T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lê Dinh & Hoài Linh: Trắng Đêm Đợi Chờ

“. . . Lời ca của Hoài Linh được đánh giá là bay bướm, văn hoa, có vần có điệu. Mỗi lần soạn nhạc, ông viết ra giấy cả một lô danh từ hay tính từ cùng vần với câu trên để ông để lựa chọn. Hoài Linh thích sử dụng từ Hán Việt. . .”

Lê Dinh & Hoài Linh: Trắng Đêm Đợi Chờ

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

Trắng Đêm Đợi Chờ – Sáng Tác: Lê Dinh & Hòai Linh

Trình Bày: Hòang Oanh – Youtube

Trắng đêm đợi chờ (Lê Dinh & Hoài Linh) – Hoàng Oanh || Dĩa Nhựa || Trước 75

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm, phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v..(T.Vấn: Dòng Nhạc Kỷ Niệm với Nhạc cũ miền Nam).

©T.Vấn 2019

Đọc Thêm:

(Nguồn: Nhacxua.vn)

Hoài Linh

Nhạc sỹ Hoài Linh tên thật là Lê Văn Linh, người gốc miền Bắc, sinh vào khoảng 1925 thuộc nhóm nhạc sỹ nhạc Vàng.

Cũng giống như các nhạc sĩ giai đoạn cuối những năm 1950, trước khi chuyển sang và thành công với dòng nhạc Vàng (1963 – 1975), Hoài Linh cũng sáng tác những bài hát có nét nhạc cổ điển ảnh hưởng bởi giai đoạn trước đó, lời ca các bài hát giai đoạn này lãng mạn nhưng chưa vương khói lửa chiến chinh. Trong số đó có Ảo Ảnh, Ngăn Cách của Y Vân, riêng Hoài Linh thì ca khúc nổi tiếng nhất của ông giai đoạn này là Nếu Đừng Dang Dở (tiếng hát Lệ Thu).

Đầu thập niên 1960, ông chuyển sang dòng nhạc Vàng và nhanh chóng nổi tiếng với nhạc phẩm Sầu Tím Thiệp Hồng (tiếng hát Hà Thanh). Ca khúc đã trở thành bài hát lý tưởng dành cho các cặp song ca như Chế Linh – Thanh Tuyền và sau này là Tuấn Vũ – Giao Linh, hay gần đây nhất là Quốc Đại – Cẩm Ly.

Từ đó cho đến 1975, ông liên tục cho ra đời những tác phẩm được thính giả khắp nơi yêu thích. Nhạc của Hoài Linh mang nhiều chủ đề, từ tình cảm đôi lứa như: Áo Em Chưa Mặc Một Lần, Thiệp Hồng Anh Viết Tên Em, Về Đâu Mái Tóc Người Thương, Giọt Lệ Vu Quy, Căn Nhà Màu Tím, Hai Đứa Giận Nhau, Nhịp Cầu Tri Âm …, đến chủ đề về người lính như: Xin Tròn Tuổi Loạn, Lính Nghĩ Gì, Lá Thư Trần Thế, Tám Nẻo Đường Thành …, ông còn có những tác phẩm mang đề tài về quê hương, ca ngợi thiên nhiên như Khách Lạ Đò Xưa, cũng như các ca khúc về Xuân như Xuân Muộn, Tâm sự nàng xuân.

Nổi tiếng bởi những bài hát với giai điệu dễ nghe, nhưng biệt tài đặt lời hát của Hoài Linh còn được các nhạc sĩ cùng thời đánh giá cao. Theo lời kể của Văn Giảng thì dạo trước hầu như nhạc sĩ nào cũng muốn Hoài Linh đặt lời cho ca khúc của mình, vì bài nào có bút của ông đặt vào là rất ăn khách. Lời ca của Hoài Linh được đánh giá là bay bướm, văn hoa, có vần có điệu. Mỗi lần soạn nhạc, ông viết ra giấy cả một lô danh từ hay tính từ cùng vần với câu trên để ông để lựa chọn. Hoài Linh thích sử dụng từ Hán Việt.

Theo mô tả của nhạc sỹ Lê Dinh và nghệ sỹ Tâm Phan thì giữa ngoại hình và nội tâm của Hoài Linh tương phản lẫn nhau. Ông ăn mặc xuề xòa, lại có dáng con nhà võ, không giống với truyền thống tươm tất, lịch lãm của làng ca nhạc. Trong 3 năm quen biết nhạc sỹ Lê Dinh chỉ thấy ở Hoài Linh một kiểu ăn diện duy nhất, đó là áo sơ-mi bỏ ngoài quần. Thế nhưng khi ôm đàn, cầm bút viết lời ca cho các sáng tác của mình, cũng như của các nhạc sỹ bạn. Hoài Linh đã trở thành một con người khác.

Hoài Linh là một trong số những nhạc sỹ hiếm hoi có cuộc sống thoải mái về tài chánh chỉ nhờ công việc sáng tác. Vào năm 1968, khi nhạc sỹ Văn Giảng vừa mới chân ướt chân ráo từ Huế vào Saigon. Ông được Hoài Linh mời ăn tân gia trong một ngôi nhà ba tầng đồ sộ, ông mới hiểu tại sao các nhạc sỹ trong Nam đua nhau sáng tác nhạc Vàng.

Mỗi lần nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông tổ chức đại nhạc hội thương mại với thành phần gồm các ca nhạc sỹ trong đoàn Vì Dân, Tâm Phan lại được hợp tác để thực hiện một vở kịch, từ đó anh diễn viên quen thân Hoài Linh và xem như một người anh. Một ngày nọ, Hoài Linh nổi hứng mua cho Tâm Phan một đôi giày mới. Thời đó, với mức sống không được cao lắm của người dân Sài gòn thời bấy giờ, việc mua một đôi giày mới cũng là cả một vấn đề, cho nên Tâm Phan không bao giờ quên.

Gần 30 năm sau, tức năm 1995 sau khi Hoài Linh bị trắng tay do bị bại liệt bởi tai biến mạch máu não, Tâm Phan về thăm. Lúc đó, tất cả mọi bộ phận trên người Hoài Linh đã trở nên bất hiển dụng (tê liệt) trừ mấy đầu ngón tay. Bà vợ của nhạc sỹ mới bảo Tâm Phan nắm lấy bàn tay của ông, rồi bà nói với chồng: “Chú Tâm Phan về thăm ông đấy, ông có nhận ra chú ấy thì bấm ngón tay một cái”. Kết quả theo lời kể của Tâm Phan là người nhạc sỹ đã bấm nhẹ lên lòng bàn tay của ông, trước khi từ biệt, Tâm Phan đã tặng cho nhà nhạc sỹ Hoài Linh một số hiện kim mà ông nói đùa rằng để trả nợ đôi giày ngày xưa. Cũng trong dịp này, Tâm Phan cũng đề nghị bà vợ của nhạc sỹ Hoài Linh chụp một tấm hình trong tình trạng thê thảm ấy gửi ra hải ngoại để xin bạn bè giúp đỡ, cũng như đánh động lương tâm của những người đang khai thác miễn phí các tác phẩm của ông hoặc của ông viết chung với các nhạc sỹ khác. Rất tiếc, công việc chưa đi đến đâu thì nhạc sỹ Hoài Linh đã mất vào dúng ngày 30-04 năm đó ở tuổi 71.

Ngoài đôi giầy tình nghĩa, Tâm Phan còn nhớ một kỷ niệm khác về Hoài Linh, đó là trong một lần tới thăm, Tâm Phan đã bị nhà nhạc sỹ này bắt ngồi im lăng suốt một tiếng đồng hồ để ông hoàn tất việc viết một ca khúc để đời đó là bản Một Chuyến Bay Đêm (nhạc của Song Ngọc). Đây là một ca khúc có lời rất ý nghĩa, tư tưởng sâu sắc, vượt lên trên tất cả các sáng tác khác của chính ông. Nôi dung của bản Một Chuyến Bay Đêm viết về kiếp phi công mà không miêu tả cái hào nhoáng bên ngoài, không ca ngợi lãng mạn diễm tình như trong bản Tuyết Trắng của nhạc sỹ Trần Thiện Thanh. Trái lại, bản Một Chuyến Bay Đêm vừa phảng phất chút huyền thoại của Trung Hoa cổ, vừa bàng bạc trong nhân sinh quan trong Chuyến Bay Đêm của nhà văn kiêm phi công Pháp.

Danh mục tác phẩm

Áo em chưa mặc một lần
Bao giờ quên
Bến chiều
Bích Đào
Buồn như mái tóc
Bức tranh hoà bình
Căn nhà màu tím
Cho xin sống lại (Hoài Linh – Hà Vị Dương)
Chuyện buồn năm cũ
Chuyện đêm mưa (lời Nguyễn Hiền)
Chuyến đò không em (Hoài Linh – Anh Phong; 1965)
Chiến cuộc ơi giã từ
Chiều cao nước mắt
Còn nhớ hay quên
Cô bé ngày xưa
Dù hoa lạc lối
Dù một hai năm
Đêm không còn buồn (Hoài Linh – Song Ngọc)
Đoạn kết một chuyện lòng
Em
Em ơi nếu đừng dang dở (Hoài Linh – Anh Phong)
Gửi bốn phương trời
Giấc buồn ngủ yên
Giọt lệ vu quy
Giờ xa lắm rồi
Hai đứa giận nhau (Hoài Linh – Hà Vị Dương)
Hẹn em mùa thanh bình
Huyền sử một thanh gươm (Hoài Linh – Hà Vị Dương)
Khách lạ đò xưa
Lá thư trần thế
Lá thư không gửi
Lính nghĩ gì?
Mai chị về
Mưa buồn
Mưa ngoài trời mưa tình người
Mười năm chuyện cũ (Hoài Linh – Huỳnh Lâm)
Mộng con được tròn
Một chuyến bay đêm (Hoài Linh – Song Ngọc)
Một thoáng suy tư
Ngày lên đường
Người bạn vừa quen
Người đẹp Bích La Thôn
Nhớ quê xưa
Nẻo đường kỷ niệm
Nhịp cầu tri âm
Những chuyến xe trong cuộc đời
Nếu đừng dang dở (Hoài Linh – Anh Phong)
Nỗi buồn gác trọ (lời Mạnh Phát)
Nửa vầng trăng đợi
Tám nẻo đường thành
Theo đàn em đi
Tiếng chuông chiều
Tiếng hát người yêu
Trăm mến ngàn thương
Trường Tiền hận khúc
Từ đó chia tay
Xin tròn tuổi loạn
Xuân muộn
Xuân về nhớ tết năm nay
Về đâu mái tóc người thương
Vùng con tim

Một số bài hát do Hoài Linh viết lời:
Thiên duyên tiền định (Trang Dũng Phương – Nguyên Lễ) (Hoài An – Hoài Linh)
Biệt kinh kỳ (nhạc Minh Kỳ)
Chuyến tàu hoàng hôn (nhạc Minh Kỳ)
Sầu tím thiệp hồng (Minh Kỳ – Hoài Linh)
Chúng mình ba đứa (Song Ngọc – Hoài Linh)
Thiệp hồng anh viết tên em (Song Ngọc – Hoài Linh)
Đầu xuân lính chúc (Tấn An – Hoài Linh)

Bài Mới Nhất
Search