T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 164)

Chữ nghĩa làng văn

Cái được viết hay cái được kể, dưới hình thức một cảm xúc mới thuộc về lãnh vực văn học, gắn liền với người cầm bút cần thật nhiều bản lĩnh cũng như tài năng. Không để ý đến điều đó, vì vậy có nhiều người cầm bút quên đi một việc quan trọng là:

–  Rèn luyện kỹ thuật viết.

(Viết – Nguyễn Hưng Quốc)

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Hộ tang

Khi thân nhân sắp từ trần, việc đầu tiên tang gia phải mời được người hộ tang.

Người hộ tang phải là người thân thích gần gũi, có tuổi tác, kinh nghiệm, tháo vát, có uy tín trong họ. Người hộ tang thay mặt tang chủ điều hành mọi công việc, đối nội đối ngoại. Nếu người hộ tang biết cúng lễ thì kiêm luôn, nếu không thì mời người chấp sự,

Người chấp sự lo việc hướng dẫn về mặt nghi lễ từ mộc dục, khâm liệm, thiết linh, thành phục đến an táng. Thành phần và tế ngu (lễ 3 ngày sau khi chôn). Người chấp sự thường là người có văn hoá (chữ Hán, chữ Quốc ngữ) nên có thể kiêm luôn cả việc tư vấn (viết văn cúng tế, bài vị, long triệu, đối, trướng, cáo phó…).

Người thu lễ: Sau khi thành phục cho đến hết 3 ngày sau khi an táng phải có người thu lễ. Người đó chuyên túc trực ở nhà ngoài, hễ có khách đến phúng viếng thì tiếp khách nhận lễ đặt lên bàn thờ, báo cho thân chủ ra bái tạ. Người thu lễ phải ghi đầy đủ danh sách người đến viếng và số lễ vật, để sau này tang chủ biết mà tạ ơn. Người thu lễ kiểm tra lễ vật sau khi khách đã cúng lễ xong ra về. Vì vậy phải chọn người thân tín của tang gia.

Người chấp hiệu: Thông thường các ban hành lễ đã có người chấp hiệu chuyên trách.

Người chấp hiệu là chỉ huy đám phu kiệu đưa quan tài từ nhà ra xe tang hoặc đại dư (tuy không có xe nhưng khiêng kiệu hay xe gọi là đại dư), điều kiển việc đi đứng, nâng lên hạ xuống, sang trái sang phải, bằng hiệu lệnh hai thanh gỗ ngắn cầm tay, cho đến lúc hạ huyệt, tháo giây đòn mà chén rượu, đĩa dầu lạc đặt trên nắp áo quan không sánh ra ngoài. Người chấp hiệu ngồi trên đại dư ở phía sau, hoặc đi bộ giật lùi trước quan tài để điều khiển.

Chủ tang và chủ phụ: Là con trai trưởng và con dâu trưởng.

Nếu tang cha mà mẹ còn sống thì mẹ là chủ phụ. Nếu cháu đích tôn thừa trọng (thay thế cha đã mất, khi làm lễ tang ông bà) thì cháu đích tôn là chủ tang, các ông chú đứng hai bên chỉ là bồi tế vợ của người cháu là chủ phụ khi bà chồng và mẹ chồng đã mất, còn các bà thím chỉ là phụ. Nếu cháu đích tôn còn bé quá, chưa chống gậy lễ tạ được thì chú thứ hai thay thế, nhưng vẫn phải nhân danh cháu mà bái lễ và bái tạ.

Một trong triệu chứng nhận ra mình đã…”già”

Cứ hai, ba giờ là đứng dậy đi tiểu.

Chữ nghĩa làng văn

Ngày xưa, nhà văn lớn là một tài năng lớn; ngày nay, một nhà văn lớn không những là một tài năng lớn mà nhất thiết còn phải là một nhà thông thái và một nhà tư tưởng. Thời của những thiên tài vô học đã qua rồi. Có điều sự học hỏi của nhà văn khác với sự học hỏi của một người thợ: người thợ học chủ yếu để bắt chước; người cầm bút học chủ yếu để… né tránh. Ở đây, chúng ta lại thấy người cầm bút ở một tình thế oái oăm: hắn phải biết thật nhiều để không được sử dụng lại những gì hắn đã biết.

(Viết – Nguyễn Hưng Quốc)

Mơn

Mơn: vuốt ve, lấy lòng

(cười mơn, nói mơn – mơn tới: men tới)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 

Ngộ chữ với Thiền

Thiền sư và con nhặng

Trong một lần giảng giáo lý Đại thừa, một vị Tổ của thiền tông kể rằng kiếp trước ông từng là một con sáo. Một bữa đang bay lượn, chợt bắt gặp một quả bầu rất to. Bèn khoét một lỗ rồi chui vào. Bảy bảy bốn chín ngày nằm trong đó, chén hết già nửa ruột bầu thì bỗng ngộ ra ba nghìn thế giới. Mừng vì đắc đạo, vị thiền sư (con sáo) bèn chui ra khỏi quả bầu rồi bay mãi, bay mãi…

Bầu trời trước mắt ông như khác hẳn, rộng bao la và thơm ngát mùi hương. Tất cả, từ một sợi lông cho đến những quả núi, cánh rừng… đều được thu vào cặp mắt chỉ bé bằng hai hạt tấm của ông. Mới hay sự đắc đạo là vô cùng thoả chí. Có lẽ ông sẽ bay mãi như thế, tự do tự tại, như lai như ý không gì câu thúc, không cần phải xác định phương hướng… nếu ông không vô tình bay qua một dòng suối. Dòng suối trong veo, nhìn thấu tận đáy. Nước suối ấy có thể rửa sạch mọi thứ. Có ai ngờ nó lại “rửa” luôn cả cái tâm Phật vừa mới được nhen nhúm trong ông.

Soi mình xuống dưới, thiền sư bỗng thấy mình rõ ràng đang là một… con nhặng.

Vậy mà vẫn không hề kinh ngạc (đã là thiền sư thì không bao giờ kinh ngạc). Có điều đôi cánh của con nhặng lúc đó dường như cứ bị hút về một phương nào đấy không thể cưỡng nổi. Lại bay mãi, bay mãi… Cuối cùng té ra ông lại trở về đúng cái quả bầu ấy. Bấy giờ nó đã thối nhủn từ bao giờ. Con nhặng là ông bị cái mùi thối ấy hấp dẫn, lập tức lao vào thò vòi ra hút lấy hút để… Thế là toi một kiếp tu hành. Toi từ lúc nào? Thiền sư hỏi rồi tự trả lời: không phải vì ông hút phải cái thứ ruột bầu thối tha ấy. Mà toi vào đúng cái lúc ông thấy mình là một con nhặng.

Kể đến đây, thiền sư chép miệng: giá như dòng suối kia đừng có trong vắt như thế, mà nó đục ngầu, thì ông đã đắc đạo ngay từ kiếp đó rồi. Và câu chuyện ấy đã giải thích tại sao con người hiện đại ngày nay không thể trở thành thiền sư.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Người sáng chói là…người sói trán.

 Lĩnh Nam Chích Quái

Vào thế kỷ 15, theo Vũ Quỳnh thì Lĩnh Nam Chích Quái là chuyện truyền khẩu:

“…Nước Việt ta tự cổ là đất hoang dã nên việc ghi chép còn sơ lược, những chuyện chép ở đây, từ thời nào? Chỉ biết tên là Trần Thế Pháp, ông này không phụng mệnh vua, dựa vào Việt Điện U Linh Tập của Lý Tế Xuyên để viết cội nguồn tộc Việt.

Trần Thế Pháp chắp vá một số truyện cổ tích ở vùng đất phía nam núi Ngũ Lĩnh của Trung Hoa như Tài Quý ký hay Nam Hải cổ tích ký, để thành truyện. Đến đời Lê, kẻ ngu này góp nhặt thành tập và đặt tên là Lĩnh Nam Chích Quái liệt truyện …”.

Trong bài tựa, Vũ Quỳnh viết:

“…Tháng hai năm Nhâm Tý niên hiệu Hồng Đức, kẻ ngu này mới bắt đầu chép được truyện cũ, ôm lấy không tránh khỏi chữ này xọ chữ kia. Thế là quên mình dốt nát, đem ra hiệu chính, xếp thành hai quyển Lĩnh Nam Chích Quái liệt truyện (1), cất ở trong nhà để tiện quan lãm. Còn như việc khảo chính, nhuận truyện thì chư vị quân tử hiếu cổ sau này há không có ai hay sao?…”.

(1) Bài tựa đầu sách Việt Điện U Linh Tập của Lý Tế Xuyên ghi rõ là sách viết năm Kỷ Tỵ, Khai Hựu nguyên niên, tức là năm 1329. Lĩnh Nam Chích Quái cũng vậy, bài tựa của Vũ Quỳnh cho biết ông tìm được sách này và tiến hành nhuận chính vào năm 1498.

Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp được viết vào thế kỷ 14 và được Vũ Quỳnh và Kiều Phú  biên soạn lại. Tác giả Việt Điện U Linh Tập dựa vào sách nay không còn nữa là Giao Châu ký của Tăng Cổn là Thái sử Giao Châu đời Đường. Cả hai Lĩnh Nam Chích Quái và Việt Điện U Linh Tập đều có nhiều chỗ hoang đường và ước lệ.

(Sử gia Lê Mạnh Hùng – Nhìn lại sử Việt)

(Giáo sư Lê Hữu Mục: Lĩnh Nam Chích Quái – 1959)

Ố túy cương tửu

Ố: ghét. Túy: say sưa.

Ghét say sưa nhưng lại thích uống rượu. Thành ngữ Hán Việt

này ám chỉ những người nói một đàng làm một nẻo.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Tình cà (3)

Anh cà nhỏng không đi làm gì cả

Thân cà tàng chỉ có khẩu cà nông

Em cà rỡn le lưỡi giống cà rồng

Nên tình mãi cà bông hạch cà đụi

Tửng là gọn lỏn và bất ngờ

Trong truyện ngắn Con cá chết dại của Sơn Nam, Hai Ty mê Hồng mà chưa có dịp làm quen, bữa đó đứng trên bờ rạch thấy Hồng bơi xuồng ngang qua, Hai chưa kịp chào hỏi đã hăm nhảy xuống rạch để níu xuồng Hồng lại! Hai Ty như vậy, các bạn nghe kể đều bảo là “tửng”.

Trong truyện Lý con sáo sang sông của Nguyễn Ngọc Tư, Út Thà sắp lấy chồng mà không phải lấy người thương là Phi. Mặc nhà gái lu bu sửa soạn nhóm họ, cô dâu tỉnh bơ một xuồng một mái chèo qua thăm Phi. Út ngồi nhậu mắm lóc với Phi hồi lâu rồi chợt nói: “Sao tự nhiên em qua đây lãng xẹt vậy không biết?”.

Út như vậy, các bạn cho là “tửng”. Tửng chắc chắn là “gọn lỏn”.

Nhưng Hai Ty hăm nhảy rạch là do “mết” Hồng, Út Thà chèo xuồng qua thăm Phi là vì yêu Phi, chứ Hai với Út đâu có cà rỡn. Tửng hình như không hàm ý đùa.

Bất ngờ là một nét khác của tửng. Tửng là gọn lỏn và bất ngờ.

(Tưng tửng và tửng – Thu Tứ)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Một số trường hợp tương tự với hiện tượng mượn âm. Trái sầu riêng có nguồn gốc từ Malaysia là đu-riêng. Ban đầu (giữa thế kỷ 19) người Việt dùng cả hai từ, sau loại hẳn từ đu-riêng.

Huyện Kế Sách ở tỉnh Sóc Trăng gốc Khmerlà Ksach, nghĩa là “cát”. Vì gần âm với từ kế sách (phương kế, sách lược) nên Kế Sách đã thay thế Ksach.

Ðèo ở phía bắc thành phố Nha Trang do kỹ sư người Pháp Rury điều khiển sửa sang nên Pháp dùng tên người này đặt cho đèo. Người Việt đã gọi là đèo…Rù Rì.

(Lê Trung Hoa – Hiện tượng tỉnh lược trong ngôn ngữ)

Chữ nghĩa làng văn (4)

Nguyễn Hưng Quốc đã bình giá thơ Bùi Giáng mà tôi nghĩ có thể như một lý giải khả ái về vụ nhàm lặp:

“Tôi cho đây là đặc điểm nổi bật nhất trong phong cách thơ Bùi Giáng: thơ Bùi Giáng chính là sự xoá nhòa của mọi đường biên quen thuộc vốn được mọi người chấp nhận như là một quy ước, một luật lệ trong văn học từ xưa đến nay”.

(Cái hay cái dở ăn ở thơ Bùi Giáng – Đỗ Quyên)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Bắt nguồn một từ Việt gốc Hán “chiêm”, nghĩa là nói liến thoắng hoặc nói sảng trong khi bệnh.

Ta có…chiêm bao.

(Phan Trọng Hoa – Thành ngữ, tục ngữ khó hiểu)

Tam Thiên Tự

So sánh sách vở lòng chữ Hán thông dụng Tam Thiên Tự :

Thiên trời, địa đất

Cử cất, tồn còn

Tử con, tôn cháu

Lục sáu, tam ba

Thì phải công nhận sách của Tự Ðức công phu hơn và cũng có phương pháp hơn. Tam Thiên Tự tuy có vần, nhưng liệt kê ngữ vựng một cách tùy tiện. Ngược lại tác phẩm Tự Ðức Thánh Chế Tự Học Giải Nghĩa Ca được hệ thống hóa bằng cách phân loại và đặc biệt sử dụng thơ Lục Bát là thể thơ quen thuộc với người Việt-Nam nên dễ đọc dễ nhớ:

Thiên trời, địa đất, vị ngôi

Phú che, tái chở, lưu trôi, mãn đầy

Cao cao, bác rộng, hậu dày

Thần mai, mộ tối, chuyển xây, di dời

Chữ nghĩa làng văn (5)

Khi Bùi Giáng tếu táo về Nguyễn Trãi:
– Sáo tai, nhàm mắt: “Nghĩ tới Nguyễn Trãi, không còn can đảm đâu viết nên một lời gì cả” (trang 64, cuốn Một);

(Cái hay cái dở ăn ở thơ Bùi Giáng – Đỗ Quyên)

Nguồn gốc chữ Quốc ngữ (1)

Đầu thế kỷ thứ 17 các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha đến Việt Nam. Dòng Tên chính thức được thành lập ở Đàng Trong năm 1615. Đàng Ngoài năm 1627.

Trong giới giáo sĩ dòng Tên người Bồ có một nhân vật đóng một vai trò lịch sử trong nền văn hóa Việt Nam, đó là Francisco de Pina. Pina sinh  năm 1585, đến Macau năm 1613, đặc biệt rất giỏi tiếng Nhật. Năm 1617 ông đến Đàng Trong truyền giáo và bắt đầu dịch một số văn bản của Ki Tô giáo ra tiếng Nôm, một thứ chữ Hán được bản địa hóa..

Nhưng Pina nhận thấy các nhà truyền giáo khác họ không sao học được chữ Nôm. Pina thấy chữ Nôm không thể là phương tiện giao tiếp với người bản xứ, ông nghĩ ra một cách đơn giản. Ông thử lắng nghe người Việt phát âm ra sao rồi dùng mẫu tự la tinh để diễn tả âm tiết theo cách mà tiếng Bồ Đào Nha thường làm. Đó là thời điểm khai sinh của chữ quốc ngữ chúng ta ngày nay.

Từ năm 1622, ông đã tạo một hệ thống chuyển mẫu tự la tinh cho hợp với thanh điệu và lối phát âm của tiếng Việt. Pina cũng soạn cả một tập văn phạm thô sơ cho loại chữ viết mới mẻ này.

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search