T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyên Lạc: VÀI Ý NGHĨ VỀ DỊCH THƠ

Hoa Cẩm Tú Cầu – Tranh: Mai Tâm

 

BÀI THƠ L’ ADIEU

Bài thơ nổi tiếng L’Adieu của thi sĩ người Pháp: Guillaume Apollinaire L’Adieu:

 

L’Adieu

J’ai cueilli ce brin de bruyère

L’automne est morte souviens-t’en

Nous ne nous verrons plus sur terre

Odeur du temps brin de bruyère

Et souviens-toi que je t’attends

.

Bùi Giáng dịch:

Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo

Em nhớ cho Mùa Thu đã chết rồi

Chúng ta sẽ chẳng tương phùng được nữa

Mộng trùng lai không có ở trên đời

Hương thời gian, mùi thạch thảo bốc hơi

Và nhớ nhé, ta vẫn chờ em đó…

.

Phạm Duy phổ nhạc:

 

Mùa thu chết

Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo

Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi …

Đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa

Trên cõi đời này

Từ nay mãi mãi không thấy nhau …

Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo

Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em.

 

Nhạc: Mùa Thu Chết – Julie

https://youtu.be/qNuR6msxOU0

.

Nhà văn Đỗ Quý Dân (nhóm Diartlogue – Văn đàn) có phê bình thi sĩ Bùi Giáng và nhạc sĩ Phạm Duy trong bài viết “Buổi Chớm Thu Nói Chuyện Mùa Thu Chết” của ông về cách chuyển ngữ:

Quan trọng nhất là câu thơ:

J’ai cueilli ce brin de bruyère

(I have plucked this sprig of heather – Đỗ Quý Dân)

Đây là lời phê bình của ông Đỗ Quý Dân:

“Khi Phạm Duy dịch bài thơ này (trước khi phổ nhạc), ông phải gò chữ theo âm điệu của bài nhạc ông viết ra, đồng thời muốn dùng những từ ngữ có tính chất lãng mạn nên lời nhạc đôi khi hơi gượng ép và làm đổi ý nghĩa câu thơ. Người nghe nhạc bị lôi cuốn theo dòng nhạc nên thường không để ý. Động từ “cueillir” (j’ai cueilli) có nghĩa là “hái” chứ không phải là “ngắt”. Bùi Giáng hái hoa, còn Phạm Duy táo bạo hơn, ngắt hoa chứ không hái. Cái táo bạo này rất lãng mạn nhưng làm mất đi nét buồn của sự chia ly. Bùi Giáng thì hái một “nhành lá cây”, còn Phạm Duy lại ngắt một “cụm”. Chữ “brin” dịch đúng nghĩa là “cọng” hoặc “nhánh”, dịch ra “nhành lá cây” như Bùi Giáng không đúng hẳn, còn dịch thành “cụm” như ông Duy cũng không được. Người đọc có bao giờ tự hỏi nhạc sĩ phải dùng bao nhiêu sức lực mới ngắt được một “cụm” hoa không? Ngắt một cụm đòi hỏi nhiều sức mạnh, phá đi cái nhẹ nhàng của bài thơ. Hoa mà ngắt cả cụm thì sẽ … đau hoa lắm.”  [*]

 

Tôi có vài lời góp ý với ông Đỗ:

CUEILLIR: NGẮT HAY HÁI?

 

  1. Về động từ “Hái”:

Động từ “Hái”: – Dùng tay làm cho hoa, quả, lá, cành đứt lìa khỏi cây để lấy về

– Hoa thơm hái cả cụm

– Con vượn bồng con lên non hái trái.

Anh cảm thương nàng phận gái mồ côi

– Trèo lên cây bưởi hái hoa

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.

 

  1. Về động từ “Ngắt”:

Động từ “Ngắt”: – Bấm cành, hoa, lá cho đứt lìa ra bằng móng tay hoặc đầu ngón tay

– Ngắt một bông hoa

– Thò tay anh ngắt ngọn ngò

Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ.

– Thò tay anh ngắt cọng ngò

Thấy em còn nhỏ giữ bò, anh thương

Thò tay ngắt cọng rau mương

Bò em, em giữ anh thương nỗi gì?

 

@.THỬ SO SÁNH NGẮT VÀ HÁI

Qua định nghĩa và những thí dụ trên ta thấy:

1.

– Ngắt ít dùng sức hơn: Ngắt một cọng ngò, ngắt một cọng cỏ, ngắt một bông hoa – thường các vật này ở vị trí thấp hoặc bằng tầm tay- nên ta ít dùng sức. Chỉ cần bấm móng tay, ngón tay … là ta có thể làm được điều này và bụi ngò, bụi cỏ, bụi hoa vẫn xem như không chuyển động.

– Hái ta phải dùng nhiều sức hơn: Hái trái, hái bông hoa – thường những vật này cao hơn hoặc ngoài tầm tay ta – nên ta phải dùng nhiều sức, ta phải vói tới. Lúc này các cành cây, bụi cây phải chuyển động

2.

Thêm nữa, trên một cọng, một cuống, một đọt nhánh đầu cành … hoa cũng có thể mọc tập trung thành chùm, thành cụm, nên “ngắt” cũng dễ dàng và không làm cho cây chuyển động. Nên nhớ “cụm” chứ không phải là “bụi”, và “nhành” cây khác với nhánh/ cành cây: branch. Còn “hái” – chữ hái này cũng là nông cụ: Lưỡi hái – sẽ làm cây chuyển động. Thí dụ hái lúa/ gặt lúa.

Cho nên tôi thấy bạn Đỗ Quý Dân nên xem lại câu nói này của bạn: “Hoa mà ngắt cả cụm thì sẽ … đau hoa lắm.”

 

VÀI Ý NGHĨ VỀ VẤN ĐỀ DỊCH THƠ

  1. Xin được ghi ra đây vài ý nghĩ của tôi vấn đề dịch thơ:

— Một bài thơ hay khi ta cảm thấy hình như thơ ấy viết riêng cho mình, thấy có cuộc đời của mình trong đó. Thơ mở rộng cánh cửa để ta đặt cuộc đời riêng mình vào; nó bây giờ không phải của riêng tác giả nữa, mà là của chung, hoặc nói theo cách khác, của riêng người đọc, người đồng cảm. Cùng cái HỒN đồng cảm này, người đọc có quyền nghĩ, dịch – nếu của tiền nhân, của người nước ngoài – theo  kinh nghiệm đặc thù riêng mình, có quyền diễn đạt theo ngôn ngữ, chữ nghĩa hiện đại riêng mình.

Bài tác giả nói về mùa Xuân buồn, người đọc, người dịch thoát có thể đổi sang mùa Thu vì họ đã có những khinh nghiệm “đứt ruột” trong khoảng đời riêng. Hoặc người xưa uống rượu “xưa”, bây giờ người đọc, người dịch thoát cũng có quyền đổi thành Beer, rượu Champagne, Hennessy, Whisky .v.v…

— Theo tôi, “học giả” dịch chính xác nguyên tác nhưng bài dịch cứng nhắc, không có “hồn”. Nó giống như bức tranh, bức tượng của giai nhân toàn bích đặt trong Khảo cổ viện, Nhà trưng bày hoặc trong nhà của thiểu số “đại gia”; quần chúng chỉ ngắm, không được sờ mó.

Ngược lại, các thi nhân (không phải là nghệ nhân) dịch ít chính xác hơn về từ nguyên, nhưng thoát hơn, hiểu rõ “cái hồn” hơn, nên thường bản dịch của họ dễ đi vào lòng người. Cũng giống như những giai nhân đời thường, không quá toàn bích, nhưng ta có thể ôm ấp, mân mê.

 

  1. Thử nghe xem bài Torna a Surriento (E. Curtiss) và lời Việt bài này, bạn cảm bài nào hơn?

 

Original lyrics Torna a Surriento (E. Curtiss) :

 

Vir ‘o mare quant’è bello,

Ispira tantu sentimento,

Comme tu a chi tiene a’ mente,

Ca scetato ‘o faie sunnà.

 

Ma nun me lassà,

Nun darme stu turmiento!

Torna a Surriento,

famme campà!

 

Đây là trích đoạn vài lời Việt của Phạm Duy

 

Về đây khi mái tóc còn xanh xanh

Về đây với mầu gió ngày lang thang

Về đây với xác hiu hắt lạnh lùng

Ôi lãng du quay về điêu tàn

Thôi nhé đừng hoài âm xưa

Giọt mưa đã gieo trên thềm nhà

Người ngồi im bóng

Lắng nghe tháng ngày qua

(Trở về mái nhà xưa – Phạm Duy)

.

Trở Về Mái Nhà Xưa “Come back to Sorrento”

Lời Việt: Phạm Duy – Ca sĩ Trần Thái Hòa & Ngọc Hạ

https://youtu.be/KgIuiW5qDUY

Dean Martin – Torna a Surriento /Come Back To Sorrento

https://youtu.be/lyWDs2tCFVY

 

 

BÙI GIÁNG DỊCH THƠ

(Tôi xin trích đoạn ra đây cách thi sĩ Bùi Giáng dịch thơ Apollinaire để bạn Đỗ Quý Dân tham khảo thêm trước khi phê bình):

BÙI GIÁNG BÌNH THƠ APOLLINAIRE

 

L’ADIEU

J’ai cueilli ce brin de bruy

L’automme est morte souviens-t’en

Nous ne nous verrons plus sur terre

Odeur du temps brin de bruyère

Et souviens-toi que je t’attends.

Bài thơ chỉ vẻn vẹn chỉ có năm câu. Năm câu phiêu hốt mang thiên nhiên nằm giữa nền thi ca Tây Phương Hiện Đại – năm câu cũng đồ sộ như toàn khối Đường Thi Trung Hoa hay mấy vần tứ tuyệt của một Thôi Hộ.

Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo

Em nhớ cho, mùa thu đã chết rồi

Chúng ta sẽ không tao phùng được nữa

Mộng trùng lai không có ở trên đời

Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi

Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó…

Dịch ra làm sáu câu, tôi có phần áy náy. Nhưng không biết phải làm sao. Cái chất đạm nhiên bát ngát trong bài thơ Apollinaire đang trừ khử hết mọi lối dịch diễn, dịch di, dịch tinh, dịch thể. Cứ thử liều một trận xem sao.

Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo

Em nhớ cho, mùa thu đã chết rồi

Chúng ta sẽ chẳng nhìn nhau trên đất nữa

 Hương thời gian nhành thạch thảo tí hon

 Và nhớ nhé ta đợi chờ em nhé…

Cũng tạm gọi là được. Nếu ta đem bài thơ bát ngát kia đặt vào giữa nguồn thơ mênh mông của Apollinaire ắt ta dám dịch nó ra làm lục bát Huy Cận, lục bát Nguyễn Du hoặc làm thất ngôn Du Nguyễn.

.

Đã hái nhành kia một buổi nào

Ngậm ngùi thạch thảo chết từ bao

Thu còn sống sót đâu chăng nữa

Người sẽ xa nhau suốt điệu chào

.

Em nhớ anh quên và em cũng

Quên rồi khoảnh khắc rộng xuân xanh

Thời gian đất nhạt mờ năm tháng

Tuế nguyệt ta đà nhị hoán tam.

.

Dịch như thế là diễn giải một mùi hương ẩn tàng trong nếp gấp. Nhưng đâu có cần gì. Nếu như cần, thì tớ cứ buông bừa bút mực viết bừa thơ.

.

Mùa thu chết liễu nhớ chăng em?

Đã chết xuân xanh suốt bóng thềm

Đất lạnh quy hồi thôi hết dịp

Chờ nhau trong Vĩnh Viễn Nguôi Quên

.

Thấp thoáng thiều quang mỏng mảnh dường

Nhành hoang thạch thảo ngậm ngùi vương

Chờ nhau chín kiếp tam sinh tại

Thạch thượng khê đầu nguyệt điểu mang

.

Xa nhau trùng điệp quan san

Một lần ly biệt nhuộm vàng cỏ cây

Mùi hương tuế nguyệt bên ngày

Phù du như mộng liễu dài như mơ

.

Nét my sầu tỏa hai bờ

Ai về cố quận ai ngờ ai đi

Tôi hồi tưởng lại thanh kỳ

Tuổi thơ giọt nước lương thì ngủ yên.

(Bùi Giáng)

 

.

Nguyên Lạc

………………

Ghi Chú:

[*] Link bài viết của ông Đỗ Quý Dân:

https://www.facebook.com/groups/339950766569558/permalink/382926628938638/

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search