T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Mékong dòng sông hấp hối

(Nguồn: Báo Tiếng Dân)

Viet Ecology

KTS Nguyễn Hoàng Sơn

Cách đây vài năm, về Việt Nam thăm ông cụ trước khi mất, có anh bạn học cũ của vợ, rủ đi viếng miền Tây, vùng sông nước mà mình chỉ nghe thầy Hứa Hoành nói đến hay đọc trên sách báo. Anh bạn cho mình viếng thăm Sa Đéc để xem căn nhà của ông người tình của bà Marguerite Duras kể trong cuốn tiểu thuyết “L’ amant”.

Thấy mấy cầu như Cần Thơ do Nhật Bản xây, đã thay đổi nếp sống của vùng này vì khi xưa qua sông người ta cần phà, chậm chạp cho việc di chuyển, nay chỉ cần lên xe là tới Sàigòn. Mình hơi lo ngại cho sự thay đổi văn hoá của vùng này thì thấy đất sạt lở hai bên sông Hậu. Hỏi ra người dân sở tại nói, Trung Cộng xây đập ở thượng nguồn nên hãm lượng nước chảy xuống hạ lưu dù là đang mùa mưa.

Lại thấy mấy cái xà lan chở cát trên sông thì được giải thích là đám cát tặc, vớt cát ở lòng sông khiến đất lở. Chán mớ đời.

Tò mò mình tìm tài liệu đọc, mới khám phá ra Trung Cộng chiếm Tây Tạng, xứ chả có gì về tài nguyên ngoài mấy ông sư Tây Tạng thổi ống tù và như người Thuỵ Sĩ. Lý do là Tây Tạng, tuy nhỏ bé nhưng là nguồn cung cấp nước uống cho Trung Quốc, Ấn Độ và các nước miền nam như Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam. Coi như cung cấp nước cho trên 3 tỷ người hay 40% dân số của thế giới. Xin nhắc lại 2/5 dân số trên thế giới.

Nhớ khi xưa thầy Hứa Hoành kể là đất trên núi bị mưa kéo xuống sông Mekong, chảy ra biển nên phù sa bồi đắp các vùng đồng bằng sông Cửu Long, đâu mỗi năm thêm cả thước ở vùng Cà Mau chi đó.

Lò mò mình thấy có ông y sĩ Biệt Cách Nhảy Dù, tên Ngô Thế Vinh, có viết cuốn sách “Mekong, dòng sông nghẽn mạch” gần 2 thập niên trước, như tiếng báo nguy về Đồng Bằng Sông Cửu Long. Xét lại thì những gì tác giả báo động trong cuốn sách, ngày nay đã thành sự thật, thậm chí còn tệ hơn những gì ông ta tiên đoán.

Trung Cộng và Lào, thậm chí Thái Lan cho xây mười mấy cái đập thuỷ điện ở thượng nguồn sông Mekong, kềm hãm nước và phù sa khiến nước chảy về hạ lưu rất ít, không có đất phù sa bồi đắp thì các vùng đất gần sông bị sạt lở. Cá thường bơi ngược dòng sông để sinh sản, nay mấy cái đập cao mấy chục thước, trung bình độ 90 mét thì làm sao cá phóng lên được.

Trong bài diễn văn của ngoại trưởng Hoa Kỳ hôm 1 tháng 8, 2019 tại Thái Lan, có nhắc đến thành quả Lower Mekong Initiative, một tổ chức hạ nguồn Mekong do sáng kiến của ngoại trưởng Hillary Clinton từ 10 năm qua và các hội viên là các quốc gia ở hạ nguồn sông Mekong; Thái Lan, Lào, Việt Nam, Campuchia.

Hơn 340,000 người có nước sạch để dùng; 3,800 người được huấn luyện về kỹ thuật dùng Anh ngữ,…. Những thành tựu cụ thể này đã chứng minh về những cam kết của Hoa Kỳ đối với 5 quốc gia ở hạ nguồn sông Mekong và sẽ tiếp tục giúp bảo vệ chủ quyền và an ninh, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và văn hoá của vùng này.

Ông Pompeo cũng nhắc đến Trung Cộng đã xây dựng các đập thuỷ điện, kiểm soát lượng nước chảy về hạ nguồn sông Mekong. Ngoài ra, các nhóm tội phạm đã dùng dòng sông để buôn bán ma tuý, sòng bài, buôn người,…

Ngoại trưởng Mỹ đề nghị các quốc gia hạ nguồn cố gắng hợp tác chặt chẽ hơn và đề nghị những phương cách làm việc để giúp đạt được kết quả.

Chương trình đầu tiên là Japan-U.S. Mekong Power Partnership (JUMP), sẽ phát triển mạng lưới điện khu vực với đóng góp ban đầu của Hoa Kỳ là 29,5 triệu đô la. Sự hợp tác sẽ được xây dựng dựa trên sự hợp tác của hai quốc gia trong lĩnh vực này, và sẽ được tăng cường, hỗ trợ cho các công ty Hoa Kỳ thực hiện đường truyền điện xuyên biên giới.

Quốc hội Hoa Kỳ sẽ biểu quyết quỹ khởi đầu là 14 triệu đôla để các nước hạ lưu sông Mekong, chống lại các tổ chức buôn lậu và buôn người. Ngoài Việt Nam ra, các nước lân cận của Trung Cộng cũng lâm vào vấn nạn buôn người. Với chế độ một con, Trung Cộng thiếu phụ nữ nên phải quay qua các nước lân cận để mua vợ. Gần đây, đọc tin tức ở Việt Nam, thấy họ bắt nhiều xe vận tải thuốc phiện, thuốc lắc của hệ thống xã hội đen người Tàu. Họ sử dụng sông Mekong để di chuyển thuốc phiện và buôn người.

Số tiền Hoa Kỳ và đồng minh dự tính giúp Cam Bốt quá ít ỏi. Mỗi năm Trung Cộng đầu tư vào Cam bốt hơn 1 tỷ đôla, 1,000 triệu đô la, trong khi Ngoại trưởng Mỹ “hứa” giúp đỡ 14 triệu đôla. Người Miên chắc chắn sẽ ngã về Trung Cộng. Lào và Miến Điện cạnh Trung Cộng thì càng te tua nữa. Họ xây đập thuỷ điện để bán điện cho Trung Cộng. Tính ra chỉ còn Thái Lan và Việt Nam vẫn còn tử thủ với Trung Cộng.

Tuần này, các nghiên cứu gia ngoại quốc kêu mặt nước sông Mekong chỉ còn 0.8 mét cao hơn nước biển, so với 2.6 mét trước đây, dù nay là mùa mưa, nghe nói lụt khắp nơi, thậm chí Đà Lạt cũng có chỗ bị ngập. Kinh!

Tạp chí “Nature Communications” (28-08-2019) cho hay, theo các dữ liệu vệ tinh thì mực nước của sông Mekong đã hạ rất thấp. Nếu tình hình này tiếp tục thì Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ bị nước biển xoá chìm trong 57 năm tới. Có nghĩa là, 12 triệu dân sinh sống tại vùng này sẽ phải dời đi nơi khác kiếm ăn, nền văn hoá sông nước của miền nam sẽ bị huỷ diệt.

Khi Lào và Trung Cộng xây thêm mấy cái đập mà họ đang dự tính thì xem như nước chảy về Đồng bằng Sông Cửu Long rất ít, thấp hơn mực nước biển thì nước biển sẽ tràn vào, ngập hết, khiến các đồng bằng sẽ chìm dưới biển.

Trên cao nguyên thì họ cho chặt cây phá rừng, miền đồng bằng sẽ bị biển hoá, thế là con rồng cháu tiên của ông Lạc, bà Cơ sẽ về đâu?

Vấn đề là đọc tin tức báo chí tại Việt Nam thì ít khi thấy nói về vấn nạn của Đồng bằng Sông Cửu Long. Hình như ít ai biết đến những tin tức quan trọng về tình hình đất nước. Xem không ảnh của vệ tinh khiến mình thất kinh.

Gần đây, thấy hình ảnh một phụ nữ Việt Nam bị dân Mã Lai đánh ngoài đường, bị bắt đeo cái bảng là người ăn cắp, móc túi chi đó. Hôm qua đọc tin, tỷ lệ gái điếm người Việt hành nghề ở Mã Lai đông nhất. Các cô gái Việt có chút nhan sắc, học thức thì sang Singapore đứng đường, đến nỗi hành khách phụ nữ Việt Nam đến phi trường Changi, có người không được nhập cảnh vì có tiền án, cảnh sát Singapore đã theo dõi từ lâu ngay trên Facebook, thấy họ tiếp thị. Nhiều người Việt Nam kể; cảm thấy nhục khi cầm hộ chiếu Việt Nam, khi đi tham quan ở ngoại quốc vì bị người ngoại quốc khinh bỉ.

Có lần mình nêu vấn đề chung chung ở Việt Nam thì có anh bạn học cũ, kêu mày rời VN trước 75, không sống thời bao cấp như tụi tao nên thắc mắc, chớ tụi tao xem đó là chuyện bình thường, khiến mình nhớ đến hai cuốn phim “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thuỷ, được xem ở New York. Nghe nói 2 cuốn phim bị cấm trước khi cuộc Đổi Mới, kinh tế định hướng thị trường.

Trong phim, có một đoạn, một ông giỏi chữ Hán, giải thích: chữ “tử” có nghĩa là những chuyện nhỏ bé. Chữ “tế” có nghĩa là những chuyện bình thường. Hai chữ “tử tế” gộp lại có nghĩa là cẩn thận từ những việc nhỏ bé, rồi do lâu đời ta đọc khác đi và nghĩa cũng khác đi. Sự tử tế, tử tế thật sự không phải là chuyện có tiền bạc hoặc muốn là có ngay. Nó cũng phải được học hành, được dạy dỗ, được tập luyện, kế thừa và gìn giữ. Tử tế như hoa thơm, hoa đẹp không thể thiếu được của cuộc đời.

Thời đại công nghệ thông tin, với internet, bao nhiêu tin tức, thông tin, xấu hay tốt đều được lan tràn nhanh hơn ánh sáng. Như anh bạn mình, có lẽ sống qua thời bao cấp, như đã được chích ngừa nên không còn phản ứng, trước những cảnh thương tâm của đồng loại xẩy ra hàng ngày.

Chúng ta có quyền từ chối đón nhận những tin tức này nhưng từ chối tiếp nhận những tin tức này là một lựa chọn để được yên lành như anh bạn học cũ hay những người đàn ông khác. Từ chối sự thật, hiểu biết, nhất là tư duy, sẽ dần dần biến con người thành một kẻ vị kỷ và trốn tránh trách nhiệm, không dám nhìn sự thật. Như thuyết trung dung của Aristote, thấy người bị nạn nhưng ta không ra tay cứu giúp là trung gian giữa cái hèn hạ và ích kỷ.

Chủ nghĩa Mặc Kệ Nó đã lan tràn khiến con người đâm ra vô cảm. Có một anh lính “nguỵ”, đi tù sau 75, sống ở quê, xót xa khi thấy các cô gái ở quê anh lần lược ra đi, lấy chồng xa ở xứ Hàn, Đài Loan,… Anh ta viết những vần thơ về quê anh, Cần Thơ ngày nay.

Lúc đầu, ban giám khảo chấm anh ta thắng, đoạt giải thơ trong vùng của anh ta nhưng sau bị rút lại, vì bài thơ không ca ngợi sự anh minh của nhà nước và đảng, không phản ánh thật sự chế độ xã hội chủ nghĩa, nên họ yêu cầu anh ta sửa đổi hay rút lui nhưng anh ta không chịu và cuối cùng một cô giáo, hót tung hô thiên tài là đảng nên thắng giải nhất, khiến mình lại nhớ đến câu hỏi của đại cán bộ Hà Nội, lý do tại sao văn hoá miền Nam, bị “Mỹ nguỵ kềm kẹp” lại sản xuất những vầng thơ, áng văn, nhạc vàng quá hay, bất tử.

Trăng Nghẹn

Mẹ sinh tôi vào một đêm rằm mưa gió ngày xưa,

Lúc chào đời đã lỡ hẹn cùng vầng trăng viên mãn.

Vùng tản cư hồi nầy ruộng hoang nhà trống,

Rước được bà mụ vườn, ngoại cực trần thân.

Tôi lớn trong quê mùa như cây tạp vườn hoang,

Bảy tuổi biết leo lưng trâu, không từng ngồi xe đạp.

Không biết lời bải buôi để mua lòng người khác,

Nên thua thiệt cả đời vì không thể dối lừa ai.

Ngơ ngác buổi ra thành, trước cuộc sống đua chen,

Mười năm sau chưa gội rửa cho mình thành dân chợ.

Lớp phèn hết bám chân, nhưng chất chân quê vẫn còn đó,

Tôi tranh thủ những tháng hè, thích về lại thăm quê.

Bè bạn theo đuôi trâu một thời, mơ ước nhìn tôi,

Tưởng tôi thoát kiếp ngài, nhởn nhơ hóa bướm.

Tôi nhìn vẻ hồn nhiên của đám bạn xưa thèm quá,

Cộng một chút phù hoa đâu thêm lớn tâm hồn.

Mỗi lần về quê bè bạn cũ lại vắng hơn,

Gái mười bảy đã lấy chồng, trai hai mươi đòi vợ.

Cô bạn xưa nách con ngang nhà mua chịu rượu,

Đôi mắt ướt một thời bẽn lẽn ngó bàn chân.

Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê,

Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu.

Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu,

Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi.

Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi:

Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,

Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,

Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa.

Chập tối buồn ra nhìn bến nước cô đơn,

Vầng trăng vừa lên đã bị mây mưa vần vũ.

Tôi chợt nhớ lần lỗi hẹn đầu đời, trăng cũ,

Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê.

(Trăng Nghẹn của tác giả Hoài Tường Phong)

Bài Mới Nhất
Search