T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoàng Quân: Na Uy – Xứ Lạnh Tình Nồng

Duyên hội ngộ

Cách đây mấy năm, em tôi đi Na Uy về, đưa cho tôi cuốn Viết & Đọc. Nói, của người bạn làm báo gởi tặng. Bởi, nghe em kể, có người chị cũng viết lách. Sau đó, tôi nhận email của Dương Kim, rủ đóng góp bài vở cho Viết & Đọc của Na Uy. Tôi gởi đôi bài viết cũ cho Kim. Vẫn định bụng, lúc nào đó, gởi bài mới. Mà vẫn chưa thực hiện được.

Tôi gởi tặng Dương Kim tập truyện Bông Hoa Trên Phím. Kim viết thư cám ơn, tôi mới biết, Kim là con trai của cố luật sư/nhà văn Dương Kiền.

Tháng bảy 2016, tôi đổi việc, dọn nhà xuyên tiểu bang, từ Berlin về Frankfurt. Còn hai ngày phép, để hoàn hồn sau những tuần lu bù với bàn giao công việc và chuẩn bị “di cư”. Kim viết thư báo tin, gia đình Kim sẽ sang Berlin chơi. Nếu thuận tiện, hẹn gặp nhau. Quả là có duyên gặp. Sớm hơn, e rằng tôi không thể thu xếp được. Trễ vài ngày, tôi đã gồng gánh rời “kinh đô” về “quê”. Thế là chúng tôi có dịp dàn hàng chụp hình dưới cổng thành lịch sử Brandenburger Tor. Sau buổi picnic dã chiến, chúng tôi xúm xít ôm những tảng đá trong Tiergarten. Ngày sau, chúng tôi chiêm ngưỡng lâu đài Sanssouci với vườn thượng uyển tuyệt mỹ ở Potsdam, thủ phủ của tiểu bang Brandenburg.

Cách đây mấy tuần, trên đường đi đến chỗ làm, tôi nhâm nhi cuốn Hoa Tuyết, truyện ngắn các nhà văn Nữ Na Uy do Dương Kim dịch. Tự dưng, tôi cảm thấy Na Uy như thân hơn một chút và nghĩ, mình sẽ đi Na Uy, trong một ngày gần đây.

Tình cờ, em tôi báo tin, ở Oslo có văn nghệ với ca sĩ từ Mỹ qua. Lịch tháng 11 của tôi đã quá bận rộn với hai chuyến đi xa vào đầu và cuối tháng. Nhưng, như có thôi thúc trong lòng, tôi vào mạng tìm vé máy bay. Liên lạc với Kim báo tin, chúng tôi sẽ đến Oslo gần nửa đêm. Vài tin nhắn qua về trên viber, vài thông tin tới lui trên email. Mọi chuyện được sắp xếp đâu vào đó. Khuya thứ sáu, Kim đón vợ chồng chúng tôi ở phi trường Gardermoen. Buốt giá của Bắc Âu là đây. Cỏ cây trắng xóa. Trên đường về nhà Kim, giữa đêm, đèn vẫn sáng choang quanh nhà. Hei Norge, xin chào Na Uy.

Xứ Lạnh

Trong phố không nhiều tuyết, nhưng khá lạnh, khoảng 10 độ C âm. Mặt đường trơn trợt. Đi rón rén từng bước, thế mà phu quân của tôi vẫn chụp một rổ ếch to tướng.

Kim đưa chúng tôi lên khu trượt tuyết Holmenkollen ở vách núi. Nơi đây có cầu nhảy trượt tuyết lâu đời nhất thế giới. Cầu trượt cao ngất nghểu. Nhìn thôi, đã phát ngợp. Nếu trời trong, từ trên cao có thể thấy thành phố Oslo. Hôm đó, buổi sáng có vài tia nắng mỏng manh, trời xám mù khi chúng tôi lên đến Holmenkollen. Chúng tôi lòng vòng dạo chơi, nhìn xuống toàn cảnh sân vận động phía dưới, trắng xóa những tuyết và tuyết. Băng tuyết bám trắng cây cỏ, trông thật thích mắt, tựa như những hình chụp trong thiệp giáng sinh. Nhà cửa dọc hai bên đường của khu này rất đắt. Đa số, nhà vách gỗ, sơn màu trắng, màu sáng. Các hàng rào cũng bằng gỗ. Có lẽ nhờ vậy, giữa tuyết lạnh, nhà cửa vẫn đem lại cảm giác ấm cúng. Năm nay, nghe nói, hơi lạnh so với những năm trước. Cho nên, nghe tin chúng tôi đến Na Uy vào mùa này, ai cũng nhắc nhở nai nịt kỹ càng.

Đời sống Na Uy khá đắt đỏ so với Đức. Nhưng vẫn “dễ chịu”, vì mức thu nhập cao và hệ thống an sinh xã hội rất tốt. Nhiều năm, Na Uy  là một quốc gia có phẩm chất cuộc sống cao nhất thế giới.

Sóng Nước Biếc

Chỉ mỗi ngày thứ bảy cho Oslo, chúng tôi có thể “liếc” sơ một hai danh lam thắng cảnh của thủ đô. Chúng tôi trực chỉ Vigelandsanlegget. Người Việt ở Na Uy gọi nôm na là công viên “xếch-xy”, vì toàn bộ tượng hình ở công viên đều ở trong trang phục chào đời.

Công viên với hơn hai trăm bức tượng đá hoặc đồng của điêu khắc gia người Na Uy Gustav Vigeland. Những bức tượng này là biểu tượng chu kỳ của kiếp người. Từ lúc là một bào thai trong bụng mẹ, lớn lên, già đi. Sinh, lão, bệnh, tử. Bức tượng đồng tạc cậu bé con giận dữ dậm chân có lẽ rất được ưa chuộng nên thỉnh thoảng lại bị “đạo chích” xén đi bàn tay.

Đi dạo trong công viên Vigelandsanlegget, trời rét căm căm. Bỗng dưng, tôi nghe tiếng nhạc réo rắt. Một nhạc công phong cầm ngồi giữa băng tuyết, đang chơi bài Sóng Nước Biếc. Thật là tình cờ kỳ diệu. Mới hôm qua, hôm kia, ở Đức, khi chậm chân nghe nhạc công chơi phong cầm ở nhà ga, trí tôi lao xao nhạc điệu bài Sóng Nước Biếc. Bươn bả chạy nhanh cho kịp giờ xe, tôi tiếc, định bụng hôm nào thuận tiện sẽ đến yêu cầu. Hôm nay, ở Oslo, tôi được nghe Waves of the Danube của nhà soạn nhạc người Lỗ-Ma-Ni, Iosif Ivanovici. Lời Việt Sóng Nước Biếc của nhạc sĩ Phạm Đình Chương thật tuyệt vời. Trong cái lạnh cắt da, giữa công viên rộn ràng du khách, tôi mơ màng.

Một giòng sông sâu cuồn cuộn sóng trôi về nơi đâu

Gió đưa buồm nâu mang tâm hồn vào cõi u sầu

Một vầng trăng nhô rung mình dưới muôn đợt sóng vỗ

Lá hai hàng cây khô đang gieo mình vào cõi mơ hồ

Tôi đứng lại, chân đi không rời.

Bạn bè đã lên trước một đoạn xa, quay lại vẫy vẫy tôi. Tôi tần ngần, tiếc rẻ, rảo chân theo cho kịp, trí vẫn vang vang lời ca mượt mà.

Sóng lớp lớp, sóng lớp lớp, sóng đem nguồn vui

Đang chơi vơi, đang chơi vơi, sóng lan mọi nơi

Khi đau thương, khi yêu đương, thiết tha vô vàn

Sóng dâng trong lòng ta mơ màng

Tình Nồng

Nhà cửa ở Na Uy thật dễ thương. Nhà vách gỗ, mùa đông thấy đẹp, mùa hè chắc còn đẹp hơn nữa. Đến ai, thấy nhà cửa cũng khang trang. Hệ thống sưởi rất hiện đại. Ngoài trời rất lạnh, mà trong nhà vẫn ấm áp dễ chịu.

Chúng tôi về đến nhà Kim đã quá nửa đêm. Chủ nhà đã chuẩn bị chiêu đãi du khách Đức món ăn khuya. Sau khi ăn món mì xào tôm thịt, chúng tôi tráng miệng ly nước Na Uy. Nước lạnh, mà ngọt như đường cát, mát như đường phèn.

Bước vào nhà, hai vợ chồng  Kim đã cho chúng tôi cảm giác mình là người nhà. Chúng tôi được có hẳn giang sơn riêng, một cái suite, với phòng tắm rất hiện đại, và chắc là… hại điện. Buổi sáng, có bún bò, thơm phưng phức, vừa ăn bún bò nóng hôi hổi, vừa ngắm phong cảnh trời đông qua cửa sổ. Lạnh thì lạnh thật, nhưng đẹp quá chừng.

Kim giống như ông bầu, chở ca sĩ chạy show. Kim đưa chúng tôi đi thăm người đồng nghiệp xưa của Ba tôi. Tôi được nghe bác ôn vài kỷ niệm thuở bác và Ba tôi ở Việt Nam. Bác gái đãi chúng tôi món bánh bột lọc, ăn với nước mắm đặc biệt do chính tay bác bào chế. Gia đình hai bác tiếp đãi chúng tôi thật thân thiết, nồng hậu. Chuyến ghé thăm chớp nhoáng, mà ra về quyến luyến mãi. Kim tiếp tục chạy xe ngang dọc qua những con đường ngập tuyết của Oslo, tìm cho tôi chị bạn thời Quảng Ngãi. Mấy chục năm gặp lại, vừa chuyện vãn, chị bạn bày nướng bánh kẹp ăn với Brunost, một loại phô-mai màu nâu đặc biệt của Na Uy, làm từ sữa bò, dê, cừu. Thiệt ra không phải ai cũng xơi được món này. Nhưng đã đến Na Uy thì phải thử cho biết chứ. Cũng như món cá hồi phải có trong thực đơn ở đây.

Chuyện Bên Lề

Khi quyết định thần tốc đến Na Uy trong cuối tuần rét mướt tháng 11, đâu đó trong góc lòng, tôi có ý mong chàng ca sĩ rủ rê Về đây mặc áo the, đi guốc mộc và nghe nàng ca sĩ thì thầm Trùng dương vỗ sóng về để đón bước em…

Nơi tổ chức ca nhạc thật ấm cúng, sang trọng với số lượng khách vừa phải. Hai anh em ca sĩ chịu khó đứng, ngồi, điệu bộ để khách hâm mộ chụp hình chung.

Chàng ca sĩ giới thiệu chương trình, nửa đùa, nửa thật, bảo, phải “câu giờ“, chứ hát đến khuya e không đủ sức. Loáng thoáng có tiếng yêu cầu bài hát quen thuộc. Chàng ca sĩ bảo, “Trịnh Công Sơn muốn tôi hát bài Phôi Pha, tôi hát, sau đó ít lâu, anh ấy qua đời. Tôi gặp anh Trầm Tử Thiêng, anh ấy cũng thích bài này. Bây giờ anh ấy đã ra đi.” Rồi với một giọng tưng tửng (vừa vô tâm, vừa vô duyên): “Đấy, bây giờ ai còn muốn tôi hát Phôi Pha nữa không?”.

Uổng quá! Chàng ca sĩ ơi! Phải chi chàng cứ lầm lì, mặt nhăn, mày nhó (như vài đức lang quân nhận xét), nhưng chỉ cất giọng, Yêu là lòng bâng khuâng, nhớ hay thương một chiều thu vương, thì biết bao “em” thổn thức, tương tư.

Dạo tôi “lùng” tìm nhạc chàng hát, tôi bắt gặp một trong những bài hát tôi yêu nhất. Nghe chàng thảng thốt: Đừng nhìn anh nữa em ơi, hoa xanh… hương trinh… Tôi hoảng hồn. Kinh khủng quá! Chàng mà cũng hoa xanh! Chàng mà cũng hương trinh! Tôi tắt máy cái rụp, không đủ can đảm nghe chàng… tra tấn. Ngày xưa tôi đã thương giọng ca của chàng. Nhưng chàng hát như vậy, là chàng… đả thương tinh thần tôi. Thôi thì thôi nhé, có ngần ấy thôi, chàng ca sĩ ạ.

Nàng ca sĩ có lẽ chạy nhiều show, hãy còn mệt, không đủ thì giờ ôn bài, nên hát nhạc ngoại quốc là chính. Khi nàng ca sĩ nhộn nhịp Hey hey, set me free, Stupid Cupid stop picking on me… không khí rộn ràng tươi vui. Nhưng chỉ để nhảy lưng tưng, tôi mở nhạc ở nhà cũng được, chứ đâu phải lặn lội đường xa như vầy. Sau đó, theo lời yêu cầu của khán giả, nàng ca sĩ hát vài bài nhạc Việt. Nàng thủ thỉ, sẽ hát bài Sang Ngang Ngăn Cách của Y Vân. Tôi nhăn nhó thầm, bài Sang Ngang của nhạc sĩ khác mà. Nàng nỉ non:

 Thôi nín đi em lệ đẫm vai rồi buồn thương nhớ ơi

….

Em khóc những chiều, anh xót xa nhiều thương cho đàn con.

Tôi giật bắn cả người. Ôi trời! Nàng ca sĩ đành đoạn đem “râu” Bài Không Tên Số 4 của nhạc sĩ Vũ Thành An cắm vào “cằm” bài Sang Ngang của nhạc sĩ Đỗ Lễ.

Chỉ là người nghe, tôi đã cảm thấy đau nhoi nhói cho bài hát. Tác giả biết được, buồn biết chừng nào.

Tôi sẽ trở lại Na Uy. Có nhiều bạn bè dễ thương ở chốn đó. Có nhiều phong cảnh đẹp tôi muốn thăm. Nhưng có lẽ tôi không bao giờ đến Na Uy để nghe nhạc như lần này.

Tạm biệt Na Uy

Vợ chồng Kim rất chu đáo, gói những món quà “quê” Na Uy cho chúng tôi: cá hồi hun khói và cá nục đóng hộp. Đây là những món quà rất được dân Đức gốc Việt ưa chuộng.

Mùa hè, Na Uy còn nhiều màn hấp dẫn như đi câu cá ngoài biển, leo núi Preikestolen (Preacher’s Pulpit hoặc Pulpit Rock), đến thăm Trondheim, thủ đô ngày xưa của Na Uy.

Một cuối tuần ngắn cho chuyến đi chơi ở Oslo, Na Uy. Nhưng nhiều hứa hẹn cho tình bạn dài lâu. Na Uy, cám ơn những tình thân nơi xứ lạnh đã tặng hai vợ chồng chúng tôi những tình nồng.

Ser deg igjen, Norge. Tạm biệt Na Uy. Hẹn ngày tái ngộ.

 

Hoàng Quân

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search