T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Buổi tưởng niệm thi sĩ Du Tử Lê ở Sài Gòn: Hoài niệm và chân tình

Khán phòng tưởng niệm thi sĩ Du Tử Lê tại quán cà phê Schiller, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức. (Hình: Facebook Lê Kim Lệ)

(Nguồn: Người Việt)

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Buổi tối 15 Tháng Mười, 2019, khi cả đô thị ồn ào vì cơn sốt bóng đá, thì bên dòng sông Sài Gòn, buổi tưởng niệm thi sĩ Du Tử Lê diễn trong khán phòng trang trọng của không gian nghệ thuật của quán cà phê Schiller, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức.

Đêm tưởng niệm thi sĩ Du Tử Lê được một nhóm bạn trẻ yêu thơ ông tự nguyện đứng ra tổ chức. Bức chân dung thi sĩ Du Tử Lê được họa sĩ, nhà thơ Trung Dũng kịp hoàn thành, dù chưa khô màu vẫn được bày trang trọng bên cạnh lư hương để thân hữu và người mến mộ thơ ông lần lượt đến thắp hương.

Trong lời mở đầu về buổi tưởng niệm, nhà báo, nhà thơ Đa Mi bày tỏ: “Chúng ta có mặt ở đây, trên bờ sông Sài Gòn, một tối Tháng Mười này để cùng tưởng nhớ về, một trong những thi sĩ tài hoa bậc nhất của nền thi ca Việt Nam, nhà thơ Du Tử Lê. Vậy là, dường như những đại diện sau cùng của một thế hệ tài hoa làm nên diện mạo của văn nghệ miền Nam, đã lần lượt bỏ chúng ta mà đi.”

Sau một phút mặc niệm tưởng nhớ là phần trình diễn các ca khúc phổ nhạc từ thơ của thi sĩ Du Tử Lê và các cảm nghĩ về thi sĩ, các mẩu chuyện được biết quanh cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông.

Nhà thơ Đa Mi với lời mở đầu về buổi lễ tưởng niệm của những người trẻ yêu thơ thi sĩ Du Tử Lê. (Hình: Facebook Lê Kim Lệ)

Nhà thơ Lynh Bacardi mở đầu với việc diễn cảm thật xúc động nguyên tác bài thơ “Khúc Thụy Du” để thân hữu cùng chia sẻ trọn vẹn bối cảnh thật lúc thi sĩ sáng tác bài thơ; và sau đó Lynh Bacardi hát tiếp ca khúc được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc.

Với sự nghiệp sáng tác và phổ biến tác phẩm thông qua các nhạc sĩ phổ thơ, không có gì lạ khi các thế hệ trưởng thành hoặc sinh sau biến cố 1975; thuộc nằm lòng các ngôn ngữ thi ca tuyệt đẹp của ông.

Nhà văn Nguyễn Viện trong câu chuyện kể về những lần tương ngộ với thi sĩ Du Tử Lê ở Sài Gòn, ông nói: “Khi đọc dòng chữ ‘Ông ngoại lên trời rồi’ từ chị Hạnh Tuyền (phu nhân nhà thơ Du Tử Lê), với anh Du Tử Lê, tôi ngờ ngợ là một câu đùa của đứa cháu.”

Nhà văn Nguyễn Viện chia sẻ cảm nghĩ về những lần tương ngộ với thi sĩ Du Tử Lê. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

“Khi kiểm tra lại thông tin trên nhật báo Người Việt thì biết đây là một tin buồn bất ngờ, mất mát lớn của gia đình anh, của chúng ta những người yêu thơ anh, yêu cái đẹp, sự nhân hậu trên ngọn tình sầu.”

Nhà văn Nguyễn Viện kể tiếp: “Chúng tôi ít gặp nhau, trừ những lần anh về Sài Gòn và văn chương là cầu nối chúng tôi với nhau. Tất nhiên tiếng tăm của anh thì không thể không biết. Cà phê Sài Gòn buổi sáng, lai rai Sài Gòn chiều hôm là cái gì đấy rất Sài Gòn, có lẽ anh Lê mê đắm nó không chỉ là hoài niệm của một người xa rời quê hương mà còn là sự níu giữ, một nỗi niềm với cuộc sống đang trở nên mong manh này. Tôi có cảm giác anh luôn sống như thơ và là thơ ngồi với anh giữa Sài Gòn của chúng ta…”

Đến dự buổi tưởng niệm, về phía gia đình có bà Trương Đào Diệp Khanh, em vợ nhà thơ Du Tử Lê. Sau phần bà Diệp Khanh đọc thơ anh rể mình; chia sẻ với chúng tôi, bà Diệp Khanh cho biết: “Tới giờ vẫn còn thấy hụt hẫng về việc anh ra đi, biết anh ra đi thanh thản nhưng cứ mỗi lần nghĩ tới anh là buồn không thể nói nên lời. Nhớ lần nào anh về hễ có dịp là tôi theo hỏi các bài thơ của anh mà tôi yêu thích, chờ nghe các lời hướng dẫn chân tình và sâu sắc về thơ anh. Tôi và chị Tuyền trước giờ vẫn thường xuyên trò chuyện, qua điện thoại về anh, giờ thì…”

Bà Trương Đào Diệp Khanh (phải) đại diện gia đình thi sĩ Du Tử Lê đọc thơ và bày tỏ sự cám ơn đến những độc giả yêu mến thi sĩ. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Trong đêm tưởng niệm thi sĩ Du Tử Lê, các thân hữu không chỉ được nghe lại các thi phẩm và nhạc phẩm thời danh của ông, mà hơn hết còn may mắn nghe hai ca khúc vừa mới sáng tác từ thơ ông, để tưởng nhớ ông; một thi sĩ, nhạc sĩ Vũ Ngọc Giao và nhạc sĩ Trần Quảng Nam.

Buổi tưởng niệm kết thúc trong không khí hoài niệm chân tình về thi sĩ Du Tử Lê.

Một người trẻ, lặng lẽ chia sẻ riêng cảm nghĩ của mình rằng: “Hương linh ông chắc quanh đây và hẳn thi sĩ thấy hạnh phúc vì đây là lần đầu tiên có buổi tưởng niệm từ độc giả yêu thơ ngay giữa Sài Gòn dành cho ông.”

Họa sĩ Văn Nguyễn đàn và hát một ca khúc của thi sĩ Du Tử Lê. (Hình: Facebook Dũng Trung Kqd)

“Khi tôi chết hãy mang tôi ra biển.”

Ở buổi tưởng niệm này, và cả ở nền thi ca tiếng Việt hôm nay và mai sau, câu thơ nổi tiếng trên được người yêu thơ ông hiểu và tin rằng, “biển” chính là tình yêu dành cho thơ của ông và sự tôn trọng sự nghiệp sáng tác ông để lại.

Cùng với các vì tinh tú tỏa rạng tinh anh của nền thi ca dưới chính thể VNCH, Du Tử Lê thật sự là thi sĩ đã sống, viết, đạt đến sự hoàn mỹ thế giới thi ca theo cách của ông. (Trần Tiến Dũng)

Bài Mới Nhất
Search