T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Cùng một lứa bên trời lận đận

Cuộc thế chẳng qua là quán trọ
Ghé vào gửi lại chút văn chương
(Hà Thượng Nhân)

Hà Chưởng Môn đã thành người thiên cổ. Thi sĩ gìa nhất nước (?) (90 tuổi) sẽ không còn dịp “sống lâu trăm tuổi”. Có hề gì! Người đi, thơ ở lại (Cõi hạc người đi, thơ tại thế. Thơ Ngọc Phi).Trăm năm. Ngàn năm. Với kỷ nguyên “on-line” hiện nay, chuyện ngàn năm không còn là chuyện phong thần. Mặc cho sóng thần, động đất, hồng thủy, lửa ta bà (lửa phần thư cộng sản) thiêu hủy hết mọi thứ trên mặt đất. Hy vọng những gì thuộc về thế giới ảo (trong đó có những bài thơ già hơn nửa thế kỷ của người làng Hà Thượng) vẫn sẽ tồn tại. Chẳng cần những lời than thở kiểu Nguyễn Du (bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ hà nhân khốc “Hà Thượng Nhân”), kẻ hậu thế rồi cũng sẽ cùng ông “gục trên trang sách (điện tử)” mà ngẫm chuyện nhân sinh:

Cuộc thế chẳng qua là quán trọ
Ghé vào gửi lại chút văn chương
Từng khi khắp cả và thiên hạ
Một kiếp say dài giữa sắc hương
Đầu bạc lạc loài dăm bảy kẻ,
Đâu ngờ chữ nghĩa cũng tang thương
Đêm nay ta gục trên trang sách,
Cứ tưởng trăng vàng cũng vấn vương.

( Hà Thượng Nhân )

Chính ông đã từng đặt bút:

“Cuộc đời vốn vô thường, nay còn mai mất. Sinh để mà diệt, có để mà không, còn để mà mất. Lão Tử nói: “Tạo Hóa bất nhân.” Thật ra, không phải Tạo Hóa bất nhân, mà, Tạo Hóa vô tình trước mọi sự, thản nhiên trước mọi việc.

Cổ nhân khắt khe ư? Nhiều người đẹp cỡ Tây Thi, Chiêu Quân mà cổ nhân nỡ bảo đó là “cái túi da đựng mớ thịt thối.” Sự thật vốn tàn nhẫn. Sự sống là tự đánh lừa mình bằng những ngôn từ hoa mỹ. Thật ra, chỉ vì cổ nhân đã thấu suốt tận ngọn ngành nguyên ủy mà thốt lời chân thật vậy.

Suy đến cùng thì đời người chẳng có gì cả. Sống lâu hay chết yểu thì cũng có lúc bắt đầu và chấm dứt. Cho nên cổ nhân lại nói: “Không có thọ yểu, không có  sang hèn.” (Hà Thượng Nhân – Lời Tựa cho Tập Cát Bụi 1- Kinh Vô Thường của Võ Thạnh Văn).

Thế là, trong cái buổi chiều chớm thu lành lạnh ngày 11 tháng 10 năm 2011, người thi sĩ già lặng lẽ ra đi để đóng lại một định mệnh khởi đầu từ 90 năm trước tại một ngôi làng tên Hà Thượng thuộc tỉnh Thanh Hóa. 90 tuy chưa đủ trăm tuổi nhưng đã quá đủ. Hẳn ông cũng chẳng có gì để tiếc nuối vì “có lúc bắt đầu” thì phải có lúc “chấm dứt”.

Đối với thế hệ của tôi, Hà Thượng Nhân thuộc vào hàng trưởng thượng mà tôi chỉ dám đứng từ xa . . . nhìn với con mắt tò mò hơn là thích thú. Tuy cùng phục vụ trong ngành chiến tranh chính trị của QLVNCH, nhưng ông là sĩ quan cấp tá giữ những chức vụ chỉ huy, lại là chủ nhiệm chủ bút tờ báo duy nhất của quân đội (nhật báo Tiền Tuyến). Còn tôi, anh chàng sĩ quan chiến tranh chính trị ở cấp thấp nhất, tòng sự tại một tỉnh lẻ, nhiệm vụ quẩn quanh vài chục con người với tài năng cũng “tỉnh lẻ” không kém, nên khỏang cách “chiến hữu trong ngành” còn rộng hơn cả khỏang cách tuổi tác. Vả lại, thế hệ tôi không mặn mà lắm với phong thái thơ Hà Chưởng Môn, cho rằng “cổ, già nua”. Những cái tên nhà thơ như Nguyễn tất Nhiên, Thanh tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Hòang Trúc Ly v..v.. gần gủi với chúng tôi hơn.

Thành thực mà nói, thế hệ tôi không có nhiều cơ hội đọc thơ của người làng Hà Thượng. Nghe đến tên ông thì có nghe, vì ông là bậc trưởng lão làng văn làng báo Sài Gòn trước 1975, nhưng ông chưa hề in tập thơ nào trong thời gian này, dù là tác gỉa hàng ngàn bài thơ đủ thể lọai. Những năm ông phụ trách mục thơ trên các báo Tự Do (Mục Đàn Ngang Cung), Ngôn Luận (Mục Những Điều Trông Thấy ký bút hiệu Đông Phương Sóc) thì (chúng) tôi còn quá nhỏ để đọc thơ ông. Ông lại không có thói quen cho in thơ của mình trên những tờ báo ngày. Còn những tạp chí văn học thời đó cũng ít khi đăng thơ ông, dù với vị trí “thi lão” chắc khó có vị chủ bút nào “dám” từ chối thơ của người làng Hà Thượng. Có lẽ chỉ vì ông không muốn mà thôi. Do đó, ấn tượng của tôi về ông “cổ, già nua” trước hết là do cái tên mang “hơi hướm cổ” Hà Thượng Nhân (dạo ấy tôi đâu đã biết lai lịch bút hiệu là do ông sinh quán làng Hà Thượng, tỉnh Thanh Hóa). Kế đến là do vị thế “trưởng lão” của ông khi được mọi người nhắc đến với sự trân trọng, nể vì. Mãi sau này, khi đã làm quen với những bài thơ tù của ông, rồi nhờ mạng lưới internet, có nhiều dịp đọc thơ của ông, tôi mới biết mình lầm khi nghĩ rằng thơ của ông “cổ, già nua”.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, cuộc chiến tranh mà tôi và ông cùng tham dự chấm dứt. Cả hai chúng tôi “tự nguyện” bước chân vào nhà tù của kẻ chiến thắng. Tuy ông đã giải ngũ từ trước 1975, nhưng vẫn phải “trình diện học tập” theo hàng ngũ sĩ quan cấp tá trước tôi khỏang một tháng. Cùng là sĩ quan chiến tranh chính trị của quân đội bại trận, cùng được xếp vào thành phần “tình báo, an ninh, chiến tranh chính trị ác ôn côn đồ, có nợ máu với nhân dân” nên hễ ông ở đâu, vừa được “chuyển trại” là có tôi tới thế chỗ. Ông ở Trại Long Giao, vừa lên tàu (hỏa) ra Bắc là tôi tới Long Giao, cũng chờ ngày xuống tàu (thủy) ra Bắc. Ông “miệt mài học tập” vùng rừng núi thượng du Bắc Việt, tôi cũng “chăm chỉ chặt vầu, đẽo nứa” trong cùng không gian rừng thiêng nước độc như ông, chỉ sau vài tháng. Đến lúc này, khỏang cách “chưởng môn- đệ tử” giữa tôi và ông dường như đã hẹp lại. Và cũng ở những ngày tháng này, tôi đọc thơ ông ở một nơi cùng địa danh mà ông sáng tác bài thơ. Thật cay đắng cho số phận. Thuở xưa, khi tờ báo Tiền Tuyến do ông làm chủ nhiệm hàng ngày được đưa xuống đến tận đơn vị, tôi hững hờ cầm lấy liếc qua vài hàng tiêu đề ở trang chính rồi bỏ xuống. Còn trong những ngày tháng (tù đầy) này thì thơ ông làm chỉ là truyền khẩu, thế mà bài thơ vượt qua bao hàng rào kẽm gai, bao con mắt cú vọ (của cả cai tù lẫn ăng-ten) rình rập, vượt cả thời gian kẻ đến trước (là ông), kẻ đến sau (là tôi), để cuối cùng, chúng tôi truyền miệng nhau bài thơ của Hà Chưởng Môn viết nơi trại tù Long Giao qua làn khói thuốc lào, được chiêu bằng ngụm nước rễ Chùm Bao phơi khô thay trà:

Trời có điều chi buồn
Mà trời mưa mãi thế
Cây cỏ có chi buồn
Mà cỏ cây đẫm lệ
Mà cỏ cây lệ tuôn?
Anh nhớ em từng phút
Anh thương con từng giây
Chim nào không có cánh
Cánh nào không thèm bay
Người nào không có lòng
Lòng nào không ngất ngây
Gủi làm sao nỗi nhớ
Trao làm sao niềm thương
Nhớ thương như trời đất
Trời đất cũng vô thường
Ngày xưa chim hồng hộc
Vượt chín tầng mây cao
Ngày xưa khắp năm châu
Bước chân coi nhỏ hẹp
Bây giờ giữa Long Giao
Ngồi nghe mưa sùi sụt
Cuộc đời như chiêm bao
Có hay không nẻo cụt?
Anh châm điếu thuốc lào
Mình say, mình say sao?

( Mưa buồn Long Giao – Hà Thượng Nhân 1975 )

Dạo ấy, tôi chỉ có “em” thôi, chứ chưa có “con” để nhớ, nhưng lời thơ của người làng Hà Thượng cứ xóay vào lòng. Tôi ghiền thuốc lào cũng là vì thơ của ông. “Nghe” thơ xong là phải “phi” ngay một “bi” thuốc lào, để bắt chước ông, tự hỏi “mình say, mình say sao?” (Chứ chẳng phải như bây giờ, rượu tây rượu ta thừa mứa, bao phen ngất ngưởng mà ít khi nào đủ cảm khái ngồi gật gù mình say, mình say sao?) .

Rồi đến khi ra Yên Bái, trại tôi cách trại Thác Bà nơi “học tập” của Hà Chưởng Môn khỏang vài chục cây số đường rừng. Đến khi rời Yên Bái, ông về Thanh Nghệ Tĩnh, còn tôi lên cao hơn nữa tới tận trại Phong Quang chỉ cách cửa khẩu Hữu Nghị khu biên giới Trung Quốc có 15 cây số, rồi xuôi miền trung du Vĩnh Phú với những đồi trà bát ngát. Đó là những năm 78, 79, năm Trung Quốc xua quân qua biên giới hòng dậy cho người anh em Việt Nam một bài học về hữu nghị. Nếu không có biến cố này, hẳn tôi và các bạn của mình sẽ chết dí ở Phong Quang, trại tù lừng danh nhất nhì miền Bắc, nơi vùi thây bà Thuỵ An, một nhà thơ trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Về miền Trung Du Vĩnh Phú, trại tù Vĩnh Quang, cách xa trại Thanh Chương (nơi Hà Chưởng Môn “thụ giáo học tập”), Nghệ Tĩnh hàng mấy trăm cây số đường xe chạy, vậy mà cũng ở đây tôi lại “nghe” thơ người làng Hà Thượng, có những câu “Sài Gòn Sài Gòn, không là quê hương. Mà sao mình nhớ, mà sao mình thương. . .” (Xin làm cỏ biếc – thơ Hà Thượng Nhân). Nỗi lòng của ông, cũng là nỗi lòng của chúng tôi, những người tù biệt xứ không biết đến ngày về, nên, một lần nữa, thơ của người làng Hà Thượng lại quẩn quanh bên ngọn đèn dầu leo lét với những khuôn mặt tù ưu tư khắc khỏai *.

Sau này, khi ra tới hải ngọai, tôi được dịp đọc tập thơ Bên Trời Lận Đận (xuất bản năm 1998) của ông, nhân một lần đi tìm nguyên ủy của bốn chữ “Bên trời lận đận” trên mạng. Cũng như dạo còn ở trong tù “nghe” thơ ông như một cách chia sẻ những nỗi lòng của những con người cùng chung cảnh ngộ, bây giờ tôi đọc thơ ông cũng trong ý nghĩa đó. Chúng tôi – tôi và ông – vốn “Cùng một lứa bên trời lận đận. Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau”.

Cũng từ đó, khỏang cách “Chưởng Môn – Đệ Tử” vẫn còn, nhưng đã mang một ý nghĩa khác hẳn ngày xưa. Còn khỏang cách thế hệ với người làng Hà Thượng của tôi thì bỗng gần lại. Phải trải qua những đọan đời truân chuyên như thế để đến với thơ Hà Thượng Nhân kể ra khá đắt, nhưng mà cũng “đáng”.

Nay người làng Hà Thượng đã về cố quận. Tôi vốn chưa bao giờ có dịp làm quen với ông nên chẳng thể nhận là người quen để viết đôi hàng về ông tiễn ông lên đường. Nhưng, những đổi thay của lịch sử đã cho phép tôi được “cùng một lứa bên trời lận đận” với ông, và vì thế, việc “gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau” cũng là điều ông đã “tiên tri”.

Xin cầu chúc anh hồn người làng Hà Thượng được nghỉ ngơi miền đất hứa.

T.Vấn

12 tháng 10 năm 2011

* Sau 8 năm lưu đầy, ông về lại thành phố “mình nhớ, mình thương”. Tôi cũng vui mừng theo chân ông chỉ sau vài tháng. Ông định cư đất tạm dung năm 1990. Tôi lại lẽo đẽo phía sau vào năm 1991. Còn một chặng cuối nữa, niên trưởng đã đi trước rồi thì đàn em sẽ theo sau thôi .

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search