T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Mắt nhắm, mắt mở

Cửa Mở Ra, Cửa Đóng Lại – Tranh: Thanh Châu

(hay Cửa mở ra, cửa đóng lại)

Gã là nhà thơ, bởi trong giới nghệ thuật đương đại, ai có được một hai tác phẩm có thể trở thành rất nhiều thứ “nhà” chứ chả riêng gã. Lại nữa, giống nhiều nhà thơ hậu hiện đại khác, gã đang bị vày vò vì một nghịch lý: Vừa muốn biểu hiện khuôn mặt tân hình thức, vừa muốn đại chúng biết đến vì có phải ai cũng hiểu thơ đâu, và (lại càng) có phải ai cũng hiểu thiên tài đâu. Chỉ cần gặp một trong hai đã búi bấn rồi. Trong nhiễu sự này, gã có cả hai, thế mới hốc.

Búi bấn hiểu là rối mù lên, thế nên gã hốc hác với ước muốn thứ nhất hiện ra rất rõ: Gã luôn luôn vác bộ mặt hiện thực ở nơi đàn đúm văn nghệ, ngập khói thuốc với trăm năm bia đá cũng mòn, bia chai cũng vỡ chỉ còn…bia ôm. Ước muốn thứ hai thậm thụt ẩn kín hơn: Trong thời đại phi vật thể, đêm đêm gã chiêm bao thấy thơ mình như tranh Graffiti, là bộ môn vẽ mang phong cách nghệ thuật đường phố từ phương Tây. Nghệ thuật Graffiti mang tâm thái thiếu gì tìm nấy nên hoạ sĩ phải đi tìm địa điểm rộng rãi để vẽ, có khi là khu nhà hoang, công trình kiến trúc chuẩn bị đập bỏ, tháo gỡ. Riêng gã, gã muốn thơ mình được biết đến như nhà thơ Vũ Đình Liên qua hình ảnh lại thấy ông đồ già, bầy mực tàu giấy đỏ, bên phố đông người qua. Với bên phố đông người qua như ở nhà ga xe lửa, bến xe đò, trạm xe buýt, chợ búa đầu đường cuối ngõ để được các bà bán hàng rong vừa nhổ tóc, bắt chấy, vừa đọc thơ tình cho nhau trong giờ ăn trưa. Tuần trước, trâu dong bò dắt thế quái nào chả biết nữa, gã phát hiện bài thơ tình của gã được ai đó viết lên tường chuồng xí của một tiệm phở, chen vào giữa những dòng chữ rất đại chúng, đại thể như: “Trái tim rướm máu”, “Hận kẻ bạc tình”, v…v…

Thế là gã hộc tốc về quơ cái máy chụp ảnh bự sự có ống kính như khẩu M72 bắn tăng. Khoác cái áo bốn túi như phóng viên chiến trường, đội cái mũ đi săn để…săn hình. Và không quên khuân theo quyến “Ảnh Việt Nam” làm kim chỉ nam để chụp ảnh nghệ thuật. Trở lại tiệm phở. Kêu một tô khác. Trả tiền. Nhưng không ăn, mà lẻn ra ngoài cầu tiêu. Vừa bước, gã vừa bấn xúc xích theo người Hegel: “Cái đẹp là đối tượng của xúc cảm. Với xúc cảm là thật thì nhiếp ảnh không làm cho sự việc thật hơn vì chính nó là sự thật”. Được nhăm bước, gã lại bấn loạn với: “Đừng băn khoăn nhiều khi nhắm qua ống kính. Ðừng đặt tiêu chuẩn gì về cái đẹp. Cứ chụp như người không biết chụp hình. Cái tự nhiên mới đem lại cái thật trong ảnh nghệ thuật”.

Lật cuốn cẩm nang chữ nghĩa, hình ảnh dày đặc như ruồi bu chỉ cách chụp ảnh, gã lâm râm tụng: “Ngoài bố cục là ánh sáng, là sự tương phản độ rõ nét, cân đối, tương xứng, mầu sắc, chủ đề, nội dung, v…v…Nhưng quan trọng nhất là chủ điểm của người sáng tạo! Điểm đó nằm ở chỗ nào trong tác phẩm”. Gã bèn mắt nhắm mắt mở chụp bài thơ qua những góc độ, ánh sáng khác nhau. Với chủ điểm nào đó nằm ẩn dấu trong tác phẩm…, gã chụp…và chụp…

Gã chụp được nguyên mảng chữ rất tình tự nhân sinh, nhân quả… “Hận đời đen bạc”.

Giở trang khác, gã đọc vội đoạn chỉ dẫn: “Người chụp ảnh nghệ thuật không chỉ nhìn thấy sự thật vì còn phải nhìn thấy cái “không thật” của sự thể nữa. Vô tình họ bước vào trừu tượng trong cõi vô hình”. Vì” “Người ảnh nghệ thuật không chỉ nhìn thấy sự thật…”, gã chụp…chụp…

Lần này gã chụp được hàng chữ… “Người lịch sự xin vui lòng dội cầu sau khi dùng”.

Ngẫm lại các cụ ta xưa dậy cấm chả sai bao giờ rằng trăm bó đuốc cũng…chụp được con ếch. Xong, đi rửa phim. Tiếp, chọn một bức đắc ý nhất, lộng khung, treo lên tường. Gã ngồi bất động hàng giờ để thưởng lãm. Gã rất tâm đắc, nhưng thấy không bắt mắt cho lắm vì ảnh đẹp chưa đủ, còn tùy chỗ treo với ánh sáng ngồn ngộn nữa. Lại nữa, bài thơ trong khung ảnh không có “cảm giác” như bài thơ ở tiệm phở ánh sáng, màu sắc quệnh quạng sao ấy? Quái thật! Hơn thế nữa hình như bài thơ trên tường chuồng xí ngồn ngộn hơi hướm hơn. Vì nó thuộc trường phái “vẽ tranh tường”, là sự hoà hợp giữa nghệ thuật dân gian và trường phái biểu hiện. Ngoài biểu hiện gì gì đó, tác phẩm ở chuồng xí quá ấn tượng. Nó là sự kết hợp giữa nghệ thuật thị giác, tức “vi-sục-ạc”, nghệ thuật vị giác, tức “tết-tờ-ạc”, thủ pháp này dùng cho khúc vĩ thanh theo cung bậc vô cực. Bỏ bu! Hay là lúc nãy chụp hình, gã nhắm tịt cả…hai mắt. Suốt cả tuần qua, giới bạn bè văn nghệ thấy gã có vẻ hiện hữu hơn, nhưng cũng cô đơn hơn. Cả tuần nay, chủ tiệm lấy làm lạ vì sáng nào cũng thấy một người đàn ông hâm hâm đến gọi tô phở. Trả tiền. Đi thẳng vào chuồng xí. Ở trong ấy rất lâu. Và trở ra. Rời quán mang theo những suy tư xa vắng, xa vời vợi, và bỏ lại đằng sau tô xe lửa…cô đơn nguội ngắt, mỡ nguội đóng váng, bánh phở chương lềnh bềnh như cô đào hát về chiều.

Sáng nay cũng vậy, đang thẫn thờ bên tô phở với cụ Nguyễn Tuân và cô đào hát, bất chợt nhìn qua bên đường, gã lòi mắt ếch thấy băng vải có hàng chữ to tổ chảng “Triển lãm ảnh nghệ thuật”. Gã bần thần ngẫm ngợi thế nào là ảnh nghệ thuật đây? Vậy chứ dí ống kính vào đống rác là phi nghệ thuật chăng? Thế nên cho đến thế hệ @ còng này, vẫn chưa có tác phẩm ảnh nghệ thuật nào có hồn có vía về…đống rác thì phải? Khó khăn thật chứ chẳng chơi! Gã đùm đậu đến một nhiếp ảnh gia thời danh đã thở ra chữ: “Muốn có một bức ảnh nghệ thuật, nhiếp ảnh gia phải có tâm hồn nhà văn, nhà thơ”. Gã buột miệng buông tuồng: “Lại nhà nhiếc nữa, chả ai chịu là nhà cầu, nhà xí cho”. Buông xả xong, gã đốn ngộ ra rằng gã đang là nhà thơ, nhà chụp ảnh đây chứ còn khỉ gì nữa. Bỏ tô phở cô đơn…một mình buồn hiu trên bàn. Nhằm vào thiên niên kỷ 21 với nhãn kiến vi thật, trộm nghĩ…nhìn thấy mới cho là thật! Thế là gã lọ mọ qua bên kia đường trong một ngày ít gió nhiều mây để khai phá, khai phóng hay nói chữ với nghệ thuật thị giác, tức “vi-sục-ạc” để đi tìm cái đẹp của ảnh nghệ thuật.

***

Nhằm giờ ăn trưa, phòng triển lãm lèo hèo nhăm người. Gã thò đầu vào, vắt ngang lối đi tum húm là mảng tường treo tòng teng một bức ảnh có tựa đề: “Chân dung”.

Với ảnh chân dung, được thể gã lòi tói ra rằng tranh vẽ, ảnh nghệ thuật không có lý sự gì sất. Bởi họa sĩ không làm việc để minh họa. Cũng như người chụp ảnh thâu vào ống kính một khuôn mặt với miệng nào ngao ấy cũng chỉ là minh họa như họa sĩ. Thế nên cái tên chỉ đặt cho có vậy thôi. Vì vậy tác phẩm như bức tranh “truyền thần” ngay trước mặt chụp vợ của người chup ảnh thì phải?! Thì hai chữ chân dung tự nó không nói lên sự tích gì sất cả. Bởi nho nhe nho táo với bất khả ngôn truyền hiểu là…không nói ra được. Bởi nhẽ đó người chụp ảnh không nên nói dùm cho tác phẩm. Cứ theo gã “chụp bắt” cách mấy nhưng cái trở nên, cái làm thành, cái có mặt: Người chụp hình để dành “lời” cho người thưởng ngoạn. Vì ảnh nghệ thuật là một nghệ thuật câm nín. Thêm nữa, chân dung ai cũng thích chụp, nhưng để đạt được rất ít. Bởi văn có ý, thơ có khí, ảnh chân dung phải có thần có cốt. Như Yousurf Karsh đã nhận định: “Có một khoảnh khắc thật ngắn mà cái thần của người lóe ra qua ánh mắt, nụ cười, v…v…Khoảnh khắc đó người chụp ảnh phải ghi lại trong tâm khảm và mang nó vào ống kính”.

clip_image002

          Yousuf Karsh

Phi cổ bất thành kim, gã quay quả với Yousuf Karsh sinh ra tại thành phố Mardin, Thổ Nhĩ Kỳ. Ông học nghề với nhiếp ảnh gia chân dung John Garo ở Boston. Tên tuổi ông được ghi vào lịch sử nhiếp ảnh trong một lần Canada đón tiếp một nhân vật lớn: Winston Churchill. Thủ tướng Anh đã rất tức giận khi ông không được biết trước về vụ chụp ảnh. Anh chỉ có hai phút. Chỉ thế thôi, hai phút, ông nói vậy và liên tục nhả khói. Karsh rất mạnh dạn giật điếu cigar ra khỏi miệng nhà chính trị đầy quyền lực này. Bức ảnh nổi tiếng ấy được dùng làm ảnh trang bìa tạp chí LIFE số ra ngay khi Thế chiến II kết thúc. Vì điểm chính là nắm bắt được cái khoảnh khắc…đồng thời lột tả đuợc cái nhìn như muốn thách thức mang cá tính không thể bị đánh bại của Churchill. Sau đấy Karsh nổi tiếng thế giới về ảnh chụp chân dung Albert Einstein, John F, Kennedy, Fidel Castro, Emest Hemingway, v…v…

Bằng vào cớ sự ấy, gã trộm nghĩ tên tác phẩm “Chân dung” phải danh chính ngôn thuận là “Vô đề”. Để người xem tranh được thể tha hồ mà…tranh luận. Để người thưởng ngoạn quên béng đi bức chân dung chả ra…chân tướng gì kia.

Tiếp tục đi tìm cái đẹp tranh nghệ thuật của thiên hạ sự, gã lần mò dọc theo bức tường và vướng vào mắt là hai nhân vật mặt mũi ngập kỳ tích mà gã đã nhẵn mặt trong mỗi kỳ triển lãm. Gã nhẵn mặt hai kỳ nhân dị tướng đây vì phòng triển lãm gần nhà, rỗi hơi là gã đảo tới đây uống cà phê chùa, ăn bánh ngọt có mùi nhang. Thế nên gã biết thừa bứa một người là nhiếp ảnh gia hình dạng kheo khư đeo kính cận bẩy tám độ, mặt kính như kính hội tụ. Còn ông kia là họa sĩ vóc dáng co cỏm đeo kính dâm đen, tay đang cầm ly cà phê đen. Cả hai đang nhăn nhúm trước một bức ảnh ngập nghệ thuật tính. Khi không gã lại ôm rơm rặm bụng với câu hỏi: “Nghệ thuật là gì?”. Một bế tắc nhức nhối từ thời cổ đại đến giờ, cho đến bây giờ gã phải tự đi tìm câu trả lời bằng vào chính gã, bằng cách làm như khách xem ảnh vị nghệ thuật. Mang cái tâm thái vô tri bất mộ với nhĩ văn mục đồ, nôm na là tai nghe mắt thấy. Gã chậm rãi đi tới,…t

Tới gần,…gần ngay cạnh cửa cầu tiêu của phòng triển lãm.

Gã nom nhòm thấy khuất sau lưng hai nghệ nhân và lấp ló giữa hai thân người dường như là bức ảnh chụp…cái cửa sổ với cánh cửa khép lại thì phải. Phải trái gì gã cũng ăn mắm ngắm về sau rằng: Một là bức ảnh vuông vắn đã hiếm thấy. Hai là ảnh chụp cái cửa sổ còn hiếm có hơn nữa. Ha! Thế này là ngẫu duyên, ngẫu sự đây, bởi bài thơ hậu hiện đại, tân hình thức của gã cũng hiện diện ở trên bức tường cầu tiêu có…cái cửa ra vào.

Vì vậy gã càng chăm chú nghe tợn. Gã nghe ông họa sĩ đeo kính dâm vào chuyện:

– Bức ảnh là bức tranh để cảm nhận, thay vì để ngắm.

Không đợi người nhiếp ảnh gia mắt như ngây như dại trả lời, ông hoạ sĩ đẩy đưa bằng vào cứt đầu gối thì thơm, cứt hàng xóm thì thối như thể như thế này đây…

– Xem tranh và xem ảnh khác nhau. Người xem tranh tụi “moa” ngắm thật lâu để khám phá những đường nét và thích thú tìm được những mầu sắc hòa hợp của tranh. Trong khi người xem ảnh các “toa” chỉ nhìn thoáng qua là đã thấy mình thấy hết rồi.

Mặt gã nghệt ra vì ông này khó khăn quá thể! Tiếp ông ngụp lặn với chữ nghĩa:

– Trong phần dẫn nhập tác phẩm The Essence of Christianity, triết gia Feuerbach nhìn nhận thời đại chúng ta là thời đại ưa chuộng hình ảnh hơn sự vật, bản sao hơn bản gốc, biểu tượng hơn thực tế, bề ngoài hơn hữu thể. Vì cái nhìn vật thể thay đổi theo thời gian và không gian, bắt nguồn từ hội họa hiện đại khởi đầu với trường phái ấn tượng năm 1860. Sau đấy trường phái hiện thực đã có những dấu hiệu xa rời nguyên thủy. Vì một trong những lý do khoa học kỹ thuật đã thẩm nhập vào đời sống con người, với sự phát minh ra…máy ảnh vào những năm giữa thế kỷ 19. Nhiếp ảnh đã giải thoát họa sĩ khỏi vai trò người kể chuyện và minh họa, cho phép tìm tòi vùng nội tâm bị lãng quên trong hội họa phương Tây, kể từ thời Phục Hưng của Ý.

Người nhiếp ảnh gia mặt mày ngầy ngật thấy rõ vì ông họa sĩ đây giọng lưỡi ngập văn vẻ phát hiện ra “cái máy ảnh”…của nhiếp ảnh, thế mới đau, bèn đau chân há miệng…

– Ngài có hay rằng Charles Beaulaire khi viết về Salon de 1859 đã mắng mỏ nghệ thuật nhiếp ảnh: Kỹ nghệ này đã xâm lấn nghệ thuật và trở nên kẻ thù của nghệ thuật, thưa ngài.

Ngắm cái cửa sổ và làm như chuyện…ruồi bu, vì cánh cửa sổ khép lại thì còn gì để mà xem nữa. Nhưng gã cứ căng mắt ra…nghe. Ông họa sĩ vừa sửa lại gọng kính, vừa lầu bầu:

– Lạ! Lạ thật, bức ảnh mang triển lãm lại không có tựa đề.

Như hai người điếc đang đứng với nhau…tọa đàm. Người nhiếp ảnh gia nghe qua lỗ tai chui qua lỗ mồm với ông họa sĩ, với tranh hội họa và cái máy ảnh:

– Với cái nhìn vật thể qua nhiếp ảnh như bức hình mà Michael Thompson chụp người mẫu Jukianne Moore mà ông lấy cảm hứng từ tuyệt tác hội họa La Grande Odalisque của Jean-Auguste-Dominique Ingres. Bức tranh này vẽ năm 1814 và được treo trong bảo tàng Louvre. Ảnh chụp được đăng trên tạp chí mỹ thuật Vanity Fair năm 2000. Hình ảnh chụp trông từa tựa như bất cứ bức tranh cổ điển nào cả mấy trăm năm trước.

clip_image004clip_image006

(Dưới): Tranh sơn dầu La Grande Odalisque  (Trên): Người mẫu Julianne Moore

Bậm bạp xong, người nhiếp ảnh gia săm soi ngăm bức ảnh chụp thiếu kích thước, thiếu bố cục: Vì ngay chính giữa bức ảnh là cái cửa sổ. Mặt người chao đảo trông thấy vì bố cục là kết hợp, xếp đặt trình bầy vật thể, đường nét cho thuận mắt, cho gắn bó, cho đồng nhất. Bố cục khéo, giúp làm nổi điểm chính của ảnh, dùng những chi tiết phụ trong ảnh để hướng mắt người xem vào chủ đề. Mà làm như không nói chuyện mồm miệng nó mốc đi hay sao ấy, nên người óch ách với ông họa sĩ những ếch vào cua ra đang bò ở trong đầu…

– Khi xem một bức ảnh, điểm dễ nhận nhất là bố cục. Đường nét của bố cục với sự gợi ý rõ ràng mà người xem ảnh cần phải nhận ra để có đồng cảm với tác giả. Nếu thấy một tác phẩm không theo quy củ của bố cục, đừng vội kêu toáng lên tác giả không biết luật bố cục. Mà hãy nên tìm hiểu xem tác giả nhồi nhét gì cho bố cục của bức ảnh ấy. Hoặc tác giả có lý do nào đó để cố tình đưa chủ đề, chủ điểm vào giữa tác phẩm như…bức cái cửa sổ này, thưa ngài.

Ông hoạ sĩ nghe thế có vẻ hơi bị “bức xúc” nên “mổ” lại ngay…

– Theo “moa”, nhiếp ảnh là nhìn và thấy. Nhiều nhiếp ảnh gia các “toa” nhìn mà…không thấy. Họ không thấy những góc cạnh bắt mắt, ánh sáng lạ để ghi nhận khác những người khác.

Mắt không rời bức ảnh có cái cửa sổ. Làm như lãng tai, người nhiếp ảnh gia tong tả với cái “Lạ! Lạ thật…” vừa rồi của ông họa sĩ. Và vun chuyện cho rối loạn tiền đình thêm…

– Việc đặt tên cho đứa con tinh thần. Tức là tên tác phẩm, điều này rất dễ gây ngộ nhận. Vì vậy tôi đang phân vân với cái tên: “Trăng treo ngoài cửa sổ” đây.

Ra cái điều đồng cảm, ông họa sĩ gật gù:

– Hay, quá hay. Giản dị mà khó hiểu. Khó hiểu mà giản dị. Kiệt tác đây rồi, tìm ở đâu xa.

Nghe thủng xong, người nhiếp ảnh gia bèn càm ràm:

– Theo tôi thì hội họa là mầu sắc. Còn nhiếp ảnh là ánh sáng, phải chăng thưa ngài.

Ông họa sĩ được thể dậy cóc leo thang:

– Sau ống ngắm như thể đang trong tiến trình dò kiếm, dừng lại, trì néo, giằng co, và dường như đôi khi bất lực qua cái nhìn bản thân của người bấm máy. Theo nữ nhiếp ảnh gia người Nhật gốc Việt Himiko Nguyen thì đây là một đường nét sáng tạo có đôi nét tương đồng nào đó với họa sĩ. Dù cho người chụp ảnh không hề biết vẽ, nhưng tìm cách thu vào ống kính, ghi lại cảm thức về cái động hay sự chuyển động xoay cuộn của vật thể. Trong việc sử dụng máy hình, các chức năng zoom và macro của nó cùng kỹ thuật chớp sáng, phân sắc độ, cũng những thao tác trong phần mềm photoshop tương đương với thao tác trực hoạ của họa sĩ. Người chụp ảnh có nhiều kỹ thuật tạo cái động trong ảnh bất động.

Trông giỏ bỏ thóc thì gã chả biết ảnh hai chiều…”động đậy” cái khổ nào? Nhưng gần mực thì đen, gần đèn thì lu nên gã…lu bu với mớ kiến thức lơ mơ lỗ mỗ của gã rõ ra nhiếp ảnh gia hôm nay phải là một nghệ sĩ chân tài. Họ là nghệ sĩ đích thực với bàn tay tài hoa của họa sĩ. Cái ôm đồm…ôm mây cưỡi gió của nhà văn. Đại thể như Đặng Mỹ Hạnh là một nữ nhiếp ảnh gia có bài viết trong Xứ sở rừng mưa với phần tựa, cô viết: Nếu nhiếp ảnh là đam mê chính, văn chương là đam mê thứ nhì, Và cô tự định nghĩa: “Tiếp cận với nghệ thuật bằng ngữ ảnh của cảm xúc và viết ra cõi lặng bên trong như một nhu cầu thở”. Thêm: “Một cõi lặng đôi khi ngấm ngầm dữ dội” mà cô viết trong tùy bút Những cơn man dại của trái phá. Bởi thế theo gã với nghệ thuật nhiếp ảnh chả thể thiếu vắng những cái miệng tráng mỡ của nhiếp ảnh gia nói rắn trong hang cũng phải bò ra về tác phẩm độc đáo của mình. Tác phẩm đã cố tình bất chấp bố cục, bỏ quên ánh sáng, mắt người đời thường chả thể thẩm định nổi. Nên nhắm khi họ “nói” hay hơn tác phẩm của họ nữa, đến kiến trong lỗ cũng phải bò ra. Còn con rắn vẫn nằm tịt mít trong hang vì nó không có…tai, nên nó không biết nghe, vì vậy mới rách chuyện.

Rách chuyện hơn nữa với bức ảnh vuông bé con con, với người nhiếp ảnh gia…

– Thì như ngài đã bảo bức tranh và ảnh chụp là để cảm chứ đâu phải để hiểu. Theo tôi đây là một sự cách tân đầy sáng tạo. Cũng như tựa đề tác phẩm “Trăng treo ngoài cửa sổ” theo tôn ý ngài đa nghĩa đầy ẩn dụ với mầu vàng lủng lẳng. Nhưng ngài nên nhớ, tên tác phẩm là tiền đề của bức ảnh, nó là bộ mặt của tác phẩm, cũng như…mặt tiền căn nhà vậy.

Lại vẫn cái thói đâm ba chày củ, ông họa sĩ hoá thân là người nhiếp ảnh gia:

– Nói một cách nào đó, những bức ảnh nghệ thuật chính là những hợp thể lạ lùng của nghệ thuật, kiểu triết gia Kant về cái đẹp tự nó và cái đẹp nguyên hợp vô cùng rõ nét, rất đậm chất hiện đại. Cách tiếp cận của Himiko Nguyen và họa sĩ đã gặp nhau trong những cảm xúc nghệ thuật thuần tuý, đầy nghệ thuật tính. Hiểu theo Himiko Nguyen là một bức ảnh nghệ thuật với chủ quan hay khách quan thì một phần nào từ cảm xúc nhậy cảm của người…bơm máy. Chết tía! Nói lộn, là người bấm máy. Vì vậy triết lý một cách khoa học, nhiếp ảnh gia các “toa” phải nắm bắt sự vật như…máy! Nhưng máy không thể bày tỏ nội tâm chủ quan như…người được.

“Người” bèn nhúng cọ, pha màu với ông thợ vẽ:

– Kỹ thuật là căn bản của mỹ thuật và nghệ thuật, thưa ngài.

Chỉ cái cửa sổ của tác phẩm trăng treo ngoài…cửa sổ, người vẽ vời:

– Cái cửa sổ này nên nhích qua bên phải một tí. Hay nhích lên cao một chút. Tại sao tác giả không sử dụng triệt để phép tu từ trong tình huống này? Tu từ, tức là tu sửa, là sửa nhà cửa, là trung tu, đại tu, là… tu hành, tu đạo.

Như tu hú đẻ nhờ, ông họa sĩ chụp bắt:

– Ý niệm nhiếp ảnh gia của các ‘toa” là một kỹ thuật gia, kỹ thuật của nghệ sĩ là trí óc. Tay là thừa. Mắt và óc đủ rồi. Nó phát triển theo hướng hiện thực, chính xác để hướng dẫn và truyền đạt. Nhiếp ảnh gia các “toa” cầm trong tay cái máy hình, ngoài là phương tiện gợi hứng bằng con mắt, họ phải có những tiến trình từ lúc chuẩn bị tới lúc hoàn thành đều được phối hợp hết sức tỉ mỉ bằng trí óc và thời gian cùng những kinh nghiệm.

Gã nghe như đấm vào tai, nên bụng dạ sậm soẹt: Người cầm máy ảnh đâu cứ bấm cái nút là…chụp ảnh. Ai chả biết họ làm nghệ thuật, nhưng ngoài nghệ thuật vị nghệ thuật, còn nghệ thuật vị nhân sinh, còn người thưởng lãm nữa. Vì cái đẹp của người bấm máy chả hẳn là cái đẹp của người thưởng ngoạn. Nên chớ bao giờ coi thường họ, người thưởng lãm ảnh nghệ thuật là những thức giả thầm lặng. Họ đang ẩn mình sau khung ảnh và họ không nói đấy thôi.

Trong khi ấy người gọt cốt vừa giầy với ông triết gia của ông họa sĩ:

– Như ngài đã giải luận, Feuerbach nhìn nhận: Với sự phát minh ra máy ảnh. Nhiếp ảnh đã giải thoát hội họa, để có Renoir với ấn tượng loại bỏ hai mầu nâu của đất và mầu nâu của thân cây với vẽ phong cảnh. Ngay như Manet, Degras vận dụng những đặc thù cá biệt của nhiếp ảnh để tìm ra phương thức mới cho hội họa, loại trừ kiểu vờn bóng của thời Phục Hưng. Họ phỏng theo các mảng đen trắng tách biệt của ảnh chụp loại bỏ sắc độ trung gian người ta thấy ở tranh cổ điển bằng mầu sắc tươi hơn, nhất là mầu đỏ với trường phái Dada hay Dã thú…

Ông họa sĩ nhành mồm ra cười mà rằng:

– Một phần tranh xem để thưởng thức, một phần để học hỏi. Học hoài mà nhiều khi nhìn tranh vẫn không phân biệt được nó thuộc trường phái nào. Thường là trường phái ấn tượng hay trừu tượng. Riêng ấn tượng, nói về tầm ảnh hưởng của phái ấn họa Nhật Bản đối với trường phái ấn tượng Âu châu, Brochure viết: “Một phần lớn tác phẩm của các họa sĩ Âu châu của thời kỳ ấn tượng chịu ảnh hưởng của ấn họa Nhật bản về bố cục, mầu sắc, hình ảnh”.

Trời chẳng chịu đất, đất chẳng chịu trời, người nhiếp ảnh gia cười bẹt:

– Chính máy hình sau này đã “cưỡng bức” hội họa. Người ta không biết trong những thiên niên kỷ tới, hội họa có bị…”bức tử” hay chăng? Bởi người chụp hình thu ảnh vào ống kính rồi. Sau họ dùng photoshop để che, thui, vẽ vời thêm mầu sắc, ánh sáng, đường nét trong ảnh biến mờ ảo thành hiện thực, một vật vô tri thành một vật gợi cảm, để thành một bức họa, thưa ngài.

clip_image008

Tĩnh vật

(ảnh hay tranh)

Nguyễn Phan

(nhiếp ảnh gia hay họa sĩ)

Và người xoi xói như thầy bói múc canh…

– Trong quyển Nghệ thuật nhiếp ảnh, một tác giả viết: Đôi khi tình cờ tôi tìm được hướng đi cho riêng mình. Một ngày đang đứng trong thành phố đợi mưa để tìm đề tài bắt vào ống kính, bất chợt có một chiếc xe quẹo vào chỗ đậu. Bóng chiếc xe rọi vào tấm kính dài của một cao ốc những hình “zích-zắc”, méo mó, xoắn vặn tạo nên những hình ảnh kỳ lạ khó tìm thấy trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Bắt nguồn từ những hình ảnh này, tôi hiểu lý do trường phái hội hoạ trừu tượng và lập thể sáng tạo những méo mó, lệch lạc, ngược xuôi. Mặt người như bẻ gãy. Một mắt, nửa mặt. Con người cong queo không nguyên vẹn…Từ sự phản chiếu cảnh vật hắt lên kính biến dạng thành nhiều đường nét kỳ lạ, tôi sử dụng máy ảnh như lưỡi kéo, cắt cóp một phần của ảnh này chụp chồng lên cảnh kia. Tiếp, lựa đường nét, khối, tảng màu hoà hợp, nào có khác gì họa sĩ phái ấn tuợng hay trừu tượng dùng bút lông và sơn màu trét lên khung vải. Nhiếp ảnh gia thành danh như Đơn Hồng Oai đã dám đi tìm những hướng đi mới, khen hay chê là chuyện năm mười năm nữa. Đạt đuợc hay không là chuyện mươi mười năm sau.

Căng tai ra nghe xong, gã trộm nghĩ với ấn họa Nhật Bản, ấn tượng Âu châu, bút lông với máy ảnh, hoạ sĩ với nhiếp ảnh gia. Vì cây dây quấn, gã cứ quấn quýt hình ảnh…cưỡng bức và…bức tử với bức ảnh vừa rồi của Nguyễn Phan. Gã lẫn đẫn rằng họa sĩ hay nhiếp ảnh gia, bức họa hay bức tranh, với nhân sinh vị nghệ thuật, tác phẩm vẫn đẹp như: Một tĩnh vật.

Đồng thời gã thậm thụt rằng chuyện đâu còn đó vì trong đầu cứ “zoom” tới, “zoom” lui…cái ống kính M72: Vì cái máy ảnh là cái gạch nối giữa nhiếp ảnh gia và họa sĩ. Nhưng cái máy ảnh lại không biết nói. Vì đó là chức năng “nói” của người cầm cái máy ảnh. Lại nho nhe nữa với bất ngôn khả dụ, tạm hiểu là không thể dùng lời nói mà hiểu được. Bởi muốn “nói”: Họa sĩ phẩy một vài nét ký họa chân dung là ra cái hồn người. Nhà văn chỉ vốc chữ, nhưng tả người vẫn có hồn, có cốt tráng qua văn chương. Ngắn gọn và dễ hiểu là Tàu đã dậy khôn Ta qua sách vở rằng: “Chụp hình ma quỷ dễ, chụp hình người khó”. Bởi khó khăn vậy, vì vậy cho đến nay rất ít người chụp ảnh chân dung, hay khỏa thân. Họ thường chụp cây cảnh, tĩnh vật, vì cây cỏ hay cái bình gốm cũng không biết…nói nốt. Gã bấm búi với những nhiếp ảnh gia sau mươi năm, họ vẫn cô đơn lang thang vác máy trên lối mòn xưa cũ và bước qua những lỗ chân trâu. Họ không đi tìm con đường riêng lẻ như Thái Phiên, Andrew Nguyen, Đặng Mỹ Hạnh, Brian Do, v…v…

Khi không cái đầu đậu phụng gã nhão nhoẹt với Đơn Hồng Oai. Gã vặn óc nghĩ không ra nhiếp ảnh gia với tên họ Tàu tàu, Lưu Bị không ra Lưu Bị, Tào Tháo không ra Tào Tháo là ai? Ấy là chưa kế hai người làm nghệ thuật đang có mặt ở đây mở cửa ra vườn nghệ thuật, cánh cửa mở ra mưa ra nắng…Gã được thể lận đận trong cõi không với “không” là “có”. Cánh cửa mở ra thì…có cánh cửa khác được khép lại để chẳng…có gì đổi thay. Trong đầu gã được dịp vờn bóng với một bức ảnh đen trắng của người chụp ảnh Phùng Nam Cường.

clip_image010

Với ảnh nghệ thuật khoả thân, người chụp ảnh chỉ dùng những nét chính trên thân thể ghi lại nét đẹp thuần nhất. Người thưởng ngoan không thấy bộ phận nhậy cảm nào của người trong ảnh, vì người chụp ảnh chú trọng đến ánh sáng. Chính ánh sáng làm nổi đường nét. Kỹ thuật ánh sáng tạo nên nét mờ, nét nhạt hay làm mờ nhòe, mờ ảo để những nét mềm mại gợi cảm của người mẫu không còn là người bằng xương bằng thịt, mà hình ảnh có phần nào…sương khói mờ nhân ảnh. Từ đó ảnh khoả thân Boudoir ra đời. Boudoir khai thác thế đứng, ngồi, nằm gợi cảm. Cách đứng như chờ đón, thế ngồi cam chịu, cách nằm buông thả. Vì vậy những đường cong của thân xác, người chụp ảnh sau này sử dụng ánh sáng tạo thành những vùng tối, sáng trên da thịt như đồi cát trải dài xuống thung lũng sâu thăm thẳm. Hoặc chụp gần, ngược ánh sáng làm nổi bật lên những sợi tơ mọc trên da thịt lơ thơ như cỏ dại.

Là nhà thơ trường phái Graffiti, như cái máy ảnh, trong đầu gã bấm “tách” ra cụ Bùi Giáng:

Tấm quần em rách đường tơ.
Cỏ trong mình mẩy bâng quơ mọc nhiều,

Bây giờ em đứng nơi đâu.
Cỏ trong mình mẩy em sầu ra sao.

Cánh cửa khép lại, những gã chẳng quên vạy vọ bức ảnh Suối tóc số 1

clip_image012

Suối tóc số 1 là ảnh khỏa thân, người trong ảnh không có…”tấm quần” che thân, tức khỏa thân là cái cẳng rồi. Nhưng gã chả thấy gợi dục tí tẹo nào, vì không thấy bộ phận nào lộ ra ngoài mà chỉ thấy…những tóc là tóc rối như canh hẹ. Hơ! Đây cũng chính là những nét chấm phá tác giả muốn…”nói” với ban giám khảo cuộc thi ảnh quốc tế. Họ xét hàng nghìn ảnh khỏa thân kín đáo lẫn lộ liễu khắp thế giới gửi đên dự thi: Họ chọn ảnh Suối tóc số 1 của nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã để trao tặng Huy chương vàng Áo quốc năm 2007 vì ảnh không mặc…áo.

Ý đồ gã là trong vườn ảnh nghệ thuật, cánh cửa đã mở ra mưa ra nắng, nhưng vẫn chưa thấy Suối tóc số 2. Có thể như Brian Doan đã hành ngôn hành tỏi: “Ở đâu đó, cái ranh giới giữa hình khiêu dâm và ảnh nghệ thuật dường như vẫn còn mập mờ. Cái ranh giới “mong manh” đó đưa đến sự tranh cãi sẽ còn tốn thêm nhiều giấy mực và không có vẻ sẽ sớm sủa đi đến một thỏa hiệp về ranh giới trước mắt”. Brian Doan cho biết thêm: “Làn ranh ấy là mơ hồ, chỉ cần nhích ống kính một vài ly, cái porno sẽ thành ảnh nghệ thuật khỏa thân. Với người thưởng ngoạn, chỉ cần một cái nheo mắt, ảnh nghệ thuật sẽ trở thành hình ảnh khiêu dâm”.

Đang rấm rẳn đến đây, chợt gã nghe người hòm hõm với ông họa sĩ:

– Cái khung cửa sổ còn thiếu sức sống, chưa đủ da thịt. Nó có phần lủng củng, không ăn nhập với cái toàn thể. Hay nói khác đi là không có …bố cục. Cái này cần khắc phục, cần…điều chỉnh. Muốn sửa chữa dễ thôi, nó thuộc về “tẹc-ních…”.

Bụng dạ gã tức như bò đá vì cái cửa sổ là…cái cửa sổ. Nếu như cái cửa sổ nằm giữa bức tường thì…Bố khỉ! Bố cục thế quái nào được…thì ông họa sĩ đã ba điều bốn chuyện:

– Như “toa” biết đấy, nhiếp ảnh đã vay mượn “một phần ba tỷ lệ vàng” của hội hoạ. Tất cả thừa hưởng nghệ thuật của nền văn minh Hy Lạp từ năm 323-146 trước Công nguyên. Tiếp đến là nền văn minh La Mã từ năm 44-1453 sau Công nguyên để tạo nên ý niệm cân đối.

Thưa gửi xong, nhưng vẫn chưa xong. Ông họa sĩ khục khặc như chó hóc xương:

– “Moa” không nói “toa” cũng hay: Trên khía cạnh nghệ thuật, nhiếp ảnh đã chuyển hướng từ 50 năm nay. Người chụp ảnh làm nghệ thuật đã tự dấn thân vào những khám phá mới, buông thả theo cảm hứng riêng. Họ không muốn ghi lại sự thật một cách rất thật nữa. Họ bóp méo hình thể nhờ kỹ thuật tạo vật kính, phản ứng của hóa chất, chiều hướng của ánh sáng, v…v…Họ bước vào thế giới trừu tượng và bay nhảy trong cõi vô hình. Trong tác phẩm của họ có hai phần: Phần ngoài với hình thể thấy được, chỉ là lớp vỏ chứa đựng nội dung. Phần trong, tức sự xúc cảm của nghệ sĩ, khơi dậy những xúc cảm của người xem ảnh.

Đợi ông họa sĩ thở ra chữ rồi, người đắp chữ vá câu vào chỗ trống cho hợp nghĩa…

– Trừu tượng được khám phá từ hội họa từ năm 1911 ở Pháp và Bỉ. Nhưng chính một họa sĩ Âu Châu qua Nhật thấy chữ Hán mà nẩy sinh ra ý tưởng…trừu tượng, vì trừu tượng vốn có trong nét chữ…hình tượng của người Tàu, thưa ngài,

Nghe đến người Tàu, ông hoạ sĩ bèn cóc nọ leo thang voi kia đẻ trứng mà rằng…

– Vừa rồi “toa” nói đến Đơn Hồng Oai là tích…tích gì vậy?

Trong một…tích tắc, người tó hó như nhà khó được của…

Đơn Hồng Oai sinh tại Quảng Đông, lớn lên tại Chợ Lớn. Là nhiếp ảnh gia, như thiền sư ông vác máy lên núi chỉ thấy núi, xuống sông chỉ thấy sông. Một ngày quá vãng ở mãi đâu đâu lất phất ẩn hiện về với ông “Thuyền ai đậu bến Cô Tô – Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San”. Từ đấy ông cứ bị “Trăng tà tiếng quạ kêu sương – Lửa chài cây bến còn vương giấc hồ” để thấy núi không là núi, sông chẳng là sông. Từ đó ông dấn thân vào đường hướng mới, ông nhập hồn nhập vía vào những…“ảnh thủy mặc” mập mờ nhân ảnh mịt mùng gíó mây.

clip_image016

Bến sông Phan Thiết

Kỹ thuật của ông là “ảnh chắp ghép”, mỗi tấm ảnh là sự kết hợp của nhiều âm bản khác nhau, phóng lên một tấm giấy ảnh. Thành ra không ai có thể tìm thấy cảnh thật ngoài đời có hồn như ảnh của ông. Thể loại ảnh do ông Long Chin San (Lang Tinh Sơn), một nhiếp ảnh gia Đài Loan khởi tác đầu thập niên 50. Sau Long Chin San, tiếp đến với nhiếp ảnh gia cổ thụ, cổ đại Trần Cao Lĩnh với những bức Hồn hoang đô thị, Bóng hương vong, thưa ngài.

Ông họa sĩ gật gù và tha ma mộ địa với hồn hoang, hương vong…

– Họa, ảnh cũng vậy: Không có cảm xúc không có hồn. Chỉ là một tác phẩm chết.

Đảo mắt như lạc rang quanh tường, ông vén môi nói chữ…

– Một bức họa, một bức ảnh là một “biểu tượng”. Là cái gạch nối của tĩnh vật và người thưởng ngoạn. Bức ảnh có “ngôn ngữ” riêng của nó để gửi gấm, nói lên một cái gì đó sâu kín của người sáng tạo. Mà ngôn ngữ của ảnh chỉ cô đọng trong bốn cái khung hình. Thế nên cả đời người chụp ảnh các “toa” chỉ có một, hai tác phẩm để đời là hết…”phim”, là…chết ngắc.

Mặt mày nhăn nhúm thấy rõ, người nhiếp ảnh gia bật rật…

– Ngài cứ nói thế, thế nhưng họa sĩ như ngài chỉ loay hoay với ấn tượng, biểu tượng. Họa sĩ áp dụng nguyên tắc “quang học” trên cơ sở khoa học của nhiếp ảnh để sau này có trường phái tân ấn tượng, tân biểu tượng. Trong khi nhiếp ảnh gia càng ngày càng nhiều, người này với ý tưởng học thuật nghệ thuật đa dạng, áp dụng kỹ thuật theo phong cách hình họa. Người kia với góc độ ghi ảnh cuốn hút theo lối thủy mặc cũng với phương thức họa hình. Người khác với ý tưởng khác, họ áp dụng kỹ thuật xoay máy theo lực gió để chụp phong cảnh.

Nghe đến đây, thêm một lần trong đầu gã nhớn nhác ra tác phẩm Trên đường về nhà của ai đó. Gã vừa định há mồm hỏi phải chăng bức ảnh đây theo phong cách hình họa chăng? Thì…

clip_image018

Thì vừa lúc người phăm phở…

– Vì nghệ thuật nhiếp ảnh chọn nghệ sĩ và đầy đoạ họ. Nghệ sĩ không có quyền chọn lựa. Nghệ sĩ, đáng thương thay như kẻ lữ hành với ống kính trên vai, với khối cô đơn trong tâm khảm. Nếu không đủ cô đơn, họ không sáng tạo mà chỉ…chế tạo thôi.

Chỉ vào bức ảnh có một không hai, người giục giặc…

– Zarathustrainsara, nhà phê bình ảnh nghệ thuật Ba Tư đã đề ra bốn tiêu chuẩn cần phải có là: Kiến thức rộng rãi, tâm hồn nhậy cảm, vốn sống và cuối cùng là…không biết thì đừng nói.

Không để cho ông họa sĩ nói, người làm bàm…

– Vi tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật này đây toàn bộ bố cục mang dáng vẻ siêu hình, là đỉnh cao của trường phái… hiện hình. Nó có kết cấu đa tầng, đa thanh…, giống… giống với kết cấu giao hưởng của Betnhetoven. Về mặt tổng thể, đây là một siêu văn bản nói lên cái siêu ngã để qua đó khẳng định cái siêu tôi. Tóm lại là tuyệt. Tuyệt vời trên cả tuyệt vời, thưa ngài.

Làm như đang trầm luân trong bể phù sinh trong một thoáng phù du, ông họa sĩ ve vé mắt nhìn tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật đầy rẫy siêu hình với hiện hình. Ông ngửa cổ uống hết ly cà phê, rồi chọc thủng mội lỗ ở đáy ly giấy. Tháo cái kính dâm ra, mắt như mắt thầy bói, ông nheo một mắt qua cái ly giấy như cái ông kính. Ông lâm râm: “Một tĩnh vật ảo đầy ấn tượng”. Tay vung vẩy như vẽ lên trời một hình tượng nào đó. Tiện mồm, ông vén miệng râm ran (*):

Khi ta vẽ trừu tượng

Cái đầu ta hiện thực

Khi ta vẽ hiện thực

Cái đầu ta trừu tượng

Khi ta vẽ em

Đầu ta bay đâu mất

Đang giang giang câu chuyện, người nhiếp ảnh gia cũng tháo cái kính cận bẩy tám độ. Người lùi ra xa một chút như một họa sĩ và mắt nhắm mắt mở, ngón tay cái đưa về đằng trước đo tác phẩm…có trọng lượng đâu vào đấy rồi. Rồi người óc bóc:

– Quá xuất sắc, quá “rồ man tích”…, tôi thật không ngờ. Toàn bộ tác phẩm là một bi kịch vĩ đại. Những chi tiết éo le mà không hề bi lụy. Toàn bộ tác phẩm thấm đẫm chất thơ tân hình thức, hậu hiện đại. Đặc biệt, người chụp ảnh đã sử dụng thủ pháp gam vàng rất tài tình, mầu vàng của người sáng tạo rất đắc địa. Bố cục hiện lên với vẻ bi tráng như một nhân vật, một số phận. Rất vô thức. Không vô thức là không đốn ngộ. Tác giả đã đi tìm cái “không” trong cái không “có”. Tác giả khám phá cái “có” trong cái “không” trong vô thức.

Khẽ đánh mắt một cái, người chỉ vào bức ảnh có chiều sâu…sâu thăm thẳm…

– Ngài nghĩ sao nếu tôi gọi tác phẩm này là: Trăng treo ngoài cửa sổ.

Gã hóng mắt theo ngón tay của người: Mặc dù ẩn khuất sau hai cái lưng như hai cánh cửa hẹp khép hờ, nhưng gã cũng hong hanh bức ảnh nghệ thuật đây là một tác phẩm bất chấp bố cục. Bởi theo gã bức ảnh nghệ thuật phải cân đối cả nội dung và hình thức, không tạo được hình thức sẽ làm hỏng nội dung. Đan lồng nhốt kiến thêm ảnh nghệ thuật cần nhất phải dễ nhìn, dễ nắm bắt. Tạo cho người thưởng ngoạn bắt mắt ngay về sự khập khiễng của hình thức. Rồi mới phang ngang bửa củi đến cái phi lý, cái lố bịch của nội dung. Nếu người thưởng lãm không nhìn ra ẩn dụ đó, họ sẽ không hiểu được tác phẩm là một tuyệt phẩm. Với ngôn bất tuyệt ý bất tuyệt theo gã thi trăm sự ấy là lỗi của…người thưởng ngoạn, vì ngô vôn bất tận, hiểu ra ngô ra khoai là nói không hết ý nên chả ngon ăn như ăn óc chó. Khó thế đấy!

***

Đến trần ai khoai củ này, cả hai bước ra cửa. Cửa mở ra…Hai người làm nghệ thuật để lại trong gã nỗi nhiễu nhương ít nhất Đông và Tây gặp nhau ở nhiễu sự: Cánh cửa này đóng lại, cánh cửa kia mở ra, hiểu theo nghĩa là…

Là cửa mở ra cái “cách”…đóng lại những khoảng tối tăm mù u trong hội họa Trung Hoa, vì có những tuyệt phẩm, người hoạ sĩ cố tình để lại một khiếm khuyết nhỏ nào đó để người thưởng lãm tìm tòi. Với ảnh nghệ thuật cũng vậy, phải có cái độc đáo…bất tuyệt của tác phẩm.

Cửa đóng vào cái “cạch”…mở ra khoảng trống thoáng đãng, gã bước tới tác phẩm vô đề của nhiếp ảnh gia vô danh nào đấy để đi tìm cái độc đáo…bất tòan. Vì nhiếp ảnh là nghệ thuật câm nín, là không “nói”. Bởi chưng người chụp ảnh nghệ thuật không chỉ nhìn thấy sự thật vì còn phải nhìn thấy cái không thật của sự thể nữa.

Gã lật bật bước tới gần hơn nữa với tâm thái nhĩ văn vi hư là chỉ nghe không thôi thì có thể không thật mà phải có cái tâm thái, tâm thần nhãn kiến vi thật nôm là nhìn thấy mới cho là thật. Với mắt nhắm mắt mở, với cái không thật của bức ảnh nghệ thuật đây…Hốt nhiên gã buột miệng một tiếng rõ to: “Hơ!”. Vì in hịt như bài thơ của gã được viết lên tường gần tiệm phở…

Vì bức ảnh nghệ thuật đầy ấn tượng, ngập cảm tính, cảm nhận này là…

– Là…cái “công tắc” điện của cái…cầu tiêu.

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Thạch trúc gia trang

Nguồn:

Nhà văn Vương Văn Quang, Nguyễn Tường Tâm,

Lê Anh Hoài, nhiếp ảnh gia Văn Vũ, Lê Văn Khoa.

(*) Họa sĩ Chóe, tên thật Nguyễn Hải Chí

Phụ đính :

Sự ra đời tình cờ các bức ảnh màu

Năm 1855, nhà vật lý người Scotland tên James Clerk Maxwell đã công bố tấm hình màu đầu tiên. Ông nghiên cứu trong lĩnh vực quang học, và khám phá ra mắt người chỉ nhạy cảm với ba vùng quang phổ, do đó Maxwell tính toán chỉ cần dùng ba nguồn sáng đỏ, lục, lam là có thể tạo ra cảm giác hầu hết màu sắc. Việc ghép 3 màu này lên nhau với vị trí chính xác có thể đánh lừa mắt người rằng họ đang xem một bức ảnh màu. Sau khi tráng phim, ba ảnh được chiếu lên bằng ba máy chiếu khác nhau. Mỗi máy gắn kích lọc màu giống màu của kính lọc đã sử dụng để chụp bức ảnh đó. Chúng được căn chỉnh và xếp chồng lên nhau, tạo ra hình màu gần giống như thật. Tất cả giúp Maxwell thành công trong việc tạo ra ảnh màu đầu tiên trên thế giới.

clip_image020

clip_image022

(Trên): Ảnh James Clerk Maxwell

(Dưới): Ảnh của Sergei Mikhailovich Prokudin-Gorskii chụp

chụp năm 1877 trong khoảng thời gian đệ nhất thế chiến1909-1915.

Người khai sinh ngành nhiếp ảnh Việt Nam

clip_image024

Đặng Huy Trứ quê ở Phong Điền, Huế. Ông sinh ngày 16-5-1825, và mất ngày 7-8-1874. Ông đi sứ Trung Hoa, sang Quảng Châu, Hương Cảng và Áo Môn nhằm xúc tiến việc ngoại thương vào năm 1868.

Chính những lần công du nước ngoài này, Đặng Huy Trứ rất thích thú tiếp xúc với nhiếp ảnh, bộ môn nghệ thuật mới xuất hiện ở phương Tây. Ông đã bỏ công tìm hiểu, mua thiết bị nghề ảnh đưa về nước. Ông sắm toàn bộ máy móc, phim, giấy, hóa chất, cùng phụ kiện, phụ liệu cần thiết tại Quảng Đông, đồng thời thuê mướn luôn thợ ảnh lành nghề ở Trung Hoa bấy giờ sang Việt Nam nhằm thực hiện lẫn truyền thụ kỹ thuật.

N(m 1869 là cái mốc cho việc phổ biến nhiếp ảnh khắp cõi nước Việt: Đặng Huy Trứ khai trương hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường ở phố Thanh Hà, Hà Nội. Đó là hiệu ảnh đầu tiên ở nước ta.

Bài Mới Nhất
Search