (Marlon Brando), và kịch bản phóng tác (Mario Puzzo & Francis Ford Coppola).

Năm 1990, The Godfather đã được đưa vào danh sách phim được bảo tồn của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, và được xếp hạng nhì (chỉ sau phim Citizen Kane) trong danh sách của Viện Phim Ảnh Hoa Kỳ (AFI: American Film Institute).

Tới đây viết về nhạc phim của The Godfather do Nino Rota soạn.

Nino Rota

Như chúng tôi đã giới thiệu trong bài 87 – A Time For Us (Tình sử Romeo & Juliet), Nino Rota (1911 – 1979) là nhà soạn nhạc, nhạc sĩ dương cầm, nhạc trưởng, và giáo sư âm nhạc nổi tiếng của Ý. Với người yêu chuộng bộ môn nghệ thuật thứ bảy, Nino Rota được biết tới qua nhạc phim của những cuốn phim bất hủ như La Strada (1954), Romeo and Juliet (1969), The Godfather (1972)…

 Mặc dù The Godfather là một cuốn phim Mỹ, đối tượng khán giả chủ yếu là người Mỹ, nhưng vì nội dung phim nói về mafia Ý, Francis Ford Coppola quyết định nhờ Nino Rota soạn nhạc phim để cuốn phim có thêm “chất Ý”.

Nhạc phim The Godfather gồm 11 nhạc khúc và một ca khúc (I Have But One Heart), trong đó có 10 nhạc khúc là sáng tác của Nino Rota. Nhạc khúc còn lại (Connie’s Wedding) là sáng tác của Carmine Coppola, thân phụ của Francis Ford, với giai điệu dân gian đảo Sicily nơi diễn ra đám cưới. Còn ca khúc I Have But One Heart là một sáng tác cũ của Johnny Farrow & Marty Symes viết năm 1945, nay được nam ca sĩ Al Martino (thủ vai Johnny Fontane) hát trong đám cưới của Connie Corleone.

Trong 10 nhạc khúc do Nino Rota sáng tác có nhạc khúc chủ đề tình yêu (Love Theme from The Godfather) vốn là một nhạc khúc đã được sử dụng trong cuốn phim Fortunella (1958), cũng do Nino Rota soạn nhạc phim.

Trong giải Oscar năm 1973, nhạc phim The Godfather được đề cử giải cho nhạc phim nhưng vào phút chót đã bị loại khỏi danh sách dự tranh vì nguyên nhân nói trên.

Thế nhưng hai năm sau, khi nhạc khúc chủ đề tình yêu này được tái sử dụng trong cuốn phim tiếp theo (The Godfather part II) thì cuốn phim này lại… đoạt giải nhạc phim cho Nino Rota; có nghĩa là hai năm trước đó, Hàn lâm viện Điện ảnh đã quyết định sai?!

Nhưng riêng giới thưởng ngoạn thì không cần phải đợi tới hai năm sau, mà ngay khi xem cuốn phim The Godfather thứ nhất họ đã rung động theo dòng nhạc êm đềm, trữ tình, lãng mạn trong một cuốn phim bắn giết tàn bạo.

Theo các nhà phê bình, sự tài tình của Nino Rota là các khúc nhạc của ông đã đi sát với từng phân cảnh và nhân vật trong phim. Album nhạc phim The Godfather (Original Soundtrack) phát hành vào giữa năm 1972 đã được trang mạng Allmusic cho 4/4 sao.

VIDEO:

The Godfather (ORIGINAL SOUNDTRACK)

Hai tuần sau khi phim The Godfather được trình chiếu vào ngày 15/3/1972, nhạc sĩ dương cầm Roger Williams của Mỹ là người đầu tiên tung ra đĩa đơn Love Theme from The Godfather, nằm trong danh sách Billboard Hot 100 trong năm tuần liên tiếp.

Từ đó tới nay, con số nhạc sĩ và dàn nhạc nổi tiếng thu âm Love Theme from The Godfather đã lên tới con số hàng trăm. Theo YouTube, được tìm nghe nhiều nhất là phiên bản của nhạc trưởng Ý  Riccardo Muti (sinh năm 1941), người từng giữ chức Giám đốc hai dàn nhạc giao hưởng Chicago Symphony Orchestra của Mỹ và Orchestra Giovanile Luigi Cherubini của Ý.

VIDEO:

The Godfather Original Theme Song

Một phiên bản khác cũng rất được yêu chuộng là của dàn nhạc nổi tiếng 101 Strings Orchestra.

Đây là một dàn nhạc thuộc loại “dễ nghe” (easy listening), tức là không được những người “khó tính” trân trọng cho lắm, nhưng lại là dàn hòa tấu thành công nhất xưa nay, ít ra cũng là về mặt thương mại. 101 Strings Orchestra (gồm 124 cây đàn dây) được thành lập vào năm 1957 do sự đề xướng, vận động của ông Dave L. Miller  (1925 – 1985), chủ nhân một hãng đĩa nhỏ ở Mỹ không thể cạnh tranh với các hãng đĩa lớn.

Với sự hơp tác của nhạc trưởng Đức Wilhelm Stephan (1906-1994) cùng nhiều nhạc công gốc Âu châu, trong 30 năm hiện hữu, 101 Strings Orchestra đã thu âm 150 album và bán ra trên 50 triệu ấn bản, một con số mà không một dàn nhạc nào, từ giao hưởng tới thính phòng, “easy listening”… có thể đạt được!

Phụ lục 2: Love Theme From The Godfather, 101 Strings Orchestra

Phụ lục 3: Love Theme From The Godfather, violin

Một tuần sau khi đĩa đơn Love Theme from The Godfather của nhạc sĩ dương cầm Roger Williams được phát hành, tới ngày 8 tháng 4, 1972, ca khúc Speak Softly, Love, tức Love Theme from The Godfather do Larry Kusik đặt lời hát, Andy Williams thu âm, đã được tung ra, đứng hạng 7 trong danh sách Easy Listening trong thời gian 12 tuần lễ.

Trong loạt bài này, chúng tôi nhiều lần giới thiệu tiếng hát Andy Williams, sau đây xin có đôi dòng về người nam danh ca mà giọng hát đã đi liền với nhiều ca khúc trích từ nhạc phim, từ Moon River (phim Breakfast at Tiffany), The Shadow of Your Smile (phim The Sandpiper) tới Where Do I Begin (phim Love Story), từ A Time for Us (phim Romeo & Juliet) tới Speak Softly, Love (phim The Godfather), v.v…

Andy Williams (1927 – 2012) ra chào đời tại tiểu bang Iowa, là con trai út trong một gia đình có bốn anh em. Ngay từ nhỏ, Andy đã được hát trong ca đoàn nhà thờ.

Năm 1938, bốn anh em thành lập ban tứ ca Williams Brothers, trình diễn trên các đài phát thanh ở Des Moines, Iowa, Chicago, và Cincinnati.

Năm 1943, Williams Brothers tới Los Angeles, qua năm sau thu đĩa chung với danh ca Bing Crosby bản Swinging on a Star, đồng thời lần lượt xuất hiện trong bốn cuốn phim.

Sự nghiệp ca hát solo của Andy Williams bắt đầu vào năm 1953, tuy nhiên vì ký hợp đồng với một hãng đĩa nhỏ, chàng trẻ tuổi đã không có cơ hội tiến thân. Mãi tới năm 1957, nhờ thu âm lại ca khúc Butterfly của nam ca sĩ Charlie Gracie, Andy Williams mới vụt nổi: Butterfly đứng No.1 ở cả Hoa Kỳ (Billboard Hot 100) lẫn Anh quốc (UK Singles Chart).

Năm 1961, Andy Williams được hãng đĩa Columbia Records ký hợp đồng; qua năm 1962, chàng được mời trình diễn ca khúc Moon River tại giải Oscar.

Moon River, chúng tôi đã giới thiệu trong bài 84, là ca khúc đoạt giải Oscar năm 1962, do nữ minh tinh Audrey Hepburn hát trong cuốn phim Breakfast at Tiffany’s, nhưng sau khi được Andy Williams thu đĩa năm 1961 rồi trình diễn trong giải Oscar 1962, đã trở thành “ca khúc cầu chứng” của chàng ca sĩ.

Đây là ca khúc mở đầu mỗi episode của show truyền hình The Andy Williams Show (1962 – 1971), được sử dụng làm tựa đề album tập hợp những tình khúc hay nhất cũng như cuốn hồi ký “Moon River” and Me của Andy Williams, và được lấy đặt tên cho công ty sản xuất đĩa nhạc, tên hí viện do ông làm chủ ở Branson, Missouri.

Năm 1964, Andy Williams thu đĩa lại ca khúc The Anniversary Song vốn đã được nhiều người hát trước đó, và đạt thành công đáng kể.

Như chúng tôi đã viết trong một bài trước đây, The Anniversary Song là phiên bản lời Anh của bản luân vũ bất hủ Waves of the Danube (Les Flots du Danube – Sóng nước biếc) của nhà soạn nhạc người Romania Josef Ivanovich (1845 – 1902). Tới năm 1946 nhạc khúc này đã được nhà soạn nhạc Saul Chaplin của Mỹ cải biên (dài hơn 7 phút còn chưa tới 3 phút) và nam ca sĩ kiêm diễn viên Mỹ Al Jolson đặt lời hát và thu đĩa, lên tới No.2 trong bảng xếp hạng của Billboard.

Từ đó, The Anniversary Song đã được nhiều ca sĩ thu âm, trong số đó được yêu chuộng nhất phải là phiên bản của Andy Williams, được ông hát theo một phong cách riêng.

LƯU Ý: “The Anniversary Song” thường bị không ít người Mỹ gọi sai là “The Anniversary Waltz”. The Anniversary Waltz là một sáng tác của Dave Franklin & Al Dubin, được Bing Crosby thu đĩa năm 1941; về sau còn được Vera Lynn, Connie Francis, và dàn nhạc Mantovani thu đĩa. Sỡ dĩ có sự lẫn lộn giữa The Anniversary Song và The Anniversary Waltz là vì cả hai ca khúc đều được soạn theo thể điệu valse (waltz).

Phụ lục 4: The Anniversary Song, Andy Williams

Trong sự nghiệp của mình, Andy Williams còn thu âm tổng cộng tám album Giáng Sinh, và mỗi năm đều có một chương trình đặc biệt về Giáng Sinh trên truyền hình, cho nên ông được người Mỹ tặng biệt hiệu “Mr. Christmas”.

Trong sự nghiệp trải dài 74 năm, Andy Williams đã thu 43 album, trong đó có 14 album “vàng” và ba album “platinum”, với tổng số đĩa bán ra trên 100 triệu, (vào thời đó) chỉ đứng sau Frank Sinatra, Johnny Mathis, và Elvis Presley.

Tháng 11/2011, trong một buổi trình diễn tại hí viện Moon River của ông ở Branson, Missouri, Andy Williams đã bất ngờ bất ngờ thông báo cho khán giả biết ông bị ung thư bàng quang.

Sau một thời gian hóa trị ở Houston, Texas, ông và vợ mướn một căn nhà ở vùng biển Malibu, California để được gần các chuyên gia ung thư trong vùng Los Angeles. Tới mùa thu năm 2002, Andy Williams được đưa về nhà riêng ở Branson, Missouri, nơi ông qua đời vào ngày 25/9/2012, thọ 84 tuổi.

Theo di chúc để lại, Andy Williams được thiêu và tro cốt được rải xuống dòng sông nhân tạo trong khuôn viên hí viện Moon River.

* * *

Trở lại với ca khúc Speak Softly Love, tức Love Theme from The Godfather do Andy Williams thu đĩa, mặc dù chỉ lên tới hạng 7 trong danh sách Easy Listening ở Hoa Kỳ, nhưng với người yêu nhạc và yêu phim khắp nơi trên thế giới, nếu chỉ tính những ca khúc trong phim hoặc trích từ nhạc phim do ông trình bày, ca khúc này có lẽ chỉ đứng sau Moon River.

Speak Softly Love

Speak softly love and hold me warm against your heart
I feel your words the trembling moments (that I) start
We’re in a world of
our very own
Sharing a love that only few have ever known…
Wine colored days…
warmed by the sun
Deep velvet nights…
when we are one…
Speak softly love so no-one hears us but the sky
The vows of love we make will live until we die
My life is yours…
and all because
You came into my world with love…
so softly love…

Wine colored days…
warmed by the sun
Deep velvet nights…
when we are one…
Speak softly love so no-one hears us but the sky
The vows of love we make will live until we die
My life is yours…
and all because
You came into my world with love…
so softly love…

Phụ lục 5: Speak Softly, Love, Andy Williams

Cùng khoảng thời gian nói trên, Speak Softly, Love được đặt lời hát bằng nhiều ngôn ngữ khác, trước hết là tiếng Ý với tựa đề Parla più piano (Nói khẽ thôi) do đệ nhất danh ca Ý Gianni Morandi thu đĩa.

VIDEO:

Gianni Morandi Parla più piano with lyrics

Về phiên bản lời Pháp, tựa đề Parle Plus Bas (Hãy nói nhỏ hơn) ngày ấy do nữ danh ca Dalida thu đĩa; gần đây đã được Soeurs Puppini (The Puppini Sisters) trình diễn rất thành công trong một chương trình tưởng niệm Dalida.

 

Parle Plus Bas

Parle plus bas car on pourrait bien nous entendre
Le monde n’est pas prêt pour tes paroles tendres
Le monde n’est pas prêt pour nous
Il dirait tout simplement que nous sommes fous

Parle plus bas mais parle encore
De l’amour fou de l’amour fort

Parle plus bas car on pourrait bien nous surprendre
Tu sais très bien qu’il ne voudrait jamais comprendre
Que dans nos cœurs moi, j’ai trouvé
Ce que le monde refusait de nous donner

Parle plus bas mais parle encore
De l’amour…

 

VIDEO:

Parle Plus Bas “Speak Softly Love (Love Theme From The Godfather …

Đặc biệt Speak Softly, Love còn được đặt lời hát bằng thổ ngữ đảo Sicily, cội nguồn của mafia. Phiên bản này đã được nhân vật Anthony Corleone (nam ca sĩ Franc D’Ambrosio thủ vai), con trai của Michael Corleone, hát trong cuốn phim The Godfather Part III.

Từ đó tới nay, Speak Softly, Love đã được đặt lời hát bằng trên 100 ngôn ngữ khác nhau, trong đó có cả tiếng Miên, và lẽ dĩ nhiên không thể thiếu phiên bản tiếng Việt, do Trường Kỳ soạn ca từ với tựa đề Thú Đau Thương.

 

Thú Đau Thương

Tình như thoáng mây tình đến cùng ta âm thầm không ngờ
Tình như cánh hoa tình chiếm hồn ta đâu ngờ là tình
Tình như mưa gió thoảng vào trong tim
Tình như cánh chim bay đến trong ta sao nghe bồi hồi…

Có biết đau thương… mới hay là tình
Say đắm trong đời… thì mới là yêu…

Tình như đớn đau tình xé lòng nhau muôn đời không lành
Tình như ngất ngây tình đến cùng nhau mang nhiều tuyệt vời
Tình như giông bão dập vùi yêu thương
Tình như tiếng ca theo gió phương xa cho nhau lời chào…

 

Có biết đau thương… mới hay là tình
Say đắm trong đời… thì mới là yêu… 

 

Đời không thiết tha vì thiếu tình yêu không còn là đời
Người không xót xa vì mất tình yêu không còn là người
Đời ta muôn kiếp đã trôi theo tháng ngày
Tình như khói sương bay thoáng trong mơ ngàn đời vu vơ…

 

Trước năm 1975, Thú Đau Thương đã được Elvis Phương thu âm trong băng Nhạc Trẻ 3; sau này tại hải ngoại, được Don Ho thu vào CD.

Phụ lục 6: Thú Đau Thương, Don Ho

VIDEO:

VIDEO Thú đau thương (Kenny Thái)

Ngoài phiên bản Thú Đau Thương của Trường Kỳ, hiện nay trên Internet chúng tôi còn tìm thấy một phiên bản lời Việt khác, tuy nhiên không ghi tên tác giả cũng như ca sĩ trình bày.

Phụ lục 7: Speak Softly Love – (lời Việt: ?)

HOÀI NAM

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search