T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: NGHĨ VẨN VƠ, CUỐI ĐỜI (bài 15) – TIẾNG NƯỚC TÔI

Quê Hương – Tranh: Mai Tâm

Đó là tiếng mẹ đẻ, và không riêng gì Phạm Duy, tôi cũng yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời.

Âm đầu tiên mà mọi đứa trẻ phát ra từ đôi môi bé xíu, là âm mờ/m/ cùng với tiếng khóc e..e.. a..a.. chỉ dăm bảy tháng sau khi sinh đã bập bẹ ma ma, me me. Rồi cùng với tiếng mẹ ru à ơi, thành ra tiếng đầu lòng, tức là tiếng mẹ ơi, má ơi, chứ không thể và không bao giờ, ngay cả ở Liên xô, tiếng đầu lòng con gọi Xít ta lin*.

Cho nên cái chủ nghĩa cộng sản thường huênh hoang bách chiến bách thắng, thực ra đã thất bại ngay từ khi mới ra đời.

Rồi tôi học nói, như con chim học nói trên cành líu lo. Bởi vì, như các cụ cố đạo Bồ Đào Nha, cách đây bốn trăm năm đã nghe các phụ nữ bản xứ, nói như chim hót.

Con chim không hót thành lời mà ra nhạc. Tiếng nước tôi cũng vậy, mỗi câu nói là những hợp âm cấu thành câu nhạc.

Bởi thế mới có ca dao, là những lời ca của đồng quê nội cỏ. Có hát chèo, hát quan họ ở bắc, có hò mái nhì, hò mái đẩy, hò bá trạo ở trung và trên một con đò với sông nước mênh mang ở phương nam, buồn quá hát chơi thành ra vọng cổ.

Những cô đi cấy lấy công, những dân chài, những cô lái đò nào ai biết nhạc, vậy mà vẫn hát được vì trong tiếng nói có nhạc, cứ ngân nga sẽ thành câu hát.

Mình về mình nhớ ta chăng

Ta về ta nhớ hàm răng mình cười.

Từ đó mà có thơ lục bát, có truyện Kiều, có Hồ Dzếnh, Huy Cận…

Không như thơ Đường luật với nhiều luật chặt chẽ như luật hình sự, ca dao chỉ cần âm thứ sáu của câu tám vần với âm cuối của câu sáu, và cả hai đều vần bằng.

Vậy thôi, dễ dàng quá nên ai cũng có thể làm thơ được, mà ai cũng yêu thơ nên nước Việt Nam tự xưng là vương quốc thơ cũng phải thôi. Chỉ có điều, thơ không phải số nhiều mà phải có hồn. Cái ấy mới thực là khó. Ta gọi thi hào Nguyễn Du, nhưng Nguyễn Đình Chiểu là nhà yêu nước, tuy hai người cùng làm thơ lục bát, là vì cái hồn thơ nọ.

Từ đó, tôi nghiệm ra rằng, tiếng nước tôi rất giàu âm điệu và rất giàu tính từ.

Trước hết hãy nói về điệp ngữ, điệp âm.

Sè sè nấm đất bên đàng

Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh

Thực khó mà dịch ra tiếng nước ngoài. Có thể dịch nghĩa được chứ không thể tìm ra chữ điệp âm.

Nhớ hồi còn đi học, thầy Cung Giũ Nguyên đã mỉa mai những ai muốn dịch thơ tiếng Việt sang thơ tiếng Pháp với câu ca dao:

Chiều chiều lại nhớ chiều chiều

soir soir pensé soir soir!

Cũng câu đầu lục bát, cũng soir soir nhưng thật là gượng gạo, ngớ ngẩn.

Đến tính từ thì phải nói tiếng nước tôi quá giàu. Nhất là những tiếng chỉ về âm thanh, màu sắc.

Một đèo một đèo, lại một đèo

Khen ai kéo tạc cảnh cheo leo

Cửa son đỏ loét tùm bum móc

Hòn đá xanh rì lún phún rêu

Lắt lẻo cành thông cơn gió giật

Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo

Hiền nhân quân tử ai mà chẳng

Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo!

 (Đèo Ba Dội của Hồ Xuân Hương)

Đố ai mà dịch cho được đỏ loét tùm bum móc, xanh rì lún phún rêu, và lắt lẻo, đầm đìa!

Ngoài đỏ loét, còn có đỏ khé, đỏ bầm. Ngoài xanh rì, có thêm xanh um, xanh lè, xanh lét…

Âm thanh thì mượn âm của tiếng động phát ra

Thùng thùng trống đánh ngũ liên

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

Còn có lanh canh, leng keng, tí tách, líu lo, xì xụp, hít hà…

Nhưng phong phú nhất là cách xưng hô.

Ngôi thứ nhất, ngoài tôi còn có ta, tao, tớ, mỗ, trẫm…

Ngôi thứ hai, ngoài mày còn có mi, ngươi, khanh, mình…

Ngôi thứ ba, ngoài còn hắn, chàng, nàng, thằng nọ, con nọ

Số nhiều thêm chúng, chúng ta, chúng tớ, chúng nó, chúng mày. Hay tụi bay, bọn bay…

Trải qua bốn ngàn năm, tiếng nước tôi cũng lận đận nổi trôi theo mệnh nước.

Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, buộc phải nói rất nhiều tiếng của Tàu.

Một trăm năm đô hộ giặc Tây, cũng bị chen vào không ít tiếng của Tây.

Có điều, ông cha ta đã biết nói theo giọng của mình, nên chẳng những đã không bị đánh mất mà còn làm giàu thêm. Như tổ quốc, gia đình, xã hội…hay nhà ga, xà phòng, bơ, bia…

Và gần một trăm năm đô hộ cộng sản, tiếng nước tôi đang bị làm cho méo mó, què quặt.

Bác Hồ gọi chiến sĩ gái, thế là cả miền bắc gọi lính thủy đánh bộ, máy bay lên thẳng, nhà đẻ… và giờ bị Hán hóa, cán bộ nào cũng khẩn trương, triển khai, đảm bảo chấp hành nghiêm chỉnh. Đài tiếng nói Việt Nam thì ba rọi đến buồn cười. Như đi xe, gọi là tham gia giao thông, mười con voi thì gọi là mười cá thể voi

Dù vậy, dân ba miền vẫn nói tiếng mẹ đẻ nghe như chim hót. Ở bắc, tiếng nói như có mang theo một chút gió nên nghe rất sang. Khi vào miền trung có hơi uốn éo như tiếng Huế, tiếng Quảng. Lúc vào nam thì lại chả chớt, nũng nịu nhất là con gái, như mùa nước nổi tràn bờ.

Và cũng tại miền nam, gặp nơi đất lành, tiếng nói lại nảy thêm cành thêm nhánh. Nào chèng đét ơi, nào quậy tá lả bùng binh, nào già cúp bình thiếc, nào cùi tận mạng…

Tôi không phải là nhà ngôn ngữ học, tuy nói quàng nói xiên, nhưng là tiếng của lòng tôi, tiếng của mẹ dạy từ lúc nằm nôi, nói cường điệu là xuất phát từ trái tim. Đúng là tôi yêu tiếng nước tôi, nhưng không phải là thế lực thù địch, cũng không phải diễn tiến hòa bình.

10/2019

*Tố Hữu lưu xú vạn niên vì câu thơ này

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search