T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khải Triều: Làng tôi trong chiến tranh và hòa bình

Bến Cũ Con Đò – Tranh: Mai Tâm

[Ở bài Giã biệt quê hương (T.Van & Banhuu ngày 20-8-2019), tôi đã nói qua về quyển sách viết riêng về tổ quán  tôi, nhân dịp làng mở hội mừng kỷ niệm 100 năm xây ngôi nhà thờ lớn. Trong đó có viết về làng tôi trong chiến tranh và hòa bình, sau đó mới tới bài giã biệt quê hương.Tôi có nói với anh T.Vn rằng sách viết riêng cho quê hương và chỉ phân phối tại quê. Tuy nhiên, có hai bài có thể phổ biến ở ngoài. Bài Giã biệt quê hương Làng tôi trong chiến tranh và hòa bình.]

 

Trong tập “Quy ước làng văn hóa”, Ủy Ban Nhân Dân Xã Đại Thắng, tỉnh Hà Tây-2000, soạn riêng về làng An Mỹ, quê hương tôi, phần nói đầu trang 4, thấy ghi: “Qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, An Mỹ đã có gần 100 thanh niên tòng quân cứu nước, có 15 liệt sĩ ngã xuống ở các chiến trường, 3 thương binh, 10 bệnh binh, 3 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.”

Ở cuộc kháng chiến chống Pháp, từ 1945-1954, chúng tôi đang ở tuổi học trò, chiến tranh kết thúc lại đưa đến cuộc chia cắt Nam Bắc, theo Hiệp định Genève ký tại Thụy Sĩ vào ngày 20 tháng 7 năm 1954, giữa chính phủ Việt Minh và chính phủ Pháp. Còn cuộc chiến tranh chống Mỹ, chúng tôi ở trong Sài Gòn, do đó chúng tôi không có mặt ở nhà. Nhưng, trong những lần về thăm nhà sau ngày đất nước thống nhất, chúng tôi có đi thăm một vài người thân thuộc, hỏi thăm nhau chuyện quá khứ, chuyện hôm nay, chuyện đạo, chuyện đời. Có một chuyện mà nhiều người ở tuổi chúng tôi hoặc hơn, kém vài tuổi khó quên. Đó là chuyện về cái bốt lính xây tại làng, kiên cố, vững chãi, dầy cả thước. Bốt xây vào năm 1950  hay trước đó vài tháng, thì cuối năm dời ra bốt Đỗ Xá (cách Hà Nội khoảng 30 km). Như vậy, sự tồn tại của nó không được bao lâu thì lại phá đi, trả lại sự an bình cho dân làng, ít ra là vậy.

Thế nhưng, sự dời bốt ra ngoài Đỗ Xá cũng là một báo hiệu sự thất bại, về sự xuất hiện của bốt cũng như về toàn cục của cuộc chiến đang đi tới giai đoạn kết thúc. Bởi chẳng bao lâu sau đó thì xảy ra sự kiện bốt Đỗ Xá. Chúng tôi ghi lại đây bài thơ (hay vè) được lưu truyền tại làng về “sự kiện bốt Đỗ Xá” này. Bài thơ của ông Vũ Văn Phủng, do ông Nguyễn Văn Đô đọc cho chúng tôi chép lại. Chúng tôi ngạc nhiên về việc ông Đô đọc một mạch bài thơ không phải ngắn này, thời gian thì đã xa đến gần 70 năm trời. Điều này chứng tỏ bài thơ được nhiều người ưa thích. Chúng tôi đã nghĩ đến việc cần lưu giữ và coi nó như một bút tích duy nhất  của cuộc chiến đã qua đi, đối với người dân An Mỹ. Đồng thời trong việc biên soạn quyển sách về lịch sử, địa lý, văn hóa và tôn giáo của quê hương, chúng tôi thấy tên ông Phêrô Vũ Văn Phủng trong danh sách Ban hành giáo qua các giai đoạn. Ông đã đảm nhiệm chức Trùm trưởng một nhiệm kỳ, từ 1980 đến 1985.

Dưới đây là Bài vè Bốt Đỗ Xá của ông Vũ Văn Phủng (thường gọi tên con gái lớn là Việt), ghi theo ông Nguyễn Văn Đô, và được ông cho phép sử dụng.

Đùng đoàng súng nổ đâu đây

Ẵm em cho mẹ xem hay thế nào

Len mình ra góc bờ ao

Nhìn ra Đỗ Xá lòng nao núng lòng

Hai hàng nước mắt ròng ròng

Chồng tôi chết mất con mong nỗi gì

Con ơi bé dại biết chi

Bố con bị bắt mang đi mất rồi

Ai ngờ cho tỏ khúc nhôi

Thăm dò cho rõ để tôi yên lòng

May ra nhà nước khoan hồng

Tha thứ cho chồng tôi hay

Vì dân nên phải thế này

Tham tiền tham bạc cho cam tấm lòng

Vì dân nên phải long đong

Vào sinh ra tử một lòng với dân

Phong trần ai biết phong trần

Sọt nào mà đựng ơn dân cho đầy.

VŨ VĂN PHỦNG

Chúng tôi cũng đã gọi điện về, nói chuyện với ông Vũ Văn Cánh, người có chân trong Câu lạc bộ Văn Thơ của Xã nhà, trưa ngày 12-7-2019 về bài thơ trên đây của ông Phủng, được ông Cánh đọc cho chép 4 câu nữa của ông Phủng. Ông Cánh cũng không ngần ngại gì khi chúng tôi muốn ghi lại tên ông vào sách này. Trước khi đọc 4 câu thơ của ông Phủng, ông Vũ Văn Cánh đã nói qua về bối cảnh phát sinh 4 câu thơ này. Ông nói, khi bộ đội Việt Minh gọi loa vào bốt kêu gọi lính ở trong quay về với tổ quốc, thì ông Vũ Văn Phủng ở trong trả lời:

Bên ấy tổ quốc bên đây tổ cò

Bởi vì đói rét mới dò đến đây

Bao giờ đánh được giặc Tây

Bên ấy không gọi bên đây cũng về.

Nói đến chiến tranh vào bất cứ thời kỳ nào của lịch sử loài người, là chạm đến sự mất mát, sự hủy diệt, sự chết chóc của cả hai phía hay nhiều phía trong cuộc chiến, như cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 – 1918) và lần thứ hai (1939 – 1945). Riêng Việt Nam, hai cuộc chiến liền nhau (1945 – 1954 và 1955 – 1975), đất nước Việt Nam đã bị tàn phá rất thê thảm, nhiều thế hệ thanh niên hy sinh. Còn với người Pháp (ở cuộc chiến 1945-1954) và người Mỹ (ở cuộc chiến 1955-1975), dân chúng của họ cũng thấy sự tàn phá và người của họ chết là ghê gớm và họ đã trút sự phẫn nộ của họ lên nhà cầm quyền, bằng những cuộc biểu tình đông người và liên tục trên đường phố, buộc những người cầm quyền phải đem quân lính của mình về nước. Một phần nhờ đó, chiến tranh mới chấm dứt. Có nhà bình luận nói rằng, cuộc chiến tranh Đông Dương, người Pháp thua trận từ chính Paris, thủ đô của nước Pháp. Còn cuộc chiến sau, 1955-1975, phía Mỹ có cả nửa triệu quân lính trên chiến trường Việt Nam, không kể quân lính của Đồng Minh, nhưng cuối cùng họ phải rút quân về, bởi phong trào phản chiến bùng nổ dữ dội trong lòng nước Mỹ, ngay đến một nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng, có biệt danh “bốc lửa” (J.F) cũng cởi truồng đi biểu tình! Viết mấy dòng này, chúng tôi không có ý “giảm trừ” sức quật cường của toàn dân của cả hai miền  Việt Nam trong cả hai cuộc chiến vừa qua, đã khiến đối phương phải lùi bước. Ở bài trên đây (trong sách) chúng tôi cũng đã lược qua về dòng giống Bách Việt đã quật cường như thế nào, trước những cuộc tấn công bạo tàn của tộc Hán, một số bộ lạc Việt vì yếu hơn nên bị Hán tộc đồng hóa, còn lại Lạc Việt, tồn tại từ ngàn năm trước cho đến nay với tên nước Việt Nam. Một điều khác chúng tôi đã không muốn nói tới ở sách là không phải VNCH thua trận trên chiến trường mà chính là trong chính trường Hoa Kỳ. Cầm đầu nhóm này là Henri Kissinger, Harriman v.v…, với thông cáo chung Thượng Hải 1972, giữa Mao, Chu và bên này là Nixon và Kissinger. Nếu xét ở khía cạnh trên  trận địa, như Xuân Lộc, Huế Tết Mậu Thân, cổ thành Quảng Trị 1972 vả Mậu Thân trên tổng thể năm 1968, chúng ta thấy, phía QLVNCH vượt lên ở tính cách anh hùng, mặc dù phía Cộng quân dùng chiến thuật biển người kiểu “tự sát”.

Trở lại với làng An Mỹ, chúng tôi nhớ có một lần lính Tây về làng (khoảng năm 1950?) dân phải chạy xuống Cống Thần, chợ Đại, sau khi lính rút đi, mọi người mới lục tục kéo về.

Lúc trở về nhà, mẹ và các anh chị chúng tôi mới biết thân phụ của chúng tôi đã bị bắt (vì người không bỏ nhà đi). Người bị đưa lên bốt. Mãi đến chiều tối người mới trở về, mạnh khỏe và bình an. Mọi người trong họ, ngoài làng đến nhà chúc mừng. Thân phụ chúng tôi kể lại rằng, tưởng là không còn sống nữa. Vì có mấy người còn già hơn người ngày đó, (ở làng khác) bị lính Tây gọi tên rồi dẫn đi bắn chết. Đến lượt mình, người sợ run vì chắc cũng như mấy người kia. Nhưng không, người được cho về.

Trong vụ này, người ta nghe người làng Đồng Cả (cách An Mỹ 1,2 cây số) nói rằng, hôm lính Tây về, người ta thấy một ông lão râu trắng dài, áo trắng dài, đi từ nóc nhà thờ đến cuối nhà thờ, tay cầm gậy trúc, cử chỉ như đang xua đuổi ai. Ông lão áo trắng cứ đi lại như thế nhiều lần cho đến khi lính rút đi. Người làng nghĩ rằng đó là Thánh Giuse.

Lần khác, lính Tây về là khoảng cuối năm 1951, thanh niên làng bị bắt lên tỉnh lỵ Hà Đông hết. Họ được cho biết là phải sơ tán vì mặt trận sắp đánh tới rồi. Trong vụ này, nghe nói gia đình ông cố cha Vũ Hải Thiện (có tiệm kem Bình Minh tại phố Lê Văn Hưu Hà Nội) và ông Nguyễn Văn Bang, người anh trong họ chúng tôi, (lúc này  đang là sinh viên trường võ bị Phà Đen Hà Nội) can thiệp, thanh niên được tha về sau một thời gian bị cầm giữ.

Sau khi cuộc chiến chống Pháp chấm dứt vào năm 1954, làng tôi cũng như toàn thể các vùng nông thôn ở miền Bắc, phải trải qua nhiều đoạn trường gian khổ. Chiến dịch cải cách ruộng đất phát động từ năm 1953 đến 1956, được người dân và một số nhà văn phục vụ chế độ gọi đó là một trận cuồng phong, “long trời lở đất”. Các làng đạo được đặc biệt quan tâm gấp đôi gấp ba các làng khác. Trong một bài tùy bút cách nay mười năm, chúng tôi đã viết bài Trắc ẩn, có nói đến vấn đề này liên quan đến một chi tộc trong dòng họ, đã đăng trên trang báo Việt Văn Mới – NewVietArt.com (Pháp), nên trong quyển sách mới viết về quê hương mình, chúng tôi không trở lại vấn đề này nữa.

Bước sang hòa bình, làng An Mỹ đã “thay da đổi thịt” theo cách nói bình dân. Ở những trang trước đây, chúng tôi đã nói đến những cơ sở tôn giáo được dựng lên, làm nơi cầu nguyện cho giáo dân và cũng là nơi cha xứ đến làm lễ vào một ngày trong tuần. Mấy cơ sở này là Nhà nguyện thánh Giuse, Đền thánh Antôn. Ngoài ra, An Mỹ cũng có một cộng đoàn thuộc Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm từ Giáo phận Xuân Lộc về từ năm 2010, sau đó, năm 2012 xây dựng cơ sở và khánh thành năm 2013.

Theo dân gian mà nghĩ, làng An Mỹ có được những cơ sở tôn giáo và văn hóa như thế, sau khi trở thành một điểm của Thành phố Hà Nội, ấy là làng có những người ra làm việc tại chính quyền địa phương cấp Xã và trong chính quyền cấp tỉnh, nay là Thành phố. Về mặt tôn giáo, An Mỹ hiện có nhiều ơn gọi linh mục, tu sĩ nam và nữ. Họ lập thành một cộng đoàn mang danh xưng Gia Đình Hy Vọng. Đấy là niềm hy vọng và cảm hứng lớn lao đối với các thành phần giáo dân trong làng, cách riêng với thành phần trẻ. Sự xuất hiện các hình ảnh tu sĩ trong làng, âu cũng là một sự yên ả, thanh thoát trong cuộc sống hôm nay toàn những vội vã, xô bồ, đua chen.

Thế nhưng, khi hòa bình trở về với đất nước trên cả ba miền, thì ngày hôm nay, làng An Mỹ được mệnh danh là “Làng Ung Thư”! Tên gọi này không phải chúng tôi tự ý mình nói lên, mà là từ một vị lãnh đạo của một khối doanh nghiệp. Người già hay người trẻ, người trung niên, chết vì ung thư là tình trạng đã xảy ra trong làng từ nhiều năm nay, mà mỗi khi chúng tôi trở về, đều nghe nói về người này chết, người kia chết đều do ung thư. Chết về ung thư nhiều quá! Có năm toàn chết trẻ, tuổi trung niên, có năm toàn người già.

Chúng tôi nghĩ rằng đây là một thách đố, một thử thách đối với một làng đạo toàn tòng như An Mỹ, giáo xứ Lường Xá. Hãy sống đơn giản, ăn uống đơn giản và luôn giữ “trí lự lòng thanh”. Chắc chắn là chính quyền địa phương, cụ thể là huyện Phú Xuyên, sẽ có kế hoạch để thay đổi tình trạng “làng ung thư” này. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, mỗi nhà, cách riêng là các bà, các chị hãy tự tạo cho nhà mình một “mâm cơm sạch”, vì bệnh ung thư ít nhiều đến từ thực phẩm.

Sau cùng, còn một vấn đề làm bận tâm những nhà văn hóa cũng như một số nhà văn, đó là nông thôn Việt Nam, đang tàn lụi dần, đang bị kế hoạch thành thị hóa nông thôn, làm cho “chất quê” nhạt nhòa, lấm lem, dính đầy chất văn hóa chết của tứ xứ, thành phố mới và các trung tâm thương mại đang trong thời kỳ phát triển với tốc độ chóng mặt. Các khu công nghiệp, chiếm hàng ngàn, hàng chục ngàn ha đất nông nghiệp, đã phá hỏng cả một vùng nông thôn vốn yên ả. Cái định hướng “vươn ra biển lớn” hay “toàn cầu hóa”, chỉ mang lợi về cho nhà tư bản hay nhóm lợi ích. Các nước đang trong thời kỳ phát triển, tuy cũng có được một vài lợi ích, nhưng mất quá nhiều. Cái mất lớn lao nhất của các nước này, trong đó có Việt Nam, là văn hóa truyền thống, là nền tảng gia đình bị tan vỡ, là phẩm giá con người bị đặt ngang hàng với hàng hóa, để trao đổi, mua bán, cách riêng với thân phận người phụ nữ bị rẻ rúng. Một số vùng nông thôn, người dân đã bao đời gắn bó với mảnh đất do tổ tiên và những người thân thuộc khác vun đắp và xây dựng, quyện với mồ hôi và nước mắt, nay họ bị bứng đi khỏi những nơi này để đến ở trong những khu chung cư chật chội, đông người. Họ mất không gian ở thôn dã, mất cảnh trăng thanh gió mát nơi đồng nội. Thay vào đó là những nhà máy, khu công nghiệp ngày đêm nhả khói bụi và nước thải ô nhiễm môi trường. Thiệt hại nhiều nhất vẫn là người dân bình thường.

Ngày 26-4-2019, Hội Nhà Văn Việt Nam và báo Nông Thôn Ngày Nay, đã phát động cuộc thi viết truyện ngắn, diễn ra tại Hà Nội, chủ đề “Làng Việt thời hội nhập”. Trong buổi phát động này, tổng biên tập báo Nông Thôn Ngày Nay cho biết, nông thôn hôm nay đang có sự biến đổi ghê gớm. Bên cạnh những mặt tiến bộ thì còn có rất nhiều điều nhức nhối như bi kịch của quá trình ly nông-ly hương, hệ lụy của đô thị hóa nông thôn; rất nhiều chuyện đáng phê phán như cờ bạc, ma túy, rượu chè, chủ nghĩa thực dụng; tình làng nghĩa xóm phai nhạt…Ngoài những ý kiến trên đây, còn có ý kiến của mấy nhà văn khác. Có người nói lên tiếng kêu của mình: Các sáng tác có tầm vóc về đề tài nông thôn đương đại là rất cần thiết để góp phần vào việc “cứu lấy nông thôn-nền tảng của văn hóa Việt”. Một nhà văn  khác còn nói đến sự tan rã và biến mất  của các làng quê hiện nay… (Báo Tuổi Trẻ ngày 27-4-2019 trang 15)

Còn chính làng quê An Mỹ, nằm trong vùng chiêm trũng, truyền thống là trồng lúa nước thì, hiện nay đất trồng lúa đang dần dần bị thu hep, thay vào đó là lán trại chăn nuôi hay xây dựng tổ công nghiệp về mộc. Nhiều người không còn mặn nồng với việc cày cấy nữa, có nhà cho người khác canh tác mà cũng không có người muốn nhận. Tình trạng này gọi là ly nông. Còn vấn đề ly hương thì rõ ràng là phổ biến trong toàn quốc, người ta bỏ làng đi đến những thành phố, đô thị mới hoặc tập trung tại những khu công nghiệp. Giáo hội Công giáo cũng băn khoăn nhiều và lo lắng khi thấy người Công giáo ở nhiều nơi cũng lìa xa giáo xứ, nhà thờ nơi quê quán mình để đến những đô thị mới, những nơi có xí nghiệp lớn làm việc, mà những nơi này đều không có nhà thờ, hoặc nhà thờ ở xa. Ở cương vị giáo dân, chúng tôi thấy giáo hội mặc dù cũng rất quan tâm tới việc mục vụ người di dân, một năm đôi lần, giáo hội địa phương tổ chức được vài thánh lễ, linh mục ngồi ăn với họ một bữa cơm, tổ chức một buổi sinh hoạt văn nghệ. Tuy nhiên không thể làm cho những dịp này trở nên như ở quê quán họ, nhất là họ phải xa cách “tình làng nghĩa xóm” vốn là một nếp văn hóa lâu đời của nông thôn Việt Nam.

Sau nhiều lần về quê, chúng tôi đã viết những bài thơ nói đến tâm tư của mình trước những đổi thay, trong đó sự mất mát về tinh thần là quan trong đối với những bậc cao niên trong làng như chúng tôi. Dưới đây là hai đoạn cuối trong nhiều đoạn khác của một bài thơ, viết về tâm trạng của tôi khi đi thăm một gia đình người trong dòng họ, nạn nhân của cải cách ruộng đất năm nào:

Đi thăm nhà cũ

Lối mòn xôn xao

Người thân năm nào

Nhân ảnh còn đây

Hương án bụi đầy

Tường nhà rêu phủ

Tôi cúi đầu lạy

Bóng người năm cũ

 

Bây giờ tóc bạc

Về mái nhà xưa

Chỉ thấy hồn đau

Mất đi nhiều quá

Nghe thạch sùng kêu

Trong thời đổi mới

 

Tháng 3-2017

Nói như thế để thấy được việc chúng ta mất mát qua nhiều, về mặt tinh thần, văn hóa, tình cảm con người… Người dân làng tôi không phải là ngoại lệ trong toàn cảnh của đất nước như vậy.

Khải Triều

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search