T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: NGHE TIN DU TỬ LÊ MẤT, ĐỌC LẠI BÀI THƠ: ĐÊM, NHỚ TRĂNG SÀIGÒN!

(Tùy bút)

 

Đêm về theo vết xe lăn

xe lăn, mà sao nghe như xe tang

xe chở xác qua phường Dạ lạc

của Văn Cao?!

dù cờ đã thay

dù tên thành phố đã đổi

thì trái đất vẫn quay

ngày vẫn đi và đêm vẫn tới

xe vẫn lăn

và nhịp đời vẫn chuyển

nhưng trăng Sài Gòn

trăng của tôi thưở nào

giờ đã là trăng viễn xứ

trăng viễn xứ buồn xiết bao

hồn tôi một thưở xanh phơi phới

giờ ủ ê vàng vọt

tôi đâu có đau gan đau phổi

mà sao trông ốm yếu ho hen

thì hãy đừng tìm tôi

vì bạn sẽ thấy đèn thắp hai hàng

như hai dãy nến cháy trên nắp áo quan

Phố xá ngày xưa đông vui

giờ hoang vu đến nỗi

chỉ thấy cờ đỏ trên cây

và khẩu hiệu giăng ngang

như mạng nhện

Trần Dần thấy mưa sa trên màu cờ đỏ

tôi cũng chỉ thấy sương quàng cổ cây

chúng tôi lạc nhau

tôi và hồn của tôi

giữa thành phố hoang vu

tôi nổi chiêng trống gọi

mà hồn tôi vẫn mỗi ngày mỗi xa

 

Từng chuyến xe qua

và đêm vẫn về

tôi ngồi nhớ tôi

nhớ tôi xa lộ

nhớ nhà Hàng Xanh

nhớ mưa Thị Nghè

nhớ nắng Trương Minh Giảng

nhớ lá reo trên đường Tự Do

giờ là Đồng Khởi mà không đồng hành

nhớ em kim chỉ khíu tình

trưa ngoan lớp học chiều lành khóm tre

tội nghiệp làm sao

khi thấy em cắt chiếc áo dài

chiếc áo học trò

hai phần gió thổi một phần mây

chiếc áo mỗi khi em mặc

cánh tay em mềm như cánh chim

giờ may áo cụt

để xuống ruộng nhiều đỉa

học lao động

học đan đát dưới khóm tre

và tôi nhớ dù không muốn nhớ

pho tượng người lính ngồi nhớ bạn bè đã chết

cây súng buồn đặt trên gối

mắt buồn rưng rưng

được đặt tên Thương Tiếc

ở nghĩa trang quân đội Biên Hòa

không muốn nhớ vì tượng đã bị cắt cụt đầu

đem nung thành đồng nát

 

Bài thơ được làm năm một chín bảy tám

năm mà ông và Mai Thảo

bị kết án tử hình trên đài phát thanh

năm mà Sài Gòn bị bao vây

một cân gạo, một ký thịt cũng bị tịch thu

năm ông đi làm ca hai ở đất nước người

chỉ thui thủi một mình với một vầng trăng

năm mà con sông xưa thành phố cũ

giờ đã xa rồi, xa thăm thẳm

chính vì vậy mà ông thấy trăng Sài Gòn

đẹp hơn trăng viễn xứ

và ông nhớ, không chỉ trăng mà cả mưa cả nắng, cả lá cây cả bụi đường

nhớ những gì gần gũi nhất

tầm thường nhất

mà cũng đau đớn nhất

không như Trịnh Công Sơn ở trong nước

thoải mái nhớ ly chè quen

nhớ ngựa thồ ngoại ô xa vắng

nhớ phố đêm đêm hàng quán xôn xao

 

Ông có bài thơ Khi tôi chết hãy đưa tôi ra biển

cũng như trường ca Mẹ về biển Đông

bỡi vì đi hết biển Thái Bình là về tới Việt Nam quê nhà

là chấm hết nỗi đau của một người viễn xứ.

giờ, có thể thân xác ông nằm cạnh mẹ trên đất Mỹ

nhưng hồn ông chắc đã lang thang trên phố Trương Minh Giảng, phố Thị Nghè và tìm đến nghĩa trang Biên Hòa, dù pho tượng người lính không còn nữa.

Bài thơ của ông đã xé nát tim tôi

buồn không viết thêm được nữa.

13/10/2019

Khuất Đẩu

 

©T.Vấn 2019

 Phụ Lục:

(Nguồn: www.thivien.net)

 

Đêm về theo vết xe lăn
Tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng
Tìm tôi đèn thắp hai hàng
Lạc nhau cuối phố sương quàng cỏ cây

Ngỡ hồn ta xứ mưa bay
Tôi chiêng trống gọi mỗi ngày mỗi xa
Đêm về theo bánh xe qua
Nhớ em xa lộ nhớ nhà Hàng Xanh

Nhớ em kim chỉ khứu tình
Trưa ngoan lớp học chiều lành khóm tre
Nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè
Nắng Trương Minh Giảng trưa hè Tự Do

Nhớ nghĩa trang quê hương bạn bè
Nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường
Đêm về theo vết xe lăn
Tôi trăng viễn xứ sầu em bến nào?


1978
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc thành bài hát cùng tên.
Bài Mới Nhất
Search