T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình: Trái ấu cũng tròn

Hoa Hướng Dương – Tranh: Mai Tâm

          -Mẹ ơi! hai tháng nữa con và Mỹ Ánh sẽ làm đám cưới.

Vừa nói  xong, thằng Quí nhảy hai bậc thang một lúc, lên đến tầng trên, chui vào phòng đóng cửa lại trong khi tôi chưa hết ngỡ ngàng. Con cái đời nay hết nói nổi. Đám cưới, nó báo tin cho mẹ như báo tin cho bạn, chứ không phải là xin phép hay hỏi ýkiến. Vậy thì con dâu còn coi mẹ chồng  ra gì nữa? Hồi thằng Sang – con trai trưởng của tôi- muốn cưới vợ phải lấp ló, rụt rè đôi ba lần mới dám nói “xin phép mẹ cho con và Việt Hương kết hôn”. Lúc đó, tôi còn tỏ uy quyền bằng cách đưa mắt nhìn đứa con dâu tương lai từ trên xuống dưới, từ trái qua phải, dù rằng  tôi đã tỏ tường dáng đi, tướng đứng của nó cả năm nay rồi. Bây giờ thì hết mong. Lòng tôi ấm ức, trái tim tôi nghèn nghẹn, nhưng còn dám nói gì với thằng con trai út, tính tình ngang bướng mà tôi cưng như trứng mỏng và mong ước được sống bên cạnh nó cho đến lúc theo ông, theo bà. Chắc là con quỷ cái đó xúi giục thằng con tôi áp đảo tinh thần má chồng đây mà. Tôi bỗng ghét cay, ghét đắng đứa con gái mà thằng Quí đang mê mệt. Phải chi nó đẹp đẽ gì cho cam, đằng này cái tướng tròn u, cặp giò cụt ngũn. Khuôn mặt thì y như lấy compa quay một vòng, mắt một mí, mũi không cao, chỉ được nước da trắng trẻo. Nhưng cái đó cũng không kéo nổi cái miệng cười tàng hoạc của nó,  mặc dù chị Khánh -bạn tôi-  khen “con nhỏ này có nụ cười thiệt là tươi”.

Nếu chuyện ông Tơ, bà Nguyệt se duyên là có thật thì tôi quyết kiện lên tới thiên đình. Se cái kiểu gì mà đem một đứa con gái xấu xí cáp cho thằng con đẹp trai như tài tử của tôi. Nói không phải khoe, chứ ai thấy thằng nhỏ cũng trầm trồ, Trời! cái thằng sao mà giống Châu Nhuận Phát dữ hén. Mới đầu, tôi nghe rồi bỏ qua, nhưng sau đó lại nghe nhiều người nói y chang vậy tôi mới tò mò đi mướn bộ phim  “Tiếu Ngạo Giang Hồ” về xem. Ngộ thiệt, giống đến chín chục phần trăm chứ không phải ít. Xem hết bộ phim, tôi mê Châu Nhuận Phát luôn. Mê đến nỗi phim nào có Châu Nhuận Phát là tôi vác về nhà, coi ngày, coi đêm, coi miệt mài, quên ăn, quên ngủ và quên cả nấu cơm. Cái quên này mới thiệt là tai hại. Chồng tôi đi làm về, lục nồi không thấy miếng cơm nào, ông cầm nồi quăng vào TV. Cái màn ảnh đang hiện ra khuôn mặt anh tài tử đẹp trai đến xao xuyến lòng người, tan tành trăm mảnh. Từ đó, tiền thì có  -đủ mua cả chục cái TV- nhưng cái bàn để TV thì trống trơn, buồn hiu như cảnh nhà nghèo ở Việt Nam phải qua hàng xóm coi ké.

-Con đưa mẹ hai chục cái thiệp để mẹ mời bà con, bạn bè.

Thằng con kéo tôi về thực tại. À! có cơ hội để tôi tru tréo, rày la thằng con bất hiếu cho hả giận đây. Tôi gạt bàn tay đang cầm xấp thiệp của nó, hắng giọng:

-Hai chục thiệp? rồi mời ai, bỏ ai?

Thằng con gãi đầu:

-Thì… mẹ chọn người  nào thân nhất hẳn mời.

-Vậy thôi… khỏi mời ai hết!

-Mẹ thiệt là kỳ cục.

Tôi đập bàn giận dữ:

-Kỳ? ai kỳ? Mày làm đám cưới không thèm hỏi ý mẹ một tiếng. Bây giờ còn ra giá mời nhiều, mời ít. Đừng kể bạn bè, chỉ bà con nội, ngoại, mày tính thử coi bao nhiêu người?

-Trời ơi! bà con xa lắc, xa lơ, súng cà nông bắn cả ngày cũng không tới, hai ba năm chưa gặp mặt một lần, mời làm chi cho mắc công mang tiếng kiếm khách lấy tiền. Con nói rồi, con chỉ dành cho mẹ hai bàn thôi.

Thiệt tình, trong bụng tôi cũng đâu nghĩ tới hàng bà con lợt lạt tình nghĩa, nhưng muốn làm khó thằng con cho đã nư giận,  nên gân cổ mắng nhiếc:

-Cái đồ trôi sông lạc chợ, cái đồ không biết cội nguồn, không biết giòng họ. Mày làm đám cưới mình ên đi, tao không dự, cũng không mời ai hết.

Tôi đứng dậy, phủi đít, bỏ lên lầu. Tưởng thằng con chạy theo níu chân năn nỉ như hồi còn nhỏ nó vẫn thường làm mỗi lần tôi giận dữ. Nhưng chờ mãi vẫn không thấy động tỉnh, chỉ nghe tiếng nhạc inh ỏi dưới nhà “Kià, nhà ai có anh rể quý. Kìa, nhà ai có cô dâu hiền…”. Trời ơi, sao mà tôi vô phước, vô phần, làm lụng vất vả nuôi nó ăn học, bây giờ lưng dài, vai rộng rồi, nó có thèm đếm xỉa gì tới người mẹ cô độc, tội nghiệp này đâu. Tôi nằm vật xuống giường, ôm chiếc gối lạnh lẽo, nước mắt tủi thân chảy ròng ròng trên má.

***

-Đó! chị thấy không, trong mắt nó bây giờ chỉ có vợ chứ đâu có mẹ. Cái thời mình, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Bây giờ nó đặt chỗ cho mình ngồi. Nói thiệt, tuần sau, tôi qua nhà thằng Sang ở, để cho nó muốn cưới, muốn hỏi gì thì lo một mình đi.  Không biết sao phần số tôi hẫm hiu. Buồn quá chị ơi!

Nghe tiếng thút thít của tôi, chị Khánh êm giọng an ủi:

– Thời đại này khác rồi chứ không phải như hồi mình còn ở Việt Nam đâu chị. Mà Việt Nam hồi xưa, chứ Việt Nam bây giờ còn táo tợn  hơn bọn nhỏ ở Mỹ nữa. Phải ráng nhắm mắt làm ngơ, nín thở qua song, nếu muốn sống chung với nó, chứ khó khăn, lỗi phải, chỉ thiệt thân mình thôi. Nhưng mà chị cũng còn hên, chứ như bà Lắm, nghe đâu tháng trước, thằng con mới vừa tốt nghiệp trung học đã dắt về nhà một con Mễ, bụng thè lè. Nó nói với bả “Cindy có bầu rồi, con đem nó về đây ở”. Bả bật ngửa, la lối một hồi rồi cũng phải sắp đặt cho tụi nó một chỗ ở.

Tôi thở dài, trong lòng cảm thấy nhẹ nhàng đôi chút. Chị Khánh tiếp tục an ủi:

-Nhưng dù sao chị cũng còn con dâu lớn. Nghe chị kể, nó cũng tốt và dễ thương lắm phải không? Sau này không ở được với thằng Quí thì về với tụi nó.

Tôi lau nước mắt:

-Bởi vậy… tôi  tính… chắc nay mai tôi dọn về nhà thằng Sang, chứ không mong gì ở đây được với con dâu mới.

-Chị à! thật ra, những điều đó là do chị suy nghĩ rồi buồn một mình chứ chưa xảy ra, nên để từ từ rồi tính chị ơi! chứ còn… đã đi rồi cũng khó mà quay trở lại.

-Tôi cũng rán nghe lời chị, để thử  xem “con tạo xoay vần đến đâu”.

-Chà văn chương dữ ha! Thôi vui vẻ lên, đừng buồn nữa nhe.

Tôi buông điện thoại xuống thẫn thờ cả người. Miệng thì nói vậy, chứ bụng dạ tôi nào có muốn rời xa căn nhà mà vợ chồng tôi đã chắt mót từng đồng, từng cắc để mua. Lúc đó, thằng Sang tám tuổi, thằng Quí sáu tuổi. Hồi trước, hai vợ chồng lấy nhau muộn màng, nên đến gần bốn mươi tuổi mới sinh con. Qua Mỹ trễ tràng theo diện HO, phải làm việc vất vả mới có tiền mua căn nhà cho hai đứa nhỏ có chỗ rộng rãi đùa giỡn, chạy nhảy. Ba thằng Sang qua đời sau cơn bạo bệnh đã mười mấy năm. Đến lúc hai thằng con tốt nghiệp đại học, có công việc làm ổn định, muốn đổi căn nhà mới mẻ hơn, to lớn hơn, nhưng tôi  vẫn muốn ở  lại đây, để hằng ngày nhìn từng viên gạch mà ba thằng Sang đã chính tay xây cái hồ nuôi cá nho nhỏ, nhìn từng giàn mướp,  giàn bầu, đã dựng lên  bằng những thanh gỗ vuông vắn mà ấm áp cõi lòng, tưởng chừng như  người chồng thân yêu đang lẩn quẩn, kề cận bên tôi.

***

-Mẹ ăn thử xem cái trứng này có vừa độ chín theo ý thích của mẹ không?

Tôi dùng đầu muỗng, nhón một mảng trứng mỏng đưa vào miệng rồi gật gù:

-Um! ngon, ngon lắm.

-Dì Khánh thấy sao?

-Vừa lắm. Cám ơn cháu.

Tôi nhìn đồng hồ rồi xua tay:

-Tới giờ rồi, con đi làm đi, không thôi trễ bây giờ.

-Thưa mẹ, thưa dì con đi. Cám ơn dì đã đến chơi với mẹ con.

Tôi nhìn theo con dâu đang hấp tấp bước ra cửa cho đến lúc khuất bóng. Chị Khánh cười mãn nguyện:

-Thấy chị bình phục và vui vẻ tôi mừng quá. Mấy bữa chị nằm bệnh viện, tối nào tôi tới thăm cũng thấy Mỹ Ánh túc trực bên giường. Lúc đó, chị còn mê man, nên đâu biết gì và cũng nhờ vậy tôi mới có dịp trò chuyện với nó. Một hôm, thấy con nhỏ có vẻ mệt mỏi, tôi hỏi, sao thằng Quí hay vợ chồng Sang không ở với chị, nó nói mấy người kia ai cũng phải đi làm sáng sớm, chỉ có nó làm ca hai, nên tình nguyện ngủ lại với chị. Tôi làm bộ nói, cháu đâu cần ở lại làm chi, ở đây có y tá trông chừng. Vả lại, mẹ chồng cháu cũng chưa tỉnh mà. Nó nói… nghe thấy thương nha chị. Hồi đó, má con qua đời trong lúc ba và chị em con đi qua bên nội ăn đám giỗ. Má con bị bệnh đột ngột, ngã xuống đất rồi tắt thở luôn, không ai hay cho đến chiều tối. Mỗi lần nghĩ đến má con một mình sợ hãi, đau đớn, trông đợi ba với tụi con mà con đau thắt ruột gan. Điều đó ám ảnh con hoài. Vì vậy, con không muốn bỏ mẹ ở đây đơn độc. Con muốn lúc nào mẹ mở mắt ra là thấy con bên cạnh…

Nước mắt tôi ứa ra. Đứa con dâu này tôi đã từng trề nhún, chê bai, từng đối xử lạnh lùng, cay nghiệt, vậy mà nó không để bụng thù ghét, để bây giờ, mỗi lần nhận sự ân cần, chăm sóc của nó tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng. Lòng áy náy, dạ băn khoăn, nhưng không lẽ mẹ chồng lại xin lỗi con dâu thì còn mặt mũi gì nữa. Bởi vậy, tôi cứ rứt bứt không yên. Tôi nhìn chị Khánh, nửa muốn nói với chị những gì đang nặng nề trong lòng, nửa lại cảm thấy ngượng ngùng vì những ích kỷ, nhỏ nhen của mình. Có lẽ, đoán được tâm trạng bất an của tôi, chị Khánh chồm qua nắm lấy bàn tay tôi, vỗ nhè nhẹ với đôi mắt trìu mến, cảm thông:

-Nếu có điều gì muốn nói thì cứ nói ra cho nhẹ lòng. Tôi với chị, bạn bè mấy chục năm, tánh tôi chị cũng biết, hễ nghe chuyện gì trái tai, gai mắt thì hay nói, nhưng thấy ai gặp khó khăn thì không ngại xăn tay giúp đỡ. Mà tôi cũng không phải hạng người đem chuyện bí mật của người khác rêu rao, nên chị an tâm.

Thật ra, chưa bao giờ tôi nhận mình sai trong cách đối xử với con dâu, dù rằng có những chuyện tôi làm có phần quá đáng. Có quan trọng gì đâu một tiếng mời mà tôi cũng bắt bẻ khi Mỹ Ánh  đứng trước cửa phòng nói vói vào trong “Mẹ ơi! cơm chín rồi, mình ăn nha mẹ”. “Ủa, cô mời hay ra lệnh cho mẹ chồng vậy?”. Nhưng nhỏ nhen hơn hết là lúc lấy quần áo từ máy giặt  -mà thằng Quí đã bỏ vào, trước khi đi làm- để đưa qua máy sấy, tôi thẳng tay quăng những gì của con dâu xuống sàn nhà. Tất cả những điều tệ hại đó xảy ra vẫn không làm thay đổi nét mặt của Mỹ Ánh. Nó vẫn trầm tĩnh và hoà nhã để nhận lãnh. Không hiểu sao, lúc đó tôi không nhìn thấy thiện ý của con dâu mà chỉ nghĩ  rằng nó xem thường, thách thức tôi, nên càng sinh lòng căm ghét. Nhưng trong lúc nằm bệnh viện, có một ngày, tôi thức giấc ngay lúc vợ chồng thằng Quí nói chuyện – tụi nó tưởng tôi còn ngủ mê nên không để ý-  vì vậy, mà tôi nghe không sót một câu.

“Anh biết mẹ không thương em và đối xử với em không tốt, em không giận mẹ sao?”.

“Em đã quen bị đối xử như vậy rồi. Từ nhỏ, trong gia đình, em là đứa con ít được ba má để ý đến. Bà con họ hàng cũng không mấy người thích em. Anh biết tại sao không? tại vì em xấu xí. Có lẽ, mẹ giống những người đó. Cũng dễ hiểu, đẹp trai như anh mà đi cưới một cô bé lọ lem như em làm sao mẹ không buồn lòng. Nói cho cùng, đó là số phận của em, nên em còn dám giận ai nữa?”

“Dù sao, mẹ cũng bất công với em. Trong khi mẹ lại rất thương chị dâu. Nhưng anh thấy, từ hôm mẹ vào bệnh viện đến nay, chưa bao giờ chị Việt Hương và anh Sang có ý muốn ở lại với mẹ. Bao nhiêu cực nhọc, anh chị Hai để em gánh hết”.

“Anh chị Hai đi làm sáng sớm, vào đây không ngủ được,  ngày mai làm sao đi làm nổi”

“Bộ em không đi làm sao?”

“Đừng nói vậy anh à! mẹ là mẹ chung, ai lo được thì lo, phân bì làm chi cho tình anh em sứt mẻ”.

Tôi nằm yên không dám động đậy. Nếu lỡ chạm mắt con dâu ngay lúc này, tôi không biết nên cúi đầu hay quay đi nơi khác vì ngượng ngùng. Đứa con dâu xấu xí của tôi lòng dạ tốt lành quá. Không so đo, không tính toán hơn thiệt. Vậy mà tôi nỡ lòng…

Chợt nhớ đến chuyện món quà Giáng sinh năm vừa qua, tôi thở hắt ra, rồi chậm rãi nói:

-Chị biết không, bữa Giáng sinh, Mỹ Ánh gói món quà cho tôi rồi bỏ dưới cây Noel trước cả tuần. Tới bữa lễ, vợ thằng Sang đem quà tới. Tôi mở ra thấy đôi giày rất đẹp, thích quá, nên suôn miệng hỏi bao nhiêu tiền. Con Việt Hương nhìn chồng cười tủm tỉm, thằng Sang cầm cái hộp giày đưa lên nói “Mẹ biết không, cái hiệu giày này nổi tiếng và mắc tiền lắm đó, gần hai trăm bạc, vợ con thích mà không dám sắm, để dành tiền mua cho mẹ đó”. Tôi cười hỉ hả, hài lòng với đứa con dâu này. Rồi thằng Quí hỏi vợ, “Quà của mẹ đâu?”. Mỹ Ánh nói “Em bận quá chưa gói kịp”. Tôi nghe mà giận trong lòng. Rõ ràng là tôi đã thấy hộp quà mà bây giờ nó đem giấu đâu mất biệt. Không ngờ nó là cái thứ keo kiết, cho rồi mà còn tiếc. Nghĩ vậy, nhưng tôi lờ đi như không để ý. Qua lễ, tụi nó đi làm trở lại, tôi thắc mắc, nên vào phòng nó lục lọi, coi món quà đã gói ở đâu. Không cần tìm kiếm lâu lắc, vì vừa mở cửa tủ áo, tôi đã thấy chình ình ngay trên kệ giày. Tôi cẩn thận mở gói quà ra và ngỡ ngàng khi nhìn thấy đôi giày giống y đôi giày của vợ thằng Sang cho, nhưng hộp đựng giày là Payless Shoe…

-Vậy là vợ chồng thằng Sang đánh lừa chị, làm chị tưởng tụi nó cho chị đồ xịn. Còn Mỹ Ánh, chắc không muốn anh chồng và chị dâu mất mặt nên làm thinh rút lui. Thiệt là tội nghiệp. Cái tâm nó lành quá.

Tôi cúi đầu tự thú:

-Nhưng lúc đó… thiệt tình… tôi không ưa nó nên không nghĩ được như chị. Phải đến lúc vượt qua cái chết tôi mới nhớ lại từng chuyện nhỏ mà thấy mình sao quá hẹp hòi, khắc nghiệt. Bởi vậy…  bây giờ… nhiều khi tôi muốn kêu con dâu ngồi xuống để nói vài câu phải quấy mà ngần ngừ hoài, không làm được.

Chị Khánh vỗ vai tôi, cười hiền hậu:

-Cũng không cần phải vậy. Miễn là từ bây giờ chị đối đãi tốt, tự nhiên nó sẽ biết. Con nhỏ này cũng sâu sắc, tế nhị lắm. Tôi thấy đối với con cái, nhất là con dâu, mình cứ mở lòng ra, thương nó như con ruột thì nó sẽ thương yêu và lo lắng cho mình hết lòng. Khó khăn làm chi. Càng khó thì càng khổ về già thôi chị ơi!

Buổi trưa, khi ra về, đi ngang phòng khách, chị Khánh dừng lại ngắm bức ảnh cưới của vợ chồng thằng Quí được phóng lớn, treo trên lò sưởi. Tôi nhìn theo chị rồi nói:

-Công nhận, con nhỏ này có cái miệng cười thiệt là tươi.

Chị quay sang tôi, trề môi:

-Đúng là!… khi thương trái ấu cũng tròn.

-Ủa, tôi chỉ nhắc lại câu nói của chị lúc trước thôi mà!

Chị Khánh cũng không vừa:

-Thì tôi có nói gì đâu, chỉ là đọc ca dao cho chị nghe chơi cho vui, chứ có ý gì đâu nà!

Tôi và chị Khanh ôm vai nhau cười ngặt nghẽo. Chưa bao giờ tôi cảm thấy hạnh phúc như ngày hôm nay. Ý nghĩ sẽ vào bếp làm một bữa ăn chiều  thật thịnh soạn – cho con dâu đỡ phải vất vả, tất bật – chợt lóe lên trong đầu tôi. Chị Khánh trước khi đề máy xe còn quay lại, nháy mắt trêu ghẹo:

-Từ bây giờ, trong căn nhà này sẽ có một bà mẹ chồng trên cả tuyệt vời!!!!

 

Ngân Bình

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search