T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ Xuân Tê : Hà Thượng Nhân – người tiền bối vừa đi xa

Hình : Hà Thượng Nhân trong buổi ra mắt tập “ thơ Hà Thượng Nhân “ tháng 12-2010 tại San Jose

Nguời vừa đi xa có bút hiệu lấy tên từ một làng quê có tên Hà Thuợng nằm ẩn bên dòng sông Mã, tỉnh Thanh Hoá mà người ta quen gọi là thi sĩ Hà Thượng Nhân. Hơn nửa thế kỷ sau nhiều người vẫn chưa biết tên thật của ông mà chỉ biết bút danh diễn nôm “người làng Hà thượng”. Ông tự hào về quê ông khi trân trọng nơi chôn rau cắt rốn của mình, ngược lại ông cũng không phụ lòng những người con đồng bằng sông Mã, nơi sản sinh nhiều bậc khoa bảng, danh sĩ, thi nhân khi tên tuổi của chính ông được các bạn thơ xưng là Chưởng môn cũng trở thành nhà thơ đi vào huyền thoại . Đến khi nằm xuống ở tuổi đại thọ được quần chúng yêu thơ trân quí như một bậc đại lão tiền bối đáng kính đáng trọng cả về hai mặt con người và sự nghiệp thi ca trải dài non một thế kỷ từ nơi quê cha đất tổ ra đến hải ngoại năm châu.

Có điều lạ là tài năng của ông với cả ngàn bài thơ sáng tác trải dài theo năm tháng đến cuối đời mới có một tập thơ, mà cũng chẳng phải tự ông muốn in mà do những người đàn em gom góp chọn lọc, trong đó có nhà thơ Viên Linh người Thư ký tòa sọạn nhật báo Tiền Tuyến do ông làm chủ nhiệm đã yêu ông Thầy nên đem in rồi phát hành nhân lần sinh nhật thứ 90 của ông. Quay lại nửa thế kỷ trước ‘nhà thơ không có tuyển tập’ đã được giới chức văn hóa miền Nam mời ông làm chủ khảo trong các giải thưởng quốc gia về bộ môn thơ. Rồi còn lạ hơn trong hàng thi bá của miền Nam với nhiều nhà thơ lừng lẫy, lớp hậu sinh lớp tiền bối lại vinh danh ông, dù chỉ là cho vui, khi gọi ông là Chưởng môn, hiểu theo nghĩa kiếm hiệp thì người ta coi ông như người đầu đàn trong môn phái thơ, bất kể là thơ mới thơ cũ thơ tiền chiến thơ hiện đại, thơ Đường thơ lục bát, cũng chẳng phân loại thơ đó là thơ tình thơ chiến đấu thơ cách mạng thơ tuyên truyền thơ đạo thơ đời, vì quả thật chính ông cũng không chuyên đề về lọaị thơ nào mà theo nhà thơ Nhất Tuấn, người gần gũi ông cho biết ,

Thơ Hà thượng Nhân đủ thể lọai: lục bát, thất ngôn, Đường thi, ngũ ngôn, song thất lục bát, cổ phong trường thiên, thơ mới, thơ phá thể, tứ tuyệt…dù ở thể loại nào thơ ông cũng điêu luyện đặc sắc. Trong giới thơ văn người ta vẫn gọi ông là Hà Chưởng môn để tỏ lòng ngưỡng mộ một thi tài đáng kinh.

Lại nói về thi tài thì ông thuộc lớp người hoài cổ, uyên bác về kiến thức Hán Nôm, nên sở trường và rất yêu thích đàm đạo xướng họa bằng thơ. Mới đây dù tuổi chín mươi, ông vẫn còn có thói quen khi vui cùng lớp trẻ yêu thơ mỗi lần đến thăm ông qua lối giao lưu xướng họa này.Nhiều người thán phục tài ‘xuất khẩu thành thơ’ của ông qua những lần họp mặt ngẫu hứng, thậm chí qua lối chơi chữ ông có thể đọc liền một bài thơ với tên và phác họa chân dung của bạn nếu có dịp ngồi vui song ẩm qua chén trà điếu thuốc với người thơ.

Ngày nay thơ ông không hẳn chỉ đi vào văn học sử mà còn khắc sâu trong lòng người yêu thơ. Giới thẩm thơ và phê bình thơ sẽ còn bàn nhiều về sự nghiệp thi ca của Hà Thượng Nhân. Nhưng về mặt Con Người trong cuộc sống đời thường, những người như anh em chúng tôi có dịp gần gũi và làm việc cùng ngành lại càng quí trọng ông hơn vì thành thật mà nói những người có phong cách sống và cư xử như ông được kể ‘xưa nay là hiếm’.

Với ông tôi vẫn quen với cái tên thật Phạm Xuân Ninh, kính trọng hơn theo hệ thống quân giai làTrung tá Phạm Xuân Nịnh, vì tên ông gắn liền với tờ báo lính, Nhật báo Tiền Tuyến do ông làm Chủ nhiệm mà tòa sọan nằm ngay trong đơn vị tôi. Ông sống rất có tình, luôn chan hòa với đàn em, tuơng kính với đồng nghiệp, làm việc trong tinh thần chuyên nghiệp cao, luôn nhận trách nhiệm về mình, bao biện cho đàn em mỗi lần có chuyện phức tạp trong quá trình làm báo khi có sự khiểntrách phát xuất từ cấp cao hơn. Trong công tác báo chí và phát thanh quân đội, ông là người sở trường hai lãnh vực này nên ông thích dùng người tài, mà nhiều người có khiếu chữ nghĩa trong thời chinh chiến cấp bậc lại nhỏ.Cụ thể như nhà thơ VL chỉ là hạ sĩ quan, nhưng ông vẫn giao cho quán xuyến tờ báo, trong khi có nhiều người cấp bậc cao hơn, thậm chí có lần ông và chủ bút đi trao đổi nghiệp vụ tại nước ngoài, ông đã phá lệ ký lệnh công tác cho VL làm …quyền chủ nhiệm! Chưa kể ông xin cho nhân viên tòa sọạn được mặc thường phục khi làm báo và chính ông cũng mặc thường phục cho khỏi nặng phần chào hỏi quân cách, mà anh em coi nhau như tình văn nhân nghệ sĩ trong niềm tương kính lẫn nhau. Tôi nhớ một lần khi có việc gặp ông ở tòa soạn, tôi mặc nhà binh vừa chào và thưa trung tá, ông gạt ngay ‘cậu gọi tôi bằng anh được rồi’. Đấy, nhà thơ đối xử thân tình và bình dị như thế, bảo sao có nhiều người gần gũi quí mến ông.

Cũng cần nhắc ông với người xếp lớn của tôi là tướng TVT, hai nguời chỉ hơn nhau một cấp khi hai ông là giám đốc và phó giám đốc của Nha Chiến Tranh Tâm lý thời cụ Diệm, tiền thân củaTổng cục CTCT sau này. Nhưng hai người rất tuơng kính nhau, sau thành tri kỷ. Về già, không thể chống gậy tìm nhau để thăm nhau, ra hải ngoại một ông bên Pháp một người bên Mỹ, điện thoại thì lúc này cụ Hà đã nặng tai, ông xếp tôi phải nhờ anh LTH, một người nhân viên cũ đang sống cùng thành phố với Chưởng môn, đến nhà cụ xem sao. Gặp cụ hỏi còn nhớ tưóng T. không, cụ nói làm sao quên được, anh bạn chuyển lời thăm và thiện ý của người xưa khi nhờ anh đích thân đến nhà vấn an cụ. Cụ cảm động ra mặt, sau hồi hàn huyên ngắn, cụ lại nhờ chuyển lời thăm và cám ơn…trung tuớng. Tuổi đời cụ hơn xếp tôi tám tuổi, nhưng niềm kính trọng cấp chỉ huy xưa không hề giảm sút dù cho đất nước có sang trang quân đội có tan hàng.

Sau 75, cụ bị những người đồng chủng đối kháng đem cụ ra Bắc cải tạo, tuy đã giải ngũ và trên 60 nhưng thuộc diện ‘tứ quí ác ôn’, cụ nín chịu những ngày khổ nạn, nghe nói có lần chuyển trại người ta đưa cụ lên mãi thượng nguồn sông Mã, vùng đại ngàn tre nứa vắt muỗi như rươi, nhưng nhờ trời cụ sống sót. Không một lời oán thán, vẫn an nhiên tự tại khi trở lại Sài gòn, vẫn tiếp bạn bè, đồng đội đồng nghiệp đến thăm chẳng ngại sự nhòm ngó của đám công an khu vực. Anh Phan lạc Phúc tức ký giả Lô Răng chuyên viết tạp ghi trên báo TT, cũng là tờ anh làm chủ bút, đã khen tính hiếu khách của Hà Chưởng môn dù trong cảnh sa cơ thất thế vẫn ân cần đón tiếp bạn bè, kể cả người đồng hương trước thuộc phía bên kia là nhà thơ Hữu Loan cũng vào Nam ăn dầm ở dề nhà cụ cả mấy tháng trường, trong cảnh đạm bạc có gì ăn nấy, miễn là còn dịp cùng nhau trao đổi chuyện thơ ca.

Mấy tuần gần đây tôi thấy điềm lạ khi Hà Chưởng môn liên tục nhờ chuyển e-mail nhắn dùm cụ muốn gặp và rất vui khi có bạn bè ghé đến nhà riêng. Người già chuyên tìm nơi ở ẩn, không ở trên non thì cũng nằm sâu trong mấy apartments, nhưng nhà thơ lại không chịu cô đơn, lòng hiếu khách đã ăn vào trong máu. Vài tuần sau cụ thấy khó ở, đưa vào bệnh viện rồi thanh thản ra đi, giã từ những người thân và bạn bè vây quanh hồn thơ đại thọ. Người thơ đã đi xa, có thể còn lưu luyến một điều khi chưa được trở về chốn cũ’,

Người ta lên mặt trăng

mặt trăng gần quá nhỉ!

Anh muốn về Sài Gòn

Sài gòn sao xa thế!

(Nhìn trăng)

Than thở chỉ là tiếngvọng của nỗi lòng, nhưng tín hiệu lạc quan Hà Thượng Nhân muốn nhắn gởi cho thế hệ này và thế hệ mai sau bằng chính sự trải nghiệm của mình trong những ngày khổ nạn là dù trong hoàn cảnh nào cũng ‘ngẩng cao đầu, thắp sáng niềm tin’,

Chúng ta cùng có nhau

Nhìn nhau vui hớn hở

Trên luống cày khổ đau

Hoa Tự do vẫn nở

Những mái đầu cất cao

Không một lời than thở

(Thắp Sáng Muôn Vì Sao)

Trong niềm kính trọng của kẻ hậu sinh, trong tình trân quí với ông thầy cũ, xin chúc hương hồn nhà thơ đại lão tiền bối về nơi an nghỉ vĩnh hằng thỏa lòng theo di cảo mong được về với Đấng Chí Tôn, “Xin Cha nhận tâm hồn con bé nhỏ. Cha của muôn lòai dẫn dắt chúng con đi”.

Đỗ Xuân Tê

(Cali, ngày trăng tròn tháng 9)

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search