T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: NGHĨ VẨN VƠ, CUỐI ĐỜI (bài 3) – SỐNG Ở TRÊN ĐỜI…

    Sống ở trên đời ăn miếng dồi chó

    Chết xuống âm phủ biết có hay không!

 Tôi vốn yêu chó, dù không phải là nhân vật thằng Chó đẻ trong Những tháng năm cuồng nộ, sống được là nhờ bú sữa chó.

Yêu chó vì cái tính trung hậu của nó, chứ không phải vì thịt của nó thơm đến nỗi dính kẽ răng 3 ngày sau vẫn còn thơm.

Vậy nên cái tiếng than thơm mùi củ riềng nói trên không thể thốt ra từ cửa miệng tôi.

Tôi cũng không phải hội viên của hội bảo vệ súc vật, nên cũng không hề thù ghét những người yêu thịt chó, coi món mộc tồn là quốc hồn quốc túy.

Rào đón quanh co như vậy vì tôi rất sợ bị ném đá. Giờ, chưa phải là lúc yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét.

Vừa mới đây, nghe đâu những ai yêu thơ của Vũ Lập Nhật, trong đó có già làng Nguyên Ngọc, liền bị chửi là một lũ điên.

Yêu thơ mà còn bị chửi như vậy huống hồ là yêu chó.

Chỉ nhiêu đó thôi, đủ để thấy rằng sống được ở trên đời này, nó khó khăn (và chó má) làm sao.

Tuy nhiên, đã không may được sinh ra làm người, nhất là người dưới chế độ XHCN tốt đẹp gấp vạn lần chế độ TB này, thì dù khó khăn (và chó má) đến đâu cũng phải cố mà sống.

Có một dạo sau 75, quyển sách Sống như anh của Phan thị Quyên, vợ của Nguyễn Văn Trổi, nổi như cồn. Tuy rằng lúc ấy Mỹ đã cút, nhưng cái cách anh thợ điện đặt chất nổ dưới gầm cầu Công Lý mưu giết bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mac Namara, được coi là một cách sống oai hùng.

Và, một nhân vật trong kịch tuyên truyền là Lê văn Tám, tự tẩm xăng biến mình thành đuốc sống, đốt cả kho xăng của Pháp cũng một thời được dùng làm biểu tượng cho học trò cả nước noi theo.

Rồi Chí Phèo một tay cùng đinh nát rượu nhưng  lại là thành phần cốt cán của giai cấp bị bóc lột, nên được đưa vào sách giáo khoa và được dựng thành phim, nổi tiếng đến nỗi xó xỉnh nào cũng có những hậu Chí Phèo quậy tá lả bùng binh, ngay cả những nơi đáng kính và (đáng sợ) như đồn công an.

Cái cách dạy và học như thế, giới xích lô ba gác miền Nam gọi là “xúi trẻ nhỏ ăn cứt gà”. Giờ không ai dại gì học cách sống như vậy nữa, để rồi khi chết đi, chẳng những không được khen mà còn bị cười chê là chết dại!

Cụ Nguyễn Tuân, cây bút tài hoa với Vang bóng một thời, có lần ngồi ở Helsenki thủ đô nước Phần Lan, trong cái lạnh tái tê, bỗng nhớ đến phở, bèn viết nên một thiên tùy bút ngon thấm thía, nhưng về nước bị ném đá, may mà không chết. Có kẻ xin cụ mách nước để qua cơn hoạn nạn. Cụ nói thầm, như chỉ để riêng cụ nghe: “Phải biết sợ”!

Tô Hoài, theo tác giả Đèn Cù, trong một lần đứng xem đoàn tù giặc lái, cũng xông ra giả vờ đánh chửi theo kiểu con dế mèn. Hỏi sao ông là nhà văn mà lại làm vậy, cụ cười bảo, không làm vậy ở đó mà sống được sao?!

Thế nên, biết sợgiả vờ, hóa ra là nghệ thuật sống (sót) dưới thời CS. Đấy mới thực là những bài học xương máu, không chỉ riêng giới cầm bút mà cả giới cầm liềm, cầm búa.

Nhưng với giới cầm quyền và cầm tiền thì lại khác. Nguyễn Bá Thanh quyền một cõi ở Đà Nẵng, nhưng khi ra Hà Nội cũng chỉ là một anh chạy hiệu, thế mà lớn tiếng tuyên bố vung vít đòi chém tất tần tật. Chưa chém được ai, đã lăn ra chết.

Trần Bắc Hà, chỉ dưới một người nhưng trên vạn người, nắm trong tay mấy ngân hàng cực lớn, khi về hưu chưa kịp vui thú điền viên đã bị sờ gáy và chết ngoài hiện trường (chữ dùng của cơ quan chức năng để phân bua chết trên đường đi bệnh viện chứ không phải chết trong tù)

Con sáo hót quá hay, chết vì tiếng hót.

Con công có bộ lông quá đẹp, chết vì bộ lông.

Hai vị nói trên chết vì cái miệng.

Vậy thì, sống (sót) ở trên đời này, ngoài nghệ thuật biết sợ, biết giả vờ, còn phải biết câm mồm, phải biết giả bộ lú, giả bộ ngọng.

Xem ra, sách Nghệ thuật sống của Lâm Ngữ Đường nổi tiếng khắp thế giới, chẳng thể nào áp dụng cho những ai lỡ kẹt mà phải sống trên mảnh đất hình chữ S (có sứt mẻ chút ít) này.

Còn tôi sống thế nào à? Thì sống mòn. Sống dai đến những 80 năm, chẳng những mòn mà phải nói là cùn. Giống như chiếc chổi đã cùn tới tận cán, ngỏm là vừa!

 Khuất Đẩu

5/9/2019

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search